Nụ hôn từ thập giá (12)

[ Điểm đánh giá5/5 ]1 người đã bình chọn
Đã xem: 3335 | Cập nhật lần cuối: 8/14/2016 10:44:32 PM | RSS

(Tiếp theo)

Chương IX: Gặp gỡ Chúa Kitô trong đau khổ của việc bị bách hại

“Linh hồn người công chính ở trong tay Thiên Chúa và chẳng cực hình nào động tới được nữa. Bọn ngu si coi họ như đã chết rồi; khi họ ra đi, chúng cho là họ gặp phải điều vô phúc. Lúc họ xa rời chúng ta, chúng tưởng là họ bị tiêu diệt, nhưng thực ra, họ đang hưởng an bình. Người đời nghĩ rằng họ đã bị trừng phạt, nhưng họ vẫn chứa chan hy vọng được trường sinh bất tử. Sau khi chịu sửa dạy đôi chút, họ sẽ được hưởng ân huệ lớn lao. Quả thế, Thiên Chúa đã thử thách họ và thấy họ xứng đáng với Người. Người đã tinh luyện họ như người ta luyện vàng trong lò lửa, và đón nhận họ như của lễ toàn thiêu. Khi đến giờ được Thiên Chúa viếng thăm, họ sẽ rực sáng như tia lửa bén nhanh khắp rừng sậy. Họ sẽ xét xử muôn dân, và thống trị muôn nước. Và Đức Chúa sẽ là vua của họ đến muôn đời. Những ai trung thành, sẽ được Người yêu thương và cho ở gần Người, vì Người ban ân phúc và xót thương những ai Người tuyển chọn.” (Kn 3,1-9)

“Bấy giờ Đức Giêsu cầu nguyện rằng: “Lạy Cha, xin tha cho họ, vì họ không biết việc họ làm.” (Lc 23, 34)

“Ai có thể tách chúng ta ra khỏi tình yêu của Đức Kitô? Phải chăng là gian truân, khốn khổ, đói rách, hiểm nguy, bắt bớ, gươm giáo? Như có lời chép: Chính vì Ngài mà mỗi ngày chúng con bị giết, bị coi như bầy cừu để sát sinh. Nhưng trong mọi thử thách ấy, chúng ta toàn thắng nhờ Đấng đã yêu mến chúng ta. Đúng thế, tôi tin chắc rằng: cho dầu là sự chết hay sự sống, thiên thần hay ma vương quỷ lực, hiện tại hay tương lai, hoặc bất cứ sức mạnh nào, trời cao hay vực thẳm hay bất cứ một loài thọ tạo nào khác, không có gì tách được chúng ta ra khỏi tình yêu của Thiên Chúa thể hiện nơi Đức Kitô Giêsu, Chúa chúng ta.” (Rm 8,35-39)

Đôi khi có người mô tả các bách hại khủng khiếp trong thời kỳ sơ khai của Giáo hội làm như thể chúng ta bây giờ không còn chịu đau khổ do sự bách hại nào cả.

Điều này không đúng. Chúng ta vẫn cảm nghiệm nhiều loại bách hại từ việc chế nhạo, khinh miệt, phân biệt đối xử, và bị thù ghét do vấn đề tôn giáo. Chúng ta có thể xem những lạm dụng tính dục như một hình thức bách hại, tấn công vào phẩm giá của người khác. Còn những bách hại do ma quỷ sẽ được xem xét trong chương nói về gặp gỡ Chúa Kitô trong đau khổ của việc bị cám dỗ.

Đối với nhiều Kitô hữu ngày nay, các loại bách hại nằm trong sứ vụ phò sự sống, nơi chúng ta phải đương đầu với những nỗi đau đớn thể lý, các án tù, và sự khinh miệt của những kẻ ủng hộ phá thai.

Trong bài đọc kinh sách tuần 24 Thường niên, chúng ta thấy bản văn trích của thánh Augustino như sau:

“Kitô hữu phải noi gương bắt chước các nỗi thống khổ của Đức Kitô, mà không được tìm vui thú. Người yếu nên mạnh khi được nghe nói: Bạn hãy sẵn sàng chịu các sự thử thách ở đời này; nhưng Chúa sẽ giải thoát bạn khỏi tất cả những thứ đó, nếu bạn một dạ gắn bó với Người. Vì chưng để củng cố tâm hồn bạn, Người đã đến chịu khổ, đã đến chịu chết, đến cho người ta khạc nhổ, đến chịu đội mũ gai, đến nghe những lời thóa mạ, đến chịu treo trên cây thập tự. Người đã chịu tất cả vì bạn, còn bạn, bạn chẳng chịu gì cả. Người đã chịu chết, không phải vì mình, nhưng vì bạn.

Những kẻ vì sợ làm phiền lòng người nghe mình nói, mà chẳng những không chuẩn bị cho người ta đối phó với các cơn thử thách sắp xảy đến, lại còn hứa hạnh phúc đời này, hạnh phúc mà Thiên Chúa đã không hứa cho thế gian, những kẻ đó là hạng người nào? Chúa đã báo trước những nỗi cực khổ sẽ xảy đến dồn dập cho thế gian mãi tới ngày tận thế; còn bạn, bạn lại muốn cho Kitô hữu được miễn trừ những nỗi khổ cực đó hay sao? Vì là Kitô hữu thì phải chịu khổ cực hơn đôi chút ở đời này.

Nụ hôn từ thập giá (12)

Quả vậy thánh Phaolô tông đồ nói: “Những ai muốn sống đạo đức trong Đức Kitô Giêsu thì đều phải chịu bắt bớ.” Thế mà bạn lại bảo người ta: nếu anh sống đạo đức trong Đức Kitô Giêsu, anh sẽ được dầy dẫy mọi sự tốt lành. Mà nếu anh không có con cái, anh sẽ được nhận tất cả làm con, mà không đứa nào phải chết. Bạn xây dựng như thế sao? Bạn muốn ai là Kitô hữu, thì hãy làm cho họ được sống trong Chúa Giêsu Kitô mà Người không đáng chịu, ngắm nhìn Đấng vô tội phải trả cái Người không lấy, suy gẫm lời Kinh thánh nói với họ: Chúa có nhận ai làm con thì Người mới cho roi cho vọt. Vậy hoặc là phải sẵn sàng chịu đòn, hoặc là không muốn làm con.”

Đây là cách thức đáp trả lại cuộc bách hại mà nhiều vị thánh đã chứng tỏ đức tin của các ngài vào Chúa Kitô. Tôi sẽ đưa ra gương mẫu của thánh Gioan Thánh Giá như một điển hình, bởi vì nhiều độc giả cũng cảm nghiệm được những bách hại bên trong Giáo hội như trường hợp của ngài.

1. Thánh Gioan Thánh Giá – người bị bách hại bởi các anh em trong Dòng

Như đa số độc giả đã biết thánh Gioan Thánh Giá là một linh mục trẻ người Tây Ban Nha ở thế kỷ XVI, người đã tìm kiếm một dòng tu để sống cuộc đời chiêm niệm. Gặp được thánh Têrêsa Avila, thánh nhân quyết tâm cải tổ dòng Cát Minh.

Khi phong trào canh tân bắt đầu phổ biến, nó khơi lên sự phẫn nộ của những tu sĩ Cát Minh không muốn cải cách, chỉ mong duy trì lối sống buông thả của họ. Họ quyết định gieo nỗi kinh hoàng cho Gioan. Một buổi tối nọ, sau khi giải tội xong, Gioan đang đi dưới lối đi có mái vòm của nhà thờ, bất thình lình một người xuất hiện và đánh đập ngài túi bụi bằng một cây gậy, khiến ngài ngã quỵ. Sau đó người này chạy mất. Sau này khi hồi tưởng lại, Gioan cho biết, thời gian này ngài có một niềm an ủi là thấy mình bị người ta đối xử như ngày xưa người ta đối xử với Chúa Giêsu trong cuộc Thương Khó của Ngài.

Thời đó ở Tây Ban Nha, chính quyền và giáo quyền liên kết với nhau, trong đó những người lãnh đạo giáo quyền sử dụng chính quyền để thực hiện những mục tiêu của họ. Khi những tu sĩ Cát Minh thuộc phe chống lại cuộc cải tổ nhận ra Gioan là kẻ khởi xướng cuộc canh tân, và họ không thể thuyết phục được ngài, họ liền quyết định bắt cóc ngài với sự giúp đỡ của chính quyền. Kế hoạch của họ là giam ngài trong một căn phòng thuộc đan viện của họ. Gioan có cảm giác trước về một cuộc giam cầm như thế, nhưng ngài vẫn bình tĩnh, và quyết định chịu đau khổ vì Chúa Giêsu.

Các binh sĩ của chính quyền đã bắt ngài trong căn lều của ngài gần tu viện thánh Têrêsa, nơi mà ngài là cha giải tội. Trước hết họ đánh đòn ngài, sau đó nhốt ngài lại. Dù có cơ hội trốn thoát khỏi phòng giam, ngài đã không bỏ trốn. Ngài đặt tin tưởng vào Thiên Chúa, và hy vọng nhận được những ân sủng đặc biệt trong khi chịu đau khổ vì Chúa Kitô.

Gioan bị giam giữ suốt 6 tháng trong một tu viện ở Toledo. Ở đó ngài bị Tostados, người có thẩm quyền cao nhất trong dòng Cát Minh thẩm vấn. Các vấn đề tranh luận rất phức tạp, nhưng căn bản là những người không muốn cải tổ yêu cầu ngài vâng phục tổng hội của Dòng hơn là các vị thanh tra của Tông Tòa. Gioan chống lại, bởi vì các vị thanh tra của Tông Tòa có quyền bính cao nhất, và họ đang hăm hở mong ngài cải tổ các tu viện.

Gioan xác tín rằng Chúa Thánh Thần muốn ngài cải tổ nhà dòng bất chấp sự đối xử tàn tệ của các kẻ thù ngài. Các luật lệ cũ của dòng Cát Minh cho phép trừng phạt nặng nề những người nổi loạn, và ngài bị các anh em trong dòng chế nhạo.

Trong thời gian này, ngài trải qua một cuộc thanh tẩy nội tâm như ngài sau này mô tả trong cuốn “Đêm tối tâm linh,” nhưng ngài cũng có những lần xuất thần tuyệt vời, khiến ngài coi các đau khổ đang phải chịu như chẳng có. Trong tù, ngài đạt đến giai đoạn hôn phối thiêng liêng. Đôi khi khu vực giam ngài sáng rực lên một cách lạ lùng.

Khi Gioan đang ở trong tù, Chúa Giêsu hiện đến trong vinh quang và an ủi ngài: “Cha ở cùng con để giải thoát con khỏi mọi sự dữ.” Người tù này không bao giờ phàn nàn về việc bị xúc phạm đến phẩm giá, hay hoàn cảnh giam giữ khắc nghiệt, vì giá lạnh trong mùa đông, hay mùi hôi thối trong mùa hè.

Được tạm thả ra để có thể dâng thánh lễ trong dịp lễ Đức Mẹ Mông Triệu, Đức Mẹ đã hiện ra với Gioan và bảo rằng: Gioan sắp được thoát khỏi cảnh bị giam giữ trong tù. Sau đó Gioan trốn thoát khỏi nhà tù qua một cửa sổ, và ngài đến tạm trú trong một tu viện của các nữ đan sĩ thuộc nhóm cải tổ.

Gioan đã kể lại cho các nữ tu nghe: trước đây ngài chưa bao giờ được nhiều ánh sáng soi dẫn cho bằng trong thời gian bị giam giữ trong tù. Ngài xem những người bách hại ngài như những ân nhân. Ngài khuyên anh em nên sẵn sàng chịu bách hại để trở nên những vị tử đạo vì Chúa Kitô.

Về đời sống cộng đoàn, Gioan nói: “Luôn luôn có những khó khăn trong các tu viện và các cộng đoàn, vì quỷ dữ không bao giờ ngừng cản trở việc nên thánh của các thành viên, và Thiên Chúa để cho họ bị thử luyện.” Ngài nghĩ rằng tốt nhất là các thành viên của cộng đoàn đừng quá trông chờ những điều cao xa, hãy hành động như thể họ phải một mình duy trì sự bình an của mình.

Sau khi việc cải tổ thành công, Gioan lại trở thành đối tượng của những anh em cùng Dòng của ngài. Vào cuối đời, ngài bị tước đoạt khỏi mọi chức vụ lãnh đạo, và các bản văn ngài viết đều bị tịch thu. Nhờ sự khôn ngoan của một nữ môn đệ mà các tác phẩm của thánh nhân đã được bảo vệ.

Thánh Gioan nói rằng có ba mức độ của việc từ khước danh dự: Cố gắng để tự khinh chính mình và ước ao những người khác cũng khinh miệt mình; nói về những khuyết điểm của mình và ước ao những người khác cũng làm thế cho mình; cố gắng không đề cao chính mình và ước ao những người khác cũng làm như thế cho mình.

Các thánh tử đạo cũng là những chứng nhân anh dũng. Có rất nhiều mẫu gương nhưng ở đây tôi chỉ có thể nêu tên vài vị. Trong các thánh nữ tử đạo nổi tiếng nhất thời Giáo hội sơ khai, chúng ta có thánh nữ Agatha, Cecilia, Perpetua và Felicity, thánh Anê, thánh Lucia và Anastasia. Họ đã vượt thắng nỗi sợ hãi bởi vì họ đã biết Chúa Kitô là hôn phu của họ, và họ sẵn sàng chịu chết với bất cứ khổ hình nào.

Trong số các thánh tử đạo ở Á châu, tôi muốn nêu tên Lugartha Lee Yu Hye, người chết năm 1801 tại cuộc bách hại ở Triều Tiên. Chị là con gái của một gia đình quý tộc, người đã khấn sống trọn đời trinh khiết với tư cách là bạn trăm năm của Chúa Kitô.

Trong văn hóa Triều Tiên lúc bấy giờ, một người phụ nữ không thể sống độc thân, và vì thế chị phải kết hôn với một người Công giáo trẻ và giàu có. Hãy tưởng tượng chị sung sướng biết bao khi biết người thanh niên này cũng có một lời khấn như chị. Một linh mục sắp xếp để họ kết hôn với nhau, nhưng noi gương Đức Mẹ và thánh Giuse sống với nhau như anh em.

Bị kết án lưu đày dưới thời bách hại đạo, Lugartha đã thách đố quan tòa bằng những lời hùng hồn đến nỗi ông này quyết định phải xử tử hình chị để tránh sự loan truyền đức tin do sự truyền bá Tin Mừng của chị.

Trong tù chị bị tra tấn, chị bị đánh gẫy xương chân. Trên đường đưa đi tử hình, chị đã khích lệ những người bạn yếu đuối hơn, và chị là người đầu tiên bị chém đầu.

Bây giờ xin trích lời nói sau cùng của chị trước lúc chịu chết: “Ở đây tôi đang sắp sửa chịu chết. Tôi muốn nói vài lời với các bạn về điều đang xảy ra. Tôi không ao ước sống lâu hơn. Tôi chỉ nghĩ về việc dâng hiến mạng sống cho Thiên Chúa khi thời gian đến. Tôi quyết tâm làm điều này, và tôi nghĩ tôi muốn cố gắng hơn để xứng đáng với nó.”

Dĩ nhiên, vị nổi tiếng nhất chính là thánh Gioana Arc (1412-1431). Chúng ta biết truyện về người thiếu nữ thôn quê này, với thị kiến của chị về việc thuyết phục các chiến binh gia nhập vào cuộc chiến chống lại những người Anh đang chinh phục nước Pháp. Khẩu hiệu của chị là “Giêsu Maria”.

Cuối cùng chị bị bắt, và đưa đến tòa án, bị xem như một người theo lạc giáo, với ý đồ là bẻ gẫy sự kháng cự của người Pháp. Gioana bị hỏi là chị có chắc chắn đang sống trong ân sủng của Thiên Chúa không? Chị đã trả lời: “Nếu tôi không ở trong ân sủng của Thiên Chúa, tôi cầu xin Thiên Chúa đặt tôi vào trong ân sủng của Ngài. Nếu tôi đang sống trong ân sủng, tôi cầu xin Thiên Chúa giữ tôi tiếp tục sống như vậy.”

Sau này, khi được hỏi có tiếng nói an ủi chị trong tù là từ thiên thần hay từ Thiên Chúa, chị trả lời: “Tiếng nói đó là của thánh Catarina và thánh Margarita. Và đầu họ đội triều thiên. Tôi thấy họ bằng mắt thường như tôi đang thấy quý vị. Và khi họ rời đi, tôi đã khóc, tôi muốn họ cũng đưa tôi đi với họ.”

Lúc đầu, khi bị kết án thiêu sống, chị đã phản đối, chị muốn bị chém đầu. Nhưng sau đó chị đã chấp nhận án thiêu sống và chị đã bị thiêu cho đến chết. Trên đường đi tới nơi tử hình, chị đã kêu cầu Thiên Chúa Ba Ngôi, Đức Trinh Nữ Maria, và các thánh. Chị yêu cầu đưa cho mình một cây thánh giá để hôn, và chị đã kết hiệp đau khổ của chị với đau khổ của Chúa Kitô, chị đặt thánh giá vào ngực. Lời sau cùng của chị là “Lạy Chúa Giêsu”.

Một vị thánh khác đã chết cho đức tin là cha Miguel Pro ở Mexico (1891-1927). Miguel Pro là linh mục dòng Tên, và ngài thi hành sứ vụ của mình trong thời gian nhiễu loạn và bách hại Giáo hội ở Mexico. Ngài có thể hoạt động hữu hiệu nhờ tài hóa trang, với tư cách là một công nhân với một điếu thuốc trên môi đang đi trên một xe đạp, để đến một nơi dâng lễ bí mật và giải tội.

Khi ngài biết mình sẽ bị bắt và bị xử bắn, ngài viết một lời kinh dâng cho Đức Mẹ: “Con không muốn hưởng hạnh phúc ở Bêlem, thờ lạy Chúa Hài Nhi đang ở trong tay Mẹ. Con không muốn hưởng niềm vui thờ lạy sự hiện diện của Chúa Giêsu trong nhà Nadarét. Con muốn chịu sự chế nhạo và chê cười ở đồi Canvê. Con muốn đứng bên Mẹ đang âu sầu dưới cây thập giá, để củng cố sức mạnh của tinh thần con với dòng nước mắt của Mẹ, nâng đỡ tâm hồn con với sự cô đơn của Mẹ, để yêu mến Thiên Chúa của con và Thiên Chúa của mẹ với hiến tế hy sinh của con.”

Ngài chết vì những viên đạn của đội tử hình đang khi ngài hô lớn “Chúa Kitô muôn năm”.

Một câu chuyện nữa về thánh Maximiliano Kolbe, ngài chết trong trại tập trung của Đức Quốc Xã ở Auschwitz, Balan, trong Thế chiến Thứ hai.

Ngài sinh năm 1894 trong một gia đình nghèo ở miền Nam Balan, cậu bé có một thị kiến trong đó Đức Trinh Nữ Maria hỏi cậu bé hãy chọn lựa trong hai triều thiên: triều thiên đỏ tử đạo và triều thiên trắng trinh khiết. Cậu đã chọn cả hai.

Là một sinh viên thông minh, Kolbe rất giỏi toán và có những ý tưởng sáng tạo cho tương lai, mơ ước sẽ đặt chân lên mặt trăng. Ngài vào tiểu chủng viện dòng Phanxicô và sử dụng tài năng kỹ thuật của mình vào việc tông đồ như chế tạo máy in và xuất bản nhiều sách báo và tạp chí đạo đức, tập trung vào linh đạo về Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội.

Maximiliano đã biểu lộ sự thánh thiện của ngài trước khi chết trong trại tập trung, qua lòng nhiệt thành không biết mỏi mệt, làm việc nhiều giờ trong hoàn cảnh đang chịu nhiều đau đớn trong thể xác, những điều làm cho bất cứ ai khác phải nghỉ ngơi hoàn toàn.

Ở đây tôi muốn nói đến cái chết thật đẹp của ngài. Bị đem đến trại tập trung trong Thế Chiến Thứ Hai, vì bị xếp vào loại mà Đức Quốc Xã không thể tha thứ được. Kolbe tiếp tục sứ vụ của mình qua việc ban các bí tích cho nhiều người, chịu đựng các chế độ khắc nghiệt trong cuộc sống một cách thanh thản, và vẫn giúp đỡ những người khác.

Theo thói tục của trại tập trung Auschwitz, khi một tù nhân trốn thoát thì số còn lại sẽ bị trừng phạt bằng cách chọn lựa ngẫu nhiên 10 nạn nhân để đưa vào hầm bỏ đói cho đến chết.

Khi một trong những người này là lên: “Ôi khốn khổ thay cho vợ và các con tôi,” Kolbe đã tiến lên và tình nguyện chết thay cho anh này, ngài tuyên bố rằng mình không có gia đình, đã già và yếu nên xin chết thay.

Các nạn nhân bị vứt vào ngục chịu bỏ đói cho đến chết. Khi bị tống vào ngục này, các tù nhân khác than vãn trong thất vọng và nguyền rủa. Kolbe đã làm cho họ được bình an, đã giải tội cho họ, và cầu nguyện lớn tiếng, đọc kinh Mân Côi, các thánh vịnh và hát thánh ca. Một tù nhân trong trại tập trung làm công tác thông ngôn đã thuật lại.

Những người lính gác làm nhiệm vụ mang các xác chết ra ngoài, họ kể lại: trong khi những tù nhân khác đã ngã gục thì cha Kolbe vẫn đứng thẳng, gương mặt ngài thanh thản. Khi người ta tiêm thuốc độc cho ngài, gương mặt ngài sáng lên. Ngài được phong thánh năm 1982.

Thánh Biển Đức bị bách hại bởi chính các đan sĩ, những người nghĩ rằng ngài quá nghiêm khắc. Họ tìm cách đầu độc ngài. Ngài làm dấu thánh giá trên cái ly và nó bị vỡ ra.

Thánh Inhaxiô Loyola bị bách hại vì nói về vấn đề thiêng liêng trước khi có bằng cấp về thần học. Sau một thời gian bị giam trong tù, ngài được thả ra ngoài và được căn dặn tránh xa những gì khác thường, ngài trả lời: “Tôi chưa bao giờ nghĩ rằng: ở giữa các Kitô hữu mà nói về Chúa Kitô lại là một sự lạ.”

Khi biết một vị Hồng y có thế lực ở Rôma tìm cách ngăn cản việc châu phê dòng Tên, ngài đã dâng hàng ngàn Thánh lễ để cầu nguyện, cho đến khi người chống đối cũng đồng ý về việc thành lập dòng Tên.

Trong thời gian khó khăn, khi nghĩ rằng dòng mới có thể bị giáo hoàng giải tán, thánh nhân cảm thấy bức xúc. Ngài xét mình trong cầu nguyện và nói: “Nếu sự bất hạnh này đổ xuống trên tôi, miễn là không phải lỗi của tôi, ngay cả nếu Dòng này bị biến mất, tôi tin rằng chỉ 15 phút tĩnh tâm đủ để an ủi tôi và tái lập sự bình an trong tôi.”

Thánh nhân nghĩ rằng: vui thích trả thù bằng cách kể lại cho kẻ khác nghe các lỗi lầm của đối thủ của mình, là chứng tỏ người ta thích nói đến công việc của ma quỷ hơn công trình của Thiên Chúa, trong các hành động tốt của những người khác!

Thánh Têrêsa Avila bị chế nhạo và bị khinh miệt bởi một cộng đoàn các nữ đan sĩ buông thả. Họ sắp xếp để tuyệt thông những ai bỏ phiếu cho thánh nữ! Thánh nữ dạy rằng: các thử thách đau đớn nhất của việc loại trừ không đến từ kẻ thù, nhưng từ các bạn hữu, nhưng khi chúng ta tiến bộ trong việc cầu nguyện, chúng ta sẽ yêu mến các kẻ bách hại chúng ta.

Trong cuộc nội chiến ở Tây Ban Nha, thánh Jose Escriva phải ẩn núp ở những nơi khủng khiếp, kể cả ở nhà thương điên. Đây là thời gian của cầu nguyện và làm việc đền tội. Ngài khuyên những người theo mình rằng: trong thời gian bị bách hại hay khi bạn cảm thấy mình bị chế nhạo, chê cười, người ta cần tiếp tục làm việc, tin tưởng rằng mọi sự sẽ thay đổi với hoa trái tốt hơn trước đây. Khi bị vu khống “Đừng nói gì hết, nhưng hãy cầu nguyện, làm việc và mỉm cười.”

Một trong những tấm gương về sự tha thứ điển hình nhất là nơi truyện các thánh bị lạm dụng tình dục do hoàn cảnh loạn luân hay bị cưỡng hiếp. Các thánh bị đe dọa bởi sự loạn luân như: thánh Susanna, thánh Dymphna và thánh winifred xứ wale. Các thánh bị đe dọa hãm hiếp như: thánh Anê, thánh zita, chân phước pierina Marosini và chân phước Antonia.

Nổi tiếng nhất trong các thánh bị bách hại về đức trinh khiết là thánh Maria Gorreti, mà đời sống của thánh nữ là lời tiên báo về thế kỷ đầy những bạo lực về tình dục không chỉ trong chiến tranh mà cả trong các gia đình và từ hàng xóm.

Maria Gorreti sinh năm 1890, là người con gái lớn nhất trong một gia đình nông dân nghèo. Người hàng xóm của chị có đứa con trai là Alessandro, 14 tuổi, Maria dùng thời giờ của cô để phụ giúp người mẹ và làm các công việc lặt vặt trong nhà, cô được dạy là thà chết còn hơn phạm tội trọng. Khi cha cô qua đời, cô mới 9 tuổi. Khi cô lên 12 tuổi, Alessandro bị lôi cuốn đối với cô bé hàng xóm. Anh ta trang trí phòng của mình bằng những bức hình khiêu dâm, lòng dâm dục của anh tăng dần lên và anh khao khát thực hiện ước vọng dâm dục của mình.

Cuối cùng, anh ta đe dọa Gorreti rằng anh sẽ giết cô nếu cô nói với người mẹ về thái độ quyến rũ cô của anh ta. Ngày 5 tháng 7 năm 1902 cô Gorreti ở một mình trong phòng để trông coi em bé. Alessandro trở về nhà bất thình lình, cầm một con dao sắc và năn nỉ Gorreti đến với mình. Khi cô bé từ chối, anh kéo cô vào trong bếp. Cô nài xin anh dừng lại, cảnh cáo anh sẽ bị sa hỏa ngục. Cô cố gắng giữ gìn thân thể mình. Anh ta bịt miệng cô lại để cô khỏi hét lên, và khi thấy cô không để anh cưỡng hiếp, anh đã đâm cô mười bốn nhát dao.

Sau hai mươi giờ chịu đau đớn, Gorreti đã xưng tội lần cuối cùng và tha thứ cho Alessandro, cô muốn anh cũng được lên thiên đàng. Sau ba mươi năm trong tù, Alessandro ăn năn về hành vi sát nhân của mình. Sau khi được thị kiến về Gorreti từ trời tha thứ cho anh, Alessandro thống hối và rút vào tu viện dòng Capuchin để sống cuộc đời còn lại như một hối nhân.

2. Các bước để gặp gỡ Chúa Kitô trong đau khổ bị bách hại

a. Đôi khi phải tránh né cuộc bách hại, bởi vì nếu để sau một thời gian thì sẽ vô phương trốn thoát. Đức Maria và thánh Cả Giuse đã trốn sang Aicập để tránh né vua Hêrôđê. Chúa Giêsu tránh khỏi đám đông khi họ muốn xô Ngài xuống vực sâu. Nhiều tín hữu tiên khởi đã chạy trốn để tránh các cuộc bách hại. Trong những trường hợp này, chúng ta gặp Chúa Kitô khi chúng ta xin Ngài cho chúng ta một lối thoát, và tạ ơn Chúa vì Ngài cứu chúng ta khỏi tay kẻ thù.

b. Trong cuộc đời các thánh bị bách hại, chúng ta thấy được đức tin sống động của các ngài. Các ngài đã tin rằng: họ sẽ gặp được Chúa Kitô trên trời nếu kẻ thù họ giết họ. Những năm tháng suy gẫm về cuộc sống của Chúa đã giúp họ khát mong được chết hơn là tránh né cuộc bách hại.

c. Noi gương Chúa Giêsu, Đấng đã cầu nguyện trên thập giá: “Lạy Cha, xin tha cho họ, vì họ lầm không biết,” tất cả các vị thánh đều cầu nguyện cho kẻ thù của họ, và họ lấy làm tiếc vì kẻ thù của mình không biết Chúa như mình biết.

d. Trong trường hợp bị chế nhạo và khinh miệt, những điều nếu bị kéo dài có khi còn cay đắng hơn cả cái chết, các thánh phản ứng khác nhau. Đôi khi có vị châm biếm hài hước, nhưng thông thường các vị đều dâng những khó chịu đó để cầu nguyện cho kẻ thù và cho Nước Thiên Chúa ngự đến.

(Còn tiếp)

Ronda de Sola Chervin

Nguyên tác: The Kiss from the Cross

Chuyển ngữ: Lm. Montfort Phạm Quốc Huyên

Trích “Nụ hôn từ thập giá”, tr. 128-142

--------------------------------------

* Bài liên quan:

Nụ hôn từ thập giá (1)

Nụ hôn từ thập giá (2)

Nụ hôn từ thập giá (3)

Nụ hôn từ thập giá (4)

Nụ hôn từ thập giá (5)

Nụ hôn từ thập giá (6)

Nụ hôn từ thập giá (7)

Nụ hôn từ thập giá (8)

Nụ hôn từ thập giá (9)

Nụ hôn từ thập giá (10)

Nụ hôn từ thập giá (11)