Nụ hôn từ thập giá (11):

[ Điểm đánh giá5/5 ]1 người đã bình chọn
Đã xem: 2666 | Cập nhật lần cuối: 8/5/2016 5:38:39 PM | RSS

(tiếp theo)

Chương VIII: Gặp gỡ Chúa Kitô trong đau khổ của những bất hòa trong hôn nhân

“Phúc thay anh em khi vì Thầy mà bị người ta sỉ vả, bách hại và vu khống đủ điều xấu xa. Anh em hãy vui mừng hớn hở, vì phần thưởng dành cho anh em ở trên trời thật lớn lao. Quả vậy, các ngôn sứ là những người đi trước anh em cũng bị người ta bách hại như thế.” (Mt 5,11-12)

Tôi sử dụng cụm từ “bất hòa trong hôn nhân” để chỉ nhiều nỗi đau khổ trong hôn nhân bởi vì từ “bất hòa” bao quát hơn từ “ly dị”. Cụm từ “bất hòa trong hôn nhân” có thể dùng để nói đến nhiều nỗi đau khổ như: sát nhân, bỏ rơi, ly dị, bất trung, bạo lực, và các sự hành hạ ngược đãi khác. Những nỗi khốn khổ này cũng tác động trên con cái và tạo thêm những nỗi đau đớn khác nữa.

1. Cornelia Connelly – một vị thánh bảo trợ những người bất hạnh trong hôn nhân

Một trong những ví dụ điển hình về “bất hòa trong hôn nhân” được tìm thấy trong cuộc đời của Cornelia Connelly (1809-1879), một phụ nữ đang được điều tra để tiến hành việc phong chân phước.

Cornelia được rửa tội trong Giáo hội Luther. Bị lôi cuốn bởi nhiều tài năng của mục sư Pierce Connelly, Cornelia đã gia nhập cộng đoàn của ông và kết hôn với ông. Bốn năm sau, họ đã hoán cải và gia nhập Giáo hội Công giáo. Trong khi hành hương ở Rôma, họ đã được những người Công giáo Mỹ và Anh tiếp đón nồng nhiệt.

Khi trở về, Pierce bắt đầu dạy học ở đại học Công giáo ở Orleans. Bầu khí đạo đức khi ở với các nữ tu làm việc trong trường và các vị linh hướng dòng Tên đã khích lệ trước kia lớn lên trong đức tin Công giáo, một đức tin mà trước kia chị chỉ đón nhận để làm vui lòng chồng. Lớn lên trong tình yêu dành cho Chúa Giêsu, chị cầu xin ơn được sống một cuộc đời thánh thiện với tư cách là một người vợ và một người mẹ.

Lúc này xảy ra cái chết thảm thương của người con thứ ba của họ. Đau đớn nhưng vẫn trung thành với Thiên Chúa, Cornelia mang thai đứa con thứ tư, và lúc này Pierce làm chị ngạc nhiên vì tuyên bố muốn trở thành một linh mục.

Làm thế nào một người đã có vợ con lại trở thành một linh mục Công giáo? Vào thời đó, cách duy nhất là Cornelia phải trở thành một nữ tu. Để chuẩn bị, Pierce nói với vợ, họ sẽ phải sống với nhau như anh em trong một vài năm “để thử thách ơn gọi của Pierce và sức chịu đựng của họ.”

Một yêu cầu đáng sợ. Nếu Cornelia từ chối, chị sẽ là cản trở cho con đường ơn gọi của Pierce. Chị bị choáng váng. Lạ lùng thay các vị linh hướng của họ lại đồng ý với Pierce, và tin rằng anh ta có ơn kêu gọi. Với tư cách là cựu mục sư, Pierce phấn khởi dấn thân vào việc tái truyền giảng Tin Mừng ở nước Anh. Cornelia đã đồng ý. Chị ở vào tình thế bắt buộc phải đồng ý. Chị đau khổ rất nhiều. Chị phải đón nhận một hy sinh lớn lao nhất.

Cuối cùng thì Pierce được lãnh nhận tác vụ linh mục Công giáo. Đứa con trai lớn nhất của họ được gửi đến một trường học ở nước Anh, trong khi chị giữ lại hai đứa con út, và làm việc với các nữ tu của dòng Chúa Giêsu Hài Đồng.

Lúc này, độc giả có thể nghĩ đến câu chuyện bất bình thường, nhưng có lẽ hạnh phúc, xét theo quan điểm đạo đức. Năm 1847, khủng hoảng xảy ra. Cornelia đã vào tu viện, nhưng Pierce lại không hạnh phúc trong tư cách là linh mục. Anh quyết định Cornelia không nên khấn trọn đời. Anh không muốn nàng thuộc về Chúa Giêsu thay vì thuộc về anh. Anh viện cớ là lo lắng về món nợ đối với tu viện mà anh có trách nhiệm phải trả.

Khi Cornelia tuyên khấn bất chấp sự phản đối của Pierce, anh liền đem ba đứa con ra khỏi trường của chúng và dẫn chúng đi Ý. Sau này anh thừa nhận rằng mình giữ con cái làm con tin để buộc nàng trở về với mình. Độc giả nên nhớ rằng câu chuyện diễn ra trong bối cảnh dân chúng chống lại việc khấn dòng của Công giáo ở nước Anh.

Một cách tự nhiên, Cornelia lo sợ cho con cái đang ở trong tay người chồng mất quân bình của mình. Chị phải chọn giữa việc rời bỏ tu viện để tái hôn với Pierce và sống với các con, hay cứ tiếp tục cậy trông, cầu nguyện và không biết được điều gì sẽ xảy đến cho con cái của mình. Ở đây chúng ta thấy, chị đã gặp gỡ Chúa Kitô trong nỗi thống khổ của chị: “Trong sự hiệp nhất với Chúa Giêsu chịu đóng đinh của con, trong sự thờ lạy, đền tội, tạ ơn và khẩn nài, con, Cornelia, khấn sẽ không liên lạc với con cái của con và người cha của chúng, vì muốn đem lại vinh quang cao cả hơn cho Thiên Chúa, và thánh ý Chúa đã tỏ lộ qua cha linh hướng của con.”

Trở lại nước Anh để đón Cornelia, Pierce biết được nàng không muốn gặp lại mình, anh ngã xuống và than khác thảm thiết, sau đó anh giận dữ rồi lại đưa ra lời xin lỗi. Nhưng Cornelia từ chối và nhấn mạnh rằng chị chỉ nói chuyện với Pierce khi anh trả lại ít nhất đứa con gái út của chị.

Trong sự trả thù, Pierce bắt đầu tố cáo công khai một trong những người hướng dẫn Cornelia đã tấn công Cornelia, và tu viện này là một nhà chứa.

Để biện minh cho tất cả những điều này, Pierce đã viết một lá thư cho giám mục: “Tôi là một người đàn ông, một người chồng, và một người cha, trước khi tôi trở thành một linh mục, và những bổn phận đầu tiên này của tôi không thể bị bỏ rơi. Tôi không bao giờ từ bỏ đức tin, sự trung tín, đã hứa bảo vệ suốt đời.” Đây là lời lẽ của kẻ đã nài xin Rôma ban phép chuẩn để trở thành một linh mục, đã thề hứa để vợ mình trở thành nữ tu.

Để lướt thắng sự mâu thuẫn giữa cảm xúc và các quyết định trước đây của mình, Pierce đi đến kết luận rằng: tiến trình đi đến chức linh mục của anh đã bị hướng dẫn sai lầm. Anh đưa ra chứng cứ luật pháp để chống lại việc Cornelia từ bỏ mình. Đối với dư luận ở nước Anh Tin Lành, Cornelia là một người mẹ lạnh lùng, tàn nhẫn, và quái đản.

Sau nhiều cuộc tranh luận, kết quả là Pierce đã thắng với một phán quyết là: nếu Cornelia không trở về với chồng cũ thì sẽ bị kết án tù giam. Chị được khuyên là hãy chạy trốn. Trong thời gian này, Cornelia bảo đảm với các vị hướng dẫn mình rằng: không có gì phải sợ, vì Thiên Chúa và sự thật đứng về phía chị.

Trong lúc đó, Pierce cố gắng thuyết phục họ hàng của Cornelia để họ đồng ý là nàng đã mất trí, để số tiền thuộc về mấy đứa con sẽ được trao cho anh. Anh tiếp tục đưa ra lời kết án rằng: Cornelia bị các linh mục vô luân kiểm soát. Lại một lần nữa, anh xin nàng trở về với mình.

Nụ hôn từ thập giá (11):

Cuối cùng, anh quay lại làm mục sư của Tin Lành, sống ở Floerence với hai đứa con. Thật dễ tưởng tượng nỗi sợ hãi khủng khiếp của Cornelia vì tương lai đời này và đời sau của những đứa con của chị. Pierce làm cho chúng nghĩ rằng Cornelia là người mẹ cứng đầu và vô cảm, khi chọn lựa việc tuyên khấn phản tự nhiên chống lại tình yêu mà nàng phải có đối với chồng con.

Mercer, đứa con trai lớn nhất của chị, đã trở thành một người lính theo đạo Tin Lành và sẽ chết vì bệnh sốt vàng da lúc 21 tuổi. Nghe được tin này chị đã khóc hết nước mắt. Adeline, con gái của chị, thỉnh thoảng lại gửi cho chị một bức thư với những lời lẽ hết sức hỗn láo. Đôi khi Adeline và Frank, đứa con trai út, đến thăm chị, nhưng chỉ để diễn tả cơn giận dữ của chúng đối với chị.

Sau khi Cornelia qua đời, dưới ảnh hưởng của các nữ tu dòng Chúa Hài Đồng, Adeline đã trở lại với đức tin Công giáo.

Bất hòa trong hôn nhân không phải là một hiện tượng mới. Ngay từ những ngày đầu của Giáo hội sơ khai, chúng ta có câu chuyện về thánh nữ Fabiola, một phụ nữ quý tộc Rôma. Bà đã ly dị chồng vì ông này ngoại tình, và kết hôn với người khác, dù bị luật cấm. Sau khi chồng thứ hai qua đời, bà trở thành một hối nhân, sáng lập nhiều cộng đoàn, và thiết lập nhiều bệnh viện, cuối cùng trở thành một chuyên viên về Kinh thánh bên cạnh thánh Giêrônimô.

Thánh Mônica, mẹ thánh Augustino, cũng bị người chồng ngoại giáo đối xử tàn tệ. Cuối cùng, thánh nữ đã hoán cải được người chồng như lời thánh Phaolô nói: “Người chồng ngoại đạo được thánh hóa nhờ vợ.” (1 Cr 7, 14)

Vào thế kỷ thứ 6, sau khi người cha bị ám sát trong một âm mưu chính trị, cô Radegunde 18 tuổi đã kết hôn với Clotaire vua nước Pháp. Mặc dầu Clotaire đã chịu phép rửa tội, nhưng ông vẫn là một con người hung bạo và dâm dục, ông đã kết hôn 5 lần. Không hạnh phúc trong hôn nhân, Radegunde đã dấn thân vào việc chăm sóc những người nghèo, bệnh nhân, và tù nhân. Nhà vua không hài lòng với tính tình của hoàng hậu. Ông nói rằng: mình đã kết hôn với một nữ tu hơn là một nữ hoàng và người vợ này đã biến triều đình thành một tu viện.

Mặc dù Radegunde cố hết sức làm hài lòng chồng, nhưng khi ông này giết người em trai của bà thì bà đã bỏ triều đình để vào tu viện. Vị giám mục do dự việc nhận bà vào tu viện, vì lo ngại sự báo thù của vị vua bạo ngược. Để vượt thắng sự ngần ngại của giám mục, Radegunde đã tự mặc tu phục và yêu cầu giám mục chúc lành cho bà.

Sau đó bà đem tất cả tiền bạc của mình ra để làm việc bác ái. Bà cũng xây tu viện ở Poitier. Nhà vua tìm cách để đưa bà trở về với mình, nhưng cuối cùng ông đã hoán cải và xin bà tha thứ. Việc hoán cải này không kéo dài. Sau đó nhà vua lại thiêu sống một người con trai và cháu trai của chính ông! Một lần nữa ông lại sám hối và dâng cúng một số lớn của cải cho tu viện của Radegunde để đền tội.

Trong những năm sau cùng của mình, Radegunde sống trong cô tịch hoàn toàn. Sau khi bà chết, gương mặt bà bừng sáng, và nhiều phép lạ chữa lành các bệnh nhân đã xảy ra nhờ lời bầu cử của bà.

Thê thảm hơn là câu chuyện của thánh nữ Godelieve nước Bỉ (1049-1070). Từ khi còn nhỏ chị đã sống một cuộc đời thánh thiện trong tu viện, nhưng chị bị buộc phải kết hôn với Bertolf vì lý do chính trị. Một ngày kia, bà mẹ chồng, người đã muốn con trai kết hôn với một phụ nữ khác, đã đánh đập Godelieve tàn nhẫn, rồi tống giam chị vào một căn phòng nhỏ và muốn giam chị chết đói trong đó. Người chồng cũng đồng ý về việc này để trả thù sự thánh thiện của người vợ.

Godelieve đã trốn thoát khỏi phòng giam, trở về với gia đình của chị và tố cáo với vị giám mục. Lúc ấy Bertolf hứa sẽ cải thiện tình hình và được phép đón vợ về. Nhưng ông này tổ chức một chuyến đi, và đã để một người tôi tớ dìm chị chết đuối. Bà chết lúc mới 21 tuổi.

Câu chuyện có một kết thúc bất ngờ. Bertolf kết hôn lần nữa. Và người vợ sinh ra một đứa con gái mù lòa bẩm sinh. Khi cô bé này rửa mắt bằng nước được lấy từ hồ nước, nơi mà Godelieve đã chết đuối, mắt cô bé được chữa lành một cách lạ lùng. Bị đánh động bởi dấu chỉ tha thứ này, Bertolf đã xưng thú tội giết người của mình, và vào một tu viện để sống một cuộc đời sám hối ăn năn! Thánh nữ Godelieve là vị thánh bảo trợ cho sự bình an của các gia đình.

Một câu chuyện khác về sự bất hòa trong hôn nhân của chân phước Zedislava Berka, một người phụ nữ xứ Bohemia vào thế kỷ 13. Bà bị gả cho một quân nhân ngược với ý của bà. Người chồng này muốn bà ăn mặc sang trọng và tham dự vô số các bữa tiệc thịnh soạn. Điều này làm cho người vợ vốn quý trọng đời sống cầu nguyện và đời sống nội tâm rất buồn. Tuy nhiên, bà quyết định cố gắng thánh hóa các hoạt động mà người chồng đòi hỏi bà tham dự, trong khi vẫn chu toàn bổn phận làm mẹ của bốn đứa con và dấn thân vào việc cứu giúp những người nghèo.

Vào một dịp nọ, bà đưa một người ăn mày khốn khổ đáng thương về lâu đài để lo cho ông ta. Nghe được tin này, người chồng nổi giận chạy vội đến, nhưng thay vào chỗ của người hành khất, ông chỉ tìm thấy một bức tượng Chúa chịu đóng đinh.

Khi dòng Ba Đaminh phát triển ở vùng Đông Âu, người chồng đồng ý cho Zedislava gia nhập và giúp bà xây dựng một ngôi nhà trọ cho khách hành hương và những người tị nạn. Dần dần, ông để cho bà dấn thân hoàn toàn vào việc bác ái. Sau khi bà chết, ông thấy một thị kiến linh hồn bà đi vào vinh quang, và nhờ đó ông đã được ơn hoán cải.

2. Các bước để thánh hóa trong khung cảnh các mối bất hòa trong hôn nhân

Chương nói về các khó khăn trong gia đình của các thánh này là chương khó viết nhất đối với tôi. Trong thời đại của chúng ta, công chúng quan tâm nhiều đến việc các người bị ngược đãi trong các gia đình.

Trong thực tế, điều mà cuộc sống của các thánh nữ trong chương này bộc lộ là một chọn lựa giữa hai đường lối khác nhau để trung thành với Chúa Kitô trong khung cảnh những mối bất hòa trong hôn nhân:

a. Chống lại sự ngược đãi nhân danh Chúa Kitô bằng cách chống lại những thái độ và các đòi hỏi bất công. Chúng ta thấy tấm gương của Cornelia chống lại các đòi hỏi bất công của người chồng mất quân bình. Chúng ta cũng thấy Radegunde can đảm từ bỏ chồng để vào tu viện, khi người chồng phạm tội sát nhân. Trong cuộc chạy trốn của Godelieve khỏi người chồng hung ác, chúng ta thấy lòng can đảm thắng vượt sự vâng phục sai trái.

b. Trong trường hợp của Zedislava, đau khổ từ việc trái nghịch đã được đáp trả bằng việc chịu đựng cách kiên nhẫn. Bà đã cảm nghiệm mình là hôn thê của Chúa Kitô trong linh hồn, đến nỗi bà có thể vượt qua nỗi đau gây ra bởi người chồng.

Đôi khi các phụ nữ nghĩ rằng Chúa Thánh Thần đã kêu gọi họ để chống lại các lạm dụng của những người chồng. Họ cảm thấy được thúc đẩy để chọn con đường thứ hai để ẩn náu trong tình yêu của Chúa Kitô, và dâng lên Chúa những đau khổ của họ, vì lợi ích của chồng con và những ý hướng tốt lành khác.

Tất cả các phụ nữ không hạnh phúc trong hôn nhân phải tìm ẩn náu nơi Thánh Tâm Chúa Giêsu, và cần nhận ra điều gì là tốt nhất trong hoàn cảnh của họ.

Liên quan đến việc chống lại các người chồng đối xử bất công, điều quan trọng là đừng mất nhiều năm sống trong buồn bã và phàn nàn, nhưng thay vào đó là tìm kiếm hướng đi và những lời hướng dẫn. Dĩ nhiên, trong nhiều trường hợp, cần có sự thay đổi thái độ và cách cư xử của chính người vợ.

Thông thường việc chọn lựa con đường chống lại bên ngoài hay bên trong sẽ phụ thuộc vào tính khí của người chồng, hoàn cảnh, nhu cầu của con cái, và cảm xúc của đương sự.

(còn tiếp)

Ronda de Sola Chervin

Nguyên tác: The Kiss from the Cross

Chuyển ngữ: Lm. Montfort Phạm Quốc Huyên

Trích “Nụ hôn từ thập giá”, tr. 118-127

--------------------------------------

* Bài liên quan:

Nụ hôn từ thập giá (1)

Nụ hôn từ thập giá (2)

Nụ hôn từ thập giá (3)

Nụ hôn từ thập giá (4)

Nụ hôn từ thập giá (5)

Nụ hôn từ thập giá (6)

Nụ hôn từ thập giá (7)

Nụ hôn từ thập giá (8)

Nụ hôn từ thập giá (9)

Nụ hôn từ thập giá (10)