Dẫn vào thần học Hội nhập văn hóa (10): Nhận định Mục vụ

[ Điểm đánh giá5/5 ]1 người đã bình chọn
Đã xem: 1995 | Cập nhật lần cuối: 7/6/2016 10:23:13 AM | RSS

(tiếp theo)

Chương VII: Nhận định Mục vụ

Cho đến đây, chúng ta luôn tìm hiểu “Hội nhập văn hóa”của Phúc Âm ở bình diện ít nhiều lý thuyết. Trong chương này, chúng ta sẽ có một vài nhận định mục vụ về các trở ngại và điều kiện thực tế cho việc thể hiện.

I. Tính lưỡng diện của việc Phúc Âm hóa

Mọi người chúng ta đều biết rõ rằng Phúc Âm đã hội nhập vào nền văn hóa của cả một khối rộng lớn bao gồm các nước phương Tây. Trong nhiều thế kỷ, Giáo hội không cần phải đặt vấn đề về sự hiện diện về nhiều nền văn hóa khác nhau, và bổn phận có phải Phúc Âm hóa các văn hóa ấy không? [1]

Thật vậy, trong việc truyền giáo, điều khó khăn nhất không là việc đem Phúc Âm đến công bố cho mọi dân tộc, nhưng là đem đến cho các dân tộc ấy, một cơ may góp phần vào việc xây dựng một Giáo hội chung, nét độc đáo của dân tộc mình. Sự thành công này tùy thuộc trước hết vào Chúa Thánh Thần, nhưng cũng tùy thuộc rất nhiều vào các yếu tố lịch sử và nhân loại. Ngày nay, có nhiều “dấu chỉ thời đại” cho phép chúng ta quả quyết rằng sự thành công ấy sẽ đạt được. Nhưng muốn được như vậy, trong việc Phúc Âm hóa, Giáo hội phải làm gì?

Ngày nay, các nhà truyền giáo bị đặt trước một mạng lưới chằng chịt về trao đổi văn hóa giữa các dân tộc. Trong hoàn cảnh này, các ngài nhìn thấy rõ các điều sau đây:

1) Văn hóa riêng của bản thân họ có một khoảng cách khổng lồ với văn hóa của truyền giáo, và với văn hóa trong đó Phúc Âm đã được hình thành.

2) Trong Giáo hội Công giáo, Phúc Âm đã được “nhập thể” sâu xa trong văn hóa Tây phương.

3) Có những khác biệt phải tôn trọng, không được xóa nhòa ở các văn hóa đón nhận Phúc Âm.

Việc hội nhập Phúc Âm vào văn hóa có thành công hay không tùy thuộc rất nhiều vào ý thức của các giá trị thừa sai về các điều nói trên. Nhờ ý thức ấy, các ngài sẽ thấy việc Phúc Âm hóa một dân tộc kéo theo những trao đổi văn hóa rất phức tạp và đòi các ngài tìm hiểu các văn hóa ấy và ảnh hưởng của chúng lẫn lộn vào nhau như thế nào? Một thí dụ cụ thể cho ta thấy sự khó khăn phức tạp nói trên: việc chuyển dịch một bản văn Phúc Âm ra ngôn ngữ văn hóa nhân loại của một dân tộc để họ nghe xuôi tai và dễ hiểu đòi biết bao chuyên môn khó khăn về ngôn ngữ và phong tục, tập quán của người viết và của dân tộc sẽ đón nhận bản dịch ấy.

Khi các nhà truyền giáo đã gieo Phúc Âm như hạt giống vào lòng một dân tộc, thì Phúc Âm trở nên một động lực nội tại trong văn hóa của dân tộc ấy. Phúc Âm hành động từ bên trong và văn hóa ấy bắt đầu biến đổi bởi tự mình. Kết quả là văn hóa ấy mang lại một giải đáp theo tinh thần Phúc Âm cho dân tộc ấy, nhưng giải đáp vẫn hoàn toàn có màu sắc của văn hóa riêng dân tộc ấy. Một hội nhập văn hóa của Phúc Âm nào cũng phải đưa đến kết quả ấy.

Trong việc Phúc Âm hóa, nhà truyền giáo phải biết tránh một số sai lầm. Khi rao giảng Phúc Âm, ông đã phải dùng một ngôn ngữ văn hóa trong đó Lời Chúa đã nhập thể. Vì thế, ông phải có khả năng để phân định Lời Chúa và văn hóa trong đó Lời Chúa nhập thể chứ không nên coi cả hai đều đã thuộc cùng một đức tin. Tiếp theo, khi tiếp xúc với nền văn hóa địa phương ông đến rao giảng thì ông ý thức rằng văn hóa này khác với văn hóa nơi ông sinh trưởng. Điều này có nghĩa là khi đến Phúc Âm hóa thì ông có quyền nâng văn hóa địa phương này lên tầm đòi hỏi của Tin Mừng, nhưng ông không được đòi hỏi văn hóa địa phương ấy thay đổi cho phù hợp với văn hóa của mình. Đây là điểm các nhà truyền giáo Tây phương thường sai lầm. Các ông không phân biệt được Phúc Âm với văn hóa Tây phương nên các ông áp đặt văn hóa Tây phương cùng với Tin Mừng. Các ông nghĩ một cách rất thành thực rằng văn hóa Tây phương là văn hóa Kitô giáo, nên người Kitô hữu thì phải có văn hóa Tây phương. Ngày nay, sai lầm trên cần phải loại bỏ, vì phong trào tục hóa ở Tây phương đã làm cho đời sống con người xa rời đức tin, và chủ nghĩa thực dân của Tây phương ở các nước thế giới thứ ba đã làm nẩy sinh sự nghi kỵ đối với Tây phương.

Dẫn vào thần học Hội nhập văn hóa (10): Nhận định Mục vụ

Mặt khác, Giáo hội Công giáo ngày nay đã được thiết lập ở khắp mọi nơi trên trái đất và bao gồm nhiều dân tộc, văn hóa khác nhau. Như vậy, những điều kiện của trao đổi văn hóa tùy thuộc vào quyết định của mỗi Giáo hội địa phương. Điều phải tránh là các Giáo hội không nên tự coi mình hay một Giáo hội địa phương nào khác như mẫu mực các nơi khác phải noi theo để có sự duy nhất. Càng không được coi các Giáo hội địa phương như những đơn vị thấp trong một Giáo hội chung là thượng đỉnh có quyền định đoạt về mọi vấn đề đến tận chi tiết.

Một nhà thần học Phi châu, Jean Marc Ela, đã phàn nàn rằng: các Kitô hữu ở Phi châu, vì chấn thương tâm thần trong thời thuộc địa, nên thường có thái độ phục tùng tất cả những gì Giáo hội Tây phương đem đến mà không bao giờ có lời bình luận gì. Nhưng đón nhận văn hóa già cỗi của một Giáo hội địa phương đang xuống dốc như vậy sẽ đem lại được gì cho những Giáo hội trẻ trung, đầy nhựa sống ở Phi châu? Ông viết: “Người ta thấy đó: Các Giáo hội gọi là trẻ trung sinh ra với những triệu chứng già nua trước tuổi. Vì thế, để gặp lại chính mình, các Giáo hội ấy phải ra khỏi hoàn cảnh tù đày mà các sức đè nặng làm tắt nghẽn tuổi thơ của mình. Để chấm dứt những lẫn lộn tha hóa và tê liệt nói trên, cần có một công việc về gạn lọc để giải thoát tính mới mẻ của Phúc Âm với cái bao bọc ngoài của trấu vỏ xã hội văn hóa, in dấu lịch sử tính của mọi công cuộc nhân loại”. [2]

Hội nhập văn hóa của Phúc Âm đòi hỏi các văn hóa phải có sáng kiến và sự độc đáo. Các Giáo hội trẻ, để đáp lại ơn gọi của mình, trước hết phải là chính mình. Thực tại dị biệt và khác nhau của các dân tộc đòi phải có một mục vụ đa nguyên, bắt đầu ngay từ đa nguyên văn hóa và thần học.

Các Giáo hội địa phương phải có thẩm quyền, trách nhiệm, sáng kiến, tưởng tượng và dám tạo nên cho mình những mẫu mực, những cấu trúc, những thể chế,… thích hợp với các hoạt động và dịch vụ khác nhau mà địa phương mình cần có.

Như trên, ta thấy rõ để thành công trong “hội nhập văn hóa” của Phúc Âm, các Giáo hội địa phương phải tìm lại tính năng nổ của các Giáo hội địa phương của hai thế kỷ đầu trong Giáo hội. Lúc ấy, Phúc Âm đã thật sự có cơ may thấm nhập vào văn hóa của châu Âu, của Bắc Phi và của Cận Đông. Các Giáo hội ấy có sự duy nhất nhờ tin vào Đức Kitô, nhưng luôn giữ được sắc thái văn hóa riêng của mình: các thơ thánh Phaolô cho thấy trong các Giáo hội do ngài thành lập, mỗi Giáo hội vẫn có những ưu điểm và khuyết điểm riêng của mình. Nhưng đến thời Tây phương khám phá ra Mỹ châu và Viễn Đông, vì những lý do chính trị, xã hội, Giáo hội xem ra đã đánh mất niềm tin ở các văn hóa ngoài Tây phương, nên khi đến thiết lập các Giáo hội địa phương ở các miền xa xôi ấy, để có sự duy nhất, Giáo hội đã không tránh được coi duy nhất là sự đồng dạng và đồng hóa với các Giáo hội địa phương ở châu Âu.

Trong não trạng người Tây phương ngày nay, xu hướng trên vẫn còn tồn tại ở nhiều người, tuy rằng trong các thập niên 50 và 60 của thế kỷ này, chế độ thực dân đã lần lần tan biến. Nhưng tính độc lập chính trị mà không kèm theo sự tự lập và bản sắc văn hóa riêng thì còn có ý nghĩa gì nữa. Ngày nay, văn hóa bản xứ khác hẳn ý niệm nhiều người Tây phương nghĩ về nó như những thực tại của lịch sử đã qua mà ta thấy trong các viện bảo tàng và trong các câu chuyện văn hóa dân gian dành cho khách du lịch ngoại quốc, không còn sự sống nào cả. Văn hóa bản xứ luôn là một thực tại sống động. Ở phạm vi xã hội chính trị, nó vẫn có khả năng tạo ra những thể chế giúp vào việc làm cho các phần tử của một dân tộc có một phát triển toàn diện. Cách nhìn của nền văn hóa này về vũ trụ và con người, vẫn còn là sức mạnh để dân tộc ấy xây dựng lại một văn hóa của riêng mình và bước vào bản kịch quốc tế với vai trò riêng của mình.

Sự bừng tỉnh của các dân tộc trong sự hãnh diện về chủng tộc và văn hóa của bản thân là một “dấu chỉ” lớn của thời đại chúng ta. Giáo hội phải coi đó là một cảnh giác cho mình. Tại sao các dân tộc ngoài Tây phương lại không có thể đáp lại cho mời gọi của Phúc Âm một lời độc đáo và tài tình để làm cho kho tàng chung của Giáo hội được thêm phong phú?

Nhưng muốn được như vậy, về phần mình, Giáo hội cũng phải tránh xa mọi sự đồng hóa chính trị và có một chiến thuật đồng trách nhiệm. Giáo hội phải dứt bỏ tập quán Tây phương quen nghĩ rằng, các dân tộc bản xứ chỉ có thể tồn tại và phát triển khi họ đồng hóa vào xã hội và văn hóa Tây phương. Có lẽ Giáo hội phải nghĩ ngược lại: các dân tộc bản xứ có thể sống đời sống Kitô giáo mà không cần kinh lễ bằng tiếng Latinh và nhà thờ gôtích.

Khi lên đường Phúc Âm hóa, đó là lúc Giáo hội bước vào quá trình hội nhập văn hóa và đó cũng là lúc một Giáo hội địa phương mới bắt đầu hình thành như một tập hợp mới xung quanh Lời Thiên Chúa gieo xuống, chết đi, để rồi sinh sôi trong miền đất lạ. Giáo hội địa phương lớn lên trong sức mạnh của Phúc Âm và sự sáng tạo của Chúa Thánh Thần. Tập hợp mới này có mọi tự do để nảy nở trong hiệp thông rộng rãi vào “Công giáo tính” của Giáo hội.

(còn tiếp)

Lm. Giuse Thân Văn Tường

Trích “Dẫn vào thần học Hội nhập văn hóa”, tr. 94-100

---------------------------------------------

* Bài liên quan:

Dẫn vào thần học Hội nhập văn hóa (1)

Dẫn vào thần học Hội nhập văn hóa (2)

Dẫn vào thần học Hội nhập văn hóa (3)

Dẫn vào thần học Hội nhập văn hóa (4)

Dẫn vào thần học Hội nhập văn hóa (5)

Dẫn vào thần học Hội nhập văn hóa (6)

Dẫn vào thần học Hội nhập văn hóa (7)

Dẫn vào thần học Hội nhập văn hóa (8)

Dẫn vào thần học Hội nhập văn hóa (9)

Chú thích:

[1] Đơn giản vì các nền văn minh đó khá đồng nhất và cách chung là đã được Kitô hóa từ rất lâu.

[2] Qustion aux Chrétiens et aux Eglises d’Afrique (1980, tr. 132). Le Cri de l’homme africain. Paris: Edit. L’Harmatan.