Nụ hôn từ thập giá (14)

[ Điểm đánh giá5/5 ]1 người đã bình chọn
Đã xem: 3396 | Cập nhật lần cuối: 10/25/2016 9:48:24 PM | RSS

(tiếp theo)

Chương X: Gặp gỡ Chúa Kitô trong đau khổ của thân xác đau đớn và mệt mỏi

“Xin đừng sa thải con lúc tuổi đà xế bóng.” (Tv 71, 9)

“Tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến cùng tôi, tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng.” (Mt 11, 28)

“Giờ đây, tôi vui mừng được chịu đau khổ vì anh em. Những gian nan thử thách Đức Kitô còn phải chịu, tôi xin mang lấy vào thân cho đủ mức, vì lợi ích cho thân thể Người là Hội Thánh.” (Cl 1, 24)

Nụ hôn từ thập giá (14)Chúa Giêsu chữa lành nhiều người đau yếu tật nguyền như người mù từ khi mới sinh, các người phong hủi, mẹ vợ ông Phêrô, và người phụ nữ loạn huyết. Vài Kitô hữu kết luận rằng chỉ có một cách duy nhất để gặp gỡ Chúa Kitô trong đau khổ là cầu xin Chúa chữa lành.

Mọi người đang đau khổ bởi bệnh tật hay khuyết tật, nên cầu xin Chúa chữa lành. Tuy nhiên, vì có nhiều người cầu nguyện cho việc chữa lành nhưng không có thay đổi gì nơi thân xác đau yếu của họ, dường như Chúa Giêsu không chọn chữa lành trong mọi trường hợp. Đôi khi Chúa để chúng ta phải chịu đau đớn để thánh hóa chúng ta, hay để cầu nguyện đền tội cho tội lỗi của thế giới.

Chương này tập trung vào việc gặp Chúa Kitô trong nỗi đau đớn của thân xác, nhưng cũng đề cập đến các thánh đã chịu đau khổ vì một thời gian dài vất vả mệt nhọc do làm việc quá sức.

1. Thánh nữ Lydwine thành Schiedam

Truyện thánh nữ Lydwine thành Schiedam được dựa trên cuốn sách của J.K Huysmans. Cuốn sách này được viết ra dựa trên các thông tin của một người họ hàng của chị, đã sống nhiều năm trong nhà của chị và từ các bản viết tay của cha giải tội của chị, cũng như các tài liệu của giáo phận Schiedam.

Lydwine sinh ra khoảng năm 1380, là người đồng thời với thánh nữ Joan of Arc. Chị đã dâng những đau khổ trong thân xác của mình để cầu nguyện và đền tạ thay cho các tội nhân, những người mà chị biết đến trong tỉnh thành của mình, cầu nguyện cho các linh hồn trong luyện ngục, cho các kẻ ly giáo, cho các giáo sĩ, đan sĩ, cho các vua chúa, và dân chúng. Chị được sự giúp đỡ của các thầy dòng thánh Augustino, những vị tu sĩ đã lập nhiều tu viện ở Hòa Lan, để khắc phục các sự khốn khó của thời đó.

Lydwine sinh gần vùng Hague, chị là con thứ tư và là con gái duy nhất trong gia đình có 8 người con trai. Chị chỉ muốn sống cho một mình Chúa mà thôi. Cũng như trường hợp của nhiều vị thánh khác, cha mẹ chị ngăn cản ơn gọi tu trì của chị. Họ muốn chị kết hôn, vì chị rất đẹp và dịu dàng; và cha mẹ chị định sắp xếp một cuộc hôn nhân tốt đẹp cho chị.

Trong một nỗ lực nhằm vượt thắng ước mơ đó của họ, chị đã xin Thiên Chúa làm cho chị trở nên xấu xí. Năm 15 tuổi, chị mắc một chứng bệnh làm cho khuôn mặt chị co lại và da chị trở nên xanh xao. Chị yếu đến nỗi không thể rời khỏi phòng của mình được.

Bạn có thể nghĩ rằng chị mắc chứng thần kinh, nhưng không phải vậy. Lydwine có một tính tình vui vẻ và muốn sống ở ngoài với các bạn bè. Chị đặc biệt ưa thích trượt tuyết. Vì thế một ngày kia dù còn yếu chị đã chơi trượt tuyết và bị té gẫy một xương sườn.

Vụ gẫy xương này gây ra một khối u lớn rất đau đớn. Các phương tiện y học thời đó không thể làm gì được để giúp chị. Sau cùng, một thầy thuốc giỏi nhất được mời đến và ông này sau khi khám bệnh đã tuyên bố rằng: cơn bệnh của chị đến từ Thiên Chúa và để chị đền tội thay cho tội lỗi của thế giới.

Bây giờ chúng ta hãy dõi theo những mô tả về các cơn đau của vị thánh này.

Chị không thể nằm thoải mái được, không thể ngồi được, không thể đứng thẳng được và chị nôn mửa thường xuyên. Chị lết đi bằng đầu gối, hoặc lăn mình đi, chị thường lên cơn sốt trong suốt ba năm. Sau đó chẳng còn ai muốn đến thăm viếng chị nữa. Nỗi đau khủng khiếp đến nỗi chị phải rên la và hét lên, gương mặt bị biến dị đến nỗi chị phải đeo mặt nạ. Không ai dám đến thăm chị nữa.

Vết thương nơi xương sườn không thể chữa lành được, đã phồng lên và bị hoại tử, dòi bọ bám vào vết thương đó và làn ra tạo thêm ba chỗ ung nhọt khác. Người ta đã gắp ra 200 con dòi từ các vết ung nhọt này. Sau cùng, người ta đã phải móc đi con mắt phải của chị. Da chị đầy những mụn nhọt chứa nước, các cơn đau răng hành hạ chị và máu chảy ra từ miệng, tai, mũi. Chị cũng bị sỏi mật và phù thũng nữa.

Lydwine đã phải chịu các sự khốn khổ này trong suốt 38 năm trời. Tất cả các bệnh tật này mang đặc tính của một cơn bệnh có thể lan tràn, thế nhưng điều kỳ lạ là từ các vết thương gớm ghiếc ấy lại toát ra mùi thơm tựa như mùi cây quế.

Chị đã khóc lóc, chiến đấu và dường như rơi vào cơn tuyệt vọng. Chị than khóc khi nghe tiếng cười đùa của bạn bè đang chơi ngoài đường phố. Trong bốn năm đầu tiên, chị nghĩ mình đã bị kết án trầm luân. Chị không có một niềm an ủi nào hay một tia sáng về kế hoạch của Thiên Chúa dành cho mình. Chị nghĩ Thiên Chúa từ chối nghe lời cầu nguyện của chị và nỗi đau của chị thật khôn tả.

Sự trợ giúp đến từ lời khuyên của một linh mục. Ngài nói với Lydwine rằng: chị phải chịu đau khổ cho phần rỗi các linh hồn như Chúa Giêsu đã phải chịu. Chị chịu đau khổ không phải vì tội riêng của mình, nhưng cho những người khác, theo gương Chúa Giêsu, Đấng vô tội đã chịu khổ vì người khác.

Nếu chị chấp nhận vai trò này trong Giáo hội, thì lúc đó mặc dù chị vẫn phải đau đớn khủng khiếp nhưng nỗi đau có thể được cân bằng bởi một niềm vui khôn tả. “Ơn gọi của con đã rõ ràng. Nó hệ tại việc hy sinh bản thân con vì những người khác, để đền vì các tội lỗi mà con không phạm, để thực hiện một đức bác ái cao quý. Hãy nói với Chúa Giêsu: ‘Con ước ao đặt chính mình con trên thập giá của Chúa, và con ước ao lãnh nhận các mũi đinh như Chúa đã chịu.’” Lúc ấy chị thấy Đức Mẹ và các thánh rất vui mừng.

Để gặp Chúa Kitô trong cơn đau đớn của mình, chị đã thường xuyên suy niệm về thập giá. Chị nghĩ về cơn đau đớn của Chúa phải chịu vì tất cả các tội lỗi của toàn thể nhân loại của mọi thời đại.

Trong nhiều năm tiếp xúc với nhiều bệnh nhân, tôi thấy rằng có một số người chấp nhận lời khuyên mà vị linh mục đã nói với Lydwine, trong khi một số khác loại bỏ nó một cách mạnh mẽ. Một số người loại bỏ ý tưởng trở thành hiến tế đền tội thay cho thế giới, thường nói rằng: vì Chúa Giêsu đã chết vì tội lỗi của loài người chúng ta rồi, nên việc tự đặt mình làm của lễ đền tội không những là bóp méo nhưng còn là phạm thượng nữa. Ngoài ra các tội nhân có lý trí tự do bởi Thiên Chúa ban cho họ, làm thế nào các đau khổ của người khác có thể thay đổi họ được? Dù ân sủng tuôn tràn trên họ thế nào đi nữa, dường như phần lớn vẫn tiếp tục con đường tội lỗi của họ mà chẳng thay đổi gì! Nếu ngay cả Chúa Giêsu cũng không thể thay đổi họ, làm thế nào chúng ta chỉ dâng những đau khổ của mình lại có thể làm được?

Tôi đã từng băn khoăn ở giữa hai tư tưởng này: một đàng sung sướng khi dâng những đau khổ của mình để cầu nguyện cho các tội nhân, vì như thế là tốt hơn chịu đau khổ mà chẳng có ích lợi gì, mặt khác, tôi không thực sự hiểu được làm thế nào những thay đổi tâm linh có thể xảy ra được.

Năm vừa qua, tôi nghe được một lời giải thích không chỉ làm thỏa mãn tôi, nhưng còn giải thích được nhiều vấn đề trong cuộc sống của các vị thánh, nói về việc mưa ân sủng tuôn tràn trên các người khác qua việc tự hiến dâng chính mình. Chúa Giêsu tôn trọng ý chí tự do của chúng ta. Ngài luôn giữ sự quân bình, không dùng ân sủng để đè bẹp ý chí của chúng ta. Tuy nhiên, trái tim Ngài rung động mãnh liệt bởi tình yêu được dành cho chính Ngài, và cho người lân cận, khi ai đó tự nguyện chịu đựng đau khổ khủng khiếp để làm của lễ đền tội. Tình yêu này làm nghiêng cán cân và đổ tràn ngập ơn thống hối cho các tội nhân!

Dù bạn có đồng ý với lý lẽ này hay không, tôi luôn bảo đảm với bạn rằng, bạn sẽ sung sướng khi nghe biết: chẳng bao lâu sau cuộc thăm viếng của vị linh mục, ngay sau khi rước lễ trong mùa Phục Sinh, tâm hồn của Lydwine được tràn ngập tình yêu. Chị thấy trong mình hình ảnh gương mặt của Chúa Giêsu trong cuộc thương khó của Ngài.

Lúc ấy, chị tràn ngập niềm vui, và thay vì chìm ngập trong sự tự thương hại mình, chị có thể dâng các đau khổ của mình cho Chúa Giêsu. Chị đã khóc trong tình yêu mến suốt hai tuần lễ, và chị không còn ghen tị với các bạn bè đang chơi đùa vui vẻ bên ngoài nữa. Chị bắt đầu phàn nàn vì mình không chịu đau khổ đủ, vì nghĩ là chị chịu đau khổ càng nhiều thì càng làm bớt đi các đau khổ của Chúa Giêsu. Chị nói rằng dù chỉ đọc một kinh Kính Mừng để giải thoát chị khỏi nỗi đau đớn hiện tại chị cũng không muốn đọc để được khỏi bệnh.

Trong thực tế, nỗi đau đớn của chị ngày càng gia tăng. Dạ dày của chị nóng ran, chị phải dùng một cái gối để ấn lên bụng. Chị ăn rất ít. Khi được hỏi chị có muốn lành bệnh không, Lydwine trả lời: “Không, bây giờ tôi chỉ ước ao có một điều, đừng để bị tước bỏ mất sự đau đớn và bất tiện của tôi.” Chị không thể ngủ được vì quá đau đớn.

Trong lúc ấy, Lydwine bị bao vây bởi những người hiếu kỳ không tin rằng chị cứ tiếp tục sống mà không ăn uống gì. Họ muốn chứng tỏ rằng chị ăn uống vào ban đêm một cách bí mật. Họ quấy rầy chị bằng nhiều câu hỏi. Những người khác bảo rằng chị bị quỷ ám.

Năm 1421, thị trưởng thành Shiedam viết một tài liệu chứng thực rằng chị chân thật, chị không hề ăn uống hay ngủ nghỉ, thân xác chị bị tàn phá nhưng lại tỏa hương thơm. Tài liệu này cũng được chứng nhận bởi 6 hiệp sĩ người Pháp. Vì những hiệp sĩ này cũng đã ra lệnh canh chừng ngày đêm để xét xem câu chuyện về phép lạ liên quan đến Lydwine có thực hay không.

Lúc bấy giờ Lydwine cũng bắt đầu xin chịu nhiều đau đớn hơn để cầu xin cho các tội nhân cụ thể. Chị đặc biệt cầu nguyện cho những người phạm tội về xác thịt, và các linh hồn trong luyện ngục. Thiên thần hộ thủ của chị cho chị thấy linh hồn của các linh mục tội lỗi được ơn trở lại, nhờ việc chị dâng những đau khổ của chị để cầu xin cho sự hoán cải của họ. Chị cũng thành công trong việc cầu nguyện cho thành phố của chị thoát khỏi sự tấn công của các quân đội thù nghịch.

Trong khi đang chịu các đau đớn về bệnh tật, chị được ơn xuất thần. Sau đó Chúa cho một linh mục dòng Phanxicô đến để chia sẻ với chị về tình yêu của Thiên Chúa và ý nghĩa của sự đau khổ. Chúa cũng gửi một người phụ nữ khác đến chăm sóc chị, sau khi mẹ chị qua đời.

Những người bạn đồng hành này an ủi chị rất nhiều. Vì vị linh mục đến thăm chị không tin tưởng chị. Ông từ chối cho chị rước lễ trong những ngày lễ trọng, vì ông nghĩ các ơn ngoại thường của chị đến từ ma quỷ. Một lần kia, ông đưa những tấm bánh chưa được thánh hiến đến để thử chị. Nhưng chị từ chối vì Chúa Giêsu đã cho chị biết trước.

Trong một thời gian ngắn, Thiên Chúa ban ơn an ủi cho chị, tất cả các đau đớn lìa khỏi chị. Bên ngoài chị giống như một phụ nữ khỏe mạnh bình thường. Sau đó, Chúa Giêsu làm cho chị được lãnh nhận năm dấu thánh của Chúa ở hai chân, hai tay và trái tim. Các vết thương này được che phủ một lớp mỏng bên ngoài hầu người khác không thấy được chúng như chị ao ước.

Sau khi lãnh nhận năm dấu thánh, các cơn đau cũ lại trở về với chị. Trong tám năm sau cùng, Chúa Giêsu gửi đến cho chị một linh mục thánh thiện, vị này thường xuyên đến cho chị rước lễ. Chị nói rằng điều này là niềm vui mừng lớn nhất của mình.

Mặc dù rất gần gũi với Thiên Chúa, chị đã trải qua những kinh nghiệm đau thương về nỗi do sự mất mát đem lại. Vào lúc người cha và người anh của chị qua đời, chị tin rằng Thiên Chúa đã cất đi niềm vui của chị, và chị chỉ còn hy vọng đoàn tụ với họ trên thiên đàng.

Tôi chắc rằng một vài độc giả nghĩ: Thiên Chúa cất đi những người thân của Lydwine vì chị dính bén với những người thân về mặt tự nhiên. Còn tôi lại nghĩ có thể có một cách giải thích khác. Khi chúng ta đang ở trong sầu muộn, chúng ta không có để ý đến những sự an ủi. Trong thực tế, chúng ta thích ở lại trong sự buồn sầu như một dấu chỉ mức độ chúng ta yêu mến người đã mất. Một khi chúng ta bắt đầu cảm nghiệm sự chữa lành khỏi cơn sầu muộn, chúng ta sẽ lại sẵn sàng đón nhận niềm vui do sự hiện diện của Chúa Kitô.

Sau cái chết của những người thân, Lydwine bị bách hại bởi sự nhạo cười của các binh lính, những người đến vào ban đêm và đập đánh chị cho đến khi chị chảy máu.

Để đền bù cho chị, Thiên Chúa đã gửi đến một phép lành đặc biệt cho chị. Xảy ra lúc bấy giờ có một cơn hỏa hoạn ở phố chị ở. Nhà cầm quyền đưa đến cho chị bức tượng Đức Mẹ Maria, Đấng đã mỉm cười với chị khi chị còn là một cô bé gái.

Vào cuối đời, Lydwine có thêm mấy nỗi buồn lớn: chị mắc chứng động kinh và bị vỡ động mạch não. Chị sắp xếp để sau khi chị qua đời thì ngôi nhà chị ở sẽ được dùng làm bệnh viện cho người nghèo.

Khi chị qua đời, thân xác chị biến đổi trở nên trẻ trung như khi chị mới 17 tuổi. Một nụ cười dạng rỡ trên gương mặt chị và mọi vết thương lở loét biến mất khỏi thân xác chị. Đám đông rất lớn đã đến viếng xác chị trong dịp lễ an táng, và nhiều phép lạ đã xảy ra vào thời điểm đó.

2. Các bước để gặp gỡ Chúa Kitô trong đau đớn và mệt nhọc

a. Chúng ta nên luôn luôn bắt đầu bằng việc cầu xin ơn chữa lành bệnh tật hay ơn phục hồi sức khỏe trong trường hợp kiệt sức.

b. Chúng ta không nên sợ hãi nếu chúng ta muốn loại bỏ đau khổ, thánh Lydwine đã làm như vậy trong nhiều năm. Thánh nữ đã than khóc về nỗi khốn khổ của mình. Sự làm ra vẻ can đảm giả dối sẽ không đem lại niềm an ủi.

c. Nếu không có sự chữa lành hay phục hồi, chúng ta phải kết hiệp từng giây phút đau khổ của mình với nỗi đau đớn của Chúa Giêsu. Điều quan trọng cần nhớ rằng trong suốt cuộc khổ nạn của Ngài, Chúa đã cảm nghiệm nỗi đau khổ của mọi người trong mọi thời đại. Như vậy chúng ta không cô đơn. Chúa Giêsu cùng chịu đau khổ với chúng ta.

d. Hãy xin Chúa Giêsu cho bạn nhìn vào vận mệnh đời đời trên thiên đàng của bạn, để bạn có thể chịu đựng nỗi đau hiện tại của bạn tốt hơn.

(còn tiếp)

Ronda de Sola Chervin
Nguyên tác: The Kiss from the Cross
Chuyển ngữ: Lm. Montfort Phạm Quốc Huyên
Trích “Nụ hôn từ thập giá”, tr. 158-168

--------------------------------------

* Bài liên quan:

Nụ hôn từ thập giá (1)

Nụ hôn từ thập giá (2)

Nụ hôn từ thập giá (3)

Nụ hôn từ thập giá (4)

Nụ hôn từ thập giá (5)

Nụ hôn từ thập giá (6)

Nụ hôn từ thập giá (7)

Nụ hôn từ thập giá (8)

Nụ hôn từ thập giá (9)

Nụ hôn từ thập giá (10)

Nụ hôn từ thập giá (11)

Nụ hôn từ thập giá (12)

Nụ hôn từ thập giá (13)