Nụ hôn từ thập giá (8)

[ Điểm đánh giá5/5 ]1 người đã bình chọn
Đã xem: 2616 | Cập nhật lần cuối: 6/25/2016 9:50:28 PM | RSS

(Tiếp theo)

Chương VI: Gặp gỡ Chúa Kitô trong đau khổ của các thử thách nội tâm

“Hồn tôi hỡi, cớ sao phiền muộn, xót xa phận mình mãi làm chi? Hãy cậy trông Thiên Chúa, tôi còn tán tụng Người, Người là Đấng cứu độ, là Thiên Chúa của tôi.” (Tv 42, 6)

“Lạy Chúa con thờ, muôn lạy Chúa, Ngài nỡ lòng ruồng bỏ con sao? (Tv 22, 2)

Mọi nỗi đau khổ đều có một yếu tố nội tâm. Ở đây chúng ta bàn về nỗi đau khổ hoàn toàn nội tâm và có thể tấn công con người bất chấp hoàn cảnh bên ngoài là tốt hay xấu. Sau khi nói thánh Catarina thành Genoa gặp gỡ Chúa Kitô trong đau khổ của các thử thách nội tâm như thế nào, tôi sẽ nói đến kinh nghiệm của các thánh đã trải qua nỗi buồn chán, sự khô khan thiêng liêng, lòng khao khát Thiên Chúa, niềm hối hận vì những bất toàn và tội lỗi, và cuối cùng là sự thử thách nội tâm tệ hại nhất: nỗi thất vọng.

1. Thánh Catarina thành Genoa và các cuộc thử thách nội tâm

Catarina sinh năm 1447 trong một gia đình quý tộc thành Genoa, là em út trong số 5 anh chị em, và lớn lên trong sự giàu sang. Năm lên 8 tuổi, chị bắt đầu sống một cuộc đời đền tội bằng việc ngủ trên rơm thay vì trên giường. Chị luôn vâng lời và chăm chỉ làm việc.

Lúc 18 tuổi chị xin phép cha mẹ để đi tu. Nhưng cha mẹ chị từ chối và ép chị kết hôn với Giuliano Adorno, một người đã lớn tuổi. Ông này thuộc về một nhóm chính trị đối lập với gia đình chị. Mục đích của việc kết hôn nhằm đưa lại hòa bình giữa hai phe.

Có sự khác biệt sâu sắc giữa hai người. Giuliano là một người luôn cáu kỉnh, giận dữ và thiếu khôn ngoan đến nỗi đưa gia đình đến chỗ gần phá sản. Ngược lại, Catarina thì nồng nhiệt, chăm chỉ làm việc và dịu dàng. Sau này chị nhận ra việc hôn nhân thiếu hạnh phúc của chị là một hồng ân của Thiên Chúa, nhờ đó chị không còn say mê với thụ tạo mà hết lòng yêu mến Chúa Giêsu.

Chị luôn tha thiết với đời sống cầu nguyện. Chị ý thức về tội lỗi của mình và tình yêu lớn lao mà Thiên Chúa dành cho mình. Tình yêu đó đã thanh luyện tâm hồn chị, và tách chị khỏi lòng say mê thế gian. Chị thốt lên: “Ôi Tình yêu! Chúa đã gọi con với một tình yêu lớn lao như thế, và mạc khải cho con điều mà không miệng lưỡi nào mô tả hết được.”

Chị được thị kiến về Chúa Kitô chịu đóng đinh trên thập giá và thấy một dòng suối máu đổ ra vì tội lỗi của thế gian này. Đó là hình ảnh Trái Tim Chúa Giêsu đau khổ vì tình yêu đối với các tội nhân. Catarina dấn thân vào việc cầu nguyện, đền tội, chăm sóc các bệnh nhân và người hấp hối. Chị dành 6 giờ mỗi ngày để cầu nguyện đền tạ Trái tim Chúa.

Chị luôn chiêm niệm về tứ chung, về sự chết, hỏa ngục, luyện ngục và thiên đàng. Chị tin rằng khi chị bị thất vọng và bị người khác bỏ rơi thì chị càng được ở gần Chúa Giêsu hơn. Sau cùng, chồng chị cũng thống hối và quyết định giúp chị trong việc chăm sóc các bệnh nhân và người hấp hối. Chị mất năm 63 tuổi vì bệnh ung thư dạ dày.

2. Các thử thách nội tâm về sự nhạt nhẽo và buồn chán

Tựa đề của phần này có lẽ hơi khó hiểu đối với một số độc giả. Trong thực tế, việc hoạt động quá mức có thể xuất phát từ nỗi sợ trống rỗng của những lúc buồn chán. Đối diện với sự trống rỗng có thể là cần thiết để đi đến một mức độ sâu xa hơn của hành động dưới sự thúc đẩy của thánh ý Thiên Chúa, hơn là một nhu cầu lấp đầy thời gian một cách nhanh chóng.

Đối với những người có tính hay sầu muộn, sự nhạt nhẽo có thể là một trong những khốn khổ lớn nhất. Nó không phải là bi kịch của đêm tối trong tâm hồn, nhưng nó giống như một tấm màn xám xịt che phủ mọi sự. Trong nỗi buồn chán, các mối liên hệ và các công việc trước đây đầy hứng thú, nay trở thành chán ngắt và tình trạng chán chường này có thể kéo dài nhiều năm.

Nhiều người xem tình trạng này như triệu chứng của việc vô ơn đối với các hồng ân của Thiên Chúa. Điều này có thể đúng trong vài trường hợp. Nhưng sự chán chường cũng có thể có một nguyên nhân thiêng liêng. Thánh Têrêsa nói: “ Khi tâm hồn học biết qua kinh nghiệm: mọi thụ tạo không thể là chốn nghỉ ngơi đích thực của mình thì lúc ấy mọi sự trở thành tẻ nhạt đối với nó.”

Thánh Gioan Thánh Giá nghĩ là: phương thuốc chữa trị sự buồn chán thì rất khác nhau. Lần kia thánh nhân đưa các tập sinh đi rất nhiều nơi “để khi ở trong nội vi họ không còn ao ước rời khỏi đó nữa.”

Thánh Têrêsa Hài Đồng viết: “Tối nay, con cảm thấy một nhu cầu quên đi trái đất này. Dưới bầu trời, mọi sự đều tẻ nhạt đối với con. Con thấy chỉ có một niềm vui, chịu đau khổ vì Chúa Giêsu.” Chị đề nghị thắng vượt sự buồn chán bằng việc tập trung tâm trí vào sự sống đời đời, vào trời mới đất mới, và niềm hạnh phúc thiên đàng.

3. Các thử thách về sự khô khan thiêng liêng

Một số Kitô hữu chưa bao giờ nghe nói về sự khô khan, dù nhiều người khác cảm nghiệm nó thường xuyên. Đây là sự khô khan trong cầu nguyện, nó thường theo sau một thời kỳ cảm nghiệm đầy niềm vui về sự hiện diện của Thiên Chúa và tình yêu của Ngài.

Nó có thể gây ra nơi người tín hữu một cảm giác bị loại bỏ, giống như trong đời sống hôn nhân sau thời trăng mật là một thời kỳ tẻ nhạt của đời sống thường ngày. Các vị tiến sĩ Hội Thánh đã viết về đường lối của Thiên Chúa đối với các bạn hữu của Ngài, sự khô khan thiêng liêng là sự ứng nghiệm lời Chúa nói trong Tin Mừng: “Phúc cho ai có tâm hồn nghèo khó, vì Nước trời là của họ,” (Mt 5, 3). Mục đích của thời kỳ khô khan này trong cuộc hành trình thiêng liêng là sự thanh luyện tâm hồn khỏi mọi dính bén, để tâm hồn có thể chịu đựng mọi thăng trầm của cuộc sống.

Liên quan đến nỗi lo âu gây ra bởi sự khô khan này, thánh Têrêsa đã viết: “Chúng ta không cần cố vấn cho Thiên Chúa về điều Ngài nên ban cho chúng ta, vì Ngài đã nói: chúng ta không biết điều chúng ta cầu xin Ngài. Chúng ta hãy thi hành ý Chúa và Ngài sẽ ban cho chúng ta nhiều hơn nữa.”

Thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu nói rằng chị thích hy sinh hơn là ơn xuất thần. Chị nghĩ: sự khô khan thiêng liêng là một sự tử đạo nội tâm mà chỉ có một mình Thiên Chúa biết, nó không có vinh dự, vì thế rất anh hùng và là một hiến tế tình yêu. Chị muốn ở với Chúa trong giờ cầu nguyện, không phải để được sự an ủi nhưng để an ủi Chúa.

Cảm thấy sự khô khan, chị mời các thiên thần và các thánh vào trong tâm hồn chị để đón nhận Chúa Giêsu bởi vì chị quá khô khan. Khi cảm thấy chán chường trong việc cầu nguyện và lần chuỗi Mân Côi, chị tập trung vào ý muốn yêu mến của chị, hay chị đọc kinh thật chậm với tất cả tấm lòng. Chị thích nhất việc đọc Kinh thánh và sách “Gương Chúa Giêsu” hơn mọi loại sách thiêng liêng khác.

Chị viết: “Cuộc sống thường là một gánh nặng; đầy cay đắng nhưng cũng thật ngọt ngào, nếu người ta cảm nghiệm được Chúa Giêsu ở ngay bên cạnh họ. Người ta cần làm mọi sự chỉ vì Ngài. Liệu Ngài có thấy nỗi thống khổ của chúng ta không? Ngài ở đâu, tại sao Ngài không đến an ủi chúng ta? Ngài không ở xa chúng ta, Ngài đang ở đây, ngay cạnh chúng ta, đang nhìn chúng ta, xin chúng ta dâng cho Ngài nỗi đau khổ này. Ngài cần nó để làm ích cho các linh hồn, làm ích cho chính linh hồn chúng ta. Ngài muốn ban cho chúng ta một phần thưởng huy hoàng sau này.”

4. Các thử thách về lòng khao khát Thiên Chúa

Theo một cách nào đó, lòng khao khát Thiên Chúa ngược hẳn lại với sự khô khan thiêng liêng trên đây. Chúng ta cảm nghiệm sự hiện diện của nó trong Thánh Vịnh 42:

“Như nai rừng mong mỏi tìm về suối nước trong,

hồn con cũng trông mong được gần Ngài, lạy Chúa.

Linh hồn con khao khát Chúa Trời,

là Chúa Trời hằng sống.

Bao giờ con được đến vào bệ kiến Tôn Nhan?”

Trong cuốn sách có tựa đề “Cuộc đời Đức Maria,” Raphael Brown mô tả nỗi khát khao lớn nhất của Đức Maria khi còn là một thiếu nữ là: việc Đấng Messia ngự đến. Tình yêu Thiên Chúa thiêu đốt tâm hồn của Đức Maria bằng một nỗi khao khát cháy bỏng. Những người được ơn thị kiến cũng nói về nỗi khát khao của Đức Maria muốn được ở với Chúa Giêsu khi Ngài đã lên trời.

Theo thánh Têrêsa Avila, khi tâm hồn đạt đến tầng thứ bảy trong lâu đài nội tâm, nỗi khao khát Thiên Chúa trở thành một thử thách nội tâm lớn lao. Lúc bấy giờ cái chết trở thành con đường duy nhất để đi đến chỗ hoàn tất tình yêu của họ dành cho Thiên Chúa, tâm hồn khao khát được chết để kết hiệp với Thiên Chúa.

Trong tập thơ của mình, thánh Gioan Thánh Giá đã chỉ ra nỗi đau đớn của linh hồn cảm nghiệm được tình yêu nhưng chưa được thỏa mãn.

“Người ẩn nấp nơi nào, hỡi người yêu dấu của tôi,

và để tôi rên rỉ?

Người chạy mất như nai rừng,

Sau khi đã làm tôi bị thương;

Tôi kêu tôi gọi Người, và Người biến mất.

Ai là người có quyền năng chữa lành tôi?

Bây giờ mọi sự đã được dâng cả cho Người!

Đừng gửi bất cứ sứ giả nào đến với tôi

Họ không thể nói cho tôi điều tôi muốn nghe.

Tất cả những Người tự do

Nói cho tôi cả ngàn điều tốt đẹp về Người

Những lời này càng làm tôi bị thương hơn

Và làm tôi hấp hối

Người kéo dài bao lâu

Ôi sự sống,

Chẳng lẽ nó không còn nữa nơi Người đã sống?

Tại sao từ lúc Người làm trái tim này bị thương tích,

Người lại chẳng chữa lành nó?

Và tại sao từ lúc Người lấy nó khỏi tôi,

Người chẳng trả lại điều Người đã lấy đi?”

(Còn tiếp)

Ronda de Sola Chervin

Nguyên tác: The Kiss from the Cross

Chuyển ngữ: Lm. Montfort Phạm Quốc Huyên

Trích “Nụ hôn từ thập giá”, tr. 91-97

--------------------------------------

* Bài liên quan:

Nụ hôn từ thập giá (1)

Nụ hôn từ thập giá (2)

Nụ hôn từ thập giá (3)

Nụ hôn từ thập giá (4)

Nụ hôn từ thập giá (5)

Nụ hôn từ thập giá (6)

Nụ hôn từ thập giá (7)