Tự hào là Kitô hữu

[ Điểm đánh giá5/5 ]1 người đã bình chọn
Đã xem: 2104 | Cập nhật lần cuối: 4/28/2015 8:30:07 AM | RSS

Trời lem nhem tối, nó cắp sách rời khỏi trường, một buổi học mệt mỏi vẫn chưa khép lại một ngày. Nó phóng xe thật nhanh về phòng kịp ăn để đi trực. Ai nấy cũng động lòng với sinh viên năm 2 ngành y, ban ngày đi học trên trường, tối đến lại phải túc trực ở bệnh viện, thế mà có mấy nhân viên cảm thông. Nghĩ đến đó nó lại thấy lạnh cả xương sống. Không biết tối nay nó phải trực với cô điều dưỡng nào? “Cầu Chúa không phải bà Lan là được. Con sẽ cố gắng làm việc, xin Chúa luôn đồng hành cùng con”.

Đường phố đã lên đèn, dòng người tấp nập chen nhau chạy xe nhanh hơn để được về với mái ấm gia đình sau một ngày làm việc, sinh viên các trường khác thì lác đác vài tốp chạy bộ, vài tốp la cà quán xá gọi nhau í ới. Nó thấy buồn tủi, nhưng nghĩ đến cảnh một người được khỏi bệnh ra viện nó lại quyết tâm phấn đấu hơn.

Đạp gần 3km, cuối cùng nó cũng về đến phòng, mồ hôi ướt đẫm cả áo, xả vội vài gáo nước, ăn lót bụng chén cơm nguội rồi chuẩn bị đồ đến bệnh viện.

Trời tối mịt, lòng nó nêm nếp lo sợ, vừa đạp xe vừa lẩm nhẩm: “ Xin Chúa giúp con qua khỏi đêm nay?”. Rồi lại cười thầm vì nhận ra mình ngốc thật, đi học mà cứ như sắp bước vào hang cọp vậy. Cuộc đời sinh viên ngành y là thế, có mấy đứa vỗ ngực cho là mình không sợ đâu, chỉ có đứa may mắn được trực cùng điều dưỡng dễ tính, hiểu mình thì mới dám lên giọng thôi, có đứa lại phải nghỉ học giữa chừng vì không chịu nổi áp lực. Nói vậy chứ rồi cũng sẽ qua thôi, nó tự trấn an mình.

Rời khỏi những dòng suy nghĩ, nó liếc nhìn đồng hồ. “ Ui…chết…chỉ còn 10 phút nữa, đạp nhanh thôi không được đến trễ. “Mầy mà đến trễ là cả đêm không yên cho mà xem”. Nó cố lấy hết sức vượt qua cả mấy chiếc xe máy ọt ẹc chở những bốn người của một gia đình nào đó, có lẽ là đang đi dạo mát. Người nó nóng bừng, hơi thở hổn hển liên hồi. Đáp vào nhà xe, nó chạy như bay lên phòng hành chính khoa nội – bệnh viện đa khoa X. Cửa phòng đang đóng, vẫn còn sớm 2 phút, may quá. Nó rón rén kéo nhẹ cánh cửa.

- Đúng giờ quá nhỉ?- Cái giọng chua chát, khinh khích của bà điều dưỡng Lan, người đàn bà khét tiếng khó chịu, đáng ghét nhất khoa, làm nó giật thót tim. Vỡ mộng, nó bước thật nhanh vào cúi đầu: “Con chào cô ạ!” để lấy lòng bà ấy. Không đợi bà ta, nó tiếp lời:

- Tối nay cô trực một mình sao ạ?

- Ừ. Hôm nay cô trực một mình.

Da gà nó chực nổi lên khắp cả người vì câu trả lời mà chưa bao giờ có của bà ấy từ khi nó vào thực tập ở đây.

- Vô cất đồ đi ra cô chỉ làm cái này, rồi làm giúp cô.

Da gà nó lại nổi thêm lần nữa khi lớp lông dựng kia vẫn chưa trở lại trạng thái bình thường.

- Dạ. Con vô rồi ra ngay ạ.

Thay vội áo blouse, nó cố nhấc chân nhẹ nhàng. Lòng thấy bất an, ngổn ngang những dòng suy nghĩ. Sao lạ quá, thường ngày bà ấy toàn chửi bới sao hôm nay lại ăn nói nhỏ nhẹ thế? Không biết “bom nổ chậm bao giờ nổ đây?”.

- Con lại đây cô chỉ làm bệnh án rồi làm giùm cô nè. Chiều giờ cô tiêm thuốc nên giờ sợ làm không kịp.

Nó há hốc miệng ngạc nhiên, mọi khi bà ấy đều chờ sinh viên lên rồi bắt tiêm hết, đứa nào chậm chạp là chửi la mà sao nay lại lạ thường thế. Đầu nó quẩn quanh với mớ câu hỏi chưa có đáp án.

- Cái này con xem bảng nhiệt độ, huyết áp đo sẵn rồi điền vào theo mẫu này, con đã học rồi đúng không?- Bà ta vừa nói vừa chỉ tay rất rõ ràng.

- Dạ. Con học rồi ạ.- Nó ngẩn ngơ trả lời.

Mỗi người một việc, ngồi hồi lâu không ai nói với ai chỉ chăm chú vào công việc, thỉnh thoảng nó liếc nhìn bà ta với vẻ mặt khó hiểu.

Có lẽ hôm nay là Chủ nhật nên phải chốt nhiều sổ sách, nhưng lạ thay đã ba tiếng đồng hồ trôi qua mà vẫn chưa có bệnh vào, bệnh nhân cũng không ai kêu gì. Tất cả mọi thứ đều lạ lẫm với nó.

- Con sao thế?

Không kiềm chế nổi sự tò mò, nó hỏi trong sợ sệt:

- Dạ. Con thấy hôm nay lạ quá cô à? Cả cô cũng thấy lạ. Hi…con…không có ý gì đâu ạ…chỉ là…

- Hôm nay là Chúa nhật mà con.

Câu trả lời dứt dạt đến giật gân, “ Chúa nhật ” phải chăng nó nghe nhầm. Sao bà ấy lại nói Chúa nhật…ôi khó hiểu quá. Nó cố lấy hết can đảm hỏi tiếp:

- Sao cô lại biết Chúa nhật? Chẳng phải chỉ có những người Công giáo như con mới biết Chúa nhật sao?

- Cô là người Công giáo mà?

- Gì cơ???- Nó tròn mắt nhìn bà ta với độ ngạc nhiên vượt ngưỡng.

Đón được ý nó qua vẻ mặt ngơ như nai. Bà ấy bình thản nói:

- Thật ra cô định cảm ơn con nhưng nói cảm ơn thì không quen, vì trước giờ trong mắt mọi người cô là một bà phù thủy.Haiz… Đúng là thế rồi.

- Không…Cô…Con…

- Cô nói sự thật mà, con không cần biện minh. Nhưng có mấy ai hiểu hết được cuộc sống con người, vì sức ép gia đình, vì tiền tài, địa vị, vì những đắng cay phải chịu đựng mà cô trở nên con người khô cằn, cay nghiệt, cáu gắt, khó chịu như thế đó. Ai cũng vừa sợ vừa ghét. Cũng đã xấp xỉ nửa cuộc đời rồi. Nhưng nhờ có con mà hôm nay cô mới thấy lòng mình thanh thản đến thế. Chắc con cũng tò mò lắm đúng không?- Giọng bà ấy trầm ngâm, buồn bã, đôi mắt ngấn lệ. Mắt nó tròn xoe nhìn bà ta mà lặng người. Gạt đi hàng nước mắt bà ta nói tiếp:

- Cảm ơn con đã tháo gỡ xiềng xích mà bấy lâu nay cô mang trong người. Thật ra cô cũng là người Công giáo. Lúc nhỏ rất sốt sắng kinh sách, từ khi ra trường không có việc làm vì cuộc sống mưu sinh nên cô lơ là việc đến với Chúa. Nhưng không vì thế mà cô trở nên thế này. Cớ sự là từ khi cô gặp chú, chú là bác sĩ N. Con biết đúng không? Cả hai yêu nhau thắm thiết, thề sống thề chết bên nhau nhưng trớ trêu thay gia đình chú không mấy ưa vì cô là người Công giáo, nên không cho cưới hỏi. Họ bảo: “Nếu muốn cưới thì đạo ai nấy giữ nhưng mọi giấy tờ sau này phải để “không” vào mục tôn giáo và họ sẽ đưa cô vào làm ở bệnh viện. Tình yêu và tiền bạc đã làm cô mờ mắt, cũng đắn đo suy nghĩ, cũng khóc thầm nhiều đêm nhưng rồi lại sập bẫy satan. Đồng ý với điều kiện của họ, cô có một gia đình, lúc đầu hạnh phúc ngập tràn, vợ chồng thương yêu nhau, đạo cô cô giữ, mỗi Chúa nhật cô đều đến với Chúa. Thế nhưng, hoa hồng rồi cũng có lúc tàn, chỉ vỏn vẹn được vài tháng chồng cô đổi tính, không cho cô đến nhà thờ nữa, ngày nào cũng lấy đạo ra mà nói hành, sống trong cảnh gia đình bội bạc nhưng nào dám ly hôn, cô đành cắn răng chịu đựng, vì thế mà mỗi khi đến bệnh viện cô lại trút hết mọi bực tức trong lòng nơi mọi người. Từ đó cô mang tiếng “phù thủy trên môi miệng họ”. Cho đến hôm nay, mọi thứ đã đi vào quỹ đạo của nó, chú và cô đã được con thức tỉnh.

Nó đờ người nhớ ra…

* * *

Cốc. Cốc. Cốc…Bác ơi. Bệnh nhân cần cấp cứu.

Cốc cốc cốc… Bác ơi…

- Sinh viên thực tập mà dám gõ cửa gọi bác sĩ.- Giọng cao ngạo của bác sĩ N làm nó tức tối.

- Dạ bác. Con xin lỗi nhưng bệnh nhân giường 15, phòng 2 xuất huyết, ộc ra nhiều máu cần cấp cứu mà cô điều dưỡng không có ở phòng trực, người nhà đang rất lo lắng.

Người đàn ông nhìn nó với vẻ khinh thường. Chậm rãi nói:

- Không sao, những trường hợp này bình thường thôi, khoa tiêu hóa thì phải có xuất huyết, chỉ là biểu hiện của bệnh thôi.

- Nhưng … Bác ơi…

- Tôi đã nói không sao.- Lời nói cắt ngang lạnh lùng của một lương y làm nó hụt hẫng.

- Dạ, nhưng xin bác hãy nhanh lên!- Phản xạ tự nhiên trong tâm lý con người khi thấy người gặp nguy hiểm nhưng phải chăng là ông ấy đã chai lì vì làm bác sĩ nhiều năm.

- Không được rồi. Nó chạy nhanh lấy máy đo huyết áp xuống phòng bệnh, huyết áp tụt nhiều, bệnh nhân mất khá nhiều máu nhưng làm sao bây giờ khi không có chỉ định. Đứng trước vực thẳm sự sống của một mạng người nó không thể đợi chờ. Mặc kệ tất cả, “Chúa ơi xin hãy giúp người này, xin cho con biết con phải làm gì bây giờ”. Ngay trong nháy mắt, nó lấy dịch truyền cắm vào kim luồn đã có sẵn để tăng thể tích tuần hoàn giúp bệnh nhân tránh rơi vào tình trạng choáng. Chợt nhớ đến bác sĩ trực lãnh đạo, nó chạy vào phòng bấm số gọi…

- Tại sao chưa có chỉ định của tôi mà một sinh viên thực tập như cô lại dám làm. Để thế bệnh nhân không chết nhưng cô làm thế càng nguy hiểm hơn.- Vẫn cái giọng điệu đó.

- Dạ. Dạ con xin lỗi bác nhưng trường hợp này không như bác nghĩ đâu ạ. Con sợ…nên mới tự ý xử trí.

- Cô hơn tôi à?- Thái độ tự cao khiến nó giận dữ.

- Thưa bác, lương tâm của người Công giáo không cho phép con đứng nhìn người khác đang gặp nguy hiểm.- Nó nói dõng dạc phát một.

- Cô dạy đời tôi à? Công với chả giáo!- Giọng điệu mỉa mai làm nó nổi máu điên nhưng bệnh nhân vẫn còn nguy hiểm nó phải dằn lòng.

- Con sẽ chịu mọi trách nhiệm sau, còn bây giờ xin bác hãy đến khám và cho chỉ định.

Ông ta thản nhiên đi đến giường bệnh… và liền giật người hốt hoảng vì tình hình không như ông ấy chủ quan.

- Xả dịch chảy nhanh. Rửa dạ dày.

Chị điều dưỡng trực nghe đâu hì hục chạy lên xử trí cùng.

…30 phút trôi qua bệnh nhân thoát khỏi nguy hiểm. Nó mệt mỏi ngồi phịch xuống ghế nuôi bệnh, những lời cảm ơn dồn dập của người nhà khiến lòng nó nhẹ nhõm, vui vẻ và mạnh mẽ hơn. “Cảm tạ Chúa đã giúp con”.

Đôi chân rã rời, nó lơ bước lên phòng hành chính.

- Tại sao anh chị lại vô trách nhiệm như thế? Lương tâm anh chị nằm ở đâu? Nếu bệnh nhân xảy ra vấn đề gì thì anh chị tính sao? Bệnh viện này sẽ thế nào?- Giọng gắt gỏng nghiêm khắc phê bình hơi to tiếng của bác sĩ trực lãnh đạo, phó giám đốc bệnh viện.

- Anh chị phải cảm ơn vì cô bé thực tập kia đã cứu anh chị đấy. Nếu cô ấy không cắm dịch thì bệnh nhân đã trụy mạch rồi.

- Anh chị sẽ chịu trách nhiệm trước lãnh đạo.

- Còn anh N. Anh phải đích thân xin lỗi cô bé kia vì đã cư xử không đúng. Lúc nãy tôi đã nghe cả rồi.

Nó không buồn mở cửa phòng mà ngồi co ro nơi ghế đá, nghĩ về cuộc sống trần gian đầy tội lỗi này. Chẳng có bụi mà sao nước mắt lại cứ trào ra.

Hôm sau nó nhận được quà và lời xin lỗi của bác sĩ N: “Cảm ơn con- cô bé Công giáo”. Tin tức được lan truyền cả bệnh viện.

* * *

- Thì ra…Bác N là chồng cô.

- Ừ. Từ hôm ấy bác không còn cấm cản cô nữa, mà sáng nay còn đích thân đưa cô đến nhà thờ và xin theo học đạo. Khoảng khắc ấy cô hạnh phúc vô cùng con à. Tất cả là nhờ con, con đã cứu vợ chồng cô. Tạ ơn Chúa đã tạo ra một người con như con.

Đêm Chúa nhật thanh bình, lặng lẽ. Không khí trong lành, mát mẻ, nhẹ nhàng hạnh phúc như cành hồng đón đợi giọt sương mai. Lòng nó miên man trải theo làn gió. Một cảm giác là lạ lan khắp người nó làm ấm nóng tình yêu Chúa vô bờ. Một ngày Chúa nhật thật ý nghĩa, nó tự hào mình là Kitô hữu.

BÀI DỰ THI Mã số: 15-076

Giải viết văn đường trường 2015, Bản tin 07