Nụ hôn từ thập giá (13)

[ Điểm đánh giá5/5 ]1 người đã bình chọn
Đã xem: 2809 | Cập nhật lần cuối: 10/11/2016 8:46:42 PM | RSS

(Tiếp theo)

Chương X: Gặp gỡ Chúa Kitô trong đau khổ của việc đương đầu với các sai lầm

“Con nổi giận với bọn ác nhân, vì chúng đã bỏ quên luật Chúa” (Tv 119, 53).

“Mắt này suối lệ tuôn rơi, bởi chưng luật Chúa người đời chẳng tuân” (Tv 119, 136).

“Vì nhiệt tâm lo việc nhà Chúa, mà con phải thiệt thân” (Tv 69, 10).

Khi tôi bắt đầu viết chương này, tôi nghĩ đến những người quen biết với tôi, những người chưa bao giờ nghĩ rằng có một chương bàn về việc đương đầu với sai lầm trong một cuốn sách nói về đau khổ. Các Kitô hữu này xem những ai đang sống trong sai lầm là những người bất hạnh đáng thương. Nghe những ý tưởng sai lầm về gia đình, Giáo hội trên các phương tiện truyền thông là nguyên nhân gây ra sự kinh hoàng, nhưng không bao giờ căm ghét những ai đang chống đối Chúa và chân lý Ngài dạy.

Chúng ta xem những sai lầm này là thuốc độc đối với linh hồn, đau khổ vì phải chịu đựng và chống lại nó, và nó là nguồn sinh ra những nỗi đau đớn khủng khiếp. Nó là một vấn đề mà chúng ta ít khi thoát khỏi. Hàng ngày chúng ta thấy những sai lầm đó nhan nhản trên các phương tiện truyền thông đại chúng. Chúng ta phải làm gì để bảo vệ đức tin của mình, các thánh sẽ dạy chúng ta làm thế nào để bảo vệ sự thật mà không thịnh nộ trong việc chống lại các ngôn sứ giả và những kẻ nắm quyền nhưng dung túng cho các sai lầm.

1. Sự đương đầu với các sai lầm trong tinh thần của Chúa Kitô của thánh More

Cuộc đời của thánh Thomas More ở thế kỷ 16 được nhiều người Công giáo biết đến vì có cuốn phim “Con người của mọi thời”. Ông cũng hay được trích dẫn với tư cách là một vị thánh giáo dân, vì ông đã kết hôn hai lần và là một người bố. Thomas More chết với tư cách là một vị thánh tử đạo. Ông là người có chức vụ cao nhất trong chính quyền dám chống lại hành vi phản Công giáo của vua Henry VIII. Nhà vua nhấn mạnh rằng mọi người phải đồng ý với tính hợp pháp của việc tái hôn của nhà vua.

Trước khi xem xét cách thức tuyệt vời của thánh Thomas More khi đương đầu với các sai lầm của vua Henry VIII, chúng ta nên nhìn lại các kinh nghiệm trước đó của ông.

Sinh năm 1487 tại Luân Đôn, Thomas More phục vụ vị chưởng ấn tòa Tổng Giám mục lúc mới 12 tuổi. Và chúng ta cần nhớ ông luôn có tầm vóc bên ngoài nhỏ bé so với tuổi của mình. Vài độc giả có thể nghe nói đến việc những người thấp bé được đền bù bằng một trí thông minh linh lợi, và Thomas More là một người như vậy.

Ước vọng lớn nhất của Thomas thời thanh niên là trở nên một nhà văn. Không có tiền để theo đuổi các nghề nghiệp cao cấp, ông bị buộc phải theo học ở Osford với tư cách là một người được cấp học bổng theo nghề luật sư, mặc dù sau này ông không thích nghề này. Sự kiện ông không thích ngành luật lại tăng thêm do khuynh hướng ông nóng nảy khi tranh luận với các sinh viên về các vấn đề thời sự.

Một phần để thoát khỏi sự thúc ép phải tiếp tục học luật để làm hài lòng người cha của mình, Thomas mong ước vào tu trong dòng Carthusian. Trong khi là một sinh viên luật, ông sống trong nhà khách của Dòng này và là một người đạo đức, luôn suy niệm Kinh thánh để thấy làm thế nào thực hiện giáo huấn của Chúa Giêsu trong cuộc sống bận rộn của mình.

Các đan sĩ nghi ngờ việc More có ơn gọi đan tu hay không. Vì họ nghĩ rằng một người có tài hùng biện, tri thức, và là một nhà văn sẽ có vai trò lớn lao trong thế giới. Hơn nữa More cũng có tật bối rối và sầu muộn. Nhưng lý do trực tiếp khiến More rời đan viện là vì ông ưa thích cô Hane Colt, con gái của một chủ đất, một thiếu nữ cũng yêu thương More tha thiết.

Với tư cách là một giáo dân có gia đình, ông luôn tham dự Thánh lễ hàng ngày, chăm chỉ cầu nguyện, và nhiệt thành chăm sóc người nghèo và các bệnh nhân. Theo thói quen trong vùng vào thời đó, mỗi khi có phụ nữ sắp sinh con, Thomas More được thông báo và ông cầu nguyện cho đến khi hay tin đứa trẻ ra đời.

Sau khi kết hôn, More trở thành một nghị sĩ trong quốc hội của nhà vua. Các đau khổ của việc đương đầu với các sai lầm xảy ra ngay lập tức. More bắt đầu thành đối tượng cản trở sự tham lam của nhà vua trong việc bóc lột dân nghèo. Nhưng các thẩm phán theo phe với nhà vua đã xử ông thua kiện.

Thomas More quyết định dành nhiều thời gian hơn cho việc viết lách. Trong gia đình xảy ra sự bất hòa vì More thích việc viết sách hơn cả nhu cầu của vợ con. Bị xấu hổ nhục nhã vì sự thất bại của cuốn sách đầu tiên, ông trở lại nghề luật sư nhờ thái độ quảng đại của vị tân vương là vua Henry VIII.

Khi người vợ đầu tiên của More qua đời, ông gây sốc cho xã hội khi kết hôn lần thứ hai với một người bạn tốt nhất của vợ quá cố của mình, bởi vì bà này được con cái ông quý mến. Trong thời gian này ông từ bỏ ý định trở nên hoàn hảo trong việc viết văn, chỉ lo cho nhu cầu của con cái, và dành nhiều thời giờ hơn cho việc cầu nguyện, điều làm ông trở nên kiên nhẫn hơn với gia đình. Đa số những người Công giáo cho rằng đây là quyết định đúng đắn của ông, bởi vì ngay cả tác phẩm danh tiếng nhất của ông là cuốn “Không Tưởng” và các tác phẩm tôn giáo với những tư tưởng đạo đức sâu xa cũng không có ảnh hưởng nhiều bằng sự thánh thiện của ông.

Chẳng bao lâu sau nhà vua, người đã đối xử với ông như một người bạn, bắt đầu đòi hỏi ông phục vụ nhiều hơn, giống như một cận thần. Ông nắm giữ nhiều trọng trách: Cao ủy đại diện vua phụ trách về may mặc, đặc sứ của vua ở Hòa Lan, Chánh An, và Đại chưởng ấn. Những chức vụ này đem lại sự giàu có. Tuy nhiên, địa vị cao sang này không làm cho ông xao lãng việc cầu nguyện, chay tịnh, và giúp đỡ người nghèo. Đối với ông chính trị là phương thế để thực hiện công lý cho những người thấp cổ bé miệng.

Chính vì thế ông đã yêu quí nhà vua, vì vị tân vương này tuyên bố rằng: Nước Thiên Chúa cần được phục vụ đầu tiên, và vua là người thứ hai. Trong thực tế, trước lúc gặp khó khăn trong việc hôn nhân, vua Henry VIII là một người Công giáo chính trực, người chống lại lý thuyết sai lạc của Martin Luther, và vì thế được tặng ban tước hiệu: “Người bảo vệ đức tin”.

Trước khi phải đối đầu với vua Henry VIII, Thomas More đã có kinh nghiệm đương đầu với sai lầm. Việc này liên quan đến con rể của ông là Roper, người đã cuồng nhiệt chống lạ các giáo sĩ và bắt đầu bảo vệ lạc giáo Luther, anh này từ chối việc tham dự Thánh lễ và cầu nguyện chung với gia đình.

Lúc đầu Thomas More phản ứng bằng các lý lẽ, nhưng rồi thấy rằng các cuộc tranh luận chỉ gây ra sự giận dữ, ông bắt đầu rút lui để cầu nguyện và ăn chay. Khi vị Hồng y nổi tiếng Wolsey đe dọa sẽ bắt Roper vì anh này rao giảng lạc giáo của mình ở các đường phố, More cầu xin để được giữ sự thinh lặng, và tha thiết cầu nguyện cho người con rể. Lời cầu nguyện của ông đã đưa lại kết quả bất ngờ, Roper thình lình thống hối, đi xưng tội và xin được hiệp thông với Giáo hội Công giáo Rôma.

Bây giờ là câu chuyện buồn về vua Henry VIII, người lo lắng không có con trai thừa kế ngai vàng, nên đã muốn ly dị hoàng hậu Catherine, và đã quyết định tìm cách tuyên bố cuộc hôn nhân với bà này vô giá trị để ông có thể kết hôn với Anne Boleyn. Vấn đề này rất phức tạp nên không thể nói hết ở đây được.

Một cách căn bản, vua Henry cố gắng chứng tỏ rằng Cựu Ước cấm kết hôn với người vợ góa của anh trai, và Giáo hội không có quyền cho bà góa phụ Catherine kết hôn hợp pháp với vua Henry, là người em trai của người chồng quá cố của bà này. Nếu sự miễn trừ của Rôma không có giá trị, thì hôn nhân của vua với Catherine là không có hiệu lực, và vua có thể tự do kết hôn với Anne.

Không phải là một người muốn tử đạo, Thomas More cố gắng không đưa ra ý kiến về kế hoạch này của vua Henry. Khi bị hỏi trực tiếp, ông tuyên bố mình không có ý kiến vì không phải là một chuyên viên về giáo luật. Khi bị chính nhà vua ép buộc, More đã thừa nhận rằng các vấn đề như thế thuộc phạm vi thẩm quyền hợp pháp của Rôma.

Toàn bộ vấn đề trở thành cuộc tranh chấp giữa giới quý tộc và các luật sư chống lại Giáo hội, vì giới quý tộc ghen tỵ với quyền lực và tài sản của Giáo hội. Khi bảo vệ nhà vua chống lại các hồng y và các giám mục, giới quý tộc sẽ chiếm đoạt được tất cả tài sản và địa vị cả hàng giáo phẩm, bao gồm cả đất đai của các đan viện.

Cần phải hiểu khía cạnh này của cuộc tranh chấp ở nước Anh vào thời đó, bởi vì những ai ghét Giáo hội mang tính cơ cấu sẽ viện dẫn cuộc chiến tranh giữa các người Công giáo, Anh giáo và Tin Lành để chứng minh rằng lòng nhiệt thành về tôn giáo sẽ dẫn đến các cuộc đổ máu. Chính sự tham lam nằm phía sau mới là nguyên nhân đích thực của các cuộc chiến tranh tôn giáo giữa các Giáo hội Kitô giáo, hơn là các vấn đề đức tin.

Khi nhà vua đòi hỏi More nghiên cứu về cuộc hôn nhân của vua với hoàng hậu Catherine một cách cẩn thận, và sau đó công bố ý kiến của ông cho mọi người biết, More đã đọc các tài liệu của những chuyên viên ủng hộ nhà vua trước. Bằng cách này, chúng ta thấy thay vì hăm hở tìm kiếm cái sai ở mọi nơi, như một người săn tìm lạc thuyết, More đã làm việc theo tinh thần công bình, ngay thẳng, không thiên vị và rất ôn hòa một cách cẩn thận.

Thomas More muốn kết luận nhà vua đã đúng. Trong suốt vụ kiện tai hại, ông không chống lại những người đang bách hại ông, nhưng chỉ chống lại các tư tưởng sai lạc của họ. Bởi vì sự độ lượng này, ông có thể dễ dàng đối phó với những cuộc tấn công ông với sự hài hước hơn là thù oán.

Nhưng trong thực tế, ông càng nghiên cứu kỹ lưỡng các lời tuyên bố của nhà vua, ông càng thấy mình phải chống lại những điểm đó. Các giáo phụ dạy rằng: Giáo hội có quyền chuẩn chước. Trong nghiên cứu vấn đề, More đọc được đoạn của thánh Augustinô nói về sự sai trái của việc không khiển trách người khác vì sợ rằng gây thiệt hại cho lợi ích của mình.

Mặc dù chưa công khai chống lại nhà vua, nhưng các sự việc càng ngày càng trở nên khó khăn cho More hơn, khi nhà vua bắt đầu gọi những kẻ không tuyên thệ trung thành với mình là các kẻ phản nghịch. Lời tuyên thệ như sau: “Tôi sẽ phục vụ nhà vua một cách trung thành trong mức độ lương tâm của tôi và luật Thiên Chúa cho phép.”

Lời thề này rất hàm hồ. Các giáo sĩ đứng về phía nhà vua cho rằng họ có thể tuyên thệ như thế, vì điều khoản lương tâm làm nhẹ bớt bản chất của lời thề trung thành với nhà vua đứng trên việc trung thành với Đức Giáo hoàng. Nhà vua đã thuyết phục được hầu hết dân chúng đứng về phía mình bằng việc hứa hẹn sẽ ban thưởng của cải cho những kẻ trung thành. Hàng giáo sĩ phải trả những khoản tiền lớn và phải nhìn nhận nhà vua là người đứng đầu giáo hội tại Anh quốc để tránh án tử hình.

Thomas More phải làm gì? Đây là một người Công giáo đạo đức và tin tưởng vào quyền bính của Đức Giáo hoàng. Nhưng ông cũng yêu quý mạng sống của mình, và không muốn từ bỏ gia đình mình để chịu tử đạo. Thế tại sao ông không tuyên thệ trung thành với nhà vua như hầu hết hàng giáo sĩ nước Anh đã làm? Quả thực, câu hỏi về khả năng tử đạo của mọi thời đại là có từ bỏ đức tin hay không khi tuyên bố trung thành với quyền lực của thế tục đang bách hại đạo.

Thomas More cầu xin Thiên Chúa thương xót tất cả những kẻ phản bội đã tuyên thệ trung thành với nhà vua. Ông xin từ chức vì ông quá yếu không đủ sức khỏe để thi hành nhiệm vụ chưởng ấn. Nhưng nhà vua muốn More ký tên vào lời tuyên thệ trung thành với nhà vua, như một chứng cứ cho thấy ông không chống lại vua.

More biết rằng mình không thể đồng ý với việc này, nhưng ông lo sợ về các đau khổ cho gia đình mình. Cuối cùng, nhờ sức mạnh của ơn Chúa ông vượt thắng nỗi sợ hãi của mình và ở trong Viện Quý Tộc, ông đã chống lại việc tuyên bố nhà vua là thủ lãnh của Giáo hội. More bị cách chức, nhưng nhà vua vẫn xin ông cầu nguyện cho vua. More thương hại cho nhà vua đã trở nên nô lệ cho xác thịt và trở thành kẻ phản bội Giáo hội của Chúa Kitô, chỉ vì yêu một người phụ nữ và mong ước có con trai.

Chẳng bao lâu sau, gia đình của ông đã bị tước lột tài sản, nhưng vì muốn theo gương thánh thiện của ông, họ đã vui lòng chấp nhận sự bần cùng này. Nhưng họ sợ hãi vì thấy người chồng, người cha của họ phải chịu chết vì đạo, và họ đã xin ông ký vào bản tuyên thệ trung thành với vua.

Khi bị tố cáo về việc đã viết một cuốn sách chống lại nhà vua, More đã viết cho nhà chức trách là ông đã không viết một cuốn sách như vậy. Ở tòa án, ông nói về sự sai trái của nhà vua, và khi bị kết án, ông đã cầu nguyện rằng: cũng như thánh Phaolô đã bách hại thánh Stêphanô, nhưng cả hai đều trở thành các vị thánh trên thiên đàng, nơi họ là bạn hữu của nhau đến muôn đời, thì cũng vậy ông tin rằng các vị thẩm phán cũng sẽ được Chúa thương ban ơn cứu độ.

Rất bình tĩnh, con người đã từng hung hăng và nổi giận trong các cuộc tranh luận thời trai trẻ, nay ông thành thực cám ơn nhà vua vì đã đổi án treo cổ thành án chém đầu.

Chúng ta cũng có vài mẫu gương khác nữa của các thánh trong việc đương đầu với sai lầm trong những cách thức thánh thiện, và những lời các ngài nói về việc làm thế nào để đương đầu với sự sai lầm.

Thánh Barsanuphius ở thế kỷ thứ VI trong Giáo hội Hy Lạp, đã sống trong thời kỳ các cuộc tranh luận về thần học, đã đưa ra lời khuyên: “Nếu một người vững chắc về niềm tin thì sẽ không bao giờ bối rối trong các cuộc tranh luận với các người lạc giáo và những kẻ không tin, bởi vì người ấy có Chúa Giêsu trong mình, là Đức Chúa của sự bình an. Sau một cuộc tranh luận, người như vậy có thể đem những người lạc giáo và những kẻ không tin đến với sự hiểu biết về Chúa Giêsu, Đấng Cứu độ chúng ta”.

Thánh Biển Đức, là vị sáng lập dòng Biển Đức với cuốn tu luật được tuân giữ cho đến ngày nay, đã nghĩ rằng: một cách để tránh những tranh luận phiền phức về mọi loại là rời bỏ thế gian mà vào đan viện. Đây là điều ngài đã quyết định khi học ở Rôma.

Chương 64 của tu luật nói rằng: “Trong việc sửa lỗi, viện phụ hãy cư xử khôn ngoan, đừng thái quá, kẻo khi muốn cọ rửa cái bình ngài lại làm vỡ bình. Làm sao để ngài được yêu mến chứ không phải làm cho người khác sợ hãi. Viện phụ cần thận trọng, và học hỏi cả người trẻ tuổi nhất.

Khi đương đầu với vua dân Goth, kẻ đến thăm ngài vì tò mò muốn biết các phép lạ, thánh Biển Đức chứng tỏ ơn lạ của ngài bằng cách nói ra điều bí mật của nhà vua, và thúc đẩy nhà vua thay đổi cách sống gian ác của ông.

Cuộc đời của thánh Bênađô, một trong những vị mạnh mẽ bênh vực đức tin, cung ứng nhiều mẫu gương cho chúng ta. Khi đối phó với các lạc giáo, vị viện phụ của thế kỷ XII luôn luôn quan tâm đến ơn cứu độ của các linh hồn hơn là việc chiến thắng của mình. Ngài luôn cố gắng giáo huấn và chữa lành hơn là tranh cãi.

Trong khi bối cảnh mà thánh Bênađô can thiệp rất khủng khiếp, thì thái độ của ngài lại rất xây dựng. Ví dụ, khi đương đầu với những người quá khích muốn sử dụng vũ lực để khuất phục các người Do Thái, bắt họ phải gia nhập đạo Công giáo, thánh Bênađô nhấn mạnh rằng tất cả những người không Công giáo cần được thu phục nhờ lời thuyết phục hơn là bằng bạo lực.

Thánh Bênađô, người thích sống xa lánh thế gian và ở trong đan viện, đã được mời gọi bởi các Giáo hoàng và các giám mục để hòa giải với các vị ngụy giáo hoàng. Ngài cũng bị yêu cầu để đương đầu với các lạc giáo, nhưng nhóm tấn công các chân lý của Giáo hội bằng cách chối bỏ quyền bính của Giáo hội, gây ra sự ngờ vực về sự tốt lành của hôn nhân, và giá trị của bộ Cựu Ước.

Ngài gặp phải khó khăn cách đặc biệt khi đương đầu với Abelard, một thần học gia lôi cuốn nhiều người, vì ông này chủ trương tinh thần độc lập với quyền bính và tôn vinh nhân bản. Thay vì chỉ dựa trên ngòi bút, thánh Bênađô đích thân đến gặp ông. Và ngài đã có sức thuyết phục đến nỗi Abelard hứa trở lại. Tuy nhiên, ông này bí mật tiếp tục viết những bản văn theo chủ trương cũ của mình.

Kế tiếp, thánh Bênađô, trong cuộc tranh luận với Abelard, đã gửi đến các Giám mục, Hồng y, và Đức Giáo hoàng các lá thư để nói cho họ biết cần phải hành động vì đức tin đang bị đe dọa. Trong các lá thư này, thánh Bênađô viết dựa trên Kinh thánh và các giáo phụ. Đến lượt Abelard yêu cầu có một Công đồng các Giám mục, để ông bảo vệ đức tin chống lại Bênađô.

Trước mặt các giám mục và các vua chúa, Abelard đã không thể nói được gì! Lúc ấy Abelard lại nại đến Giáo hoàng, đấng đã kết án các tác phẩm của ông và cấm ông không được giảng dạy. Trong chiến thắng, thánh Bênađô không hả hê, nhưng ngài thở dài vì những khốn khổ của cuộc sống và gánh nặng của các cuộc tranh cãi. Cuối cùng, Abelard thành thực hoán cải, và rút vào một đan viện, nơi ông hòa giải với thánh Bênađô trong một cuộc gặp mặt đầy tình thương.

Một lần kia thánh Bênađô viếng thăm Albi, một tỉnh của Ý chống lại Công giáo, chỉ có 30 người tham dự Thánh lễ của Đức Hồng y. Nhưng khi thánh Bênađô đến, tất cả dân chúng đổ xô đến bởi vì tò mò về vị viện phụ danh tiếng này. Thánh Bênađô chụp lấy cơ hội để giải thích về giáo lý Công giáo một cách cặn kẽ. Và rồi vì ngài nói những lời xuất phát từ một trái tim đầy ắp yêu thương nên đã hoán cải họ trở về với sự hiệp nhất với Giáo hội. Ở một tỉnh khác, ngài làm phép trên bánh và nói: Thiên Chúa sẽ làm cho ai ăn bánh này sẽ được chữa lành cũng như đây là dấu chỉ sự chân thật của đức tin. Và sự việc xảy ra như lời ngài nói.

Thánh Đa Minh cũng phải đương đầu với các sai lầm của lạc giáo. Trên một chuyến đi Toulouse, ngài thấy nhiều nhà thờ bị bỏ hoang. Nói chuyện với dân chúng, ngài được biết nhiều người Công giáo đã bỏ Giáo hội để theo lạc giáo Carthari. Thánh Đa Minh đã than vãn và cầu xin lòng thương xót của Thiên Chúa suốt đêm. Khi đến Toulouse, ngài biết vị lãnh chúa đã là một người lạc giáo. Thay vì tranh luận với ông này, ngài xin ông hãy nghe ngài nói chuyện, ngài đón nhận về sự việc các tội lỗi của người Công giáo đã làm cho có những người nghĩ rằng đi theo một đức tin khác sẽ tốt hơn. Thánh Đa Minh, một người dấn thân cho việc cải cách thánh thiện, bằng cuộc sống gương mẫu của mình, là một mẫu mực lý tưởng của điều ân sủng có thể thực hiện bên trong Mẹ Giáo hội. Nhận ra khát vọng sâu xa nhất của vị lãnh chúa, nhưng ngài đã nhẹ nhàng tái định hướng cho ông trở về với Công giáo, thánh Đa Minh đã đưa ông trở về cách thành công.

Thánh Jose Escriva, vị sáng lập phong trào Opus Dei, đã phải đương đầu với những sai lầm xảy ra sau Công đồng Vatican II. Khi đấu tranh với các sai lầm, thánh Escriva luôn cầu nguyện và hãm mình đền tội. Hành hương đến các đền thánh kính Đức Mẹ cũng là một nguồn sức mạnh cho các cuộc tranh luận.

Khi thất vọng, thánh nhân phó thác mọi sự cho Chúa Kitô và nói: “Mọi việc con làm là làm cho giáo hội của Chúa.” Rồi ngài xin Chúa cứu dân của Chúa. Ngài thường nói: “Nói xấu kẻ khác là tạo ra một sự đầu độc và làm xói mòn người tông đồ. Nó đi ngược lại với đức bác ái, có nghĩa là làm mất đi sức mạnh, và đưa đến sự phá hoại sự bình an nội tâm, làm mất đi sự kết hiệp với Thiên Chúa.

2. Các bước để đương đầu với sai lầm trong tinh thần của Kitô giáo

Chúng ta hãy phân tích câu chuyện của thánh Thomas More, và các vị thánh khác được mô tả trong chương này khi họ đương đầu với sai lầm mà không cay cú, giận dữ, những điều làm hại tâm hồn mình mà không giúp gì cho việc hoán cải người khác. Chúng ta có thể rút ra những điểm sau để bắt chước:

a. Nghĩ rằng sở dĩ người ta mắc sai lầm là vì họ có những lý lẽ đúng đắn khi đặt ra sự nghi ngờ, hơn là ngay lập tức đưa ra các kết luận tai hại về các ý tưởng và động lực của họ.

b. Đôi khi chúng ta nghĩ mình đang cầu nguyện cho các kẻ thù của mình, bởi vì chúng ta đề cập đến tên của họ trong danh sách dài các lời cầu xin. Đôi khi chúng ta quên, chẳng nhớ tới họ, bởi vì chúng ta đã đẩy họ vào hỏa ngục trong sự xét đoán của chúng ta rồi. Hãy theo gương các thánh, chúng ta nên tha thiết cầu nguyện cho những người đang có tư tưởng nghịch lại với mình.

c. Chúng ta nên cầu xin với Chúa Thánh Thần ơn biết nói lên sự thật trong tình yêu. Điều này chỉ có thể làm được nếu chúng ta ghét sai lầm, nhưng thương yêu những người mắc sai lầm.

d. Trông đợi sự chiến thắng của Thiên Chúa chứ không phải của người đời. Chúng ta đừng nghĩ đến các sai lầm của người khác nhiều đến nỗi chúng ta tưởng rằng, mình phải là người chiến thắng trên đời này. Chỉ khi chúng ta hoàn toàn tín thác vào Thiên Chúa, tin tưởng rằng đó là sự thật của Thiên Chúa chứ không phải của chúng ta, lúc đó chúng ta sẽ trở nên thanh thản và yêu thương trong cách thức chúng ta chống lại các sai lầm, những điều gây ra các sự dữ và đau khổ cho những người khác.

Chúa Kitô có thể thương xót những kẻ đang bị các tư tưởng xấu chế ngự. Ngài có thể gỡ họ khỏi sự dữ, bất chấp chiến thắng rõ ràng bên ngoài của sai lầm. Đừng nghĩ rằng khi tin vào sự chiến thắng sau cùng của Thiên Chúa, là không còn niềm tin nữa. Đừng nghĩ rằng khi tin vào nỗi đau đớn của chúng ta về các đau khổ xuất phát từ sự sai lầm do các tội nhân gây ra sẽ đưa lại các lợi ích, là không còn niềm tin nữa. Và nếu chúng ta không có niềm tin như vậy, thì tại sao chúng ta lại đang chiến đấu cho Nước Trời ngự đến?

Chúng ta hãy chứng tỏ đức tin của mình, bằng cách dâng những đau khổ trong việc chống lại các sai lầm vì phần rỗi các kẻ chống lại chúng ta.

(Còn tiếp)

Ronda de Sola Chervin

Nguyên tác: The Kiss from the Cross

Chuyển ngữ: Lm. Montfort Phạm Quốc Huyên

Trích “Nụ hôn từ thập giá”, tr. 143-157

--------------------------------------

* Bài liên quan:

Nụ hôn từ thập giá (1)

Nụ hôn từ thập giá (2)

Nụ hôn từ thập giá (3)

Nụ hôn từ thập giá (4)

Nụ hôn từ thập giá (5)

Nụ hôn từ thập giá (6)

Nụ hôn từ thập giá (7)

Nụ hôn từ thập giá (8)

Nụ hôn từ thập giá (9)

Nụ hôn từ thập giá (10)

Nụ hôn từ thập giá (11)

Nụ hôn từ thập giá (12)