Dẫn vào thần học Hội nhập văn hóa (9)

[ Điểm đánh giá5/5 ]1 người đã bình chọn
Đã xem: 1739 | Cập nhật lần cuối: 6/23/2016 11:08:42 PM | RSS

(còn tiếp)

Chương V: Thần học về “Hội nhập văn hóa”

I. Giải thích thần học về hạn từ “hội nhập văn hóa”

Hạn từ “hội nhập văn hóa” thuộc thần học nhưng ở ranh giới giữa thần học và nhân loại học. “Văn hóa” là thực tại phức tạp mà khoa nhân loại học không ngừng khám phá trong những thập niên gần đây, như ta đã xem ở trên. Còn “hội nhập” hướng ta về mầu nhiệm “nhập thể” nhờ đó Thiên Chúa đã bước vào nhân loại để cứu chuộc từ bên trong. Như vậy, hội nhập văn hóa của Phúc Âm không phải là một phương pháp truyền giáo thích hợp nhất để Phúc Âm hóa các nền văn hóa, nhưng chính xác đó là một bổn phận khẩn trương ngày nay các Kitô hữu phải hoàn tất. Để hiểu rõ điều này, trước tiên ta hãy tìm hiểu dụ ngôn về hạt giống gieo xuống tự nó mọc lên (Mc 26-29).

Hạt giống là Phúc Âm, thửa ruộng là văn hóa và người gieo là nhà truyền giáo. Hạt giống được gieo vào thửa ruộng bắt đầu hoạt động từ bên trong, một cách tiệm tiến, lúc ban đầu ở ngoài không ai nhìn thấy nhưng rồi nó trở thành cây, lớn lên, trổ bông rồi đem lại hạt lúa. Theo dụ ngôn, tất cả biến đổi ấy xảy đến khi người gieo giống ngủ say. Đó là biểu tượng cho ta thấy một hoạt động mầu nhiệm, người gieo giống ngủ hay thức, ban ngày hay ban đêm, thì cũng đều không nhận biết. Nhưng đến mùa gặt, lúa đã chín, gié lúa nặng trĩu, thì người gieo giống bó buộc phải lưu ý và ra khỏi giấc ngủ “vô thức” của mình. Ông buộc phải suy nghĩ về hiệu quả của sự gặp gỡ mầu nhiệm giữa hạt giống và đất của thửa ruộng. Theo hình bóng, dụ ngôn cho thấy vai trò của Phúc Âm và văn hóa trong quá trình hội nhập văn hóa của Tin Mừng. Trong hoạt động này, những điều ta cần quan tâm là:

1. Vai trò của người gieo giống hay Giáo hội đi truyền giáo

Đến một địa phương nào thì nhà truyền giáo cũng nghĩ đến hội nhập Phúc Âm vào văn hóa địa phương ấy. Công việc này đưa đến những hoạt động có tính nhân loại như văn hóa hóa và cộng nhập văn hóa cho vị thừa sai và cho chính Giáo hội đến rao giảng. Người gieo giống phải gieo và kiểm nhận kết quả, nhưng giữa việc gieo và kiểm nhận kết quả, có một việc xảy ra ông không hiểu được rõ ràng. Như vậy, trong việc này, vai trò của người rao giảng chỉ là phụ sánh với Phúc Âm và người đón nhận Tin Mừng.

Dẫn vào thần học Hội nhập văn hóa (9)

2. Vai trò của người nghe gắn chặt với một văn hóa

Vai trò này rất quan trọng. Việc hội nhập văn hóa tùy thuộc rất nhiều vào văn hóa người nghe đã có. Phúc Âm gặp gỡ với một nền văn hóa nhất định, cuộc gặp gỡ này đưa đến một sự đáp trả đầy sáng tạo và độc đáo, thật là bất ngờ khi người gieo tỉnh giấc. Việc này ông khởi sự, nhưng tiến triển không có ông, ngoài ý muốn của ông. Nó xảy đến như là một “mầu nhiệm” trong đó ông chỉ là “người tôi tớ vô dụng”.

Hình bóng người gieo giống ngủ là thái độ phải có ở nhà truyền giáo trong lúc hội nhập văn hóa từ từ tiến triển theo khôn ngoan của Thiên Chúa dự định. Mọi sáng tạo mới đều đòi ở người khơi ra nó một sự kín đáo và tế nhị. Trong hội nhập văn hóa của Phúc Âm, sự kín đáo và tế nhị của nhà truyền giáo hệ tại ở chỗ họ không lấy bản thân thay cho người khác, nhưng họ để cho tha nhân, với văn hóa riêng của họ, đón nhận Phúc Âm với tất cả sự tự do để đáp trả lại một cách thích hợp với “căn tính” của chính họ. Đó là cách tốt nhất để đem lại nhiều hoa trái.

3. Vai trò chính thuộc về Phúc Âm

Trong tiến trình hội nhập văn hóa, vai trò tiên quyết thuộc về Tin Mừng, nói cách khác, chính Đức Kitô là tác giả của việc hội nhập văn hóa, vì chính người là Lời rao giảng của nhà truyền giáo và cũng là Lời đón nhận của văn hóa được Phúc Âm hóa. Một hội nhập văn hóa của Phúc Âm thực thụ phải là một hiện tại hóa trong thời gian và không gian của mầu nhiệm nhập thể.

Thiên Chúa đã ban trọn vẹn Con của Người cho nhân loại khi mầu nhiệm Con Thiên Chúa làm người hoàn tất. Lời của Người cũng sẽ tự hiến trọn vẹn như thế cho mỗi văn hóa, như thể rằng mỗi văn hóa đều duy nhất. Giáo hội khi công bố Lời ấy cho muôn dân, thì có trách nhiệm phối kiểm xem các dân tộc đáp lại Lời ấy như thế nào.

Dụ ngôn về hạt giống tự nó mọc lên giúp ta nhìn rõ hơn sự hội nhập văn hóa của Phúc Âm. Trong mầu nhiệm này, không phải Giáo hội, nhưng Đức Giêsu và Phúc Âm của Người mới là chủ động. Một thay đổi vai trò trong việc truyền giáo như vậy đòi ở các nhà truyền giáo một đổi mới trong tính tình và thái độ. Để làm tròn trách nhiệm truyền giáo, Giáo hội vẫn phải đi gieo Tin Mừng, nhưng phải tôn trọng các văn hóa khác nhau và củng cố các cộng đồng tín hữu địa phương trong sự độc đáo của chúng. Để làm tròn trách vụ này, Giáo hội phải thấy rõ hơn trước sự kiện Đức Giêsu về Galilê trước các môn đệ sau khi Người sống lại (Mc 16, 7). Sự kiện này có ý nghĩa là từ ngày Người sống lại, biên giới “đất thánh” đã bị xóa bỏ, không còn dân nào là “dân riêng” của Thiên Chúa. Khi các dân tộc hay văn hóa được gặp gỡ các nhà truyền giáo, thì cũng như ở Galilê, Đức Giêsu đã đến trước các môn đệ rồi, Người đến trước các nhà truyền giáo vì Người là Ngôi Lời sáng tạo, là Đấng đổ máu ra để cứu chuộc họ. Và đến ngày mọi sự sẽ hoàn tất, Người sẽ đến để thu phục mọi sự về với Cha Người. Đó là lý do để các nhà truyền giáo phải luôn đón nhận với sự tôn trọng các thể hiện mới của các văn hóa nhờ ảnh hưởng của Phúc Âm mà đã có được.

II. Nguyên lý nền tảng của thần học về “hội nhập văn hóa”

Để có cơ sở cho suy luận thần học về “hội nhập văn hóa,” ta phải nhìn vào đời sống Đức Giêsu và lưu ý đến hai mầu nhiệm: Nhập Thể và Vượt qua.

1. Nhập thể

Mầu nhiệm Con Thiên Chúa làm người rất cụ thể: Thiên Chúa tự ý đón nhận những cảnh huống bình thường của một con người thuộc một dân tộc có lịch sử riêng. Đức Giêsu Nagiarét là một người Do Thái bởi giống nòi, bởi giáo dục và bởi muôn vàn liên hệ khác nữa. Mầu nhiệm này thật kỳ lạ cho khôn ngoan loài người đến nỗi các bè rối đầu tiên xuất hiện trong Kitô giáo không chối thần tính, nhưng chối nhân tính trong Đức Giêsu. Thánh Phaolô đã trình bày về mầu nhiệm nhập thể như một sự tự hạ [1] của Thiên Chúa. Con Thiên Chúa đã không giữ cương vị Thiên Chúa cho mình, người đã tự hạ, nhận lấy thân phận tôi đòi và trở nên giống như người phàm (Ph 2,6-7). Lời của thánh Phaolô diễn tả khá rõ thực chất của nhập thể. Cả Tân Ước đã đồng thanh chấp nhận điều này vì đều làm chứng về sự gắn bó của Đức Giêsu với định mạng riêng của dân tộc Người. Nhưng điều mầu nhiệm phải chú ý là: chính trong lúc nói ngôn ngữ xã hội và văn hóa của một nhóm người riêng mà Đức Giêsu đã bước vào con đường đi đến mọi người để Lời Người trở nên Tin Mừng cứu độ cho toàn thể nhân loại. Đức Kitô đã là cá nhân giữa loài người để cứu chuộc mọi cá nhân trong loài người.

Hội nhập văn hóa của Phúc Âm bắt nguồn từ sự nhập thể của Ngôi Lời. Phúc Âm trong lịch sử đã phải trở nên Lời cụ thể trong cho mọi văn hóa đón nhận mình. Như Phaolô VI đã nói, [2] hội nhập văn hóa của Phúc Âm không muốn là một nước sơn bên ngoài, nhưng muốn thấm vào tận gốc rễ của mọi nền văn hóa. Và đó cũng là mong muốn của Giáo hội khi đi loan báo Tin Mừng, đó là đem hết mọi khả năng của mình để đưa vào mọi nền văn hóa, điều đã thể hiện một cách độc đáo, chẳng bao giờ có thể hơn được, trong đời sống của Đức Kitô.

2. Vượt qua

Trong hội nhập văn hóa của Phúc Âm, dụ ngôn về hạt lúa tự mình mọc lên phải được bổ túc bởi dụ ngôn hạt lúa chết đi để mang lại nhiều hoa trái (Ga 12, 24). Thật vậy, Con Thiên Chúa làm người là để cứu chuộc họ và sự tự hạ trong nhập thể đạt đến mức chót trên thập giá. Khi làm người, Ngôi Con đã gánh lấy tội lỗi của loài người và sự xa vời của họ với Thiên Chúa. Khi vác thập giá, Đức Giêsu vác lấy sự khốn cùng của họ. Làm người, không những người được tạo thành giống hình ảnh Thiên Chúa, nhưng cũng là anh em của những tạo vật vì phạm tội mà đã bất lực để thể hiện ơn kêu gọi mình của Thiên Chúa. Ta phải lưu ý đến sự kiện trên ta mới hiểu được tại sao Đức Giêsu đã chết trên thập giá và trước đó đã kêu lên: “Lạy Cha, tại sao Cha bỏ Con!” Sự thinh lặng của Thiên Chúa lúc ấy với Con yêu dấu của Người, nhân loại không hiểu được, nhưng là diễn tả cuối cùng của tình yêu nơi Thiên Chúa đối với nhân loại. Thiên Chúa đã yêu thương thế gian đến ban Con Một mình làm giá chuộc cho họ. Khi đi truyền giáo, Giáo hội luôn phải sống mầu nhiệm vượt qua của Chúa. Giáo hội phải luôn thanh tẩy và cố gắng gieo vào văn hóa một lời có tính tiên tri đích thực để mời gọi người ta trở lại và vượt lên trên chính bản thân mình.

3. Một cái nhìn đổi mới về Giáo hội

Nhà truyền giáo, khi đã lấy hai mầu nhiệm nhập thể và vượt qua làm nền tảng cho hành động của mình thì sẽ có một cái nhìn đổi mới về Giáo hội. Hai phương diện của cái nhìn ấy cần lưu ý là: tính Công giáo và bí tích của Giáo hội.

3.1 Tính Công giáo của Giáo hội

Khi thành lập Giáo hội, Đức Kitô đã trao ban cho Giáo hội sứ mạng đi đến mọi dân tộc và làm cho họ trở nên môn đệ Người (Mt 28, 19). Như vậy, lúc nào Giáo hội cũng phải phổ quát ở sứ mạng và ơn gọi, cả những lúc hoàn cảnh bên ngoài chỉ gồm vỏn vẹn có mấy tông đồ trong một căn phòng cửa đóng then cài. Để hoàn thành sứ mạng và ơn gọi ấy, Giáo hội phải đi theo con đường nghịch lý mà Đức Giêsu đã theo là bỏ mình đi. Sự từ bỏ mình này cụ thể là như sau: tuy là Giáo hội Rôma và Latinh, Giáo hội cũng vẫn sẵn sàng đón nhận Giáo hội Phi châu, Á châu và Nam Mỹ… và sẵn sàng trả giá để được như vậy. Không có một Giáo hội nào hoàn hảo vì chẳng có một Giáo hội nào mà không nhập thể trong một văn hóa. Nhưng đã là văn hóa thì không thể tránh được có sáng, có tối, có yếu tố đưa đến hoàn chỉnh và yếu tố đưa đến vong thân. Chẳng có một văn hóa nào có thể đồng nhất được với Phúc Âm để có thể gọi là văn hóa Kitô giáo, kể cả văn hóa Tây phương.

Đức Giêsu đã nhập thể trong một chủng tộc riêng biệt để có thể hội nhập với tất cả mọi dân tộc. Giáo hội cũng phải đón nhận một cảnh huống tương tự như vậy: chính nhờ có các Giáo hội địa phương có sắc thái văn hóa dị biệt mà Giáo hội chung trở nên dấu chỉ phổ quát về ơn cứu độ cho hết thảy mọi người. Giáo hội có tính Công giáo, không vì các Giáo hội địa phương phải giống với Giáo hội Rôma như hai giọt nước và cùng có một cách diễn tả theo văn hóa Latinh. Điều Giáo hội phải tránh là muốn có một sự phổ quát trừu tượng lấy sự đồng dạng làm con đường đi đến duy nhất. Giáo hội phải muốn một sự phổ quát cụ thể, nghĩa là quả quyết có một liên lạc độc đáo với mọi văn hóa theo con đường tự hạ mà Đức Giêsu đã theo.

3.2 Tính bí tích của Giáo hội

Giáo hội không được thiết lập cho mình nhưng để chiếu tỏa tình yêu của Thiên Chúa vào thế gian. Giáo hội có nhiều cách để biểu lộ tính bí tích của mình về tình yêu ấy như các dịch vụ Giáo hội hoàn thành nhân danh Tin Mừng, như chứng tích những công việc từ thiện thi hành một cách vô vị lợi, như sự can đảm có tính ngôn sứ trong lời giảng dạy của mình… Giáo hội đến với các văn hóa để đồng hành và giúp đỡ họ trong việc tìm kiếm “siêu việt” cho đời người và đề nghị với họ ơn cứu độ mà Thiên Chúa đã mạc khải trong Đức Giêsu Kitô. Khi thông hiệp vào sự cởi mở của nhân loại hướng về siêu việt trong các diễn tả văn hóa cụ thể và dị biệt của mình, Giáo hội đã hành động như Thiên Chúa khi Người đến với ta trong việc nhập thể của Ngôi Lời. Hành động như vậy, Giáo hội đã tận lực phục vụ như bí tích cho hành động cứu độ cụ thể và độc đáo của Thiên Chúa.

Sau khi hội nhập văn hóa, Giáo hội phải biết nhẫn nại chờ đợi như người gieo giống vào ruộng mình rồi nằm ngủ. Không phải Giáo hội sẽ cứu chuộc thế gian, nhưng chính Thiên Chúa, qua Đức Kitô, nhờ Chúa Thánh Thần. Đó là thái độ thánh Phaolô đã tỏ bày: “Sự giàu có, khôn ngoan và thông suốt của Thiên Chúa sâu thẳm dường nào! Quyết định của Người, ai dò cho thấu! Đường lối của Người, ai theo dõi được!... Ai đã cho Người trước, để Người phải trả lại sau?” (Rm 11,33-35)

III. Kích thước lịch sử của “hội nhập văn hóa”

Khi Phúc Âm đã hội nhập vào một nền văn hóa, thì không để văn hóa ấy như cũ nữa. Nó trở nên một động lực nội tại đòi hỏi một đáp trả đức tin, một mặt rất phù hợp với sứ điệp của Đức Kitô, và mặt khác cũng đến từ thâm tâm của văn hóa dân tộc ấy.

Nếu hội nhập văn hóa được quan niệm như vậy, thì phải có một cách nhìn lịch sử về thần học nào đó. Thật vậy, trong mầu nhiệm nhập thể, Thiên Chúa chứng tỏ con đường cứu độ Ngài ban cho ta luôn không tách rời khỏi đời sống cá nhân và của nhóm người riêng đã dấn bước vào. Ta không tách rời được ngôn ngữ văn hóa và nhân loại mà Thiên Chúa đã nói với ta trong Đức Giêsu với các ngôn ngữ văn hóa và nhân loại khác cũng là những cố gắng để diễn tả mầu nhiệm về Thiên Chúa và dự phóng của cá nhân cũng như tập thể về định mạng của mình. Các Giáo phụ coi ngày lễ Ngũ Tuần như đảo ngược hoàn toàn với tháp Babel. Một bên vì ngôn ngữ khác nhau mà phân tán, một bên gặp thấy trong mọi văn hóa của thời đại mình những hạt giống của Lời hằng sống sửa soạn cho Đức Kitô đến và một cách mầu nhiệm, đưa các dân tộc về hợp nhất với Người.

Tất cả tạo vật đều là biểu thị của Lời sáng tạo nhờ đó mà thế gian đã được dựng nên (Ga 1, 3), và trong đó mọi sự sẽ được thâu tóm (Ep 1,9-10). Chính lời ấy luôn hiện diện qua các thế kỷ trong lịch sử để mạc khải cho các dân tộc bằng nhiều đường nhiều cách (Hr 1,1-2). Việc nhập thể không thể xảy đến để loại bỏ nhiệm cục tổng quát này, nhưng để đảm nhận một cách trọn vẹn hơn bằng cách xen vào trong lòng lịch sử “một sáng tạo mới” (2 Cr 5,17-20). Nhờ thân mình Đức Giêsu Kitô bị treo trên thập giá mà mọi dân tộc được thu hút về Người (Ep 2,11-20), nơi có đầy đủ mọi sự tốt lành của Thiên Chúa (Cl 1,15-20).

Ngày nay, khi đọc Cựu Ước, không còn ai nghĩ rằng: việc lựa chọn dân Do Thái là một hành động loại trừ các dân tộc khác. Nếu Thiên Chúa đã giao ước với dân này, đó chỉ là một cách cụ thể chứng tỏ Người là Chúa mọi dân tộc và mọi dân tộc đều thuộc về Người. Kinh nghiệm riêng của dân Do Thái về giao ước với Thiên Chúa cũng là kinh nghiệm của các dân tộc khác trong tương quan riêng của họ với Người. [3]

Trong Tân Ước, ta cũng thấy một liên hệ như vậy giữa ơn cứu độ mà Đức Giêsu khi lập ra Giáo hội, xem ra đã đem lại một cách nhìn đặc biệt cho Giáo hội Người, [4] và nhiệm cục cứu độ [5] của Thiên Chúa, chung cho hết mọi loài, mà Kinh thánh luôn nhắc đến.

Thật vậy, một mặt, để được cứu rỗi thì phải nhờ vào thánh danh Đức Giêsu Kitô (Cv 4, 2) và mặt khác, trong giờ phán xét “những người được Chúa Cha chúc phúc”, nghĩa là những người công chính, thì được qui tụ từ mọi quốc gia (Mt 25, 32). Không phải hết mọi người đã quen biết Chúa, đã thưa với Người: “Lạy Chúa! Lạy Chúa!” (Mt 7,21-23) sẽ được cứu chuộc, nhưng mọi người đều sẽ bị phán xét theo việc làm cụ thể của họ (Mt 16, 27).

Trước khi bước vào tuần khổ nạn, Đức Giêsu đã giảng dạy về ngày phán xét lần cuối cho các môn đệ trong đó Ngài đã xóa bỏ dứt khoát mọi phân biệt giữa loài người và mọi người đều có thể nhờ vào ơn cứu độ của Chúa Cha ban xuống trong Chúa Con, nhờ Chúa Thánh Thần. Ta có thể coi đó là những điều Người trối lại lần cuối cho các môn đệ của mình (Mt 25,31-46).

Áp dụng ơn cứu độ như sự hội nhập Phúc Âm vào văn hóa thì tính phổ quát của ơn ấy còn có một chiều sâu khác nữa. Nó thấm nhuần vào mọi chiều kích của con người, từ hiểu biết, luân lý đến đời sống tinh thần, quan niệm về ý nghĩa đời sống… Nếu lời cứu độ siêu việt hóa được mọi kích thước của nhân loại nói chung, thì chắc rằng Lời ấy phải có thể giúp được các cá nhân để họ siêu việt hóa bản thân khi họ thể hiện nhân tính của mình trong lòng văn hóa của xã hội trong đó họ sống. Xã hội được hình thành từ những cá nhân nên không thể có xã hội đổi mới nếu trước đấy không có các cá nhân đổi mới. Lời mà Thiên Chúa nói với loài người trong Đức Giêsu cũng là Lời mà Người nói với mỗi cá nhân, khi ân sủng của chúng ta mời gọi họ lắng nghe Lời Người ở một giây phút lịch sử nào đó trong đời họ. Với sự tự do vô biên của Chúa Thánh Thần, Lời ấy thổi đến bất kỳ ai và ở bất cứ lúc nào. Chúa Thánh Thần có sứ vụ riêng làm cho ơn cứu độ mà Đức Kitô đã thể hiện được phổ biến đến hết mọi người và thâm nhập vào nội tâm của họ. Việc phổ biến có tính cách chung và có đối tượng là mỗi tâm hồn riêng. Họ hoàn toàn tự do để đón nhận ơn ấy và ơn ấy được Thiên Chúa ban cho hoàn toàn nhưng không.

Như trên, một Giáo hội muốn phục vụ cho hội nhập văn hóa thì phải tôn trọng những kinh nghiệm mà mỗi người đã được đón nhận và sống nhờ văn hóa riêng của mình. Chúa Thánh Thần đã hướng dẫn cách mầu nhiệm những kinh nghiệm ấy. Chúng sẽ là trung gian cho cuộc gặp gỡ của các cá nhân và cộng đồng với Thiên Chúa Cha để được ơn cứu độ.

Trong lúc sinh thời, Đức Giêsu đã không tiếc thời giờ để lắng nghe những kẻ đến với người. Người làm việc ấy không vì tình cảm suông, nhưng vì Người nhìn thấy ở mỗi người “hình ảnh” của Thiên Chúa, có tự do và lý trí. Đến lượt Giáo hội, khi đi Phúc Âm hóa con người, muốn đem lại kết quả thì Giáo hội cũng phải đến cùng họ với lòng tôn trọng và sự hiểu biết từng cá nhân, với một mối “âu lo cùng đích”, [6] và cố gắng để nhân hóa bản thân của họ.

Sau hết, có một điểm mà các nhà thần học cũng hay nói đến, đó là “tính cánh chung” của sự hội nhập văn hóa. Cánh chung ở đây không mang ý nghĩa cùng đích của đời sống con người, nhưng đó là bước đường lịch sử của các dân tộc đã được qui hoạch từng giây phút bởi biến cố Con Thiên Chúa làm người để cứu chuộc họ. Phần họ, họ vẫn trung thành với bổn phận trần thế mà Thiên Chúa đã trao phó [7].

[2] EN, số 20

[3] A Biblical Study (1979, 1986). God’s covenant. Ottawa: University of Ottawa Press.

[4] Đến nỗi người ta nghĩ: “Ngoài Giáo hội, không có ơn cứu độ.”

[5] Chương trình cứu độ của Thiên Chúa.

[6] Theo Paul Tillich, trong bộ Thần học Hệ thống (Systematic Theology).

[7] Giữa một thế giới mà khuynh hướng chung muốn tách biệt tôn giáo và thế giới, tôn giáo và văn hóa, thánh Sư huynh Miguel, người Ecuador, đã làm chứng cho rằng, không có sự tách biệt giữa đức tin và đời thường, giữa niềm tin Kitô và văn hóa, điều mà Hiến chế Mục vụ gọi là thảm kịch sâu xa nhất của nhân loại. Bằng sự tham gia không ngơi nghỉ vào các hoạt động văn hóa, thi ca, phương pháp giảng dạy tiếng Tây Ban Nha và các công trình thời danh phổ biến sinh ngữ này. Sư huynh Miguel đã cho con người cảm nghiệm được sự hiện diện hướng thần của một con người Kitô hữu, đem lại một đóng góp sâu xa cho việc nâng cao văn hóa và phẩm giá con người.