Nụ hôn từ thập giá (7): Gặp gỡ Chúa Kitô trong đau khổ của mỗi thất vọng

[ Điểm đánh giá5/5 ]1 người đã bình chọn
Đã xem: 2302 | Cập nhật lần cuối: 6/11/2016 2:55:57 PM | RSS

(Tiếp theo)

Chương V: Gặp gỡ Chúa Kitô trong đau khổ của mỗi thất vọng

“Hãy run sợ, và đừng phạm tội nữa, trên giường nằm, suy nghĩ và lặng thinh. Hãy tiến dâng lễ tế như luật truyền, và tin tưởng vào Chúa” (Tv 4,5-6).

“Phúc thay ai khao khát nên người công chính, vì họ sẽ được Thiên Chúa cho thỏa lòng” (Mt 5, 6).

“Anh em đừng bao giờ thốt ra những lời độc địa, nhưng nếu cần, hãy nói những lời tốt đẹp, để xây dựng và làm ích cho người nghe. Anh em chớ làm phiền lòng Thánh Thần của Thiên Chúa, vì chính Người là dấu ấn ghi trên anh em, để chờ ngày cứu chuộc. Đừng bao giờ chua cay gắt gỏng, nóng nảy giận hờn, hay la lối thóa mạ, và hãy loại trừ mọi hành vi gian ác. Trái lại, phải đối xử tốt với nhau, phải có lòng thương xót và biết tha thứ cho nhau, như Thiên Chúa đã tha thứ cho anh em trong Đức Kitô” (Ep 4,29-32)

Tâm trạng vỡ mộng có nhiều tên. Đa số nghe có vẻ như các cảm xúc, như: “Đừng làm phiền tôi nữa” hay “Tôi không thể chịu đựng thêm nữa.” Chúng ta muốn càu nhàu hay nghiến răng khi kế hoạch của mình bị kẻ thù ngăn trở, hay gặp hoàn cảnh không thuận lợi. Bao nhiêu lần những người không thể đối phó với sự thất bại đã thốt lên những lời cáu kỉnh như thế!

Các nguyên nhân gây ra tâm trạng thất vọng dường như là vô số: thiếu tình thương, nền giáo dục không đủ, thất nghiệp, có vấn đề với cấp trên, cách cư xử khó chịu của con cái, thời tiết xấu, máy móc trục trặc, kẹt xe, và sống trong cảnh chật chội.

Đối với các Kitô hữu, những người sống bình an nhờ tính khí hay sự khôn ngoan, thì sự nóng giận dường như là phi lý, và có vẻ buồn cười. Làm sao người ta có thể đá vào chiếc máy giặt vì “tội” nó bị trục trặc sau bao nhiêu năm sử dụng! Nhưng đối với các Kitô hữu có tính khí nóng nảy muốn trở nên một người sống thanh thản thì tâm trạng thất vọng là một khía cạnh đau khổ và bức xúc nhất trong cuộc sống hàng ngày. Tuy nhiên, chúng ta có thể học được nhiều điều từ gương mẫu của các thánh.

1. Thánh Anphongsô Ligôri – Vị thánh bảo trợ những người thất vọngNụ hôn từ thập giá (7): Gặp gỡ Chúa Kitô trong đau khổ của mỗi thất vọng

Anphongsô sinh năm 1696 trong một gia đình quý tộc tại Naples, là một trong những người con trai của một đại úy thuyền trưởng. Ông chỉ muốn các con trai mình tiếp nối sự nghiệp của ông. Hãy tưởng tượng sự chán ghét của người cha khi thấy Anphongsô từ lúc sinh ra có một thể trạng nhỏ bé, yếu ớt và hen suyễn. Cũng dễ hình dung sự chán ghét của người cha tác động trên người con trai, và chúng ta có thể xem đây là tâm trạng thất vọng đầu tiên của Anphongsô.

Khi Anphongsô lớn lên, người cha nhận ra không thể làm cho con mình theo đuổi nghề binh như mình mong ước. Nhưng ông nhận thấy anh rất thông minh, vì thế ông gửi con mình đến trường đại học để học luật. Anphongsô đã thành công rực rỡ. Tuy nhiên, tài năng đó không làm anh mất đi lòng cảm thương những người nghèo khổ và sự ghê tởm các bất công trong xã hội.

Trong khi theo đuổi nghề nghiệp như cha anh vạch ra, anh bắt đầu nghe thấy tiếng của Chúa Giêsu mời gọi mình dâng hiến cuộc đời cho các giá trị Kitô giáo. Tư tưởng trở thành một linh mục bắt đầu đến trong tâm trí anh. Trong khi đó cha anh đang tìm cách để sắp xếp một cuộc hôn nhân cho anh.

Trong khi Anphongsô còn do dự về việc trở thành một linh mục, một sự thất bại nhục nhã đã xảy ra. Anh đang lo về một vụ kiện phức tạp. Với danh tiếng về những chiến thắng trong các vụ kiện khó khăn nhất, anh đã sửng sốt khi thất bại chỉ vì một lầm lẫn nhỏ. Trong sự hờn giận, anh quyết định từ bỏ nghề luật sư. Anh coi đó là dấu chỉ Thiên Chúa mời gọi anh trở thành một linh mục.

Dĩ nhiên, người cha đầy tham vọng của anh mắng nhiếc anh vì ý nghĩ từ bỏ một nghề nghiệp đầy uy tín như thế chỉ vì một lầm lỗi. Đáp lại, Anphongsô giống như thánh Phanxicô Assisi, tuyên bố “Tôi chỉ có một người Cha là Thiên Chúa.”

Sau một thời gian từ chối cho phép con trai học tập để trở thành linh mục, người cha quyết định: nếu không thể lay chuyển được đứa con cứng đầu thì ít nhất ông cũng sắp xếp để con mình theo đuổi ơn gọi ngay tại nhà. Bằng mọi giá, ông không muốn con mình trở thành một giám mục có quyền lực.

Với tư cách là một linh mục, cha Anphongsô giảng thuyết ở các nhà thờ của Naples, nhưng cha cũng dạy các trẻ em nghèo và các tù nhân. Chẳng bao lâu sau cha đã hoán cải được nhiều kẻ trộm cắp, sát nhân, và kỹ nữ. Ngay cả ông bố của Anphongsô cũng phải chấp nhận việc làm của cha. Câu chuyện rất thú vị. Một cơn bão đã buộc ông bố tạm trú trong một ngôi nhà thờ. Ngay tại nhà thờ này ông nghe thấy con mình đang giảng cho người nghèo. Ông hết sức kinh ngạc về chân lý bừng cháy trong bài giảng của Anphongsô. Nhiều nhà quý tộc đã đi những chặng đường dài để đến nghe cha Anphongsô giảng. Ông bố cũng hãnh diện khi nghe mọi người gọi con mình là một vị thánh. Ông còn muốn vào một đan viện để sám hối tội lỗi của mình. Cha Anphongsô khuyên ông trở về nhà để giúp mẹ của cha.

Bây giờ chúng ta sẽ quay sang các thất bại của Anphongsô liên quan đến việc thành lập Dòng Chúa Cứu Thế. Chúa Kitô đã hướng dẫn cha Anphongsô lập một Dòng nữ. Kế hoạch của cha là đi giảng thuyết cho dân nghèo ở các vùng quê với sự trợ giúp bằng lời cầu nguyện của các nữ tu. Các linh mục đã cùng với cha Anphongsô dấn thân lo việc giảng thuyết cho dân nghèo đã không đồng ý về Luật dòng. Những người không đồng ý với cha về kế hoạch cho dòng tu đã đến với các Hồng y và giám mục để công bố rằng vị sáng lập Dòng mất trí.

Đối diện với sự kiện này, Anphongsô rơi vào sự thất vọng. Cha cầm cự bằng việc cầu nguyện và đền tội, rồi quyết định thực hiện công việc một mình, trong niềm hy vọng sau này sẽ có người cộng tác.

Sự thất vọng của Anphongsô cuối cùng được giảm bớt, khi bị lôi cuốn bởi sự thánh thiện của cha nhiều linh hồn quyết định cộng tác với cha trong việc rao giảng cho dân chúng nghèo khổ miền quê. Đi từ vùng này sang vùng khác, Anphongsô nhận ra sự ngu muội của dân chúng. Cha bắt đầu giảng các tuần đại phúc và viết nhiều cuốn sách nhỏ. Cha cũng gia tăng làm các việc đền tội.

Sau này, khi muốn có sự chấp thuận của nhà vua về Dòng tu cha sáng lập, một điều cần phải có thời đó, cha đã phải thất vọng vì bị các quan chức của nhà vua trì hoãn. Được hứa sẽ có sự trả lời nhanh chóng, nhưng cha đã phải chờ đợi trong nhiều năm! Cha cố gắng vượt qua sự giận dữ của mình bằng việc hăng say rao giảng cho dân nghèo miền quê và việc viết sách.

Sự thánh thiện của cha không thể giấu ẩn mãi. Hàng giáo phẩm trong Giáo hội đã ép cha trở thành một giám mục. Cha chống lại việc này nhiều lần, nhưng sau cùng phải chấp nhận vì đức vâng phục. Để đối phó với sự thất vọng này, Anphongsô cải cách lối sống của một giám mục bằng việc giúp đỡ các người nghèo, và chính ngài đi từ nhà này sang nhà khác để rao giảng. Ngài sử dụng mọi khoản tiền của một giám mục để mua thực phẩm cho người nghèo. Ở tuổi 72, ngài vẫn viết sách và di chuyển trên lưng một con lừa.

Cuối đời, ngài bị tê liệt, phải nằm trên giường bệnh. Ngài nhờ hai chủng sinh dìu hai bên để ngài cử hành Thánh lễ. Lúc này ngài có thời gian để viết nhiều cuốn sách. Ngài nổi tiếng với những cuốn sách về thần học luân lý, về vinh quang của Đức Maria và về phép Thánh Thể.

Khi ngài đã già nua, những anh em trẻ trong Dòng muốn thay đổi lối sống của họ, đi ngược lại với các nhận định của Anphongsô. Các anh em này muốn ngài ký vào bản văn họ đã soạn, lúc đó ngài đã bị lòa và không thể đọc nó. Khi thấy ngài nổi giận vì việc họ muốn thay đổi lối sống của họ, họ đã bỏ phiếu để loại ngài ra khỏi Dòng.

Sau một thời gian dài đấu tranh trong nỗi thống khổ, Anphongsô đã tha thứ cho những người anh em này. Ngài nói trước khi cử hành Thánh lễ: “Tôi chỉ muốn điều Thiên Chúa muốn. Có ân sủng của Ngài, thế là đủ.” Để tha thứ cha các anh em của mình Anphongsô đã đồng hóa bản thân với Chúa Kitô, ngài nói: người ta không chỉ chấp nhận thập giá, nhưng còn phải vác nó như Chúa Giêsu đã làm giữa sự sỉ nhục.

Sau đó, Anphongsô còn chịu thử thách về sự thất vọng. Ma quỉ gợi ý rằng: Thiên Chúa ghét bỏ ngài. Anphongsô đã chịu đau khổ cùng cực vì cơn cám dỗ này, ngài dùng tay đấm vào đầu và móng tay ngài cắm vào hai bên má. Nhiều tu sĩ đã từ bỏ Dòng của ngài trong thời gian này. Anphongsô trải qua suốt một năm trong việc tự trách bản thân vì những biến cố xảy ra trong Dòng, đấu tranh với những bối rối như vậy ngài nghĩ rằng mình sắp mất trí.

Ngài trích dẫn Kinh thánh: “Ai giận anh em mình, thì đáng bị đưa ra tòa” (Mt 5, 22), và viết về việc thất vọng và sự giận dữ như sau:

“Cơn giận dữ giống như một ngọn lửa. Vì thế, như ngọn lửa bốc cháy mãnh liệt và tỏa khói che khuất tầm nhìn, cơn giận cũng làm cho người ta rơi vào những điều thái quá, và ngăn cản người ta thấy sự tội lỗi của họ trong cách cư xử, và cuối cùng làm cho người ta rơi vào nguy cơ trầm luân muôn đời.

Cơn giận là điều độc hại đối với con người. Nó làm gương mặt của con người biến dạng. Dù trước đó người ta có khả ái đến mấy đi nữa thì khi giận dữ cũng giống như một quái vật và một thú dữ đáng sợ.

Nếu cơn giận làm gương mặt con người trở nên quái dị trước mặt người đời, thì trước mặt Thiên Chúa nó càng trở nên dị dạng biết mấy! Cơn giận đẩy con người đến chỗ oán ghét, phạm thượng, hành động bất công, nói xấu, làm gương mù, và những điều tội lỗi khác, vì cơn giận dữ làm mờ tối lương tâm và làm con người hành động như một con thú hay một người mất trí. Một người không kiềm chế cơn giận của mình sẽ dễ dàng rơi vào sự thù ghét kẻ gây ra cơn giận của mình.”

Để trả lời cho câu nói liên quan đến cơn giận của người có thẩm quyền, Anphongsô viết:

“Nổi giận đối với tội lỗi không còn là sự giận dữ nữa nhưng là lòng nhiệt thành, và vì thế nó không chỉ hợp pháp nhưng đôi khi là bổn phận nữa. Nhưng cơn giận của chúng ta phải kèm theo sự khôn ngoan, thận trọng và trực tiếp chống lại tội lỗi, nhưng không chống lại tội nhân. Vì nếu người được sửa sai thấy rằng chúng ta nói vì thù ghét người ấy thì sự sửa chữa trở nên vô ích. Thánh Augustine nói: chúng ta không được phép thù ghét người khác vì lỗi lầm của họ.”

Người ta có thể lý luận rằng Thiên Chúa sẽ thương xót chúng ta, nếu chúng ta cảm thấy muốn báo thù khi bị đối xử bất công. Anphongsô trả lời:

“Khi bạn nổi giận muốn báo thù thì cơn giận che khuất lý trí của bạn. Lúc đó bạn cảm thấy cách đối xử của người lân cận rất bất công và không bao dung. Nhưng khi cơn giận qua đi, bạn sẽ thấy hành động của người ấy không quá tệ hại như nó có vẻ lúc ban đầu.

Nhưng dù sự tổn thương của bạn có nghiêm trọng thì Thiên Chúa vẫn không thương xót bạn, nếu bạn cứ tìm cách báo thù. Thiên Chúa đã nói: Sự báo oán tội lỗi không phải việc của các ngươi, nhưng là việc của Ta. Ta sẽ trừng phạt chúng như chúng đáng tội. Nếu bạn báo thù sự tổn thương người ta làm cho bạn, Thiên Chúa sẽ trừng phạt bạn vì những tổn thương bạn đã gây ra cho Thiên Chúa, và Ngài sẽ báo oán cho những người mà bạn đã gây ra tổn thương. Làm thế nào kẻ đã không vâng lời Thiên Chúa để tha thứ cho người lân cận, lại hy vọng Thiên Chúa tha thứ cho tội lỗi của người ấy.

Trong suốt cuộc đời, những kẻ giận dữ và thù oán người khác sẽ không được hạnh phúc, vì họ luôn sống trong sự náo động, không có sự bình an trong tâm hồn. Chúng ta phải làm thế nào để kiềm chế cơn giận của mình:

Trước hết, cần biết rằng không ai có thể loại bỏ hoàn toàn cảm xúc giận dữ vì sự yếu đuối của con người chúng ta. Điều chúng ta cần làm là phải tiết chế cảm xúc giận dữ đó. Làm sao để tiết chế nó? Chúng ta tiết chế cơn giận bằng sự hiền lành. Đây là nhân đức đặc biệt của Chúa Giêsu. “Hãy học cùng tôi, vì tôi hiền lành và khiêm nhường trong lòng.” (Mt 11, 29)

“Phúc cho ai xây dựng hòa bình, vì họ sẽ được gọi là con Thiên Chúa.” Bạn muốn người khác chịu đựng khuyết điểm của bạn, vậy bạn hãy làm như vậy cho người ta. Khi bạn bị người khác sỉ nhục, hãy nhớ “một câu trả lời dịu dàng sẽ làm tiêu tan cơn giận.”

Kẻ kiêu ngạo dùng sự sỉ nhục họ chịu đựng để gia tăng lòng kiêu căng của họ, nhưng người hiền lành và khiêm nhường đổi sự sỉ nhục họ chịu thành cơ may để tiến lên trong sự khiêm nhường. Thánh Bênađô nói: “Người khiêm nhường đổi sự nhục nhã thành sự khiêm tốn.”

Chúng ta đừng bao giờ thất vọng về bản thân, nhưng hãy đối xử cách hiền hòa với chính mình.

“Khi một người phạm tội, Thiên Chúa muốn người ấy hạ mình xuống, để thống hối vì tội đã phạm, và để không bao giờ phạm lại tội đó nữa. Nhưng Ngài không muốn người ấy phẫn nộ với bản thân và rơi vào sự buồn phiền, bối rối trong tâm trí. Bởi vì một tâm hồn bối rối sẽ không thể làm được điều gì tốt đẹp. Trong khi cơn giận dữ nổi lên, chúng ta phải giữ thinh lặng, tránh làm hay giải quyết bất cứ điều gì, vì lúc ấy con người không thể làm được bất cứ điều công chính nào.”

Anphongsô qua đời trong độ tuổi 90. Ngài được phong chân phước năm 1816, phong thánh năm 1839, và được phong là tiến sĩ Hội Thánh năm 1871.

Có nhiều vị thánh khác phải trải qua sự thất vọng và đã chia sẻ sự khôn ngoan của các ngài cho chúng ta.

Thánh Basil nói: “Giận dữ là một cơn điên ngắn.”

Thánh Catarina thành Siêna viết: “Không tội lỗi nào làm cho người ta nếm trước hỏa ngục cho bằng sự giận dữ và mất kiên nhẫn.”

Thánh Gioan Maria Vianey, cha sở xứ Ars, đã viết: “Cách thức thắng vượt ma quỷ xúi giục chúng ta thù ghét những người làm tổn thương mình là: ngay lập tức chúng ta hãy cầu nguyện cho những người ấy hoán cải.”

Cuối cùng thánh Jose Escriva, vị sáng lập Opus Dei, khuyên chúng ta: “Tại sao bạn lại giận dữ, bởi làm như thế bạn xúc phạm đến Thiên Chúa, làm người khác khó chịu, và khiến bạn trải qua một thời gian tệ hại, và cuối cùng bạn vẫn không thoát khỏi sự bực tức.

2. Các bước để đương đầu với sự thất vọng trong tinh thần Kitô giáo

a. Bạn đừng bao giờ buông xuôi. Thay vào đó bạn hãy chờ đến lúc mà Thiên Chúa quan phòng đã định trước. Hãy để ý khi Anphongsô bị buộc làm giám mục, ngài đã không từ bỏ lối sống nghèo của mình và tiếp tục việc giảng dạy, chăm sóc cho người nghèo.

b. Hãy trông chờ chiến thắng bởi ơn Chúa hơn là bởi kế hoạch của bạn. Những người giận dữ cố gắng loại bỏ sự thất vọng bằng bạo lực hay mưu mẹo. Nhưng chúng ta hãy nhìn vào cuộc sống của Anphongsô. Ngài không thể lôi kéo người cha ủng hộ mình, nhưng Thiên Chúa đã dùng cơn bão để đưa ông vào nhà thờ, nơi Anphongsô đang giảng thuyết. Anphongsô không xin người cha đi tĩnh tâm, nhưng ông này bị lôi kéo bởi sự thán phục của các người bạn giàu có của ông đối với con trai mình.

c. Nếu những người đáng lẽ ủng hộ bạn lại chống đối bạn, bạn hãy làm mọi sự và trông chờ cho đến lúc Thiên Chúa gửi người đến cộng tác với bạn.

d. Khi gặp nỗi thất vọng, bạn hãy dành nhiều thời giờ để cầu nguyện và đền tội nhiều hơn.

e. Khi dường như không còn gì để hy vọng, bạn hãy chấp nhận nỗi thất vọng như Thiên Chúa đã cho phép nó xảy ra và tha thức cho những người cản trở bạn. Bạn hãy hy vọng chiến thắng sau khi chết.

(Còn tiếp)

Ronda de Sola Chervin

Nguyên tác: The Kiss from the Cross

Chuyển ngữ: Lm. Montfort Phạm Quốc Huyên

Trích “Nụ hôn từ thập giá”, tr. 80-90

--------------------------------------

* Bài liên quan:

Nụ hôn từ thập giá (1)

Nụ hôn từ thập giá (2)

Nụ hôn từ thập giá (3)

Nụ hôn từ thập giá (4)

Nụ hôn từ thập giá (5)

Nụ hôn từ thập giá (6)