Người môn đệ đích thực của Chúa Giêsu (19)

[ Điểm đánh giá5/5 ]1 người đã bình chọn
Đã xem: 3046 | Cập nhật lần cuối: 12/17/2016 2:49:39 AM | RSS

(Tiếp theo)

Cuộc sinh nở mới được thể hiện bằng cách được đổ tràn thần khí tốt lành, tức “THÁNH THẦN”

“Hãy làm sao cho được no đầy Thần Khí!” (Ep 5, 18)

Chính thần khí Thiên Chúa, khi tự thông ban lần hồi cho chúng ta, biến chúng ta thành con người mới.

Cũng như các sứ đồ, một khi lãnh nhận Thánh Thần, đã được Thánh Thần biến đổi.

Nơi chúng ta, nỗ lực từng ngày sẽ thực hiện cuộc biến đổi ấy, đồng thời với ân sủng của Chúa, sự học hỏi, cầu nguyện.

Tìm đâu có thần tốt lành

Chắc không phải nơi thế gian

Thế gian không thể lãnh nhận thần trí của Thiên Chúa. Thế gian không biết Ngài cũng không xem thấy Ngài.

Có quá nhiều mâu thuẫn giữa Thiên Chúa và thế gian để Thần Khí Thiên Chúa hiện diện nơi đó.

Thánh Phaolô nói: “Vì sự khôn ngoan thế gian này là sự điên rồ nơi Thiên Chúa. Vì đã biết: “Người bắt chợp hạng khôn ngoan ngay lúc chúng bày giảo kế”. (1 Cr 3, 19)

Con người động vật không tài nào quan niệm được những điều thuộc về Thiên Chúa, đối với họ, đó là điều điên dại và họ không thể nào hiểu biết chúng, vì phải xét đoán chúng bằng ánh sáng siêu phàm. (x. 1 Cr 2, 4) [1]

Thần trí tốt lành cũng không ở trong hiểu biết hay thiên tài.

Thánh Phaolô bảo, sự thông hiểu sản sinh ra kiêu căng và không luôn luôn ban bố Thánh Thần.

Chính Thánh Thần mới sản sinh ra sự thông thái đích thực, còn sự thông thái do Thánh Thần mà đến tất chẳng thông ban được thần trí Thiên Chúa.

Biết bao nhà thông thái, thương ôi, không hề có thần trí của Thiên Chúa!

Thần trí ấy cũng chẳng có trong thiên tài, hoặc lý lẽ, bởi vì tư tưởng loài người chỉ là hư ảo, vả chăng tự sức ta, ta chẳng có thể nghĩ được một tư tưởng tốt lành.

Bạn có thể là nhà thông thái, biết lập luận rất vững, bạn có thể là triết gia vĩ đại, là nhà toán học đại tài, biết hết mọi khoa học nhưng vẫn không có Thánh Thần.

Chính thánh Phaolô dạy chúng ta: “Giả như tôi nói được các thứ tiếng, nhân loại và thiên thần, mà tôi không có lòng mến, thì tôi chỉ là thanh la vang vảng hay chũm chọe chập cheng.

Và giả như tôi được ơn tiên tri, và biết mọi sự nhiệm mầu, toàn cả trí tri; và giả như tôi được tất cả lòng tin, khiến chuyển được đồi núi, mà tôi lại không có lòng mến, thì tôi vẫn là không!” (1 Cr 13,1-2)

Ấy vậy ta có thể có sự thông biết, có hết mọi kiến thức đầy dẫy, có cả thiên tài xuất chúng, mà vẫn không có thần trí của Thiên Chúa.

Ôi thôi, biết bao nhiêu tấm gương như thế ngay trong [Giáo hội] [2] ta lại chẳng thấy lắm lần những bậc thiên tài lớn, những nhà thông thái vĩ đại, đã vấp ngã và rơi vào lầm lạc, sa xuống sự dữ đó sao? Họ thông thái thật đấy nhưng lại không có thần trí Thiên Chúa, hoặc họ đã đánh mất nó sau khi nhận được. Bằng chứng là Thánh Thần không nhất thiết ở trong sự thông biết (hoặc) ở trong các nhà thông thái, đó là việc Đức Giêsu Kitô đã chọn các sứ đồ của Ngài ngay trong số những kẻ nghèo khó hèn hạ để làm công việc của Ngài.

Infirma mundi elegit Deus ut confundat fortia. Những điều thế gian coi là yếu đuối, thì Thiên Chúa đã chọn để bêu nhuốc những gì là mạnh mẽ. (x. 1 Cr 1, 27)

Và Đức Chúa chúng ta đã tạ ơn Cha vì Cha thông ban mình cho kẻ nghèo hèn, song Cha giấu mình đối với những kẻ tai to mặt lớn.

Như vậy có nghĩa gì, nếu không phải những kẻ tai to mặt lớn, dù họ có thông thái bậc nào đi nữa, có là đại thiên tài, cũng năng tỏ ra bất xứng và không thể nào lãnh nhận thần trí của Thiên Chúa. [3]

Đức Chúa chúng ta đã dạy, đường nẻo của Thánh Thần đi, chẳng ai biết được, ta chẳng rõ Ngài ở đâu đến và đi về đâu; giả sử Ngài đến từ sự thông bác, ta có thể tìm hiểu đường đi của Ngài. Thường thường ta thấy thông báo hay đi đôi với độc ác và vô đạo. [4]

Thánh Thần cũng không ở trong ngài triết gia thông thái, nhà thần học thông thái, cho dù các khoa học này do Thánh Thần mà có. Khả dĩ người ta đi vào được các khoa học ấy mà vẫn không có cái ý trí phải có, tức thần trí của Thiên Chúa; ta đã chẳng hay thấy những nhà thần học lớn rơi vào lầm lạc và từ bỏ chân lý đó sao? Thông bác và lý luận thường hay giết chết và phá hủy tính đơn sơ chân chất và cảm thức hồn nhiên trực tiếp cho Thiên Chúa và Thánh thần sản sinh.

Người môn đệ đích thực của Chúa Giêsu (19)

Có những tâm hồn cảm nhận sự thật một cách hồn nhiên, tiếp thu nó với lòng hoan hỉ hạnh phúc, một khi họ thấy được đâu là sự thật; các tâm hồn như thế sở hữu thần trí của Thiên Chúa còn hơn mấy vị thần học gia thông bác, các vị này muốn đến đích phải dùng hết lý luận này đến lập luận kia nhiêu khê bất tận.

Thiên Chúa đã phú sẵn cho một số tâm hồn cái cảm thức thiêng liêng và thực tế có đầy đủ cơ sở của lý trí tự nhiên và của thần trí Thiên Chúa hơn cả trong đầu óc các nhà đại thông thái. Bằng chứng, có những người nông dân, những người thợ thủ công, hoặc nữ công nhân, phụ nữ, họ hiểu biết ngay lập tức các sự việc của Thiên Chúa và còn biết cách giải thích hơn là nhiều kẻ khác.

Cũng không ở trong những sự vật bề ngoài

Thần trí của Thiên Chúa không ở trong nhà ở, trang phục, hoặc của cải, chức tước, hoặc trong các địa vị sang hèn.

Cũng chẳng trong các thực hành đạo đức bề ngoài; vì nhóm biệt phái cũng ăn chay, cầu nguyện và làm phúc bố thí, thế mà Đức Chúa đã lên án tất cả sự công chính của họ, mặc dù trước mắt thiên hạ, đó là cao cả, là nhặt nhiệm.

Chính thánh Phaolô đã nói: Khi tôi phân phát tất cả tài sản của tôi cho người nghèo và tôi phó cả thân xác tôi cho lửa thiêu, giả như tôi không có lòng mến, hết thảy những việc đó chẳng được tích sự gì cho tôi. Thần trí Chúa không có trong chức tước, địa vị, danh vọng, quyền sang, các sự bề ngoài có thể giả thiết thần trí Thiên Chúa nhưng không ban thần trí ấy. Người ta có thể là linh mục, đức ông, giám mục, bề trên, tu sĩ mà vẫn không có thần trí Thiên Chúa. Bởi vì thần trí Thiên Chúa chẳng liên quan gì đến các chức tước, danh vị, phẩm hàm, các điều này khả dĩ giả thiết song không thông ban Thần trí đó. [5] Những kẻ tưởng mình có thần trí Thiên Chúa có khôn ngoan, nhân đức đã phạm sai lầm kếch xù bởi yên trí họ đã trùm lên mình một bộ y phục, một chiếc áo dòng hoặc một chức tước nào đó, và dưới cái mã bề ngoài ấy, họ có quyền tha hồ mà cai trị, mà ra lệnh tùy theo sở thích, ngay khi ý nghĩ vừa nảy ra trong đầu họ, tha hồ đề cao chức tước, địa vị, như thể rằng làm như thế sẽ khiến họ trở thành khôn ngoan hơn, kinh nghiệm hơn, thông minh hơn, và nhất là không thể nào phạm sai lầm được.

Ta thấy đặc biệt có những linh mục còn trẻ, thiếu dè dặt, thiếu thận trọng, thiếu khôn ngoan trong cách hành xử, thế mà vẫn cứ tin là mình vô ngộ và bắt mọi người cúi đầu trước họ, vâng phục quyền bính họ, sự cai trị của họ.

Thật sai lầm! Thật điên dại! Những con người như thế thì chỉ tổ làm cho thiên hạ dè bỉu, nhất là khinh rẻ chiếc áo chùng thâm của họ.

Ta thấy cần phải dè dặt và thận trọng, biết giới hạn và run sợ trong hành động biết là dường nào, khi mình còn tuổi trẻ và chưa có kinh nghiệm, bởi vì ta rất dễ làm những chuyện “xằng bậy”, và chớ vội tưởng mặc chiếc áo chùng thâm là tất nhiên có tất cả khôn ngoan và nhân đức.

Duy một mình Thiên Chúa có thể cho ta thần trí của Người và ta có thể có được điều đó mà không cần phải mua, mua giá đắt, hoặc làm tổn hại đến mình. [6]

Cũng nên, vì bác ái, nhìn nhận hết thảy những ai có chức vị, mặc chiếc áo dòng thánh thiện hoặc thi hành một nhiệm vụ cao cả, đều có thần trí Thiên Chúa.

Song chính những kẻ đang khoác áo chùng và mang chức vị, họ phải biết ngờ vực, có thể mình chưa có thần trí ấy, và tìm hết mọi phương cách để có được thần trí Chúa mỗi ngày mỗi thêm bằng cách hàng ngày cầu xin Thiên Chúa ban cho.

Thần trí của Thiên Chúa cũng không nằm trong việc trung thành bề ngoài với lề luật hoặc kỷ luật, mà thiên hạ ngày nay vẫn lấy làm khâm phục vô kể; nằm trong những việc linh thao theo phương pháp sư phạm, chúng chỉ biến con người thành những cỗ máy thực sự, người ta sẽ cho quay, cho chuyển động bằng cách ra hiệu. Khi các bạn đã sắp đặt xong cả hệ thống trật tự bề ngoài, tươm tất, giữ luật kiểu máy móc cho nhân sự của các bạn, và nếu các bạn tưởng rằng thần khí Thiên Chúa đã ở trong đó, các bạn lầm to, rất có thể Ngài chẳng có chút gì ở trong đó hết, vì Thần khí của Thiên Chúa không ở bề ngoài, Ngài ở bề trong: regnum Dei intra vos est “vì này nước Thiên Chúa ở trong các ông.” (Lc 17, 21)

Nơi nào có trật tự nhất, có kỷ luật nhất, có sự đều đặn qui tắc nhất hơn là trong một trại lính, trong một nhà tù, trong một ngôi trường làng? Ấy thế mà chỗ ấy lại có ít thần trí Thiên Chúa hơn cả, có phải thế chăng? [7]

Cái bề ngoài có thể giả thiết song không ban thần trí Thiên Chúa. [8]

Một so sánh để làm sáng tỏ vấn đề.

Có hai cái cây, một cây nhân tạo và một cây thiên nhiên. Cả hai giống nhau như hệt.

Cây nhân tạo do bàn tay con người làm ra; thân, cành, lá, hoa, quả đều đẹp, có màu sắc tươi tắn, hình dáng thanh; nó giống hệt cây thiên nhiên, kiều diễm về mặt thứ tự, hài hòa, hình dáng, màu sắc, giống in; nhưng cây đó không có “rễ”, không có “nhựa sống”, không có sự sống, nó là cây chết, nó chỉ có sự sống nhân tạo, sự sống bắt chước.

Con người làm tất cả công việc, Thiên Chúa không có phần nào của Người trong đó.

Cây đó xem cũng bắt mắt, nhưng nó không có sự sống bên trong và không có hoa quả đích thật, trái cây không ăn được, và chim trời không đến đậu trên đó để kiếm mồi.

Còn trái lại, ở cây thiên nhiên, con người làm chẳng mấy tí việc, họ có trồng, có tỉa, tưới nước, nhưng chính Thiên Chúa mới làm cho cây mọc.

Trong cây có nguồn nhựa sống, mầu nhiệm, chẳng ai thấy, song đó là bởi Thiên Chúa là Đấng ban sự sống. Chính nguồn nhựa nhiệm mầu này sản sinh ra thân, hoa, lá, quả, và quả ngọt ăn thấy ngon.

Có sự sống thâm nội ở trong cây do Thiên Chúa mà đến; cây kia thì không có vậy; cây nhân tạo có đẹp đẽ đến mấy, nó vẫn cứ mãi là cây chết, còn cây nọ mới là cây sự sống.

Ngày nay người ta quá chú trọng đến tất cả những công việc bề ngoài nói trên và gán cho nó vị trí thật quan trọng trong các ngôi nhà của chúng ta, trong các mái trường ngoài đời và cả mái trường Công giáo; người ta lo lắng nhiều đến bề ngoài hơn bề trong. Thì cũng như ví dụ vừa nêu. Người ta không đưa nguồn nhựa làm cho sống, người ta sản xuất những cây nhân tạo, người ta làm những cây chết.

Bởi vì làm ra cây nhân tạo thì dễ hơn làm cây sống rất nhiều.

Cây nhân tạo chỉ cần một chút ít săn sóc, nỗ lực, kiên trì, giờ giấc, và kỷ luật.

Đang khi muốn làm một cây sống, cần phải ân sủng, sự sống, niềm tin, tình yêu gây sự sống, và không thể cho những điều này nếu người ta không có, và muốn được chúng thì phải bỏ công sức và đến với Thiên Chúa.

Đây là công việc thiêng liêng khó khăn hơn công việc vật chất rất nhiều.

Trong chúng ta, Chúa Thánh Thần có nhiệm vụ sản sinh ra tất cả cái bề ngoài.

Để bắt đầu, phải đặt Thần Khí Thiên Chúa trong chúng ta. Khi Ngài ở đó rồi, Ngài giống như nhựa sống trong cây, trong chúng ta, Ngài sản sinh tất cả mặt ngoài. [9]

Phải chăm sóc nhiều đến bề trong hơn bề ngoài, đặt quan trọng cho bề trong hơn bề ngoài; bạn hãy đặt bề trong cho các tâm hồn, bề ngoài nhất định sẽ đến; nếu đặt bề ngoài, bạn vẫn chưa làm được gì cả.

Người ta thường bảo bề ngoài là dấu chỉ bề trong; không luôn như vậy: có những kẻ bề ngoài xem ra tươm tất hơn kẻ khác, nhưng họ ít đẹp lòng Thiên Chúa hơn kẻ khác, hơn những kẻ xuề xòa, bề ngoài mà đậm đà bề trong, có những thiện chí hơn, nỗ lực nhiều hơn.

Các ông đừng xét đoán theo bề ngoài, theo ngoài mặt, lời Đức Chúa phán.

Đặt bề ngoài mà không có Thần Khí Thiên Chúa, đó là cái xác không hồn.

Khởi sự bằng bề ngoài là xây dựng trong không khí, không xây trên nền móng, đó là tạo ra những cỗ máy, những con chong chóng.

Trước tiên, phải đặt để niềm tin, tình yêu Thiên Chúa, nhựa sống bên trong.

Spiritus est qui vivificat caro non prodest quidquam. “Thần Khí mới tác sinh, xác thịt thì không ích gì.” (Ga 6, 63)

Bề ngoài khác nào y phục ta mặc, nó có thể xinh đẹp, may khéo, tạo vẻ lịch sự, kiều diễm, quí phái, song nó không thêm gì cho sức khỏe; khi thầy thuốc muốn biết bạn có khỏe không, ông ta không nhìn xem bạn mặc quần áo gì, nhưng ông bắt mạch, xem lưỡi bạn, ông thẩm tra máu huyết bạn có đều đặn tráng kiện không, vì chính đó mới là cơ sở sức khỏe, sức mạnh, và nguồn sống.

Cái bề ngoài không là gì cả và không thể dùng để xét nghiệm sự sống, sức khỏe của chúng ta. [10]

Không có vấn đề bỏ lơ bề ngoài và chẳng cần yêu sách gì ở khía cạnh đó.

Không, cần phải có trật tự, phải có quy tắc.

Nhưng để đặt cơ sở chính yếu thì phải lấy bên trong, tức nguồn nhựa sống thiêng liêng ban sự sống cho cái bề ngoài, bằng không ta chẳng làm được gì chắc chắn, chân thật, bề bỉ.

Haec oportuit et illa non omittere “Chính các điều này phải thi hành, mà đừng sao nhãng các điều kia” (Lc 11, 42), lời Đức Chúa chúng ta đã nói với người Biệt phái khi Ngài đề cập tới hai chỉ giáo bề trong và bề ngoài.

Phải chăng đó cũng là điều ta lưu ý trong cách cư xử của Đức Giêsu đối với các sứ đồ của Ngài? Ngài chọn họ trước.

(Một trật Ngài dạy họ những nguyên tắc lớn hơn về sống Tin Mừng cách trọn vẹn, Ngài cũng giúp họ đem chúng ra thực hành.)

Ngài không cho họ bản nội qui nào khác hơn là điều này:

Hãy theo Thầy. Thầy là bản nội qui của con, sự sống của con, hình thức bên ngoài mà con phải bắt chước. Có những kẻ bắt đầu bằng các luật lệ bên ngoài, họ làm hết luận này đến luật kia; tất cả những cái đó không ích lợi gì hết. Bản qui luật đích thật cần phải đem ra áp dụng là điều này:

“Hãy theo Thầy, làm như Thầy”, Thầy không đòi hỏi những điều gì khó khăn hơn là những điều chính Thầy làm. “Hãy theo Thầy”: đó là tất cả lề luật.

Suốt ba năm Chúa sống với các môn đồ để đào tạo họ vào đời sống Tin Mừng và sứ đồ, ta không thấy có lúc nào Ngài tìm cách áp dụng cho họ những hình thức bên ngoài theo qui tắc hay kỷ luật cả; họ sống tùy nghi, theo khả năng có thể.

Song ta thấy Ngài hằng lo lắng đến việc biến đổi các sứ đồ từ bên trong. Ngài không ngừng dạy dỗ họ, sửa trị họ từng giây từng phút, Ngài đặt họ làm mọi việc, đào tạo họ trong mọi sự.

Chỉ vẽ, sửa dạy, và bắt thực hành, cho hoạt động, đó là phương pháp tốt nhất để đào luyện con người và ban cho họ đời sống bề trong.

Chỉ vẽ, sửa dạy, và bắt thực hành, bắt làm đó là cuộc sống, là nhựa sống và là phương cách chuyển thông sự sống; nhưng đóng khung người ta trong một cái ổ, nắn họ theo một hình mẫu, đó là dồn nén con người, dồn nén các tính xấu chứ không phải sửa đổi tính xấu.

(Khi thành lập Giáo hội, công trình lớn lao nhất của Đấng Toàn năng, công trình đẹp nhất trên cõi thế, Đức Chúa chúng ta không dùng bất cứ một phương tiện bề ngoài nào. Ngài chọn một con người rồi thông ban sự sống mình cho kẻ đó, thông ban Thần Khí của mình; Ngài chọn mười hai con người để đào luyện cho họ vào cuộc sống Tin Mừng; nhưng không phải bằng qui tụ họ vào trại lính, hay bắt họ đi đều bước; Ngài không huấn luyện họ kiểu ấy; Ngài không xây nhà cửa gì cả, không đánh trống thổi kèn, không nhạc phách hòa tấu, diễn kịch; trái lại Ngài cấm họ dùng các phương tiện bề ngoài ấy; tiền bạc không có, bề ngoài trịnh trọng cũng không; “Thầy sai chúng con như bầy chiên giữa sói rừng”, ite, docate “Hãy đi thâu nạp môn đệ khắp muôn dân, thanh tẩy chúng nhân danh Cha và Con và Thánh Thần, dạy chúng giữ mọi điều Ta truyền cho các ngươi” (Mt 28, 19); giảng, dạy, chữa bệnh; virtus de ille exibat “vì có sức thiêng tự Ngài xuất ra” (Lc 6, 19); các phương tiện bề ngoài chẳng đưa tới đâu, thập giá, đau khổ, ân sủng, kiên trì).

Phải để cho các thói xấu lộ ra để có cơ hội mà sửa dạy và tu chỉnh. Nếu cứ dồn ép chúng phải dấu mặt đi, ta không biết được chúng, và tất nhiên, không tu sửa được chúng.

Các con là môn đồ của Thầy nếu các con yêu thương lẫn nhau.

Đó là nguyên tắc cho mọi hoạt động của chúng ta; bác ái, yêu thương, sự sống của Thiên Chúa; thần trí Đức Giêsu Kitô ở trong Đức ái; đó là nguyên tắc sống từ Thánh Thần mà đến, vì Thánh Thần là hiện thân tình yêu.

Bản thân ta phải trở nên tuồng diễn cho thế gian coi, khi ta chọn chuồng bò làm chỗ ở, cây thập giá làm chỗ sống, và trở thành bánh ăn cho mọi người hết mọi ngày, như Đức Giêsu Kitô, bấy giờ ta mới mong làm cho thế giới trở lại.

(Cả thiên hạ chạy đến với Đức Giêsu để nghe Ngài để được chữa lành, và giải thoát khỏi quỉ thần; làm sao cho mọi người đến với chúng ta để nghe chúng ta nói, để được chữa lành và giải thoát khỏi tà thần; đó là những gì lôi kéo thiên hạ tới, đó là cách mà ta lôi kéo họ tới, chứ không phải những phương tiện bề ngoài, các phương tiện này chỉ lâu sau mới đến mà thôi; có nhiều Kitô hữu kiên vững trong các hầm toại hơn là trong các nhà thờ mỹ lệ của chúng ta. Có nhiều kẻ cứ cố đấm tìm cách sử dụng các phương tiện bề ngoài để lôi kéo, và họ tưởng rằng họ sẽ làm cho nhiều người ăn năn trở lại. Thật họ sai lầm biết chừng nào và hết sức mâu thuẫn với Tin Mừng! Vậy hãy cảnh giác về các công trình linh đạo mà ta có thể bắt tay vào làm).

Yêu mến Thiên Chúa và tha nhân, đó là nguyên tắc và nhựa sống cho hết tất cả, và phải sản sinh mọi sự trong chúng ta; khi linh hồn nào có được điều đó, họ đã có tất cả những gì phải có.

Thà rằng có lòng mến nhưng không có bề ngoài còn hơn có bề ngoài mà không có lòng mến.

Thà vô trật tự mà có tình yêu hơn trật tự mà không có tình yêu.

Điều này, cha Sở họ Ars diễn tả một cách khá hài hước. Một lần cha nói về các bé gái của Nhà Chúa Quan Phòng của cha, ở đó người ta dạy chúng theo những nguyên tắc nói trên – Catherina là con linh hồn của cha không hề biết đến các phương pháp có tính kỷ luật – Rồi cha so sánh cách sống như vậy với phương pháp mới người ta đã du nhập vào nhà Chúa Quan Phòng, bởi có một lúc người ta đã ép buộc cha phải trao lại quyền lèo lái cho những kẻ khác khôn ngoan hơn theo kiểu thế gian, cha Sở đã thốt lên “ông vẫn yêu thích cái con bé hầm bà làng ngày xưa ấy hơn”.

Có nghĩa là, vào thời của cha Sở họ Ars, trẻ con sống bằng trái tim chứ không phải bằng hiệu lệnh, chúng đến với cha, yêu thương cha và sống cuộc sống của một gia đình chứ không phải đời sống trại binh.

Những đoạn Kinh thánh giúp làm sáng tỏ giáo lý trên Regnum Dei intra vos est “Nước Thiên Chúa ở trong các ông.” (Lc 17, 21)

Caro non prodest quidquam, spiritus est qui vivificat “Thần Khí mới tác sinh, xác thịt không có ích gì.” (Ga 6, 63)

Martha, Martha, sollicita es et turbaris erga plurima, porro unum est necessarium. Maria optimam partem elegit quae non auferetur ab ea “Martha, Martha, ngươi lo lắng và xôn xao về nhiều chuyện; cần thì ít thôi, hay một điều thôi! Maria đã chọn phần tốt nhất rồi, và sẽ không bị ai giựt mất!” (Lc 10,41-42)

Exercitatio corporalis ad modicum utilis est, pietais autem ad comnia utilis est “Vì luyện tập thân thể lợi ích chẳng được là bao. Còn lòng đạo đức thì lợi ích mọi mặt.” (1 Tm 4, 8)

Quinimo beati qui audiunt verbum Dei et custodiunt illud “Phải hơn, phúc cho những ai nghe lời Thiên Chúa và noi giữ” (Lc 11, 28). Đừng có bám víu lấy cái vỏ; có nhiều người chỉ chú ý tới cái vỏ, chỉ nhìn thấy cái vỏ, chỉ xét đoán theo ngoài vỏ; cần có vỏ để dẫn nhựa, mang nhựa, nhưng vỏ để làm gì khi không có nhựa? Một cái cây chết; còn phải bảo vệ lần vỏ cây, song nhất là phải tưới cây, bón phân cho cây, để có được một dòng nhựa tốt làm cho cây sống, và cây sẽ xinh đẹp, vươn tỏa. Hãy chú ý tới rễ cây.

(Còn tiếp)

Lm. Antoine Chevrier

Trích “Người môn đệ đích thực của Chúa Giêsu Kitô”, P.E.L, Lyon, 1968, tr. 315-328

------------------------------------------

Chú thích

[1] Ms. XI 545 – Nếu chúng ta thuộc về thế gian, nếu chúng ta suy nghĩ như thế gian [bằng các] tư tưởng của thế gian, ta không thể lĩnh nhận [thần khí Thiên Chúa]. Cần phải cởi bỏ chính mình để lãnh nhận và thấu hiểu thần khí đó.

[2] Ta đọc trong thủ bản: “I’exemple” (tấm gương, ví dụ): chúng tôi không có cách nào giải thích tư tưởng của cha Chevrier hơn là gợi ý chữ “Giáo hội”

[3] Trong Ms. XII 12, cha Chevrier trích 1 Cr 8, 2: Ai tưởng mình hay biết sự gì, chưa hẳn là kẻ đó đã biết như phải biết.

[4] “Hay”. Ở đây cũng như ở đoạn tiếp theo, ta thấy cung giọng có tính hùng biện. Lối văn đả kích theo kiểu thánh Phaolô ở 1 Cr 1,17-31. Dẫu sao “hay” không có nghĩa là rất hay xảy ra.

[5] Cha Chevrier có cách nói thẳng thừng. Ta liên tưởng đến các nhà điêu khắc thời Trung cổ không ngần ngại tạc một vị giám mục trong đám người bị kết án hỏa ngục (x. tr. 286)

[6] X. tr. 270

[7] Một kiểu liệt kê hơi đáng tiếc và nhất là nói đến ngôi trường làng bên cạnh nhà tù. Cũng nên hiểu đó là phong cách thời đại đó.

[8] Ms. XIII 16 - Cái gì thường xảy đến? Khi bạn ra khỏi cái bề ngoài của bạn, khỏi cái nề nếp, thành thói quen đó, bạn không còn là bạn nữa, máy móc không còn chạy nữa; bấy giờ người ta sẽ chẳng cầu nguyện, chẳng học hỏi gì hết.

[9] Ms XII 15. Không có Ngài chúng ta giống như những cây nhân tạo.