Nụ hôn từ thập giá (16): Niềm vui trong nỗi đau khổ

[ Điểm đánh giá5/5 ]1 người đã bình chọn
Đã xem: 2443 | Cập nhật lần cuối: 12/28/2016 7:51:35 AM | RSS

(Tiếp theo)

Thánh Têrêsa Avila, người từng bị cám dỗ nói chuyện ở phòng khách thay vì ở lại trong nhà nguyện để cầu nguyện, nói rằng: đối với mọi cám dỗ cần nhất là tránh dịp tội. Đối với một số người Công giáo thì quan niệm này thật tức cười, nhưng thực ra nó lại vô cùng hữu lý. Làm thế nào tránh được tội nói hành, nếu tôi cứ thích trò chuyện lâu giờ với những người chuyên nói xấu người khác? Hay làm thế nào tránh được việc hút thuốc lá nếu tôi cứ giữ gói thuốc là trong túi?

Một cách tổng quát, thánh Têrêsa Avila dạy rằng: vì chúng ta không thể ở mãi trong một tình trạng say mê trong cầu nguyện, các cám dỗ là không thể tránh được. Chúng giúp chúng ta thấy sự hư vô của mình. Khi bị tác động, chúng ta chỉ cần chờ đợi lòng thương xót của Thiên Chúa.

Thánh Gioan Thánh Giá là một nhà trừ quỷ. Chính ngài bị bách hại bởi ma quỷ. Ngài đã khuyên nên cầu nguyện và ăn chay.

Thánh Martino Porres bị ma quỷ tấn công nhiều lần. Một người lính đến thăm nhà dòng Đa Minh và ở lại trong cùng một phòng với thánh nhân. Anh nghe thấy thánh nhân rên siết vì đau đớn với ai đó, và anh ngạc nhiên vì thánh nhân không hề cất tiếng nói.

“Tôi không hề thấy ai ở với thầy Martin, nhưng tôi đã thấy thầy lăn lộn trên sàn nhà, và tôi có thể nghe tiếng đấm đá. Tôi chú ý đến một ngọn lửa cháy trên áo thầy Martin. Khi tôi dập tắt ngọn lửa, thầy bảo tôi đừng sợ.” Khi thầy thức dậy, không còn dấu vết của ngọn lửa nữa, và anh lính hiểu ra ma quỷ đã quấy phá thầy.

Chân phước Maria nhập thể đã chịu cám dỗ khủng khiếp về tội phạm thượng, tính không đoan trang, và tự sát. Những điều này kèm theo chứng đau đầu, và sự bực mình với các chị em. Các cám dỗ này kéo dài suốt hai năm.

Chị đã kiên trì với niềm tin rằng: Thiên Chúa luôn ngự trong tâm hồn chị. Chị giữ các kinh nguyện bất chấp chị cảm thấy buồn bã như thế nào, và luôn luôn kêu cầu với Đức Mẹ. Nếu chị thấy ma quỷ cười nhạo chị, chị làm dấu thánh giá, và sau đó chị cảm thấy bình an trong tâm hồn và sự dịu ngọt, ngay cả khi cám dỗ cứ tiếp tục. Chị được các cha dòng Tên giúp đỡ trong thời gian này.

Matt Talbot, một người từng nghiện rượu, đã đau khổ vì bị ma quỷ hành hạ, ngay sau khi anh quyết định từ bỏ rượu.

Một ngày kia, anh đang chờ ở ngoài nhà thờ để tham dự Thánh lễ ban sáng, khi ấy anh cảm thấy bị kéo ngược về hai lần khi anh cố gắng tiến vào nhà thờ. Anh đã kêu cầu danh thánh Chúa Giêsu và bấy giờ anh mới có thể đi vào nhà thờ được.

Để chiến thắng tính nghiện rượu, Talbot nhận thức là anh phải vượt thắng lòng ham muốn của thân xác mình. Điều này anh thực hiện bằng việc ăn chay và làm việc đền tội, tất cả những điều này liên quan đến đời sống đan tu, nơi con người được sự trợ giúp của bầu khí và các bạn hữu, anh em đồng hành. Nhưng Talbot thực hiện việc hãm mình đền tội tại nhà anh và không được sự trợ giúp của người khác.

Talbot muốn làm việc hãm mình đền tội cho tội lộng ngôn phạm thượng và các tội khác của anh khi anh say rượu. Để luôn nhắc nhở bản thân về quyết tâm của mình, anh đặt hai cây ghim trong tay áo theo hình thánh giá. Ngày Chúa nhật anh ở lại nhà thờ trong sáu giờ để cầu nguyện và chiêm niệm. Anh thường ăn chay và ngủ trên tấm ván gỗ. Anh cũng đeo xích sắt bên trong quần áo. Theo cách này anh noi gương Chúa Kitô trên thập giá. Talbot rất năng cầu nguyện với Mẹ Maria, anh thường nói chuyện với Mẹ suốt đêm. Anh cũng chăm chỉ viếng đàng thánh giá.

Sau khi cha anh qua đời, mẹ anh về sống với anh và bà thường nghe anh trò chuyện với Mẹ Maria hàng giờ, mang tượng Mẹ Maria và Chúa Hài Đồng trên tấm ván anh nằm ngủ. Anh vỗ nhẹ lên mũ của mình khi có ai kêu tên Chúa Giêsu vô cớ. Anh bị chế nhạo ở bến tàu vì thói quen này. Sau này, anh gia nhập Dòng Ba Phanxicô và đọc 150 kinh Mân Côi mỗi ngày.

Conchita, vị thánh nữ người Mêhicô, đã chịu đau khổ vì cái chết của người chồng, đứa con trai và con gái của chị. Chị cũng trở thành một người hướng dẫn thiêng liêng cho những ai đang chịu thử thách nội tâm. Chị tin rằng cầu nguyện trước Chúa Giêsu Thánh Thể là phương thuốc chữa trị cho các cơn cám dỗ. Dưới đây là bài suy niệm mà chị đề nghị liên quan đến việc gặp gỡ Chúa Kitô trong đau khổ của việc bị cám dỗ.

Cơn bão táp gầm thét trong linh hồn con. Cơn bão hoành hành không ngơi nghỉ, dòng nước đắng cay của đau khổ tràn trên môi con và làm ngập lụt trái tim con.

Con cảm thấy nguy mất, lạy Chúa Giêsu của con, giữa cơn ngập lụt của kiêu căng, giận dữ, ghen tị, và thù oán! Xin cứu con, lạy Chúa Giêsu, xin thức giấc và lắng nghe con hay con phải hư mất.

Con để chính mình bị tính kích động và những ấn tượng chóng qua dẫn dắt, khi chúng mất đi trái tim con nguội lạnh.

Hãy lặng đi hỡi cơn giông tố. Hãy lặng đi hỡi các cơn cám dỗ, hãy tan đi những lớp mây mù đang ngập tràn tâm hồn tôi. Lạy Chúa Giêsu xin cứu con!

Lạy Mẹ Maria, là ngôi sao biển, xin hãy ban sự bình an cho linh hồn con và xin hãy nói với Chúa Giêsu: “Hãy cứu nó, vì nó là con của Mẹ và nó đang nguy mất.”

2. Các bước để hướng về Chúa Kitô trong đau khổ vì bị cám dỗ

a. Khi bị ma quỷ cám dỗ, bạn cần phải đến với vị linh hướng để được hướng dẫn và cầu nguyện cho.

b. Bạn cần kêu xin Chúa Giêsu bảo vệ bạn, xin ơn trợ giúp đặc biệt của Mẹ Maria, các thánh, thiên thần hộ thủ, và các thiên thần.

c. Sử dụng nước thánh, và các thánh tích là một trợ giúp lớn cho bạn.

d. Đừng tranh luận với ma quỷ. Hãy chú tâm vào việc khác và làm ngơ những hình ảnh và đề nghị của ma quỷ gợi lên trong tâm trí bạn. Hãy giục lòng tin tưởng vào Chúa.

Chương XIII: Niềm vui trong nỗi đau khổ

“Con thưa cùng CHÚA: “Ngài là Chúa con thờ,

Ngoài Chúa ra, đâu là hạnh phúc?” (Tv 16, 2)

“Vì cũng như chúng ta chia sẻ muôn vàn nỗi khổ đau của Đức Kitô, thì nhờ Người, chúng ta cũng được chứa chan niềm an ủi” (2 Cr 1, 5)

Đã gần kết thúc cuốn sách, chúng ta tự hỏi làm thế nào để gặp gỡ Chúa Kitô trong đau khổ theo tinh thần của các thánh. Chúng ta thấy làm thế nào các thánh cảm nghiệm nỗi đau khổ như là “nụ hôn từ thập giá,” nhưng chúng ta không chắc chúng ta phải làm thế nào để thực hiện điều đó. Tâm trí chúng ta đầy dẫy những nỗi khốn khổ trong cuộc sống: các thói nghiện ngập, các cuộc đối đầu với những sai lầm, sự ngờ vực, sự bóc lột, các thất bại, nghèo túng, nỗi sợ hãi, thất vọng, nỗi đau trong thân xác, sự cô đơn, sự bách hại, các cám dỗ. Chúng ta có thấy nổi lên niềm hạnh phúc giữa những thử thách này không?

Sau cuộc hành trình thiêng liêng trong việc viết cuốn “Nụ hôn từ thập giá” này, tôi thấy được niềm hy vọng và niềm vui trong các sự thật lượm lặt từ cuộc đời của các vị thánh.

- Trong khi các chuyện cổ tích thường kể về các khó khăn, sau đó các vị anh hùng kết hôn với nhau, và họ sống cuộc đời hạnh phúc, còn cái chết không bao giờ được đề cập đến. Trong khi đó câu chuyện về các thánh nói về việc các ngài tiến gần đến việc sống gần gũi với Chúa Kitô sau nhiều năm chịu đau khổ với việc kết hôn mầu nhiệm với Chúa, có sự bình an nội tâm trong sâu thẳm của linh hồn, và một lời hứa về hạnh phúc đời đời.

- Trong khi tôi tìm hết cách để thoát khỏi đau khổ, còn các thánh lại hướng chúng về Chúa Kitô. Như một hệ quả, khi tôi muốn tìm thấy niềm vui trong Chúa Kitô tôi phải thay đổi đường lối của mình, trong khi các thánh sống trong niềm vui trong Chúa Kitô giữa các thử thách của họ.

- Trong sự kết hiệp với Chúa Kitô, các thánh không còn đau khổ một mình. Đau khổ của họ là đau khổ của Chúa Kitô và đau khổ của Chúa Kitô là đau khổ của họ. Mọi sự đối với các ngài trở thành thân thiết hơn, nếu không thể tránh được. Tôi có thể bắt chước các ngài bằng lòng khao khát sự thân thiết thay vì tìm cách tránh né đau khổ.

- Trong khi tôi không thể tự buộc mình mong ước chịu đau khổ vì Chúa Kitô, tôi nên khao khát dâng hiến các đau khổ trong cuộc đời của tôi cho Ngài. Một lòng khao khát chịu đau khổ để cộng tác vào việc đem lại ơn cứu độ thì luôn lành thánh. Tôi cần dành nhiều thời gian hơn để cầu nguyện, xin Chúa Kitô đổ tràn trên tôi tình yêu, để tôi trở nên mạnh mẽ hơn. Trong khi tôi còn yếu ớt như hiện nay, tôi chấp nhận đau khổ không thể tránh né được, tôi có thể cần chuẩn bị để kết hiệp với Chúa Kitô hơn trong một niềm an ủi.

- Tôi phải nhận thức rõ: tôi cần được thanh luyện các tội lỗi và khuyết điểm trong đau khổ để trở nên trong sạch hơn.

- Trong tình yêu đối với Giáo hội và toàn thể nhân loại, tôi cần tránh việc chìm đắm trong nỗi niềm tự thương hại chính mình. Tôi cần xin Chúa Thánh Thần nhắc nhở tôi rằng: tôi có thể dâng hiến các đau khổ của tôi để cầu cho những người khác, trong niềm tin rằng Chúa Kitô sẽ dùng các đau khổ đó để xây dựng Nước Thiên Chúa. Tôi cần nhớ rằng Chúa Kitô đã chấp nhận thập giá vì tình yêu cứu độ Ngài dành cho tôi, để mở cửa hạnh phúc đời đời cho chúng ta.

Cuối cùng, chúng ta chọn lựa điều gì? Chịu đau khổ trong sự thất vọng, hay như các thánh, vui mừng giữa các đau khổ, tin tưởng vào lời hứa của Chúa Kitô, Đấng đã trải qua đau khổ để chứng tỏ các lời hứa của Ngài là chân thực?

“Hãy vui lên trong Chúa, tôi nhắc lại, hãy vui lên.” (Pl 4, 4)

(Hết)

Ronda de Sola Chervin
Nguyên tác: The Kiss from the Cross
Chuyển ngữ: Lm. Montfort Phạm Quốc Huyên
Trích “Nụ hôn từ thập giá”, tr. 179-185

--------------------------------------

* Bài liên quan:

Nụ hôn từ thập giá (1)

Nụ hôn từ thập giá (2)

Nụ hôn từ thập giá (3)

Nụ hôn từ thập giá (4)

Nụ hôn từ thập giá (5)

Nụ hôn từ thập giá (6)

Nụ hôn từ thập giá (7)

Nụ hôn từ thập giá (8)

Nụ hôn từ thập giá (9)

Nụ hôn từ thập giá (10)

Nụ hôn từ thập giá (11)

Nụ hôn từ thập giá (12)

Nụ hôn từ thập giá (13)

Nụ hôn từ thập giá (14)

Nụ hôn từ thập giá (15)