Đang tải...

Bài giảng trong thánh lễ khai mạc Tuần tĩnh tâm trước Thượng Hội Đồng tháng 10/2024

5 /5
1 người đã bình chọn
Đã xem: 22 | Cật nhập lần cuối: 10/3/2024 11:47:31 AM | RSS

Vào sáng ngày 30/9/2024, Đức cha Timothy Costelloe, S.D.B., Tổng giám mục Tổng Giáo phận Perth, Australia đã giảng trong Thánh lễ kính nhớ thánh Giêrônimô, khai mạc Tuần Tĩnh tâm trước Thượng Hội Đồng. Sau đây là toàn văn Việt ngữ bài giảng của ngài.

Anh chị em thân mến,

Thật là điều thích hợp, và có thể nói là một món quà từ sự quan phòng của Thiên Chúa, khi chúng ta bắt đầu làm việc trong “Thượng Hội Đồng về tính hiệp hành” này bằng cách cùng nhau khai mạc tuần tĩnh tâm vào ngày mà Giáo hội kính nhớ về cuộc đời và chứng tá của thánh Giêrônimô. Ngài được biết đến như một con người đầy nhiệt huyết và có phần “khó tính”, không dễ dàng chấp nhận những thiếu sót của người khác. Tuy nhiên, ngài cũng có khả năng nhận ra lỗi lầm của bản thân trong cách giao tiếp với người xung quanh, và thường xuyên cảm thấy hối hận bởi cách cư xử nóng nảy của mình, điều mà đôi khi gây tổn thương lớn cho người khác. Có lẽ, ngài sẽ là một nhân vật khó làm việc cùng nếu ngài là thành viên của một Thượng Hội đồng, nơi mời gọi chúng ta phải biết tôn trọng, lắng nghe nhau cách chân thành!

Câu nói nổi tiếng: “Không biết Kinh Thánh là không biết Chúa Kitô” là một trong những điều người ta luôn nhớ mỗi khi nhắc đến ngài. Câu nói này là món quà quý giá mà ngài mang đến cho chúng ta khi bước vào những gì đang chờ đợi chúng ta trong ba hoặc bốn tuần tới. Chúng ta không thể để mình trở nên ngu muội vì không biết Chúa Kitô hay đã lãng quên ngài, khi chúng ta tìm kiếm sự phân định về những gì Thiên Chúa đang kêu gọi Giáo hội vào lúc này.

Theo một nghĩa nào đó, chúng ta đã có câu trả lời, hoặc ít nhất là một gợi ý từ những lời nhắn nhủ của Đức Thánh Cha Phanxicô: Thiên Chúa kêu gọi chúng ta trở nên một Giáo hội hiệp hành trong Sứ vụ. Hành trình mà chúng ta đã trải qua cho đến nay dẫn chúng ta đến một hiểu biết sâu sắc hơn về ý nghĩa của sự hiệp hành. Bây giờ, ở giai đoạn này của hành trình, chúng ta được kêu gọi không chỉ xem xét điều gì là hiệp hành, mà còn xem xét cách chúng ta sống điều đó ở mọi cấp độ trong đời sống của Giáo Hội: Tất nhiên, chúng ta là những Kitô hữu riêng biệt, nhưng chúng ta luôn được mời gọi cùng nhau, trong các cộng đoàn lớn nhỏ khác nhau, để trở nên những dấu chỉ và công cụ sống động – những bí tích sống động – của mối hiệp thông với Thiên Chúa và sự hiệp nhất với tất cả mọi người.

Trong sách Sáng Thế, khi tạo dựng con người đầu tiên, Thiên Chúa đã thấy rằng con người ở một mình thì không tốt, vì vậy, ngài đã tạo ra người phụ nữ đầu tiên và đặt con người, người nam và người nữ ấy, vào trong mối tương quan với nhau – để hình thành một cộng đoàn. Kinh nghiệm về con đường hiệp hành giúp chúng ta xác tín vào chân lý sâu sắc rằng trong kế hoạch sáng tạo của Thiên Chúa, chúng ta được tạo dựng để thuộc về nhau, chúng ta được kêu gọi phải phụ thuộc lẫn nhau, và chính qua các mối quan hệ của mình, chúng ta trở thành những con người thể theo ý muốn của Người.

Con đường hiệp hành khiến chúng ta ý thức trân trọng hơn tầm quan trọng trong các mối quan hệ của mình với nhau. Việc tham gia vào “những cuộc đối thoại trong Thánh Thần” mở mắt cho chúng ta nhận ra những khả năng mà sự lắng nghe chân thành, tôn trọng, và kiên nhẫn dành cho nhau có thể mang lại. Đây là món quà quý giá cho toàn thể Giáo hội.

Khi hiểu rõ hơn tầm quan trọng của các mối quan hệ với anh chị em trong cùng một đức tin, chúng ta nhớ đến những lời Thánh Phaolô nói với cộng đoàn Kitô hữu tiên khởi tại Philípphê: “Anh em hãy có cùng một tâm tình như chính Đức Giêsu Kitô” (Pl 2,5). Cùng một tâm tình, cùng một trái tim được soi sáng qua từng trang Kinh Thánh. Khi chúng ta thấy Đức Giêsu tham gia vào nhiều mối tương quan khác nhau và bị cuốn vào nhiều cuộc gặp gỡ với con người, chúng ta bắt đầu có cái nhìn thấp thoáng về những cuộc gặp gỡ thực sự và sâu sắc. Chúng ta có thể nhớ đến Đức Giêsu đã nhất mực kiên trì với hết mọi người, đặc biệt là các môn đệ thân tín, những người thường xuyên không hiểu Người và thường làm Người thất vọng. Câu chuyện Tin Mừng hôm nay nhắc cho chúng ta điều đó, sự kiên nhẫn của Người đã ngăn họ lại, họ đã không bỏ cuộc. Chúng ta có thể nghĩ đến sự nhạy cảm phi thường mà Đức Giêsu thể hiện đối với những người bị tội lỗi đè nặng, và sự nhạy cảm đó đã giải phóng họ. Chúng ta có thể nghĩ đến lòng thương xót của Người đối với những ai lạc lối, bối rối hoặc bị đẩy ra ngoài lề xã hội, và lòng thương xót đó đã khôi phục hy vọng cho họ.

Và khi chúng ta suy ngẫm về các chuẩn mực trong cách Đức Giêsu tương tác với nhiều người khác nhau, điều quan trọng là chúng ta cần nhớ rằng những lời Người đã nói với các môn đệ trong Bữa Tiệc Ly cũng là những lời Người nói với chúng ta: “Thầy là Con Đường, là Sự Thật, và là Sự Sống.” Nếu anh em muốn biết làm cách nào trở thành một Giáo hội thân thiện và hiếu khách, hãy học từ Thầy, vì Thầy là Con Đường. Nếu anh em muốn biết làm cách nào trở thành một Giáo hội nghèo khó và khiêm nhường, hãy học từ Thầy, vì Thầy là Con Đường. Nếu anh em muốn biết cách trở thành một Giáo hội trong sứ vụ, hãy học từ Thầy, vì Thầy là Con Đường. Nếu anh em muốn biết cách làm thế nào trở thành một Giáo hội biết lắng nghe, hãy học từ Thầy, vì Thầy là Con Đường.

Trong những ngày sắp tới, khi tìm kiếm đáp án cho câu hỏi làm thế nào để trở nên một Giáo hội hiệp hành trong sứ vụ, chúng ta hãy giữ cho đôi mắt mình luôn hướng nhìn về Chúa Kitô. Đôi khi những gì chúng ta thấy sẽ an ủi chúng ta, đôi khi sẽ làm chúng ta bối rối, và có lúc có thể sẽ thách thức hoặc làm chúng ta sợ hãi. Một câu nói nổi tiếng của Thánh Giáo Hoàng Gioan XXIII, có thể được diễn giải như sau: Giáo hội là của Chúa Kitô, không phải của chúng ta. Chúng ta bước theo Người, chứ không theo ai khác.

Vậy, chúng ta hãy tiếp tục cầu nguyện xin Thánh Thần của Chúa Kitô hướng dẫn và hiện diện trong con tim chúng ta; xin Người thúc đẩy chúng ta tiến bước không phải trong sự hỗn loạn nhưng trong sự hài hòa, cho dù chúng ta vẫn là những con người đầy yếu đuối và tội lỗi. Xin Thần Khí của Chúa Kitô giúp chúng ta tìm thấy sự hiệp nhất và trở nên bí tích sống động cho sự hiệp thông của chúng ta với Thiên Chúa và sự hiệp nhất với mọi người.

Nguyện xin Mẹ Maria, Mẹ của Giáo hội, đồng hành và chuyển cầu cùng Chúa cho tất cả chúng ta. Amen.

Chuyển ngữ: GB. Thạch Vịnh, O.P.
Nguồn: vaticannews.va/en
Nguồn: daminhvn.net (01/10/2024)

Đang tải...
Đang tải...
Đang tải...
Đang tải...
Thiet ke web ChoiXanh.net
TOP
Loading...