Dẫn vào thần học Hội nhập văn hóa (11)

[ Điểm đánh giá5/5 ]1 người đã bình chọn
Đã xem: 1834 | Cập nhật lần cuối: 7/2/2016 2:24:03 AM | RSS

(tiếp theo)

II. Quan hệ giữa tôn giáo và văn hóa

Dẫn vào thần học Hội nhập văn hóa (11)Đến đây, chúng ta đã quen với quan niệm coi văn hóa như một cơ thể sống động, vừa để tạo nên nhân vị con người, vừa là một dự phóng vượt lên trên mọi cá nhân. Như vậy, giữa tôn giáo và văn hóa có một quan hệ thực tiễn rất bền chặt. Tôn giáo xuất hiện như một động lực bí ẩn làm cho văn hóa luôn có mong ước siêu việt hóa chính mình. Theo nhãn quan ấy, thì việc hội nhập văn hóa của Phúc Âm chưa đạt nếu chưa Phúc Âm hóa phạm vi tôn giáo.

Nhưng vai trò của tôn giáo trong văn hóa mỗi nơi và mỗi thời đều khác, vì thế việc Phúc Âm hóa tôn giáo cũng cần phải linh động cho hợp với hoàn cảnh cụ thể. Sau đây chúng tôi sẽ trình bày sơ qua vấn đề này.

Nếu nhìn theo đức tin, hội nhập văn hóa của Phúc Âm có cội nguồn ở Mầu nhiệm Nhập thể và thể hiện nhờ quyền năng thánh hóa của Chúa Thánh Thần. Nhưng việc này cũng tùy thuộc vào những điều kiện khách quan trong lịch sử. Để thấy rõ điều này, chúng ta sẽ phân tích sơ qua tình trạng tôn giáo hiện nay ở Tây phương và ở các lục địa khác.

Ngày nay, ở Tây phương, thường người ta phân biệt trong đời sống những xu hướng tôn giáo, chính trị, kinh tế và xã hội. Tôn giáo trở nên một loại ngành chuyên biệt, giới hạn mỗi ngày một rõ ràng hơn vào một khu vực riêng của đời sống con người. Trong lúc ấy, ở các lục địa khác, tôn giáo vẫn hòa nhập vào mọi phạm vi đời sống con người, cá nhân và tập thể. Nhiều người trong các lục địa ấy không có ý thức gì về sự phân biệt: tôn giáo, kinh tế, xã hội… Tuy một số người khác chịu ảnh hưởng tư tưởng của Tây phương, đã có hiểu biết trong cái nhìn phân biệt nói trên, nhưng trong thực tế, họ vẫn giữ cái nhìn tổng hợp về đời sống chung với cả dân tộc họ.

Nhưng dù ở đâu, Tây phương hay các lục địa khác, Giáo hội luôn vẫn phải Phúc Âm hóa kinh nghiệm tôn giáo cụ thể của các cá nhân và xã hội trong đó họ sống. Ở đâu, Giáo hội cũng vẫn phải đem Lời Thiên Chúa đến để thỏa mãn nhu cầu căn bản của đời sống con người là vươn lên Đấng Tuyệt Đối, dù Người có danh xưng là gì đi chăng nữa. Và để làm việc này, thì chỉ cố gắng diễn tả sứ điệp Kitô giáo bằng một ngôn ngữ hiện đại thích hợp với từng xã hội thì chưa đủ, còn cần phải đi đến mỗi cá nhân, gặp họ ở chỗ họ nhào nặn và sống dự phóng tôn giáo của họ. Để làm công việc này, thì ta phải hiểu biết xu hướng tôn giáo thật sự của mỗi cá nhân và dân tộc.

Ngày nay, trong các xã hội Tây phương, một quá trình tổng hợp “cận đại” đã làm cho người ta chịu ảnh hưởng sâu đậm trong cách suy tưởng của phong trào tục hóa và thuyết duy lý ở mọi phạm vi của đời sống. Còn tôn giáo thì dù đã biến đi trong những nơi công cộng, nhưng các Giáo hội thiết chế vẫn còn được nhìn thấy ở khắp mọi nơi. Mặt khác, nếu bên ngoài có hiện tượng người ta từ khước Thiên Chúa, nhưng tiềm thức tôn giáo ở người Tây phương vẫn còn và có khi xuất hiện ra bên ngoài bằng sự mê tín nhảm nhí, ma thuật gây sợ hãi trong những hình thức tôn giáo dân gian hay những tôn giáo mới… Trước hoàn cảnh ấy, Giáo hội phải can đảm vứt bỏ sự luyến tiếc về một “xã hội toàn tòng” đã qua đi. Xã hội ấy có lẽ đã quá tôn giáo, nhưng chưa đủ Kitô giáo. Ngày nay, vấn đề đặt ra cho xã hội ấy là phải tìm kiếm để gặp xu hướng trẻ trung về siêu việt tính mà Giáo hội đã đánh mất. Công việc này đòi hỏi rất nhiều thanh lọc và từ bỏ.

Nếu ở Tây phương trong việc Phúc Âm hóa, Giáo hội dễ lẫn lộn văn hóa, tôn giáo và Kitô giáo, thì ở các xứ truyền giáo, thường các vị thừa sai lại làm ngược lại: các ông phân biệt văn hóa với tôn giáo. Kết quả là các ông Phúc Âm hóa văn hóa, nhưng loại tôn giáo ra một bên. Các ông không nghĩ đến Phúc Âm hóa các tôn giáo mà chỉ nghĩ đến thay thế các tôn giáo bằng tôn giáo của mình.

Với trạng thái tinh thần trên, nhà truyền giáo sẽ nghĩ gì khi thấy thế giới thứ ba quay về với tập tục của tổ tiên, và coi những phong trào làm sống lại các tôn giáo truyền giáo? Ông có thể buồn rầu nghĩ rằng: “Dân ngoại nay quay lại ngoại giáo”. Nhưng suy nghĩ ấy sẽ chỉ có hại và không giúp gì vào việc hội nhập văn hóa của Phúc Âm.

Ở cảnh huống này, trước hết, nhà truyền giáo phải nghĩ rằng họ còn chưa lắng nghe đủ văn hóa các lương dân, và họ chưa hiểu biết ước vọng siêu việt của họ. Thật vậy, ước vọng siêu việt trong văn hóa thường được biểu lộ một cách cụ thể trong tôn giáo, vì tôn giáo nào thì cũng vẫn là một nỗ lực thỏa mãn nhu cầu siêu việt của con người. Đến một địa phương, nếu tiên thiên nhà truyền giáo gạt bỏ các tôn giáo cổ truyền của địa phương ấy, thì làm thế nào ông có thể hiểu biết được nhu cầu siêu việt của địa phương ấy để nhờ vào Phúc Âm mà đáp trả lại?

Sau Vatican II, người Kitô hữu biết rõ rằng mọi tôn giáo đều nhằm đưa văn hóa con người đến một hình thức nhân bản hơn. Như vậy, mọi tôn giáo đều có thể cống hiến kho tàng tinh thần của mình cho nhân loại để giúp họ sống công bằng, huynh đệ và hợp nhất hơn. Nhưng để hoàn thành trách vụ này, các tôn giáo cần phải có một cố gắng thanh luyện chính mình để loại trừ những điều tha hóa và phi nhân đã trà trộn vào trong gia sản và tổ chức của mình. Nhờ ánh sáng Phúc Âm Giáo hội phải nhìn ra những điều ấy ở mình và ở các tôn giáo khác để mà cải tiến.

Để có một nguyên tắc hướng dẫn trong gặp gỡ với các tôn giáo khác, người Kitô hữu phải nhớ đến Lời Đức Giêsu đã phán: “Ta không đến để hủy phá, nhưng để hoàn hảo” (Mt 5, 17). Nhà truyền giáo, khi đứng trước một văn hóa hay một tôn giáo, thì công việc đầu tiên phải làm là tìm hiểu những điều Chúa không muốn hủy bỏ. Đây là một việc khá tế nhị; nó đòi buộc nhà truyền giáo phải làm quen một cách nghiêm túc với tôn giáo của địa phương họ đến. Trước tiên, nhà truyền giáo cần có một ý thức rõ ràng về sứ điệp của Kitô giáo và về sự mới mẻ của Tin Mừng. Điều này cần thiết vì sự gặp gỡ giữa các tôn giáo bao giờ cũng phức tạp, tạm bợ.

Tôn giáo nào, khi chạm trán với một tôn giáo khác, cũng thường có sẵn thiên kiến đối lập, tranh chấp, lạnh lùng… Vì thế, thoát khỏi thái độ xa lạ để có thái độ tích cực và bổ khuyết là điều đòi ở hai bên một cố gắng rất lớn. Trong quá khứ không ít lần, Thiên Chúa của đạo này thường bị gán cho là ma quỷ của đạo khác. Ngày nay, người ta hiểu rõ hơn giá trị và giới hạn của các thể chế tôn giáo để đưa đến Thiên Chúa. Vì hiểu biết này mà các tôn giáo đã có thể quy tụ lại ở Assisi năm 1986 để cầu nguyện chung cho hòa bình. Nhưng tôn giáo nào cũng vẫn có lời cầu nguyện của riêng mình, mong rằng một ngày nào đó, các tôn giáo có thể tiến tới cầu nguyện chung. Trong Kitô giáo, hình ảnh Thiên Chúa là Cha chung mọi loài là một điều thuận lợi giúp Giáo hội dễ gặp gỡ với các tôn giáo khác.

Sau hết, trong hội nhập văn hóa của Phúc Âm, ngày nay các nhà thần học đặt ra vấn đề xu hướng hỗn hợp. [1] Trong tự sắc “Ad Gentes”, Vatican II đã nói đến sự mở đường để thích nghi sâu xa hơn trong lãnh vực của đời sống Kitô giáo. “Nhờ đường lối hành động đó, mọi hình thức xu hướng hòa đồng và chủ nghĩa cá thể sai lạc sẽ bị loại trừ”. [2]

Nhưng sau Vatican II, một nhà thần học thế giới thứ ba lại viết:

Tính Công giáo, khi đồng nghĩa với tính toàn cầu, chỉ có thể có và thực hiện được trong điều kiện là không từ chối xu hướng hỗn hợp, nhưng trái lại dùng nó như quá trình sinh ra chính đạo Công giáo. [3]

Làm thế nào để dung hòa hai khẳng định xem ra đối chọi nhau nói trên?

Trước hết, cần phải nhận thấy chủ trương hỗn hợp tôn giáo ngày nay có nhiều hình thức. Mỗi hình thức là con đẻ của một gặp gỡ giữa hai hay nhiều tôn giáo. Cuộc gặp gỡ ấy làm xuất hiện một tôn giáo mới mượn ở các tôn giáo đã có trước một số yếu tố làm nên hình dạng của nó. Có thể nói rằng tất cả các tôn giáo lớn, kể cả Kitô giáo, đều là kết quả của một quá trình hỗn hợp không ngừng từ khi xuất hiện cho đến ngày nay. Thật vậy, nhìn vào Kitô giáo chẳng hạn, ta thấy luôn xuất hiện trong dòng lịch sử một bên nhu cầu giữ vững và phát triển bản chất độc đáo của Kitô giáo và một bên khả năng tiếp nhận những giá trị mới có thể làm giàu cho nhân sinh quan của mình.

Nếu xu hướng hỗn hợp là như vừa trình bày, thì đó là một đòi hỏi của hội nhập văn hóa của Phúc Âm. Để nhìn rõ vấn đề chúng ta hãy trở lại dụ ngôn người gieo giống sau khi gieo rồi ông ngủ thiếp đi cho đến mùa gặt. Lúc ấy ông có trách nhiệm phải kiểm soát mùa gặt xem có phải là lúa hay cỏ lồn vực.

Trong việc kiểm soát này, Giáo hội có thể quá khắt khe về sự bảo vệ “tất cả Phúc Âm và chỉ có Phúc Âm mà thôi”. Nếu Giáo hội tự coi mình như một giá trị tuyệt đối, và đóng cửa không đón nhận bất kỳ một giá trị nào khác ở ngoài mình, nhất là các giá trị thuộc phạm vi tôn giáo, thì Giáo hội đã đi vào con đường ấy. Nhưng việc kiểm soát cũng có thể đã hoàn thành với tinh thần cởi mở, vì tin rằng Phúc Âm có một năng lực vô biên và còn có thể sản xuất nhiều sự mới lạ trong một thửa đất mới, cả ở lãnh vực tôn giáo nữa.

Khi kiểm soát mùa gặt, Giáo hội phải mong muốn rằng lời đáp trả của văn hóa đón nhận Phúc Âm có tính độc đáo của nó, nghĩa là được diễn tả trong ngôn ngữ của chính văn hóa ấy, và những phần tử mà Giáo hội mới qui tụ về mình vẫn giữ đời sống xã hội và tục lệ của họ, miễn là những điều ấy không quy chiếu về tôn giáo tiền Kitô giáo nữa là đủ. Giáo hội phải coi mình như một cây cổ thụ qua các thời đại, đã có nhiều loại phong lan đến bám vào hút nhựa để nuôi dưỡng và đã trổ sinh bông hoa hình sắc rất khác nhau. Chính sự khác nhau ở hình sắc của bông hoa ấy nói lên vẻ đẹp của Giáo hội.

Sự nghi kỵ vẫn thường tồn tại trong Giáo hội đối với xu hướng hỗn hợp, đặc biệt ở giới lãnh đạo Giáo hội gồm hầu hết là người Tây phương thì có cơ sở của nó. Thật vậy, nhiều người Tây phương vẫn chưa gột rửa được ít là trong tiềm thức sự phân biệt giả tạo giữa văn hóa và tôn giáo. [4] Họ đến truyền giáo tại một nơi xa xôi như miền Viễn Đông, có một nền văn hóa lâu đời và đa dạng không kém Tây phương, nhưng đồng thời cũng có những nét rất dị biệt với nền văn hóa này. Để có sự cảm thông cần thiết cho sự hội nhập văn hóa của Phúc Âm, xét về phương diện nhân loại, có những khó khăn xem ra không thể vượt qua được. [5] Một thí dụ cho ta thấy rõ đó là “đạo ông bà”. Ngày nay, ở Việt Nam, trong lý lịch, có người đề ở mục tôn giáo: đạo ông bà. Có lẽ ở đây đã có một sự phân biệt theo Tây phương: đạo là tôn giáo, theo đạo ông bà là theo tôn giáo ông bà. Đạo có đồng nghĩa với tôn giáo hay không? Đạo làm con, đạo hiếu xem ra khác với đạo Phật, đạo Thiên Chúa, tuy người ta vẫn chỉ dùng một từ “đạo”. Thật vậy, đạo ở trường hợp trước có đối tượng hạn chế vào phạm vi gia đình, dòng tộc, còn đạo ở trường hợp hai bao gồm cả một nhân sinh quan của con người. Trong đạo Phật và đạo Thiên Chúa cũng có “con đường”, “cách phải cư xử”, “trách nhiệm” với tổ tiên… chẳng có gì đạo làm con phải bận tâm. Nhưng vấn đề các nhà truyền giáo đặt ra không phải ở đó, mà ở một số nghi lễ mà con cháu dùng để biểu lộ chữ hiếu của mình với ông bà đã khuất tịch. Chữ hiếu buộc con cháu phải tôn kính biết ơn tổ tiên. Các cụ còn sống, con cháu đã phải biếu quà biếu bánh, thăm hỏi nhất là ở một số ngày kỷ niệm. Các vị chết đi, họ bày tỏ lòng thành bằng con gà mâm xôi dâng lên bàn thờ các ngài. Nghi lễ ấy có tính cách văn hóa hay tôn giáo? Thật khó mà minh giải. Người châu Á không lưu ý đến sự phân biệt này. Nhưng nhà truyền giáo Tây phương thì khác: ông cho rằng cúng vái tổ tiên là hành vi tôn giáo, người đã trở lại Kitô giáo không được tham dự. Nhưng như vậy, với người Á châu, đó là bỏ ông bà, bỏ chữ hiếu, một hành vi phạm đến kỷ cương xã hội. Họ có thể trở nên Kitô hữu và xây dựng một hòa hợp cá nhân giữa những giá trị đạo cổ truyền với những giá trị của Kitô giáo, trong lúc vị thừa sai bắt họ phải từ hệ thống tôn giáo này bước sang một hệ thống tôn giáo khác: đó là một điều mà hoàn cảnh cá nhân và đoàn thể không luôn cho phép.

Để kết luận, ta có thể nghĩ rằng: khi kiểm điểm mùa gặt của việc Phúc Âm hóa, Giáo hội phải tìm thấy nơi chính mình tiêu chuẩn để phân biệt hạt giống tốt và xấu đã mọc lên trong thửa ruộng của mình, chứ không thể coi một xu hướng hỗn hợp nào như tiêu chuẩn được. Nhưng Giáo hội cũng phải tín nhiệm ở kinh nghiệm tôn giáo của cá nhân và tập thể và đặt câu hỏi: khi đem Tin Mừng Đức Kitô đến cho một người hay một nhóm người riêng, Giáo hội có thành công trong việc Phúc Âm hóa kinh nghiệm tôn giáo, quan niệm về vũ trụ và tôn giáo của cá nhân hay nhóm người riêng ấy không?

Một sự Phúc Âm hóa nào cho thế giới siêu đô thị như Tokyo đây?

Kết luận

Việc Phúc Âm hóa của Giáo hội là một mầu nhiệm nối tiếp mầu nhiệm Ngôi Lời nhập thể. Đó là một sự kiện xảy đến một cách huyền nhiệm giữa Ngôi Lời hằng sống với văn hóa đón nhận lời ấy để nên con đường, sự sống và sự sáng cho mình. Mầu nhiệm này thể hiện mỗi lần một nền văn hóa nào đó sản sinh một đáp trả độc đáo đối với Phúc Âm được loan báo, hay sau khi đã được loan báo, lại được tiếp tục rao giảng. Lời đáp trả độc đáo ấy làm cho phong phú kho tàng thần học và mục vụ của Giáo hội, nhất là nó góp phần vào việc thể hiện tính Công giáo của Giáo hội, như lệnh truyền của Đấng Sáng Lập, Giáo hội phải là Giáo hội của muôn dân.

Hội nhập văn hóa của Phúc Âm, nhìn theo nhãn quan trên, làm nên trung tâm của việc truyền giáo. Trong Thượng Hội đồng Giám mục thế giới năm 1974, Giám mục Zoa ở Cameroum đã chia việc truyền giáo làm ba giai đoạn chính:

(1) Sự công bố Phúc Âm và sự thâm nhập của Phúc Âm vào văn hóa nơi đón nhận; (2) Sự tiêu hóa Phúc Âm bởi nền văn hóa nơi đón nhận nó; (3) Cách diễn tả mới mẻ về Phúc Âm của người nghe theo trong đời sống và văn hóa của mình.

Đó chính là quá trình hội nhập văn hóa của Phúc Âm. Ở giai đoạn đầu, các nhà truyền giáo giữ vai trò quan trọng. Cách các ông rao giảng Phúc Âm sẽ giúp người nghe rất nhiều để có một kinh nghiệm cá nhân hay đoàn thể về Đức Kitô và về Tin Mừng của Người. Hội nhập văn hóa thì được thể hiện trong dòng lịch sử; nó tùy thuộc vào nhiều động lực bên ngoài, luôn phải cậy trông hoạt động của Chúa Thánh Thần ở bên trong, và không nắm vững được kết quả.

Như trên, ta không thể quả quyết đơn giản rằng: văn minh Tây phương đồng nhất với văn minh Kitô giáo và là tột đỉnh của văn minh loài người. Kitô giáo có thể hội nhập vào các văn hóa để soi sáng cho dự phóng siêu việt của các văn hóa ấy. Nhưng hiển nhiên không có nền văn hóa nào có thể thể hiện được trọn vẹn hình ảnh về con người mà Đức Kitô là nguyên mẫu. Vì thế khi nghĩ rằng hội nhập văn hóa của Phúc Âm đã chấm dứt khi xã hội “Tây phương đã toàn tòng” và khi việc Phúc Âm hóa tràn đến các nước của thế giới thứ ba, thì hội nhập văn hóa chẳng còn đón nhận được gì mới mẻ là một điều sai lầm phải tránh.

Hội nhập văn hóa được thể hiện với con người, nhưng cũng nhiều lúc, mặc dù ngoài ý muốn, Giáo hội lịch sử có lúc có thể là con đường, nhưng cũng có lúc là con sông ngăn cách. Đấng là tác giả của ơn cứu độ hay của sự hội nhập Phúc Âm vào văn hóa thì luôn chỉ là Thiên Chúa. Còn Giáo hội Đức Giêsu đã sáng lập chỉ là nơi gặp gỡ của các con đường đưa Thiên Chúa đến loài người, và đưa loài người đến Thiên Chúa. Nói cách khác, Giáo hội là nơi gặp gỡ của các nền văn hóa. Ơn gọi của Giáo hội trải rộng ra khắp mọi nơi, mọi người, miễn là trong khi làm công việc Phúc Âm hóa, Giáo hội biết để cho các nền văn hóa được tự do đón nhận Lời Thiên Chúa. Người Kitô hữu đã chẳng tin ở một Thiên Chúa hằng ngự ở giữa loài người hay sao? Các cá nhân cũng như những dân tộc, nếu lấy thiện chí mà đón nhận Phúc Âm, đều được mời gọi sống một cách tự do, theo hoàn cảnh thực tiễn của mình, kinh nghiệm mà các môn đệ của Đức Kitô đã có trước họ khi các ông gặp gỡ Người trên bờ Biển Hồ. Bốn Phúc Âm đã ghi chép cách gặp gỡ có cá tính và dị biệt ấy. Mỗi người và mỗi dân tộc trở lại với Lời Thiên Chúa đều có thể viết một Phúc Âm thứ năm cho chính bản thân mình.

Hội nhập văn hóa là một mầu nhiệm trong đó hoạt động của Chúa Thánh Thần có vai trò chính, nên luôn có tính mới lạ và sáng tạo. Nó có thể gây ngỡ ngàng cho người gieo giống trước kết quả của mùa gặt, vì thấy nó vừa theo như mình mong muốn, vừa có những điều bất ngờ. Giáo hội mới đang mọc lên trong đất mình gieo giống rất nhiều lời mình gieo, nhưng cũng khác rất nhiều. Lời Thiên Chúa “nhập thể” vào văn hóa địa phương đã trổ sinh một cách rất tự do theo ơn soi sáng của Chúa Thánh Thần. Người gieo giống, thường thuộc văn hóa Tây phương, phải có sự quảng đại mà vui lòng đón nhận sự sáng tạo mới này.

Nếu mầu nhiệm hội nhập văn hóa của Phúc Âm đòi ở người gieo giống lòng khiêm nhường và sự trông cậy thì cũng đòi ở cá nhân và địa phương đón nhận phải coi Tin Mừng như lời thanh tẩy, chữa lành và hoàn tất. Nếu không thành thật nhận biết những yếu kém của văn hóa địa phương mình và có hy vọng vững chắc đưa nó đến siêu việt, thì sẽ không có một trở lại thật sự và một đổi mới chân thành.

(hết)

Năm Thánh 2009-2010

Kỷ niệm 50 năm Hội đồng Giám mục vn

Kỷ niệm 350 năm Truyền giáo

[2] AG, số 22.

[3] L. Boff (1985, tr. 161). Eglise, charisme et pouvoir. Paris: Lieu Commun.

[4] Xem lại vấn đề xảy ra trầm trọng trong Giáo hội ở Đông Nam Á, trong biến cố mà ta thường gọi là vấn đề nghi lễ (“Problème de rites”).

[5] Nhưng Chúa đã hứa “điều loài người không làm được thì Thiên Chúa làm được.”