Dẫn vào thần học Hội nhập văn hóa (6)

[ Điểm đánh giá5/5 ]1 người đã bình chọn
Đã xem: 2026 | Cập nhật lần cuối: 6/4/2016 8:49:09 AM | RSS

(Tiếp theo)

II. Từ Đức Kitô đến Phúc Âm và văn hóa

Khi đã chấp nhận các nền văn hóa là những “locus truyền giáo” [1] của mình, Giáo hội bó buộc phải tìm hiểu quan hệ của mình với các văn hóa đó và luôn lấy Đức Kitô, mà Giáo hội coi là đường và là sự sáng, dẫn mình đến nhân loại, làm nền tảng. Sự tìm hiểu này có những nguyên tắc hướng dẫn. Một trong các nguyên tắc ấy đã được Vatican II nói đến trong Hiến Chế Gaudium et Spes và Đức Phaolô VI đã nhắc lại trong Tông huấn Evangelii Nuntiandi, số 20. Bản văn của Hiến Chế như sau:

Giáo hội không bị ràng buộc… với một lối sống đặc thù hoặc một tập tục cũ hay mới nào, vì Giáo hội được sai đến với mọi dân tộc thuộc mọi nơi và mọi thời. Trung thành với truyền thống riêng và đồng thời ý thức sứ mạng phổ quát của mình, Giáo hội có thể hòa mình với nhiều hình thức văn hóa khác nhau. Nhờ đó, chính Giáo hội cũng như các nền văn hóa ấy đều được phong phú hơn. [2]

Bản văn trên gồm hai ý tưởng chính, một có vẻ tiêu cực theo nghĩa là Giáo hội không bị trói buộc vào bất kỳ một nền văn hóa nào, và một có tính cách tích cực theo nghĩa Giáo hội có thể đi vào thông hiệp với mọi nền văn hóa.

Các nghị phụ đã so sánh hoàn cảnh Giáo hội trực diện các nền văn hóa với chính mầu nhiệm nhập thể của Ngôi Lời:

Giữa sứ điệp cứu độ và văn hóa nhân loại có nhiều mối liên hệ. Thật vậy, khi tự mạc khải cùng dân Ngài cho đến khi tỏ mình đầy đủ trong Chúa Con nhập thể, Thiên Chúa đã nói theo văn hóa riêng của từng thời đại. [3]

So sánh nói ở trên gợi lên cho chúng ta một số vấn đề mà thần học và nhân chủng học cần phải biết thì mới có một ý niệm đúng về Phúc Âm hóa các nền văn hóa được.

Khi nhắc đến mầu nhiệm nhập thể như mô hình cho việc Phúc Âm hóa các văn hóa thì trước hết ta phải lưu ý đến những gì độc đáo và riêng biệt trong khuôn mặt Đức Giêsu Kitô. Diễn tả bằng từ ngữ văn hóa thì ta có thể gọi mầu nhiệm nhập thể là sự văn hóa của con Thiên Chúa. Để trở nên một con người, Con Thiên Chúa buộc phải trải qua tất cả các khả năng và giới hạn của một nền văn hóa riêng của dân Do Thái. Con Thiên Chúa tự thân không cần phải nhập thể. Mọi sự ở Ngài đều là Lời tuyệt đối và nhưng không. Nhưng vì Ngài đã quyết định ngỏ Lời với ta trong tiếng nói nhân loại, nên buộc Ngài phải chấp nhận đến cùng cuộc phiêu lưu vào nhân loại này. Sinh ra bởi Đức Maria, Đức Giêsu, đã thừa hưởng của dòng tộc mình một ngôn ngữ và một văn hóa có tính rất độc đáo, phong phú ở các dấu chỉ và ở cách biểu tượng truyền lại từ tổ tiên, in dấu sâu đậm của truyền thống tôn giáo và tinh thần của dân tộc mình trong hoàn cảnh chính trị xã hội của lúc ấy.

Nhập thể đưa đến vị trí mâu thuẫn này là Lời phổ quát của Thiên Chúa nói với loài người trở nên Lời nhập thể và chỉ diễn tả trong khuôn mặt và lời nói một cá nhân riêng rẽ là con người Giêsu Nazareth.

Sau khi Đức Giêsu sống lại và lên trời thì Giáo hội nhận sứ điệp đi đến các dân tộc và làm cho họ trở nên môn đệ của Ngài. Như Đức Giêsu khi còn tại thế, Giáo hội cũng buộc phải ngỏ lời với các dân tộc một cách thực tế trong ngôn ngữ và văn hóa của họ. Như vậy muốn làm tròn sứ điệp Phúc Âm hóa, Giáo hội phải biết nói “ngôn ngữ văn hóa và nhân loại” [4] của các nhóm người mình đến rao giảng. Muốn trở nên phổ quát Giáo hội cũng phải trải qua những giai đoạn nhập thể theo cung cách của Đức Giêsu. Việc Phúc Âm hóa các văn hóa theo đường hướng trên cũng là một phiêu lưu như con đường Đức Kitô đã đi khi Ngài còn ở trần gian. Nó chỉ thể hiện được dưới dấu hiệu của sự “từ bỏ mình” đi, [5] đặc tính của con đường chính Đức Kitô đã chọn như con đường Phúc Âm hóa hiệu nghiệm nhất.

Như Vatican II đã nhắc đến, Giáo hội không bị trói buộc cách riêng và không thể tháo gỡ được với một văn hóa riêng biệt nào. Nhưng đó chỉ là theo lý thuyết. Trong thực hành, Giáo hội không luôn hành động như vậy. Giáo hội, ở nhiều thế kỷ, đã chung sống chặt chẽ hầu như nên một với văn hóa Tây phương. Ngày nay, ở các nhà truyền giáo Tây phương, khi đến với các dân tộc có văn hóa riêng của họ, cái truyền thống tư tưởng trên vẫn còn chưa mất hẳn. Đây là một trở ngại lớn. Như Vatican II đã dạy, Giáo hội không những có thể mà còn cần phải “thông hiệp với mọi văn minh”. Để trung thành với tính phổ quát của mình, Giáo hội phải có một cố gắng “hủy bỏ” [6] quyền năng và vinh dự mà Giáo hội đã có gắn liền với văn hóa Tây phương trong lịch sử.

Ai cũng biết rằng trong quá khứ, việc nhập thể của Phúc Âm vào văn hóa riêng tư của Tây phương đã đem lại cho Giáo hội nhiều ưu thế trần gian. Ngày nay, tình thế đã đổi thay, muốn hữu hiệu, Giáo hội cũng phải tự do và can đảm bỏ qua nền văn hóa ấy để nhập thể vào các văn hóa khác đang giang tay chờ đón.

Giáo hội cũng ý thức rằng bản thân Giáo hội không phải là Đức Kitô và cũng chẳng phải là Nước Thiên Chúa. Sứ mạng của Giáo hội là làm chứng về Đức Kitô, và phục vụ cho Nước Thiên Chúa, với tư cách là dấu chỉ và là bí tích trước mặt mọi người. Để hoàn thành sứ mạng này, Giáo hội có một tự do rất lớn để chọn những cách diễn tả cho phù hợp với các văn hóa khác nhau mà Giáo hội gặp, vì mục đích của dấu chỉ và bí tích là đưa đến hiểu biết điều ám chỉ mà thôi. Trước một văn hóa, nếu ta muốn người ta hiểu điều bình thường thì bó buộc phải dùng ngôn ngữ của văn hóa ấy.

Nhưng trong lúc dùng ngôn ngữ của các văn hóa để làm cho người ta hiểu, Giáo hội vẫn phải cố gắng để tránh đồng hóa với bất cứ một văn hóa nào. Giáo hội phải luôn có trước mặt gương của Đức Kitô chỉ trở nên một con người cụ thể để nên ánh sáng chiếu soi vào mọi hoàn cảnh văn hóa của nhân loại, và để mỗi kinh nghiệm nhân loại đều trở nên thật sự nơi gặp gỡ của Thiên Chúa với con người để cứu chuộc họ mà thôi.

III. Phúc Âm hóa và nền văn minh

Trong sứ mạng Phúc Âm hóa con người [7], Giáo hội cũng cộng tác vào việc nhân bản hóa con người. Thật vậy, khi đón nhận Phúc Âm và sống theo các tôn chỉ của Phúc Âm thì con người và văn hóa bị tổn thương vì tội lỗi được đổi mới: luân lý trở nên cao thượng hơn, các đức tính tinh thần được khôi phục lại, sự tự do tinh thần của tha nhân được tôn trọng [8]. Và như vậy, trong lúc được Phúc Âm hóa, con người cũng nhờ đó mà thăng tiến và bước vào một nền văn minh tình yêu hơn, nhân bản hơn [9].

Nhưng để dung hòa được hai mục đích ấy, nhà truyền giáo phải vâng theo một số nguyên tắc. Trước hết là lòng tôn trọng chân thành đối với sự tự lập của văn hóa, được nhìn như một dự phóng về đời sống cá nhân cũng như tập thể. Điều này Giáo hội Công giáo có một thời đã không quan tâm đủ. Thật vậy, trong thế giới Tây phương trước đây, xã hội theo đạo “toàn tòng”, nên Giáo hội và xã hội, đạo và đời không có phân biệt. Vì thế, Giáo hội đã có ý tưởng rằng: bản thân Giáo hội có trách nhiệm bảo vệ duy nhất nhân loại trong tương lai. Nhưng ngày nay, Giáo hội có vị trí “diaspora” [10] ở khắp mọi nơi, nên không còn lý do để mà nghĩ như vậy nữa. Giáo hội phải thực tế nhìn nhận rằng để có thể cộng tác vào việc làm tiến bộ văn minh trong nhân loại thì bản thân phải chấp nhận đa nguyên tính của văn hóa và phải sẵn sàng cộng tác với mọi “cơ cấu” khác của nhân loại được thiết lập để củng cố nền văn minh.

Người truyền giáo ý thức đa nguyên tính không có nghĩa là “ba phải”. Lời nói của họ phải có phẩm chất tiên tri, nghĩa là một nhận định về con người và tập thể bắt nguồn từ lập trường căn bản của Đức Kitô về những điều phi nhân bản do sự tội gây nên trong xã hội: tựa như ở thời đại chúng ta, những xu hướng thái quá về tiền bạc và đời sống vật chất, sử dụng quyền lực và sức mạnh để uy hiếp kẻ khác, sự thiếu tinh thần liên đới giữa các cá nhân trong xã hội…

Những điều nói trên đây mới xuất hiện khía cạnh tiêu cực hơn là tích cực. Thật ra việc Phúc Âm hóa phải đưa con người đến một dự phóng cho đời sống họ thấm nhuần tinh thần Phúc Âm theo như những khả năng mà địa phương họ có thể đem lại thì đó mới là tích cực. Lịch sử nhân loại cho thấy, trong thế giới lãng quên Thiên Chúa sẽ lần lần đưa đến sự lãng quên con người. Sứ mạng Giáo hội là khơi dậy giá trị tôn giáo trong sinh hoạt văn hóa mà công việc chính là chỉ cho nhân loại thấy: họ phải đi tìm ý nghĩa cho đời sống mình ở chiều kích siêu việt, và vấn đề về Thiên Chúa không ở ngoài vấn đề định mạng của họ. [11]

Việc Phúc Âm hóa còn đòi Giáo hội phải huấn luyện cho con người có một đức tin vững chắc. Đức tin ấy hệ tại trong sự hiểu biết về mầu nhiệm đức tin, và can đảm trước chỉ trích của người không tin. Để đạt đến mục đích ấy, cần phải làm cho tín hữu có một hiểu biết chắc chắn về Kinh thánh và Thánh Truyền. Ngoài ra còn phải nhận ra sự sai lầm của các ý thức hệ thiếu lịch sử tính đã trà trộn vào Tin Mừng. Sự hiểu biết có bình luận về đức tin này chỉ có nơi người biết can đảm đón nhận những thực tại mà khoa học thời nay đã làm chủ cả ở phạm vi nội dung lẫn phương pháp. Đây thật là một cuộc phiêu lưu tinh thần chỉ những ai đã có một đời sống dạn dĩ trong thử thách mới có thể bước vào được.

Hiển nhiên, những điều ta vừa trình bày ở trên cho thấy ở cội nguồn Phúc Âm hóa thì xuất hiện đồng thời tiến trình nhân hóa con người, những người đón nhận lý tưởng Phúc Âm. Đây không phải để tạo nên một thế giới Kitô hữu hay một văn hóa Kitô giáo riêng biệt như trước đây [12], nhưng thật ra, Phúc Âm hóa đó là một sự xâm nhập của Tin Mừng vào tận bên trong các nền văn hóa để biến đổi chúng nên Nước Thiên Chúa. [13]

Phúc Âm không ngớt là men, nhà truyền giáo phải nhào men ấy vào bột các văn hóa. Việc Phúc Âm hóa sẽ là nguồn mạch cho việc nhân hóa con người vì nó luôn là một lời mời gọi, một sự khuyến khích con người phải vượt bực chính bản thân họ (Mt 5, 47). Nhưng để hoàn thành nhiệm vụ nhân hóa này, Giáo hội cũng luôn phải tự xét mình xem bản thân Giáo hội đã cố vượt chính bản thân mình hay chưa?

Phục Sinh đã thúc đẩy mọi biến đổi sâu xa trong lịch sử nhân loại.

(Còn tiếp)

Giuse Thân Văn Tường

Trích “Dẫn vào thần học Hội nhập văn hóa”, tr. 51-58.

---------------------------------------------

* Bài liên quan:

Dẫn vào thần học Hội nhập văn hóa (1)

Dẫn vào thần học Hội nhập văn hóa (2)

Dẫn vào thần học Hội nhập văn hóa (3)

Dẫn vào thần học Hội nhập văn hóa (4)

Dẫn vào thần học Hội nhập văn hóa (5)

Chú thích

[1] Nơi truyền giáo.

[2] GS, số 58.

[3] GS, số 58.

[4] EN, số 63

[5] Kenosis

[6] Cũng là kenosis.

[7] Tông Huấn Giáo hội châu Á nhắc đến mối tương quan sâu đậm giữa Phúc Âm hóa và hội nhập văn hóa, tuy Tin Mừng và Phúc Âm hóa không đồng nhất với văn hóa. (x. EA, số 21a)

[8] GS, số 58, 4.

[9] Tông Huấn Giáo hội Á châu nói cộng đồng cơ sở Giáo hội giúp cho con người bắt đầu xây dựng một xã hội mới, diễn tả một nền văn minh tình thương (EA, số 25d). Và “trong khi phục vụ gia đình nhân loại, Giáo hội đi đến mọi người không phân biệt người nữ, người nam, cố gắng xây dựng với họ một nền văn minh tình thương.” (Ibid., 32a)

[10] Cụ thể là thiểu số.

[11] Tông Huấn Giáo hội Á châu nhận định: “Trong Đức Giêsu Kitô, qua quyền năng của Thánh linh, chúng ta đi đến sự hiểu biết rằng Thiên Chúa không ở xa, ở trên và tách biệt con người, nhưng rất gần, đích thực hiệp nhất với từng con người và toàn thể nhân loại trong mọi tình huống cuộc sống.” (EA, số 12d)

[12] Tựa như ở châu Âu trước đây.

[13] Tựa như men trong bột.