Các mối Phúc thật hôm nay (10)

[ Điểm đánh giá5/5 ]1 người đã bình chọn
Đã xem: 2915 | Cập nhật lần cuối: 1/25/2017 12:54:46 PM | RSS

(Tiếp theo)

Điểm thứ hai thánh Luca và thánh Mátthêu khác nhau nữa là: thánh Luca nói: “Phúc thay các anh là người…” còn Mátthêu dùng ngôi thứ ba: “Phúc thay những người nghèo khó…” Có một bản văn Aramêa như nhau, một truyền thống Aramêa chung, theo như các nhà chú giải đã có thể dựng lại, nhưng bản văn cơ sở đó, hai vị đã dịch sang tiếng Hy lạp khác nhau. Có nhiều tỉ dụ như thế. Vậy có một bản văn cựu trào, có thể xuất hiện vào những thập niên đầu sau cái chết của Chúa Giêsu (bản văn thánh Mátthêu viết vào những năm 75-80). Và việc đi ngược lên tìm bản văn cựu trào tỏ cho thấy bản dịch thánh Luca xưa hơn bản dịch thánh Mátthêu và cả hai bản dịch đều là những tuyển tập gồm những câu rời do Chúa Giêsu đã nói trong nhiều cơ hội khác nhau.

J.Dupont dựng lại bản văn cựu trào như thế này:

- Phúc thay những người nghèo

Vì vương quốc trên trời là của họ.

- Phúc thay những người buồn phiền

vì họ sẽ được ủi an.

- Phúc thay những người đói (và khát)

vì họ sẽ được no nê.

- Phúc thay anh em, khi người ta ghét anh em và loại trừ anh em, khi người ta mắng chửi anh em như tên xấu xa vì cớ Con Người – anh em hãy vui mừng và hãy hân hoan, bởi vì phần thưởng của anh em sẽ to lớn ở trên trời, bởi vì chính như thế mà người ta đã bắt bớ các tiên tri trước anh em.

Ta đã thấy thánh Luca đọc lên bốn mối Phúc thật của ông ở Ngôi thứ hai: “Các anh…”. Đối với ông, chắc chắn là Chúa Giêsu nói với các Tông đồ, nhưng cũng nói với tất cả các đồ đệ rất đông của Ngài, các đồ đệ đủ loại. Thánh Luca nhấn mạnh trên sự kiện họ là cả một “đám đông” những kẻ đi theo Chúa Giêsu, như khi Ngài vào Giêrusalem, ngày lễ Lá (Lc 19, 37), cũng vậy, cả “một đám đông” chẳng những bao gồm các người từ Giuđê và Giêrusalem - tức là người Do Thái - mà còn từ Tyrô và Siđôn - tức là người ngoại (Lc 6, 17).

Các mối Phúc thật hôm nay (10)

Khi Chúa Giêsu nói “anh em, những người nghèo, những người đói…”, Ngài không ngỏ lời với những người nghèo chung chung, nhưng nói với các đồ đệ của Đức Giêsu, với những người Kitô hữu, Do Thái và dân ngoại đã trở lại với Tin Mừng. Vậy, khi viết các mối Phúc thật, thánh Luca không nói với nhóm xã hội người nghèo, nhưng nói với những con người Kitô hữu, vì Đức Giêsu mà hóa nghèo. Đó là những con người Kitô nghèo khó bây giờ, vì các đồ đệ của Chúa Giêsu đang bị thử thách và điều đó vẫn đang tiếp tục.

Nếu người ta hỏi Luca: “Thế thì bao giờ sẽ có cuộc thay đổi?” Câu trả lời của ông đã rõ: “bây giờ”, chính hôm nay và ngày mai, ‘Mỗi ngày’ suốt cả đời sống của con người Kitô là cứ sống nghèo mọi ngày đời mình. Chính lúc chết mới thực hiện cuộc phục hưng đã hứa: chính lúc đó những người đói mới thay đổi qui chế như trong câu chuyện kia thánh Luca kể lại, câu chuyện của người giàu và người nghèo. Người giàu liên hoan “mỗi ngày” trong đời anh ta (Lc 16, 19): người nghèo tên là Lagiarô, anh ta “thèm ăn” những mảnh vụn rơi rớt từ bàn ăn của người giàu”. Nhưng anh ta đang chết. Người nghèo được ở với ông Abraham, còn người kia thì không. Bấy giờ người giàu đang chết khát. Anh ta thèm một giọt nước, anh ta năn nỉ, nhưng ông Abraham đáp lại:

“Con đã lãnh của cải của con trong lúc còn sống” cũng trong thời gian đó, Lagiarô đã nhận những tai với họa. Bây giờ anh ta được thưởng công, còn con phải chịu thiếu thốn” (Lc 16, 25).

Lý thú của câu chuyện rất tinh vi ở chỗ nhấn mạnh trên chữ ‘bây giờ’. Cái “bây giờ” của người giàu và của người nghèo: một bên là liên hoan và no nê, bên kia là ung nhọt và đói khát. Thánh Luca tỏ cho những con người Kitô thời ông thấy rằng ông biết rõ là bây giờ họ đang ở trong thử thách.

Thánh Mátthêu càng nhấn mạnh đến những lao đao, gian khổ, bắt bớ cấm cách sẽ giáng xuống nặng nề trên những con người Kitô vào thời tận thế bao nhiêu, thì thánh Luca lại càng nhấn mạnh đến sự kiện là những khó khăn, thử thách kia đang xảy ra bây giờ, và đó là kỷ phần thường xuyên của con người Kitô, bởi vì phải vác thập giá mình “mỗi ngày” (Lc 9, 23) ngược với người giàu cứ ăn chơi thỏa thích “mỗi ngày”.

Như vậy, đối với thánh Luca, có thể nói là chúng ta đang ở trong cuộc sống thường nhật con người Kitô “của mọi ngày”, không phải một con người Kitô anh hùng, nhưng là một con người Kitô “thông thường”, và tiêu chuẩn, thông lệ cho con người Kitô đó, là có những thiếu thốn và những vấn đề, là gặp những cái đó ngay trước cửa nhà mình mỗi ngày do Thiên Chúa làm nên. Thánh Luca nói với những con người Kitô rằng: Vâng, anh em gặp trăm nghìn nỗi khó khăn hằng ngày, lo lắng bôn chôn, yếu đuối và khuyết điểm đủ điều. Rất tốt, anh em đang đi đúng đường và dẫu sao anh em cũng không mong rằng bước theo Chúa Giêsu sẽ đặt anh em, ngay tự đời này, như thể vào trong một cái kén, sẽ gìn giữ anh em khỏi những điều bất ngờ của cuộc sống. Lẽ nào anh em nghĩ rằng Thiên Chúa của Đức Giêsu sẽ quan phòng bảo vệ anh em là những kẻ tin cho thoát khỏi mọi thứ tai họa vốn dệt nên cuộc sống thường nhật của toàn thể loài người, kể cả bệnh tật và sự chết sao?

Vấn đề lớn, đó là vẫn tiếp tục tin và hy vọng vào Abba, chớ đừng nói: “Nếu có Thiên Chúa thì tại sao Ngài lại cho phép tất cả những sự dữ này?” Thiên Chúa của Đức Giêsu không phải là phương tiện làm cho mình tránh xa hay là thoát khỏi những khó khăn, kể cả sự chết, bởi vì chính Chúa Giêsu cũng đã chịu khổ đau, thương khó và chết. Còn tai ác thì sao?

Vâng, mầu nhiệm vẫn còn nguyên vẹn, có tai ác đó, và Abba xem ra bất lực. Nhưng sa chước cám dỗ nghĩ rằng Thiên Chúa của Đức Giêsu không có, vì lẽ có tất cả sự dữ kia, hỏi rằng sự dữ ấy có tiêu tan đi phần nào chăng? Chắc chắn là không. Cho nên tốt hơn cứ đương đầu với tai ác, đánh tan nó đi cho hết sức mình, ngay tại chỗ mình đang sống, nhận ra những tai họa đó, để tạo cho mình một sức can đảm mới, để đánh bại chúng mỗi ngày. Ta có thể gieo liên tục, một ngày nào đó ta sẽ thu hoạch trong niềm hân hoan. Luôn luôn người ta vẫn có thể gieo ở một chỗ nào đó, ngay ở giữa những sự đồi bại tai hại nhất. Thánh Gioan Thánh Giá nói:

“Ở đâu không có tình thương, anh em hãy gieo tình thương thì anh em sẽ gặt được tình thương”

Cần nhiều tin tưởng vào Abba để dám gieo vào chỗ xem ra toàn là chết chóc. Nhưng chính đó là điều mà thánh Luca đề nghị với những con người Kitô: chẳng những đứng vững trong gian truân và trước sự thiếu tình thương, nhưng lật ngược những cái đó, biến thành những mảnh vụn của Phục Sinh, những thành công của sự thiện.

Thế nhưng, khi thánh Luca, sau bốn mối Phúc thật của ông, nói đến bốn mối Phản phúc, ông có nói với cả những con người Kitô không?

“Tội nghiệp cho các ông, những người giàu có” tỉ dụ như thế. Các nhà chú giải nói rằng: hình như bản văn bị cắt đứt, hình như khi nói điều ấy thánh Luca không có ý ngỏ lời với các thính giả Kitô của ông, nhưng ông chỉ nói đến “những người giàu một cách tổng quát, đi từ nguyên lý này là không thể có sự dung hòa giữa đời sống Kitô và một cuộc đời nô lệ của cải, không thể cùng một lúc phục vụ Thiên Chúa và làm tôi tiền bạc. Ta sẽ thấy vấn đề tiền bạc hết sức quan trọng đối với thánh Luca, khi ta sẽ nghiên cứu mối Phúc khó nghèo trong bản chất của nó.

Vậy đối với thánh Luca, mối Phúc thật đó là “cái xảy ra từng ngày”. Cuộc đấu tranh trong thử thách phải bắt đầu lại mỗi sáng, ta không bao giờ được đảm bảo để chống lại các nỗi khó khăn, luôn luôn ta có thể mất hy vọng, nếu không để ý liên tục. Vấn đề là không được ngủ gật như thánh Phêrô, Giacôbê và Gioan trong lúc Biến hình và tại Giếtsimani (Lc 9, 32; 22, 45), “Hãy tỉnh thức trong mọi lúc” (Lc 21, 36), giống như những người kia đang đợi chủ mình. Chủ đến gõ cửa cho ông. Phúc cho những người tôi tớ này khi chủ gặp thấy chúng đang tỉnh thức (Lc 12,36-39).

Thánh Mátthêu không chỉ có bốn mối Phúc thật như thánh Luca, nhưng chín mối kia. Thực ra mối thứ 8 của thánh Mátthêu gắn liền với mối phúc thứ 9 (những người bị bắt bớ). Mối thứ nhất và mối thứ hai cũng vậy, có cùng một thái độ như nhau. Vậy thánh Mátthêu có ba mối mới, so với thánh Luca, đó là Mối phúc thứ 5, thứ 6 và thứ 7.

Điều cần nắm chắc trước tiên, đó là thánh Mátthêu tổ chức mối Phúc đầu của ông thành hai nhóm 4. Mối thứ 9 là một Mối Phúc khác biệt. Tám mối đầu ngắn gọn, Mối sau cùng được triển khai rõ ràng. Tám Mối đầu nói ở ngôi thứ ba và ngỏ lời với mọi người: các đồ đệ và quần chúng, Mối sau cùng là một tiếng “các anh”, nói riêng với các đồ đệ mà thôi, để nói cho họ biết phải phản ứng thế nào đứng trước thế gian và những lời cáo tội của nó.

Trong nhóm tám mối đầu, người ta gặp thấy 2 lần chữ “công chính” (ở Mối 4 và Mối 8: những người đói sự công chính, những người bị bắt bớ vì sự công chính). Chữ đó khó hiểu đối với chúng ta, chúng ta vội vàng hiểu theo nghĩa pháp lý hoặc xã hội. Thế nhưng trong Kinh thánh, tiếng ái mộ công chính mô tả một thái độ vốn làm nền và nuôi dưỡng một giao ước cảm thông giữa hai bên. Có ý thức về sự công chính, đối với Kinh thánh, tức là biết tôn trọng giao kèo nối kết chúng ta với một người nào đó, một thứ hợp đồng danh dự. Khiến Chúa lấy làm vinh dự khi tôn trọng điều Ngài đã hứa, đó là sự công chính của Ngài.

Đến lượt con người cũng phải lấy làm vinh dự để tôn trọng giao ước đã ký kết với Thiên Chúa, để tôn vinh Ngài bằng cách yêu thương anh em mình. Đói khát công chính, tức là nhiệt tình đối với hợp đồng kia phải thực hiện tốt hơn mãi đồng thời cần biết rằng nếu ta thực hành đức công chính của Thiên Chúa, nghĩa là cố gắng yêu thương thực tình theo cung cách của Abba, thì những người sống theo qui luật khác chỉ có thể ghét chúng ta và bắt bớ chúng ta.

Trong Kitô giáo, đã quá lâu người ta sử dụng một cách tai hại danh từ “Sự công chính của Thiên Chúa”. Chưa lâu lắm, thánh Têrêsa thành Lisiơ, đã phải đấu tranh trong tu viện của chị để truyền đạt lại ý niệm thật về sự “công chính của Thiên Chúa”. Thế mà người ta đã xuyên tạc những bản văn của chị và đã truyền đạt lại sau khi đã làm giảm nhẹ đi, trong hơn 50 năm, lý do là vì việc đảo lộn quan điểm mà chị đã đề nghị, làm cho người ta lo sợ. Với các nữ tu muốn tự hiến mình làm “vật hy sinh” cho “sự công chính của Thiên Chúa” để đền bù cho những người tội lỗi, chị Têrêsa vặn lại một cách tế nhị rằng: cung cách làm như thế cuối cùng là một cách tự đặt mình lên trên những tội nhân. Còn chị, chị muốn tự đặt mình vào “bàn ăn của những người tội lỗi” bởi vì chị không khác họ. Và chị muốn hiến mình cho Tình thương. Bởi vì chị nói Tình thương lớn hơn sự công chính: Thiên Chúa là tình thương; còn đức công chính của Thiên Chúa tùy thuộc vào tình thương. Chị nói đức công chính của Thiên Chúa đã được thực hiện một lần cho muôn đời nơi Đức Giêsu. Vậy vấn đề là mặc lấy những tâm trạng của Chúa Giêsu và đừng có tìm những việc anh hùng, là hiến mình cho phép công bình của Thiên Chúa nữa. Chị viết:

“Lạy Chúa, khi đời con xế chiều, con sẽ ra trước mặt Chúa với hai bàn tay không, bởi vì con không xin Chúa phải tính công cho con. Mọi thứ công chính của chúng con, đều có tì tích, trước mặt Chúa. Cho nên muốn được mặc lấy chính đức công chính của Chúa và nhận được từ nơi tình thương của Chúa chính Bản thân Chúa làm gia nghiệp muôn đời”.

Thánh Têrêsa thành Lisiơ nói rõ cho chúng ta điều này: là xét cho cùng, đức công chính của Thiên Chúa, đó là bản thân Đức Giêsu và tất cả tình thương của Abba do Ngài đem đến rộng ban cho mọi người. Đức công chính của Thiên Chúa, đó là việc Ngài đem lại cho mọi người, không phân biệt và vĩnh viễn, chính cung cách yêu thương của Ngài mà Abba là Đấng công chính, “hoàn hảo” (Mt 5, 48) trong việc “Ngài cho mặt trời mọc lên soi cho người lành kẻ dữ, làm mưa trên người công chính và kẻ bất lương” (Mt 5, 45).

Thương yêu bạn bè, đó là điều tự nhiên. Yêu thương kẻ thù như Abba yêu thương, đó là “tràn đầy” (Mt 5, 47), đó là điều “công chính” cần phải thi hành. Nói cách khác, đó là điều rất khác với những sự công bình của loài người chúng ta, căn cứ trên tinh thần bình đẳng và sự đền bù. Con người Kitô phải tìm kiếm trước hết “Vương quốc và đức công chính của nó” (Mt 6, 33) vốn là điều Đức công bình của con người. Đúng là chúng ta phải hành động như Abba hành động, là chúng ta phải giống như Ngài, hăng say với đức công chính ấy.

Thế là ta trở lại với quan điểm đầu tiên đó: trước hết có “Vương quốc của Thiên Chúa”, “Đức công chính của Thiên Chúa”, nghĩa là cái do Ngài đã ban cho chúng ta, cái tạo thành mới ấy vốn vượt vô vàn lần những luật đầu tiên kia. Vì lần này, Thiên Chúa ban chính mình Ngài là chính tình thương. Thánh Têrêsa thành Lisiơ, vài tháng trước khi chết, đã nói lên điều đó trong một tiếng kêu:

“Chúng con nhận được từ tình thương của Ngài chính Bản thân Ngài làm gia nghiệp muôn đời”

Trước khi thấy phải thực hành chương trình sống cuộc đời Kitô như thế nào, nhất thiết phải sống một cách triệt để, điều mà thánh Mátthêu nhấn mạnh là Thiên Chúa đã ban cho rồi, ban xong rồi, nhân loại vốn đã nhận được sự sống và ý thức là rượu ngon cuối tiệc Cưới Cana: Đó là tình thương vốn là Abba.

Làm sao cho những con người ngày nay hiểu và trước tiên chính chúng ta phải hiểu đúng ra rằng tình thương vừa được ban cho (thánh Mátthêu) và đồng thời tình thương ấy được ban cho từng người và cho mọi người để sống tình thương ấy hôm nay (thánh Luca), rằng không phải đó là chuyện điên khùng mà là sự thật, thật hơn tất cả những gì là thật nhất trong địa cầu chúng ta.

Ngày nay các nhà khoa học muốn đạt đến mức cùng của vũ trụ, tới những bí quyết sâu xa nhất, đó là điều tốt. Những nhà tư tưởng và những chính trị gia tìm kiếm những qui luật thích hợp cho loài người chúng ta vào thời gian năm 2000, để cho loài người chung sống với nhau, đó là công việc của họ và là việc khẩn trương. Có một chiều kích thứ ba, chiều kích của tình thương, của tương quan qua lại giữa con người và giữa các dân tộc với nhau.

Nhiều người nói rằng không thể nhìn thấy ở chân trời, sự truyền thông thực sự và sự thông cảm thực sự. Còn thánh Mátthêu và thánh Luca, đại diện cho Abba để nói rằng đó là có thể làm được và có thể làm ngay bây giờ, tại đây.

(Còn tiếp)

Jean Francois Six

Trích "Các mối Phúc thật hôm nay", tr. 118-129

---------------------------------------

* Bài liên quan:

Các mối Phúc thật hôm nay (1)

Các mối Phúc thật hôm nay (2)

Các mối Phúc thật hôm nay (3)

Các mối Phúc thật hôm nay (4)

Các mối Phúc thật hôm nay (5)

Các mối Phúc thật hôm nay (6)

Các mối Phúc thật hôm nay (7)

Các mối Phúc thật hôm nay (8)

Các mối Phúc thật hôm nay (9)