Caritas Sài Gòn: Tập huấn tâm lý của trẻ khuyết tật
TGPSG -- Caritas Sài Gòn đã tổ chức buổi tập huấn trong 3 ngày với chủ đề “Nâng cao nhận thức về cách chăm sóc toàn diện cho trẻ khuyết tật”. Hôm nay, thứ Bảy ngày 01-6-2024, tại Giảng đường Pétrus Ký của Trung tâm Mục vụ TGPSG, nhà tâm lý học Nguyễn Thị Diệu Anh tập huấn đề tài: Tâm lý phát triển của trẻ khuyết tật, của phụ huynh và người thân; Chăm sóc sức khỏe tinh thần cho phụ huynh - người chăm sóc.
Buổi tập huấn sáng (8g – 11g30), chiều (13g30 – 16g), dành riêng cho các phụ huynh của học sinh tại Mái ấm Têrêsa Calcutta và cộng tác viên Ban y tế và Khuyết Tật của Caritas TGP Sài Gòn.
Ban tổ chức gồm có hai linh mục (Lm) Phó Giám Đốc Caritas Sài Gòn: Lm Phêrô Phạm Kim Quyền, MI - Phụ trách Ban Y tế và Khuyết Tật và Lm Phêrô Nguyễn Đình Đạm, OP - Phụ trách nhân sự; cùng với một số nữ tu và nhân viên văn phòng Caritas Sài Gòn.
Đại diện Nhà tài trợ SCC có hai chị Phan Thị Thanh Trà và Đỗ Tất Mai Ly.
Lúc 8g, Lm Phêrô Phạm Kim Quyền đã cầu nguyện xin Chúa thánh hóa buổi tập huấn.
Nội dung của tập huấn gồm có:
- Hiểu về Khuyết tật (KT),
- Tâm lý trẻ KT,
- Tâm lý của phụ huynh và những người trong gia đình có trẻ KT,
- Chăm sóc sức khỏe tinh thần cho người chăm sóc.
Hiểu về KT. Cô Diệu Anh giúp các tham dự viên một số kiến thức để có thể hiểu về khuyết tật, nguyên nhân và một số phương pháp điều trị, tập luyện. Cô đã giải thích chi tiết về KT và có ví dụ cụ thể về 3 mức độ của KT: khiếm khuyết, khuyết tật, tàn tật; điểm nhấn đến trẻ bại não (CP)
Tâm lý trẻ KT
Ngoài việc chăm sóc trẻ về thể chất, còn phải chăm sóc về tinh thần. Vì vậy bên cạnh việc có kỹ năng chăm sóc còn cần phải hiểu được tâm lý của trẻ KT, nhờ đó sẽ giúp phụ huynh hiểu bé, chăm sóc bé được phát triển tốt hơn, và giúp bé cảm nhận được tình thương của phụ huynh, giúp bé tương tác với người khác tránh bị tự ti.
Cô Diệu Anh đã phân tích cụ thể tâm lý của trẻ KT dựa theo 5 đặc điểm và có những cách thức hỗ trợ trẻ KT, trước khi chia 5 nhóm. Mỗi nhóm thảo luận trong khoảng 20 phút về một trong số 5 đặc điểm:
- Đặc điểm cảm giác - tri giác của trẻ KT
- Đặc điểm trí nhớ của trẻ KT
- Đặc điểm tư duy của trẻ KT
- Đặc điểm ngôn ngữ và giao tiếp
- Đặc điểm tình cảm - xã hội.
Lúc 9g30, theo thứ tự trên, đại diện các nhóm đã tổng kết thảo luận nhóm của mình.
Những phụ huynh tham gia tập huấn chính là người cha, mẹ, bà ngoại của trẻ hoặc công tác viên chăm sóc và giáo dục trẻ; vì vậy trong thảo luận đã nêu ra những đặc điểm cụ thể của chính con trẻ của mình và chia sẻ những kinh nghiệm tích lũy được để có thể thấu hiểu tâm lý của con trẻ, nhờ đó có hướng giúp trẻ ngày càng phát triển tốt hơn.
Cha mẹ và người chăm sóc là người quan trọng trong việc hiểu, biết về một đứa trẻ KT. Nhiều phụ huynh đã nêu ra những chi tiết về biểu hiện của con và một người cha đã nói: “Tất cả những biểu hiện của con đều có lý do hay nguyên nhân, mình phải tìm hiểu để có cách giải quyết.”
Tổng kết thảo luận của 5 nhóm kết thúc lúc 11g30.
Tâm lý của phụ huynh và những người trong gia đình có trẻ khuyết tật
Lúc 13g30, cô Diệu Anh đã trình bày đề tài “Chăm sóc sức khỏe tinh thần cho người chăm sóc trẻ KT”. Người chăm sóc trẻ KT sẽ phải đồng hành với trẻ trên con đường dài, có thể là suốt đời. Vì vậy nếu không hiểu nhau thì sự căng thẳng đó rất nhiều và gây ra nhiều rắc rối trong cuộc sống.
Các phụ huynh đã chia sẻ nỗi lòng, tâm lý của mình khi có con trẻ bị khuyết tật như: Mặc cảm, bị kỳ thị, những lo lắng như: Tương lai của con thế nào? Mình có sống lâu dài với con không? Bị Tress về nhiều mặt, như về kinh tế, tình trạng sức khỏe của trẻ…
Theo Bác sĩ Khoa Tâm thần Kubler-Ross, nhà nghiên cứu về tâm lý, đã vẽ biểu đồ diễn biến tâm lý của cha mẹ có con khuyết tật phải đối diện với những nỗi đau buồn: Sốc và chối bỏ - Giận dữ - Mặc cảm - Trầm cảm - Chấp nhận.
Cha mẹ có con khuyết tật đôi khi đối mặt với những vấn đề tâm lý khác như: Khó chấp nhận sự thật con mình bị khuyết tật; cảm thấy kiệt sức và cô độc; quan tâm đến đứa con bị bệnh hơn các thành viên khác…
Để giải quyết những vấn đề trên của phụ huynh, Cô Diệu Anh đã đưa ra một số giải pháp cho phụ huynh. Và để chăm sóc sức khỏe tinh thần cho người chăm sóc, cần lưu ý một số điều sau đây:
- Nâng cao nhận thức về khuyết tật cho bản thân và cộng đống
- Tham gia đội nhóm, người cũ tiếp sức cho người mới, học hỏi lẫn nhau
- Chấp nhận và cởi mở
- Giữ tinh thần lạc quan
- Kết hợp với các nhà chuyên môn trong việc chăm sóc và giáo dục con.
Tóm kết: Mục tiêu của buổi tập huấn giúp hiểu tâm lý của trẻ KT, những đặc điểm của trẻ để có giáo án phù hợp cho từng bé; đồng thời cũng phải hiểu tâm lý, đặc điểm của phụ huynh, thấu hiểu về tâm lý của phụ huynh để có sự cảm thông và đồng hành với họ. Phụ huynh là người chịu nhiều sự đau khổ, đồng hành với con qua từng giai đoạn phát triển của con, khi hiểu về phụ huynh sẽ giảm kỳ vọng, tăng sự thấu cảm, tăng thêm sự giúp đỡ cho phụ huynh, từ đó phụ huynh sẽ hiểu biết cách thức giúp cho con trẻ tốt hơn.
Vị thế của người khuyết tật trong lòng Giáo hội. “Thúc đẩy việc nhìn nhận phẩm giá của mỗi người là trách nhiệm thường kỳ của Giáo hội; đó là sứ mạng tiếp tục theo dòng thời gian sự gần gũi của Chúa Giêsu Kitô với mọi người nam nữ, nhất là những người mong manh và dễ bị tổn thương nhất. Đức Chúa là Đấng gần gũi.” (Diễn từ của Đức Thánh Cha Phanxicô nhân ngày Quốc tế Người khuyết tật, 03. 12. 2022).
Buổi tập huấn kết thúc lúc 16g, Lm Phêrô Phạm Kim Quyền, đại diện Caritas Sài Gòn có lời cảm ơn đến Nhà tâm lý Nguyễn Thị Diệu Anh đã dành nhiều tâm huyết cho các buổi tập huấn này và có lời cảm ơn đến Nhà tài trợ SCC.
Bài & Ảnh: Tiến Hương
Nguồn: tgpsaigon.net
-
Bài hát chính thức cho Năm Thánh 2025: Những người hành hương của hy vọng
“Những người hành hương của hy vọng” là bài hát chính thức cho Năm Thánh 2025 được viết lời Việt bởi Ủy ban Thánh Nhạc trực thuộc Hội đồng Giám mục Việt Nam.
-
Bạo lực nhân danh Chúa là phạm thánh
Lên án các hành vi bạo lực tôn giáo đã diễn ra trong mùa Giáng sinh, chủ tịch Hội đồng Giám mục Hoa Kỳ tuyên bố: Sự bạo lực nhân danh Chúa là phạm thánh...