Vợ Đạo (Giải Viết Văn Đường Trường 2016)

[ Điểm đánh giá5/5 ]2 người đã bình chọn
Đã xem: 1629 | Cập nhật lần cuối: 1/19/2016 9:41:57 AM | RSS

- Tôi đã bảo ông rồi mà, vợ Đạo làm gì cho khổ. Tự dưng lại đeo gông vào cổ, nhục! – Lão bạn vừa nâng chén rượu, uống ực, vừa lèm nhèm cái giọng của thằng say rượu, vừa nghiêng nghiêng cái đầu như nhà nho đọc sách thánh hiền, vừa đưa tay xoa miệng, lau vội mấy giọt rượu phè ra vì uống vội vàng.

Mấy thằng khác hùa theo – Đúng rồi, tự nhiên rước họa… - Uhm, chiiính xác luôn…

Đức không nói gì, tay với chai rượu, hắn dốc thẳng vào cổ họng, khốn cho hắn là hắn vớ nhầm phải cái chai đã hết từ lúc nào. Tức tối, lão tính quăng cái chai vào góc tường thì lão Vi đã giật lấy từ tay hắn. Đức lừ mắt nhìn Vi, nhưng tay này nhanh tay đã dí ngay một ly đầy rượu vào mặt Đức. Thấy rượu, hắn sáng mắt, quên mất mình đang bực, hắn giật mạnh chiếc ly khiến rượu bắn tung ra người, ra chân hắn. Kệ, hắn đưa thẳng lên miệng, cố nuốt ừng ực, như dáng vẻ một người vừa trải qua cả trăm ki-lô-mét trong sa mạc mà không có nước. Chưa hết nửa ly mà hắn đã ho sặc sụa, rượu từ miệng hắn lại bắn tóe tung, văng vào cả mặt thằng đối diện còn đang ngáp ngáp…. Hết ho, hắn khóc giống lên hu hu. Mấy thằng bạn được dịp lại cười ngất ngưởng cái giọng thằng say.

- Thôi, hôm nay đủ rồi, mấy thằng chúng mày liệu về đi, tao đưa thằng Đức về. Từ mai dẹp nha. - Giọng Dũng cất lên nghiêm nghị. Mấy thằng kia im thin thít, dìu nhau chuồn thẳng.

Bóng đêm dày đặc phủ lấy con đường làng của xóm đạo quanh co, ánh điện héo hắt từ một nhà khá giả hắt ra, làm cho bóng dáng của hai người đàn ông càng trở nên liêu xiêu, nghệch ngoạc ẩn dần trong bóng tối… Tiếng gầm gừ của mấy con chó chạy rông đang vây quanh hai lão không át được tiếng than của Dũng “Đã bảo bao nhiêu lần rồi, con nào chẳng là con. Cứ nghe mấy thằng nó khích đểu. Chỉ khổ con Nhung với hai đứa nhóc thôi. Rõ cực!”

***

Ngày Đức và Nhung cưới nhau, cả làng bên lẫn xóm đạo đều vui mừng. Ai nấy đều tấm tắc, bên xóm đạo thì khen “thằng Đức lấy được cô Nhung là phúc bảy đời”; người xóm bên lại thì thào “Con bé kia lấy được cậu này đúng là số sướng.” Rồi người ta kết luận là đúng là “trai tài - gái sắc; xứng đôi vừa lứa.” Người ta cũng còn sung sướng vì một lý do khác. Đó là nhờ có đám cưới của hai người mà người xóm đạo được dịp hãnh diện tiếp đón người xóm lương đến nhà thờ; còn người xóm lương thì được thỏa lòng mong ước vì được vào tận bên trong ngôi nhà thờ to lớn, nguy nga và đầy lạ lẫm. Lần này họ được tiếp đón nồng nhiệt và ngồi ngay hàng ghế danh dự, hơn nữa, cũng là lần đầu họ được tham dự nghi lễ kết hôn của người Đạo: “Trang nghiêm và ý nghĩa thật đấy bà nhỉ? – Vầng, nếu mà đôi nào cũng giữ được đạo nghĩa như ông linh mục nói hôm nay thì tuyệt vời! – Khó lắm các bà ơi, dễ gì mà một vợ một chồng, dễ gì mà chung thủy, dễ gì mà đón nhận con cái. Rồi được mấy hôm thì lại…” – Ehèm! - Giọng một bà bên xóm đạo cất lên làm mấy bà xóm lương cụt hứng, im lặng.

Người dân của cả hai xóm đã đúng, Đức và Nhung quả là một đôi hoàn hảo. Không chỉ bởi cái đẹp của Nhung hay cái vẻ lịch lãm của Đức; không chỉ bởi sự hiền lành nết na của Nhung hay tính hiếu thảo của Đức; không phải bởi nghề nghiệp của cả hai người ổn định, nhưng trên hết có lẽ là bởi tình yêu mà hai người dành cho nhau. Tình yêu mà với Đức, anh đã phải đương đầu với cả dòng họ để được chấp thuận theo học Đạo Công Giáo để được lấy Nhung; phần Nhung cũng chẳng dễ dàng gì để thuyết phục gia đình đồng ý cho đi làm dâu một nhà lương dân như thế.

Tình yêu của hai người được đền đáp xứng đáng với những tháng ngày thật hạnh phúc. Sự nết na đức hạnh, dịu dàng và ngoan ngoãn của Nhung khiến cho bố mẹ chồng dần bỏ đi sự kì thị với người có Đạo. Ông bà cũng thường xuyên qua lại thăm hỏi ông bà thông gia (bố mẹ đẻ của Nhung) bên xóm đạo nhiều hơn. – Bà thấy chưa, Đạo bên em có dạy gì xấu đâu ạ.- Mẹ Nhung hãnh diện trước những lời khen ngợi của bà mẹ Đức. – Vâng, tại trước nay tôi cứ nghe người ta nói này nói nọ ấy bà ạ! Hai bà thông gia cứ tỉ tê câu chuyện, qua lại, đạo-đời, hiếu nghĩa, sống chết, yêu thương. - Chúa bên này và ông trời tôi kia là một! – bà mẹ Đức kết luận một câu khiến hai bà vỗ đùi cười khanh khách, khoái chí. Mặt trời xuống dần…

Hạnh phúc cứ êm đềm trôi, Đức càng yêu thương vợ mình hơn, nhất là khi Nhung sinh cho anh một công chúa xinh tươi, ngoan ngoãn. Chiều Chủ nhật nào anh cũng ăn mặc thật đẹp để đưa hai nàng công chúa của anh đi lễ nhà thờ. Anh thấy yêu vợ, yêu con, yêu nhà thờ, anh thấy cũng yêu Chúa của Nhung hơn nữa. Anh cảm ơn Chúa vì đã cho anh lấy được một người như Nhung. Anh còn hứa trong một thánh lễ nào đó, khi anh ngồi chăm chú ngắm Nhung quỳ gối, chắp tay hiền lành bên cạnh con gái anh, rằng anh sẽ không bao giờ làm gì khiến cho vợ và con anh phải buồn, anh hứa với Chúa ở trên cây thánh giá như thế!

***

- Em, mình phá bỏ nó đi được không em? Em biết đấy, nghề nghiệp của vợ chồng mình đâu cho phép sinh hơn hai đứa con đâu, mà em biết rồi đấy, anhl lại là con trai duy nhất trong gia đình…

Không để anh nói hết câu, Nhung nắm tay anh, nhìn thẳng vào mắt anh, một cái nhìn đầy trìu mến nhưng hình như cũng ẩn chứa một một chút gì van xin – Anh à, anh biết rồi đấy, đây là con của chúng mình. Mà bấy lâu anh đi lễ, anh học Đạo thì cũng biết rồi đó, con cái là quà mà Thiên Chúa, mà Ông Trời ban cho mình, con nào cũng là con mà anh!

- Nhưng bây giờ nó còn nhỏ, mình có thể phá bỏ rồi sau này sẽ sinh đứa khác được mà em. – Đức nài nỉ, anh không dám nhìn vào khuôn mặt của vợ mình.

- Không đâu anh, từ khi đứa trẻ được thụ thai thì nó đã là một con người rồi anh ạ. Với em, từ ngày biết mình có thai, nó đã là đứa con yêu quý mà em muốn sinh cho anh rồi anh yêu ạ. Em không bỏ con của mình đâu anh ạ. Mình là người có Đạo, là con của Chúa rồi mà anh!

Đức không nói thêm gì, chỉ thở dài một tiếng, anh bỏ đi. Anh không nói gì vì anh không đủ lý lẽ trước những điều Nhung vừa nói. Phải, đúng là như thế thật, vậy thì phải làm sao đây…

Từ ngày Nhung đi siêu âm về, bố mẹ Đức buồn lắm. Nhưng ông bà không dám trách mắng Nhung nửa lời, vì Nhung tốt quá, có tội gì đâu mà mắng, Nhung coi ông bà như là bố mẹ đẻ của mình mà chăm sóc, mà phụng dưỡng, cấm có thấy Nhung cãi ông bà nửa lời bao giờ. Chính vì thế mà ông bà càng buồn hơn. Giả như khi buồn bực, có một ai đó để ta trút giận thì có lẽ nỗi buồn trong lòng có thể giảm bớt đi, nhưng đàng này… Mẹ Đức sang thăm bố mẹ Nhung bên xóm đạo, hai người nói chuyện lâu lắm. Mẹ Nhung hiểu được nỗi niềm của bà thông gia, nhưng bà cũng hiểu Đạo dạy gì. Mẹ Nhung nghe bà thông gia nói chuyện, rồi bà khuyên lơn, giải thích cho bà hiểu. Mẹ Đức trước khi về nói trong tiếng thở dài: “Chúa của bà dạy cái gì cũng tốt cả, nhưng vấn đề này sao mà Ông ấy khó tính quá!”

Đức không thuyết phục được Nhung thì sinh ra tiêu cực, cứ đi làm về là ghé quán nhậu đầu làng, tụ tập mấy thằng bạn rảnh rỗi, uống rượu tới khuya mới về. Nhiều lần Nhung phải ra tận quán đón anh - trong tình trạng say ngất- về nhà. Từ ngày đó, Chủ nhật Nhung phải tự lo để hai mẹ con đi lễ nhà thờ. Đức vẫn nhớ tới chiều Chủ nhật, vẫn biết là vợ con muốn mình đưa đi lễ, vẫn biết bản thân anh cũng phải đi lễ, nhưng không, anh mượn chén rượu để “hợp thức hóa” cái quên của mình. Cơn say của Đức hành hạ anh thì ít mà hành hạ vợ con anh thì nhiều hơn. Hết chăm sóc anh, hết an ủi con gái, hết xin lỗi bố mẹ, lúc mà Đức ngáy khò ngủ ngon thì cũng là lúc những giọt nước mắt Nhung tuôn dài theo từng lời kinh van lơn cho chồng mình hiểu ra vấn đề… Có lần Đức nhận ra những giọt nước mắt ấy, anh không dám mở mắt ra, thôi đành ngậm ngùi tiếp tục giả vờ say, nhắm mắt cho đỡ thẹn, ngủ cho quên đi hết.

Đám bạn của lão Đức lại được dịp chê bai Đạo Công giáo và mỉa mai, kích bác để Đức bỏ vợ. Đức nghe, suy nghĩ, nhưng anh không tìm được một lý do nào để anh bỏ Nhung. Hơn ai hết, anh biết rằng anh không tìm đâu được một người vợ như thế. Hơn ai hết anh biết rằng Nhung chưa bao giờ làm điều gì có lỗi với anh và gia đình. Và cũng hơn ai hết, anh biết rằng Nhung yêu anh rất nhiều! Đau lại càng đau! Đường đi tiếp thì tối tăm, mà quay lại thì hết lối. Bế tắc. Say cứ say, đau vẫn cứ đau!

***

Một lần uống quá chén, anh về nhà và mắng chửi Nhung thậm tệ, mặc cho bố mẹ anh can ngăn. Anh nói với Nhung rằng hoặc phá thai, hoặc là ly dị, tùy Nhung chọn lựa. Những lời nói của anh khiến tim Nhung đau nhói. Cô lễ phép chào bố mẹ chồng rồi đưa cô con gái về lại nhà mẹ trong tiếng nấc nghẹn ngào, oan ức. Sáng hôm sau tỉnh lại, biết mình đã sai, Đức hối hận lắm. Nhưng vì sỹ diện, anh nhất định không qua đón Nhung về ngay. “Mình là nam nhi cơ mà, cứ để cô ấy đi, khi nào hết giận thì về đây xin lỗi mình thì mình mới cho vào nhà, không thì thôi.” Năm ngày trôi qua, không có Nhung ở nhà, anh thấy mọi thứ đều thiếu thiếu: bữa cơm sáng nay không còn ai lấy cơm sẵn cho anh, lúc đi làm chẳng có ai chúc anh đi làm vui vẻ… Không có Nhung và con, anh như mất đi một điều gì đó rất quan trọng của cuộc sống anh. Anh không dám uống rượu nữa. Ngày thứ sáu, anh quyết định sang nhà mẹ vợ để xin lỗi Nhung và con. Anh tới vào giờ trưa, mẹ Nhung chỉ cho anh Nhung vừa đi nhà thờ. Anh vội phóng xe tới nhà thờ, sau khi đã vào ngắm và vuốt nhẹ lên đôi má của cô con gái đang say giấc. Nhà xứ vắng tanh, anh vào lối giữa nhà thờ như anh vẫn hay làm hồi còn đi lễ với vợ. Nhung đang quỳ gối một mình ngay hàng ghế đầu tiên trong ngôi nhà thờ rộng thênh thang, anh nhẹ nhàng tiến lên mà không quên cúi chào Chúa trên bàn thờ. Anh định đưa tay chạm nhẹ vào vai Nhung …….

***

… Một người đàn ông to lớn, mặt mày nham nhở ghê rợn nhìn anh, hắn ta khoác trên người một chiếc áo dài trắng toát. Anh chưa định hồn thì gã nhếch mép, hất hàm hỏi: - Chú mày có muốn có con trai mà không phải bỏ vợ, không ảnh hưởng gì đến công việc không? Anh càng hoảng hơn vì tại sao gã lại biết ước muốn của mình. Anh run run hỏi lại – Ông là ai, sao lại biết chuyện của tôi?

- Ta là ai cậu không cần biết, cậu chỉ cần biết là ta có thể giúp cậu được chuyện của cậu thôi. Thế nào, có muốn không?

Câu hỏi dồn của gã làm anh lúng túng, nghĩ vội đôi ba điều, anh gật đầu đồng ý. Gã kia nhếch mép cười khẽ, rồi chìa ra cho anh một tờ giấy có kèm một chiếc bút: - Đấy, kí vào là xong chú mày ạ. Chuyện đơn giản, nhưng suy nghĩ cho kĩ nhé. Nhớ là chấp nhận đánh đổi tất cả đấy.

Đưa đôi tay run run đón lấy, anh đưa ánh mắt nghi ngờ về phía tên khách lạ. Lão ta nhận ra được điều đó nên lạnh mặt: “Yên tâm, ta không lừa cậu đâu mà sợ.” Anh thấy an tâm hơn nhiều, đặt bút lên giấy nhưng còn ngần ngại gì đó. Đăm chiêu một lát rồi anh đặt bút khoắng thật nhanh thật mạnh nghệch ngoạc tên mình lên tờ giấy cách buông xuôi. “Áaaáaa……” tiếng la thất thanh đau đớn của đứa trẻ gái làm anh giật mình. Anh nhìn xuống dưới chân, hai đứa trẻ đang giãy giụa trong vũng máu: Con gái của anh. Anh hốc miệng, người anh run bắn lên, bất động. Miệng hấp háy mà không nói được thành lời, cứng đơ. Những đường bút mà anh vừa ghì trên trang giấy như những nhát kiếm chém qua chém lại trên hai đứa trẻ gái mà đứa nhỏ còn chưa rõ mặt. Hai đứa gục ngã dưới chân anh. Giọng cười tàn ác của gã mặc áo trắng vang lên rùng rợn. Anh cuống cuồng ôm lấy hai đứa bé, cô công chúa nhỏ của anh giơ bàn tay bé nhỏ để với lấy anh, thoi thóp: - Bố,..co..n.. yê…u boố.. sa..a..o bố..ố lạiii boỏ.. co..o..onn? Anh hét lên rồi ghì mạnh đứa con anh vào lòng. Ánh mắt của đứa trẻ như bị đẻ non nhìn anh tha thiết, nó không nói được, nhưng ánh mắt nhìn anh thì đầy yêu thương, đầy trìu mến như muốn nói lên điều gì đó: Bố!

Quá đau đớn, anh vùng lên nắm cổ áo lão già còn đang cười man rợ: - Đó là con gái của tôi, tôi yêu chúng, ông hãy trả chúng lại cho tôi. Trả con lại cho tôi! – anh nói như hét vào mặt lão…….

- Đức, Đức, con bị sao thế, Đức? Giọng nói cùng cái lay mạnh của mẹ anh làm anh tỉnh, ngồi chồm dậy trên giường, mặt mày đầm đìa mồ hôi, anh thở hổn hển: thì ra chỉ là một giấc mơ!

***

… Định chạm vào vai Nhung, nhưng nghĩ thế nào, anh lại nhẹ rút tay về, nhẹ nhàng hạ gối quỳ xuống hàng ghế ngay phía sau Nhung. Nhìn lên thánh giá, anh thốt lên giọng rung rung: “Lạy Chúa, con cảm ơn Chúa đã ban cho con một gia đình. Một người vợ tuyệt vời, người đã đưa con đến với Chúa, biết Chúa, và hôm nay, dạy con biết tôn trọng và tin tưởng vào kế hoạch của Chúa. Con biết ơn Chúa vì đã cho chúng con những đứa con thật dễ thương. Con biết rồi, dù là trai hay gái thì cũng là con của con, là món quà Chúa dành tặng riêng cho chúng con. Con sẽ không bao giờ đánh mất chúng vì bất cứ lý do gì đâu Chúa ơi. Lúc này, hơn hết mọi điều, con thấy mình hạnh phúc vì con lấy được một người con của Chúa, một người vợ đạo”. Những hàng nước mắt ứa ra từ đôi mắt hạnh phúc của Nhung. Cô nghẹn ngào, cúi nhìn xuống cái bụng to tướng của mình, miệng mỉm cười mà mếu máo: Con gái yêu của mẹ ơi, mẹ sung sướng là một người vợ đạo! Hai từ “vợ đạo” cứ miên man tỏa lan từ tâm trí hai người, tràn ra khắp cả ngôi nhà thờ cổ kính: ôi, vợ đạo!

Mã số: 16-014
Giải Viết Văn Đường Trường 2016, Bản tin 1