Giáo Lý về Cầu Nguyện của Đức Bênêđictô XVI – Bài 01: Cầu Nguyện Kitô Giáo

[ Điểm đánh giá5/5 ]1 người đã bình chọn
Đã xem: 16 | Cập nhật lần cuối: 5/1/2024 2:55:22 PM | RSS

Từ ngày thứ Tư 04.05.2011, trong các buổi Tiếp kiến chung hằng tuần, Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI đã bắt đầu loạt bài giáo lý về chủ đề cầu nguyện. Ban Biên tập trích đăng loạt bài giáo lý này để giúp các tín hữu cầu nguyện tốt hơn trong Năm Cầu Nguyện 2024. Trong bài đầu tiên, Đức Thánh Cha nói về cầu nguyện trong các nền văn hóa cổ xưa, để cho thấy rằng: trên thực tế, các nền văn hóa luôn hướng về Thiên Chúa ở mọi nơi và mọi lúc.

ĐỨC BÊNÊĐICTÔ XVI

TIẾP KIẾN CHUNG

Quảng trường Thánh Phêrô

Thứ Tư, 04 tháng 5 năm 2011

Anh chị em thân mến,

Hôm nay tôi muốn bắt đầu một loạt bài Giáo Lý mới. Sau loạt bài về các Giáo Phụ, về các nhà thần học vĩ đại thời Trung Cổ và về các người nữ vĩ đại, giờ đây tôi muốn chọn một chủ đề mà tất cả mọi người chúng ta đều lưu tâm tới: đó chính là chủ đề cầu nguyện, đặc biệt là lời cầu nguyện Kitô giáo, nghĩa là lời cầu nguyện mà chính Đức Giêsu và Giáo hội vẫn tiếp tục dạy chúng ta. Quả thật, chính nhờ Đức Giêsu mà con người có khả năng đến gần Thiên Chúa một cách sâu sắc thân tình trong tương quan hiền phụ và tình con thảo. Cùng với các môn đệ đầu tiên, giờ đây chúng ta hãy khiêm tốn tin tưởng hướng tới Thầy Giêsu và cầu xin Người rằng: “Thưa Thầy, xin dạy chúng con cầu nguyện” (Lc 11,1).

Trong các chương sách sắp tới, qua tiếp cận Kinh Thánh, truyền thống vĩ đại của các Giáo phụ trong Giáo hội, của những Bậc Thầy về linh đạo và về Phụng vụ, chúng ta hãy học cách sống mối tương quan của mình với Chúa, một cách mãnh liệt đặc biệt hơn nữa trong “trường học cầu nguyện”.

Quả thật, chúng ta cần biết rõ rằng, việc cầu nguyện thì không được coi như là tự nhiên mà có được. Cần phải học cách thức cầu nguyện, như thể đón nhận nghệ thuật cầu nguyện một cách đầy tươi mới; ngay cả những người đã rất tiến bộ trong đời sống tâm linh, cũng luôn cảm thấy cần phải đến học cầu nguyện nơi Thầy Giêsu một cách chân thực nhất. Chúng ta học được bài học đầu tiên của Đức Giêsu qua chính gương sáng của Người. Các sách Tin Mừng diễn tả cho ta về việc Đức Giêsu liên lỉ đàm đạo cách mật thiết với Chúa Cha: đó là một sự hiệp thông thẳm sâu của Người khi đến trong thế gian, không phải để làm theo ý mình, nhưng là làm theo thánh ý Chúa Cha, Đấng đã sai Người đến cứu độ trần gian.

Như một nhập đề, trong chương đầu tiên này, tôi muốn đưa ra một vài gương mẫu về việc cầu nguyện trong các nền văn hóa cổ xưa, để chứng tỏ rằng con người hầu như ở mọi thời mọi nơi đều biết cách quy hướng về Thượng Đế như thế nào.

Tôi sẽ bắt đầu với nền văn minh Ai Cập cổ xưa, như một mẫu gương điển hình về cầu nguyện. Một người mù, qua việc cầu xin thần linh phục hồi thị lực cho mình, chứng tỏ một điều gì đó phổ quát của loài người, đó là một lời cầu nguyện trong sáng và đơn sơ của một con người đang chịu khổ đau. Người ấy đã cầu nguyện rằng: “Lòng tôi mong ước được thấy ngài… Ngài đã làm cho tôi cảm nhận sự tối tăm, xin hãy tạo ra ánh sáng cho tôi, để tôi có thể được thấy ngài! Xin hãy ghé mắt yêu thương của ngài xuống trên tôi”[1]. Xin cho tôi được thấy ngài; đó chính là trọng tâm của lời cầu nguyện!

Trong các tôn giáo vùng Mesopotamia, tuy trong lời cầu nguyện, người ta ý thức được sự trầm trọng của các tội lỗi làm cho ra tê liệt, nhưng trong lời cầu nguyện, cũng không thiếu niềm hy vọng được Thiên Chúa cứu chuộc và giải thoát. Điển hình, lời cầu nguyện của một tín hữu như sau: “Lạy Thiên Chúa là Đấng nhân từ ngay cả đối với những tội lỗi trầm trọng nhất, xin tha thứ mọi tội lỗi cho con... Lạy Chúa, xin hãy nhìn đến tôi tớ của Ngài đang dần kiệt sức, và xin hãy thổi làn gió mát nhẹ của Ngài trên nó: xin đừng chậm trễ tha thứ cho tôi tớ Ngài: xin hãy làm vơi nhẹ sự trừng phạt nghiêm minh của Ngài. Xin làm cho con được hít thở trở lại, và thoát các dây trói; xin hãy bẻ gãy gông cùm cho con, xin hãy tháo cởi những xiềng xích đang trói buộc con”[2]. Tất cả những cách diễn tả trên cho thấy, trong việc tìm kiếm Thiên Chúa, dù còn rất mơ hồ, nhưng một đàng, con người đã trực giác được về các tội lỗi của mình, đàng khác, trực giác được về một vị Thiên Chúa xót thương và nhân từ ra sao.

Trong các vùng ngoại giáo của Hy Lạp cổ đại, người ta chứng kiến được một sự tiến triển đầy ý nghĩa: tuy vẫn còn là những lời kêu cứu thần linh trợ giúp trong các tình huống khác nhau của cuộc sống thường ngày, và nhằm đạt được những lợi lộc vật chất cá nhân, nhưng các lời cầu nguyện cũng dần hướng tới những điều khấn xin một cách vô vị lợi hơn, cho phép con người đào sâu tương quan của mình với Thiên Chúa và trở nên tốt lành hơn.

Chẳng hạn, triết gia vĩ đại Platon đã ghi lại một lời cầu nguyện của thầy mình là Socrates, được coi là một trong những vị sáng lập ra tư tưởng Tây phương. Socrates đã cầu nguyện như sau: “Xin ban cho con vẻ đẹp nội tâm của linh hồn! Còn vẻ bên ngoài, xin cho con chấp nhận những gì con có, để sống hài hòa với con người nội tâm. Xin cho con coi người khôn ngoan là giàu có; và cho con có được sự giàu sang mà chỉ những người biết tự chủ mới có thể gánh vác và chịu đựng nổi mà thôi”[3]. Trên hết mọi sự, ông đã muốn có vẻ đẹp nội tâm và sự khôn ngoan, hơn là mong muốn sở hữu nhiều tiền của vật chất.

Trong các tuyệt tác của nền văn chương thuộc mọi thời đại có các bi kịch của Hy Lạp. Cả ngày nay nữa, sau 25 thế kỷ, chúng được đọc, suy gẫm và diễn lại, và trong đó có những lời cầu nguyện diễn tả ước muốn được hiểu biết Thiên Chúa và thờ lạy sự cao cả của Người. Một trong những bi kịch ấy nói rằng: “Lạy thần Zeus, đấng làm cho trái đất chuyển động, và đồng thời cũng ngự trên nó, ngài là đấng mà nhãn quan của loài hay chết, định luật của thiên nhiên, hoặc trí tuệ của con người không thể thấy được, con tôn kính ngài, vì bằng những cách bí mật, ngài cai quản tất cả mọi sự thuộc về nhân loại theo công lý”[4]. Ý niệm về Thiên Chúa xem ra vẫn còn rất mơ hồ (nebulous) đối với con người, song con người đã biết nhận ra vị thần vô danh này và cầu nguyện với Đấng dẫn dắt đời mình trên mọi nẻo đường trần gian.

Cả nơi người dân thành Rôma, đã xây dựng một đế quốc rộng lớn, trong đó phần lớn Kitô giáo tiên khởi đã được nảy sinh và phố biến tại đây, tuy còn pha trộn với quan niệm vụ lợi, và gắn liền với việc xin thần linh phù trợ cuộc sống của cộng đoàn dân sự, nhưng lời cầu nguyện cũng đã rộng mở cho những lời khẩn cầu đáng ca ngợi, biết cầu xin cho được lòng đạo đức cá nhân, biết trở thành lời chúc tụng và tạ ơn. Ví dụ như lời cầu của ông Apuleio, một tác giả Phi châu sống vào thế kỷ thứ II sau Công Nguyên. Trong các tác phẩm của mình, ông bày tỏ sự không hài lòng nơi những người đương thời đối với tôn giáo cổ truyền, và ước mong có một tương quan đích thực hơn đối với Thiên Chúa. Trong một kiệt tác của ông có tựa đề là Metamorphoses, một tín hữu đã thưa lên với một vị nữ thần những lời sau đây: “Ngài thực là thánh, ngài cứu vớt nhân loại trong mọi lúc; trong sự quảng đại của mình, ngài luôn trợ giúp con người phải chết; ngài đã bày tỏ lòng yêu mến hiền dịu của tình mẫu tử đối với những kẻ bần cùng đang gặp nguy khốn. Không có một ngày, một đêm nào, một lúc nào, cho dù có ngắn ngủi tới mấy đi nữa, mà ngài lại không đổ tràn trên nó những ân huệ của ngài”[5].

Cũng trong thời đó, Hoàng đế Máccô Aurêliô (Marcus Aurelius) – một triết gia suy tư về những hoàn cảnh của nhân loại – đã khẳng định sự cần thiết phải cầu nguyện để thiết lập một sự hợp tác có hiệu quả giữa hoạt động của thần linh và hoạt động của con người. Ông đã viết trong cuốn Suy Niệm (Meditations) của mình như sau: “Ai đã nói với bạn rằng các thần linh không trợ giúp chúng ta, ngay cả trong điều hoàn toàn tùy thuộc nơi chúng ta chăng nữa? Vậy hãy bắt đầu cầu khấn các ngài đi, và bạn sẽ nhận được”[6].

Ngay từ thời trước Chúa Kitô, nhiều thế hệ con người đã thực thi lời khuyên trên đây của vị hoàng đế triết gia, nó minh chứng rằng, cuộc sống con người nếu không có cầu nguyện, vốn là điều mở ra cuộc sống chúng ta với huyền nhiệm của Thiên Chúa, thì sẽ trở nên vô nghĩa và mất định hướng. Quả thật, trong từng lời cầu nguyện, luôn diễn tả sự thật của bản tính con người, một đàng sống kinh nghiệm sự yếu đuối và bất xứng, và vì thế, xin ơn Trời trợ giúp, đàng khác, nó lại có được một phẩm giá ngoại thường, bởi vì nó đang chuẩn bị mình để được đón nhận Mặc Khải của Thiên Chúa, nó khám phá ra rằng, mình có khả năng bước vào mối hiệp thông sâu sắc với Thiên Chúa.

Các bạn thân mến, trong những mẫu gương về cầu nguyện của nhiều thời đại và nhiều nền văn minh khác nhau này chứng tỏ rằng, con người ý thức được tình trạng thụ tạo của mình, và sự lệ thuộc vào Một Đấng Khác cao trọng hơn mình, và là suối nguồn của mọi sự thiện. Con người thuộc mọi thời đại đều biết cầu nguyện, bởi vì họ không ngừng thắc mắc về ý nghĩa của cuộc đời, một điều vẫn còn mờ tối và làm cho họ trăn trở, nếu như không được đặt trong mối tương quan với huyền nhiệm của Thiên Chúa và kế hoạch yêu thương của Người cho trần gian.

Cuộc sống con người là một sự giao thoa giữa thiện và ác, giữa đau khổ oan ức với niềm vui và vẻ đẹp, những điều đó thúc đẩy chúng ta một cách tự nhiên và không thể cưỡng lại được, hướng tới việc cầu xin Thiên Chúa ban ánh sáng và sức mạnh nội tâm để nâng đỡ chúng ta trên đường đời, và mở ra một niềm hy vọng vượt xa giới hạn của sự chết.

Các tôn giáo của dân ngoại vẫn là một lời khẩn cầu từ trái đất, đang đợi chờ một lời từ trên Thiên Đàng. Một trong những đại triết gia ngoại giáo cuối cùng, người đã sống hoàn toàn trong thời đại Kitô giáo, đó là triết gia Prôclô tại Constantinốp, đã nói lên ước vọng này rằng: “Lạy Đấng Bất Khả Tri, không ai có thể cản ngăn được Ngài. Tất cả những điều chúng con tư duy đều thuộc về Ngài. Những điều xấu và tốt của chúng con đều đến từ Ngài, mọi khát vọng đều lệ thuộc vào Ngài, Lạy Đấng Khôn Dò Khôn Thấu, linh hồn chúng con cảm được sự hiện diện của Ngài, và trong tĩnh lặng, dâng lên Ngài bài thánh thi tạ ơn”[7].

Trong các mẫu gương về cầu nguyện của những nền văn hóa khác nhau mà chúng ta vừa nói tới, chúng ta thấy một bằng chứng về chiều kích tôn giáo và lòng khao khát Thiên Chúa được khắc ghi trong tâm khảm mỗi người, điều đã được thể hiện và được diễn tả tròn đầy trong Cựu Ước cũng như Tân Ước. Quả thật, sự Mặc Khải thanh tẩy và đem lại khát vọng Thiên Chúa, nơi con người nguyên thủy tới sự tròn đầy, bằng cách cống hiến cho nó khả năng của một tương quan thẳm sâu hơn đối với Chúa Cha trên trời, trong lời cầu nguyện.

Để khởi đầu cho lộ trình của chúng ta trong “trường học cầu nguyện”, chúng ta hãy cầu xin Chúa soi sáng tâm trí chúng ta, để tương quan của ta với Chúa trong lời cầu nguyện luôn được trọn vẹn, yêu mến và liên lỉ hơn. Một lần nữa, chúng ta hãy thưa lên với Chúa rằng: “Thưa Thầy, xin dạy chúng con cầu nguyện” (Lc 11,1)[8].

Trích từ: Tác phẩm "Cầu nguyện" của Đức Bênêđictô XVI

Nguồn: hdgmvietnam.com

[1] A. Barucq — F. Daumas, Hymnes et prières de l’Egypte ancienne, Paris 1980, trad. it. in Preghiere dell'umanità, Brescia 1993, p. 30.

[2] M.-J. Seux, Hymnes et Prières aux Dieux de Babylone et d’Assyrie, Paris 1976, trad.it. in Preghiere dell'umanità, op. cit., p. 37.

[3] Plato, Phaedrus, English trans.: Loeb, Harold North Fowler, Opere I. Fedro 279c, trd.it. P. Pucci, Bari 1966.

[4] Euripedes, Trojan Women, 884-886, English trans.: Loeb, Arthur S. Way, Apuleio di Madaura, Metamorfosi IX,25, trad. it., C. Annaratone, in Preghiere dell’umanità, op, cit., p. 79.

[5] Apuleius of Madaura, Metamorphoses ix, 25.

[6] Dictionnaire de Spiritualité XII/2, col. 2213.

[7] Hymni, ed. Vogt, Wiesbaden 1957, in Preghiere dell’umanità, op. cit., p. 61.

[8] Pope Benedict XVI, General Audience, May 4, 2011.