Dẫn vào thần học Hội nhập văn hóa (4)

[ Điểm đánh giá5/5 ]1 người đã bình chọn
Đã xem: 2693 | Cập nhật lần cuối: 5/6/2016 1:45:02 AM | RSS

(Tiếp theo)

III. Ảnh hưởng vào Giáo hội của ý niệm về văn hóa mới

Ở thời đại chúng ta, người Kitô hữu cũng như mọi người khác cần phải giũ bỏ quan niệm sai lầm chỉ có một văn hóa hoàn hảo và phổ quát. Nhân loại học đã thay vào đó quan niệm có nhiều văn hóa nhìn như là căn tính của con người của một địa phương và như là một dự phóng về đời người luôn phải hoàn thiện. Vì thế thái độ coi văn hóa của mình như mẫu mực hết mọi người đều phải căn cứ vào mà phán đoán về các văn hóa khác là một điều sai lầm. Cách nhìn này có nền tảng ở nhân bản cổ điển Tây phương. Nó là ngăn trở để ta chấp nhận có nhiều văn hóa và văn hóa nào cũng cần phải Phúc Âm hóa.

Đọc lịch sử, ta đã thấy những nhà truyền giáo từ Tây phương đến những miền xa lạ có văn hóa khác mình thường có xu hướng nghĩ rằng: văn hóa Tây phương là văn hóa Kitô giáo và muốn sống đức tin Kitô giáo thì phải sống theo văn hóa Tây phương. Thật ra, văn hóa Tây phương đã thấm nhuần Phúc Âm đến một mức độ nào đó nhưng chẳng bao giờ đồng nhất được với Phúc Âm và thật sự nó chỉ thích hợp cho người Tây phương.

Nói như vậy không có nghĩa là Giáo hội phải từ bỏ sứ mạng là dấu chỉ cho sự hợp nhất trong một thế giới đang khát khao hòa bình. Nhưng để trung thành với sứ mạng ấy, Giáo hội phải chấp nhận những vị trí văn hóa đa dạng trên thế giới hiện nay. Mơ ước một Giáo hội hoàn hảo trong đó mọi người đều có cùng một văn hóa để diễn tả đức tin trong một ngôn ngữ duy nhất và phổ quát là một sự không tưởng. Chỉ có thể có duy nhất khi chấp nhận dị biệt, còn khi đã có đồng dạng thì mất đối tượng. Chỉ có Giáo hội chung khi có các Giáo hội địa phương. Không có một đức tin phổ quát và duy nhất khi không có biện chứng chung riêng nhờ đó ta có thể xác định đức tin sống trong một nhóm người có phù hợp với kinh nghiệm đức tin của thế giới hay không. Ý thức về văn hóa trong Giáo hội chỉ nên sâu sắc hơn khi các Giáo hội địa phương nhận thấy rằng mình là quỹ tích cho mọi phát xuất mới trong việc hiểu biết và thi hành Phúc Âm của nhóm người riêng của mình.

Chẳng có cá nhân hay nhóm người riêng biệt nào có thể đạt đến sự trọn lành Phúc Âm trong đời sống mình. Mỗi cá nhân cũng như từng nhóm người riêng biệt đều cần đến kinh nghiệm của các cá nhân và nhóm người khác để bổ túc cho hiểu biết và thực hành của mình trong đức tin.

Cái gì chung cho toàn thể Giáo hội, đó là gương sáng của Đức Kitô chết đi để sống lại vinh hiển. Sự hiểu biết mầu nhiệm ấy có nền tảng ở cách đọc của các cá nhân và tập thể về kinh nghiệm đức tin đã được ghi lại trong Kinh thánh, và ở sự nhận biết trong thể hiện cách riêng tư của mình, thì bao giờ cũng có những giới hạn. Nói cách khác, Giáo hội phải để cho có dị biệt trong cách sống cùng một đức tin và sự cần thiết của nó trong lòng Giáo hội. Mỗi ngôn ngữ văn hóa mà người ta sử dụng để diễn tả và sống đức tin đều mời gọi phải tiến lên và bỏ lại đằng sau hiện tại. Để bảo tồn và làm sáng tỏ căn tính Kitô hữu, hiển nhiên cần phải làm cho các quyết định riêng tư có hiệu nghiệm nhưng đồng thời cũng cần thiết biết vượt qua chúng. Trong kinh nghiệm của người Kitô hữu, qui luật của lễ Vượt Qua mà Đức Giêsu đã sống phải là tôn chỉ cho người tín hữu trong ý thức của mình về văn hóa trong đời sống của Giáo hội. “Ai muốn cứu mạng sống mình thì sẽ mất nó, nhưng ai mất mạng sống mình vì Ta và vì Phúc Âm, thì sẽ cứu được nó” (Mc 8, 35). Vì muốn giữ sự duy nhất mà Giáo hội cứ bo bo sợ mất sự đồng nhất trong cách suy nghĩ và cách diễn tả, trong lễ nghi và tục lệ, thì Giáo hội đã quên đi lời mời gọi của Phúc Âm phải đổi mới luôn mãi và không được dừng lại trong sự đồng nhất với chính mình.

IV. Hoàn cảnh mới của Giáo hội

Hoàn cảnh ngày nay của Giáo hội tiêu biểu nhất là sự rạn nứt giữa Phúc Âm và văn hóa Tây phương. Trong Evangelii Nuntiandi số 20, Phaolô VI đã coi đó là một thảm kịch của thế kỷ XX. Những phân cực sâu sắc giữa các xu hướng văn hóa của thời hậu Công đồng Vatican II cho phép ta nghĩ rằng: tấn bi kịch mà Đức Phaolô VI nhắc đến, xảy ra trước hết ngay trong Giáo hội giữa những người thủ cựu và những người biết nhìn về tương lai. Những nguồn gốc của nó bắt nguồn sâu hơn trong Giáo hội và ngay trong việc rao giảng Phúc Âm. Thật vậy, đó là sự đối chất giữa Phúc Âm với các hoàn cảnh văn hóa gặp phải.

Trong quá khứ, ở Tây phương toàn tòng, bi kịch ấy cũng đã có, nhưng không gây cấn như ngày nay, vì đã có một đồng tình kín đáo giữa Giáo hội và xã hội, giữa đức tin và văn hóa. Nhưng ngay trong văn minh Tây phương lúc ấy, thỉnh thoảng cũng đã xuất hiện một bậc tiên tri nhắc cho mọi người nhớ rằng, trung tâm của nhân loại không phải là Giáo hội, nhưng là Đức Kitô, và những kinh nghiệm nhân loại có khác với kinh nghiệm của Giáo hội về đời sống tôn giáo thì cũng cần được lắng nghe.

Ngày nay, tình thế Tây phương đã thay đổi. Sự ly dị giữa đức tin và văn hóa đã dứt điểm. Nhưng trách nhiệm của Giáo hội luôn còn đó: bao giờ thì Giáo hội cũng phải Phúc Âm hóa thế giới đã đánh mất hay chưa từng có Phúc Âm.

Những thập niên gần đây, Gioan XXIII đã giữa Giáo hội làm quen với các “dấu chỉ thời đại”. Phaolô VI đã chỉ cho Giáo hội biết phải từ bỏ thái độ chinh phục để có thái độ đối thoại. [1] Gioan Phaolô II đã mời gọi phải trở về với Đấng là trung tâm của mọi sự trên thế gian: Đức Giêsu Kitô. [2] Ba Đức Giáo hoàng trên đều lưu ý đến sự tách biệt giữa Phúc Âm và văn hóa ở thời đại chúng ta. Các Kitô hữu thời nay không còn được mơ hồ nghĩ đến đồng nhất Giáo hội và thế gian, nhưng phải sáng suốt và can đảm nhận biết sự khác biệt căn bản đã có từ thời cận đại và càng đào sâu ở thời hậu cận đại.

Sau Vatican II, kinh nghiệm cho thấy không phải Tây phương đã đánh mất đức tin của mình thì có thể ý thức được thảm kịch mà Đức Phaolô VI đã loan báo, nhưng thật ra chính là Thế giới Thứ ba mới nhận ra nó.

Thật vậy, một điều ngược đời đã xảy ra là những người bị đánh giá là không có văn hóa theo nghĩa cổ điển Tây phương thì ngày nay lại là những người có thể đi sâu vào ý thức của Giáo hội về văn hóa hơn.

Trước hết ta phải nói đến đám đông dân chúng nghèo nàn bị bóc lột một cách bất công và đang sống ngoài lề cả câu chuyện lẫn Giáo hội: Những con người của lục địa châu Mỹ Latinh. Là những người Kitô hữu, nên họ cảm thấy gay gắt sự phân ly giữa Phúc Âm và nếp sống xã hội, giữa những người có cùng một đức tin, nhưng ở giai cấp giàu và nghèo. Dưới sự thúc đẩy của các nhà thần học giải phóng, họ đã tập họp lại thành những “cộng đồng cơ sở” [3] Để sáp nhập vào một Giáo hội và một xã hội trong đó người ta cố gắng tìm hiểu Phúc Âm theo ý nghĩa nguyên thủy của nó để mà đưa vào đời sống. Thứ đến là các dân tộc châu Phi. Trong lúc Tây phương chối bỏ đức tin thì rõ ràng Phi châu lại sẵn sàng đón nhận nó. Thế thì vấn đề đặt ra là: phải chăng dân tộc Phi châu này có quyền có một nền thần học, một nghi lễ, một kỷ luật riêng, hợp với tính trẻ trung của Giáo hội địa phương của họ, hay họ vẫn phải giữ một nền thần học, một phụng vụ và một kỷ luật của Giáo hội Tây phương đang đi vào tàn tạ? Sau hết là Giáo hội Á châu. Họ là những Giáo hội địa phương của dòng tộc nhân loại đã từng có trong quá khứ những nền văn minh rạng rỡ, và những vị sáng lập hầu hết các tôn giáo lớn. Việc Phúc Âm hóa thật vậy, là một chạm trán giữa một Kitô giáo có màu sắc văn hóa Tây phương với các văn hóa lớn ở Á châu. Để công cuộc Phúc Âm hóa ấy đem lại kết quả, dù muốn dù không, cũng phải đi vào con đường hội nhập văn hóa.

Hoàn cảnh thực tế của thế giới ngày nay đã đưa Giáo hội Công giáo sau Vatican II đến ý muốn thích ứng với những đòi hỏi của xã hội. Ý muốn này được thể hiện trong các Giáo hội địa phương qua hành động kép: (1) các Giáo hội này muốn quan tâm đến bối cảnh văn hóa riêng của mình; và (2) đồng thời cố gắng sáng tạo một nền thần học trong chính ngôn ngữ của nền văn hóa ấy trong tiến trình xây dựng Giáo hội. Thái độ mới này mở lối cho Lời Chúa mà Giáo hội công bố gặp gỡ, với lời nhân loại của những người biết lắng nghe. Đây là điều kiện cần phải có cho việc du nhập Phúc Âm vào các nền văn hóa. Nhưng để có điều kiện ấy thì Giáo hội phải biết lắng nghe và đón nhận văn hóa một cách chân thành và trân trọng như một nền tảng hành động đích thật đòi hỏi mọi cộng đồng Kitô hữu địa phương. Thích nghi này sẽ thay đổi cách nhìn quan hệ giữa đức tin và văn hóa và nó giải thích lý do tồn tại của mọi cộng đồng Kitô hữu. Nó tránh cho người rao giảng trở nên cứng nhắc, thiếu linh động, và cho họ nhìn thấy những cách hành động mới mẻ. Trong việc Phúc Âm hóa, họ nhận thấy rõ ràng cần phải quan tâm điều động sao cho hài hòa ba yếu tố chính sau đây: (1) Phúc Âm là lời đầy sức sống của Thiên Chúa; (2) Sức mạnh mà Chúa Thánh Thần hứa ban cho Giáo hội trong sứ mạng rao giảng Phúc Âm; Văn hóa của người đón nhận Lời Chúa thì như thửa ruộng đón nhận hạt giống để nó lớn lên.

(Còn tiếp)

Giuse Thân Văn Tường

Trích “Dẫn vào thần học Hội nhập văn hóa”, tr. 37-43

----------------------------------------------

* Bài liên quan:

Dẫn vào thần học Hội nhập văn hóa (1)

Dẫn vào thần học Hội nhập văn hóa (2)

Dẫn vào thần học Hội nhập văn hóa (3)

Chú thích

[1] Ecclessiam suam

[2] Redempor Hominis

[3] Basic Community. Theo lịch sử, đây là những cộng đồng Kitô hữu cơ bản xuất hiện tại châu Mỹ Latinh, vào thời ra đời các thần học giải phóng, nhằm đem lại sức sống mới trong Giáo hội, cử hành phụng vụ và học hỏi Thánh Kinh với nhau, sử dụng những ân sủng riêng của mình để phục vụ tha nhân và dấn thân vào những công tác xã hội, biết sống cùng đồng lao cộng khổ. Nếu là cộng đồng cơ bản sống trong sự hiệp nhất với Giáo hội, thì người ta gọi là cộng đồng cơ bản Giáo hội. x. HVĐM (tr. 35). Basic Community.