Nụ hôn từ thập giá (3): Gặp gỡ Chúa Kitô trong đau khổ của việc bị bóc lột

[ Điểm đánh giá5/5 ]1 người đã bình chọn
Đã xem: 2345 | Cập nhật lần cuối: 5/8/2016 9:10:19 AM | RSS

(Tiếp theo)

Chương II: Gặp gỡ Chúa Kitô trong đau khổ của việc bị bóc lột

“Tôi là một người tự do, không lệ thuộc vào ai, nhưng tôi đã trở thành nô lệ của mọi người, hầu chinh phục thêm được nhiều người.” (1 Cr 9, 19).

“Người đang làm nô lệ mà được Chúa kêu gọi, thì là người được Chúa giải phóng.” (1 Cr 7, 22)

Nhiều phụ nữ cảm thấy mình bị bóc lột ngay trong nhà. Cảm giác này đang tăng dần lên khi nhiều phụ nữ làm việc vất vả bên ngoài, khi trở về nhà lại phải tiếp tục làm nhiều công việc nặng nhọc trong nhà mà chồng con không phụ giúp gì cả. Nhưng nhiều người đàn ông cũng cảm thấy mình bị bóc lột. Họ cảm thấy các ông chủ của họ đối xử không công bằng.

Người ta phần đông không để ý đến gánh nặng, nếu công việc họ làm không bị trả lương thấp, hay không bị đón nhận với thái độ vô ơn. Vì nhiều người trong chúng ta muốn phản ứng với điều mà cuộc sống đặt ra cho mình trong thái độ của một người Kitô hữu, làm thế nào chúng ta gặp gỡ được Chúa Kitô trong khi cảm thấy mình bị bóc lột, bị tổn thương liên tục và muốn nổi giận?

1. Praxedes Fernandez, người bị bóc lột

Tại sao tôi lại chọn một người phụ nữ vẫn chưa được phong thánh và có một tên xa lạ đối với đa số độc giả, mà không chọn một vị thánh nổi tiếng hơn? Lý do là vì tôi tin rằng nhiều người nội trợ có hoàn cảnh rất giống với chị Praxedes. Và bởi vì tôi tin chị sẽ được phong chân phước rất sớm.

Praxedes sinh năm 1886 tại Tây Ban Nha, trong một gia đình kỹ sư hầm mỏ. Chị là một người con trong số mười hai người con của gia đình này, năm người trong số họ chết khi còn thơ ấu. Các thành viên trong gia đình đạo đức này đều yêu mến Thánh lễ và việc lần hạt Mân Côi. Họ là những người sống rất an hòa với hàng xóm và hay trợ giúp những người nghèo.

Ngay cả khi còn nhỏ Praxedes đã muốn giúp đỡ người nghèo, các bệnh nhân, và thích cầu nguyện với kinh Mân Côi. Chị luôn vâng lời và không chút do dự làm các việc lặt vặt trong nhà. Chị có một nguồn sinh lực dồi dào. Chị giúp bà mẹ làm các công việc nội trợ trong nhà, chị nướng bánh mì, chăm sóc đàn cừu, và làm vườn. Chị học với các nữ tu dòng Đaminh, những người sau này sẽ làm chứng về tính sẵn sàng giúp đỡ của chị trong vụ án phong chân phước cho chị. Chị thường nhường khẩu phần bữa trưa của mình cho các người nghèo. Chị luôn sống trong vui tươi, bình an và khiêm tốn.

Praxedes thích các loại hoa và thi ca. Chị hát hay và có thể chơi đàn guitar, biết múa các điệu dân dã, và đi lễ hàng ngày. Mỗi ngày chị vắt sữa, dọn dẹp vệ sinh chuồng ngựa, nấu ăn, khâu vá, nướng bánh và làm cỏ ngoài vườn. Những lúc rảnh rỗi chị đọc các sách thiêng liêng. Trong cuộc sống bận rộn như thế, Praxedes vẫn dành thời giờ để đi dạy giáo lý, và giúp đỡ những người gặp khó khăn.

Chị tham gia vào một hội đoàn giáo dân của các cha dòng Thương Khó, việc này giúp chị tăng thêm lòng sùng kính đối với Chúa Kitô chịu đóng đinh. Praxedes thường đi đàng Thánh giá và hay mời gọi những người khác cùng thực hành việc đạo đức này. Việc đồng cảm với Chúa Kitô trong cuộc thương khó của Ngài giúp chúng ta cảm thấy không còn cô đơn khi phải chịu các đau khổ của mình.

Một lần kia có một đứa bé hỏi Praxedes, khi chị đang đăm đăm nhìn vào bức tranh vẽ Chúa Giêsu trên thập giá? Chị trả lời: không phải các cây đinh có thể giữ Chúa Giêsu trên thập giá, nhưng chính là tình yêu. Câu trả lời này được xem như châm ngôn của cuộc sống của chị. Chị phục vụ người nghèo không phải bởi vì họ yêu cầu chị, hay đó là nghĩa vụ của chị, nhưng bởi vì tình yêu thúc đẩy chị làm như thế.

Praxedes rất thích cuộc sống của các nữ tu dòng Đaminh, những người dạy học cho chị. Nhưng chị vẫn phải ở nhà chăm sóc cho người cha đau yếu của chị. Cha mẹ chị muốn chị lập gia đình và Praxedes miễn cưỡng đồng ý. Chị không thể đi tu vì phải chăm sóc cho cha mẹ.

Người phụ nữ đạo đức này đã từ chối nhiều thanh niên vì không thích hợp với chị. Lý do là vì tính tình của họ. Đây là một người bủn xỉn. Chị sợ nếu chị lấy anh ta, chị không thể giúp gì được cho những người nghèo. Một người khác lại có tính trăng hoa. Cha mẹ chị cứ thúc chị sớm lấy chồng. Cuối cùng vào năm 28 tuổi, chị lấy một người nghèo, vì chị thấy anh ta có tính tình tốt lành. Anh tên là Gabriel, một thợ điện và có thể trả tiền thuê nhà hàng tháng. Anh không được đạo đức lắm, chỉ thi hành các việc đạo đức ở mức tối thiểu.

Sau khi kết hôn được một năm, Gabriel bộc lộ tính tình hung dữ của mình. Lúc ấy Praxedes đang mang thai đứa con đầu lòng của họ, anh ta đánh đập chị một cách thô bạo và tàn nhẫn. Chị chấp nhận điều này với sự hiền lành của một con cừu, và chị sung sướng vì được chịu đau khổ giống như Đấng Cứu Độ chị. Chồng chị thường đi lại với bạn bè xấu và nhậu nhẹt say sưa với họ ở quán rượu gần nhà. Người chủ nhà mách lại với người mẹ chồng của chị, bà này hỏi chị về chuyện đó nhưng chị trả lời: mọi việc điều ổn cả.

Thỉnh thoảng Gabriel tỏ ra hối hận, nhưng rồi sự việc lại xảy ra tệ hại hơn. Sau cùng chị phải kể lại với cha chị và người chú của chị. Ông này đề nghị chị nói với bà mẹ chồng. Bà này chửi mắng Gabriel thậm tệ đến nỗi sau đó anh ta thay đổi hoàn toàn và từ bỏ tật xấu của mình. Anh không còn vào quán rượu nữa, nhưng anh lại quay sang hút thuốc và dùng tiền lương để bao ăn bữa tối cho bạn bè. Tuy nhiên so với việc say sưa và đáng đập vợ của anh lúc trước thì đỡ hơn.

Trong khi đó, Praxedes tiếp tục tha thiết cầu nguyện, dự các giờ chầu Thánh Thể và đi lễ hàng ngày. Chị luôn sống kết hiệp với Chúa Giêsu khi làm các việc nội trợ trong nhà. Khi chồng chị qua đời trong một tai nạn tàu hỏa ngay sau khi chị sinh đứa thứ tư, chị hết sức đau buồn, đặc biệt chị sợ rằng anh chết mà không được xưng tội trước đó. Thiên Chúa đã ban cho chị một dấu chỉ cho thấy chồng chị đã được rỗi linh hồn.

Bây giờ chúng ta sẽ thấy việc chị chịu bóc lột. Là một bà góa với bốn đứa con, đứa lớn nhất mới 5 tuổi, Praxedes không có tiền trợ cấp hay tiền trong ngân hàng, chị phải làm việc trong chính gia đình mình, những người chị em nay đã trở thành giàu có.

Theo ý muốn của cha chị trước khi chết, bất cứ đứa con gái nào của ông đã góa chồng đều phải được nhận phần gia tài thừa kế của họ một cách trực tiếp. Nhưng vì ông chưa viết di chúc nên vợ ông đã thay đổi sang một kế hoạch khác. Bà này đang sống với người con gái út không lấy chồng là Florentina, bà lấy đi phần gia tài của Praxedes và bốn đứa con của chị. Bà chỉ cho họ một căn phòng để ở và ba bữa ăn, nhưng Praxedes phải làm tất cả các việc nội trợ trong nhà như một người đầy tớ.

Florentina là con gái út trong gia đình nên luôn được chiều chuộng. Cô là giáo viên trường trung học và không thích trẻ con, do đó cô rất ghét tiếng khóc và tiếng ồn ào của bốn đứa con mồ côi cha của Praxedes. Cô cũng coi khinh các công việc nội trợ. Trước khi Praxedes và bốn đứa con trai của chị đến ở, gia đình cô có một người giúp việc. Nhưng vì không có sức khỏe để hầu hạ một gia đình đông người như vậy, người giúp việc đã bỏ đi. Lúc ấy Praxedes nói rằng không cần phải thuê người khác nữa vì chị sẽ làm thay mọi sự.

Chị phải mang bữa điểm tâm đến tận giường cho mẹ chị và cô em Florentina, trước khi chị ăn ở dưới nhà bếp. Hàng ngày chị nấu ba bữa ăn cho cả nhà, và may áo quần cho con trai của mình từ các bộ quần áo cũ của cha chị. Chị chăm lo mọi công việc trong nhà như một người giúp việc. Lý do chị làm như vậy là vì:

- Chị cảm thấy việc chị lấy một người nghèo như anh Gabriel là làm ngược lại với ý muốn của cha mẹ, và bây giờ là một bà góa, chị không có quyền đòi hỏi được đối xử như một phụ nữ giàu sang có người giúp việc cho mình.

- Là một phụ nữ đầy nghị lực, chị thích lao động suốt ngày hơn là ngồi hưởng thụ.

- Chị nghĩ rằng làm việc suốt ngày thì tốt hơn ngồi nghe lời càm ràm của cô em gái. Vì cô em của chị luôn xoi mói và chỉ trích việc đi chợ, mua và sử dụng thức ăn của chị, và cô luôn để ý khóa tủ nhà bếp để bảo đảm mấy đứa con trai của chị không lấy trộm các thức ăn còn thừa.

- Trong sự yêu quý đời sống nội tâm, chị thích vừa ăn, vừa sống kết hiệp với Chúa ở dưới bếp, hơn là ngồi ăn và nghe đủ thứ chuyện trên đời trong phòng ăn.

Praxedes thường nói: “Chúng ta càng chịu nhiều đau khổ với sự kiên nhẫn và yêu thương trên đời này, thì vinh quang của chúng ta ở đời sau càng lớn lao.” Các bạn bè của gia đình đặt vấn đề về việc Praxedes phải làm việc vất vả như một người đầy tớ. Chị trả lời: tôi muốn giống như Mẹ Maria, phục vụ như một người nữ tỳ. Chị thường nói: việc dự lễ hàng ngày giúp chị phục vụ những người khác tốt hơn. Chị chỉ phàn nàn một điều là việc Florentina tỏ ra ghét các trẻ con. Nhưng chị cũng xác nhận các con trai của chị rất nghịch ngợm.

Praxedes có lòng yêu mến tha thiết đối với Chúa Giêsu Thánh Thể. Năm 1931 khi các con của chị đã lớn, chị thường tham dự ba Thánh lễ mỗi ngày. Năm 1926, Tây Ban Nha có cuộc nội chiến giữa người Công giáo và phe chống giáo sĩ. Khi các linh mục không thể thăm viếng các bệnh nhân và những người hấp hối vì sự thù ghét của những người chống Giáo hội, các ngài đã ủy thác việc thăm viếng các bệnh nhân cho chị.

Một trong các người con trai của chị qua đời vì tai nạn, một người con khác của chị trở thành một linh mục dòng Đaminh phục vụ ở Los Angeles, và một người con khác chết trong cuộc nội chiến bảo vệ đức tin. Trong cuộc chiến này, nhiều linh mục và tu sĩ bị tàn sát, nhưng chị Praxedes không lăng mạ những kẻ thù nghịch với Giáo hội, chị luôn nói rằng họ đã không hiểu gì về Giáo hội. Chị dâng những việc hy sinh hãm mình để đền vì các hành động tàn bạo này. Chị cho người nghèo các thức ăn tốt nhất mà chị có, bất kể họ là người Công giáo hay thù nghịch với Giáo hội. Những người vô thần nói rằng: nếu mọi Kitô hữu đều sống như chị Praxedes thì họ sẽ trở về với đức tin. Trong thời gian này, chị vào Dòng Ba Đaminh và làm nhiều việc đền tội cầu cho những người bách hại các Kitô hữu. Chị ghê sợ bạo lực và xin con trai của chị đừng giết bất cứ ai.

Trong suốt cuộc nội chiến đẫm máu này ở Tây Ban Nha, người ta không tìm được các loại thuốc men. Nhiều người chết vì bệnh thương hàn hay nhiễm trùng đường ruột. Chị Praxedes cũng chết vì bệnh nhiễm trùng đường ruột, nhưng theo một cách nào đó chúng ta cũng có thể nói chị chết vì bị bóc lột. Trong khi chị bị bệnh, chị vẫn phải ra ngoài đường, và con trai của chị và cô em gái sợ phải đi ra ngoài đường, và con trai của chị không muốn làm “công việc của đàn bà.” Chị chết năm 1936 với một nụ cười trên khuôn mặt của chị.

Chị Praxedes được chôn trong một ngôi mộ tập thể vì đang thời chiến tranh khốc liệt, nhưng sau đó nhiều người đã nhận được các phép lạ nhờ sự chuyển cầu của chị. Mọi người quen biết chị đều nghĩ chị là một vị thánh.

Cũng có những vị thánh khác nói đến vấn đề bị bóc lột, thánh Têrêsa Avila viết về đời sống trong nhà Dòng:

“Con hãy buộc ý chí mình vâng theo ý muốn của các người chị em khác mặc dù thiệt thòi cho con. Con hãy chấp nhận công việc của mình để làm vui lòng người khác. Hãy tưởng tượng mình là đầy tớ để phục vụ mọi người và nhìn thấy Chúa Kitô trong mọi người. Theo cách này con sẽ vâng lời và kính trọng họ tốt hơn. Dù con kín nước hay rửa chén trong nhà bếp, hãy luôn nghĩ đến sự hiện diện của Chúa.”

Đây có phải là một lời khích lệ việc chấp nhận bị bóc lột? Tôi nghĩ là không. Têrêsa Avila không phải là một phụ nữ thụ động dễ bị người khác chèn ép. Bà đã từ chối việc sống với các nữ tu thuộc nhóm bảo thủ, để theo sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần thiết lập các đan viện cải cách. Tôi tin rằng điều thánh Têrêsa Avila nhấn mạnh ở đây là: một khi chúng ta đã chọn lựa sống theo ơn gọi, chúng ta hãy sống quảng đại, đừng ti tiện, chớ càm ràm và đòi hỏi cho mình các quyền lợi. Đây là điều thánh Phaolô nói: hãy là nô lệ cho Chúa Kitô.

Trong số các truyện về các thánh đã chấp nhận chịu các thiệt thòi, có lẽ truyện thánh nữ Germaine de Pibrac (1579-1601) làm cho nhiều người xúc động nhất. Đây là câu chuyện về thánh nhân do bà Dana Black kể lại. Bà là một người mẹ đã có một ấn tượng sâu sắc về việc vị thánh này đã tác động trên các con của bà.

Mẹ của Germaine chết khi chị còn nhỏ. Khi cha chị tái hôn, người kế mẫu đã tỏ ra thù ghét chị, bởi vì chị có một cánh tay bị bại bẩm sinh. Trong gia đình nghèo túng này, đứa bé có cánh tay bại bẩm sinh sẽ gặp nhiều khó khăn trong công việc nội trợ và đồng áng.

Germaine bị đuổi xuống chuồng ngựa, phải ngủ trong đống rơm, mặc áo rách rưới và không có gì để ăn ngoại trừ những mảnh bánh vụn dư thừa. Không chỉ có thế, bà kế mẫu còn mỉa mai, chế nhạo, đánh đập và cáo gian cho Germaine. Trong nỗi đau khổ cùng cực, chị chỉ biết cầu nguyện, chị chỉ có một thánh giá làm bằng hai que gỗ nhỏ buộc lại với nhau, và một chuỗi hạt Mân Côi do chị dùng một sợi dây thắt các nút thành các hạt nhỏ. Chị hoàn toàn mù chữ, không được đi học để biết đọc, biết viết.

Chị phải chăm sóc cho đàn cừu của gia đình. Công việc này không dễ dàng, vì trong vùng có nhiều sói dữ. Chị cũng phải quay tơ kéo sợi nữa. Vì lòng mộ mến Thánh lễ, chị phó thác đàn cừu cho thiên thần hộ thủ và đi dự lễ. Sau Thánh lễ chị trở về với đàn cừu và nói chuyện với trẻ con và những người hành khất về tình yêu của Thiên Chúa.

Bà kế mẫu tiếp tục đánh đập Germaine cho đến khi chị ngã quỵ xuống đất. Một lần kia, khi chị ngã xuống đất, cái tạp dề của chị bung ra, và đổ xuống đất nhiều bông hoa dù lúc đó đang là mùa đông lạnh lẽo. Chính phép lạ này đã hoán cải tâm hồn của bà kế mẫu. Bà hối hận về sự hung bạo của mình, và xin Germaine rời chuồng ngựa trở về sống trong mái nhà. Thấy lời cầu nguyện của mình cho bà kế mẫu đã được nhậm lời, Germaine rất hạnh phúc nhưng chị vẫn tiếp tục sống ở chuồng ngựa vì sự đơn sơ và cô tịch ở đó. Chị chết trẻ lúc mới 22 tuổi.

Nói chung, những người cảm thấy mình bị bóc lột sẽ phàn nàn vì bị đối xử như nô lệ. Trong cái nhìn này, chúng ta kết thúc chương này với truyện thánh Phêrô Claver, người được mệnh danh là “nô lệ của các nô lệ.”

Thánh Phêrô Claver là người Tây Ban Nha sinh năm 1581 và qua đời ở Tân Thế Giới năm 1654. Mặc dù là một sinh viên xuất sắc và là một tu sĩ dòng Tên, nhưng Phêrô Claver không muốn theo đuổi sự nghiệp trí thức và lại ước muốn đi truyền giáo. Cartegena là nơi Phêrô Claver kết thúc việc học là một trong những hải cảng chính cho việc buôn bán nô lệ vào thời đó.

Các Đức Giáo hoàng đã lên án việc buôn bán nô lệ là một hành vi độc ác và ghê tởm. Nhưng việc buôn bán nô lệ này vẫn phát triển, ngay cả nơi những người Công giáo Tây Ban Nha, vì họ nghĩ rằng: rửa tội cho các nô lệ và giữ gia đình của các nô lệ này ở Tây Ban Nha thì tốt hơn là để những người này phải sống dưới chế độ hà khắc hơn ở các quốc gia khác.

Phêrô Claver là một người e thẹn và ít tự tin, nhưng cha quyết tâm dấn thân vào việc giúp đỡ những người nô lệ da đen Phi châu, những người bị mang đến cảng Cartegena trên những con tàu biển. Bị giam giữ trong các khoang tàu trong nhiều tháng, một phần ba các nô lệ này đã chết khi cập bến, và họ phải sống trong một hoàn cảnh rất tệ hại, và thảm thương.

Tuy nhiên, Phêrô Claver đã đứng ra quyên góp thực phẩm và thuốc men để tặng cho các nô lệ này. Cha có một nhóm các thông dịch viên để giúp cha rao giảng Tin Mừng cho các nô lệ. Cha kể cho họ nghe về Chúa Giêsu chịu đóng đinh trên thập giá, và cho họ thấy họ rất đáng yêu mặc dù phải sống trong hoàn cảnh đau khổ, và cha rất yêu mến họ.

Phêrô Claver yêu cầu các chủ nô chăm sóc về phần linh hồn của những người nô lệ. Và cha cho họ biết phần rỗi của họ tùy thuộc vào cách họ đối xử với các nô lệ của họ. Mỗi năm một lần cha rảo khắp các đồn điền, sống với các người nô lệ để bảo đảm rằng họ không bị đối xử tàn tệ. Các chủ nô thường phàn nàn về việc các nô lệ mất nhiều thời giờ cho việc nghe giảng và hát các bài thánh ca. Người ta ước tính Phêrô Claver đã giảng dạy cho hơn 300 ngàn nô lệ. Trong thời gian có một cuộc bách hại nhỏ, Phêrô Claver đã nhận xét: “Tôi có nhiệm vụ phải bắt chước con lừa. Khi nó đói, nó câm lặng. Khi nó phải chở quá nặng, nó câm lặng. Khi nó bị khinh bỉ và quên lãng, nó vẫn câm lặng. Nó không càm ràm gì cả trong bất cứ hoàn cảnh nào, vì nó chỉ là một con lừa. Thiên Chúa cũng muốn tôi tớ của Ngài sống như vậy.”

Tôi chắc rằng các tâm tình như thế làm những nhà hoạt động cho công bình xã hội kinh tởm. Đối với tôi, chúng chứng tỏ sự tự do của người tự nguyện vác thập giá vì tình yêu Chúa Kitô. Nó đánh dấu sự khác biệt giữa người làm nô lệ cho một người khác, và người từ bỏ chính mình vì muốn làm nô lệ cho Chúa Kitô.

2. Các bước để gặp gỡ Chúa Kitô trong đau khổ của việc bị bóc lộtNụ hôn từ thập giá (3): Gặp gỡ Chúa Kitô trong đau khổ của việc bị bóc lột

a. Bắt đầu với một sự tự nguyện quảng đại phục vụ, giúp đỡ người khác mà không miễn cưỡng, lười biếng, và ích kỷ.

b. Chấp nhận công việc vất vả với tính cách nó đến từ Thiên Chúa hơn là một đòi hỏi làm tổn thương.

c. Kể lại sự phiền muộn của bạn với một người đạo đức mà bạn tín nhiệm.

d. Hãy làm công việc của bạn không phải để đề cao hình ảnh của bạn như một người thánh thiện vì bạn đã không chống lại sự bất công, nhưng hãy làm vì tình yêu dành cho Chúa Giêsu và những người cần đến bạn.

e. Hãy tham dự Thánh lễ hàng ngày nếu có thể được, và hãy nhớ rằng không phải các cây đinh đóng bạn vào thập giá nhưng là tình yêu. Hãy tâm sự với Chúa Giêsu trong cả ngày sống của bạn.

(còn tiếp)

Ronda de Sola Chervin

Nguyên tác: The Kiss from the Cross

Chuyển ngữ: Lm. Montfort Phạm Quốc Huyên

Trích “Nụ hôn từ thập giá”, tr. 37-48

-----------------------------------

* Bài liên quan:

Nụ hôn từ thập giá (1)

Nụ hôn từ thập giá (2)