Nụ hôn từ thập giá (9)

[ Điểm đánh giá5/5 ]1 người đã bình chọn
Đã xem: 2637 | Cập nhật lần cuối: 7/2/2016 6:47:56 PM | RSS

(tiếp theo)

5. Các thử thách về sự bối rối và sự hối hận về tội lỗi

Nghĩ đến sự tốt lành của Thiên Chúa, Đấng ban muôn ơn lành cho mình qua cái chết của Con Một Ngài, tâm hồn thống hối cảm thấy vô cùng đau đớn vì sự phản bội của mình đối với một Thiên Chúa đã yêu thương mình như thế.

Thống hối là một tâm tình đau đớn nhưng cũng là một sự đáp trả rất đẹp đối với thực tại tội lỗi của chúng ta và lòng thương xót của Thiên Chúa. Tâm tình này được diễn tả trong Thánh Vịnh 51:

“Lạy Thiên Chúa, xin lấy lòng nhân hậu xót thương con,

mở lượng hải hà xóa tội con đã phạm.

Xin rửa con sạch hết lỗi lầm, tội lỗi con,

xin Ngài thanh tẩy.

Vâng, con biết tội mình đã phạm, lỗi lầm cứ ám ảnh ngày đêm.

Con đắc tội với Chúa, với một mình Chúa,

dám làm điều dữ trái mắt Ngài.

Như vậy, Ngài thật công bình khi tuyên án,

liêm chính khi xét xử.

Ngài thấy cho: lúc chào đời con đã vương lầm lỗi,

đã mang tội khi mẹ mới hoài thai.

Nhưng Ngài yêu thích tâm hồn chân thật,

dạy con thấu triệt lẽ khôn ngoan.

Xin dùng cành hương thảo rảy nước thanh tẩy con,

con sẽ được tinh tuyền; xin rửa con cho sạch,

con sẽ trắng hơn tuyết.

Xin cho con được nghe tiếng reo mừng hoan hỷ,

để xương cốt bị Ngài nghiền nát

được nhảy múa tưng bừng.

Xin ngoảnh mặt đừng nhìn bao tội lỗi

và xoá bỏ hết mọi lỗi lầm.

Lạy Chúa Trời, xin tạo cho con một tấm lòng trong trắng,

đổi mới tinh thần cho con nên chung thủy.

Xin đừng nỡ đuổi con không cho gần Nhan Thánh,

đừng cất khỏi lòng con thần khí thánh của Ngài.

Xin ban lại cho con niềm vui vì được Ngài cứu độ,

và lấy tinh thần quảng đại đỡ nâng con;

đường lối Ngài, con sẽ dạy cho người tội lỗi,

ai lạc bước sẽ trở lại cùng Ngài.

Lạy Thiên Chúa con thờ là Thiên Chúa cứu độ,

xin tha chết cho con, con sẽ tung hô Ngài công chính.

Lạy Chúa Trời, xin mở miệng con,

cho con cất tiếng ngợi khen Ngài.

Chúa chẳng ưa thích gì tế phẩm,

con có thượng tiến lễ toàn thiêu,

Ngài cũng không chấp nhận.

Lạy Thiên Chúa,

tế phẩm dâng Ngài là tâm thần tan nát,

một tấm lòng tan nát giày vò, Ngài sẽ chẳng khinh chê.

Xin rộng lòng tuôn đổ hồng phúc xuống Xion,

thành lũy Giêrusalem, xin Ngài xây dựng lại.

Bấy giờ Ngài vui nhận tế phẩm luật truyền,

lễ vật toàn thiêu, lễ vật hiến tế.

Nụ hôn từ thập giá (9)

Thánh Vịnh gia mô tả sự pha trộn giữa nỗi đau đớn và niềm vui của tâm tình thống hối thực sự: đau đớn vì tội lỗi, nhưng vui mừng trong tình yêu đầy lòng thương xót của Thiên Chúa.

Một loại đau khổ khác là đau khổ do bối rối và niềm hối hận kèm theo sự thất vọng. Người Kitô hữu bối rối là người phóng đại tội lỗi, bằng việc tự khiển trách mình quá mức vì các hành động với những khuyết điểm và sự dữ nằm ngoài tầm của ý chí tự do. Trong thái độ hối hận, thay vì tín thác vào lòng thương xót của Thiên Chúa, một lòng thương xót được diễn tả trong bí tích Giao hòa, tội nhân lại tự xem mình như bị kết án vì các tội lỗi đã xảy ra trong quá khứ. Một ví dụ trong thời đại ngày nay là những phụ nữ phá thai. Họ không tin rằng Thiên Chúa có thể tha thứ cho họ, dù họ đã đi xưng tội và làm việc đền tội.

Sự hối hận không đưa đến niềm hy vọng, một niềm hy vọng có được sau khi thống hối, có thể trở thành một thái độ tự trách bản thân: tôi không thể tha thứ cho mình ngay cả khi Thiên Chúa đã tha thứ cho tôi. Cảm xúc này, tuy có vẻ khiêm tốn, nhưng thực chất lại là một sự kiêu ngạo, vì nó hàm ý rằng người ta ngã từ một nơi rất cao hơn là thừa nhận chúng ta yếu đuối đến nỗi sẽ luôn luôn vấp ngã nếu Thiên Chúa không cứu vớt chúng ta. Nó chối bỏ rằng mọi sự đều có thể đối với Thiên Chúa, bao gồm sự cải tạo của tôi trong ân sủng.

Chúng ta không cần nghiền ngẫm các tội lỗi của mình trong một sự hối hận vô ích, nhưng thay vào đó chúng ta gặp gỡ Chúa Kitô trong sự thống hối của mình, nhận ra rằng nếu Ngài đã tự nguyện chết vì tội lỗi chúng ta thì chúng ta cũng tin tưởng vào lòng thương xót của Ngài.

Lời cầu nguyện nổi tiếng sau đây của thánh nữ Giêtruđê là một lời cầu nguyện thích hợp cho những người đang đau khổ do bối rối hay hối hận.

Ôi lạy Cha rất yêu dấu, trong sự đền bù vì mọi tội lỗi của con, con dâng lên Cha cuộc Thương Khó của Người Con rất yêu dấu của Cha là Chúa Giêsu, từ tiếng khóc mà Người cất lên trong máng cỏ, qua sự thiếu thốn trong tuổi thiếu niên, và những nghịch cảnh trong tuổi thanh niên của Người, cho đến lúc Người gục đầu trên thập giá, và tiếng kêu lớn trao ban Thần Khí của Người.

Trong sự đền bù vì mọi tội lỗi và sự lơ đễnh của con, con xin dâng lên Cha các cuộc đàm thoại và cuộc sống thánh thiện của Chúa Giêsu, Con yêu dấu của Cha, sự hoàn hảo trong mọi tư tưởng, lời nói, và hành động của Người, từ lúc Người từ trời cao ngự xuống cung lòng Mẹ Maria, cho đến lúc Người ngự bên hữu Cha trong vinh quang Phục Sinh của Người. Amen

Sau khi được ơn trở lại, thánh Inhaxiô Loyola đã thường xuyên tự hỏi việc xưng tội của mình đã thành hay chưa. Ngài bối rối, rơi vào sự thất vọng và bị cám dỗ tự tử. Ngài còn quyết định sẽ ăn chay cho đến khi Thiên Chúa ban cho ngài sự bình an trong tâm hồn. Cha giải tội đã buộc ngài không được tiếp tục việc ăn chay nữa. Sau này ngài trở thành một người hướng dẫn tuyệt vời cho những người hay bối rối.

Nhiều Kitô hữu tự hỏi: Tại sao Thiên Chúa để cho họ rơi vào tội lỗi, vì họ đã cố gắng rất nhiều rồi. Trong sự bối rối, họ tin rằng họ xấu xa đến nỗi ân sủng không thể giúp họ được. Lời khuyên khôn ngoan sau đây của thánh Têrêsa Avila rất hữu ích: “Đôi khi Chúa để cho chúng ta phạm tội để sau đó chúng ta có thể biết làm thế nào để canh giữ bản thân tốt hơn, và cũng chứng tỏ chúng ta sẽ khốn khổ khi xúc phạm đến Ngài.”

Những người bối rối nên tránh sự cô tịch thái quá và tập trung vào việc thi hành các việc lành. Và thánh Têrêsa Avila cũng dạy rằng: những người sa ngã phạm các tội trọng khi trở lại và sống thánh thiện thì có một hạnh phúc lớn lao và gần gũi với Thiên Chúa hơn những người khác không sa ngã các tội trọng. Thiên Chúa để cho chúng ta phạm tội để sau đó chúng ta không còn dính bén vào hư danh phù phiếm nữa.

Chân phước Maria Nhập Thể một nữ thừa sai dòng Ursuline ở Canada, đã chịu đau khổ trong suốt 4 năm trời vì bối rối. Chị đau khổ vì cảm thấy xấu hổ khi không thắng vượt được sự oán giận đối với những người khác trong sứ vụ truyền giáo của mình. Chị muốn yêu thương họ nhưng chị phải thừa nhận:

“Khi trong tâm hồn nổi lên sự ác cảm đối với người khác, thì điều này là nỗi đau đớn nhất, vì linh hồn kính sợ Thiên Chúa và sợ phạm tội, yêu mến sự trong trắng của tâm hồn. Linh hồn sợ mình bị lừa dối. Nó tin rằng nó không có một nhân đức vững chắc.”

Chị biết cảm giác đau đớn này là việc Thiên Chúa thanh luyện linh hồn, để loại bỏ tinh thần thỏa hiệp với thế gian, một tinh thần muốn pha trộn thói xấu tự nhiên với sự tinh tuyền của ân sủng của Thiên Chúa. Thiên Chúa để chúng ta bị sỉ nhục để sự ham thích hư danh phù phiếm của chúng ta bị hủy diệt, và cuối cùng chúng ta chỉ khao khát một mình ân sủng của Thiên Chúa trong sự hủy bỏ hoàn toàn mọi đam mê của mình.

Bạn chắc còn nhớ truyện thánh Biển Đức Labre trong chương nói về sự thất bại. Cậu thiếu niên khao khát trở thành đan sĩ Trappist đã làm ngược lại ý muốn của cha mẹ, và cả các vị viện phụ của các đan viện cậu muốn vào tu nữa. Hai lần cậu được nhận vào đan viện và cả hai lần cậu đều rơi vào sự bối rối không thể chịu đựng được, đặc biệt sự bối rối làm cho cậu không dám rước lễ. Sự bối rối có nguy cơ làm cậu rơi vào hoàn cảnh mất trí. Và khi cậu rời khỏi đan viện thì tâm trí lại trở về tình trạng bình thường. Kinh nghiệm này cho thấy việc thay đổi môi trường để đến một nơi ít áp lực hơn có thể là một phương thế trợ giúp.

Thánh Jose Maria Escriva viết cho những người bối rối: “Bạn hãy yêu mến Mẹ Maria. Và Mẹ sẽ xin cho bạn đủ ân sủng để chiến thắng trong cuộc đấu tranh hằng ngày của bạn. Và kẻ thù sẽ chẳng làm gì nổi bạn.”

6. Các thử thách nội tâm về sự ngã lòng và nỗi thất vọng

Trong phần này tôi liên kết sự ngã lòng và nỗi thất vọng. Đâu là sự khác biệt giữa hai điều này? Trong sự ngã lòng, chúng ta cảm thấy buồn rầu, rất buồn và tưởng tượng chúng ta sẽ không bao giờ cảm thấy khá hơn, nhưng vẫn còn niềm hy vọng về thiên đàng. Còn trong sự thất vọng, mọi niềm hy vọng dường như biến mất và chúng ta cảm thấy bị Thiên Chúa bỏ rơi, như Chúa Giêsu trên thập giá kêu lên: “Lạy Thiên Chúa của con, sao Ngài bỏ rơi con.”

Các nhà tâm lý nói với chúng ta: sự ngã lòng và thất vọng có thể là hậu quả của việc mất quân bình về mặt tinh thần trong hoàn cảnh rối loạn thần kinh hay rối loạn về mặt tâm lý. Và tình trạng tinh thần này có thể dễ dàng dẫn đến khuynh hướng muốn tự tử. Các vị linh hướng trong khi giúp đỡ những người sống trong tình trạng ngã lòng và thất vọng cũng tìm kiếm cho họ những trợ giúp về y học và tâm lý học.

Một mặt tôi không muốn dựa vào quan điểm các giai đoạn trong cuộc hành trình nên thánh để ngăn cản việc tìm sự hỗ trợ về mặt tâm lý hay y khoa. Mặt khác, trong các giai đoạn của đêm tối thiêng liêng theo thánh Gioan Thánh Giá, người đang sống trong sự thất vọng có thể nhìn thấy đau khổ của mình là một bước cần thiết để tiến lên trong hành trình nên thánh.

Thánh nhân mô tả như sau: “Đêm tối này là một sự bối rối đau đớn liên quan đến nhiều nỗi sợ, những tưởng tượng, và đấu tranh trong con người. Vì cảm nghiệm được nỗi khốn khổ của mình, người ấy nghĩ rằng mình mất tất cả các phúc lành mãi mãi. Nỗi buồn trở nên thảm thiết đến nỗi trở thành một nỗi thống khổ không tả được. Nỗi thống khổ này che khuất mọi niềm hy vọng của linh hồn.”

Thánh Gioan Thánh Giá tiếp tục giải thích bóng tối trong tâm hồn giống như khúc gỗ đang cháy. Khúc gỗ gần như cháy hoàn toàn thì xấu xí, nhưng hiệu quả của nó là ánh sáng của ngọn lửa thì rất đẹp. Cũng như thế linh hồn của chúng ta cảm thấy tối tăm và xấu xí khi Chúa Kitô thanh luyện nó. Sau khi đêm tối tâm hồn qua đi, chúng ta sẽ sáng chói và xinh đẹp.

Một nữ đan sĩ Cát Minh đã viết về các đau khổ nội tâm như sau:

“Có một chỗ trong tâm hồn, nơi đau khổ và vui mừng gặp nhau. Chúng ta phải chọn lựa tiến tới hay rút lui. Khi đau khổ đạt đến mức độ không thể chịu đựng nổi, chúng ta phải quyết định tiến tới với nỗi đau đớn hay rút lui. Nếu chúng ta tiến tới với nỗi đau khổ, chúng ta sẽ vào một nơi trong tâm hồn, nơi đi vào Trái Tim của Thiên Chúa, và ở đó nỗi đau sẽ được biến đổi.

Trong khi vẫn cảm thấy như bị hành hạ, thì đau khổ cũng thành một thứ thuốc chữa lành chúng ta, và cho chúng ta một niềm vui, và chúng ta biết rằng đây là nơi chốn của tình yêu, và đau khổ là bằng chứng của tình yêu. Chúng ta chìm vào Trái Tim bị đâm thâu của Chúa Giêsu, một lò lửa tình yêu, một lò lửa thanh tẩy mọi ô nhục. Đây là nơi chúng ta gặp gỡ Chúa Giêsu và những người chúng ta yêu mến.”

7. Các bước để gặp gỡ Chúa Kitô khi đang chịu các thử thách nội tâm

a. Hãy đến với cha giải tội, vị linh hướng, hay người bạn thân nhất để nhận sự giúp đỡ của họ trong cơn thử thách. Nếu có thể được cũng không nên bỏ qua sự trợ giúp về tâm lý hay y học.

b. Đừng bao giờ coi những tư tưởng tiêu cực xảy đến trong tâm trí bạn khi đang chịu thử thách nội tâm là sự thật. Hãy dìm mình trong lời của Chúa nơi Kinh thánh.

c. Hãy phó mình trong tay Chúa Kitô ngay cả khi bạn không cảm thấy sự hiện diện của Ngài, hãy nài xin Ngài giúp đỡ.

d. Trong thời gian chịu đau khổ về nội tâm hãy học hỏi gương các thánh, những người đã tìm thấy tình yêu của Chúa Kitô trong những đau khổ tương tự với bạn. Hãy nghe theo những lời khuyên của các thánh tiến sĩ, những người hiểu rõ các giai đoạn của đau khổ nội tâm trên con đường nên thánh.

(Còn tiếp)

Ronda de Sola Chervin

Nguyên tác: The Kiss from the Cross

Chuyển ngữ: Lm. Montfort Phạm Quốc Huyên

Trích “Nụ hôn từ thập giá”, tr. 97-105

--------------------------------------

* Bài liên quan:

Nụ hôn từ thập giá (1)

Nụ hôn từ thập giá (2)

Nụ hôn từ thập giá (3)

Nụ hôn từ thập giá (4)

Nụ hôn từ thập giá (5)

Nụ hôn từ thập giá (6)

Nụ hôn từ thập giá (7)

Nụ hôn từ thập giá (8)