Tông sắc nở hoa (Giải Viết Văn Đường Trường 2016)

[ Điểm đánh giá5/5 ]1 người đã bình chọn
Đã xem: 1424 | Cập nhật lần cuối: 6/8/2016 11:53:20 PM | RSS

Tông sắc nở hoa (Giải Viết Văn Đường Trường 2016)Hôm lễ khai mạc “Năm Thánh Lòng Chúa Thương Xót”, Cha xứ nhà thờ Chí Hòa phát cho mỗi gia đình một tệp giấy hơn ba mươi trang và nói:

- Đây là Tông sắc công bố năm thánh về Lòng Thương Xót, với đề tựa: “Dung Nhan Lòng Thương Xót” của Đức Thánh Cha Phanxicô viết. Anh chị em đem về đọc và áp dụng để sống tốt năm thánh này theo lời vị Cha chung mời gọi.

Chị Thiên Ân mang về đọc đi đọc lại nhưng có những chữ chị cũng chưa hiểu như: “Viễn tượng, viên mãn, cuộc hiện sinh, chiều kích nền tảng, hiệu triệu…”. Còn những điều chị hiểu và có thể thực hiện thì lấy bút gạch dưới cho dễ nhớ: “Công bố Tin Mừng theo phương cách mới; Chúng ta đi đến với tất cả mọi người và mang đến cho họ tất cả sự tốt lành cũng như diệu hiền của Thiên Chúa; Giáo Hội cảm thấy mình có một ước muốn vô hạn trong việc giới thiệu Lòng Thương Xót; Các công việc của Lòng Thương Xót bằng “Thương người có mười bốn mối”. Trong đó người nghèo chính là những người được Lòng Thương Xót của Thiên Chúa ưu ái hơn”. Sau khi cầu nguyện và suy nghĩ, Chị đã làm những việc bác ái như: cho những người di cư nghèo trong khu phố mượn tiền, để họ làm vốn buôn bán nhỏ hầu có thu nhập ổn định hơn. Rồi mua tập vở và quần áo tặng cho các em học sinh nghèo, là con của những người đi bán vé số mà chị quen biết. Chị còn liên lạc với Cha xứ quê xưa và gởi về một trăm triệu, nhằm hỗ trợ vốn cho những người nghèo trong xứ, mỗi người vài triệu đồng để làm vốn sinh nhai, khi nào có dư thì hoàn lại và chuyển cho người khác mượn.

***

Từ ngày Năm Thánh mở ra, chị Thiên Ân lần chuỗi Lòng Chúa Thương Xót nhiều hơn. Hôm đó, lúc đang ngồi trên xe vé số lần chuỗi Thương Xót, chị thấy một em gái chừng mười chín, hai mươi tuổi xách giỏ đồ khá to đi vào trong khuôn viên nhà thờ ngồi ở ghế đá khóc nức nở. Chị liền chạy xe đến gần bên em và hỏi:

- Em có chuyện buồn hả? Chị có thể giúp gì được cho em không?

- Dạ em ở Miền Tây mới lên. Từ sáng tới giờ em đi tìm nhà trọ mà chỗ nào giá cũng cao, còn xin việc làm thì họ không nhận vì em đang có bầu. Bây giờ em không biết phải làm sao.

- Em có quen ai trên đây không?

- Dạ không.

- Em đi lên đây với ai?

- Dạ em đi một mình, vì… ba em đuổi em ra khỏi nhà… Hu… Hu… Hu.

Nghe câu nói “bị ba đuổi”, chị buột miệng thốt lên:

- Trên đời này lại có thêm một người cha như thế à?

- Em với anh Hoàng thương nhau, bên nhà anh sang hỏi nhưng ba em không chịu gả, vì nhà anh ấy đạo Chúa. Ba em nói: “Cái đạo bất hiếu, không biết thờ cúng ông bà tổ tiên. Còn những người có đạo cũng sống chẳng ra gì, cứ nhìn cách sống của họ thì biết, họ có tốt lành gì hơn ai đâu: cũng gian dối, rượu chè, cờ bạc…”. Nhưng em thấy nhà anh Hoàng rất tốt mà em nói thì ba không tin, lại còn cấm em không cho gặp anh ấy. Tụi em bàn nhau: Nếu “gạo nấu thành cơm” chắc ba sẽ đồng ý. Nào ngờ khi biết em có thai sáu tháng, ba em tối ngày mắng chửi má với em và bắt em phá cái thai này đi. Em không chịu nên ông đuổi em ra khỏi nhà.

- Sao em không cho Hoàng biết để liệu xem phải làm sao?

- Em sợ ba em sang quậy nhà người ta. Em định đi liều, rồi sau hãy tính.

- Ba em đối xử với em như vậy em có giận ông không?

- Dạ không, dù ba có đối xử thế nào em cũng không dám giận. Em chỉ buồn vì ba không chịu lắng nghe và thông cảm với chúng em. Giờ em chỉ còn biết cầu Trời, khấn Phật và xin Chúa của anh Hoàng cho ba đổi ý mà cho chúng em được đến với nhau, để khi con em chào đời có được gia đình hạnh phúc. Xin chị cầu khấn cho em với.

- Được rồi, chị sẽ cầu nguyện với Chúa cho các em sớm được tái hợp. Nhà chị cũng có đạo, nếu em không ngại thì về ở với chị cho vui.

- Con cám ơn Trời, Phật đã cho con gặp được quới nhân. Em cám ơn chị đã giúp đỡ em, ơn này em không bao giờ quên.

- Có gì đâu em, thấy người hoạn nạn ai mà bỏ cho đành. Vả lại Chúa của chị dạy phải biết yêu thương và quan tâm giúp đỡ mọi người mà.

Tối đó, chị Thiên Ân ngồi trong phòng trước ảnh Lòng Chúa Thương Xót, nhớ đến câu nói: “Bị ba đuổi ra khỏi nhà” của em Thảo lúc trưa mà nước mắt tuôn tràn. Hai chữ “tha thứ” mà Đức Thánh Cha lặp đi lặp lại trong Tông sắc cứ âm vang trong tâm trí, làm cho vết thương lòng của chị lâu nay chôn kín như vỡ ra, đau buốt. Mười mấy năm nay chị cố quên đi cái quá khứ đau buồn ấy, nay bị khơi lên làm chị day dứt khôn nguôi. Ngày xưa chị cũng có một gia đình ấm êm, hạnh phúc. Ba mẹ chị yêu nhau rồi cưới nhau và ra ở riêng. Gia đình bên ba chị có đạo nhưng ít đi nhà thờ. Mẹ chị mồ côi và sống với bà dì. Khi cưới nhau mẹ chị theo đạo và giữ đạo rất sốt sắng. Năm chị học giữa lớp một thì mẹ chị gặp cơn bạo bệnh và để lại di chứng là không thể sinh con được nữa, trong khi ba chị lại rất mong có con trai, khi biết tin ấy ông đâm ra bất mãn và bắt đầu say xỉn tối ngày. Ba tháng sau, cơn bệnh sốt bại liệt của chị ập xuống gia đình làm tan nát mái ấm yêu thương. Từ đó, ba chị bỏ nhà đi biệt tăm.

Còn lại một mình, mẹ chị phải tần tảo kiếm tiền để lo thuốc thang cho con vì chị hay đau yếu luôn. Thiên Ân rất thương mẹ nên tập di chuyển trên hai chiếc ghế gỗ thấp và giúp mẹ làm những việc lặt vặt trong nhà như: nấu cơm, rửa chén, quét nhà… Mỗi Chúa Nhật, mẹ chở chị bằng xe đạp đến nhà thờ để đi tham dự Thánh Lễ và học Giáo lý. Hai mẹ con hủ hỷ, nương tựa nhau trong cuộc sống bình dị và thanh đạm. Thời gian dần trôi, chị Thiên Ân đã trở thành một cô gái mười bảy với khuôn mặt dễ nhìn nhưng đôi chân bị liệt. Hôm ấy, vào xế chiều ngày Chúa Nhật, chị đang nghỉ trưa trong buồng thì nghe có tiếng tranh luận gay gắt của một người đàn ông với mẹ chị:

- …!!!

- Tôi không cần biết.

- Tôi làm gì có nhiều tiền như thế để đưa cho anh.

- Đó là chuyện của cô. Nếu không có thì dọn ra khỏi đây để tôi bán cái nhà này.

- Rồi mẹ con tôi ở đâu?

- Mặc xác mẹ con cô.

- Anh không còn thương tôi thì cũng nghĩ đến con Thiên Ân chứ, nó là con của anh mà!

- Không có nói nhiều. Tôi cho cô một tuần để suy nghĩ vì tôi đang cần vốn để làm ăn.

Vừa lúc ấy chị Thiên Ân di chuyển ra, người đàn ông quay lại nhìn chị chăm chăm rồi quày quả bước ra khỏi nhà. Chị mở miệng định gọi: “Ba!”, nhưng có gì nghẹn ở cổ làm chị không thốt nên lời. Mẹ chị ngồi đó nước mắt rơi lã chã. Chị lết lại ôm chân bà rồi hai mẹ con cùng khóc.

Năm ngày sau, lúc mẹ chị đi làm về gần đến lối rẽ vào nhà thì bị tai nạn. Hàng xóm thấy bà nằm bất tỉnh, máu ra lênh láng, chú Tư Hòa liền chạy vô nhà cõng chị ra. Chị vừa khóc vừa lay gọi mẹ:

- Mẹ ơi, con Thiên Ân đây nè! Mẹ tỉnh lại đi mẹ… Chúa ơi, Chúa cứu mẹ con với… hu… hu… hu… Mẹ ơi! Mẹ đừng bỏ con nghe mẹ. Mẹ ơi! Mẹ mở mắt ra nhìn con đi. Mẹ ơi, mẹ!

Chị Thiên Ân lay gọi một lúc thì mắt bà hấp háy, rồi từ từ mở ra nhìn chị. Môi bà khẽ mấp máy nhưng không ra tiếng. Thấy tay bà lay động, chị liền nâng lên áp vào má. Bà nhìn chị được một lúc thì hơi thở bà yếu dần rồi ngưng hẳn, đôi mắt đứng tròng và từ từ khép lại, hai giọt nước mắt trào ra, đầu bà nghoẻo sang một bên, cánh tay rũ xuống tuột khỏi tay chị. Chị liền gào lên:

- Mẹ ơi! Mẹ ơi! Mẹ…ẹ…ẹ… Mẹ bỏ con sao mẹ…ẹ…ẹ…?

Rồi chị ngất xỉu gục xuống trên mình bà.

***

Mặc dù không phải lỗi của xe chú Đức, mà do hai chiếc xe kia gây ra và đã bỏ chạy mất; nhưng thấy hoàn cảnh đơn chiếc của chị Thiên Ân, chú đã lo hết chi phí an táng và cả mộ phần tươm tất cho mẹ chị, lại còn cho chị ba mươi triệu đồng để chị lo cho cuộc sống tương lai. Chị thầm cám ơn Chúa vì đã cho chú Đức giúp đỡ mình trong lúc khó khăn, nghặt nghèo. Chị thật sự xúc động trước sự ân cần, tốt lành của chú; không ngờ trên đời này lại có người tốt bụng như thế. Khi chú Đức và các chú công an ra về rồi, chị cảm thấy buồn vô hạn vì từ nay còn lại một thân một mình, chị phải xoay sở tất cả và tự lo cho cuộc sống của mình; ngước nhìn lên ảnh mẹ trên bàn thờ mà mặt chị ràn rụa nước mắt. Nhác thấy có bóng người ngoài sân, chị quay ra thì thấy bố chị lù lù bước vào với gương mặt lạnh lùng, vô cảm. Ông nhìn vào xấp tiền trên tay chị rồi nói:

- Nếu mày muốn ở cái nhà này thì đưa hết số tiền đó cho tao.

Chị hoảng hốt hỏi:

- Đưa hết cho ba thì lấy gì con sống?

- Mặc kệ mày!

- Đây là tiền người ta bồi thường tai nạn của mẹ mà!

- Nếu mày không chịu thì ra khỏi đây cho tao bán cái nhà này.

- Ba ơi! Con lạy ba. Ba đuổi con thì con biết đi đâu, ở đâu? Mẹ đã bỏ con rồi, giờ ba còn đuổi con đi nữa sao ba?

- Chết bờ chết bụi gì mặc xác mày, mẹ con mày chỉ là thứ ăn hại.

Nãy giờ nghe những lời vô tâm của ông, chị như chết lặng trong lòng. Nhưng khi nghe ông nói động đến mẹ mình thì chị không còn kiêng nể nữa, chị quắc mắt nhìn ông bằng ánh mắt rực lửa và lên giọng:

- Ông không được xúc phạm đến vong hồn của mẹ tôi!

Số tiền trên tay chị làm ông lóa mắt, nên khi thấy chị phản ứng đột ngột thì ông quyết làm mạnh dù cho có tàn nhẫn một chút:

- Vậy thì mày lập tức ra khỏi nhà tao.

Nói rồi, ông đi vào buồng xách chiếc vali và mớ quần áo treo trên vách ném tung tóe ra sân. Ông tưởng làm thế chị sẽ sợ mà đưa hết số tiền ấy cho ông. Nào ngờ, thấy hành động bất nhẫn của ông, chị liền vói tay lên bàn thờ lấy di ảnh của mẹ, rồi lết ra sân nhặt hết đồ nhét vào vali. Chị vừa di chuyển chậm chạp ra đường lộ, vừa lôi chiếc vali cách nặng nề, khó nhọc. Chị ước gì có một chiếc xe nào đó lạc tay lái tông vào mình để được theo mẹ mà thoát khỏi cảnh đời khổ ải này; nghĩ thế nên chị để chiếc vali trong lề và lết dần ra giữa lòng đường. Bỗng một chiếc xe khách trờ tới thắng gấp, chú lơ xe nhảy xuống hỏi:

- Đi Sài Gòn không bé?

Chị gật đầu một cách máy móc. Lúc chú lơ xe hỏi đi tới đâu, Thiên Ân mới hoảng hồn vì không biết mình đi đâu, Sài Gòn là ở nơi nào, lên đó để làm gì và sẽ ở đâu? Bấy giờ chị bật khóc nức nở bởi thấy mình lạc lõng, cô đơn, không nơi nương tựa, không còn ai thân thích trên đời và từ bây giờ chị cho rằng mình đã bị mồ côi. Chờ cho chị qua cơn xúc động, cô hành khách kế bên mới hỏi chuyện; trong nước mắt tủi thân, chị kể cho cô nghe hoàn cảnh của mình. Nghe xong, mặt cô cũng ướt đẫm nước mắt cảm thông, cô nắm tay chị ân cần nói:

- Nếu con muốn thì lên ở với cô, nhà cô cũng có đạo và hiện giờ cô sống một mình. Con gọi cô là: cô Phúc.

- Ôi! Con tạ ơn Chúa, cám ơn cô vô cùng.

Chỉ nói được đến đó là chị nghẹn lời, nước mắt rơi lã chã. Chị Thiên Ân vui mừng khôn xiếc như người sắp chết đuối vớ được chiếc phao. Chị chợt nhớ đến câu Lời Chúa mà có lần chị nghe trong nhà thờ: ‘Dầu cha mẹ có bỏ con đi nữa, thì hãy còn có Chúa đón nhận con’, từ đó chị thêm xác tín có Chúa luôn quan tâm, chăm sóc và can thiệp trong cuộc đời mình. Người ta càng tốt với chị bao nhiêu, thì chị càng hận ba chị bấy nhiêu, bởi ‘hùm dữ không nỡ ăn thịt con’; thế mà vì đồng tiền, ba chị đã đành tâm xua đuổi đứa con tật nguyền, yếu đuối. Cô Phúc yêu thương chị như con, chị cũng thương mến cô hết tình. Hai năm sau cô sang Mỹ đoàn tụ gia đình, để lại căn nhà ấy cho chị; năm nào cô cũng gởi về cho chị vài ngàn USD, chị đem gởi hết số tiền ấy vào ngân hàng, còn tiền chi dùng hàng ngày thì tiền lời vé số vẫn còn dư. Có lần tình cờ chị gặp lại chú Đức ở Chợ Lớn, biết được tình cảnh của chị nên thỉnh thoảng chú lại ghé thăm. Với thời gian, nỗi buồn của chị cũng nguôi ngoai, cuộc sống dần ổn định nhờ thu nhập hàng ngày của xe vé số.

Từ lúc cô Phúc mua cho chị chiếc xe máy ba bánh đến giờ, ngày nào chị cũng đi lễ Misa; vì được đi lễ là niềm vui và nguồn an ủi lớn nhất của chị. Có Chúa trong lòng, mọi chuyện vui buồn chị đều kể cho Chúa nghe, chỉ có một chuyện chị dấu Chúa là không bao giờ nói với Chúa về ba của mình.Vừa rồi, khi đọc lời mời gọi”tha thứ” của Đức Thánh Cha, chị lướt qua và vờ như không thấy. Nhưng từ lúc gặp em Thảo đến giờ làm chị suy nghĩ mãi. Chị quyết định làm tuần cửu nhật kính Lòng Chúa Thương Xót để xin ơn Chúa soi sáng và giúp giải gỡ nỗi lòng. Rồi chị đi gặp cha giải tội và kể hết mọi việc cho cha nghe. Sau khi chăm chú lắng nghe với tất cả sự đồng cảm, cha nói:

- Cha rất thông cảm với hoàn cảnh của con. Gặp hoàn cảnh như con không biết cha có đủ can đảm để vượt qua không? Bây giờ con hỏi thì cha khuyên con: “Con hãy noi gương Chúa Giêsu trên thập giá mà thưa với Chúa Cha: Lạy Cha, xin tha cho họ vì họ không biết việc họ làm”. Đức Thánh Cha Phanxicô nói: “Thiên Chúa không bao giờ biết mệt mỏi khi tha thứ”; con hãy đến với Chúa, Người sẽ dạy cho con biết phải làm sao.

Suốt tuần cửu nhật, chị Thiên Ân cứ ngồi trước ảnh Lòng Chúa Thương Xót mà nhẩm đi nhẩm lại lời dạy của cha, dần dần chị thấy lòng nhẹ hẳn. Chị vui mừng quá đỗi, vội chạy đến trình với cha và xin lễ tạ ơn vì Chúa đã giải thoát chị khỏi sự oán hận mà chị mang nặng trong lòng mười mấy năm qua. Với nụ cười móm mém, đôi mắt đỏ hoe, cha đến vỗ vỗ vào đầu chị bằng hai bàn tay nhăn nheo và thánh thiện:

- Cha tạ ơn Chúa với con và mừng cho con. Xin Lòng Thương Xót Chúa chúc lành và luôn đồng hành cùng con.

Về nhà, chị gọi điện cho chú Đức nhờ chú liên lạc xem ba chị hiện nay thế nào. Chiều đó, chú Đức cho hay:

- Ba cháu đang ở căn nhà cũ ngày xưa và bị tai biến nằm một chỗ đã hơn hai năm rồi.

- Vậy ngày mai chú có thể cho cháu quá giang về thăm ba cháu được không?

- Chẳng những được mà chú còn hoan nghênh và chúc mừng cháu nữa.

- Cháu cám ơn chú rất nhiều!

Chị Thiên Ân ngước nhìn lên ảnh Lòng Chúa Thương Xót nở nụ cười thật tươi mà nước mắt tuôn tràn, Chị khẽ nói:

- Giêsu ơi, con cám ơn Chúa nhiều nhiều!!!

Mã số: 16-076
Giải Viết Văn Đường Trường 2016, Bản tin 7