Nụ hôn từ thập giá (2): Gặp gỡ Chúa Kitô trong đau khổ của sự ngờ vực

[ Điểm đánh giá5/5 ]1 người đã bình chọn
Đã xem: 2420 | Cập nhật lần cuối: 5/1/2016 12:15:38 AM | RSS

(Tiếp theo)

Nụ hôn từ thập giá (2): Gặp gỡ Chúa Kitô trong đau khổ của sự ngờ vực2. Các bước để gặp gỡ Chúa Kitô trong đau khổ của sự ngờ vực

Trước khi sang phần bàn về các do dự khi phải quyết định, chúng ta có thể rút ra mấy điểm sau đây:

- Tiếp tục cầu nguyện với Chúa Giêsu, Đấng mà bạn đã biết trước khi nổi lên cơn bão ngờ vực, hãy tiếp tục làm các việc đạo đức như trước kia.

- Hãy tuyên bố các chân lý đức tin, hay hát về chúng (đây là lý do tại sao các thánh thường hát các bản thánh ca như một cách thức để gặp Chúa Giêsu trong đau khổ).

- Dấn thân vào việc bác ái, giúp đỡ những người lân cận. Ai sống trong yêu thương, người ấy sống trong Thiên Chúa, ngay cả khi chúng ta không cảm thấy được điều này. Việc bác ái sẽ gia tăng lửa mến trong tâm hồn chúng ta, để sau cuộc khủng hoảng đức tin, chúng ta sẽ ở gần Thiên Chúa hơn trước kia.

- Hãy biết rằng sự ngờ vực là một cơn thử thách. Nó sẽ đưa chúng ta lên một mức độ cao hơn của đức tin siêu nhiên, không còn dựa vào các trợ lực trước đây nữa.

- Dâng những đau khổ do sự ngờ vực này để cầu xin cho những ai chưa nhận biết Chúa.

3. Gặp gỡ Chúa Kitô trong đau khổ của sự ngờ vực về điều phải quyết định

Nhiều vị thánh đã phải vất vả để nhận ra thánh ý Thiên Chúa trong các quyết định chọn lựa của mình. Chúng ta có thể bắt đầu với thánh Giuse, Đấng đã nghiền ngẫm trong sợ hãi và run rẩy về việc phải làm gì với vị hôn thê đang mang thai! Chúng ta có thể thấy trong trường hợp của ngài, làm thế nào người công chính này đã cầu nguyện để có được sự soi sáng, tránh được các quyết định vội vàng.

Thánh Biển Đức, vị tổ phụ của các đan sĩ dòng Biển Đức, là một sinh viên ở Rôma vào cuối thế kỷ thứ 5. Ngài đã muốn trở thành một đan sĩ, nhưng ngài không chắc chắn làm thế nào để đi đến đích. Cách giải quyết của ngài là rút lui khỏi cuộc sống nhộn nhịp của thành thị để bắt đầu tìm kiếm thánh ý Thiên Chúa. Ngày nay, những người muốn tìm kiếm thánh ý Thiên Chúa trong vấn đề ơn gọi của mình cũng đi theo con đường này qua việc thực hiện một cuộc tĩnh tâm.

Trong thời gian thử nghiệm này, Biển Đức được sự giúp đỡ của một đan sĩ ẩn tu thánh thiện là Rômanus. Trong cuốn tu luật của mình, Biển Đức nhấn mạnh đến sự bình an có được nhờ chạy đến với quyền bính của Viện phụ, khi đan sĩ gặp sự lo âu về việc phải làm các quyết định. Đối với các đan sĩ, viện phụ là vị đại diện của Chúa Kitô. Về phần mình, viện phụ phải là người khôn ngoan. Ngài phải tránh sự thái quá trong các quyết định của mình.

Có nhiều truyện về các thánh, những người dù muốn sống một cuộc đời ẩn khuất, nhưng vì Thiên Chúa đã sống một cuộc đời thánh thiện nhưng hoạt động hơn trong thế giới. Chẳng hạn truyện thánh Gioan Thánh Giá và thánh Maria Vianey. Thánh Gioan Maria Vianey muốn từ bỏ nếp sống đầy phiền toái của một cha sở để vào đan viện, nhưng ngài đã quay lại giáo xứ do sự thúc đẩy của Chúa Thánh Thần. Trong truyện các thánh, đa số các trường hợp nhận ra việc chọn lựa đời hoạt động là vì sự từ chối không thể giải thích được của các đan viện.

Mặc dù không có quá nhiều vấn đề phải do dự một khi đã có chọn lựa cơ bản bước theo Chúa Kitô, thánh Inhaxiô Loyola đã đưa ra các ý tưởng về việc làm thế nào để thực hiện các chọn lựa khó khăn. Bây giờ chúng ta sẽ sơ lược tiểu sử cuộc đời của ngài, và sự khôn ngoan mà ngài đề nghị với các Kitô hữu khi phải chọn lựa.

4. Thánh Inhaxiô Loyola: vị tôn sư về việc làm thế nào để gặp gỡ Chúa Kitô trong đau khổ của sự do dự

Inhaxiô loyola sinh năm 1491, là người con trai nhỏ nhất trong một gia đình quý tộc có 13 người con, ở xứ Basque nước Tây Ban Nha. Anh là một đại úy trong trận chiến chống lại nước Pháp năm 1521, khi đó anh ở tuổi 26 và bị thương trong chiến đấu. Anh đã đau khổ vì bị gãy chân.

Trước khi bị thương, anh đã sống giống như các quý tộc vào thời đó, chạy theo các sự phù phiếm thế gian, tán tỉnh các phụ nữ, chơi bời và đấu gươm. Tuy nhiên, anh là một người dũng cảm, không thỏa hiệp, biết chịu đựng, hiểu biết, sắc sảo, biết kính trọng những sự thiêng thánh, và biết tha thứ cho kẻ thù.

Trong thời gian dưỡng bệnh vì bị gãy chân, không có các tiểu thuyết về các hiệp sĩ, Inhaxiô Loyola đọc cuốn “Cuộc đời các vị thánh,” và cuốn “Cuộc đời Chúa Kitô.” Sau đó anh đã làm một quyết định quan trọng: cố gắng để trở thành một vị thánh! Ý tưởng này quá bất ngờ khi so sánh với các hình ảnh trước đây của anh về vinh quang của thế tục. Khi anh do dự về hai khả năng này, anh bắt đầu để ý đến các chọn lựa:

“Anh để ý có sự khác biệt giữa các tư tưởng ấy: khi nghĩ đến những tư tưởng phàm tục, anh cảm thấy rất thích thú. Nhưng khi mỏi mệt không suy nghĩ, anh cảm thấy buồn bã và khô khan. Còn khi nghĩ đến việc theo đuổi những chuyện khắc khổ mà anh biết các vị thánh đã quen sống, thì không những lúc đang nghĩ đến những chuyện ấy, anh cảm thấy tâm hồn vui thú, và ngay cả lúc thôi nghĩ đến, anh vẫn thấy mình sung sướng. Nhưng chính anh không nhận ra, cũng không suy nghĩ đến sự khác biệt này, cho đến một ngày kia, khi mắt tâm trí anh được mở ra, anh ngạc nhiên nhận ra sự khác biệt này; nhờ kinh nghiệm, anh hiểu rằng có loại tư tưởng để lại buồn rầu, có loại tư tưởng để lại niềm vui. Và đó là suy luận đầu tiên anh thu lượm được về những điều thuộc về Thiên Chúa. Sau này, khi làm Linh thao, anh bắt đầu được soi sáng để hiểu biết về sự cân nhắc các thần khí và dạy môn đệ của mình.”

Các suy nghĩ khi nằm trên giường bệnh của Inhaxiô đã đưa đến khát vọng nên thánh. Các suy nghĩ này được đóng ấn bởi một thị kiến mà Inhaxiô có về Mẹ Maria và Chúa Giêsu Hài Đồng, và sau sự kiện này anh không còn bị cám dỗ về sự ô uế nữa.

Một vài Kitô hữu tưởng tượng rằng: một khi người ta đã thực hiện một cam kết dấn thân trọn vẹn cho Chúa Giêsu, người ta sẽ không còn sai lầm về các ý định của Thiên Chúa nữa. Cuộc đời của các thánh không cho thấy niềm hy vọng này. Chẳng hạn, mặc dù thánh Inhaxiô là một con người quả quyết, luôn luôn hăm hở thực thi điều dường như là tốt đẹp đối với ngài, chúng ta có thể thấy nhiều quyết định của ngài không phù hợp với điều mà cuối cùng Thiên Chúa đã mạc khải cho ngài về ơn gọi của ngài.

Ví dụ, sau khi được hoán cải Inhaxiô muốn vào dòng của các đan sĩ Carthusian ẩn tu. Nhưng sau một thời gian, Inhaxiô bắt đầu nghĩ rằng ngay cả dòng khổ tu này cũng chưa chắc khổ tu đủ! Anh bắt đầu thực hiện các việc đền tội khắc nghiệt làm tổn thương đến dạ dày của mình.

Kế đến, anh quyết định đi Đất Thánh để thực hiện một cuộc hành hương đền tội, và hoán cải những người Hồi giáo ở Palestine. Mặc cho nhiều nỗ lực khác nhau, anh đã thất bại trong việc thực hiện sứ vụ hoán cải những người Hồi giáo.

Những lần biện phân sai lầm này của Inhaxiô cảnh báo chúng ta, đừng tưởng tượng rằng mình được ban cho một sự hướng dẫn không thể sai lầm. Các ý tưởng của Inhaxiô về việc thực hiện các quyết định rất hữu ích, nhưng sự chắc chắn hoàn toàn về các chọn lựa liên quan đến các khả năng tốt đẹp khác nhau thì không thể có trên thế giới này. Tôi nhấn mạnh cụm từ “các khả năng tốt đẹp khác nhau,” bởi vì chúng ta có thể biết với sự chắc chắn khi chọn lựa giữa điều xấu và điều thiện, chúng ta phải luôn luôn chọn điều tốt và tránh điều xấu. Chúng ta không cần phải làm một tuần tĩnh tâm dài ngày, hay đến với các cha linh hướng để nhận ra việc quan hệ giữa hai nghề nghiệp tốt đòi hỏi một sự nghiền ngẫm cẩn thận.

Trong cuộc hành trình đầu tiên đến Palestine, Inhaxiô dừng lại ở Đền Thánh Đức Mẹ Montserrat và cầu nguyện suốt đêm. Anh đã đổi quần áo sang trọng của mình với bộ quần áo rách rưới của một người nghèo, và đã xưng tội tổng quát. Anh cũng dừng lại ở một bệnh viện tại Manresa để chăm sóc cho các bệnh nhân, và cầu nguyện liên lỉ trong bảy giờ. Đầu tóc anh rối bù và vị chế nhạo là kẻ cuồng tín.

Trong thời gian này, Inhaxiô trải qua một thời gian nguy hiểm bởi nỗi thất vọng muốn tự sát do sự bối rối gây nên. Sau đó anh được ban sức mạnh nhờ các thị kiến siêu nhiên. Lời cầu nguyện của anh rất tha thiết, nhưng anh cũng đau yếu nhiều. Lúc đầu anh nghĩ đến ơn gọi hoàn toàn chiêm niệm, sau đó anh nhận ra cũng phải sống cuộc đời hoạt động để thực hiện khát vọng hoán cải người khác trở về và yêu mến Thiên Chúa nhiều hơn.

Trở lại cuộc sống bình thường vì mục đích này, anh nhận ra mình phải ăn uống khá hơn, mặc y phục chỉnh tề hơn, và cũng cần học hỏi nhiều hơn về đức tin để dạy người khác tốt hơn. Anh cũng bắt đầu soạn thảo về Linh thao để hướng dẫn người khác về với Thiên Chúa.

Cha Henri Joly đã tóm tắt về các bài Linh thao này:

“Sách Linh thao là gì? Đây là một loạt các bài suy niệm, cầu nguyện, các quyết tâm và các việc đạo đức, được chia thành nhiều tuần, và được sắp xếp theo một lược đồ chặt chẽ. Cũng như việc tập thể dục có thể là đi bộ hay chạy, vậy cũng có các phương pháp khác nhau để chuẩn bị, và xếp đặt để linh hồn được giải thoát khỏi những tác động xấu, để tìm kiếm và gặp gỡ thánh ý Thiên Chúa, để sắp xếp lại cuộc sống của mình, với mục đích hướng đến ơn cứu độ, và những điều này được gọi là các bài Linh thao.

Bài suy niệm thứ nhất thuyết phục chúng ta: Thiên Chúa là thủ lãnh của chúng ta và là cùng đích của chúng ta,… và một việc xét mình là khởi đầu cần thiết cho mọi việc đạo đức. Nó cho chúng ta thấy tình trạng của mình còn cách xa Thiên Chúa như thế nào. Có thể không chỉ là sự bất tuân phục, nhưng còn là sự vô ơn, còn coi thường lời mời gọi của Thiên Chúa.

Chúng ta không nên hành động như những người muốn chiến thắng nhưng không muốn chiến đấu. Chúng ta phải chuẩn bị tinh thần để dẹp tan các cản trở trên con đường đi đến sự thánh thiện, không những tránh điều xấu mà còn phải làm những hy sinh cần thiết nữa để đạt được kết quả mong ước. Chúng ta tiến lên từng bước một. Trong thời gian được an ủi chúng ta phải có các quyết tâm dứt khoát, để đến lúc bị phiền muộn chúng ta không bị vấp ngã.”

Inhaxiô muốn giúp các Kitô hữu thực hiện việc chọn lựa bậc sống của mình, đây là một trong những quyết định quan trọng nhất trong cuộc đời của mỗi người.

“Nếu một người bước vào tuần Linh thao mà chưa giải quyết được điều này, thì người ấy sẽ thực hiện việc chọn lựa nhờ ánh sáng của các nguyên tác này, nghĩa là xét xem việc chọn lựa đến từ Thiên Chúa hay không, qua việc để ý: nếu có sự bình an vững vàng và niềm vui lâu bền thì việc chọn lựa đó đến từ Thiên Chúa, còn niềm vui nhất thời sau đó đưa đến sự buồn chán và tăm tối thì việc chọn lựa đó không phải đến từ Thiên Chúa. Nếu một người đã ở trong một bậc sống rồi, người ấy phải điều chỉnh thế nào để dùng bậc sống này mà phụng sự Thiên Chúa trong một cách sống thánh thiện.”

Cha Joly nói rằng: chính thánh Inhaxiô trong sự lo âu về việc chọn lựa lối sống đã sử dụng các truyền thống căn bản của Công giáo về cầu nguyện, xét mình, xưng tội, rước lễ, suy niệm về cuộc đời của Chúa Giêsu để từ việc thực hành này mà linh hồn có một vị thế tốt để biện phân.

Một khía cạnh đặc biệt trong giáo huấn của thánh Inhaxiô là việc tìm ra tư thế tốt nhất cho thân xác để thúc đẩy các khuynh hướng tốt cho linh hồn. Khi chúng ta cầu nguyện trong tư thế này, chúng ta để cho toàn thân chia sẻ các hoa trái của suy niệm.

Tôi đề cập đến thái độ khôn ngoan của thánh Inhaxiô về tư thế của thân xác, bởi vì tôi tin rằng có nhiều Kitô hữu sẽ dùng nhiều thời gian hơn để cầu nguyện, nếu họ không nghĩ đến việc đòi buộc họ phải quì mãi trong nhà thờ. Trong khi đối với một số người thì việc quì cầu nguyện trong nhà thờ là cách tốt nhất, vì có sự hiện diện của Chúa Giêsu trong bí tích Thánh Thể và vì truyền thống và thói quen, thì đối với một số người khác việc nằm trên giường hay đi bách bộ là tư thế tốt hơn cho việc cầu nguyện, bởi vì họ cảm thấy thư giãn và hạnh phúc hơn.

Trong thời gian chuẩn bị này, Inhaxiô hăm hở học hỏi với nhiều thầy dạy như các cha dòng Đaminh, Biển Đức, và Xitô. Anh phát triển một cách thức đặc biệt để suy niệm, sử dụng trí tưởng tượng để chạm đến các khung cảnh đặc biệt trong Kinh thánh.

Sau một thời gian dài ở Manresa, Inhaxiô đi qua Tây Ban Nha, và Ý với tư cách một người hành hương, vừa đi vừa xin thức ăn, và chỗ ngủ đêm trên đường đến Đất Thánh. Khi đến nơi anh nói với các vị lãnh đạo tinh thần ở Đất Thánh về kế hoạch hoán cải người Hồi giáo của mình. Họ sợ rằng hành động của người Tây Ban Nha nhiệt thành này sẽ đem đến một cuộc bách hại các Kitô hữu địa phương, và họ nói anh rời đi trong vòng sáu tuần! Sự việc này cho chúng ta thấy các tâm hồn thánh thiện có thể đọc biết thánh ý Chúa qua các hoàn cảnh hơn là qua các mạc khải trực tiếp.

Khi trở về châu Âu, Inhaxiô quyết định dấn thân vào việc học dù anh đã lớn tuổi. Anh buộc mình học tiếng Latinh. Dần dần anh quy tụ một nhóm nhỏ những người bước theo mình. Anh ghi danh học tại đại học Alcala.

Ở Alcala, Inhaxiô bị bắt giam một thời gian ngắn vì tội dám rao giảng về Chúa Kitô trước khi tốt nghiệp thần học. Vào thời kỳ này người ta lo sợ các lạc thuyết, và nghĩ rằng có những người giảng thuyết hùng hồn nhưng không được đào tạo cẩn thận, những người đó có thể là những kẻ kiêu ngạo vì tin rằng mình có được những mạc khải tư.

Sau đó Inhaxiô đến Paris để học trong 7 năm. Ở đây anh quy tụ được một nhóm người trong đó có cả các giáo sư của anh. Trong thời gian này anh không làm Linh thao vì sợ nó có thể đưa đến các lần xuất thần làm ngăn trở việc học.

Trong thực tế, Inhaxiô thực hiện các quyết định dựa trên sự khôn ngoan. Khi bị Tòa Điều Tra triệu tập, anh có một công chứng viên chứng nhận rằng: anh đã vâng phục mệnh lệnh ngay lập tức. Vào thời đó những người bị coi là lạc giáo thường không bao giờ vâng phục ngay lập tức lệnh triệu tập. Hành động khôn ngoan này của Inhaxiô góp phần vào phán quyết của Tòa có thuận lợi cho anh.

Để giúp các môn đệ chắc chắn về ơn gọi, Inhaxiô đã giúp họ làm Linh thao. Để giúp một người có tính sầu muộn, anh đã bảo người ấy bỏ đi giấc mơ sống ẩn tu. Từ những trường hợp kể trên, chúng ta rút ra kết luận rằng: Inhaxiô không khuyến khích việc đơn độc tìm kiếm thánh ý Thiên Chúa mà không có sự chỉnh sửa của người cố vấn hay linh hướng.

Khi Inhaxiô hoàn tất việc học thần học, và đã quy tụ những người muốn theo anh để trở thành các nhà thừa sai ở Đất Thánh, anh đưa cả nhóm đến Rôma. Trong cuộc hành trình này, các quyết định đều dựa trên sự đồng ý của đa số. Trong thời gian này, Inhaxiô có một thị kiến nổi tiếng, trong đó Chúa Kitô cho anh biết công việc của anh ở Rôma. Chúa ôm lấy anh và bảo: Ngài muốn anh là người phục vụ Ngài, sau đó Inhaxiô đặt tên cho nhóm là Dòng Chúa Giêsu. Hiến pháp của Dòng rất đặc biệt: “Mỗi người phải xem xét vấn đề riêng tư, không tham khảo ý kiến hay lời khuyên của người khác, mỗi người phải bỏ đi các tình cảm cá nhân, và để ý rằng mình làm việc của nhà Dòng, và cố gắng tìm kiếm ích lợi hoàn hảo nhất cho Dòng.”

Trong luật của dòng Tên, vâng phục là trọng tâm để thực hiện các quyết định đúng đắn, nhưng nó không tước bỏ sự tự do của tinh thần. Vâng phục giúp tu sĩ thoát khỏi sự kiêu ngạo và duy trì lòng nhiệt thành và sự hiệp nhất. Tu sĩ của Dòng dấn thân cho việc đem lại lợi ích cho các linh hồn qua việc dạy học, giảng thuyết, làm Linh thao, các việc bác ái, dạy giáo lý, và giải tội, và luôn luôn vâng phục Tòa Thánh. Trong các vấn đề quan trọng thì việc bỏ phiếu của Hội Đồng sẽ quyết định. Tu sĩ của Dòng cũng sẵn sàng nhận bất cứ sứ vụ nào do Đức Giáo hoàng ủy nhiệm.

Để chọn bề trên, các tu sĩ dành ba ngày để cầu nguyện và suy nghĩ. Inhaxiô được mọi người nhất trí bầu làm bề trên, nhưng anh từ chối. Họ bỏ phiếu một lần nữa, và anh lại từ chối, nhưng một người anh em nói rằng: anh phải vâng phục thánh ý Thiên Chúa. Inhaxiô hỏi ý cha giải tội và rồi anh đồng ý.

Ngay sau đó các thành viên được trao sứ vụ đi Nhật Bản và Trung Quốc. Ở Rôma, Inhaxiô phụ trách việc giáo dục trẻ em, hoán cải những người Do Thái, lo chỗ ở cho trẻ em mồ côi và các phụ nữ trốn khỏi lầu xanh. Các thành viên của dòng Tên nằm trong số những người có ảnh hưởng nhất ở công đồng Trent. Inhaxiô làm trung gian giữa Đức Giáo hoàng và hoàng đế, anh giúp vào việc thành lập các trường đại học, và tránh việc lãnh nhận các tước vị trong Giáo hội để khỏi cản trở sự tự do tinh thần và việc thi hành sứ vụ của các tu sĩ trong Dòng.

Ở đỉnh cao của các thành công, Inhaxiô xin từ chức, nhưng do sự nhất trí của các anh em trong Dòng, anh vẫn phải tiếp tục làm bề trên. Sau việc này anh dấn mình vào việc hoàn tất Hiến Pháp của Dòng. Trong thời gian ở Paris, Inhaxiô đã duyệt xét lại sách Linh thao, một cuốn sách đã giúp nhiều người nhận ra thánh ý Thiên Chúa trong cuộc sống của họ. Linh thao cũng có ảnh hưởng đến thánh Phanxicô Salêsiô. Trong cuộc tĩnh tâm năm 1604, Linh thao đã giúp thánh Phanxicô Salêsiô nhận ra: ngài phải lập một dòng tu, và cho ngài thấy những người sẽ giúp ngài lập dòng Thăm Viếng. Các nữ tu Dòng này được thánh Phanxicô Salêsiô huấn luyện để giúp Linh thao cho các phụ nữ.

Phanxicô Salêsiô lưu ý rằng: đừng có ai đưa ra các quyết định dưới cảm giác của một áp lực, giống như một dấu chỉ chịu ảnh hưởng của các thần khí xấu. Việc xem xét các chọn lựa sai lầm dẫn đến sự xao lãng và chán chường của tâm hồn, sự phung phí các khả năng nội tâm. Còn các dấu chỉ của Chúa Thánh Thần bao gồm sự ngọt ngào, dễ chịu, thanh thản, can đảm, mạnh mẽ và gợi hứng.

Khi quyết định của chúng ta là kết quả của thần khí tốt, chúng ta sẽ lãnh đạm với sự thành công, và tiếp tục ở trong sự bình an, khi chúng ta đã làm bất cứ điều gì chúng ta có thể để thực hiện kế hoạch của mình. Nhưng khi có các thần xấu tác động, chúng ta chìm ngập trong lo âu, cay đắng, và đau đớn. Nỗi sợ và sự bí mật thường hiện diện khi các quyết định như vậy đang được xem xét.

Tôi muốn đề cập ngay bây giờ về các quyết định của vài vị thánh khác, để khẳng định thêm về các yếu tố trong phương pháp của thánh Inhaxiô.

Cuộc đời của thánh Bênađô tràn đầy những quyết định khó khăn, không chỉ là các quyết định liên quan đến cá nhân nhưng còn các vấn đề liên quan đến số phận của toàn Giáo hội nữa. Để có được quyết định đúng đắn, thánh Bênađô đã cầu nguyện, ăn chay, và nghiên cứu kỹ lưỡng vấn đề. Đôi khi ngài phải quyết định về phẩm chất của hai Giáo hoàng đang tranh chấp với nhau trong thời đó! Ngài cũng thường được tham khảo ý kiến trong các quyết định của những người khác, vì người ta xem ngài là người thánh thiện nhất vào thời đó.

Một ngày kia, thánh Catarina Siêna hỏi Chúa Giêsu làm thế nào biết được ý tưởng nào phát xuất từ Chúa, và ý tưởng nào phát xuất từ Satan. Thánh nữ nghe được câu trả lời này:

“Nếu con hỏi cha làm thế nào để nhận ra điều gì phát xuất từ cha, và điều nào phát xuất từ Satan, thì đây là dấu chỉ giúp con. Nếu các ý tưởng phát xuất từ Satan, linh hồn sẽ ngay lập tức cảm thấy vui mừng. Nhưng niềm vui sẽ chóng qua, và nó sẽ để lại trong con một nỗi lo lắng, bối rối, và tăm tối. Còn nếu linh hồn được cha thăm viếng, lúc đầu nó sẽ sợ hãi và kế tiếp nó sẽ lãnh nhận được nỗi vui mừng, sự khôn ngoan ngọt ngào và lòng khao khát các nhân đức.”

Từ cuộc đời của thánh Anphongsô Liguori, chúng ta có giai thoại thú vị sau. Khi tương lai nhà Dòng của Anphongsô Liguori còn bấp bênh, một nhà Dòng khác mới thành lập muốn sát nhập vào Dòng ngài. Dù ngài đã có sẵn một thái độ miễn cưỡng vì những khó khăn trước đó với các vị lãnh đạo, ngài vẫn đến xin lời khuyên của giám mục và cha linh hướng. Và vị giám mục đã chống lại sự sát nhập này.

Tôi không thể kết thúc chương này về việc gặp Chúa Kitô trong đau khổ vì sự ngờ vực, mà không đề cập đến Đức Hồng y Henry Newman, một người hoán cải rất danh tiếng từ Anh giáo trở về với đức tin Công giáo.

Là người đạo đức từ thuở nhỏ, Henry Newman đã trở thành một linh mục Anh giáo vào lúc có cuộc tranh cãi ở nước Anh về việc: Giáo hội nước Anh là một nhánh của Tin Lành hay là sự kế tục đích thực của Giáo hội cổ xưa, thay chỗ cho Giáo hội Rôma, một Giáo hội bị coi như trở thành phản Kitô qua sự phản bội giáo lý đích thực của nó.

Henry Newman là người hàng đầu trong việc chủ trương: xem giáo hội tại nước Anh là một giáo hội tông truyền. Ngài yêu thích công việc giảng dạy và viết lách. Và dân chúng yêu quý ngài, vì nhận ra trong các bài giảng của ngài một lời mời gọi sống thánh thiện, điều mà trước đó họ không biết đến.

Chú tâm vào việc chứng minh cho Giáo hội tại Anh Quốc chống lại các ngờ vực của người Tin Lành và người Công giáo Rôma, Newman bắt đầu nghiên cứu kỹ lưỡng các bản văn của các giáo phụ thời sơ khai. Tuy nhiên, vào năm 1841, sau nhiều năm đấu tranh tư tưởng và do dự ông đã xác tín rằng: cuộc nghiên cứu chỉ làm mạnh mẽ thêm các khẳng định của Giáo hội Công giáo Rôma! Điều này đưa đến việc ông sống trong tình trạng đau khổ vì sự do dự. Ông phải làm thế nào đây, vì trước kia ông nghĩ rằng mình đúng về việc cho rằng Giáo hội Anh giáo là chân chính, nhưng nay ông lại nhận ra là mình đã sai?

Để làm rõ hơn xác tín của mình về Giáo hội Công giáo Rôma, năm 1845 ông đã viết cuốn “Một khảo cứu về việc phát triển giáo thuyết Kitô giáo.” Đây là cuốn sách mà nhiều người Công giáo tin là đã đưa ra cách tốt nhất để phản bác lại ý tưởng cho rằng các giáo huấn của Giáo hội Công giáo Rôma là không đúng với Kinh thánh và các giáo phụ.

Trong cuốn sách này, sự phân biệt căn bản của Newman là giữa các thay đổi tạo nên sự mâu thuẫn và các thay đổi tạo nên sự phát triển. Dựa trên sự phân biệt này, Newman cho thấy: các giáo huấn của Giáo hội Công giáo Rôma về Đức Maria không thuộc về các méo mó trong sự tôn sùng mà Kinh thánh lên án, nhưng đúng hơn là sự phát triển của một điều đã luôn hiện diện như một hạt giống.

Năm 1845, chúng ta thấy Newman đã vượt thắng được các ngờ vực của ông về các khẳng định của Giáo hội Công giáo Rôma, nhưng vẫn trì hoãn việc quyết định lìa bỏ Giáo hội Anh giáo. Mặc dù ông là người can đảm, một người dám hành động đúng theo sự thật bất chấp các hậu quả sẽ xảy ra cho mình, ông đã làm nhiều người Anh giáo bị tổn thương, khiếp sợ, và bất an vì việc loan báo đầy xác tín của ông về sự thật của các khẳng định của Giáo hội Công giáo Rôma. Ông tin rằng có các ân sủng trong Giáo hội Anh giáo, mặc dù Giáo hội Công giáo Rôma có sự viên mãn về ân sủng và sự thật. Ông sợ rằng việc ông chuyển sang Giáo hội Công giáo Rôma sẽ làm các tín hữu của ông hoang mang, do việc người lãnh đạo của họ dường như không kiên định. Ông sợ rằng họ không hiểu được các lý do về thần học của ông, và bắt đầu ngờ vực mọi giáo lý. Newman có một lời nguyện cầu xin ơn soi sáng trong thời gian ngờ vực và do dự này: “Lạy Thiên Chúa của con, con tuyên xưng Chúa có thể soi sáng cho sự tăm tối của con. Chỉ một mình Chúa mà thôi. Con cầu xin Chúa soi sáng cho con. Con hứa rằng với ơn Chúa ban, con sẽ chấp nhận bất cứ điều gì mà con thấy chắc chắn là sự thật. Và với ơn Chúa con sẽ chống lại mọi sự tự lừa dối.”

Các độc giả đang do dự về các vấn đề tôn giáo nên đọc sách của Newman, để thấy cách thức ông tìm kiếm sự thật qua việc suy nghĩ, kết hợp với sự cầu nguyện tha thiết, để sự yếu đuối của ông không tác động trên việc quyết định.

Cuối cùng ông đã chuyển sang Giáo hội Công giáo Rôma, một việc hoán cải mà ông không bao giờ hối hận. Lòng can đảm trong quyết định của ông đã làm cho nhiều người cũng vui mừng thực hiện cùng một chọn lựa như vậy.

Các bước sau đây dùng để thực hiện một quyết định khôn ngoan dựa trên Linh thao của thánh Inhaxiô.

5. Các bước để thoát khỏi nỗi đau khổ của sự do dự

a. Chuẩn bị cho việc quyết định bằng việc xét mình, thống hối, xưng tội và đền tội.

b. Trong sự cầu nguyện bạn hãy quyết định: mối quan tâm duy nhất của bạn là thực hiện ý Chúa chứ không phải ước vọng của bạn. Để củng cố tâm tình này, bạn hãy suy niệm về cuộc thương khó Chúa Kitô, để nỗi sợ đau khổ không thống trị bạn.

c. Hãy xem xét các khả năng chọn lựa khác nhau trước mặt bạn. Hãy tưởng tượng bạn thực hiện từng cái một trong các chọn lựa này, hãy dùng thời gian để xem xét bạn có cảm nghiệm một niềm vui sâu xa bền bỉ khi đi theo con đường này, hay trái lại bạn cảm nghiệm một niềm vui nhất thời, rồi sau đó là sự bối rối.

d. Hãy chọn lựa con đường đưa đến niềm vui bền bỉ kéo dài, và hãy tạ ơn Thiên Chúa.

e. Tiến trình này không thực hiện một mình. Cần có sự trao đổi với một vị hướng dẫn có kinh nghiệm. Ở đây có một sự khôn ngoan xuất hiện, vì người hướng dẫn có thể khám phá một sự hấp tấp hay một lòng nhiệt thành thiếu suy nghĩ. Tuy nhiên, người hướng dẫn không quyết định thay cho đương sự. Việc quyết định phải được đương sự thực hiện trong sự hiệp thông với chính Thiên Chúa.

(còn tiếp)

Ronda de Sola Chervin

Nguyên tác: The Kiss from the Cross

Chuyển ngữ: Lm. Montfort Phạm Quốc Huyên

Trích “Nụ hôn từ thập giá”, tr. 19-36.

-------------------------------

* Bài liên quan:

Nụ hôn từ thập giá (1)