Về nơi xa ấy

[ Điểm đánh giá5/5 ]1 người đã bình chọn
Đã xem: 1788 | Cập nhật lần cuối: 6/3/2015 11:13:35 AM | RSS

Ngọn đèn đỏ cạnh nhà tạm trên bàn thờ leo lét như muốn tắt, thằng Tâm vội chạy đi tìm ông từ:

- Chú Thái! Chú Thái! Đèn nhà tạm như hết dầu rồi chú ơi.

Ông từ Thái đang đóng dở chiếc ghế gỗ bị gãy chân ở cuối phòng thánh ngẩng đầu lên, tay nhấc cái kính lão:

- Cái thằng… Tắt gì mà tắt… Tao mới châm dầu hôm qua mà.

Dù nói thế nhưng ông cũng buông vội cái búa xuống đất rồi tất tả đi vào nhà thờ. Ông bước lên, giở cái đèn, nheo mắt nhìn. À, mà dường như dầu cũng hơi cạn đấy chứ. Ông đặt cây đèn vào chỗ cũ, cúi đầu, rồi đi trở lại phòng thánh lấy chai dầu. Vừa đi ông vừa lẩm bẩm điều gì đó, chắc có lẽ ông quên châm dầu thật. Lớn tuổi rồi quả là lẩm ca lẩm cẩm.

Ông Thái tự nguyện làm từ ở ngôi nhà thờ này đã hơn hai mươi năm, trải qua nhiều đời cha sở. Mọi ngóc ngách trong ngoài nhà thờ ông đều thuộc lòng như trên bàn tay. Giật chuông, dọn đồ lễ, thắp hương, thắp đèn hay bất cứ nghi thức phụng vụ nào ông đều nhớ và làm đầy đủ không phải đợi nhắc. Thế mà giờ đây…Ông thường bảo phải chi có mấy bà sơ về giúp ở họ đạo này thì

hay quá!

oOo

Ngôi nhà thờ này có lối kiến trúc đẹp hình thánh giá, nằm trên một khu đất rộng, thoáng mát, chung quanh có trồng nhiều cây bàng và cây phượng vĩ. Mùa hè mấy cây phượng vĩ nở hoa đỏ thắm; mùa đông mấy cây bàng trơ trụi, lá đổ đầy sân. Đám học trò nhỏ chúng tôi được chia thành nhiều đội quét dọn xung quanh nhà thờ mỗi ngày. Bọn con trai, con gái chúng tôi rất hồn nhiên, sau giờ học là cứ tụ tập đến nhà thờ để làm công tác hay nếu không có công tác thì ở lại cho đến xong giờ lễ chiều mới chịu về, quên cả chuyện cơm nước.

Lâu lâu để thay đổi không khí, chúng tôi kéo nhau ra vườn bông chơi. Vườn bông cách nhà thờ độ năm trăm mét, có trồng nhiều thứ bông kiểng thông thường, nhiều nhất là hoa dâm bụt loại cánh dày mà chúng tôi gọi là bông bụp Đà Lạt. Bọn con trai hái bông bụp cắm trên đầu bọn con gái. Rồi cứ thế, chúng tôi kéo nhau ùa chạy về nhà thờ trước sự ngơ ngác của người đi đường.

Thỉnh thoảng có mấy thầy ở Đại chủng viện về giúp xứ thật là vui. Mấy thầy dạy chúng tôi học đàn, học hát, rèn luyện các kỹ năng cắm trại, chơi trò chơi lớn, làm các thiệp chúc mừng bằng vật liệu có sẵn như vỏ trứng, bột màu, bìa tập…

Mấy thầy còn bày ra cách hấp dẫn tụi nhỏ chúng tôi làm bó hoa thiêng hàng tháng để cầu nguyện cho một ý lễ nào đó. Chúng tôi đua nhau viếng Chúa, lần chuỗi, hi sinh hãm mình, làm việc bác ái… để ghi phiếu bỏ vào các kẽ ô trên mặt một cái tủ con có nhiều ngăn.

Họ đạo của tôi chỉ có hơn trăm gia đình công giáo. Phân nửa số đó ở lân cận chung quanh nhà thờ, còn phân nửa ở rải rác trên con đường đổ ra chợ Sài Gòn. Dù vậy, hàng ngày cũng có vài chục người đến dự lễ. Tôi đi học buổi chiều nên khi tan học về cũng ôm cặp vào nhà thờ xem lễ luôn. Riết rồi trở thành thói quen, hôm nào không đi lễ được thật là áy náy.

Về nơi xa ấyTôi có thói quen ngồi dự lễ ở cánh phía bên nam. Ánh Tuyết thì thường ngồi đối diện ở cánh phía bên nữ. Lúc ban đầu, tôi cũng chẳng chú ý đến điều này, nhưng càng về sau, tôi càng có cảm giác là lạ. Bởi vì lâu lâu tôi bắt gặp nàng lén nhìn về phía tôi. Ánh Tuyết mới về nhập họ đạo nên chúng tôi còn rụt rè nhút nhát lắm. Điều thích thú nhất của tôi lúc này là cả hai đứa được chúc bình an với nhau trong thánh lễ.

Một hôm, tôi có ý nghĩ táo bạo là sẽ tặng cho nàng một món quà bất ngờ. Tôi chuẩn bị một cái hộp nhỏ gói giấy bông có thắt nơ, bên trong có một con “thằn lằn bạch” to tướng bắt được ở cột nhà thờ. Sau lễ, tôi giả vờ gọi:

- Tuyết ơi!

Nàng bẽn lẽn:

- Gì vậy?

- Có cái này hay lắm.

- Cái gì?

- Có cái hộp ở chỗ… ghế ngồi trong nhà thờ…

- Chỗ nào?

- Chỗ Tuyết hay ngồi đó!

- Chi vậy.

- Của mình gởi.

- Cho ai?

- Cho Tuyết!

Thoáng thấy má nàng ửng hồng, tôi vù bỏ chạy. Trước đó tôi đã nhờ thằng Tâm mang cái hộp đặt ở đúng cái ghế thứ ba từ trên xuống, phía bên nữ. Cũng chính ngay vị trí đó, trong một lần quét dọn nhà thờ, tôi đã ngồi thừ ra và để mặc cho tâm hồn thẫn thờ, hồi hộp…Hôm nay tôi cũng hồi hộp núp ở gốc cây phượng để xem nàng mở quà. Tôi chỉ kịp nghe tiếng á, cái vỏ hộp đã bị quăng lăn lóc, nàng vừa bỏ chạy vừa thét lên vì sợ. Mấy đứa bạn nàng bám theo an ủi. Tôi hối hận quá. Biết người ta sợ mà vẫn cứ trêu. Nàng giận tôi đúng một tuần không thèm tới nhà thờ đi lễ…

oOo

Rồi chiến cuộc bùng nổ. Trên Sài Gòn bất ổn. Biểu tình. Pháo kích. Tự thiêu. Đảo chánh.

Máy bay ném bom… Dưới quê, ông bà ngoại tôi như ngồi trên đống lửa, ông bà hối thúc cả nhà

tôi phải dọn về quê gấp. Tôi ra đi trong nước mắt. Chiếc xe hàng chất đầy đồ đạc và cả chục con

người trực chỉ miền Tây, cách xa Sài Gòn mấy trăm cây số.

Sau đó, gia đình tôi đã khép mình trong mọi sinh hoạt của họ đạo mới, một họ đạo miền tây sông nước hữu tình, con người hiền hòa chất phác nhưng lúc nào tâm hồn tôi cũng canh cánh nhớ mong về nơi xa ấy, một nơi có đầy những kỷ niệm đẹp của một thời thơ trẻ.

Về đây, tôi nhớ da diết những mùa chay ở Sài Gòn như có vẻ nặng nhọc với ngày thứ sáu hàng tuần phải ăn chay kiêng thịt; nhớ tuần thánh cùng bạn bè rủ nhau đi xin lá dừa non về thắt để kiệu lá vào chúa nhật lễ lá, nhớ những buổi đi nghe ngắm lễ đèn, nhớ chiều thứ sáu đi hôn kính Thánh giá mang theo chiếc túi con con để hốt bắp nổ, nhớ đêm vọng phục sinh với nhiều bài đọc thật dài… Lúc ấy, mấy chú cầm thánh giá đèn hầu và Cha sở mồ hôi ướt đẫm cả áo. Đặc biệt tôi nhớ lắm tiếng nhạc réo rắt mùa giáng sinh cùng với cây thông, dây đèn, máng cỏ; nhớ lúc đi tìm mua bộ tượng Chúa Hài đồng dọc theo đường Nguyễn Thông để tặng nàng; nhớ chiếc áo dài màu xanh lam nàng mặc trong đêm huyền diệu…Bây giờ tất cả chỉ là nỗi nhớ vô vọng…

Bài dự thi Mã số: 15-091

GIẢI VIẾT VĂN ĐƯỜNG TRƯỜNG 2015, Bản Tin 08