Về Kinh Đức Bà

[ Điểm đánh giá5/5 ]1 người đã bình chọn
Đã xem: 367 | Cập nhật lần cuối: 1/30/2024 1:13:39 AM | RSS

Bà già 'nhà quê' đi máy bay - Báo Phụ Nữ Ngoại vẫn nhớ là nhớ như in về tấm gương đạo đức của Bà Cố Ngoại. Ngoại biểu: “Bà Cố Ngoại bây giỏi và siêng lắm, đạo đức lắm! Thuộc hết mấy cái kinh trong cuốn Mục Lục[2]. Hồi đó ngoại còn nhỏ, mà đêm nào bà cũng bắt ngoại ngồi dậy đọc kinh, nên nhiều lúc ngoại lật ngang ngủ hồi nào hổng hay.” Hỏi “vậy chớ ngoại đọc kinh với Bà Cố Ngoại có lâu dữ hông?”. Ngoại biểu: Hổng biết bao lâu mà nửa đêm thức dậy thấy bả vẫn ngồi đọc kinh. Mà bả giọng đọc sang sảng chớ hổng có mệt mỏi chi ráo!”. Ngoại còn kể ngày nào Bà Cố Ngoại cũng đi lễ sáng chiều, lúc nào cũng mặc áo dài, tóc tai tươm tất. Đi lễ thì dắt con đi lễ với mình vì “ở nhà hổng có ai coi chừng, sợ té dưới sông”. Mấy đứa con nhỏ xíu không hiểu gì chỉ biết bám cái tà áo dài của mẹ, vì buổi sáng dậy sớm nên vừa tới nhà thờ dựa vách tường ngủ, xong rồi mẹ ra đánh thức kêu đi về nhà: “Dậy mấy đứa! Lễ xong rồi!”. Ngoại kể cũng có hôm ngủ mê, kêu hoài hổng dậy, nên Bà Cố Ngoại vác ngoại trên vai đi về. Chắc vì lòng yêu mến Chúa và đạo đức tuyệt vời đến vậy, nên Bà Cố Ngoại muốn ngoại đi tu, thành thử mới có cái ký ức liền sau.

Ngoại nhớ hoài là cái hồi Bà Cố Ngoại chở ngoại trên chiếc xuồng ba lá. Ngoại lúc đó mới là cô gái hơn mười mấy tuổi, vẫn còn khù khờ và ngoan ngoãn nên không hề thắc mắc mẹ chở mình đi đâu. Ngoại biểu: “Bà cố chèo xuồng te te đưa vô nhà Dòng, rồi dặn ở đó với mấy dì phước, ngày mai mẹ vô rước về”. Rồi cô gái nhỏ thút thít vì lần đầu mẹ nói lời chia tay kiểu như… hổng bao giờ gặp lại, nhưng mẹ lau nước mắt con gái rồi nói vui: “Trời! Lớn rồi mà khóc gì như con nít.” Thế là cô con gái nhìn theo chiếc xuồng ba lá bơi đi xa xa, xa dần, xa dần và đến lúc chỉ là một chấm đen và mất hút giữa hai hàng dừa nước. Ngoại còn chậc lưỡi tiếc: “Ngẫm hồi đó dở quá! Cửa nhà Dòng tới nhà mình có bao xa, vậy mà hỏng biết đường đi về!” Ngoại ở đó với các Dì phước. Ở luôn với các Dì từ lúc không biết gì là tu hành cho tới ngày đội lúp. Nhưng biến cố bạo bệnh ập đến với ngoại thì Dì bề trên cho phép rời Dòng theo ý muốn của ngoại.

Ký ức thứ ba mà ngoại còn nhắc nhớ hoài là lúc Ông Cố Ngoại và Bà Cố Ngoại kêu giật một giật hai lên nhà trên, lúc đó mặt mày ngoại lấm lem vì khói bếp, Ông Cố Ngoại biểu: “Ba mẹ gả con cho thằng này! Con ưng hông?” Ngoại không dám nhìn thẳng mặt người đàn ông đối diện với mình vì mắc cỡ, chỉ len lén nhìn rồi nhìn Ông Bà Cố Ngoại mà gật đầu khe khẽ trả lời: “Dạ!”. Rời Kinh Đức Bà, ngoại theo chồng về miệt Rạch Nhà – Cà Mau ngày nay. Làm dâu ở xứ người mấy chục năm chưa có dịp về thăm quê ba mẹ. Rồi ba mẹ cũng rời cõi thế, các chị và em cũng rời theo. Ngoại nhắc hoài tên bốn chị em: “Sơn – Đầm – Xã – Tắc”. Ngoại tên là Đầm, còn những chị em còn lại cũng theo ba mẹ hết rồi.

Xe bon bon lăn bánh. Hai bên đường là những hàng chuối xanh tơ suôn đuột quảy những quầy to đùng. Con đường tráng nhựa nên mọi lưu thông bằng xe khá thuận tiện và dễ dàng cho ngoại – cụ bà gần chín mươi tuổi – ngồi xe và có thể về thăm quê mẹ sau hơn nửa thế kỷ xa cách.

Mới ngày nào đi lễ mỗi ngày với Bà Cố Ngoại còn là một đứa bé gái. Ngày nào mẹ đưa vô gửi nhà Dòng cho con đi tu là lúc còn là cô gái mười mấy tuổi khờ căm. Ngày nào rời ba mẹ về miệt Cà Mau làm dâu còn là cô gái trẻ khóc lóc thương ba mẹ. Nay trở về tất cả những ký ức ấy đã trôi qua lâu… lâu lắm rồi. Những con người trong ký ức ấy cũng không còn. Chỉ còn mỗi bà cụ gần chín mươi tuổi với mái tóc bạc trắng, nhớ nhớ quên quên đứng giữa nắng. Con cháu xung quanh không hề can dự, mà đúng hơn là cũng không thể can dự vào ký ức của ngoại. Phút trơ trọi trước mộ mẹ, chị là phút tương giao chỉ ngoại và những con người nằm dưới lòng đất kia mới hiểu.

Hẳn với một người còn minh mẫn thì đây là lúc chính họ xúc động khôn xiết, nhưng với một cụ bà nhớ trước quên sau thì lại khiến những người xung quanh phải cảm động, nhất là con cháu khi chứng kiến cảnh tượng sum vầy trong gợi nhắc: “Ai đây? Người này với tui như thế nào? Đây là Chị tui hả?”… lại khiến người thế hệ sau phải bật khóc. Hỏi thì hỏi vậy, nhưng trong lòng ngoại – một đứa con- đứng trước mộ của mẹ, của chị và những người thân thích thì làm sao không nhớ được. Trí nhớ theo lý trí không còn, nhưng tâm khảm và tương giao đã nối kết họ – kẻ ở người đi – lại với nhau rồi. Mà hình như khi con người ta vượt khỏi cái ngưỡng cảm xúc vồ vập, thì họ bình tĩnh lắm. Bình tĩnh mà lai láng bao nhiêu tâm tình.

Một người cháu ruột trên đường dắt Ngoại ra đất thánh nơi có Bà Cố Ngoại và chị Hai còn mộ phần ở đó hỏi:

  • Dì Ba! Dì Ba còn nhớ ai đây hông?”
  • Ai vậy?” Ngoại hỏi tỉnh bơ.
  • Dì Ba đọc cái tên lên coi nhớ hông?”
  • “Nguyễn Thị Sơn – Maria Nguyễn Thị Sơn.”

Đọc xong cái tên ngoại không động tĩnh gì như thể không ấn tượng gì, người cháu nhắc:

  • “Chế Hai của Dì Ba đó! Dì Hai đó Dì Ba!”
  • “Vậy sao?” Ngoại nói gì đó như muốn nhớ điều đã quên…

Đi thêm vài bước về phía lối trước của đất thánh, mọi người xôn xao: “Mẹ của Dì Ba nè! Dì Ba thấy chưa?”, ngoại vẫn không chút nhớ lại. Phía trước là mộ phần của “I-nê Nguyễn Thị Bảy” – là người đã được ngoại nhắc lại rất nhiều trong bao lần kể chuyện cho con cháu nghe. Ngoại đứng trước mộ phần của Bà Cố Ngoại cùng mọi người nguyện kinh, rồi vài đứa cháu phải dắt ngoại đến gần để cúi lạy và cặm nhang vào chiếc lư hương nhỏ trước mộ. Khuôn mặt Ngoại không cười, không nói cũng không chút gì là nét chủ động, xa xa nhìn ngoại như muốn khóc, nhưng có lẽ cái tên “Nguyễn Thị Bảy” lạ lẫm quá nên không khóc chăng! Cái tên của Bà Cố Ngoại không còn trong ký ức, mà chỉ còn ký ức “Bà Cố Ngoại của tụi con, của tụi bay…” mỗi lần kể chuyện đi lễ, đi tu và đi theo chồng thôi!

Ngoại còn có cơ hội đi thăm những người bà con thân thuộc mấy chục năm rồi chưa có dịp gặp lại. Cuộc chuyện trò của ngoại với mọi người chỉ là: “Vậy ha? Con ai đây? Khỏe hông? Vậy sao!” và “dữ vậy sao!” Chào ra về thì ngoại cũng nói lại những câu: “Ở lại mạnh giỏi nghen! Tui dzìa à!” Đó chỉ là những câu đáp hờ vì, so với cái tuổi gần chín mươi của mình, thực ngoại không thể biết mình đang nói chuyện với ai nữa.

Xe bon bon lăn bánh chở ngoại về lại Cà Mau, chuyến xe đầy ắp tiếng cười nói, riêng ngoại vẫn đọc kinh. Ánh mắt ngoại vẫn bình thản chứ không nặng nề xúc động. Cứ bình tĩnh vậy thôi. Tự hỏi chuyến đi ấy mang lại điều gì cho ngoại? Hẳn đã không còn tác động gì trên lý trí nhớ nhớ quên quên của ngoại cho bằng một cảm thức thiêng liêng nào đó giữa ngoại và những con người mà ngoại đã và đang yêu mến, cho con cháu thấy một cuộc hồi hương mang ý nghĩa sâu đậm. Giờ thì con cháu hiểu vì sao ngoại quên nhiều điều, nhiều thứ, kể cả quên những vui buồn riêng mình, nhưng… không bao giờ ngoại quên những ký ức về Bà Cố Ngoại, về các chị em “Sơn – Đầm – Xã – Tắc”, cũng không bao giờ quên cái hồi bám đuôi áo dài mẹ để đi lễ, ngồi xuồng mẹ chở vô nhà Dòng, ngày rời ba mẹ theo chồng. Nhớ hoài, nhớ không quên là bởi nơi đó chất chứa tương giao gia đình, một thứ tình cảm đặc biệt mà chỉ người trong cuộc mới hiểu. Xe lăn bánh hồi dài, ngoại ngừng đọc kinh, nhìn ra phía hai bên đường, những hàng chuối xanh mơn mởn quảy những quầy to và chạy thật nhanh ngược chiều rồi biến mất… Hình như ánh mắt ngoại muốn nói lên điều gì đó.

Ngoại ơi! Có phải ngoại muốn nhớ con đường đất quanh co ngày nào ngoại cũng đi lễ với mẹ? Có phải ngoại muốn nhớ hai hàng dừa nước xanh um ngã đầu che mát mỗi khi ngồi yên trên chiếc xuồng ba lá để ba mẹ chở đi? Có phải ngoại nhớ cái ngày Ông Bà Cố Ngoại khóc ròng, ngoại cũng khóc ròng, trời đất cũng khóc ròng cho cuộc ly biệt mấy chục năm trời và không ngày gặp lại không?…

Mà… chắc con nghĩ vậy thôi! Chứ… Ngoại nhớ rồi! Nhớ hết rồi! Sao quên được! Ngoại hén!

Little Stream

Nguồn: dongten.net

--------------------

[1] Kinh Đức Bà là một địa danh thuộc vùng Phương Thạnh, Phương Phú, Phụng Hiệp, TP. Cần Thơ. Nói đúng hơn, Kinh Đức Bà được nhắc tới ở đây như một xứ đạo Công Giáo.

Có thể tìm hiểu thêm về Họ đạo Kinh Đức Bà tại: https://www.giaoxugiaohovietnam.com/CanTho/01-Giao-Phan-CanTho-KinhDucBa.htm

[2] Một quyển sách tập hợp nhiều kinh nguyện của người Công Giáo miền Nam Việt Nam thời xưa hay dùng.