Dẫn vào thần học Hội nhập văn hóa (5)

[ Điểm đánh giá5/5 ]1 người đã bình chọn
Đã xem: 2266 | Cập nhật lần cuối: 5/26/2016 1:26:08 AM | RSS

(tiếp theo)

Chương III: Phúc Âm hóa các văn hóa

I. Ý nghĩa của lời: Phúc Âm hóa các nền văn hóa

Đây là một lối mới xuất hiện trong thần học. Ý nghĩa của nó gắn liền với khám phá của nhân loại coi con người như một hữu thể có văn hóa, và sự phát triển mau lẹ của các văn hóa ở các thời đại chúng ta.

Chắc rằng trong Giáo hội Công giáo, sự lưu tâm đến văn hóa không có gì mới mẻ. Giáo hội luôn phải mở mang nước Thiên Chúa, nên luôn phải chạm trán với những con người trong cảnh huống cụ thể của họ. Mặt khác, các nhà truyền giáo thường thuộc Tây phương, họ có xu hướng nghĩ rằng: chỉ có một văn hóa, đó là văn hóa Tây phương, văn hóa ấy lại đã được Phúc Âm hóa từ lâu đời, nên khi đi truyền giáo, thì họ cũng đem “ánh sáng văn minh” đến cho các dân tộc bản xứ. Hoàn cảnh lịch sử đã có vai trò quan trọng trong việc làm xuất hiện và giữ cho tồn tại tư tưởng này trong Giáo hội Tây phương.

Thật vậy, trong nhiều thế kỷ Giáo hội mà phần lớn ở Tây phương, đã thẩm định về mình như nguyên nhân của văn hóa. Phúc Âm đã gặp gỡ và lan tràn ngay từ ban đầu và các nước Tây phương, tạo nên trong lịch sử những dân tộc theo Kitô giáo “toàn tòng”. Trong các dân tộc trẻ và đầy sức sống ấy, Giáo hội Công giáo đã nhào nặn nên một tổng hợp văn hóa ảnh hưởng vào mọi phương diện của đời sống cá nhân và xã hội đến tận các chi tiết nhỏ nhặt: đó là thời Trung Cổ của Tây phương.

Trong thế giới “toàn tòng” ấy, các vấn đề văn hóa và Phúc Âm hóa các văn hóa không cần đặt ra. Giáo hội tạo nên cho mình một nền văn minh riêng nhờ một công cuộc văn hóa rộng lớn. Đối với nhiều người, việc truyền giáo thật ra chỉ là sự phổ biến đến các dân tộc khác, [1] kiểu thức xã hội đạo “toàn tòng” của Tây phương.

Nhưng khi ở Tây phương, cái xã hội đạo “toàn tòng” không còn nữa và Giáo hội thu hẹp lại sống trong “diaspora” thì ở Thế giới thứ Ba, nhất là ở Nam Mỹ, Giáo hội có đông tín hữu hơn, và có một đời sống tôn giáo sống động hơn, nên sự đồng nhất đức tin với văn hóa Tây phương phải nhường bước cho một nền đa nguyên văn hóa và tôn giáo.

Giáo hội ngày nay, ngoài việc phải đối diện với các ý thức hệ trần thế và phong trào tục hóa, còn phải nhận thấy ngay trong các tín hữu, có những thay đổi sâu xa trong các tư tưởng và trong các phong tục nữa. Văn hóa ngày nay không còn là thửa ruộng dọn sẵn để gieo đức tin vào, nhưng là khoảnh đất cần phải Phúc Âm hóa trước để phát cỏ và sửa soạn đất. “Với Giáo hội, Phúc Âm hóa là đem Tin Mừng đến mọi nơi trong nhân loại, nhờ ảnh hưởng của nó, biến đổi từ bên trong, làm cho nhân loại nên mới mẻ” (Ap 21, 5).

Nhưng không có một nhân loại mới nếu trước đấy không có những con người mới. Họ được nên mới khi họ thấm nhuần tôn chỉ của Phúc Âm và sống theo các tôn chỉ ấy. Như vậy, Phúc Âm hóa là việc biến đổi nội tâm, và Giáo hội chỉ thật sự làm công việc ấy khi biến đổi được lương tâm các cá nhân và tập thể. Biến đổi này đưa đến biến đổi các hoạt động mà họ dấn thân vào, biến đổi đời sống và môi trường sống của họ. [2] Ngoài ra, Giáo hội còn phải lưu ý riêng đến việc Phúc Âm hóa những miền sống trái với Phúc Âm và chương trình cứu độ. [3]

Khi khám phá ra thế giới mới, Giáo hội Tây phương chưa gặp thấy các thử thách nêu lên ở trên. Lúc ấy, các nhà truyền giáo Tây phương bước chân lên những lục địa mênh mông với ý nghĩ đơn giản rằng họ sẽ đem văn hóa Tây phương trồng lên cánh đồng bát ngát ấy là xong. Họ không ngờ đến rằng, chính sự quan phòng của Thiên Chúa đã ban tặng cho Giáo hội những dân tộc mới, vào lúc mà thế giới đạo “toàn tòng” ở Tây phương đã bắt đầu rạn nứt.

Ngày nay, Giáo hội ở đâu cũng ở trong tình trạng “diaspora”. Vấn đề ranh giới địa lý không còn nữa, nên trong vấn đề Phúc Âm hóa, ranh giới văn hóa ấy sẽ thay thế cho ranh giới địa lý, ranh giới ấy có thể vắt qua ngay trong gia đình, nhà trường, làng mạc, thành phố,… vì ở đâu có văn hóa khác nhau thì ở đó có ranh giới. Trẻ, già, thủ cựu, cấp tiến… đều là ranh giới.

Các nền văn hóa ngày nay đều đã đi qua thời “Triết lý Ánh sáng” của thời cận đại đòi tự lập cho lý trí và vị trí tối thượng cho các thực tại trần gian. Trước cảnh huống này, Phaolô VI đã thấy việc Phúc Âm hóa phải thích hợp với thời cuộc nên đã quả quyết “cần phải Phúc Âm hóa – không phải một cách để trang hoàng như một nước sơn bên ngoài, nhưng một cách sống động, ở chiều sâu tận gốc rễ - văn hóa và các văn hóa của nhân loại, trong ý nghĩa phong phú và rộng rãi mà các từ này có trong Gaudium et Spes. Chúng bao giờ cũng phát xuất từ chủ thể của con người và bao giờ cũng trở lại với các quan hệ của các chủ thể với nhau và với Thiên Chúa”. [4] Gaudium et Spes (số 54-56) còn nhắc đến các yếu tố mới đưa đến sự hoàn bị và mở rộng văn hóa như các khoa học tự nhiên, các khoa học nhân văn, các khoa học xã hội, sự tiến triển của kỹ thuật và thông tin. [5] Việc kỹ nghệ và thành thị hóa… các yếu tố ấy đưa đến một văn hóa phổ quát hơn giúp cho nhân loại đi đến duy nhất nếu con người biết tôn trọng sự độc đáo của mỗi văn hóa riêng.

Ngoài ra, con người thời nay càng lúc càng ý thức sâu sắc rằng, bản thân họ không những phải tham gia hình thành nên văn hóa mà còn phải cổ động cho văn hóa nữa. Ý thức bén nhạy của họ về sự tự do và trách nhiệm cho thấy một nhân bản mới đang thành hình. Văn hóa mới này có những điểm tích cực cho việc Phúc Âm hóa, nhưng cũng có những điểm tiêu cực như sự đảo lộn đời sống cộng đồng, bỏ quên di sản khôn ngoan của tiền nhân, việc đánh mất đi các truyền thống, sự thiếu tổng hợp, sự đề cao một nhân bản thuyết nghịch với tôn giáo…

Sau hết, trào lưu tư tưởng cận đại của “triết học ánh sáng” ngày nay lan tràn trên khắp thế giới, nhưng ảnh hưởng vào các văn hóa không cùng một cách và ở cùng một mức độ. Trước sự kiện này, nhiều người cho rằng để tiến đến sự hợp nhất, nhân loại phải qua một thời cận đại kiểu Tây phương. Nhưng đó không phải là ý kiến của khoa nhân chủng học. Theo nghiên cứu của khoa này thì không có nền văn hóa nào lại không có tính độc đáo của mình và không là một yếu tố cần thiết để hoàn hảo và mở rộng văn hóa của nhân loại. Không ai quên rằng trong thế giới đương đại Tây phương, đã có một thời [6], có những áp lực chính trị và xã hội không ngớt gây áp lực để xóa bỏ các nền văn hóa bản xứ. Nhưng người ta nhận ra rằng, mỗi lần một nền văn hóa bản xứ mất đi, thường xảy ra như là hệ quả của một quá trình, thường là tàn bạo, của sự truyền thông và trao đổi văn hóa bản địa với Tây phương, thì nhân loại lại mất đi một nguồn sức mạnh không sao lấy lại được cho việc hoàn thiện nhân bản của mình. Trước người bản xứ của Úc Châu, Đức Gioan Phaolô II đã khẳng định:

Văn hóa của anh em chứng tỏ tài giỏi và phẩm giá bền vững của giống nòi anh em không được biến đi. Anh em đừng nghĩ rằng ân huệ anh em có chẳng đáng giá gì để anh em gìn giữ lấy chúng. Anh em hãy chia sẻ với nhau, và lưu truyền cho con cái văn hóa riêng của mình. Các bài ca, các truyện ký, các bức vẽ, các vũ điệu, các ngôn ngữ của anh em không được để mai một đi. [7]

Như trên, một Giáo hội chân thật muốn Phúc Âm hóa các nền văn hóa thì luôn phải nhắc nhớ mình rằng, mọi văn hóa đều cần được trân trọng và không thể để nó bị xóa bỏ bởi một văn hóa khác được. Vì thế, Giáo hội phải luôn tỉnh thức để không là công cụ của nền văn hóa Tây phương, xâm lấn một văn hóa địa phương và gây nên đe dọa diệt chủng cho một giống nòi nào.

Ngày nay, trong Giáo hội, văn hóa đã được nhìn nhận như một cơ thể sống động, bao gồm tất cả đời sống con người, nhìn như là thành phần của một nhóm người riêng. Cơ thể sống động này có một hình dạng [8] mà nhân chủng học gọi bằng nhiều diễn ngữ khác nhau như: nhân sinh quan, vũ trụ quan, quan niệm đạo đức…[9]

Khi Giáo hội muốn Phúc Âm hóa một văn hóa thì trước hết phải nhìn vào cái mô hình này. Nó được cấu tạo không phải từ những nguyên lý trừu tượng, nhưng thật sự từ sự tổng hợp những xu hướng, tiền đề, giá trị, thái độ, cảm tình,… làm cho một nền văn hóa là đặc thù vào thời điểm tiến triển của nó. Phúc Âm hóa là soi sáng cái toàn thể sống động ấy bằng lời Phúc Âm. Như Phaolô VI đã nhắc đến, Giáo hội không bao giờ tự bằng lòng với một cung cách Phúc Âm hóa hời hợt tựa như một lớp sơn ở bên ngoài, nhưng quyết tâm phải gặp gỡ con người ngay trong dự phóng về đời sống của họ, với lòng xác tín rằng Phúc Âm bao giờ cũng mang theo một sức mạnh đổi mới.

Được nhìn như một cơ thể sống động, các nền văn hóa không tránh khỏi có mặt sáng và mặt tối. Thật vậy, văn hóa nào cũng có những mâu thuẫn nội bộ có thể làm cho sinh sôi sự sống hoặc đưa đến sự chết. Trực diện các nền văn hóa, Giáo hội có trách nhiệm khám phá ra những yếu tố phản Phúc Âm và chống lại nhân loại. Nhưng Giáo hội không được chỉ quan tâm đến điều này, mà còn phải biết khám phá ra và đón nhận ở mỗi văn hóa, cái gì còn tiềm ẩn và có tinh thần cảm thấu đối với Phúc Âm.

Để được như trên, người đi rao giảng Tin Mừng phải biết lắng nghe, có lòng khiêm nhường và sẵn sàng hoán cải bản thân, nếu không, họ sẽ dễ rơi vào xu hướng lấy văn hóa của quê hương mình làm gốc. Họ phải luôn nhớ rằng bản thân họ chỉ có một hình dạng văn hóa riêng. Ánh sáng Phúc Âm mà họ mang đến cho người ta không chuẩn chước cho họ sự cố gắng khám phá ra ánh sáng và bóng tối của nền văn hóa trong đó họ đã lớn lên, trong xã hội và Giáo hội.

(còn tiếp)

Giuse Thân Văn Tường

Trích “Dẫn vào thần học Hội nhập văn hóa”, tr. 44-50

----------------------------------------------

* Bài liên quan:

Dẫn vào thần học Hội nhập văn hóa (1)

Dẫn vào thần học Hội nhập văn hóa (2)

Dẫn vào thần học Hội nhập văn hóa (3)

Dẫn vào thần học Hội nhập văn hóa (4)

Chú thích

[1] Ví dụ trong Thế giới thứ Ba

[2] EN, số 18

[3] Ibid., số 19

[4] EN, số 20

[5] Sự bùng nổ thông tin từ đủ mọi dạng: Email, Internet, Efax, điện thoại di động, “thế giới ảo” đã làm thay đổi sâu sắc bộ mặt của thế giới.

[6] Thời thuộc địa

[7] D.C. 1987, số 1932, tr. 61

[8] Configuration

[9] Ethos