Các ca đoàn phụng vụ sau Công đồng Vatican II

[ Điểm đánh giá5/5 ]1 người đã bình chọn
Đã xem: 3255 | Cập nhật lần cuối: 10/9/2023 5:35:00 AM | RSS

1. Ca đoàn là gì?

Ca đoàn là một từ mới được sử dụng trong những năm gần đây. Ngày trước những người hát trong nhà thờ thường được gọi là hội hát hay ban ca vịnh, gồm toàn nam giới và hoạt động cũng khá hạn chế, nghĩa là chỉ hát lễ và hát chầu bằng tiếng la tinh.

Trước năm 1945, ngoài các bài hát bằng tiếng la tinh là các bài hát bằng tiếng Pháp trong cuốn Cantique de la jeunesse. Một số bài trong cuốn này cũng như một số bài bằng tiếng la tinh như Veni Creator, Jesus dulcis memoria v.v… được đặt lời Việt vào để hát. Ngoài ra lại có cả một cuốn sách hát Tây lời Việt đề là Thanh Niên Kinh Nhạc, do ông Nguyễn Đức Lợi sưu tầm và xuất bản, nhưng không biết xuất bản năm nào[1], và một cuốn khác do cha già Vượng, giáo phận Hà nội sưu tầm và đặt lời. Thỉnh thoảng có một số bài do mấy chủng sinh Đại Chủng Viện Liễu Giai-Hà-nội[2] sáng tác như Nguyện xin Mẹ rất từ bi của thầy Hùng Lân và Ôi thiêng liêng cao quý vô cùng của thầy Phương Linh trước 1945, nhưng ít được ai biết đến. Vào tháng 10 năm 1945, nhạc đoàn Lê Bảo Tịnh ra đời và cho phát hành Cung Thánh I. Thánh ca Việt Nam phát khởi từ đây và lan rộng khắp nơi. Ngoài ra, trong Nam trước đó đã có những bài rất nổi tiếng như Nửa đêm mừng Chúa ra đờiNguyện xin Chúa Thánh Thần của linh mục Phao-lồ Đạt cũng như mấy bài của thầy Mạc Khanh ở Thanh Hóa như Chói lói Con Chúa nơi cửu trùngHải tần v.v…

Vậy ca đoàn là gì? Thưa là một tổ hợp thanh niên thiếu nữ hát lễ trong các nhà thờ ngày Chúa nhật cũng như ngày thường và các ngày lễ cưới, lễ an táng, chầu Mình Thánh Chúa v.v… hay một hội, một nhóm đồng ca, hát những bài ca phụng vụ[3].

Từ ca đoàn không có trong tự điển tiếng Việt. Thông thường hiện nay, người ta hiểu ca đoàn là những người đi hát lễ. Hiểu như vậy không sai, nhưng chưa đủ. Vì vậy, cần phải nói thêm về vai trò và nhiệm vụ của ca đoàn nữa.

2. Vai trò của ca đoàn

Ca đoàn có một vai trò và nhiệm vụ cao quý. Điều này chính Đức Giáo hoàng Phao-lô VI đã nói như sau: “Nếu đọc kỹ các tài liệu về Thánh Nhạc, người ta sẽ thấy rõ, ngay cả bây giờ, nhiệm vụ Hội Thánh giao cho Thánh nhạc, những người sáng tác cũng như các nhạc công, các ca đoàn và những người hát trong nhà thờ thật là cao quý và hệ trọng, như từ trước đến nay vẫn thế. Khi cử hành phụng vụ, phải liệu phô diễn những hình thức nghệ thuật sao cho thật hay, thật đẹp, như kèm theo các nghi thức là những cử điệu khoan thai, đẹp mắt, xứng hợp, trang trọng, cung giọng trong sáng dễ nghe, dễ đáp; như đi đôi với lời cầu nguyện của Hội Thánh là những bài hát vừa hay vừa cảm động, lại có sức nâng tâm hồn người nghe lên cùng Thiên Chúa và giúp cầu nguyện. Âm nhạc tỏa chiếu trên cộng đoàn họp nhau lại nhân danh Chúa Kitô một thứ ánh sáng rực rỡ như chính gương mặt của Người vậy. Nhờ sức mạnh vô hình của nghệ thuật, các ca đoàn dễ bay lên vùng ánh sáng rạng ngời của chân lý, tìm gặp Thiên Chúa là Đấng thanh tẩy và thánh hóa. Như thế, họ có thể giúp cộng đoàn cử hành mầu nhiệm cứu độ trong những điều kiện thuận lợi khi chính họ thông phần mật thiết vào các ơn ích của mầu nhiệm đó.

Nhằm mục đích này, những tài liệu tôi vừa trưng dẫn, nhằm cổ võ các ca đoàn, từ những ca đoàn trong các đại giáo đường, các nhà thờ chánh tòa, các đan viện nổi tiếng cho tới các ban hát trong các nhà nguyện, nhà thờ nhỏ, say sưa tập luyện và chuyên cần trau dồi nghệ thuật. Huấn thị về Thánh nhạc muốn rằng không một buổi cử hành phụng vụ nào mà không có hát, nên đã yêu cầu trong trường hợp không có ban hát nhỏ, thì phải có ít là hai hay ba người biết hát và được huấn luyện vừa đủ, để có thể giúp giáo dân tham dự thánh lễ và các nghi thức bằng những bài hát đơn sơ dễ hát, lại biết điều khiển và làm điểm tựa cho họ dựa vào để hát”[4].

Qua những lời lẽ trên, Hội Thánh tỏ ra săn sóc đặc biệt đến các ca đoàn, kêu mời họ đạo và cha sở lưu tâm đến ca đoàn. Lý do của sự quan tâm này là vì các ca đoàn góp phần vào việc tôn vinh thờ phượng Chúa, một nhiệm vụ hàng đầu của Hội Thánh.

Đó là bản chất và lý hữu của ca đoàn. Bây giờ xin nói đến nhiệm vụ của ca đoàn.

3. Nhiệm vụ của ca đoàn

Ca đoàn có nhiệm vụ yểm trợ và làm nền cho cộng đoàn hát, hay hát đối đáp với cộng đoàn, và đảm nhận những phần hát khó và đòi hỏi hơn. Riêng đối với bản thân, mỗi ca viên có bổn phận phải lo cho mình được huấn luyện về đường thiêng liêng, tìm cách để được hiểu Kinh Thánh, Phụng Vụ và các tài liệu Thánh Nhạc. Ngoài ra là tuân hành nội qui và nhịp độ sinh hoạt của ca đoàn, vì vào ca đoàn là làm một công tác thuộc đức thờ phượng, và ở trong ca đoàn là làm một tông đồ nhằm phổ biến vẻ đẹp của nghệ thuật cả về nội dung lẫn hình thức, qua lời ca tiếng hát để tôn vinh Thiên Chúa và thánh hóa các tín hữu. Đây là lý tưởng cần phải nhắm tới, còn thực tế thì phải nói là khó, vì vấn đề không được các vị hữu trách lưu tâm đến bao nhiêu, cứ để cho ca đoàn và ca trưởng tự do xử lý, dù đã có những thông cáo hướng dẫn[5].

Năm 1987, Ban Thánh Nhạc Giáo Phận Thành Phố đã ra các tập in ronéo về Mùa Vọng, Mùa Chay, Tam Nhật Vượt Qua, nhưng không lấy gì làm phấn khởi, vì các linh mục quản xứ không lưu tâm, giới trẻ không thích nhạc phụng vụ. Sở dĩ như vậy vì phần đông không hiểu Thánh nhạc là nhạc dùng trong nhà thờ để tôn vinh Thiên Chúa và thánh hóa tín hữu, nên có qui luật riêng về nghệ thuật là phải hay, phải thánh thiện và mang tính phổ quát, nghĩa là ở đâu và thời nào cũng hay.

Vì vậy, muốn giúp ca đoàn thi hành nhiệm vụ này, các vị hữu trách nên nhắc cho ca trưởng và ca đoàn luật hát xướng của Hội Thánh trong nhà thờ, kiểm tra bài hát về nội dung và nhạc điệu, chỉ cho cách chọn bài hát, nhấn mạnh đến tính cầu nguyện, cổ vũ và cho người đi học các lớp thánh nhạc và đệm đàn.

4. Thế nào là ca đoàn phụng vụ?

Ca đoàn phụng vụ là ca đoàn chuyên lo ca hát ở nhà thờ theo qui luật của Thánh nhạc cũng như các chỉ dẫn và đòi hỏi của Phụng vụ. Là phụng vụ, khi ca đoàn hát các bài ca phù hợp với từng phần trong thánh lễ, theo từng thể loại như đáp ca, đối ca, tung hô, ca vịnh, cung đọc, ca khúc, nghĩa là từ vị trí, thể loại cho đến nội dung lời ca, tất cả đều nằm trong mục đích tôn vinh Thiên Chúa và thánh hóa các tín hữu. Những ca đoàn như thế này tương đối còn ít ở nước ta, vì những lý do như nói ở trên, lại gặp hoàn cảnh không thuận lợi, không có phương tiện, không sẵn người chuyên môn, tuy có nhiều ca đoàn hát hay nhưng chưa phải là phụng vụ. Có chăng thì mới chỉ có Ban Hợp Xướng Pio X từ 17 năm nay đã luôn theo sát các qui luật của Thánh nhạc mà hát theo phụng vụ, đúng như các phần đoạn trong thánh lễ cũng như hình thức, thể loại và lời ca lấy từ các bản văn phụng vụ và Kinh Thánh. Còn bên Âu Mỹ, người ta có nhiều chuyên viên, lại sẵn phương tiện và truyền thống lâu đời nên thấy khác. Hơn nữa, kỷ luật về Thánh nhạc nơi họ được áp dụng và tuân hành chặt chẽ hơn. Các thứ loại nhạc mới phát xuất từ nơi họ, nhưng họ phân biệt rất rõ nhạc ngoài đời với nhạc trong nhà thờ. Trong nhà thờ, người ta không hát và đệm đàn như trong các nhà thờ Việt Nam. Nói đúng ra là người ta hiểu và thi hành kỷ luật một cách nghiêm túc. Có lẽ vì vậy mà những người xuất thân từ các học viện thánh nhạc như Viện thánh nhạc Rôma, bài hát họ làm ra không phải kiểm duyệt, vì họ đã kiểm duyệt trước theo những điều đã được học biết và cũng vì lương tâm nghề nghiệp và tinh thần tự trọng nữa.

Nói gọn lại, có thể căn cứ vào những tiêu chuẩn sau đây để xác nhận một ca đoàn là phụng vụ:

(1) Ca tụng tôn vinh Chúa: Ca đoàn ấy theo đuổi mục đích chính là ca tụng tôn vinh Chúa và thánh hóa các tín hữu.

(2) Phân biệt nhạc đạo với nhạc đời: Ca đoàn ấy phân biệt rõ nhạc đạo với nhạc đời. Nhạc nào là đời thì chơi ở ngoài đời, nhạc nào là đạo mới đem vào nhà thờ.

(3) Cầu nguyện thật sự: Ca đoàn ấy cầu nguyện và giúp cầu nguyện thật sự, trong khi hát và giúp người ta cầu nguyện, bằng những bài hát mà tâm tình và ý tưởng phát xuất từ những bản văn Kinh Thánh và Phụng vụ, lại được thể hiện với một cung cách đưa tâm hồn người nghe, người hát lên cao và mang đến cho tâm hồn họ, những tâm tình sốt mến, nghĩa là nghe hát và hát xong, người ta thấy có một cái gì đó và cũng còn để lại một cái gì đó.

(4) Không theo lối đời: Lối đời là hát để được tiếng cho cá nhân cũng như đoàn thể. Ca đoàn ấy hát không phải để đề cao cá nhân như ca sĩ hay tự đề cao mình như ca đoàn vượt trội. Ở đây không có cơ hội cho cá nhân trở thành ngôi sao và không biến người lĩnh xướng thành ca sĩ như ở phòng trà, các tụ điểm ca nhạc hay trên màn hình.

(5) Thi hành đúng phần việc: Khi hát, điều khiển ca đoàn hay chơi nhạc cụ, ai cũng chỉ thi hành công việc cần thiết và không ai chơi trội để lấy tiếng cho mình.

KẾT LUẬN

Nói tóm lại, các ca đoàn là những bộ phận không thể thiếu để phục vụ công việc thờ phượng. Muốn thế, các vị hữu trách cần quan tâm cho đúng mức và các ca viên cũng phải ý thức về sự cao quý của công việc này, vì đó thuộc phạm vi nhân đức thờ phượng, một việc phục vụ bác ái và một sinh hoạt nghệ thuật. Vậy từ nay, ước mong các vị hữu trách quan tâm, huấn luyện, dìu dắt về phụng vụ và công việc thiêng liêng đạo đức cho các ca đoàn. Các ca viên cũng cần phân biệt nhạc đạo với nhạc đời và tuân hành giáo huấn cũng như kỷ luật của Hội Thánh về Thánh nhạc để việc ca hát vừa làm đẹp cho buổi lễ, vừa nuôi dưỡng đời sống đức tin của các tín hữu. Làm thế nào để khi vào nhà thờ nghe hát, người ta không có cảm giác là vào một phòng trà hay một tụ điểm ca nhạc mà đến một nơi cầu nguyện, để tâm hồn được thanh thoát và tai được nghe những tiếng hát có sức biến đổi tâm hồn.

Tác giả: LM Anrê Đỗ Xuân Quế, OP

Trích: Tập san Hương Trầm của Ủy ban Thánh nhạc / Hội đồng Giám mục Việt Nam, số 35 (tháng 04 năm 2023)