Đang tải...

Cử hành Thánh Thể: Bài 52 - Lời giải tán

5 /5
1 người đã bình chọn
Đã xem: 12 | Cật nhập lần cuối: 10/25/2024 10:14:59 AM | RSS

WHĐ (14/10/2024) - Ngày 5 tháng 8 năm 2023, Ủy ban Phụng tự Hội đồng Giám mục Việt Nam đã thông báo về chương trình Đào tạo phụng vụ cho Dân Chúa gồm: (1) Thực hành mục vụ và (2) Kiến thức phụng vụ. Để đào sâu hiểu biết về kiến thức phụng vụ, Ủy ban Phụng tự trân trọng giới thiệu loạt bài về cử hành Thánh Thể do linh mục Giuse Phạm Đình Ái, SSS tổng hợp và biên soạn. Sau đây là bài 52 - Lời giải tán.

I/ NGHI THỨC

Vào lúc kết lễ, trong phép lành thông thường, chủ tế nhân danh Ba Ngôi Thiên Chúa mà chúc lành cho cộng đoàn: “Xin Thiên Chúa toàn năng là Chúa Cha và Chúa Con và Chúa Thánh Thần ban phúc lành cho anh chị em.” Sau đó, chính ngài tuyên bố giải tán hay nếu có phó tế hiện diện thì thầy sẽ tuyên bố giải tán, mời gọi mọi người ra về bằng cách chắp tay và nói: “Lễ xong, chúc anh chị em đi bình an”, tiếng La-tinh là “Ite missa est”, được dịch sát nghĩa là “Anh em hãy ra đi, Thánh lễ đã xong” (NTTL 144; QCSL 168).

II/ LỊCH SỬ - Ý NGHĨA

Câu “Hãy đi trong bình an” đã thấy xuất hiện trong phụng vụ Antiôkia, Ai Cập cũng như có trong sách Didache hồi thế kỷ IV, nhưng lời đáp của cộng đoàn như thế nào thì không được ghi lại. Còn công thức “Chúng ta hãy đi trong bình an” được sử dụng trong phụng vụ Byzantin; công thức thay đổi một chút là “Chúng ta hãy đi trong bình an của Đức Kitô” trong phụng vụ Đông Syria cũng như trong Hội Thánh Milan với lời đáp của dân chúng là: “Nhân danh Chúa.” Câu “Hãy đi bình an” có thể đã được lấy từ Lc 7,50/Mc 5,34: “Người nói với bà ta: "Này con, lòng tin của con đã cứu chữa con. Con hãy về bình an và khỏi hẳn bệnh.”[1]

Nguyên câu của vị tổng phó tế “Ite, missa est” và lời đáp của dân chúng “Deo gratias (Tạ ơn Chúa) được sử dụng trong nghi lễ Rôma từ thế kỷ IV và đã thấy có trong cuốn Ordo Romanus I với hạn từ missa = missio = dimissio có nghĩa là giải tán, là chấm dứt một phiên tòa hay một cuộc hội họp. Bởi thế, từ ban đầu nó chỉ là một lời kết thúc phiên họp dân sự nơi những người ngoại giáo Hy Lạp và Rôma (PL 59:199). Sau này “Ite, missa est” mới được đem vào Kitô giáo và được áp dụng trước hết cho việc giải tán một cuộc họp hay một phiên họp chính thức, chẳng hạn như một buổi cầu nguyện. Dần dần, nó chỉ những kinh được đọc vào lúc kết thúc buổi cầu nguyện. Vào cuối thế kỷ V và đầu thế kỷ VI, “Ite, missa est” được áp dụng như một công thức để kết thúc một buổi họp phụng vụ, rồi được sử dụng để kết thúc Thánh lễ qua sắc lệnh của Đức Lêô Cả vào năm 445. Công thức “Ite, missa est - Tạ ơn Chúa” tồn tại mãi cho tới nay mặc dầu bị bỏ sót trong Sách lễ 1474.[2]

Công thức giải tán này gặp sự cạnh tranh của một công thức khác rất phổ biến nơi những người Franks là “Benedicamus Domino” (Nào ta chúc tụng Chúa) vốn không thấy trong phụng vụ Rôma ngoại trừ trong nghi thức trao của ăn đàng cho bệnh nhân.[3] Nhưng rồi “Nào ta chúc tụng Chúa bị thay thế dần dần bởi công thức “Ite, missa est” của Rôma vào những dịp lễ ít quan trọng hay có một cử hành phụng vụ khác theo sau Thánh lễ. Từ thế kỷ XII, vì công thức Ite, missa est và theo sau là câu đáp Deo gratias được coi như là sự diễn tả niềm hân hoan cho nên trong Thánh lễ cầu cho các tín hữu qua đời ngày xưa, công thức Ite, missa est được thay thế bằng câu Requyescant in pace (Xin cho họ được nghỉ ngơi yên bình). Vào thế kỷ XI ở bên ngoài Rôma và thế kỷ XII tại Rôma, Ite, missa est được sử dụng cho bất cứ Thánh lễ nào có kinh Vinh danh; trong Thánh lễ không có kinh Vinh danh, công thức giải tán cuối lễ sẽ là Nào ta chúc tụng Chúa và thực hành này kéo dài mãi đến năm 1960. Hiện nay, hai công thức là Xin cho họ được nghỉ ngơi yên bình Nào ta chúc tụng Chúa đã bị loại bỏ. Lý do được giải thích là ngày có hát kinh Vinh danh là ngày đại lễ với đông đảo các tín hữu tham dự, nên chủ tế dùng câu Ite, missa est để cho giáo hữu giải tán và ra về. Còn ngày không hát kinh Vinh danh là ngày lễ thường mà chỉ tu sĩ mới tham dự, bởi thế chủ tế không giải tán họ mà cùng họ tiếp tục ở lại để chúc tụng Chúa.[4]

Ý nghĩa của công thức giải tán chính là sai đi đúng như lời dạy của Hội Thánh: Cử hành Bí tích Thánh Thể được gọi là Thánh lễ, Lễ Mi-sa, do từ La-tinh missio nghĩa là sai đi. Thánh lễ kết thúc với lời Hội Thánh sai các tín hữu đi vào đời, để họ thực thi thánh ý Thiên Chúa trong cuộc sống hằng ngày.”(GLCG 1332). Bởi thế, “Ite, missa est” còn được diễn giải là “Hãy ra đi, bây giờ sứ vụ của anh chị em bắt đầu.”[5]

Sách Lễ Rôma (phiên bản Latinh 2008/phiên bản tiếng Việt sau này) dự trù những cách nói khác/công thức khác để diễn tả nội dung đó như sau:[6]

(1) “Lễ xong, chúc anh chị em đi bình an” (alleluia, alleluia)/“Ite missa est” (alleluia, alleluia). Dầu nghĩa đen của cụm từ “Ite missa est” là “Hãy đi, anh chị em đã được giải tán”, nhưng đã được chuyển dịch là “Lễ xong, chúc anh chị em đi bình an” nhằm truyền tải ý tưởng cũng như mệnh lệnh rằng Thánh lễ không kết thúc, nhưng mới chỉ bắt đầu,[7] và vì là “con người của bình an” do vừa trải nghiệm và đón nhận bình an từ Chúa Kitô, nguồn bình an vượt quá mọi hiểu biết (x. Pl 4,7), nên chúng ta được sai đi để đem bình an cho thế giới (x. GLCG 1332);[8]

(2) “Anh chị em hãy ra đi loan báo Tin Mừng” (alleluia, alleluia)/“Ite ad evangelium domini annuntiandum” (alleluia, alleluia). Câu này diễn tả một cách mạnh mẽ và tỏ tường vừa sứ vụ chúng ta phải thi hành vừa thách đố chúng ta phải đối diện khi phụng sự Thiên Chúa và tha nhân. Chúng ta sẽ phụng sự Thiên Chúa và tha nhân trong tư cách là người rao giảng Lời Chúa và làm cho xã hội thấm nhuần những giá trị Kitô giáo[9] không chỉ bằng lời mà còn bằng cuộc sống nhân đức của chúng ta nữa sau khi đã tham dự vào sự hiện diện sống động của Thiên Chúa trong Lời và Bí tích;[10]

(3) “Chúc anh chị em đi bình an và hãy tôn vinh Chúa trong cuộc sống” (alleluia, alleluia)/ “Ite in pace glorificando vita vestra dominum” (alleluia, alleluia). Lời này lập lại chính nội dung của QCSL 90: “…để ai nấy trở về với công việc làm ăn lương thiện của mình mà ngợi khen và chúc tụng Thiên Chúa”, nghĩa là diễn tả sứ vụ tôn vinh Thiên Chúa bằng chính cách sống/lối sống “phục sinh” đã được ban cho chúng ta qua việc chúng ta cố gắng sống Phúc Âm và trở thành như một mẫu gương cũng như một lời mời gọi các anh chị em khác đến với đức tin Kitô giáo.[11]

Như vậy, ý nghĩa rõ rệt nhất của công thức giải tán chính là mệnh lệnh sai đi loan báo Tin Mừng cho thế giới, là phần “phụng vụ sau phụng vụ”(Ion Bria),[12] là phần “phụng vụ hàng xóm/cận nhân”[13] (Chauvet) tiếp nối “Phụng vụ Lời Chúa” và “Phụng vụ Thánh Thể”. Đó không chỉ là một lời giải tán đơn thuần, nhưng chứa đựng sứ mạng truyền giáo của Hội Thánh vì trong Bữa tối Cuối cùng, Đức Kitô không chỉ cầm lấy bánh và chén rượu để biến thành bánh ban sự sống và chén cứu độ, Người còn rửa chân cho các môn đệ rồi truyền cho họ làm cho nhau như thế (x. Ga 13,14). Thêm nữa, truyền giáo cũng là sứ mạng chúng ta đã cầu xin trước đó trong kinh Lạy Cha “chúng con nguyện Danh Cha cả sáng, Nước Cha trị đến” cũng như trong hầu hết các lời nguyện hiệp lễ (x. GLCG 1332).[14] Như vậy, sau Thánh lễ, các tín hữu được sai đi như một hồng ân và trách nhiệm phải sống những gì vừa cử hành nhằm hiện thực hóa ơn gọi tông đồ của Dân Chúa (x. GLCG 1070; QCSL 90c).[15]

Cộng đoàn đáp lại: “Tạ ơn Chúa” (Alleluia, Alleluia) nhằm thể hiện tâm tình chúc tụng và cảm tạ Chúa vì công trình cứu chuộc vừa diễn ra qua cử hành Thánh thể, và vì cuộc gặp gỡ quý báu này với Chúa Kitô phục sinh và với nhau trong buổi cử hành phụng tự của cộng đoàn Hội Thánh.[16]

III/ MỤC VỤ

1) Linh mục đồng tế/chủ tế (nếu chỉ có mình chủ tế dâng lễ với cộng đoàn) có nhiệm vụ tuyên bố giải tán, hay nếu có phó tế hiện diện, chính thầy sẽ tuyên bố giải tán, mời gọi mọi người ra về bằng cách chắp tay và nói (hay hát) theo mẫu được cung cấp bởi Sách Lễ Rôma (x. QCSL 185).

2) Tất cả những lời giải tán được Hội Thánh soạn ra đều mang ý nghĩa thần học và phản ánh sự thánh thiêng của nghi thức. Do vậy, không được thay thế [các] mẫu giải tán trong Sách Lễ Rôma bằng những câu kiểu xã giao thông tục [đại loại như “Lễ xong, chúc anh chị em một ngày mới bình an” hay “Lễ xong, chúc anh chị em luôn được bình an”…]. Lý do là vì chúng vừa không thuộc bản văn của Sách Lễ Rôma vừa không đủ tiêu chuẩn làm bản văn nghi lễ của phụng vụ: làm cho ý hướng quan yếu và phẩm chất của nghi thức giải tán bị mất đi.[17]

3) Hai tiếng Alleluia sẽ được thêm vào sau câu giải tán và câu đáp từ Thánh lễ Vọng Phục sinh cho đến Thánh lễ Chúa nhật II Phục sinh (Tuần Bát Nhật Phục Sinh) cũng như vào ngày lễ Chúa Thần Thần Hiện Xuống (x. NTTL 144; QCSL 90c, 185, 168).

4) Nếu ngay sau Thánh lễ, có cử hành nghi thức phụng vụ nào khác [như chầu Thánh Thể, rước kiệu, nghi thức tiễn biệt người quá cố, Phụng Vụ Các Giờ Kinh …], chúng ta bỏ nghi thức kết thúc, tức là bỏ lời chào, lời chúc lành và giải tán để giúp tín hữu dịch chuyển một cách nhẹ nhàng từ hành động phụng vụ này sang hành động phụng vụ khác (x. NTTL 146; QCSL 170, 384).[18]

Nguồn: hdgmvietnam.com

_______

[1] X. Lucien Deiss, The Mass (Collegeville: The Liturgical Press, 1992), 102; Adoft Adam, Eucharistic Celebration: The Source and Summit of Faith (Collegeville: The Liturgical Press, 1994), 120; Robert Cabié, “The Eucharist”, trong The Church at Prayer, vol. 2, ed. A. G. Martimort, trans. Matthew J. O’Connell (Collegeville: The Liturgical Press, 1986), 219.

[2] Robert Cabié, 123; Joseph A. Jungmann, SJ, The Mass of the Roman Rite: Its Origins and Development (Missarum Sollemnia), vol. 2, trans. Francis A. Brunner (New York : Benziger Brothers, 1951), 433-35; Joseph A. Jungmann, SJ, The Mass: An Historical, Theological, and Pastoral Survey, trans. Julian Fernandes, ed. Mary Ellen Evans ((Collegeville: The Liturgical Press, 1976), 214; Phan Tấn Thành, Cử hành Bí tích Tình yêu (Sài Gòn: Học Viện Đaminh, 2012), 280; Nguyễn Văn Trinh, Phụng vụ Thánh lễ (Hà Nội: Nxb. Tôn Giáo, 2008), 484-85.

[3] X. Nguyễn Văn Trinh, Phụng vụ Thánh lễ, 485.

[4] Jungmann, SJ, The Mass of the Roman Rite, 435-36; Lawrence J. Johnson, The Mystery of Faith: A Study of the Structural Elements of the Order of the Mass (Washington DC: FDLC, NE, 2003), 134; Nguyễn Văn Trinh, Phụng vụ Thánh lễ, 485.

[5] Adam, 120.

[6] X. Notitiae, July – August 45 (2008): 367-871.

[7] X. Gregory Augustine Pierce, The Mass Is Never Ended: Rediscovering Our Mission to Transform the World (Notre Dame: Ave Maria Press, 2007), 61.

[8] Susan K. Roll, “Theology of the Latin Text and Rite,” trong A Commentary on the Order of Mass of the Roman Missal, gen. ed. Edward Foley, 637; Joyce Ann Zimmerman, “The Mystagogical Implications,” 648.

[9] X. ĐGH Gioan Phaolô II, Mane nobiscum Domine, no. 24.

[10] Susan K. Roll, 637; Joyce Ann Zimmerman, 648.

[11] Ibid.

[12] Ion Bria, The Liturgy after the Liturgy, Mission and Witness from an Orthodox Perspective (Geneva: WCC Publications, 1996).

[13] X. Louis Marie Chauvet, Symbol and Sacrament: A Sacramental Reinterpretation of Christian Existence (Collegeville: The Liturgical Press, 1995), 265.

[14] Sắc lệnh Truyền Giáo, số 5.

[15] X. Ecclesia de Eucharistia, số 20; Sacramentum caritatis, số 51; Jeremy Driscoll, OSB, What Happens at Mass (Leominster: Gracewing Publishing/Chicago: Liturgy Training Publications, 2005), 132-134.

[16] X. Joseph M. Champlin, The Mystery and Meaning of the Mass (Quezon: claretian Publications, 2001), 122; Adam, 121.

[17] X. U.S. Conference of Catholic Bishops, Introduction to the Order of Mass: A Pastoral Resource of the Bishops’ Committee on the Liturgy (2003), no. 147; Phạm Đình Ái, SSS, Cử hành Hy lễ Tạ ơn, 386-387; “Lễ xong chúc anh chị em đi bình an,” trong Nhìn Lại Những Vấn Đề Phụng Vụ Tại Việt Nam, tập 1 (Hà Nội: Nxb. Tôn Giáo, 2016), 198-205.

[18] X. Joseph DeGrocco, A Pastoral Commentary on the General Instruction of the Roman Missal (Chicago: Liturgy Training Publication, 2011), no. 170.

Đang tải...
Đang tải...
Đang tải...
Đang tải...
Thiet ke web ChoiXanh.net
TOP
Loading...