Tiếng vọng của thinh lặng (16)

[ Điểm đánh giá5/5 ]1 người đã bình chọn
Đã xem: 1736 | Cập nhật lần cuối: 3/17/2016 2:00:20 PM | RSS

(tiếp theo)

Trích từ “The plague của Albert Camus,” 1967

Một đôi khi Camus thể hiện như ông đã rao giảng “điều phi lý”. Không gì có thể sai lầm hơn. Ông muốn độc giả của ông nhận biết điều phi lý để chống lại nó. Điều phi lý đơn giản chỉ là một bộ mặt của “dịch hạch” mà chúng ta phải chống lại trong khía cạnh của nó. Dịch hạch là sự bạo ngược của điều xấu và của cái chết, dù nó có thể mặc lấy những hình thức nào: Đức quốc xã chiếm đóng nước Pháp, những trại tập trung chết chóc, đạo đức giả của giới tư sản trong hệ thống của nước Pháp (mà Camus đã quan sát hành động của họ ở thuộc địa Algeria), chủ nghĩa Stalin hoặc cơ hội chủ nghĩa vô nguyên tắc của một số người Mác-xít Pháp. Hết thảy những loại người như thế khó lòng cảm thấy The Plague [Bệnh Dịch Hạch] nói về họ – và chúng ta phải thêm rằng cùng Bệnh Dịch Hạch ấy đang có mặt ở Hoa Kỳ hôm nay.

(LE 182)

*&*

Đối với Camus, nhận biết sáng suốt điều phi lý mới chỉ là bước đầu tiên. Chúc năng của sự sáng suốt ấy không chỉ là phủ nhận và chế nhạo những tiêu chuẩn ảo tưởng của của xã hội tư sản. Điều đó chưa đủ để trở thành cơ sở cho một nền đạo đức khắc kỷ hay nỗi thất vọng khôi hài. Đó là bước đầu tiên tiến đến một niềm hy vọng khiêm nhường. The Myth of Sisyphus rõ ràng dẫn đến thái độ chống lại tự tử. Ở chỗ mà người ta bị cám dỗ để nghĩ “vì đời sống phi lý, hãy bỏ nó luôn,” Camus đáp lại, “vì đời sống phi lý, càng có thêm lý do để sống, và để khước từ đầu hàng sự phi lý của đời.”

Vậy đời sống trở thành một sự phản kháng chống lại sự phủ nhận, sự bất hạnh và cái chết không thể tránh khỏi. Dưới những điều kiện ấy của trí sáng suốt và lòng can đảm, đó là một khẳng định có giá trị của tự do: tự do duy nhất mà con người có được, tự do tiếp tục phản kháng dù một một lô-gích nào đó như muốn chứng tỏ kháng cự là điều vô ích. Camus đã khám phá ra cái lô-gích tinh vi ấy đang hoạt động trong chính xã hội và trong trật tự và chân lý bên ngoài nhờ đó mà xã hội vẫn sống.

(LE 197)

*&*

Dù không biết, Camus có dư đầy luận chứng cũ về ân sủng trái ngược với lề luật và dù không ý thức đến sự việc, ông đứng về phía ân sủng. Ông thấy mình kháng cự với hỗ trợ của ân sủng chống lại những người biến ân sủng thành luật lệ độc đoán. Điều này không phải để nói rằng Camus là một Ki-tô hữu ẩn danh, nhưng chỉ để nói rằng một Ki-tô hữu nếu thích sẽ tự do để hiểu Camus trong một ý nghĩa Ki-tô giáo mà chính Camus không nhận biết.

(LE 202)

Trích từ “Camus: Nhật ký những năm Dịch Hạch,” 1967

Hoàn cảnh của con người trong thế kỷ hai mươi là phi lý (Camus nghĩ thế)vì hoàn cảnh ấy buộc con người không ngừng buộc con người phải mâu thuẩn với chính mình. Sự ngu si sau cùng mà con người hiện đại lấy làm tự mãn là ở chỗ sử dụng mọi tài năng luận lý và khoa học để chứng minh rằng sự tự mâu thuẩn của mình làm nên ý nghĩa hoàn hảo. Camus không đồng thuận với sự đánh lừa khổng lồ đó và cương quyết cho rằng nếu phải tìm một ý nghĩa có trong đời sống, người ta phải tìm trong sự phản kháng, chống lại bệnh dịch hạch, một thứ phản kháng có vẻ vô vọng mà ông và đồng bào ông khởi xướng chống lại sự áp bức gia tăng trong suốt Thế Chiến thứ II.

Chính trong sự phản kháng ấy Camus với tư cách là người biên tập cho tờ báo kháng chiến bí mật Combat, đã hiểu được tính nghiêm trọng của ngôn từ. Khi bạn biết rằng bạn có thể bị xử bắn vì công việc biên tập của bạn, ông nói, bạn cân nhắc điều bạn nói. Bạn chắc chắn mình muốn nói gì.

(LE 220)

Trích từ “Faulkner và sự phê bình ông,” tháng tư- tháng năm 1967

Faulkner là một nhà văn nhiều yêu sách phóng túng và kỳ quặc. Những câu văn quanh co theo thời gian, lê thê bất tận, sự nhân bội của các tính cách của cùng một tên trong cùng một cuốn sách trước hết có một chủ đích: bảo đảm cho người đọc hoặc phải bị lôi kéo vào cuốn sách hoặc hoàn toàn gạt bỏ nó. Tuy nhiên rõ ràng văn phong của Faulkner thường tự chuốc lấy thất bại. Nếu nó lôi kéo độc giả đủ để làm cho độc giả đọc lại ba mươi câu để tìm ra ý nghĩa khó hiểu của nó, và nếu sau đó độc giả thầy ba mươi câu ấy chẳng có nghĩa lý gì thì họ dường như hối tiếc sự tham dự của họ và vứt cuốn sách sang bên. Những câu văn dài của Faulkner có lẽ có dụng ý để ám ảnh hơn là để khai sáng. Nhưng dù sao sự tham dự vào Faulkner là một cái gì nhiều ý nghĩa hơn việc chú ý vào câu chuyện: nó có nghĩa đi vào sức mạnh của sự ám ảnh thuộc huyền thoại. Theo từ ngữ của nhà phê bình người Pháp Claude-Edmonde Magny, nó có dụng ý giúp cho Faulkner ném những lời của ông lên trên bạn: vì theo quan điểm của bà Magny, Faulkner làm việc như một pháp sư tiền sử làm người đọc bị vướng víu vào các biểu tượng bí ẩn và bị sự kinh hoàng thiêng liêng làm mê hoặc. Khi trích dẫn Conrad, độc giả có được cảm xúc “bị bắt giữ bởi điều không thể tin nổi vốn là yếu tính của các giấc mộng.”

Khổ nỗi, có một loại trí óc nào đó sợ và tránh loại ma thuật này. Sự việc này nguy hiểm. “Già néo thì đứt dây”. Lời nói trở thành quá khủng khiếp. Và có nhiều cách bảo vệ mình chống lại chúng. Cách khước từ đồng ý có tính tiêu biểu là sự khôi hài dễ dãi mà Fadiman đã trút lên đầu Sutpen trong Absalom. “Anh ta là người bạn khiến bạn phải giật nẩy mình, và nếu bạn hiểu Ông Faulkner bạn cũng sẽ giật nẩy mình.”

Cách phê bình duy nhất thật sự nghiêm túc đối với Faulkner là đồng tình với huyền thoại khá đủ để bị bắt giữ trong điều không thể tin nổi để rồi phê phán nó từ bên trong: liệu nó đích thực hay giả mạo? Giữa hai cực đó, sự liên quan khôi hài hay nghiêm túc, là điều mà người ta có thể gọi là phản đối của người Mỹ chuẩn mực đối với Faulkner: sự từ bỏ một nhà thần bí khải huyền của sự phi lý, đây là cách của Faulkner tôn vinh số phận của nước Mỹ.

(LE 18-19)

Trích từ “Câu trả lời của nữ thần Minerva: Hòa bình và Kháng chiến trong Simone Weil,”1968

Giống như Bernanos và Camus, Simone Weil là một trong những nhà tư tưởng độc lập và sáng giá của nước Pháp gắn bó sâu sắc với những tì liên hệ đến nước Pháp và Châu Âu trong tiền bán thế kỷ này. Có nhiều tài năng nhưng kẻ ưa người ghét cũng nhiều, nên cũng khó định vị, bà đã được gọi bằng mọi thứ tên cả tốt lẫn xấu và đôi khi mâu thuẩn: Ngô đạo và Công giáo, Do Thái và dân Albigens, người trung cổ và người hiện đại, người theo thuyết Platon và vô chính phủ, kẻ nổi loạn và thánh nhân, người duy lý và thần bí. De Gaulle nói ông nghĩ rằng bà mất trí. Bác sĩ trong viện an dưỡng Ashford, Kent nơi bà chết (24 tháng tám 1943) nói, “Bà có một quan điểm tôn giáo kỳ lạ và (có lẽ) không tôn giáo gì cả.” Dù người ta có nói gì về bà, bà lúc nào cũng có thể bị coi như một “một bí ẩn.” Nói đơn giản là bà là một cái gì đó khó ghép vào phạm trù như phần đông mọi người, khi trong niềm say mê sống liêm chính bà hoàn toàn từ chối đảm nhận bất cứ một chức vụ nào mà trước tiên bà không suy nghĩ kỹ trong ánh sáng của điều bà xác tín là ơn gọi cá nhân bà đối với sự “trung thực trí thức”. Khi bà bắt đầu xem xét bất cứ chức vụ nào được chấp nhận, bà dễ dàng khám phá những điểm yếu và sự bất nhất của nó.

(NVA 144)

*&*

Đối với chúng ta (khi chúng ta tưởng tượng rằng chúng ta không có huyền thoại nào cả), huyền thoại thực sự không có giới hạn và có thể dễ dàng xâm nhập và toàn bộ lãnh vực kinh tế, xã hội, và tư tưởng luân lý. Vì thế, thay vì tham chiến vì các thần linh đã gây gổ nhau, chúng ta tham chiến vì “những âm mưu bí mật” và những liên minh độc ác, vì những khẩu hiệu chính trị nâng cao giá trị của những tuyệt đối thể siêu hình: “Vũ trụ chính trị của chúng ta có vô vàn huyền thoại và quái vật – ở đó chúng ta không biết gì ngoài những tuyệt đối thể.” Chúng ta đổ máu vì những từ ngữ kêu vang viết bằng những chữ in hoa. Chúng ta tìm cách phổ biến nội dung cho những người khác bởi việc phá hủy họ là những người tin vào lời của kẻ thù cũng được viết bằng những chữ in hoa.

Nhưng làm thế nào để con người có thể đi đến chỗ giết nhau vì cái thực tế là trống không? Sự trống không của huyền thoại quốc gia, giai cấp hay chủng tộc phải nhận được một bản thể bên ngoài, không phải từ nội dung khả tri nhưng từ ý muốn hủy diệt và bị hủy diệt. (Ở đây, chúng ta có thể xem xét thấy rằng bản thể của thần tượng là sự tự nguyện mang lại thực tại cho cái trống không siêu hình bởi sự hy sinh cho nó. Thực tại toàn diện hơn phá hủy những thực tại hiện diện và làm tha hóa chính mình vào một đối tượng thực chất là trống không, cái toàn diện hơn là thần tượng, nghĩa là sự cống hiến cho điều giả trá khiến cái phi thực thể thành một tuyệt đối thể khách quan. Ở đây hãy ghi nhận rằng trong bối cảnh này Thiên Chúa của những người thần bí không phải là một đối tượng và không thể được mô tả một cách đúng đắn như một thực thể giữa những thực thể khác. Vì thế một trong những dấu ấn của thuyết thần bí chính thống là Thiên Chúa được nhà thần bí cảm nghiệm không thể nào là đối tượng của sự tôn thờ ngẫu tượng.)

(NVA 147)

Trích từ “Một cước chú từ Ulysses: Hòa bình và Cách mạng,” 1968

Một trong những chủ đề chính của Ulysses là sự đổ vỡ của ngôn ngữ và việc truyền thông như là một phần của tình trạng chia rẽ của văn hóa Tây Phương. Sự phong phú đặc biệt về ngôn ngữ của cuốn sách – tuy nhiên phần lớn nằm bên ngoài sự nhại lại – chỉ nhắc chúng ta mạnh mẽ hơn sự đổ vỡ đã đi xa đến mức nào trong năm mươi năm vừa qua. Chủ nghĩa hòa bình và bất bạo động liên quan trọn vẹn và có ý thức với vấn đề này của ngôn ngữ. Theo quan niệm của Gandhi, bất bạo động thật sự là một loại ngôn ngữ. Động lực thật sự của bất bạo động có thể được xem xét như một sự thanh luyện ngôn ngữ, một sự phục hồi việc truyền thông chân thật trên bình diện con người, khi ngôn ngữ bị lấy đi hết ý nghĩa bởi sự lạm dụng và mục nát. Bất bạo động có nghĩa là truyền thông tình yêu không phải bằng lời nhưng bằng hành động. Trên hết, bất bạo động có nghĩa là truyền đạt và bảo vệ chân lý đã bị làm tối tăm và vẫn đục bởi cách nói nước đôi của chính trị.

Bài học thật sự của những nhận định trên đối với chúng ta là: chúng ta phải hiểu rõ ràng chức năng của bất bạo động chống lại hậu cảnh của sự sụp đổ ngôn ngữ.

(LE 27)

Trích từ “Blake và Thần Học Mới,” 1968

Blake giống như [Herbert] Marcuse sau ông, thừa nhận tính chất hai chiều kích của luận lý Tây Phương cũng như sự cám dỗ của riêng Phương Tây muốn giản lược sự căng thẳng này vào một hệ thống một chiều kích và độc đoán. Sự căng thẳng ý thức hệ này giữa “cái gì là” và “cái phải là” ở ngay trung tâm của kinh nghiệm sa ngã mà theo từ ngữ của Tin Mừng phải mở ra cho nhu cầu cứu chuộc. Nhưng chính đặc tính của sự sa ngã là để lẫn tránh nhu cầu ấy và sự căng thẳng ấy nó thay thế chúng bằng một “trật tự” một chiều kích giả tạo và khắc nghiệt. Sự giả mạo này có thể được phong thánh và làm cho trường tồn bởi những luật pháp của một hệ thống độc tài và đóng băng, và “thần linh” ngự trị trên một hệ thống như thế ngay lập tức trở thành “cái không” và một quyền lực tuyệt đối, Urizen, Đấng Phủ Định, “quyền lực căm ghét trừu tượng phủ định mọi vật /… Bóng Ma của Con Người…/ Và trong sự thánh thiêng của nó nhốt kín sự Kinh Tởm Hoang Tàn” (“Jerusalem”). Sự thánh thiêng và sự cứu độ thật theo Blake nằm trong năng lượng tuôn trào từ sự liên kết các Điều Trái Ngược. Nhưng sự Phủ Định đứng giữa những Điều Trái Ngược và ngăn cản “hôn phối” của chúng. Nắm giữ thiên đàng và hỏa ngục tách rời, Urizen đầu độc cả hai với bệnh hoạn và cái trống rỗng của mình. Vì thế sự thánh thiện, đức tin, thị kiến, Kitô giáo chân thật phải phá vỡ sức mạnh của nó đối với Nigate và “đền bù cho những Điều Trái Ngược” trong thương xót, trắc ẩn và bình an. Công việc của sự lật ngược này là lễ hiển linh của Thiên Chúa nơi con người. Vì thế “Thiên Chúa đã chết” là Phủ Định được thiết lập trong cô đơn và quyền bính tuyệt đối như một thần tượng và bóng ma. Nhưng Thiên Chúa này được ban cho sự sống trong mức độ mà con người đầu tư ông với quyền lực (trần thế) và thờ phượng ông trong sự tách biệt và cô lập của ông – trong khi vẫn đặt một Thiên Chúa khác vào cái chết để tôn vinh ông. Rõ ràng sự bắt đầu của đức tin phải là một tiếng “không” cho thần tượng ấy, sự Phủ Định sự sống và tình yêu. Nhưng sự phủ định của Phủ định và sự phục hồi của những Điều Trái Ngược không chỉ là công việc của trí tuệ. Trong Blake đó là và phải là một kinh nghiệm thần bí và tiên tri bao hàm toàn bộ con người.

(LE 7)

(còn tiếp)

Thomas Merton
Robert Inchausti (biên tập)
Vĩnh An (chuyển dịch)
Trích "Về ơn gọi viết văn", tr. 97-102

________________________________

Tiếng vọng của thinh lặng (1)

Tiếng vọng của thinh lặng (2)

Tiếng vọng của thinh lặng (3)

Tiếng vọng của thinh lặng (4)

Tiếng vọng của thinh lặng (5)

Tiếng vọng của thinh lặng (6)

Tiếng vọng của thinh lặng (7)

Tiếng vọng của thinh lặng (8)

Tiếng vọng của thinh lặng (9)

Tiếng vọng của thinh lặng (10)

Tiếng vọng của thinh lặng (11)

Tiếng vọng của thinh lặng (12)

Tiếng vọng của thinh lặng (13)

Tiếng vọng của thinh lặng (14)

Tiếng vọng của thinh lặng (15)