Tiếng vọng của thinh lặng (15)

[ Điểm đánh giá5/5 ]1 người đã bình chọn
Đã xem: 1823 | Cập nhật lần cuối: 2/3/2016 10:05:58 AM | RSS

(tiếp theo)

Trích từ thư gởi James Baldwin, Không đề ngày, 1963

James Baldwin (1924-1987), một nhà văn viết truyện ngắn và viết tiểu luận sinh và lớn lên trong khu Harlem, là tác giả của cuốn The Fire Next Time (1963), cuốn sách làm Merton cảm động phải viết cho Baldwin.

Ông không thể còn viết như ông đang viết mà không nhận được những bức thư như bức thư này. Chúng ta phải viết, và tôi chắc rằng ông đã nhận được nhiều bức thư đã nói tốt hơn tôi điều mà bức thư này cố gắng nói ra.

Trước hết, ông đúng khi hạ thấp mọi biên giới. Ông không cường điệu chút nào. Ông biết chính xác điều ông nói về, và rõ ràng điều đó không thật sự mới mẻ đối với bất kỳ ai (chính xác là người cùng quan điểm với ông). Chính tôi cũng đã nói điều giống như ông, hòa nhã và ngắn gọn hơn, không hay ho như có sẵn, đến nỗi nếu tôi đồng ý với ông cũng là chuyện lạ nhỏ.

Nhưng có một điểm quan trọng và là một thực tại to lớn của thời đại chúng ta. Đối với những người Mỹ có lẽ đó là sự thật quan trọng và những vấn đề quan trọng khác mà chúng ta đối diện có liên quan đến thực tại đó.

Chắc chắn ông đã nói khá nhiều chí ít để cho vui, và trong góc độ mà ông phát biểu. Người ta sẽ đọc và sẽ hiểu. Nhưng khi tôi đi từ cộc báo này qua cột báo khác [trong tờ New Yorker] tôi đã xúc động, khi tôi chắc rằng ông ở đó ngay bên cạnh các mục quảng cáo nằm dọc theo bản văn của ông. Một bài tường thuật tuyệt vời! Chúng chứng thực ông đúng hơn cả ông có thể tưởng tượng.

Chúng còn đi xa hơn bất cứ điều gì ông đã nói ra. Chúng cho những phát biểu của ông mượn sức mạnh kỳ lạ. Không ai có thể mơ có được sự hiển nhiên chết tiệt để minh họa những gì ông nói.

Một đôi khi tôi xác tín rằng không thể có một cách nào ngoài điều đó. Về phương diện con người, không có hy vọng gì, ít nhất ở khía cạnh trong trắng (khổ nỗi là khía cạnh mà tôi đang ở). Tôi không thấy sự can đảm nào hoặc khả năng nào để nắm bắt dù là một phần nhỏ nhất của sự thật to lớn về phía chúng ta. Ông hãy nhớ rằng tôi nói như một linh mục công giáo. Tôi vẫn thấy toàn bộ sự việc như một thứ bài tập trừu tượng của đạo đức học, khi chúng ta hiểu được nó hết. Chúng ta không thấy chúng ta giết chết niềm hy vọng của chính mình và niềm hy vọng của thế giới.

Ông đã rất cẩn thận nêu rõ thái độ không phải là Ki-tô hữu của ông, và tôi tôn trọng điều đó vì tôi biết rằng điều đó cần thiết cho ông và tôi không nói điều đó như một hành động của sự xá tội đầy lòng khoan dung. Theo một nghĩa nào đó, điều đó cần thiết cho tôi vì tôi chỉ xứng đáng là một linh mục khi tôi hiểu điều mà một người không phải là Ki-tô hữu hiểu. Tôi đồng ý với ông trong sự việc đúng và chỉ có một điểm mà tôi không đồng ý là tôi nghĩ quan điểm của ông cơ bản thuộc tôn giáo, thuộc tôn giáo cách chân thành, và do đó phải chống lại tính tôn giáo theo quy ước. Nếu ông không đồng ý, thì điều đó không quan trọng gì lắm.

Ngày nọ tôi đã nói với một linh mục Châu Phi đến từ Ghana. Ấn tượng mà tôi luôn luôn có khi nói với người Phi châu là họ chân thật hơn chúng ta gấp mười lần. Dĩ nhiên đó không phải là một cách nói chính xác: tôi nghĩ điều mà nó thật sự diễn tả, cái ý nghĩa ấy, là sự nhận thức về tính chất bổ túc, về một thực tại trong ông bổ túc một vài thiếu sót của tôi, và dĩ nhiên không phải là một thái độ về một giá trị hữu thể học tuyệt đối của một yếu tính đặc thù. Và tôi đã nghĩ như chính ông đã gợi ý rằng toàn bộ câu chuyện ở đây là: Không người nào trong chúng ta, về cá nhân, chủng tộc hay xã hội là sự bổ túc hoàn toàn theo chiều hướng có được trong chính mình mọi sự tuyệt hảo của tất cả nhân tính. Và sự tuyệt hảo này , tính toàn diện này được xây dựng từ những sự đóng góp của các phần riêng biệt mà chúng ta có thể chia sẻ với nhau. Vì thế tôi không là nhân tính trọn vẹn cho đến khi tôi tìm thấy chính mình trong người anh em Á Châu, Phi Châu hay Inđônêsia vì người ấy có phần nhân tính mà tôi thiếu.

Chúng ta bối rối là do chúng ta coi như mình trọn vẹn trong chính mình, theo kiểu chúng ta sống. Và chúng ta thích thú với ảo tưởng rằng sự trọn vẹn này không chỉ là tiềm năng nhưng nhất là nó được thực hiện trọn vẹn từ lúc bắt đầu và quan niệm chúng ta chỉ tìm một cái gì của chính mình sau một cuộc tìm kiếm lâu dài và sau khi trao ban chính chúng ta cho những người khác, quan niệm này không áp dụng cho chúng ta. Ảo tưởng này làm cho người da trắng tưởng rằng mình không cần đến người da đen, khiến họ nghĩ rằng họ có thể xử sự với người da đen như một đối tượng và làm điều gì mình thích với người da đen ấy. Thật vậy để chứng tỏ rằng ảo tưởng của ông ta là đúng, ông hãnh tiến và cư xử với người da đen trong cách mà chúng ta biết. Ông ta phải làm thế.

Ở trung tâm của vấn đề là sự khinh miệt của con người đối với chân lý và sự thay thế cái “tôi” của nó cho thực tại. Hình ảnh của nó là chân lý của nó. Con người tin tưởng vào cái bóng ma của mình và hy sinh nhiều người cho cái bóng ma ấy. Đó là điều mà chúng ta đang làm, và đó không phải là Ki-tô giáo hay bất cứ tôn giáo chân chính nào: đó là sự man rợ.

Chúng ta không thể mang lại sự khinh miệt cho bất cứ chân lý nào, và chẳng hề hấn gì đối với chân lý cấp thiết trong đời sống của chúng ta. Vì thế tôi muốn cho ông mọi sự hỗ trợ đạo đức mà tôi có thể, dù không nhiều lắm. Tôi biết ông càng thêm mệt mỏi với những người da trắng có thiện chí vỗ vai ông và nói rất nghiêm chỉnh, “Chúng tôi tử tế với ông,” dĩ nhiên khi chúng tôi với chính mình và không ở trong bất cứ tình thế khó xử nào của ông. Điều tôi muốn nói là tôi vui mừng khi tôi không phải là một người da đen vì có lẽ tôi sẽ không bao giờ có thể chấp nhận điều đó: nhưng điều mà ý thức tôi phải thừa nhận là tôi có bổn phận cố gắng làm cho các bạn da trắng của tôi đừng làm những điều họ làm và phải hiểu vấn đề trong một ánh sáng khác. Điều đó không giả định một chương trình có sẵn, hoặc sự xuất hiện của tính lạc quan, vì tôi vẫn còn tin rằng hầu như không có gì đã làm có được hiệu quả sâu xa hoặc tạo ra sự khác biệt thật sự nào.

Dùy sao, tôi không ở trong một tư thế được thông tin đầy đủ về vấn đề này. Nếu ông nghĩ có vấn đề gì mà tôi cần phải biết, tôi rất biết ơn nếu ông viết thư và gởi cho tôi. Tôi hy vọng bài báo của ông sẽ làm được điều tốt đẹp. Chỉ việc chân lý được nói ra tự nó đã là một việt rất tốt rồi.

(CFT 244-46)

Trích từ “Ba Đấng Cứu Thế trong Camus”, tháng 9/1966

Tác phẩm của Camus chủ yếu để suy tư, tưởng tượng và mang tính trượng trưng. Ông xây dựng các huyền thoại và các hình ảnh trong đó ông soạn thảo các chủ đề chính của ông. Dĩ nhiên sự tỉnh thức và gạn đục khơi trong của “ý thức sáng suốt” là một vấn đề của suy tư cá nhân: nhưng còn hơn thế nữa. Nó tùy thuộc vào phần lớn vào sự gặp gỡ và hiệp thông của những con người. Camus thường thừa nhận một sự lôi cuốn vào cô đơn và thinh lặng – ông vẫn đọc với sự tán thưởng cuộc đời của Ranee dười ngòi bút của Chateaubriand, một nhà cải cách tu viện dòng Trappe thế kỷ thứ mười bảy – nhưng ông cũng luôn luôn cảm thấy rằng sự lôi cuốn này là một cám dỗ phải được chống cự mạnh mẽ. Ông cần hiện diện ở giữa con người vì họ cũng như những người thuộc về họ. Cùng với họ, ông cần phát triển một cách sống mới nhân bản hơn trong sự phi lý của một thế giới bị xâu xé bởi cuộc đấu tranh mạnh mẽ có tính chất vô cùng trọng yếu. Ở giữa cuộc đấu tranh này, một số ít người có sứ mệnh bảo vệ sự tinh tuyền của truyền thông theo mức độ của con người, bảo vệ sự trong sáng và chân thành của ngôn ngữ để con người có thể yêu thương. “Nhiệm vụ của con người, ông nói, là một nhiệm vụ giới hạn và đơn giản: tìm những gì ít lời qua đó những nỗi thống khổ của vô hạn của các tâm hồn tự do được lkua6y khỏa.” Dĩ nhiên ông muốn nói nhiều hơn điều mà câu ấy diễn tả. Ông quan tâm đến sức mạnh của ngôn ngữ – do đó của chân lý – để bảo vệ con người chống lại sự tàn ác, sát nhân, chủ nghĩa hư vô, sự hỗn loạn. Ngôn ngữ được sử dụng rõ ràng và liêm chính để phục vụ cho ý thức sáng suốt sẽ bảo vệ con người chống lại các xu hướng dẫn đến hư vô và sự tự hủy hoại.

(LE 275-76)

*&*

Như thế Camus vốn đã quan tâm sâu sắc đến nỗi cô đơn và bất hòa của con người, càng quan tâm sâu sắc hơn trước vần đề truyền thông. Trong vở ghi chú, ông viết, “Hòa bình phải là yêu thương trong thinh lặng. Nhưng có ý thức và ngôi vị; bạn phải nói. Yêu thương trở thành không chịu nổi.” Ông không có ảo tưởng ngây thơ cho rằng sự truyền thông trở nên một vấn đề dễ dàng trong thời đại của Tivi. Ông nhận biết đầy đủ sự khó khăn cùng cực của nó, chính vì sự thịnh hành của thông tin ảo và cộng đồng ảo. Thật kỳ lạ, trong một trích đoạn kế tiếp của sổ ghi chép ông nhận xét về một diển viên là một tín hữu; ông ta nằm trên giường nghe quần chúng trong đài phát thanh. “Không cần phải ngồi dậy. Ông đã hòa giải với lương tâm của ông.” Khó khăn to lớn thường gặp của một người muốn truyền thông với anh em mình không phải là thiếu từ ngữ hoặc phương tiện truyền thông, nhưng vì từ ngữ và phương tiện truyền thông ngày nay khá thông dụng và liên kết thành hệ thống để người ta lừa lọc và nói dối.

(LE 276)

Trích từ Những ước đoán của người bàng quan có tội, 1966

Julien Green không ngừng tự hỏi: một người viết truyện có thể là một ông thánh không? Một người viết truyện có thể cứu linh hồn của mình không? Nhưng có lẽ sự cứu chuộc linh hồn ông rõ ràng lệ thuộc vào việc ông có quyết tâm sống liều mình và trở thành một người viết truyện không. Và có lẽ nếu ông từ chối thử thách và chấp nhận một cái gì xem ra “an toàn” hơn đối với ông thì ông sẽ mất. “Ai muốn cứu sự sống mình sẽ bị mất nó.”

(CGB 143)

Trích từ “Ấn tượng chân thật và thần kỳ: Edwin Muir, thi ca và phê bình”, tháng 9/1966

Thi ca của Edwin Muir mang lại mối quan tâm siêu hình rất rõ ràng và sâu sắc: quan tâm đối với những căn nguyên, đối với con người trong hành động, được biểu lộ bởi những phẩm chất thiêng liêng, bí ẩn và biểu tượng. Ông không tìm kiếm những căn nguyên này từ những điều kỳ lạ, cũng không tìm thấy chúng trong sự bàn cãi biện chứng và suy lý. Là một nhà thơ, Muir cảm thấy mình bị buộc phải hướng đến “sự thánh thiêng và điều thuyết phục” – đến sự thánh thiêng trong cái nghĩa của người dò tìm mạch nước ngầm; thuyết phục, không phải để chứng minh nhưng để chia sẻ nước với những người khác.

(LE 29)

Trích từ “Những điều mơ hồ tiên tri: Milton và Camus,” 1966

Những nhà thơ và những nhà tư tưởng trong thi ca – những người xây dựng các huyền thoại trong đó họ thể hiện cuộc đấu tranh của chính họ để đối phó những vấn đề nền tảng của cuộc sống – nói chung họ đều là những “tiên tri” theo nghĩa trong cô đơn họ tham dự trước cuộc đấu tranh và ý thức chung của các thế hệ sau họ. Khi đọc lại Milton vào những thập niên 1960 người ta không thể ngay lập tức nhận thấy ông ở gần với chúng ta và ông cách xa chúng ta thế nào. Nếu bạn thích, ông cách xa trong khả năng chịu đựng cổ điển của ông – khả năng triển khai các ý tưởng trong những thời kỳ dài nhất và cao quý nhất. Ông ở cách xa chúng ta trong việc đảm nhận đạo đức và thế giới quan của ông. Tuy nhiên các ý tưởng và kinh nghiệm mà ông triển khai thường (dù không luôn luôn) có tính hiện đại một cách kỳ lạ. Ví dụ như ông say mê quan tâm đến sự tự do phát biểu trong Areopagitica – một khu vực chống công giáo nếu như đã có một khu vực như thế – đã mang lại kết quả qua những nỗ lực của các giám mục và nhà thần học công giáo trong những tuyên bố về tự do tôn giáo của Công Đồng Vaticanô II. Sự quan tâm của ông về nhân phẩm và tự do của nhân vị giờ đây đã trở thành câu nói rập khuôn của mọi người (dù không phải là nhân phẩm và tự do của mọi người). Vì đối với tác phẩm Paradise Lost, dù không nói xấu tính cao quý của tác phẩm thi ca vĩ đại này, chúng ta phải thừa nhận rằng nó được cấu trúc như phim ảnh và cũng giống như một bức biếm họa khôi hài. Thỉnh thoảng Milton có óc tưởng tượng rất hiện đại. Có những cảnh trong đó Xatan là Batman. Nghiêm túc hơn có những sự tương đồng không thể chối cãi được giữa Xatan của Milton và Siêu nhân không phải của hài kịch nhưng của Nietzsche.

(LE 252)

Trích từ “Camus và Giáo hội”, tháng 12/1966

Trong một thời đại của sự phân tích ngôn ngữ nặng tính chất hàn lâm, Camus đã đánh giá cao lòng can đảm của [Brice] Parain vì ông này đã nhìn thấy vấn đề ngôn ngữ sau cùng là một vấn đề của siêu hình học. Việc tra hỏi ý nghĩa làm xuất hiện toàn bộ vấn đề về thực tại và sau cùng Parain hỏi một điều quan trọng nhất: liệu ngôn ngữ có thể tạo nên ý nghĩa nếu không có Thiên Chúa. Nói cách khác, khởi điểm để nói chân lý và điều lừa dối là gì nếu không có Thiên Chúa? Trong trường hợp này phải chăng con người không bị giản lược và bị bỏ chung vào một loạt các âm thanh ồn ào ít nhiều độc đoán trong sự cô đơn của một thế giới câm lặng? Liệu những tiếng ồn ào huyên náo ấy có hơn những dấu hiệu của loài thú và chim chóc? Thật vậy, tiếng ồn ào của chúng ta tồn tại trong một bối cảnh phát triển liên tục rất phức tạp và được liên kết phong phú và được liên kết cách phong phú với một người khác và một hiện tượng văn hóa khác: nhưng liệu chúng có thể đúng được không? Và điều này có ý nghĩa không? Hoặc giả, phải chăng những tiếng ồn ào ấy chỉ là việc đột xuất trong cuộc phiêu lưu để phát triển mà một ngày kia sẽ kết thúc trong một loại ý nghĩa nào đó, nhưng khi thời gian còn tồn tại, chúng chẳng có nghĩa gì?

Parrain loại bỏ quan điểm hậu Hégel ấy và trở về với những ý tưởng cổ điển của ngôn ngữ vốn có thể cung cấp nền tảng cho sự chắc chắn dù là sơ cấp. Nếu ngôn ngữ không có ý nghĩa thì không gì có được ý nghĩa nào cả. Ngôn ngữ ít nhất cũng có đủ ý nghĩa để bảo đảm rằng chúng ta không bồng bềnh trong sự trống rỗng thuần túy. Nói cách khác sự truyền thông chỉ khả hữu và với truyền thông là cộng đồng chỉ khả hữu, một khi nó thừa nhận rằng tiếng nói chúng ta có thể diễn tả chân lý hoặc sai lầm và sự quyết định được mở rộng cho chúng ta. “Đặt tên một vật sai lầm là thêm vào những nỗi khốn cùng cho thế giới.” Vì thế chúng ta được mời gọi giữ gìn ngôn ngữ của chúng ta và sử dụng nó một cách trong sáng. “Nhiệm vụ cao cả của con người là không được phục vụ cho sự dối trá.” Những lời ấy của Parain phải được Camus thốt ra và nhiều lần đã được Camus nói ra tương tự. Và Camus đã nói như thế trong bài báo phỏng vấn nói về những cuốn sách của Parain: “Không chắc thời đại chúng ta thiếu vắng các thần linh: trái lại điều chúng ta cần là một cuốn từ điển.”

Điều chắc chắn đúng là thế kỷ thứ hai mươi có đặc tính của sự chuyên tâm tôn thờ các thần tượng chính trị và văn hóa hơn là của sự trong sáng và trung thực của ngôn ngữ chính thức. Phẩm chất chính xác của lối nói nước đôi trong sách in và trong truyền thanh lấn át những phát biểu rõ ràng của một ít người như Camus.

(LE 271-72)

(còn tiếp)

Thomas Merton
Robert Inchausti (biên tập)
Vĩnh An (chuyển dịch)
Trích "Về ơn gọi viết văn", tr. 91-97

________________________________

Tiếng vọng của thinh lặng (1)

Tiếng vọng của thinh lặng (2)

Tiếng vọng của thinh lặng (3)

Tiếng vọng của thinh lặng (4)

Tiếng vọng của thinh lặng (5)

Tiếng vọng của thinh lặng (6)

Tiếng vọng của thinh lặng (7)

Tiếng vọng của thinh lặng (8)

Tiếng vọng của thinh lặng (9)

Tiếng vọng của thinh lặng (10)

Tiếng vọng của thinh lặng (11)

Tiếng vọng của thinh lặng (12)

Tiếng vọng của thinh lặng (13)

Tiếng vọng của thinh lặng (14)