Nụ hôn từ thập giá (4): Gặp gỡ Chúa Kitô trong đau khổ của thất bại và nghèo túng

[ Điểm đánh giá5/5 ]1 người đã bình chọn
Đã xem: 2354 | Cập nhật lần cuối: 5/3/2016 11:57:29 AM | RSS

(tiếp theo)

Chương III: Gặp gỡ Chúa Kitô trong đau khổ của thất bại và nghèo túng

“Giảng xong, Chúa Giêsu bảo ông Simôn: “Chèo ra chỗ nước sâu mà thả lưới bắt cá.” Ông Simôn đáp: “Thưa Thầy, chúng tôi đã vất vả suốt đêm mà không bắt được gì cả. Nhưng vâng lời Thầy, tôi sẽ thả lưới.” Họ đã làm như vậy, và bắt được rất nhiều cá, đến nỗi hầu như rách cả lưới” (Lc 5,4-6).

“Còn về áo mặc cũng thế, lo lắng làm gì?Hãy ngắm xem hoa huệ ngoài đồng mọc lên thế nào mà rút ra bài học: chúng không làm lụng, không kéo sợi; thế mà, Thầy bảo cho anh em biết: ngay cả vua Salômôn, dù vinh hoa tột bậc, cũng không mặc đẹp bằng một bông hoa ấy. Vậy nếu hoa cỏ ngoài đồng, nay còn, mai đã quẳng vào lò, mà Thiên Chúa con mặc đẹp cho như thế, thì huống hồ là anh em, ôi những kẻ kém tin! Vì thế, anh em đừng lo lắng tự hỏi: ta sẽ ăn gì, uống gì, hay mặc gì đây? Tất cả những thứ đó, dân ngoại vẫn tìm kiếm. Cha anh em trên trời thừa biết anh em cần tất cả những thứ đó” (Mt 6,28-32).

Khi bạn nghĩ về sự thất bại, điều gì xảy đến trong tâm trí bạn đầu tiên? Có lẽ thất bại trong công việc làm ăn sẽ đưa đến sự nghèo túng và không có nhà ở. Hay thất bại trong tình yêu nam nữ bởi vì tình địch hấp dẫn hơn mình. Nhiều Kitô hữu đã rơi vào thất vọng khi bị thất bại.

Bất hạnh thay, thất bại còn xảy đến trong rất nhiều hình thức khác nữa, đôi khi không phải do lỗi của đương sự. Cho dù vô lý, nhiều người cảm thấy thất bại vì họ nghĩ mình xấu xí, hay nghèo túng, hay không có học vấn cao, hay bởi vì mình son sẻ không có con. Tôi hy vọng nhiều độc giả đang chịu đau khổ vì thất bại, sẽ tìm thấy sự gợi hứng từ các thất bại và nghèo túng của các thánh được mô tả trong chương này.

Đôi khi cảm giác thất bại là do chính đương sự gây nên. Chẳng hạn, có người nhìn những nhân vật đẹp trai, có các thành công rực rỡ và cảm thấy mình thất bại, vì so sánh bản thân với các nhân vật kia, những người thành công hơn mình, trông ngoại hình hấp dẫn hơn mình. Ghen tương là một trong những đau khổ tệ hại nhất khi nối kết nó với một ý nghĩa thất bại. Một người cảm thấy mình thất bại bởi vì ghen tương với những người dường như thánh thiện hơn mình rất nhiều.

Xem xét mọi đau khổ liên quan đến thất bại và nghèo túng, chúng ta cần nghiền ngẫm một câu danh ngôn của Leon Bloy: “Chỉ có một thất bại duy nhất. Đó là khi chúng ta đã không sống thánh thiện.”

Chắc chắn đây là xác tín của tất cả các vị thánh. Chúng ta hãy tìm hiểu điều gì trong cuộc sống của các ngài có thể giúp đỡ chúng ta. Làm thế nào các ngài đã vượt qua nỗi cay đắng của các thất bại và sự nghèo túng?

1. Thánh Biển Đức Joseph Labre, một thất bại vinh quang

Có lẽ bạn không quen thuộc mấy với cuộc đời của thánh Biển Đức Joseph Labre, một vị thánh của dân sống ở đầu đường xó chợ, một biểu tượng rất sống động của toàn bộ sự thất bại trong xã hội của chúng ta, và cũng là trong xã hội của thánh nhân nữa.

Tiểu sử ngài được bắt đầu với dòng chữ rất đẹp sau đây: “Không có sự ngọt ngào bí nhiệm nào lớn hơn sự ngọt ngào hy sinh, và cây thập giá khô cằn đã đem lại cho con người sự ủi an lớn lao hơn mọi khu rừng xanh tươi trên thế giới.”

Cuộc đời hy sinh cách lạ lùng của thánh Biển Đức Joseph Labra bắt đầu vào năm 1748 tại Flanders. Biển Đức là trưởng nam trong một gia đình nông dân có 15 người con. Với tư cách là con cả, Biển Đức là người sẽ thừa kế gia sản gồm nhà cửa, các chuồng ngựa và đất đai.

Biển Đức có lòng đạo đức từ nhỏ, rất ý thức về sự công bằng, hơi tỉ mỉ và rất nhiệt thành. Các khuynh hướng này lại được khuyến khích bởi người chú của Biển Đức là một linh mục, và cũng do ảnh hưởng các câu chuyện được nghe về những hy sinh của thánh Phanxicô Assisi. Biển Đức tập luyện sống hy sinh qua việc ngồi xa lò sưởi vào mùa đông và từ chối các món ăn ngon.

Biển Đức cũng là một học sinh xuất sắc ở trường. Anh tiếp tục việc học của mình dưới sự giám hộ của người chú là một cha xứ miền quê. Vào thời đó, cha xứ không chỉ là người lãnh đạo về mặt thiêng liêng trong làng, nhưng còn là người dạy về luật pháp và kỹ thuật nông nghiệp nữa. Ngài cũng là người loan báo các thông tin quan trọng nhất của quốc qia vào các ngày Chúa nhật trong nhà thờ. Chú của Biển Đức là một nhà thần học, một linh mục thánh thiện và tham gia nhiều hoạt động xã hội. Mọi người trong làng đều hy vọng người cháu của ngài sẽ kế tục sự nghiệp đó.

Với lòng nhiệt thành của tuổi trẻ, Biển Đức ham mê đọc các sách thiêng liêng trong thư viện của giáo xứ. Anh thán phục những con người thánh thiện làm các việc đền tội thay cho người khác qua những hy sinh khắc khổ. Tinh thần hy sinh này chống lại các cám dỗ muốn thỏa mãn các dục vọng của xác thịt. Các tác giả ca ngợi các việc hy sinh và xác quyết chúng có thể giúp nhiều linh hồn được cứu rỗi.

Việc đọc sách này lôi cuốn Biển Đức vào trong một cuộc sống hy sinh, và thêm lòng khao khát muốn sống đời khắc khổ trong dòng tu. Tuy nhiên, khát vọng này đi ngược lại với ước muốn của gia đình anh, những người muốn anh trở thành một cha xứ. Sau khi nghe một người khách mô tả đời sống của các đan sĩ Trappist ở đan viện Trappe, Biển Đức cảm thấy xúc động bởi việc các đan sĩ cầu nguyện ban đêm, ăn chay kiêng thịt, xưng thú tội lỗi công khai. Hoàn toàn thinh lặng, từ bỏ và kỷ luật nhiệm nhặt là lý tưởng của De Rance, Đấng sáng lập đan viện. Ngài viết: “Người giàu có không phải là người có rất nhiều thứ, nhưng là người không muốn gì cả.” Một con người như thế tìm thấy mọi sự nơi Thiên Chúa.

Xác tín rằng mình phải là một đan sĩ Trappist, Biển Đức trở về nhà xin phép lành của cha mẹ. Họ từ chối không cho anh đi tu, và gửi anh trở lại cho người chú. Việc dịch bệnh xảy đến trong vùng đã đem lại sự bình an cho Biển Đức, khi anh đi với người chú để làm mục vụ giúp các bệnh nhân và người hấp hối. Trong khi vị linh mục ban các bí tích cho dân chúng, Biển Đức làm vệ sinh giường chiếu của người bệnh, và giúp các trẻ bị bỏ rơi.

Khi người chú chết do dịch bệnh, Biển Đức lúc bấy giờ tròn 18 tuổi, được gửi đến với người cậu, em ruột của mẹ để hoàn tất việc học. Ông cậu này là một cha xứ thánh thiện thuộc dòng Phanxicô. Ngài luôn đi chân trần, không giày dép, và bố thí tất cả những gì mình có cho người nghèo, cầu nguyện nhiều giờ ban đêm trước Nhà Tạm.

Người ta nghĩ rằng nếp sống khắc khổ của người cậu này sẽ phù hợp với Biển Đức. Nhưng không phải thế. Xúc động bởi hình ảnh Chúa Kitô chịu đóng đinh trên thập giá tương phản với hình ảnh tội lỗi của dân chúng trong dịp lễ hội, anh càng khao khát muốn vào đan viện Trappe. Ông cậu khuyên anh nhượng bộ một chút là hãy xin phép cha mẹ vào dòng Carthusian, hình ảnh của dòng này ít gây sợ hãi cho dân chúng hơn đan viện Trappe vì có nhiều đan viện Carthusian trong tỉnh của họ. Cuối cùng Biển Đức đồng ý vào dòng Carthusian.

Nhưng bây giờ mới là bắt đầu của một trường thiên thất bại. Đan viện Carthusian đầu tiên mà Biển Đức xin vào tu đã từ chối nhận anh, bởi vì nó vừa xảy ra một cơn hỏa hoạn do đó không còn chỗ để anh ở nữa.

Chẳng bao lâu sau đó, anh đến đan viện Carthusian thứ hai ở Montreuil. Một lần nữa anh bị từ chối, bởi vì người ta thấy anh có vẻ yếu đuối và không có khả năng ca hát. Anh liền đến một giáo xứ gần đó để học thanh nhạc. Nơi đây anh bị quấy rầy liên tục bởi các học viên ngoài đời. Họ cố gắng mời một thiếu nữ hấp dẫn đến để tìm cách hôn anh.

Trở lại đan viện ở Montreuil, lần này anh đã có khả năng để ca hát. Tuy nhiên, anh chỉ ở được vài tuần rồi bị mời trở về gia đình. Lý do là vì nơi đây anh bị một nỗi đau khổ tấn công trong tâm hồn, và sự việc nghiêm trọng đến nỗi cha bề trên cho rằng anh không đủ mạnh mẽ để bền đỗ đến cùng được.

Người viết tiểu sử của Biển Đức không giải thích thêm về điểm này. Tuy nhiên, sự việc này cũng phù hợp với các kinh nghiệm của nhiều bạn trẻ rất nhiệt tình, những người tin rằng mình có thể sống tốt trong đời đan tu, cố gắng thử nghiệm từ đan viện này đến đan viện khác và cuối cùng họ vẫn không thành công. Một điều gì đó trong đời đan tu đã làm cho các bạn trẻ này thất bại, trong khi sống ngoài đời họ khỏe mạnh hơn, mặc dù họ cảm thấy không hạnh phúc vì không phù hợp với não trạng thỏa hiệp của thế gian.

Chính Biển Đức tin rằng: sự thất bại lần thứ ba này vì anh được kêu gọi để sống trong đan viện khắc khổ nhất là đan viện Trappe. Mẹ của anh không thể hiểu nổi: tại sao con trai cưng của mình lại thích sống đời khắc khổ, thích ngủ với một khúc gỗ gối đầu chứ không phải một cái gối mềm mại êm ấm? Cuối cùng cha của anh thấy rằng: không thể làm cho Biển Đức trở thành một linh mục triều, nên đã đồng ý để anh vào đan viện Trappe.

Vượt qua rất nhiều cánh đồng hoang vu và rừng rậm trong một chặng đường dài, cuối cùng Biển Đức đến được đan viện Trappe. Tuy nhiên, viện phụ của đan viện này đã quyết định từ chối chàng trai trẻ Biển Đức vào dòng, vì ngài e ngại sự nông nổi hấp tấp của tuổi trẻ. Ngài giữ anh trong ít ngày với tư cách là khách, rồi gửi anh trở về gia đình.

Lại một thất bại nữa! Biển Đức đã khiêm tốn làm việc ở nông trại trong một năm. Mùa đông năm đó, sau khi cầu nguyện trên gác xép, cơn bối rối đã hành hạ anh vì các thất bại. Anh nghĩ rằng mình đã không cố gắng thuyết phục viện phụ đan viện Trappe về ơn gọi của mình. Nhìn ra đám tuyết bên ngoài, anh nghĩ rằng nhiều linh mục có thể bị trầm luân vì không có người hiến thân trong việc kết hiệp với Chúa Kitô chịu đau khổ trên thập giá.

Anh đến gặp Đức Giám mục Giáo phận để xin lời khuyên. Ngài khuyên anh nên theo ước muốn của cha mẹ là xin vào dòng Carthusian ở gần đó. Anh đến đan viện này để xin vào tu. Nhưng một lần nữa các đan sĩ ở đây từ chối, vì cho là anh không thích hợp với Dòng. Và anh lại đến đan viện Trappe lần thứ hai.

Lần này vẫn thất bại. Viện phụ ở đây bảo anh hãy chờ đợi. Anh không hề càm ràm, chỉ âm thầm chịu đau khổ, và anh lại tìm đến một đan viện khác cũng thuộc dòng Trappist. Ở đây người ta đón nhận các thanh niên trẻ trung. Cuối cùng, Biển Đức Joseph Labre đã được chấp nhận vào tu tại đan viện Trappist ở Septfonts.

Được mọi người xem là một thỉnh sinh tốt lành, đạo đức, và hăng say làm việc, lần này dường như nỗi khao khát của Biển Đức đã được thành toàn. Tuy nhiên, một sự việc khác đã xảy ra. Đêm tối bao phủ tâm hồn của Biển Đức. Sự thử thách đức tin này làm cho Biển Đức sợ hãi và nghĩ là mình không xứng đáng để được rước lễ.

Anh giữ vững đức tin mặc dù nỗi thất vọng tấn công linh hồn anh. Nhưng các nỗ lực anh hùng này không thể che giấu được sự yếu đuối của thân xác, và hoàn cảnh căng thẳng của tâm trí anh đến nỗi viện phụ e ngại về sự lành mạnh của anh. Cuối cùng chính Biển Đức cũng nhận ra mình không thể ở lại trong đan viện được, vì anh nghe có tiếng nói với anh: “Này con, Thiên Chúa không gọi con vào trong Dòng này.”

Nhưng anh phải đi đâu bây giờ? Trong đêm tối tăm của linh hồn, anh hoàn toàn phó thác bản thân cho sự quan phòng của Thiên Chúa. Sau hành vi dâng hiến này, anh cảm thấy tâm trí thảnh thơi hơn.

Biển Đức đi thang lang, và đến tu viện dòng Thăm Viếng ở Paray-le-Monial. Ở đây, một nữ tu đã nhận anh vào nhà khách. Khi anh đã thấy khá hơn, anh nghĩ cần phải đi hành hương đến Rôma. Vào thời đó, khi người ta gặp thử thách hay một nỗi do dự nào đó thì người ta thường đi hành hương.

Trên đường hành hương, Biển Đức thỉnh thoảng dừng lại để cầu nguyện ở những nơi mà các thánh đã sống và đã chết để kính viếng các thánh tích. Ánh sáng bắt đầu soi chiếu linh hồn thống khổ này. Trong một mạc khải bất ngờ, anh nhận ra ơn gọi của mình là một người hành hương suốt đời. Và anh đã nhận được sự phê chuẩn của một linh mục Giám đốc Chủng viện về tiếng mời gọi này.

Mặc dù thời hưng thịnh của các khách hành hương đã qua, mỗi nhà thờ đều có một nhà khách để các khách qua đường có thể trú ngụ. Vào thời đó, đa số khách vãng lai là những kẻ lang thang hoặc phạm tội, và Biển Đức thường bị bắt cùng với những người như thế rồi bị tống vào tù. Vì khiêm nhường, Biển Đức tự gọi mình là kẻ lang thang hay hành khất chứ không xưng mình là khách hành hương. Do đó, anh bị đối xử như những người sống ở đường phố ngày nay: bị chế nhạo, bị hành hạ bởi đám trẻ con ném đá, rác rưởi và côn trùng vào anh. Bằng cách này, anh cảm thấy mình có thể đền bù tội lỗi trong sự kết hiệp với Chúa Kitô, Đấng bị sỉ nhục, bị đánh đòn, bị bách hại và chịu chết trong đau khổ.

Biển Đức thích lặp lại lời của Ngôn sứ Isaia: “Chính người đã mang lấy những bệnh tật của chúng ta, đã gánh chịu những đau khổ của chúng ta. Chính người đã bị đâm vì chúng ta phạm tội, bị nghiền nát vì chúng ta lỗi lầm; người đã chịu sửa trị để chúng ta được bình an, đã phải mang thương tích cho chúng ta được chữa lành. Bị ngược đãi, người cam chịu nhục, chẳng mở miệng kêu ca; như chiên bị đem đi làm thịt, như cừu câm nín khi bị xén lông người chẳng hề mở miệng” (Is 53,4-7). Theo cách này các thất bại của chúng ta trở nên thành công trong tình yêu dành cho Chúa và các tội nhân.

Không có chỗ trong chương này để nói chi tiết về cuộc sống lạ kỳ của Biển Đức khi anh đi qua các nước Pháp, Ý, Đức và Tây Ban Nha từ đền thánh này đến đền thánh khác. Tôi chỉ đề cập vài sự kiện nổi bật.

Bất cứ nơi nào đón tiếp anh đều nhận được các việc chữa lành, sự hòa giải, và một vài ơn gọi tu trì. Lúc đầu anh cố gắng giũ sạch các sâu bọ trên quần áo mình, nhưng cuối cùng anh để mặc cho mình bị chúng cắn.

Mặc dù khi còn trẻ Biển Đức có thói quen xét đoán khiêm khắc người khác, bây giờ anh hiểu rằng: tội lỗi là kết quả của việc con người không biết đến sự tốt lành của Thiên Chúa. Niềm vui của anh cứ tăng thêm vì hiểu là thế giới này không bị kết án nhưng được máu Chúa Kitô thanh tẩy. Sự bối rối xưa kia nay nhường chỗ cho một sự bình an thanh thản.

Năm 1777 anh quyết định dừng lại và cư ngụ ở Rôma, sống ở gần hí trường Colosseum, ăn các thực phẩm được người ta trao tặng, luôn cầu nguyện bằng kinh Mân Côi hay cuốn “tiểu thần tụng” mà anh còn giữ từ hồi ở trong đan viện.

Khi các du khách đến hí trường Colosseum anh thường mời gọi họ xét mình và xưng tội. Khi anh đi trên các đường phố, các người hành khất thường ném đá anh, vì anh hay khiển trách họ đã nói những lời phạm thượng. Biển Đức thích đến các nhà thờ khi người ta đặt Mình Thánh để chầu.

Sau cùng anh đến ở trong nhà khách của một nhà thờ, nơi cha xứ quý mến anh như một vị thánh. Trước khi chết, tâm hồn anh tràn ngập niềm vui và bình an. Anh qua đời vào Tuần Thánh năm 1783. Ngay hôm đó những người đã từng châm biếm anh, nay nhìn nhận anh như một vị thánh.

Nhiều người chạy đến để kiếm chút thánh tích, kẻ cắt râu và người khác cắt một miếng áo của anh. Các nhà thờ giành giật nhau để được chôn cất anh. Ngày lễ an táng của anh có cả các vị Hồng y và các viên đại sứ đến dự. Và nhiều phép lạ xảy ra: nhiều người mù, người bại liệt và người câm được chữa lành. Một mục sư Tin Lành vẫn thường chống đối Giáo hội Công giáo nay được ơn trở lại với đức tin Công giáo.

Nhiều vị thánh đã cảm thấy mình thất bại khi còn sống, nhưng khi qua đời thì ảnh hưởng của các ngài lại hết sức lớn lao.

Thánh Biển Đức, tổ phụ của các đan sĩ Tây phương, đã trải qua nhiều thất bại. Trước hết, có một nhóm các đan sĩ xin ngài đến làm viện phụ của họ. Nhưng sau đó lại mưu sát ngài bằng thuốc độc vì không chịu nổi đường lối tu trì khắc khổ của ngài. Thất bại này khiến thánh nhân quyết định quy tụ các môn đệ để thành lập một đan viện riêng của mình. Câu chuyện cho thấy làm thế nào sự thất bại thường đưa đến một công việc tốt đẹp hơn.

Sau này đan viện của thánh nhân trở thành một trung tâm linh đạo nổi tiếng đến nỗi làm cho vị linh mục ở gần đó ghen tị. Vị giáo sĩ ghen tương này mời một nhóm phụ nữ đến nhảy múa gần đan viện để cám dỗ các đan sĩ. Một lần nữa thánh nhân cùng với các đan sĩ bỏ đi để thiết lập đan viện ở một nơi khác.

(còn tiếp)

Ronda de Sola Chervin

Nguyên tác: The Kiss from the Cross

Chuyển ngữ: Lm. Montfort Phạm Quốc Huyên

Trích “Nụ hôn từ thập giá”, tr. 49-59

-----------------------------------

* Bài liên quan:

Nụ hôn từ thập giá (1)

Nụ hôn từ thập giá (2)

Nụ hôn từ thập giá (3)