Nụ hôn từ thập giá (6)

[ Điểm đánh giá5/5 ]1 người đã bình chọn
Đã xem: 2405 | Cập nhật lần cuối: 5/30/2016 4:28:57 AM | RSS

Chương IV: Gặp gỡ Chúa Kitô trong đau khổ của nỗi sợ hãi

“Lạy Chúa, dầu qua lũng âm u, con sợ gì nguy khốn, vì có Chúa ở cùng. Côn trượng Ngài bảo vệ, con vững dạ an tâm.” (Tv 23, 4)

“Tình yêu hoàn hảo loại trừ sợ hãi,” (1 Ga 4, 18)

Hạn từ “sợ hãi” được đề cập trong Kinh thánh rất nhiều lần, đến nỗi người ta nghĩ rằng đó là một tên khác của con người. Hãy nghĩ đến đủ mọi loại sợ hãi khác nhau: sợ cái chết của chính mình, cái chết của những người thân yêu của mình, sợ hãi bạo lực, sợ thất nghiệp, sợ bệnh tật, sợ mất tình cảm của những người mà bạn lệ thuộc, sợ mình trở thành trò hề cho thiên hạ, sợ mất tình yêu Thiên Chúa vì tội mình phạm, sợ các hậu quả do tội của những người thân yêu của mình, sợ mất đức tin, và cuối cùng nỗi sợ lớn nhất là sự âu lo mà không biết nguyên nhân tại sao.

Bạn có thể dễ dàng thêm vào danh sách của tôi các nỗi sợ khác. Sau khi mô tả cuộc sống của một vị thánh, người có rất nhiều loại sợ hãi, tôi sẽ đưa ra vài sự hiểu biết sáng suốt của các vị thánh khác liên quan đến các nỗi sợ hãi mà bạn có thể đang cảm thấy bức xúc.

1. Chân phước Francis Libermann, vị thánh bảo trợ những người sợ hãi

Trong chương vừa qua chúng ta có đề cập một chút về chân phước Francis Libermann, một linh mục Công giáo gốc Do Thái ở thế kỷ 19. Ở đây tôi muốn mô tả chi tiết hơn về vị chân phước này, với tư cách là một tấm gương của việc gặp gỡ Chúa Kitô trong đau khổ của nỗi sợ hãi.

Truyện của tôi dựa vào cuốn sách “Một ánh sáng cho dân ngoại” của Adrian Van Kaam, một nhà tâm lý Kitô giáo nổi tiếng của thời nay, và là thành viên của một Hội dòng được chân phước cải cách: Dòng Chúa Thánh Thần.

Jacob Libermann (sau khi trở lại Công giáo được gọi là Francis Libermann) là con thứ năm của một Rabbi Do Thái ở miền Alsace. Jacob sinh năm 1802 với một thân xác yếu đuối nhưng có một trí khôn hết sức thông minh và một tinh thần “tỉnh thức” nhạy bén. Van Kaam mô tả “sự tỉnh thức” này là phúc lành lớn nhất và cũng là một cái ách nặng nề nhất của vị chân phước này.

Jacob rất mẫn cảm về những khó khăn của một cộng đoàn Do Thái sống ở giữa Dân ngoại. Cả hai nhóm đều thù ghét các khác biệt của nhau, và mang một mối thù truyền kiếp. Jacob cảm nghiệm mọi nỗi sợ hãi của một người Do Thái đi trên đường phố, anh có thể bị chế giễu và bị tấn công mà không thể phản kháng được.

Jacob cảm thấy người Do Thái dường như không giống những người khác. Một lần kia, anh gặp một đám Công giáo ngoài đường phố. Anh vội ẩn vào một cửa hàng trong nỗi sợ hãi. Ngay cả khi ở giữa gia đình và các bạn bè, anh giống như một người đứng bên lề vì anh quá yếu ớt không thể tham gia các trò chơi với các bạn trẻ khác. Họ cũng hay trêu chọc sự yếu đuối của anh. Điều này làm cho anh bị chứng co giật trên khuôn mặt mà anh không thể kiểm soát được. Trong nỗi sợ hãi anh thường chạy đến dựa vào người anh cả của mình.

Khi Jacob lên 11 tuổi, người mẹ yêu quý của anh qua đời, để lại việc chăm sóc anh cho người cha, một người đàn ông nghiêm nghị. Ông muốn các con trai cũng phải trở thành người chuyên nghiên cứu về luật Môsê như mình. Ông là môt Rabbi nghiêm khắc, khi một thành viên trong cộng đoàn giết một con bọ chét trong ngày Sabbath vì nó cắn anh ta, ông đã đưa ra hình phạt cho anh trong 30 ngày chỉ được ăn bánh khô và uống nước lã!

Tuy nhiên, ông Lazarus Libermann cũng là một tấm gương bác ái cho các con trai ông. Ông luôn mở rộng cửa đón tiếp các người nghèo khổ và cho họ ăn. Ông đặc biệt yêu quý Jacob, vì ông thấy anh là người có triển vọng nhất để trở thành người kế tục sự nghiệp của mình. Trong nhiều năm, ông giữ Jacop bên cạnh mình, hướng dẫn và chú giải cho anh từng chi tiết trong luật Môsê.

Nhiều năm sau, với tư cách là một vị linh hướng, Jacob nói với các bạn trẻ có tính nhạy cảm: đừng ghen tị với những người không tế nhị, những người xem ra đau khổ ít hơn. Các bạn trẻ này cần nhận ra: tính nhạy cảm là một hồng ân Thiên Chúa, tuy đưa đến nhiều đau đớn nhưng cũng là một cơ may để lớn lên trong sự trọn lành với một nhịp bước nhanh lẹ. Jacob cũng để cho những người dưới quyền mình có một sự tự do rộng rãi, vì anh cho rằng dùng quyền hành để cố gắng thay đổi người khác là sai lầm. Anh thích khẳng định các nhân đức của họ và cầu nguyện để các thói xấu của họ giảm dần đi.

Trong những ngày ngột ngạt dưới quyền của người cha nghiêm khắc, Jacob cảm nghiệm được nỗi sợ không thể chịu đựng được mà anh sẽ trải qua trong suốt cuộc đời, bất cứ khi nào anh phải chống lại những đòi hỏi vô lý của người khác. Về mặt tích cực, việc học hỏi các giáo huấn của người cha đưa anh đến một niềm tin vào sự siêu việt vô biên của Thiên Chúa.

Thật dễ tưởng tượng nỗi khiếp sợ của một vị Rabbi Do Thái khi chứng kiến hết đứa con trai này đến đứa con trai khác của mình từ bỏ sự an toàn của thế giới Do Thái để đi học ở thành phố. Tách khỏi sự giám thị của ông, các con trai ông không chỉ pha trộn với Dân ngoại, nhưng còn chịu ảnh hưởng của đức tin Kitô giáo nữa. Các con trai ông lần lượt từ bỏ thế giới Do Thái để đi theo một nhân vật xa lạ: Giêsu Kitô.

Sự việc bắt đầu với Samson, con trai cả của ông. Chán chường với việc nghiên cứu của một Rabbi, Samson quyết định đi học ở Strausburg để trở thành một bác sĩ. Thỉnh thoảng anh vẫn đến hội đường, nhưng anh thấy mình không thể cầu nguyện được nữa. Kết hôn với một thiếu nữ Do Thái cũng có vấn đề đối với giáo lý của đạo Do Thái, anh bắt đầu đọc các sách Tin Mừng và tìm thấy con đường đến với Giáo hội Công giáo. Nghe biết tin này, cha anh đã khóc lóc thảm thiết và quyết định tuyên bố con của mình đã chết. Đây là thói lệ của người Do Thái vào thời đó. Cú sốc còn mạnh hơn khi ông Lazarus Libermann nghe biết đứa con trai thứ hai của ông cũng theo Kitô giáo.

Trong thế giới Do Thái có thói lệ: khi người thiếu niên chuyên về học thuật đã học hết kiến thức của vị Rabbi ở địa phương, anh sẽ được gửi đến một thành phố lớn để theo học với một Rabbi danh tiếng hơn. Vào năm 22 tuổi, Jacob được gửi đến thành phố Metz với hy vọng sự đạo đức của anh sẽ đền bù cho hành động phản bội của người anh Samson.

Tuy nhiên, Jacob đã cảm nghiệm một sự vui sướng, không phải vì được nghiên cứu sâu hơn, nhưng vì thoát khỏi sự nghiêm khắc của người cha. Theo kế hoạch, anh sẽ học tập với một Rabbi, vị này trước kia từng là học trò của cha anh. Anh mong đợi mình sẽ được tiếp đón nồng nhiệt. Nhưng Jacop đã phải ngạc nhiên, vì Rabbi tiếp đón anh rất lạnh nhạt. Sự việc này khiến anh sợ hãi và bỏ đi, không bao giờ trở lại với vị giáo sư mà người cha đã chọn cho anh.

Sau đó anh đọc sách của Rousseau và Voltaire. Chủ nghĩa duy lý bắt đầu phá hủy lòng đạo đức của anh, và Jacob bị sự ngờ vực tấn công. Anh bắt đầu tự hỏi: liệu các phép lạ trong Kinh thánh có phải là chuyện bịa đặt hay không. Trong thời gian này anh học các ngôn ngữ, và một người bạn đã đến nhờ anh giúp đỡ về tiếng Do Thái trong một bản văn đặc biệt. Bản văn này là cuốn sách Tin Mừng. Lần đầu tiên đọc Tân Ước, Jacob bị nhân vật Giêsu thu hút, cho dù có sự hoài nghi về các phép lạ. Anh phải thừa nhận rằng: một nhân vật như Giêsu khác xa những gì mà người Do Thái quan niệm về bản tính Thiên Chúa. Ngoài Thiên Chúa ra, ai có thể sống cao thượng như thế. Liệu có ai bịa đặt ra được một nhân vật như thế?

Trong thời gian này hai người anh khác của Jacob đã trở thành người Công giáo với sự giúp đỡ của người anh cả Samson. Cự tuyệt việc này nhưng cũng bị lay động, Jacob quyết định một điều mà anh thấy chắc chắn: anh sẽ không trở thành một Rabbi nữa. Theo đề nghị của Samson, anh đi Paris để xem sẽ theo nghề gì.

Trên đường đi, anh ghé qua nhà để thăm người cha già, đã về hưu và đang đau khổ vì tin tức về những người con trai của ông, và ông đang lo sợ về điều có thể xảy ra cho Jacob, người con trai cưng của ông. Ông đã nghe biết Jacob dành nhiều thời gian để học tiếng Latinh hơn là tiếng Do Thái. Che giấu sự ngờ vực của mình, Jacob nói với cha rằng: anh vẫn là một tín hữu Do Thái, và xin phép lành của ông để đi Paris học tập.

Cuộc viếng thăm người anh trai Samson đã làm anh bối rối. Anh bị xâu xé giữa đạo Do Thái và tư tưởng tự do. Và anh tự hỏi: điều gì đã làm cho vợ chồng Samson có một niềm vui thanh thản như vậy, phải chăng là việc trở thành những người Công giáo đạo đức? Samson trao cho Jacob một lá thư giới thiệu với tiến sĩ Drach một cựu Rabbi, nay đã trở thành một người Công giáo. Lá thư này anh mang theo cùng với một lá thư giới thiệu anh với Deutz, vị Rabbi Trưởng ở Paris.

Cuộc xâu xé trong thâm tâm anh xảy ra từ đó cùng với chứng đau đầu. Sự giằng co này chỉ dịu đi khi Felix, người anh trai của anh đang sống ở Paris, loan báo ông đã trở lại với đức tin Công giáo.

Chẳng bao lâu sau đó Jacob viếng thăm Rabbi Deuz lẫn tiến sĩ Drach. Cả hai đều tỏ ra quan tâm đến anh, nhưng Jacob thấy mình không đủ tin tưởng để trở thành một Rabbi như Deuz đề nghị. Anh nghĩ rằng mình nên đến thăm chủng viện Công giáo, nơi tiến sĩ Drach nói: anh có thể nghiên cứu ở đó trong sự bình an.

Ở trong một căn phòng tách biệt cùng với một bộ sách cũ để đọc, tràn đầy thất vọng và sợ hãi, Jacob bất thình lình ngã xuống sàn nhà và la lên: “Lạy Thiên Chúa của Abraham, Isaac, và Jacob.” Các lời cầu nguyện từ các Thánh Vịnh vang lên trên môi miệng của Jacob. Bị nghiền ép trong nỗi thất bại, anh đã cầu nguyện như anh chưa bao giờ cầu nguyện trước đó. Như người sắp chết đuối bám lấy khúc gỗ trôi nổi, anh van nài Thiên Chúa soi sáng cho anh. “Bất thình lình, với một tia sáng lóe lên, tôi đã thấy sự thật, đức tin tràn ngập tâm hồn và trí khôn tôi.”

Bây giờ xác tín rằng: Thiên Chúa của Kinh thánh là Thiên Chúa đã dựng nên vũ trụ, và Ngài đã đi vào lịch sử qua các phép lạ, Jacob đã có thể đọc về Chúa Kitô với niềm tin tưởng về các phép lạ, sự sống lại và bí tích Thánh Thể.

Jacob đã cảm nghiệm được niềm vui và sự hạnh phúc tràn đầy khi anh chuẩn bị lãnh nhận bí tích Rửa tội. Bất thình lình trước khi anh chuẩn bị lãnh nhận bí tích, hình ảnh về người cha chợt đến trong tâm trí anh, nó mạnh mẽ đến nỗi gây nên một nỗi thống khổ cho anh. Một sự tưởng nhớ đến người mẹ quá cố, người mà anh cảm thấy đã đồng ý cho anh chịu phép Rửa tội, đã làm anh trầm tĩnh lại.

“Khi dòng nước thánh chảy trên đầu tôi, nó làm tôi như sống trong một thế giới khác. Tôi trở nên một con người mới. Tất cả mọi âu lo và bấp bênh đều biến mất ngay lập tức. Tôi cảm thấy mình can đảm và có một sức mạnh phi thường để giữ các luật của Kitô giáo. Tôi cảm thấy lòng mình an tĩnh, thanh thản khi thuộc về một tôn giáo mới.” Jacob lấy tên mới là Francis.

Từ nay anh sẽ sống hạnh phúc ư? Anh có sự bình an nội tâm, nhưng sự an tĩnh về tình cảm thì không. Ngay sau lãnh nhận bí tích Rửa tội, anh đã suy nghĩ về việc trở thành một linh mục. Anh bắt đầu chú ý và thấy rằng: có một vài chủng sinh có thành kiến chống người Do Thái, và vì vậy cũng có ác cảm với anh. Họ nhìn anh bằng con mắt nghi ngờ và đặt vấn đề về các động lực thúc đẩy anh. Một ngày kia sau cuộc nói chuyện với một chủng sinh ngờ vực mình, bỗng anh nghĩ về cha mình, người đã không được biết về việc anh lãnh nhận bí tích Rửa tội. Ngay lập tức anh lại tràn ngập lo âu và cảm thấy choáng váng.

Francis đã phải vịn vào tường để khỏi ngã. Anh cố gắng đặt hết tin tưởng vào Thiên Chúa, và tiếp tục ở lại chủng viện, mặc cho sự chế nhạo của những chủng sinh trẻ và khỏe mạnh xung quanh anh. Việc mỗi buổi sáng đến cầu nguyện thật sớm trước bí tích Thánh Thể là một nguồn mạch đem lại sự bình an cho anh.

Trong khi đó, Francis đã viết một lá thư cho cha mình, để giải thích về nguyên nhân đưa anh đến với Chúa Kitô. Khi đọc lá thư hồi âm của người cha, anh tái mét và cảm thấy choáng váng, nhức đầu như thể anh sắp bị ngất đi. “Con sẽ bị kết án trầm luân mãi mãi. Con sẽ bị trục xuất như một kẻ phong cùi. Hãy trở về với cha. Con là niềm hy vọng cuối cùng của cha. Hãy trở về mái nhà của con. Hãy trở về trong vòng tay của người cha già của con, trước khi ông chết.”

Trước sự vâng phục và phó thác cho Thiên Chúa ngay lập tức của Francis, Chúa Kitô đã đến trong tâm hồn của anh trong một đường lối mạnh mẽ và mới mẻ giúp anh chống lại đòi hỏi của người cha. Anh đã viết cho cha mình một lá thư dài đầy tình thương, và hai năm sau cha anh đã qua đời.

Nhưng trước khi Francis có thể chịu chức linh mục, anh mắc phải bệnh động kinh cùng với chứng đau đầu. Bệnh này làm cho anh lo sợ mình sẽ không được lãnh nhận chức linh mục mà anh hằng ao ước. Trong nỗi lo âu, anh càng liên lỉ bám chặt vào Chúa Giêsu trong tâm trí anh. Nhờ lời cầu nguyện, anh vẫn giữ được sự bình an trong tâm hồn sau cơn động kinh. Nhưng một nỗi lo sợ về lời nguyền rủa của cha anh gây nên bệnh tật để ngăn cản anh tiến đến chức linh mục lại tấn công anh. Vì một người mắc chứng động kinh có thể chịu chức linh mục được không? Cuộc đời không xảy ra như ý mình muốn.

Các cơn bệnh cứ liên tục xảy ra làm anh sợ hãi. Anh cố gắng dùng đức tin để vượt thắng các nỗi lo âu. Anh gọi bệnh của mình là “chứng bệnh yêu quý” vì đó là con đường để anh chia sẻ nỗi đau khổ của Chúa Kitô.

Sau nhiều lần lên cơn động kinh, điều rõ ràng là anh không thể được chịu chức linh mục. Vì anh không muốn hồi tục, nên anh cứ tiếp tục làm các công việc vặt trong chủng viện. Dần dần anh trở thành một người cố vấn cho các chủng sinh mới, những người học hỏi nơi anh lòng cảm thương và sự khôn ngoan.

Cho đến lúc này nỗi sợ hãi vẫn còn nặng nề trong tâm hồn của Francis. Nhưng anh học cách đem nỗi sợ hãi vào trong lời cầu nguyện và nỗi sợ không còn làm anh tê liệt nữa. Cuối cùng, Francis đã phục hồi sức khỏe, khỏi được chứng bệnh động kinh và được chịu chức linh mục. Sau đó Francis đã lập một Hội dòng lo việc truyền giáo. Dòng này về sau sát nhập với dòng Chúa Thánh Thần. Con người này luôn bị xâu xé bởi các nỗi sợ hãi đã được các môn đệ yêu mến vì mẫu gương và lời giảng dạy về việc làm thế nào để phó thác cho sự quan phòng của Thiên Chúa. Chân phước Francis Libermann qua đời năm 1852 trong sự bình an.

Chân phước Francis Libermann đã viết cho một người nhận sự linh hướng của Ngài về các nỗi sợ hãi và lo âu như sau:

“Con phải quên đi các nỗi lo lắng. Phớt lờ chúng, đừng dõi theo chúng. Điều đã từng làm hại cha hơn mọi sự khác là sự lo âu, bồn chồn, và lo toan trước. Trong những lúc căng thẳng, chúng ta phải giũ sạch các cảm xúc bồn chồn gây kích thích và quên chính mình đi. Đừng để mình bị nỗi lo âu chi phối. Chúng ta phải cương quyết loại bỏ các cảm xúc như thế, và lãnh đạm với khả năng các tai họa có thể ập xuống trên chúng ta hay không. Hãy chặn lại sự tưởng tượng, và các cảm xúc quá mãnh liệt. Giảm đi một chút các hoạt động bên ngoài để có một tâm hồn lắng đọng, bình an để có thể lắng nghe và đón nhận ân sủng của Chúa Thánh Thần, Đấng hằng ngự trong con.”

Đối với nhiều Kitô hữu, nỗi sợ mất đi sự an toàn về mặt tài chánh là một trong những nỗi lo âu kịch liệt nhất. Bạn sẽ ngạc nhiên khi biết thánh Inhaxiô Loyola đã nói: chúng ta cần phó thác cho ý Chúa và tin tưởng vào sự quan phòng của Ngài rằng: chúng ta sẽ không bị mất đi nguồn thu nhập. Có lẽ bạn nghĩ: “Tốt, điều đó đúng cho thánh nhân, ngài chẳng có gia đình để phải lo lắng cung cấp cho họ.” Nhưng bạn quên rằng: thánh Inhaxiô là người cha của một cộng đoàn Dòng tu, và ngài đã phải cố gắng để xoay xở về mặt tài chánh cho cộng đoàn của ngài. Thay vì coi thường lời khuyên của thánh nhân, chúng ta cần cầu nguyện để có một đức tin mạnh mẽ vào Thiên Chúa, lời cầu nguyện giúp chúng ta vững vàng trong những lúc khó khăn.

Thánh Têrêsa Avila có nhiều lý do để sợ hãi các thứ bệnh, vì thánh nữ luôn đau đớn vì bệnh tật. Thánh nhân bị nhức đầu, đau tai và đau dạ dày. Tuy nhiên, ngài đã viết: “Chúng ta có thể bị lừa dối bởi sự lo lắng về sức khỏe của mình. Hơn nữa, sự lo lắng về sức khỏe không cải thiện được sức khỏe của chúng ta. Tôi biết rõ điều này.”

Một nỗi lo sợ thầm kín về cái chết tác động đến nhiều chọn lựa của chúng ta. Chúng ta có thể xem xét cuộc đấu tranh của hai nhân vật nổi tiếng trong mọi thời đại là vua Đavít và thánh Phêrô.

Nỗi lo sợ của Đavít với nhiều kẻ thù đã được phản ánh trong các Thánh Vịnh. Phương thuốc của ông là nấp vào cánh tay của Thiên Chúa, nhớ lại những lần đã được Thiên Chúa cứu thoát.

“Từ chốn cao vời, Chúa đưa tay nắm lấy,

vớt tôi lên khỏi nước lũ mênh mông,

cứu tôi thoát đối phương tàn bạo

và kẻ thù mạnh thế hơn tôi.

Chúng tấn công tôi ngày tôi lâm nạn,

nhưng Chúa thương bênh đỡ phù trì,

Người kéo tôi ra chỗ thảnh thơi,

vì yêu thương tôi nên Người giải thoát.” (Tv 18,17-20).

Tôi thích câu cuối cùng: “vì yêu thương tôi nên Người giải thoát.” Nó phản ánh niềm tín thác như trẻ thơ của Đavít vào Thiên Chúa là cha của ông. Tôi tin rằng Thiên Chúa sẽ làm dịu các nỗi sợ hãi của chúng ta, khi chúng ta dừng các hành động điên cuồng của mình để bình tâm nhận ra: “Hãy biết Ta đây là Thiên Chúa! Ta thống trị muôn dân, thống trị địa cầu,” (Tv 46, 11).

Trầm tĩnh lại trong sự hiện diện của Thiên Chúa, chúng ta có thể cùng với Đavít và cùng với Chúa Giêsu trên thập giá thưa lên: “Trong tay Ngài, con xin phó thác hồn con, Ngài đã cứu chuộc con, lạy Chúa Trời thành tín” (Tv 31, 6).

Còn về thánh Phêrô, chúng ta có tư liệu trong Tân Ước. Chính ông đã sợ chết đuối khi Chúa Giêsu cho phép ông đi trên mặt nước đến với Chúa (Mt 14, 30). Cũng vì lo sợ cho Chúa Giêsu và cho bản thân mà ông đã ngăn cản việc đi lên Giêrusalem dịp lễ Vượt Qua (Mt 26,69-75).

Lời kêu cầu Chúa Giêsu đã cứu ông khỏi nỗi sợ hãi chết chìm. Chúng ta đọc trong thư thứ nhất của Phêrô: “Mọi âu lo, hãy trút cả cho Người, vì Người chăm sóc anh em,” (1 Pr 5, 7). Ông đã biết cần có một sự tín thác tuyệt đối để vượt thắng mọi nỗi sợ hãi.

Thánh Gioan Kim Khẩu đã sống trong thời kỳ có các cuộc đấu tranh về các điều phải tin. Các kẻ thù của Ngài thường đe dọa sẽ giết chết ngài. Nhưng ngài nói: “Chỉ có một điều đáng sợ, đó là tội lỗi. Tôi đã lặp lại với anh em điều này nhiều lần. Mọi điều còn lại đều không phải sự quan trọng, dù là các âm mưu, sự căm thù, các phản bội, các lời vu khống, các lạm dụng, việc tịch thu tài sản, lưu đầy, gươm giáo, hay biển cả. Tất cả sẽ qua đi. Chúng chỉ giết chết thân xác, nhưng không làm hại được linh hồn.”

Thánh Augustine cũng viết: “Khi người ta ước ao sống thọ, chẳng qua là ước ao kéo dài sự yếu đuối thôi.” Còn thánh Antôn khích lệ chúng ta: “Cũng như khi thân xác của thai nhi đã phát triển đầy đủ thì nó được sinh ra, linh hồn đạt đến mức tối hạn thì nó cũng lìa bỏ thân xác như vậy.”

Trước khi kết thúc chương này, tôi muốn nói về một nỗi lo âu mà nhiều người cảm nghiệm, họ lo âu nhưng không biết điều gì gây ra nỗi sợ đó, như thể họ sợ hãi về mọi sự. Thánh Francis de Sales khuyên: “Trọng tâm của tâm trí chúng ta phải là luôn hướng về tình yêu của Thiên Chúa.” Khi chúng ta thực hiện điều này, chúng ta sẽ bớt âu lo về các điều nguy hiểm trong cuộc sống, vì chúng ta không đặt niềm hy vọng của mình vào các sự vật trên mặt đất này, nhưng đặt hy vọng vào các sự trên trời, nơi không bao giờ làm chúng ta thất vọng. Thánh Francis de Sales nói tiếp: “Nếu một linh hồn tìm kiếm các phương thế để thoát khỏi các sự dữ vì tình yêu Thiên Chúa, nó sẽ tìm kiếm trong sự kiên nhẫn, an tĩnh, và chờ đợi sự giải thoát từ sự quan phòng của Thiên Chúa. Nếu nó tìm kiếm sự giải thoát vì tính tự ái, nó sẽ vội vã tiến lên và nóng nảy truy tìm các phương thế, như thể điều tốt lành này phụ thuộc vào nó hơn là Thiên Chúa. Nếu nó không nhanh chóng nhận được điều nó chờ mong, nó sẽ rơi vào sự lo âu và mất kiên nhẫn, thống khổ và buồn bã, mất lòng can đảm và sức mạnh đến nỗi dường như sự dữ của nó không còn cách nào cứu vãn nữa.” Tôi tin là thánh nhân đã trải qua kinh nghiệm như thế mới có thể viết một cách sâu sắc như vậy.

2. Các bước để vượt thắng nỗi sợ qua việc tín thác vào Chúa Kitô

a. Bạn hãy đưa nỗi sợ hãi của mình vào trong lời cầu nguyện với Thiên Chúa, hãy nài xin ơn can đảm. Hãy lặp lại lời của Chúa Giêsu: “Lạy Cha, nếu có thể được, xin cho con khỏi phải uống chén này. Tuy vậy, xin đừng theo ý con, mà xin theo ý Cha.” (Mt 26, 39)

b. Hãy làm mới lại đức tin của bạn, có lẽ bạn nên đọc lại Kinh Tin Kính, hãy nhớ rằng: điều bạn lo sợ mất đi thì không có giá trị bằng chính Thiên Chúa và sự sống đời đời trên thiên đàng, nơi mà bạn sẽ tìm thấy điều bạn dường như đã mất trên đời này.

c. Hãy cầu xin Chúa Kitô giúp bạn trong nỗi sợ hãi. Hãy xin Ngài giơ tay ra cứu bạn như đã làm cho thánh Phêrô.

d. Thay vì dùng thời gian để phân tích nỗi sợ của bạn, hãy dùng thời giờ để cầu nguyện, tốt nhất là trước bí tích Thánh Thể. Bạn hãy lặp lại lời của Chúa Giêsu: “Con xin phó thác tâm hồn con trong tay Cha.”

e. Để ngăn ngừa nỗi sợ làm tê liệt ý chí của bạn, khiến bạn không thể làm điều tốt, bạn hãy nài xin Chúa Kitô ban cho bạn niềm xác tín rằng: bạn không bao giờ cô đơn, và Chúa luôn ở với bạn trong những lúc bạn gặp sợ hãi và thử thách.

(Còn tiếp)

Ronda de Sola Chervin

Nguyên tác: The Kiss from the Cross

Chuyển ngữ: Lm. Montfort Phạm Quốc Huyên

Trích “Nụ hôn từ thập giá”, tr. 66-79

--------------------------------------

* Bài liên quan:

Nụ hôn từ thập giá (1)

Nụ hôn từ thập giá (2)

Nụ hôn từ thập giá (3)

Nụ hôn từ thập giá (4)

Nụ hôn từ thập giá (5)