Nụ hôn từ thập giá

[ Điểm đánh giá5/5 ]1 người đã bình chọn
Đã xem: 3639 | Cập nhật lần cuối: 5/5/2016 10:13:27 AM | RSS

Dẫn nhập

Nụ hôn từ thập giáGặp gỡ Chúa Kitô trong đau khổ theo tinh thần của các Thánh

Năm 1991, con trai tôi, Charles, đã nhảy từ một cây cầu xuống sông để tự tử Big Sure, California. Trong lá thư tuyệt mệnh gửi cho gia đình, con trai tôi nói rằng: nó không thể chịu nổi các đau khổ mà nó không thể tránh được trong thế giới này.

Chẳng nỗi đau khổ nào mà chúng tôi đã từng trải qua trước đây, như bệnh suyễn hay ung thư, có thể sánh được với nỗi đau đớn không thể chịu nổi mà chồng tôi và tôi đã chịu vì cái chết của con trai chúng tôi.

Trong suốt một năm, chúng tôi than khóc và quằn quại trong đau khổ, cố gắng gỡ lưỡi gươm khủng khiếp đã đâm vào trái tim của chúng tôi. Những lời cầu nguyện mà chúng tôi thốt lên trong sự thương tiếc dường như xuất phát từ một tâm tình còn vượt quá cả nỗi tuyệt vọng nữa. Chúng hướng đến chỗ không phải là ánh sáng, mà là tối tăm, hướng đến một ký ức về Thiên Chúa, hơn là về Thiên Chúa hằng sống.

Những lời trong Kinh thánh và các sách của các thánh, trước đây dù hơi cao nhưng còn có thể hiểu được, bất thình lình dường như không thể tin nổi. Làm thế nào thánh Phaolô lại nói: “Giờ đây, tôi vui mừng được chịu đau khổ vì anh em. Những gian nan thử thách Đức Kitô còn phải chịu, tôi xin mang lấy vào thân cho đủ mức, vì lợi ích cho thân thể Người là Hội Thánh (Cl 1, 24).

Chắc chắn tôi muốn đau khổ vì Giáo hội. Dù nhút nhát, đôi khi, tôi vẫn muốn đau khổ vì Giáo hội, đó là lúc tôi không còn chọn lựa nào khác, như khi tôi bị chế nhạo vì bảo vệ các chân lý của Kitô giáo. Nhưng khi thánh Phaolô viết: ngài vui mừng được chịu đau khổ, vậy ngài có thể nói về nỗi đau khổ mà chúng tôi đã phải trải qua vì cái chết của con trai chúng tôi không?

Hay những tư tưởng mà thánh Rosa Lima viết về nỗi đau khổ sau đây:

“Ôi! Giả như người đời biết rằng ân sủng của Thiên Chúa là điều vĩ đại biết bao, đẹp đẽ biết mấy và quý giá dường nào, trong ân sủng ẩn giấu biết bao điều quý báu, biết bao kho tàng, biết bao hạnh phúc hoan lạc, thì hẳn họ sẽ hết sức lo lắng và chuyên cần chiếm cho được vất vả khổ đau. Mọi người trên thế giới, thay vì tìm của cải giàu sang, có lẽ sẽ tìm những phiền nhiễu, bệnh tật và khốn khổ hầu đạt được kho tàng vô giá chất chứa ân sủng.”

Đọc những lời này khi đang đau khổ vì cái chết của con mình, tôi tự hỏi: những dòng tuyệt đẹp như thế có thực chỉ là một tiếng huýt sáo trong đêm tối hay không. Tôi nghĩ rằng: một vị thánh là người mà nỗi đau khổ của ngài quá lớn, đến nỗi ngài phải nghĩ ra một ý nghĩa lớn lao cho nó khi thực sự không có gì cả, chỉ có đêm tối và sự phi lý.

Và khi tâm trạng buồn phiền tràn ngập tâm hồn, tôi trốn tránh bằng việc đọc các cuốn tiểu thuyết để đi vào một thế giới khác. Tôi thấy mình không phải là một trong các nhân vật của tiểu thuyết, vì thế, tôi không thể thoát khỏi nỗi đau khổ của mình. Đôi khi tôi cũng tìm thấy một chút an ủi từ một cuốn tiểu thuyết.

Đọc cuốn tiểu thuyết “Sula” của nhà văn nữ Toni Morrison, tôi tìm thấy cảnh bà mô tả: các phụ nữ thuộc giáo phái Ngũ Tuần phục vụ ở Nhà Tang Chế đã lớn tiếng ca tụng Thiên Chúa, bởi vì “con đường duy nhất để trốn khỏi Bàn Tay Thiên Chúa là đi vào lòng bàn tay đó.”

Hay trong cuốn tiểu thuyết “Raj Quartet” của nhà văn Paul Scott nói về cuộc sống ở Ấn Độ trong thời thế chiến thứ hai, tôi tìm thấy câu nói này: “Chúng ta đừng quên điều tệ hại nhất, bởi vì điều tệ hại nhất là cuộc sống của chúng ta và lịch sử là một thung lũng tăm tối, nơi các vị mục tử của đàn chiên lôi kéo chúng ta đến với Thiên Chúa của sự tha thứ.”

Và vì thế tôi đi đến chỗ nghĩ rằng: không thể trốn khỏi nỗi đau đớn, thay vào đó, chính nỗi đau khổ là con đường đi vào trái tim Chúa Kitô, nơi tôi có thể tìm thấy sự thánh thiện, một sự thánh thiện mà lúc trước vẫn lẩn tránh tôi. Và chén đau khổ mà người hành hương tìm kiếm nằm trong tay những người họ yêu quý.

Tôi quyết định khảo cứu cuộc đời của các thánh, những người đã từng trải qua nhiều loại đau khổ: các thánh đã trải qua những nỗi thất vọng, mệt nhọc, không hạnh phúc trong hôn nhân, chịu nhiều đau đớn trong thân xác, bị bóc lột và nhiều loại đau khổ khác.

Trong số các thánh chịu nhiều đau buồn, tôi đã tìm thấy những mẫu gương để tôi có thể nghiền ngẫm và bắt chước. Ví dụ, truyện thánh nữ Elizabeth Seton đau buồn vì nỗi lo sợ cho phần rỗi linh hồn của đứa con trai tuổi niên thiếu có thể giúp tôi hiểu rằng: ngay cả các thánh cũng không thể đơn giản vượt thoát nỗi lo buồn sợ hãi cho con cái của mình bằng việc phó thác cho sự quan phòng của Thiên Chúa. Nỗi đau đớn phải được dâng cho Chúa Kitô, chứ không bị loại trừ. Việc đọc truyện các thánh được in Năm Dấu Thánh của Chúa, như thánh Phanxicô Assisi, giúp tôi có thể vượt thắng nỗi sợ về vết sẹo do giải phẫu ung thư ngực, bằng cách xem nó như vết thương ở cạnh sườn của Chúa Kitô. Tôi cầu nguyện để bạn cũng sẽ gặp gỡ các thánh, những người là gương mẫu để bạn nghiền ngẫm và noi gương.

Mỗi chương trong cuốn sách này liên hệ đến cuộc đấu tranh của một vị thánh là mẫu gương, sau đó thêm vào vài suy tư ngắn về cuộc đời của các vị thánh khác có cùng một thập giá như vậy. Phần kết luận là các đề nghị để giúp cho việc gặp gỡ Chúa Kitô trong một nỗi đau khổ cụ thể.

Đây là một cuốn sách gây chán nản chăng? Tôi nghĩ là không. Đối với tôi, nó đem lại lòng can đảm và niềm hy vọng: trong Chúa Kitô và trong sự hiệp thông với các thánh, cuối cùng tôi có thể chiến thắng mọi loại nghịch cảnh. Khi đọc về các đau khổ của các thánh, chúng ta cũng thấy niềm vui sâu xa mà các thánh đã cảm nghiệm, một sự hưởng trước hạnh phúc vĩnh cửu. Chương cuối cùng sẽ cho thấy làm thế nào chúng ta cũng có thể cảm nghiệm niềm vui trong nỗi đau khổ.

Lạy Chúa Kitô, chúng con xin Chúa giữ chúng con thật chặt, khi từ thập giá Chúa cúi xuống hôn chúng con. Xin cho chúng con cảm nghiệm nhịp đập của Trái Tim Chúa. Xin cho cúng con tin rằng: nỗi đau khổ của chúng con sẽ không đưa chúng con vào hỏa ngục tuyệt vọng, nhưng đưa chúng con đến sự thánh thiện trên trần gian này, và hạnh phúc vĩnh cửu trên thiên đàng. Amen.

Chương 1: Gặp gỡ Chúa Kitô trong đau khổ của sự ngờ vực

“Người đâu mà kém tin vậy! Sao lại hoài nghi?” (Mt 14, 31)

“Đức tin là bảo đảm cho những điều ta hy vọng, là bằng chứng cho những điều ta không thấy.” (Dt 11, 1)

Ít nhất có hai loại ngờ vực gây nên đau khổ. Một là ngờ vực về điều gì là sự thật. Hai là ngờ vực phải chọn lựa điều gì để làm. Đôi khi hai kinh nghiệm về ngờ vực này gắn vào nhau, đôi khi không.

Trong cuộc đời của thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu, không bao giờ có sự ngờ vực về việc chọn lựa việc phải làm, vì chị muốn trở thành nữ đan sĩ Cát Minh ngay từ thuở nhỏ. Nhưng như chúng ta sẽ thấy, có một ngờ vực khủng khiếp về các chân lý đức tin, không phải là sự ngờ vực hoàn toàn của người theo thuyết hoài nghi, nhưng đúng hơn là một loại ngờ vực có thể xảy ra bên trong đức tin.

Ngược lại, thánh Inhaxiô Loyola, một người hoán cải, đã không ngờ vực về đức tin, nhưng ngờ vực về ơn gọi của ngài. Chính thánh nhân đã để lại các quy luật về việc biện phân cho những người Công giáo còn ngờ vực về điều phải chọn lựa trong cuộc sống.

Vì thế chúng ta có thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu là gương mẫu về cuộc đấu tranh với nỗi ngờ vực về đức tin, và thánh Inhaxiô Loyola về những đau khổ của việc chọn lựa quyết định.

Cuối cùng, chúng ta sẽ kết thúc với một nỗ lực rút ra sự khôn ngoan từ cuộc đời, và các tác phẩm của một người đã trải qua những đau khổ của cả hai loại ngờ vực trên, Đức Hồng y John Henry Newman, một mục sư Anh giáo trở lại đạo Công giáo. Nỗi ngờ vực liệu Giáo hội Công giáo có phải là điều mà Giáo hội tuyên bố hay không, đã làm ngài do dự rất nhiều về việc cứ tiếp tục là một mục sư Anh giáo, hay trở lại đạo Công giáo.

Học hỏi về các thánh sẽ đem lạ sự khôn ngoan cho nhiều người đang phải trải qua hình thức này hay hình thức khác của các đau khổ do sự ngờ vực.

Một cách tổng quát, người ta thường tưởng tượng các ngờ vực này xảy ra ở môi trường đại học. Tuy nhiên, các trình thuật về sự ngờ vực trong đời sống các thánh dường như lại xuất phát từ các vị kém học thức hơn. Hơn nữa, vị thánh mà tôi chọn làm gương mẫu lại thuộc tầng lớp mà người ta nghĩ là ít bị ảnh hưởng bởi sự ngờ vực. Thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu sống giữa những người đạo đức sốt sắng, những người không bao giờ ngờ vực về đức tin.

Bây giờ chúng ta hãy xem cách thánh nữ chuyển sự đau khổ ngờ vực của mình thành một cuộc gặp gỡ với Chúa Kitô.

1. Thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu, vị thánh bảo trợ những người đau khổ vì nỗi ngờ vực về đức tin

Têrêsa sinh năm 1873 trong một gia đình Công giáo đạo đức nhiệt thành. Chị không gặp phải sự ngờ vực trong bầu khí gia đình, nhưng ở giữa các bạn bè và nhà dòng Cát Minh, nơi chị vào tu với các chị ruột của mình.

Tôi không thuật lại câu chuyện rất nổi tiếng về việc chị khao khát vào dòng Kín, nơi chị chỉ sống để làm hài lòng Chúa Giêsu. Câu chuyện có lẽ được nhiều người biết đến hơn các câu chuyện về các vị thánh khác.

Thay vào đó, tôi tập trung vào đời sống nội tâm của chị. Không như các vị thánh nổi tiếng khác như trong Gioan Thánh Giá hay Têrêsa Avila, Têrêsa Hài Đồng Giêsu không hề có các cuộc xuất thần. Nhưng chị lại rơi vào tình trạng khô khan thiêng liêng, hay các thử thách nội tâm. Loại khô khan thiêng liêng như thế không làm chị bức xúc. Trong cách thức duyên dáng của mình, chị mô tả nó như một kinh nghiệm về việc Chúa Giêsu ngủ trong chiếc thuyền nhỏ của linh hồn chị.

Vào lúc cuối đời, trước khi chết vì bệnh lao, chị trải qua nỗi nghi ngờ đầy đau đớn: “Nếu các chị biết được những tư tưởng kinh khủng đang ám ảnh em! Hãy cầu nguyện thật nhiều cho em, để em đừng nghe những điều dối trá mà ma quỷ muốn thuyết phục em. Cuối cùng, em dâng những đau khổ lớn lao này để xin có được ánh sáng đức tin cho những người chưa tin, cho những người còn tự tách rời khỏi đức tin của Giáo hội.”

Đương đầu với cảm giác không chắc chắn về những điều rất căn bản như sự hiện hữu của Thiên Chúa, chị đã viết trong nhật ký:

“Điều rất thật là con không thấy gì cả. Nhưng con phải hát lên trong tim con: “Sau cái chết là sự sống đời đời”, hay nếu không có điều này thì mọi sự trở nên tệ hại…

Ở dưới cây dẻ, chị có thấy cái lỗ đen, trong đó chẳng phân biệt được điều gì? …Con đang ở một nơi giống như thế, cả tâm hồn và thân xác… vâng, chỉ có đêm tối. Nhưng con ở đó trong sự bình an”.

Chị mô tả chính mình như một đứa trẻ “mà tấm màn che đức tin hầu như bị xé tan; tuy nhiên, nó không còn là một tấm màn nữa, mà là một bức tường kiên cố cao ngất trời xanh, che khuất cả các ngôi sao. Khi con hát về hạnh phúc thiên đàng, về việc có Chúa là gia nghiệp muôn đời, con chẳng cảm thấy niềm vui, con chỉ hát về điều con muốn tin.”

Khi chị nằm trên giường bệnh chờ chết trong những ngờ vực như thế, chị viết: “Các trực giác và khát vọng trong trái tim của con mách bảo với con rằng: có một miền đất dễ thương khác đang chờ con. Rồi bất thình lình dường như có một màn sương mù len vào, và phủ khắp tâm hồn con, con không thể tìm thấy hình ảnh tươi đẹp quê hương của con ở đó nữa, mọi sự biến mất.”

“Chúa Giêsu đã để cho đêm tối bao phủ tâm hồn con. Con đau khổ trong nhiều tháng, và con mong chờ nó chấm dứt. Nó là một đường hầm tăm tối. Tiếng nói của những kẻ không tin chế nhạo con trong đêm tối: “Giấc mơ của ngươi về ánh sáng, về miền đất tươi đẹp, giấc mơ của ngươi về Đấng Tạo Hóa sẽ là của ngươi đời đời, và ngươi một ngày nào đó sẽ thoát khỏi sương mù này. Hãy hy vọng, nhưng ngươi sắp chết. Và điều ấy xảy đến cho ngươi không phải là hy vọng ngươi chờ đợi mà là một đêm tối dầy đặc hơn.” Mặc dù không có niềm an ủi, con vẫn ép mình để thực hiện những hành vi đức tin như thể con có sự an ủi. Con đã thực hiện các hành vi đức tin này trong năm cuối cùng của cuộc đời nhiều hơn tất cả những gì con đã làm trong suốt cuộc đời trước đây.”

Ida Gorres trong nhật ký của mình đã giải thích rằng: nếu chúng ta không biết những đấu tranh của Têrêsa Hài Đồng Giêsu với sự ngờ vực, chúng ta có thể đã tưởng tượng chị được nuôi dưỡng trong truyền thống đạo đức của gia đình, và không chịu ảnh hưởng của chủ nghĩa hoài nghi trong thế giới. Vì sự ngờ vực của mình, chị buộc phải cố gắng đến với Chúa Kitô từ một vực sâu tăm tối, và làm cho đức tin của chị thêm đẹp hơn. Gorres viết:

“Têrêsa Hài Đồng Giêsu đã vượt lên trên tình trạng của tâm trí và các cảm xúc của chị. Chị đã biết điều gì là chân thật dù chị có cảm thấy, có hiểu và trải nghiệm nó hay không. Mặt trời luôn có trên bầu trời, ngay cả khi chị bị mù. Chị đã từng thấy ánh sáng chiếu soi. Chị biết mình đã từng thấy nó. Ngay cả khi bây giờ chị không còn biết nó nữa, nó đã tan biến đi, chị vẫn biết rằng chị đã từng biết đến nó, và điều này đủ để làm chị thỏa mãn. Và vì thế chị đã viết và đã cầu nguyện như thể chẳng có gì xảy ra, như thể thế giới trong tâm hồn chị chưa bị chôn vùi bởi một cơn động đất.”

Quả thực, ngay cả khi chị nói với mẹ bề trên rằng chị bảo vệ các chân lý đức tin đến giọt máu cuối cùng, bây giờ chị không cần nhìn lên thiên đàng nữa, nếu chị có thể nhìn thấy nó trong vĩnh cửu.

Trong thời gian đau khổ vì ngờ vực này, Têrêsa Hài Đồng Giêsu không bao giờ thay đổi con đường thơ ấu của chị. Chị vẫn kiên nhẫn như khi chị được sức mạnh nhờ cảm thấy sự hiện diện của Thiên Chúa. Tình yêu kiên vững này là nhân đức anh hùng của chị, chị không thay đổi chút nào dù phải trải qua cuộc khủng hoảng đức tin.

Dĩ nhiên Têrêsa không phải là vị thánh đầu tiên trải nghiệm sự ngờ vực. Mẹ Maria cũng trải qua thử thách đức tin khi lạc mất Chúa Giêsu trong đền thờ. Vào thế kỷ 17 Đấng đáng kính Maria Agreda cũng trải qua đêm tối trong tâm hồn.

Thánh Augustin đã trải qua sự ngờ vực trên con đường đến với đức tin Công giáo. Một khi đã biết được Chúa Giêsu trong Giáo hội, ngài đã viết: “Thiên Chúa không phải là người lừa dối, người đã ban ơn để củng cố nâng đỡ chúng ta, và khi chúng ta đã dựa vào Ngài thì Ngài rút ơn đó đi.”

Thánh Grêgôriô Cả đã viết: “Sự cứng tin của ông Tôma còn hữu ích hơn đức tin của những môn đệ khác là những người đã tin. Vì ông đã chạm tay vào Chúa và đã tin, nên tâm trí chúng ta không còn hoài nghi nữa và đã có được một đức tin vững mạnh.”

Chúng ta có thể tìm thấy trong các sách của thánh Gioan Thánh Giá những tư tưởng đầy an ủi về việc giữ vững đức tin mặc cho những tăm tối trong tâm hồn. Trong cuốn “Đường lên núi Cát Minh,” thánh nhân giải thích rằng: chúng ta không trở nên kết hợp với Thiên Chúa hơn trên mặt đất này qua những hiểu biết tự nhiên, nhưng là qua đêm tối của đức tin.”

Giáo huấn của thánh nhân về đêm tối trong tâm hồn đã được cha Federico Ruiz tóm tắt lại trong một cách thức rất hữu dụng. Đêm tối trong tâm hồn xảy đến với những người đã từng được hưởng nhiều ân sủng đặc biệt. Nó làm cho mọi khát vọng của tâm hồn trở thành nhạt nhẽo. Mục đích của Thiên Chúa là thanh luyện chúng ta khỏi những dính bén bản thân trong mọi hình thức của nó. Bởi vì tất cả dường như bị bao phủ trong đêm tối và mờ mịt, tâm hồn chúng ta được thanh tẩy và sẵn sàng đón nhận mọi sự như một hồng ân.

Cũng nằm trong đêm tối này là các chân lý đức tin, các chân lý được nắm bắt theo một cách thức siêu nhiên, hơn là được thừa hưởng từ các nhà thần học. Tôi thấy rằng: điều an ủi cho những người đang phải trải qua cuộc khủng hoảng đức tin là: họ nhận ra đêm tối này là một công việc của Thiên Chúa, chứ không phải là sự trừng phạt các tội lỗi. Sự tăm tối giống như một sự thất vọng này sẽ được trình bày kỹ hơn trong chương nói về các thử thách nội tâm.

Chúng ta cũng tìm thấy các kinh nghiệm về sự ngờ vực đức tin trong cuộc đời trong nữ Gioana Chantal, môn đệ của thánh Phanxicô Salêsiô. Vị thánh là một bà góa có nhiều con và đã sáng lập Dòng Thăm Viếng.

Trong độ tuổi 40, bà đã đấu tranh chống lại sự ngờ vực và cảm giác bị bỏ rơi. Bà đã xem chúng như một lời mời gọi tín thác vào Thiên Chúa, và chấp nhận việc mất đi cảm giác về sự hiện diện của Thiên Chúa. Trong tâm tình này, bà đã nghe theo lời khuyên của thánh Phanxicô Salêsiô, vị linh hướng của mình, người đã viết thư trả lời về việc không cảm thấy gì dù là niềm tin hay sự hy vọng:

“Con đã chiếm hữu đức tin và đức cậy. Tuy nhiên, con chỉ không nhận được niềm vui từ chúng thôi. Con giống như một đứa trẻ, mà người giám hộ không cho phép nó sử dụng tất cả tài sản của nó, mặc dù tiền bạc thuộc về nó, nhưng nó không thể đụng đến. Thiên Chúa không muốn con kiểm soát đức tin của con, ngoại trừ đủ để con sống và rút ra từ đó điều tuyệt đối cần thiết.

Tóm lại, Đấng Cứu Độ chúng ta muốn chúng ta thuộc trọn về Ngài. Chúng ta không còn giữ lại chút gì, và hoàn toàn phó thác cho lòng thương xót và sự quan phòng của Ngài.”

(còn tiếp)

Ronda de Sola Chervin

Nguyên tác: The Kiss from the Cross

Chuyển ngữ: Lm. Montfort Phạm Quốc Huyên

Trích “Nụ hôn từ thập giá”, tr. 7-19.