Via Dolorosa - Đường còn xa

[ Điểm đánh giá5/5 ]1 người đã bình chọn
Đã xem: 3023 | Cập nhật lần cuối: 8/18/2015 10:04:26 AM | RSS

Đường thập giá một chiều rất thảm sầu, đất Giê-ru-sa-lem hôm ấy... (trích bài hát “Via Dolorosa_ Đường thập tự”)

Via Dolorosa - Đường còn xaÔng vẫn thường mơ thấy con đường đó. Con đường nhỏ xinh xắn với mặt đường và hai bên bờ tường được lát bằng đá trắng, trải mưa gió ngàn năm đã hoá thành thâm u, trầm mặc. Ông vẫn ước ao được một lần bước trên con đường ấy. Ông sẽ đứng đó vào lúc ba giờ chiều, giữa nắng loá như thiêu đốt ông thành tro bụi ngay lập tức. Ông sẽ cởi giầy, sẽ nghe hơi nóng ngày chớm hè của miền Trung Đông dội ngược từ lòng bàn chân trần lên tới đỉnh đầu, sẽ run rẩy tìm trong mịt mờ cát bụi, trong khô rộc cỏ cây chút mùi mồ hôi cháy khét và hương tơ máu ngây ngái thầy Giê-su bỏ lại dọc đường lên đồi Can-vê. Ông sẽ đổ gục, sẽ đấm ngực, sẽ gào khóc, sẽ lăn ra đất mà rên xiết:

- Lạy chúa, con là kẻ bất xứng! Con đã hất đổ giá máu cứu chuộc của Người bằng sự cao ngạo ngu xuẩn của mình!

Im lặng! Cát bụi chỉ bẩy tung một chốc vì sự quẫy đạp của ông rồi thôi. Cỏ cây chỉ xao xác một chút vì sự vật vã của ông rồi thôi. Không ai đáp lại lời ông. Chúa cũng không đáp lời ông. Chỉ có nắng gió miền Trung Đông vẫn chảy tràn như từ mấy ngàn năm nay!

Rồi ông lại mơ thấy một con đường khác. Với tre trúc xanh um che kín hai bên bờ bụi, con đường trải thoang thoải như tấm cói thô mộc rồi chợt co mình, uốn cong dịu dàng khi tiếng gà gáy uể oải, tiếng trâu bò ò ụm thủng thểnh, tiếng giun dẽ riu rích đâu đó trong kẽ đất, vòm cây... cất lên. Con đường quê đó, ông không sao quên những bước chân vừa háo hức, dấn dỏi vừa ngập ngượng, lạ lẫm của chính mình ngày vừa về nhận nhiệm sở.

- Chào cha!

- Con chào cha!

- Chúng con chào cha ạ!

Còn trẻ lắm! Lúc ấy ông còn trẻ lắm! Mới chỉ là anh thanh niên ngoài ba mươi thôi! Thế mà vừa ra khỏi cửa, từ bé choắt thò lò mũi xanh, từ các chị áo hồng xúng xiếng, từ các anh tóc cháy râu ngô, từ các mẹ, các cô túm khăn mỏ quạ, từ các bố các bác gậy chống lưng còng... thảy một điều “chào cha”, một điều “kính cha ạ!”

Ngại thật! Ban đầu ông ông lấy làm ngại thật! Vậy nên hễ có thể giúp gì cho họ, dù chỉ là việc bé như cái kim, con kiến ông cũng chẳng từ.

- Thưa Cha, bên nhà ông Bá bày chiếu tổ tôm, ầm ĩ cả xóm!

- Ừ để Cha qua bắt họ thôi đi! Cờ bạc có gì mà tốt!

- Thưa Cha, anh Khiêm say rượu đụng bể lu mắm ngoài hàng bà Cảnh. Hai bên đang cãi nhau to lắm!

- Ừ, để Cha ra đó khuyên họ! Láng giềng to tiếng không nên!

- Thưa Cha! Hai chị em cô Quế giành giựt cái nhà tổ, đang rượt nhau chạy vòng vòng trong sân nhà thờ đấy ạ!

- Cái gì? Càn rỡ! Nhà Chúa là chỗ để chúng nó quấy phá thế sao?

- Thưa Cha! Ông Bảo có vợ bé. Nghe đâu là vì muốn kiếm thằng con trai nối dõi tông đường. Bây giờ cô kia bế con đến cửa đòi nhận cha rồi. Còn bà vợ thì khóc ngất, xỉu lên xỉu xuống!

Giận! Không, nói là giận thì vẫn còn nhẹ quá! Phải là phẫn nộ, phẫn nộ vô cùng! Làm sao người ta có thể phạm tội trắng trợn đến như vậy! Làm sao người ta có thể ngang nhiên chà đạp lên đời hôn nhân, bí tích được chính Chúa dựng lên như vậy! Làm sao người ta lại dám biến chính thân thể mình, là đền thờ thiêng liêng Chúa ngự thành ra ô uế như vậy! Đến đó, ông phải mau đến đó, phải mau tẩy rửa sự nhơ nhớp này! Không chần chừ thêm một phút giây nào được nữa! Lạy Chúa, lòng nhiệt thành với việc nhà Chúa thúc bách tôi, dẫu có phải thiệt thân (Ga: 2,17)!

Những năm sau này, ông thường nghĩ về một con đường vắng. Hết rồi! Lúa đã gặt xong! Rạ cũng bị bứng gốc đem cho trâu bò gặm! Người ta đã về, đã tản đi sạch sau khi tò mò nán lại xem ông linh mục chỉ đáng tuổi con dạy dỗ kẻ có tội đáng tuổi cha mình. Hệt như một lớp kịch, có cao trào, xung đột dữ dội, diễn xuất rất nhập tâm và chân thật. Đỉnh điểm là sau màn rao giảng đạo đức, ông linh mục đã vả cho tội nhân một cú bạt tai trời giáng. Kẻ có tội lảo đảo khuỵ xuống. Bên mép hắn một vệt máu kéo dài. Những tưởng hắn phải nằm luôn dưới đất. Những tưởng hắn phải ôm mặt xấu hổ, cun cút lủi đi như con vật ăn vụng bị phạt đòn. Nhưng không, hắn đứng dậy, đứng thẳng dậy, dạng chân ra, chỉ thẳng tay vào mặt ông linh mục, ông linh mục chỉ đáng tuổi con hắn. Hắn lại chỉ tay thẳng lên trời, nơi ông linh mục bảo rằng có một vị Chúa nào đó đang ngự trị mà nhìn xem tội lỗi hắn phạm. Rồi hắn gầm lên:

- Tao không tin! Tao...

Ông bịt tai. Mỗi lần nhớ đến đoạn này thì ông bịt tai. Cái đoạn văng tục báng bổ ấy, làm sao hắn lại dám nói ra! Chưa hết, những lời phía sau của hắn càng khiến ông sửng sốt:

- Bỏ đạo! Bỏ đạo! Tao tuyên bố kể từ bây giờ, tao bỏ đạo! Mà không chỉ mình tao đâu, kể từ nay già trẻ lớn bé nhà tao không còn ai theo đạo nữa!

Sửng sốt! Vâng, ban đầu ông cũng có sửng sốt một chút. Ông nghĩ quá lắm thì kẻ càn rỡ ấy cũng chỉ nói quấy nói bừa chốc lát rồi thôi! Chẳng ngờ hắn xăm xắn về nhà, tháo bỏ bàn thờ, ảnh tượng, đem ra trước nhà đập nát, châm đuốc đốt sạch. Người hiếu kỳ tụm lại xem rất đông. Một chú giúp lễ hớt hơ hớt hải chạy về báo với ông. Khi ông đến thì đám cháy đang bốc cao. Đám đông lao xao như xem hội vội dạt sang hai bên, nhường chỗ cho ông. Hắn và ông cách nhau một ngọn lửa. Ngọn lửa tung tẩy những lưỡi hái ngồm ngoàm, thập thè như lưỡi rắn. Ông và hắn đối diện nhau qua tấm màn đỏ lòm nhập nhùng ấy. Ông điếng người, kinh hoảng thấy khuôn mặt hắn biến dạng ghê sợ!

Có một khoảng thời gian ông rất sợ bóng tối! Thậm chí ông đã nghĩ rằng hễ mà để mình chìm trong bóng tối một giây phút thôi, thì thân thể ông sẽ ngay tắp lự biến thành một cái bóng đen mỏng lét, dài ngoẵng, trườn trợt trên mặt đất như một con hắc xà. Thế là ông để đèn sáng cả khi ngủ. Nhưng thi thoảng, giữa giấc mơ ông vẫn nghe thấy những tràng cười ngạo nghễ hay man dại từ đâu vọng đến. Ông bị trầm cảm nặng, phải xin từ nhiệm sở, trở về nhà dòng.

Ông thường quỳ cả ngày trong nhà nguyện. Nếu không ông sẽ lại nhìn thấy đám lửa ấy, thấy khuôn mặt biến dạng ghê sợ ấy. Đôi khi ông cũng thắc mắc, không biết hắn, từ phía bên kia đám lửa nhìn qua, sẽ thấy ông như thế nào, có phải cũng là một gương mặt biến dạng đáng sợ hay không?

Ông bỗng muốn đi hành hương! Ông muốn đến thăm Thành thánh Giê-ru-sa-lem, muốn tận tay chạm đến từng viên đá lát đường Via Dolorosa, muốn leo chân trần lên đồi Can-vê. Nhưng cha linh hướng mà nhà dòng đặc biệt chọn cho ông, đã nói với ông rằng:

- Trước khi đi xa, hãy bước gần trước đã!

Ông trở lại nhiệm sở cũ, tìm tên báng bổ tuyên bố bỏ đạo. Hàng xóm bảo cả nhà hắn đã chuyển đi đâu không rõ. Ông ngồi yên hàng giờ bên vệ đường, nghĩ miên man. Không biết từ bao giờ ông đã biến thành gã lý hình khi ra tay lo việc nhà Chúa. Ông nhớ lúc mình mắng hai chị em cô Quế trước cổng nhà thờ. Họ, hai người đàn bà thẹn thùa, cụp đầu, người run lên cầm cập như chỉ cần thêm một tiếng thét nữa của ông là sẽ ngã lăn ra mà bất tỉnh. Ông nhớ mình nhìn người đàn ông lỗi đạo gia đình bằng ánh mắt xênh ngược như ông chủ tính sổ con nợ! Ông vục đầu vào lòng bàn tay. Chúa ơi! Ai cho con cái quyền kết án anh em? Ai cho con cái quyền làm quan toà xử tội chúng dân như thế?

Ông thưa với cha linh hướng, rằng con xin được trả lại chức thánh. Cha nghiêm nghị đặt tay lên vai ông.

- Con đã làm mất của Chúa một con chiên! Cũng có thể còn nhiều con chiên trong ràn ấy còn tiếp tục bị mất đi nữa! Con không đi tìm chúng trở về, lại muốn quay đầu chạy trốn hay sao?

Ông nhớ mãi lời cha linh hướng: cuộc đời mỗi người là một chặng Via Dolorosa, con đường khổ giá, con đường vác thập tự theo chân thầy Giê-su lên đỉnh Can-vê. Cây thập tự ấy được thiết kế cho mỗi người, riêng mỗi phận người, và chẳng ai vác đỡ cho ai được!

Những năm sau này ông có dò hỏi tông tích người đàn ông tuyên bố bỏ đạo kia. Được biết cả nhà họ đã đổi sang theo một tôn giáo khác, trở thành những tín đồ tận tâm, thậm chí không tiếc công sức và của cải đổ ra đóng góp xây dựng cho tôn giáo ấy nữa.

Ông muốn đến gặp họ! Tuy nhiên, nỗi sợ xấu hổ đã làm ông chần chừ! Thật đấy! Ai mà chẳng sợ xấu hổ! Ai lại muốn mình bị mất mặt trước thiên hạ? Chút ít thể diện, đó là thứ mà khi người ta dù bị mất đi tất cả tài sản, dù không còn giữ được chút lợi lộc nào, chỉ cần còn có nó thì cũng như còn giá trị cả đời! Ôi, danh dự, nó như tấm áo đẹp và êm ái, liệu có ai dám như thầy Giê-su, xé toang, ném bỏ, bêu mình trên đỉnh điểm nhục hình thập tự vì kẻ khác hay không?

Lâu lắm! Ông đã chần chừ lâu lắm! Mãi cho đến một ngày mùa chay, khi ông soi gương chải đầu trong phòng áo, thấy tóc mình đã chớm bạc. Bao nhiêu lâu rồi, liệu một lời xin lỗi muộn có làm tất cả quay trở về như ngày trước?

Đã lâu rồi ông quen với bóng tối! Không phải vì ông không còn sợ bóng tối, mà là không còn cơ hội nhìn thấy ánh sáng. Mắt ông đã loà. Tuổi già đến như một lần bất chợt mở cửa hóng gió khuya, rồi cánh cửa gãy và không đóng trở lại được nữa. Những cơn gió lạnh, những trận rùng mình, ông cứ liêu xiêu chỉ chực nằm xuống và không bao giờ trở dậy. Nhà dòng sắp xếp cho ông một cậu chủng sinh làm con đỡ đầu. Và ông trở thành cha linh hướng. Thật lạ, một kẻ chẳng còn thấy đường như ông lại còn linh hướng cho ai được nữa! Ông im lặng. Nhưng có vẻ cậu chủng sinh này chẳng hề bận tâm. Cậu ấy liến thoắng khiếp! Buồn cười thật! Giờ thì ông và cậu ấy đã đổi chỗ cho nhau: kẻ linh hướng chỉ biết nằm nghe và kẻ cần linh hướng thì luyên thuyên cả ngày. Cậu ấy hát, cậu ấy xướng thánh vịnh, cậu ấy đọc kinh, và khi chán nghiêm túc thì cậu ấy kể chuyện cười. Ông im lặng. Ông vẫn là cánh cửa đóng kín. Nhưng những ồn ào của cậu ấy, như vô số những vết xước dăm bền bỉ, dai lì, đã bắt đầu làm lung lay bóng tối trong ông.

Đêm nay, ông nằm đây, giữa khoảng không tĩnh lặng và trong suốt, tối sẫm đến độ nếu mắt không loà, ông sẽ nhìn rõ được làn hơi thở xám đục của chính mình vởn vơ bay lên. Đêm nay ông chỉ có một mình! Và ông biết mình sắp đi xa! Ông sẽ vác thập tự của chính mình, băng qua Via Dolorosa, lên Can-vê lần cuối cùng. Lẽ thường trong giờ phút như thế này ông sẽ không phải ở một mình! Mọi người sẽ không để ông phải một mình! Nhưng vì một lý do nào đó, một sự sắp đặt bí ẩn nào đó, những người xung quanh ông, thảy đều có lý do để vắng mặt, kể cả người thân cận với ông nhất, cậu chủng sinh của ông... mà, bây giờ phải gọi là vị tân linh mục mới đúng chứ, anh đã được trao chức thánh và nhận nhiệm sở rồi.

- Cha ơi! Con muốn cha đi cùng! Con vẫn cần được linh hướng!

Ông im lặng. Đi cùng anh đến nhiệm sở mới. Anh vẫn cần ông linh hướng hay ông sẽ chỉ là gánh nặng thêm vào những bận bịu của anh giữa đời chăn dắt con chiên? Ông im lặng. Còn anh cứ mang ông đi cùng. Giữa họ là mối dây vô hình mà chính thầy Giê-su đã liên kết. Họ biết là như vậy.

Hằng ngày, giữa trách nhiệm phụng vụ, giữa những xoay vòng với rắc rối của đời sống con chiên, anh vẫn dành hàng đêm ngồi bên giường ông, như thiên thần bảo hộ ông giữa bóng tối. Những đoạn thánh ca, những khúc thánh thi, những câu kinh nguyện anh cất lên, ông tựa hồ nhìn thấy những ngọn đèn thắp sáng. Nhưng sao bóng tối vẫn rất nhanh bủa vây và nhấn chìm ông. Như đêm nay đây, khi anh vừa hát câu đầu tiên của bài “Via Dolorosa”, khi ông vừa thấy một đốm sáng loé lên, thì anh lại phải đi vội vì có một chị khẩn khoản đến xin anh khuyên chồng bỏ tình nhân mà về với gia đình. Ông lại chỉ còn một mình. Và đột ngột, ông thấy mình đang đứng trên đường Via Dolorosa. Không có bóng tối! Đường Via Dolorosa không có bóng tối, nhưng lại đỏ ngòm một màu lửa! Những lưỡi lửa bung toé như lưỡi rắn, thấp thoáng phía sau là những khuôn mặt biến dạng ghê sợ. Ông kinh hoảng, không thể thốt nên tiếng, chỉ loé lên một ý nghĩ:

- Lạy Chúa! Lẽ nào đã đến lúc! Lẽ nào đây là chặng cuối cùng!

Giây phút này, ông biết, vô số nỗi sợ hãi và mặc cảm tội lỗi sẽ lũ lượt tề tựu về cả đây, chật cứng trên đường Via Dolorosa, y như những khuôn mặt hả hê, những giọng cười man rợ, những hòn đá liệng, những ngọn roi vút vào người thầy Giê-su năm ấy, chỉ có khác hôm nay người chịu đựng sẽ là ông. Ông sẽ vác thập tự của mình lên được đỉnh Can-vê, hay nhục nhã nằm lại trên đường Via Dolorosa! Toàn thân ông buốt lạnh, tê cứng. Những khuôn mặt quái đản sau làn lửa đỏ nhập nhùng bỗng trở nên to lớn dị thường, lao vun vút về ông như muốn đè nghiến. Ngay giây phút đó, một quầng sáng hiện lên. Quầng sáng ấy lớn mãi, thắp rực cả quãng đường dài Via Dolorosa. Và ông thấy, rõ ràng như trước mắt mình, người con linh hướng của ông, vị tân linh mục trẻ của ông, vị thiên thần hộ mệnh ông giữa bóng tối, cũng đang đương đầu với chặng đường Via Dolorosa của riêng mình. Anh đứng đó, trước cửa một quán hàng ăn chơi ầm ĩ, xung quanh khách ăn chơi cười cợt lẫn những cô gái làm tiền tấp nập tò mò. Họ thách thức anh: có dám như thầy Giê-su, cúi xuống rửa rồi hôn và lau khô chân cho cô nhân tình kia không? Nếu được, cô ta sẽ buông tha cho người chồng trở về với gia đình.

Giờ thì ông đã biết mối dây liên kết thầy Giê-su nối ông với người con đỡ đầu này là gì rồi. Ông nhắm mắt, khẽ nhủ thầm:

- Con ơi đường Via Colorosa còn xa quá! Chúng ta liệu có được như thầy Giê-su, chịu nhục nhằn mà bước qua hay không?

Ông nhắm mắt, nhập nhoè giữa những vùng sáng tối mơ hồ. Đường Via Dolorosa, đường thập giá của cha con ta, đường riêng cho mỗi người, không ai đi giúp cho ai được, đường còn xa, hay sẽ gần, chỉ khi ta dám giơ bước chân lên.

Bài dự thi Mã số 15-143

GIẢI VIẾT VĂN ĐƯỜNG TRƯỜNG 2015, Bản Tin 12