Các mối Phúc thật hôm nay (1): Thiên Chúa hạnh phúc

[ Điểm đánh giá5/5 ]1 người đã bình chọn
Đã xem: 2645 | Cập nhật lần cuối: 6/29/2016 7:21:12 AM | RSS

*

Tập sách này trước tiên muốn giới thiệu tấm lòng Thiên Chúa của Đức Giêsu Kitô với danh hiệu thật là Ababa.

Abba kết hợp nguồn sinh lực của một người cha và lòng dạ của một bà mẹ. Vị Thiên Chúa này là của chung mọi người thuộc mọi thời đại. Ngài hiến mình cho tất cả họ, nhưng ưu ái đặc biệt dành cho những người bị ruồng bỏ và hoang mang. Ngài ước ao thấy người ta đứng vào hàng – ngũ những kẻ rốt hết và những kẻ bị khai trừ.

Nắm sách Tin Mừng trong tay, mở miệng là nói về Tin Mừng. Ở đây, cha J. Fr. Six dùng một ngôn ngữ quen thuộc giới thiệu cho chúng ta vừa hương thơ vừa sứ ngôn của các Mối Phúc thật.

Là tác giả của nhiều sách viết về Đức Giêsu và về thế giới hiện đại, sử gia và linh mục, dấn thân đấu tranh bênh vực quyền con người, cha muốn ngỏ cùng chúng ta theo ngôn ngữ những tư cách đó của cha.

* * *

Phần I: Hạnh phúc của Thiên Chúa

1. Thiên Chúa hạnh phúc

Các mối phúc thật trước tiên nói về bản thân Thiên Chúa. Đức Giêsu biết rõ đâu là nguồn gốc của cái quen gọi là các “mối phúc”.

Đó là những tiếng reo mừng trào lên từ đáy lòng Ngài. Không phải chỉ tự tấm lòng và ruột gan con người của Ngài mà thôi. Nhưng từ cõi sâu xa hơn nữa, tức là từ Đấng thân mật với Ngài hơn bản thân Ngài. Khi Ngài công bố các mối Phúc thật, nơi Ngài dội ra một niềm hân hoan và một sự viên toàn to lớn khiến toàn thân Ngài nhận ra chính nguồn sâu thẳm phát ra những tiếng reo kia: đó là tấm lòng, đó là lò lửa Tình yêu bừng cháy mà Ngài là “Abba”, là “ba nhân hậu” của Ngài.

Đọc các mối Phúc thật trước tiên chính là đọc được tấm lòng Chúa Cha giống như Đức Giêsu khi nói lên các mối Phúc thật, Ngài đã mô tả tấm lòng Chúa Cha. Khi Chúa Giêsu nói, thì trước tiên Ngài nói về Chúa Cha. Ngài nói về Chúa Cha hay hơn bất cứ là nghệ sĩ nào đã thành công trong việc nói lên những tài năng của mình qua tác phẩm họ sáng tạo ra. Khi Chúa Giêsu đề nghị các mối Phúc thật với ta, chính là Ngài giao cho ta bí quyết của Ngài, điều quý giá nhất đã được ban cho Ngài, tức là chính tấm lòng Chúa Cha.

Các mối Phúc thật hôm nay (1): Thiên Chúa hạnh phúc

Các mối Phúc thật trước tiên nói về Chúa Cha. Chúng mạc khải cho ta biết Chúa Cha nghèo khó, Chúa Cha hiền từ… phải bắt đầu từ đó, nếu không sẽ xuyên tạc các mối Phúc thật, biến chúng thành một bài ca trữ tình hay một chương trình luận lý. Các mối Phúc thật đánh động con tim và tình cảm chúng ta, đúng vậy. Các mối Phúc thật mời gọi ta thay đổi lối sống, đúng vậy, nhưng đó là chuyện sẽ đến sau. Nghĩa là sau khi ta nhìn nhận các mối Phúc thật nói về chính Chúa Cha và sau khi ta thẳng thắn làm thống kê mọi ý nghĩa chúng cho ta biết về Chúa cha.

Nhưng còn những người không tin thì sao? Những người cảm động vì các mối Phúc thật và mỗi ngày hết sức thể hiện trong đời sống của mình, nhưng vẫn không thừa nhận Thiên Chúa thì sao? Tôi hiểu rõ bạn vấn nạn gì. Nhưng nếu họ đi theo những lời mời gọi ấy, tức là nếu họ kính trọng những người họ gặp, thì họ dễ thừa nhận Chúa Giêsu, họ dễ chấp nhận rằng: trong chính tư tưởng Đức Giêsu, khi Ngài diễn tả các mối Phúc thật kia. Ngài có ý nói trước tiên về Đấng đã sinh ra Ngài. Họ không tin Thiên Chúa, nhưng họ có thể tin vào lời nói của Đức Giêsu, khi Ngài nói với họ là ở đây Ngài muốn nói về Thiên Chúa: và họ để ý xem vị Thiên Chúa do Đức Giêsu giới thiệu khi Ngài công bố các mối Phúc thật, là ai. Đôi khi chính những người ngoài Kitô giáo và những người không tin lại đi xa hơn những người Kitô hữu trên con đường ấy. Họ nhìn thấy vị Thiên Chúa do Đức Giêsu bày tỏ cho mọi người qua các mối Phúc trong khi người Kitô hữu lại có cái nhìn thiển cận.

Vậy người ta có thể từ chối không chấp nhận bất cứ vị Thiên Chúa nào, mà vẫn không phải là người nông cạn. Những người không tin thường là rất thông minh đối với các tôn giáo. Họ nhận ra mỗi tôn giáo đề nghị vị Thiên Chúa nào – mà nhận ra Thiên Chúa của ông quan tòa tôn giáo hay của tướng Pinôchet vốn muôn trùng khác xa Thiên Chúa của thánh Phanxicô thành Assisi và Thiên Chúa của ông Al-Hallay cũng muôn trùng khác xa Thiên Chúa của ông Khomeiny. Một số người bị óc chống vô thần vơ đũa cả nắm làm mờ mắt đi, còn những người khác thì tung ra khẩu hiệu:

“Hỡi người tin trên toàn thế giới, hãy kết đoàn với nhau, để, như họ nói, là cho thế giới khỏi bị diệt vong”

Tin vào Thiên Chúa không phải là mẫu số chung: bởi vì, trước tiên phải phân biệt người ta tin vào vị Thiên Chúa nào.

Ông Clemenceau đã kêu to: “Ôi, phải chi mọi người Kitô hữu có được trong huyết quản của mình chỉ một giọt máu của thánh Phanxicô thành Assisi”.

Đó là một vấn đề khác, có những người Kitô hữu thấy rất rõ ràng Thiên Chúa của Đức Kitô là Thiên Chúa của tình huynh đệ, của lòng hiền từ và nghèo khó, y như thánh Phanxicô thành Assisi đã sống. Nhưng trong cuộc sống của mình, họ không thể nào thành nhân. Có những người Kitô hữu khác và đây còn là vấn đề khác nữa – họ tự xưng là Kitô hữu, họ tuyên bố mình là con cái trung thành của Giáo hội Đức Kitô, thế nhưng, qua thái độ sống của họ, rõ ràng là họ tạo ra Thiên Chúa hầu như không giống tí nào với Thiên Chúa của Đức Giêsu Kitô, ngoại trừ tên gọi hay là bộ xương.

Sự thật trung thành hay phản bội của những người Kitô hữu, là những vấn đề có thật, Nhưng ở đây, điều chúng ta cần, nghiên cứu, chính là khuôn mặt Thiên Chúa theo như Đức Giêsu đã phác họa cho ta, trong các mối Phúc thật, chứ không phải là những khuôn mặt méo mó của Đức Kitô như thiên hạ rất thường gặp thấy nơi người Kitô hữu chúng ta.

Nhiều người đã viết về các mối Phúc thật nhưng không gặp thấy, trong những trang sách ấy, điều hiển nhiên tiên quyết này, tức là các mối Phúc thật trước tiên nói về Thiên Chúa Cha và trước hết nói là Ngài hạnh phúc và vì sao Ngài Hạnh phúc như vậy. Đó là vì Ngài sống nghèo khó, hiền từ… Đó là những cách sống của một ai thật là độc đáo và Giêsu gọi bằng một tên hoàn toàn độc đáo: Ngài dạy phải thưa với Thiên Chúa như đứa bé thơ bập bẹ mấy tiếng, đó là tiếng “Abba”: ba, ba! Trong văn chương Do Thái nói về cầu nguyện, không có nơi nào gọi Thiên Chúa bằng danh xưng “Abba” tầm thường và thân mật, âu yếm thiết tha và bập bẹ như thế. Không nơi nào người ta đã dám gán cho Thiên Chúa một tên gọi quá trẻ con như vậy. Ấy thế mà Chúa Giêsu là người đầu tiên đã dám làm. Ngài tự cho mình có quyền gọi Thiên Chúa cách đó. Và trong kinh “Lạy Cha”, Ngài thông cho các đồ đệ của Ngài cái quyền được làm như Ngài, tức là không ngần ngại xưng Thiên Chúa là “Abba”, Ba ơi!

Trong thế giới Đông phương thời cổ, hai nghìn năm trước Chúa Giêsu, người ta gặp thấy những lời kêu cầu thần thánh là “Cha”, nhưng danh từ ấy luôn luôn bao hàm ý nghĩa là nguồn sự sống, là điều chúng ta bây giờ quen gọi bằng danh từ “mẹ”. Trong Israel, người ta cũng nói đến Thiên Chúa là Cha. Danh từ ấy không còn nghĩa là nguồn sự sống, nhưng có ý chỉ những lần Ngài can thiệp trong lịch sử. Thiên Chúa là Cha của Ngài đã cho họ sống giữa các dân tộc khác, vì Ngài đã không ngừng săn sóc họ, mặc dầu họ đã nhiều lần thất trung. Cùng lắm, họ dùng kiểu nói “Cha trên trời”, không phải để nói với Thiên Chúa, nhưng chỉ có để nói về Ngài.

Người Đông phương thời cổ coi “cha mẹ” là đấng sinh ra mình, chăm sóc cho Israel được sống giữa các quốc gia: đó là hai khuôn mặt của Thiên Chúa. Nhưng khuôn mặt do Chúa Giêsu “sáng tạo” và dường như vén màn lên cho con mắt những người đồng thời với Ngài được khám phá ra thì hoàn toàn khác và các thính giả Ngài đã hiểu đúng như vậy, người thì sửng sốt ngạc nhiên chấp nhận, kẻ thì từ chối mà la to là phạm thượng và lộng ngôn.

“Abba” không phải là mẹ thông ban sự sống cũng không phải là ông tổ quốc gia. Nhưng Ngài là Đấng người ta có thể cậy tin, có thể thực tình phó thác cho Ngài, có thể sống với Ngài thật là thoải mái và có thể nói tất cả với Ngài: Ngài sẽ không bao giờ ngừng yêu thương bạn, hiểu bạn, chờ đợi bạn. Không bao giờ đụng đến tự do của bạn, cũng như người cha của đứa con hoang đàng dò tìm bóng con từ phía chân trời mà không sai người đi tìm kiếm, nhưng khi vừa thấy con về liền tổ chức liên hoan ăn mừng và không nhắc gì chuyện đã qua.

Đó không phải là vấn đề cha hay mẹ, theo nghĩa nam tính hay nữ tính, nhưng như ta thấy đó chữ “Abba” đây bao gồm cả hai ý nghĩa. Không phải là người mẹ âu yếm giữ con mình lại, nhưng là người mẹ sinh con ra cho nó vào đời. Không phải là người cha sinh thành muốn áp đặt tên, hình ảnh, quyền lực của mình, nhưng là người cha mở đường cho con cái được tự do muốn cho con sống cuộc phiêu lưu của nó. Trong thực tế, người “Abba” ấy mong muốn cho những mối liên lạc cha con không chỉ là những mối liên quan lệ thuộc, nhưng trái lại là những mối giây liên lạc tự do, không ngừng thúc đẩy cho con nên người tự lập và trưởng thành, nếu không là gán cho Thiên Chúa khuôn mặt khác với khuôn mặt Đức Giêsu trình bày với ta. Nếu nhấn mạnh mối quan hệ giữa con người và Thiên Chúa mà cứ nhắc đi nhắc lại liên miên, nào là bổn phận và nghĩa vụ, nào là luật pháp và chỉ thị, trái lại, “Abba” vốn là tình thương chỉ mong muốn một điều là mọi người thực hiện cuộc sống riêng của mình và đến lượt họ cũng trở nên “tình thương”, theo cách riêng của họ.

Cho nên cần loại bỏ những hình ảnh về Thiên Chúa Cha không đúng với hình ảnh Chúa Giêsu đã cho ta thấy về Thiên Chúa – vốn là Abba. Đó chỉ là những hình ảnh do huyết nhục tạo ra, mà huyết nhục thì đã sinh ra không biết bao nhiêu thảm kịch giữa các người cha sinh thành và các đứa con được sinh ra! Con người cả nam cả nữ đã tự gán cho mình biết bao quyền hành trên đứa con vì lẽ nó đã từ huyết nhục của mình sinh ra, mà đó toàn là những quyền hành không được phép!

Tôi biết một trẻ nam thường bị gọi là: “Con hoang”. Cả một truyền thống từ nhiều thế kỷ trong mấy nước châu Âu vẫn đè nặng trên những đứa con sinh ra ngoài giá thú. Truyền thống ấy phát sinh chủ yếu từ một số quan niệm Kitô giáo về hôn nhân. Người ta công bố hôn nhân và gia đình vốn bắt nguồn từ Thiên Chúa một cách tuyệt đối, với mục tiêu đầu tiên là sinh con đẻ cái rồi kết luận là chỉ có đứa con sinh ra trong bậc hôn nhân mới được công nhận, còn những đứa con khác bị lên án là bất hợp pháp. Não trạng này đã thay đổi, nhưng truyền thống ấy vẫn con tiếp tục trong cuộc sống hàng ngày. Và những đứa con sinh ra ngoài giá thú vẫn còn bị xã hội vạch mặt chỉ tên, người ta chỉ công nhận chúng rất ít quyền lợi, trong khi chúng chỉ là nạn nhân vô tội, lẽ ra không phải mang lấy tí nào lỗi lầm của cha mẹ chúng, dù là có lỗi lầm cũng vậy.

Bé trai tôi quen biết ấy có một người ông Công giáo thật là sốt sắng, ông ta chưa phải đối diện với vấn đề, vì ông đã chết ngay khi đứa cháu được thụ thai. Nhưng người ông đó đã quan tâm nhiều tới những trẻ con bị bỏ rơi, và con trai của ông là cha đứa bé, ít ra đã có thể ghi nhớ kỷ niệm để học đòi ông. Nhưng khi biết người thiếu phụ mình đã quen từ nhiều năm, sắp làm mẹ, chàng lại sợ trách nhiệm làm cha của mình, nên dục cô bạn phá thai. Cô không chịu, viện cớ là cô có quyền giữ lại đứa con. Người cha ấy liền bỏ trốn ra nước ngoài. Còn người thiếu phụ đã sinh cậu con trai, được nhiều người nam nữ bà con bạn bè săn sóc, “nhận làm con nuôi” và đối với bé trai, họ đã thực sự là “Abba”: nghĩa là những kẻ đầy lòng tốt, đã thừa nhận trẻ này và yêu thương em vì chính mình em! Em có thể cầu cứu họ, xin họ nâng đỡ, nói với họ và bao giờ cũng được đón nhận thân tình.

Thiên Chúa của Đức Giêsu Kitô là Abba, là tình thương, là đón nhận.

Và những người nam, nữ ấy, thừa nhận và đón tiếp bé trai kia không đòi sự cám ơn đặc biệt nào, họ sung sướng vì bé trai nọ, sung sướng cưng chiều em ấy và tập cho em nên người tự do.

Thiên Chúa của Đức Giêsu Kitô hạnh phúc vì thể hiện đúng bản chất của Ngài là Abba, là tình thương, là đón nhận. Chúa Giêsu nói với ta rằng Thiên Chúa là như thế đó, và Ngài hạnh phúc vì thể hiện đúng bản chất của Ngài như vậy.

Đó chính là ý nghĩa đầu tiên của các mối Phúc thật và là sứ điệp cơ bản, Ngài gởi cho ta Thiên Chúa có ý nghĩa gì? Ngài hiện hữu làm sao? Đó là hạnh phúc của Ngài, hạnh phúc vì thể hiện đúng bản chất của Ngài là thông ban, là tràn đổ tình yêu hạnh phúc, vì nhìn thấy những con người khác hạnh phúc giống như Ngài. Không thể tìm hiểu các mối Phúc thật mà không bắt đầu từ chỗ phải bắt đầu, nghĩa là từ chỗ Thiên Chúa vốn là nguồn uyên nguyên của hạnh phúc.

Khi đọc từng mối Phúc thật, phải luôn luôn nhớ niềm hân hoan reo mừng đã tràn ngập tâm hồn Chúa Giêsu, khi Ngài công bố các mối Phúc thật, hân hoan vì được nói về Abba của Ngài. Và đằng sau các mối Phúc thật kia ta phải không ngừng nhận ra thấp thoáng vị Thiên Chúa của Đức Giêsu.

(còn tiếp)

Jean Francois Six

Trích "Các mối Phúc thật hôm nay", tr. 3-14