Các mối phúc thật hôm nay (3): Lửa Thiên Chúa

[ Điểm đánh giá5/5 ]1 người đã bình chọn
Đã xem: 2779 | Cập nhật lần cuối: 7/20/2016 12:01:58 PM | RSS

(tiếp theo)

3. Lửa Thiên Chúa

Vị Abba chúng ta tín thác không phải là cái giường người ta nằm liệt còn biết chi, nhưng là khối lửa phừng phừng. Ký thác cho Ngài chính là ký thác cho hỏa. Chúa Giêsu đã nói: “Ta đã mang lửa xuống thế gian”

Đây là lửa Thiên Chúa do Đức Giêsu đã đốt lên ở thế gian này. Các nhà thần bí thường tự ví mình như củi cho Lửa Thiên Chúa đốt bằng lên. Chúa Giêsu đã đem Lửa Thiên Chúa xuống trần gian và Ngài mong cho Lửa ấy cháy lan ra mãi. Người ta làm đủ cách để chặn Lửa ấy, người ta lôi hết củi ra ngoài, người ta tạo ra khoảng trống xung quanh Thiên Chúa, người ta tắt Lửa ấy, dập tắt lửa ấy đi bằng nhiều thứ nước khác nhau, nào là nước mặn của tình yêu giả dối hay của tính ích kỷ bo bo vào mình, nào là nước tù của thái độ dửng dưng, những cuồng loạn tiền tài hay những buổi liên hoan hời hợt bên ngoài.

Thiên Chúa là một nguy cơ, một đám cháy và người ta tự tạo cho mình một con tim không bén lửa, người ta đưa ra đề phòng đủ thứ cho ngọn lửa của Ngài không bắt được, cho tia Lửa Ngài không có cách nào lọt được vào trong nhà. Người ta tránh né được cuộc đấu tranh của ông Giacóp, bởi vì hễ đụng chạm là sẽ lây lan. Người ta muốn vào trong ngóc ngách là nơi Lửa ấy không chịu vào, vì Lửa ấy thích nơi gió lộng và những gì đề kháng, chứ không phải những gì co lại và thoát ly.

Nhà thần bí thừa nhận Thiên Chúa là như khối Lửa, một thứ Lửa quá mạnh, nên chỉ có thể mon men tới khá xa, và dù sao cũng không thể nào bắt được Thế gian không thể bao vây vương quốc của khối Lửa này. Nó ở giữa thế gian, nhưng thế gian không thể vạch ra giới hạn cho nó, cũng không thể nào thôn tín nó được. Nhà thần học công nhận sự khác biệt không thể dung hòa giữa Lửa và thế gian. Và khi nhận ra cái dị biệt này họ bắt đầu lặng thinh bởi vì đó là điều chưa biết, là Khối Lửa điên đang xâm chiếm và làm đảo lộn căn nhà. Họ biết rằng có những lúc mình bị Lửa ấy xuyên qua, nhưng không biết chính xác Lửa ấy là gì. Họ chỉ có thể thuật lại những “Lần Lửa ấy xuyên qua như thế”.

Chấp nhận những vết thương Lửa ấy gây ra giống như một lát gươm đâm vào quả tim mình, và chính những vết thương do cuộc sống hay lịch sử do những hoàn cảnh riêng tư hay tập thể sẽ chuẩn bị cho họ sẵn sàng hơn nữa, để phú thác mình cho Lửa ấy xuyên qua.

Do đó, nhà thần bí thường không được thoải mái trong cơ cấu tôn giáo, vì cơ cấu này lo lắng khi thấy xã hội thoát ra ngoài ảnh hưởng của mình vì bây giờ nó muốn tái chiếm và nắm lại xã hội trong tay. Cơ cấu luôn luôn e ngại đối với thần bí vốn hoàn toàn nhưng không, hoàn toàn tự do, hoàn toàn sáng tạo trước Nhan Chúa. Còn những khí giới được cơ cấu thích hơn, lại chính là rao giảng lòng sợ hãi và giáo dục người ta về trật tự lớp lang và về công trạng.

Tuy nhiên nhiều khi Lửa lật đổ cơ cấu và những pháo đài của nó. Quyền năng thần khí vốn là Lửa, đập tan những quyền hành hiện hữu. Tổng Giám mục của Seattle, Đức cha Hunthansen, khi nói về vũ khí hạt nhân, đã nhắc lại rằng Thập giá có một ý nghĩa rất là chính xác:

“Nhờ thập giá, Chúa Giêsu quy chiếu về thứ phương tiện đế quốc Lamã quen dùng xử tử những người họ coi như là cách mạng… Lời Chúa Giêsu kêu gọi vác thập giá là tiếng mời gọi ta mến yêu Thiên Chúa và thương người đồng loại một cách trực tiếp, đến nỗi chính quyền tại chỗ chỉ có thể nhìn đó như là tiếng kêu gọi người ta phá phách và làm cách mạng”.

Thiên Chúa của Đức Giêsu không thể không châm hỏa, khi Ngài ngự đến.

Lửa và muối đều liên hệ với nhau. Cần phải cố gắng tìm hiểu cho đúng các bản văn Tin Mừng. Muối những người thời đó sử dụng là muối mỏ, những tảng muối lấy từ Biển Chết có rất nhiều chất Chlorure de magnesium. Muối mỏ trước tiên dùng làm thức ăn. Người ta khai quật muối bằng cách rửa như ngày nay người ta vẫn làm trong các hầm muối. Đây là muối đất đối lập với muối biển lấy được nhờ nước bốc hơi. Như vậy, từ ngữ “muối đất” không có nghĩa là các người Kitô hữu sẽ đem lại cho thế gian một hương vị, nhưng hiểu một cách nôm na hơn về một thứ muối rõ rệt tức là muối mỏ. Nhưng khi người ta rút chất muối ra khỏi một tảng muối mỏ, thì tảng này khi đã mất công dụng đầu tiên vẫn còn dùng làm việc khác. Vì ở Pha lê tinh, thật là hiếm củi, có phân lạc đà đấy, nhưng cháy không ngon. Để tiết kiệm củi và nhen lửa với những thứ cháy không tốt, người ta bỏ vào đó thứ muối đất này, thế là những cục muối mỏ được dùng làm chất xúc tác.

Các mối phúc thật hôm nay (3): Lửa Thiên Chúa

Lửa, đó là hoạt động của Thiên Chúa, những ai làm đồ đệ cho Thiên Chúa của Đức Giêsu đều là thứ muối vừa tiêu biểu cho hương vị Thiên Chúa vừa giúp cho Lửa Ngài dễ bén hơn.

Chính vì Ngài là “Abba”, vô cùng quan tâm đến con người và tự do của họ, nên Thiên Chúa mới là khối lửa. Thiên Chúa muốn xuyên qua chiều dày những đề kháng của ta không chịu để cho Ngài yêu thương ta. Và chỉ có một mình Lửa mới có thể hoàn thành cái chết – Phục Sinh, tức là cuộc biến đổi ấy. Chẳng những Thiên Chúa tỏ mình ra cho con người, do sáng kiến riêng của Ngài, và luôn luôn Ngài là Đấng vốn yêu ta trước, chẳng những Thiên Chúa nhìn xem con người hoàn toàn thấu suốt nhận rõ con người, nhưng Ngài vốn là tình yêu thương, một tình yêu thương mãnh liệt say mê phóng xuống trên con người. Tình yêu thương này chỉ có thể bừng bừng cháy và muốn xâm nhập thấu suốt toàn thân họ.

Sự xâm chiếm ấy không tí nào giống như những cách người ta đi chinh phục, đi chiếm cứ. Lửa ấy dịu dàng tới mức làm ta bàng hoàng – nhưng vẫn là khối Lửa. Nó kín đáo lạ lùng – nhưng vẫn là khối Lửa. Nó tỏ tình âu yếm – kỳ diệu, nhưng vẫn là Khối Lửa. Nó thông ban hòa bình khiến ta kinh ngạc, nhưng vẫn là Khối Lửa. Thế thì làm sao con người nhận ra Lửa ấy.

Thật là một cách làm ngược đời, Thiên Chúa tỏ mình ra cho Êlia, không phải trong sấm sét chớp lòe, nhưng trong tiếng thì thầm êm ái. Ngài tỏ mình ra, không phải cho những người mạnh mẽ khôn ngoan, nhưng cho những người yếu đuối điên khùng, không phải cho những người đạo đức và nhóm Pharisiêu, nhưng cho những người đàng điếm và tên thu thuế, không phải cho những người quyền thế, nhưng cho những trẻ thơ.

Đó là điều khiến ta kinh ngạc. Bởi vì con người, dù có tin vào một Thiên Chúa biệt Ngôi hay là mải mê thiên văn học, đều luôn mãi nghĩ rằng không có ngẫu nhiên, nhưng mỗi người đều do định mệnh hướng dẫn. Nên vừa phải phó mình theo số mệnh điều khiển, vừa phải tuân theo một số nghi thức để trừ rủi cầu may. Nhưng Thiên Chúa của Đức Giêsu không tôn trọng các quy luật, không trả lại cho ai nấy tùy theo công đức mỗi người

“Ngài cho mặt trời mọc trên kẻ lành người dữ. Ngài làm mưa xuống người lương thiện và kẻ bất lương” (Mt 5, 45)

Không phải nghi thức nào, không trung gian nào, không hy lễ nào, không tư tế nào có thể bênh vực cho khỏi số phận hẩm hiu, hay đem lại cho ta may mắn. Sự quan phòng vốn không có mắt, không phân biệt “kẻ dữ người lành”. Như thế không phải là bất công tột đỉnh hay sao?

Thiên Chúa bất công, đúng thế. Ngài không lựa giống trước, Ngài để cho hạt giống tốt và cỏ lùng mọc lên một trật, và cho cả hai được nhờ mưa nắng. Thế mà Đức Giêsu nhấn mạnh đến lối độc đoán này của Thiên Chúa, nhưng vì chủ đích gì?

Để mời gọi người ta làm giống như Ngài, trở nên bất công như Ngài, nghĩa là:

“Hãy thương yêu kẻ thù, cầu nguyện cho người bắt bớ các con” như ở câu trước đó (Mt 5, 44).

Thiên Chúa của Đức Giêsu không phải là Thiên Chúa công bình… Nếu như Ngài tha cho kẻ lành và dùng Lửa Ngài tiêu diệt tại chỗ những tên gian ác, thì Ngài sẽ cho ta cơ hội để phê phán, để cùng Người chọn hạng người này và cùng Ngài loại bỏ hạng người kia. Chúng ta nghĩ rằng: như vậy sẽ dễ sống hơn và noi gương các đồ đệ đứng trước người mù bẩm sinh, sẽ có một thể chế tốt để biện minh cho Thiên Chúa. Ta sẽ có thể nói rằng những tai họa đều có một nguyên nhân, do lỗi người này nhóm nọ đáng chịu như thế. Nhưng dưới con mắt của Chúa Giêsu, không một đau khổ nào, không một cái chết nào, lại là dấu chỉ bàn tay Thiên Chúa trừng phạt. Những bất công tự nhiên phải do bàn tay con người chúng ta giảm bớt đi. Đứng trước mọi hoàn cảnh, luôn luôn phải là một cái gì. Đức Giêsu không trình bày với ta một Thiên Chúa đem lại lời giải thích cho mọi tai họa loài người. Thiên Chúa ấy biết có những gì trong lòng người ta. Ngài biết có những người tốt hơn và những người khác xấu hơn. Nhưng mỗi người há lại không vừa công chính vừa bất lương, lẫn lộn vừa cái gian ác, vừa cái hiền lành sao?

Trên cái tổng hợp cấu thành con người như thế, Thiên Chúa không phân biệt từng chi tiết. Nắng mưa, với sự phong phú của mình, Ngài không ban cho từng miếng, Ngài phung phí tình yêu thương của Ngài một cách toàn diện, thế thôi. Ngài đã phung như dứt khoát một lần trong vũ trụ, với các qui luật không bao giờ thay đổi, với cuộc sống con người đã được Ngài dựng nên cho có tự do và trách nhiệm. Thế giới và lịch sử hoàn toàn nằm trong tay con người. Và Thiên Chúa không có can thiệp nào khác, ngoài việc lấy tình thương của Ngài, để luôn luôn sưởi ấm con tim của mọi người. Abba không hề giật giây, không dùng mưu gian vận động, không gửi ôn dịch đến, cũng không sai những đặc sứ của Ngài đến nhân danh Ngài, khi thật sự mọi cái đều không xuôi.

Từ muôn thuở, Ngài vẫn luôn luôn phân phát tất cả tình thương của Ngài, một cách phung phí tràn trề trên mọi người chúng ta, dù ta tin tưởng hay là không tin, dù ta quảng đại hay là ích kỷ. Đối với Chúa Giêsu, ta sẽ mất thì giờ uổng công vô ích nếu ta cứ làm như người theo thuyết Manikê, luôn luôn phân biệt cho đúng cái gì dữ. Người Samaritanô không đứng lại trước người bị thương, để tự hỏi xem anh ta bị đánh có phải vì lỗi của mình hay không, cũng không tự bảo mình rằng: chắc chắn anh ta bị như thế là đích đáng. Người ấy lo giúp đỡ anh ta, chỉ có thế. Bởi vì Abba không lựa chọn, nên Chúa Giêsu nói thế với người đạo đức đương thời, là hãy làm giống như Cha, hãy nên hoàn hảo bằng chính sự hoàn thiện của Cha (Mt 5, 48) mà sự hoàn thiện của Cha vốn là đối xử hoàn toàn bất công, không thể biện minh được, vì sự người gian ác được mùa cũng làm sáng tỏ Abba y như vụ mùa bội thu của người lương thiện. Tuy nhiên Chúa Giêsu không nói rằng vụ mất mùa thảm thương của người lương thiện là cái tỏ bày Thiên Chúa. Mà đó lại là điều một số giảng viên đã không ngần ngại kết luận một cách sai lầm. Tôi không hiểu vì một thứ bệnh mê khổ nào mà họ lại cho tai họa là dấu chứng Thiên Chúa thương yêu một cách hoàn toàn đặc biệt!

Đó là thái độ phi lý của Abba sao?

Dưới con mắt loài người thì đúng như vậy. Nhưng đúng ra, Chúa Giêsu đề nghị với ta phải yêu thương như Abba vẫn hằng yêu thương một cách phi lý, nghĩa là không lựa chọn trước, một cách nhưng không vô hạn.

Và chính ngược giòng như thế ta mới đạt tới một cuộc sống cao hơn. Vì ta biết chắc rằng khi ta vượt lên trên não trạng tính toán chi li của mình, khi ta đạt tới chỗ biết cho người khác mà không mong được đền đáp lại, khi ta tha thứ mà không nhận đền bù, thì ta biết rõ là ta vượt được bản thân, và cảm nghiệm được niềm vui rất là đặc biệt.

Tới đây, ta cần tự hỏi xem Thiên Chúa có tha thứ theo như cách ta hiểu chăng. Khối Lửa Thiên Chúa vốn có sức thiêu trước cho tan tành mọi điều ta có thể xúc phạm đến Ngài, mọi cuộc phản loạn chống lại Ngài, mọi thái độ vô thần thành tâm, mọi điều lộng ngôn đủ thứ. Làm sao Ngài có thể nhớ mọi lầm lỗi này?

Người cha của đứa con hoang đàng chỉ thấy nỗi khổ cực con ông đã làm cho chính bản thân nó, nhưng ông không tỏ ra giận dữ vì cách đứa con đối xử với ông là người cha. Như việc nó đòi chia gia tài, bỏ nhà đi hoang, phá sản. Đứa con đã chuẩn bị những lời thú tội chính xác, nó đã dựng nên cả một kịch bản, để xin làm mướn làm thuê, bởi vì nó thấy rõ mình đã hoàn toàn mất địa vị làm con và lý do của việc nó trở về nhà không phải là cao thượng lắm đâu. Không phải vì nó thiếu người cha, không phải vì lòng mến thương mà nó trở về, nhưng vì nó đang chết đói. Còn cha nó, mặc dù ông không có bị lừa, ông cũng không để cho nó nói nửa lời, ông đã tha thứ cho nó tất cả từ lâu kia rồi. Cha nó ngăn trở không cho nó thú tội.

Trước kia người ta đã dạy cho ta, phải cố làm cho mình cảm thấy có tội trước nhan Thiên Chúa rằng: “Lạy Cha, con hết sức phàn nàn, vì đã xúc phạm đến cha, vì Cha tốt lành và đáng mến, nhưng người cha của đứa con hoang đàng không để cho nó kịp thưa lời nào như thế. Khi còn bé – chúng ta đã phải bắt buộc nhắc đi nhắc lại hàng tuần một cách buồn chán những lời thú tội như thế.”

Lối giáo dục này đã đặt chúng ta đứng trước một Thiên Chúa chuyên làm kế toán, đối xử khắc khe những lỗi lầm nhỏ nhất.

Nhưng nhất là – và đây là điều có thể tha thứ được chăng?

Lối giáo dục đó làm cho lớp trẻ chúng ta nghĩ rằng Abba có thể bỏ rơi chúng ta, nếu chúng ta không thay đổi. Ai cũng biết sức tàn phá gớm ghê của thứ bệnh tâm lý gọi là bệnh ‘buông trôi’ tức là cảm thấy mình không được yêu hay bị cha mẹ ruồng bỏ. Đàng khác, bệnh này còn dẫn đến tính hay gây gỗ với tha nhân. Dạy cho chúng ta biết một cách triệt để rằng: Abba không đời nào bỏ rơi con cái của Ngài, rằng Ngài không bao giờ thôi yêu thương. Đó mới là điều đúng hơn và thông minh hơn, vì nó sẽ đặt chúng ta đứng trước trách nhiệm thực tế của mình, trách nhiệm ta phải có đối với những người khác. Chúng ta chỉ có tội đối với những con người, và chỉ có những con người mới có thể tha thứ cho nhau.

Điều nói trong kinh Lạy Cha, cần phải đọc cho thật kỹ: Abba Ngài đã tha thứ vĩnh viễn rồi, Ngài sẽ không bỏ rơi ta bao giờ hết, cho dù ta có làm gì đối với Ngài cũng vậy. Nếu Ngài đã không và sẽ không ghi nhớ điều gì nghịch lại ta, thì phần ta, ta cũng phải làm như Ngài hôm nay, ta phải tha thứ ngày hôm nay. Việc hòa giải đi trước cả việc cầu nguyện và nghi thức. Đó là điều đòi hỏi chúng ta, qua những cử chỉ rộng rãi, qua ý thức thực tế về những trách nhiệm và tình liên đới ta cần thể hiện, qua những việc tha thứ hàng ngày, qua một cung cách linh động lật qua trang khác, để đi xa hơn. Điều đòi hỏi chúng ta, chính là chia sẻ với người khác về Abba là ai, là một Thiên Chúa không hề nhớ bận tâm đến cỏ lùng, đến những sự yếu đuối của ta. Ngài không có một trí nhớ hằn thù nhỏ nhen như những con người chúng ta. Ngài là Khối Lửa gặp cái gì cũng thiêu đốt hết, là một khối lửa hân hoan tưng bừng.

(còn tiếp)

Jean Francois Six

Trích "Các mối Phúc thật hôm nay", tr. 29-40

---------------------------------------

* Bài liên quan

Các mối Phúc thật hôm nay (1)

Các mối Phúc thật hôm nay (2)