Tiếng vọng của thinh lặng (17)

[ Điểm đánh giá5/5 ]1 người đã bình chọn
Đã xem: 1976 | Cập nhật lần cuối: 3/15/2016 7:43:45 AM | RSS

(tiếp theo)

Về Văn Chương của Chính Ông

Trích đoạn nhật ký, 14.10.1939

Khi duyệt lại cuốn truyện (The Labyrinth/ Mê Cung), Farrar và Rinehart đã thông báo họ không có đủ nhiệt tình để xuất bản nó. Khi thử tìm hiểu nhiều hơn, tôi đã gọi điện thoại nhiều lần để được và nói với một phụ nữ mà công việc của bà là phải nói “chúng tôi không bao giờ bàn luận những bản thảo bị từ chối.” Rồi hoàn toàn tình cờ, bà thình lình dịu giọng, hơi hy vọng tôi sẽ không hóa ra điên dại sau tất cả sự việc, và để tôi nói với một người đã không đọc cuốn truyện nhưng dù sao cũng là người tôi đã gặp. Từ những ghi chú của một người đã đọc nó, ông ấy nói với tôi rằng cuốn truyện không thể phát hành và được viết ra với phẩm chất kém. Nó thường xám xịt và buồn tẻ. người đàn ông ấy đã không áy náy kết thúc nó. Ngoài ra tên của các nhân vật xấu và rối tinh, chính các nhân vật không thật.

Nhìn lại sự việc lần nữa, tôi thấy tất cả điều đó đều đúng. Ông ấy nói, rõ ràng tôi muốn viết một truyện và nó có vẻ hứa hẹn. Tôi đã tin ngay điều đó.

Ông ấy hỏi: tôi đã thử làm việc gì, phải chăng tạo ra một loại cấu trúc truyện hoàn toàn mới? Cái tên của Joyce thốt ra trong một câu nói của ông ấy, gián tiếp cho biết mọi sự đều tốt với Joyce. Tôi ghét việc chối bỏ tôi đã nỗ lực viết ra điều độc đáo. Tính độc đáo này tách rời với cuốn truyện.

Trở về nhà tôi sắp xếp lại mọi chương sách theo một thứ tự khác, và bây giờ tôi không có ý tưởng nào về điều phải làm với cuốn truyện. Đó là ngày thứ năm.

(RUN 50-51)

Trích đoạn nhật ký, Chúa nhật 22.10.1939

Nếu tôi có tính khiêm nhường nhiều hơn và không vội vàng viết ra mọi sự việc, và không cho rằng mọi sự việc sẽ thú vị hơn khi được viết ra hẳn tôi sẽ có ít hơn những câu phát biểu ngu xuẩn và nói những điều gì đó để chúng chân thật như tôi thấy chúng. Nhưng thật là ngạo mạn, khi tôi không biết gì về triết học – biết rất ít về nó đến nỗi tôi cũng không thể đọc nó cẩn thận. Nhưng dù sao, tôi không khát khao trở thành triết gia – nhưng đi theo thần học ám dụ vốn không có tính biện luận, nhưng là thế này: tôi không chắc chắn thần học ám dụ là gì, nhưng chỉ biết một điều nó không phải thế. Và điều không phải là tính biện luận: vâng rõ ràng tôi luôn luôn cố gắng biện luận. Có lẽ tôi sẽ tốt hơn nếu không còn biện luận với mình về giá trị của điều được viết ra trong cuốn sách đó. Được rồi : nó không phải để đọc: và sự bối rối khi đọc lại một vài điều vớ vẩn dưới tiêu đề khổ chế lòng kiêu ngạo.

(RUN 62)

Trích từ thư gởi Robert Lax, 4.21940

Tôi cầm cuốn truyện đến nhà xuất bản MacMillans. Tôi được trả lại sau hai ngày. Ông Purdy giám đốc là một người tốt bụng. Ông viết cho tôi một bức thư dài nói rằng các độc giả đã nói với ông đó là một cuốn sách khá hay, tuy nhiên phải viết cô đọng lại và thay đổi v.v… Ông trích dẫn các báo cáo của độc giả nói rằng các nhân vật vay mượn từ Hemingway và cách viết vay mượn từ Joyce còn chính tôi thì có vẻ là một anh chàng thông minh nhưng độc giả mong rằng tôi đừng biện luận quá nhiều về tôn giáo trong cuốn sách.

Vậy tuần cuối, tôi xé toạc những trang biện luận về mọi việc mà tôi tìm thấy (đầy các trang viết) và gởi cuốn sách cho nhà xuất bản Harcourt Brace. Tôi cố gắng hình dung tại sao người ta nghĩ rằng những nhân vật của tôi vay mượn của Hemingway. Giờ đây những trang sách suy tư đã bị xé bỏ đi tôi hy vọng không ai than phiền về cuốn sách, trái lại sẽ in nó ngay. Tôi mong rằng tôi biết và thật sự chăm chút việc viết văn như một chuyện bình thường.

(WHEN 42)

Trích từ The Seven Storey Mountain, 1948

Khi tôi sống ở Phố Perry, tôi ít khi làm thơ. Những dòng thơ đến chậm và khi tôi làm xong, chỉ có ít dòng. Chúng thường là thơ i-ăm bốn chữ. Và vì tôi khó chịu với bất cứ vần nào nhàm chán nên tôi gieo vần kinh khủng và đôi khi kỳ lạ.

Tôi có được một ý tưởng, tôi liền đi quanh phố xá giữa những cửa hàng, hướng về chợ gia cầm ở cuối Phố 20, rồi tôi lên chỗ bãi gà, cố gắng nghĩ ra bốn câu trong đầu và ngồi sưởi ấm dưới mặt trời. Sau đó tôi nhìn những tàu cứu hỏa và những sá-lan trống rỗng và những kẻ lang thang khác, rồi tôi nhìn Học Viện Stevens trên con dốc vượt qua sông ở Hoboken, tôi viết thơ tôi trên một mảnh giấy nhỏ và về nhà đánh máy .

Tôi thường gởi ngay bài thơ cho một tạp chí nào đó. Không biết bao lá thư tôi đã nhét vào thùng thư màu xanh ở góc phố Perry trước khi bạn gặp Đại Lộ Bảy! Và mọi thứ tôi gởi đi đều bị gởi trở lại, trừ những thư gởi cho các tạp chí phê bình sách.

Tôi càng thất bại, tôi càng xác tín rằng điều quan trọng đối với tôi là phải có tác phẩm được in trong các tạp chí như Southen Review, hoặc Partisan Review hoặc New Yorker. Bấy giờ mối quan tâm chính của tôi là thấy mình được in. Điều đó như thể tôi không hoàn toàn thật sự thỏa mãn cho đến khi tôi có thể nuôi dưỡng tham vọng với những vinh quang tầm thường ấy. Bấy giờ tính ích kỷ cố hữu của tôi đã chín muồi và tập trung vào ước muốn thấy mình hiện ra bên ngoài trong quần chúng và được in ra; tôi muốn được tha hồ thán phục bản ngã chính thức của mình. Đó là điều tôi thật sự tin tưởng: danh tiếng, thành công. Tôi muốn sống trong đôi mắt, trên môi và trong tâm trí của nhiều người. Thật là thô lỗ khi tôi muốn được cả thế giới biết đến và thán phục: Có một sự thỏa mãn ngây thơ nào đó trong ý tưởng chỉ được một thiểu số nào đó thán phục, điều này khiến tôi bị mê hoặc và thôi thúc trong tôi. Nhưng khi điều đó thu hút tâm trí tôi, tôi có thể sống đời sống siêu nhiên như thế nào, đời sống mà tôi được kêu gọi? Tôi có thể yêu mến Thiên Chúa như thế nào khi tôi làm mọi việc không phải cho Ngài, nhưng cho chính tôi, và không tín thác vào sự phù trợ của Ngài, nhưng cậy dựa vào tài năng của tôi?

(SSM 236)

Trích từ thư gởi Jacques Maritain, 10.2.1949

Tôi bị tràn ngập công việc. Tôi đang cố gắng rất nhiều để khai phá đời sống chiêm niệm trong một cuốn sách. Đây là nỗ lực đầu tiên tôi đã làm cho thần học được chấp nhận, và tôi thấy viết tiếp là điều khó khăn, ngoài ra có lúc công việc tôi bị gián đoạn. Tôi phải nghĩ Chúa chúng ta ngăn cản cuốn sách một thời gian vì ngài thấy rằng tốt hơn nên để cuốn sách lại sau này. Nhưng quả thật như Sertillanges đã nói, đời sống của một nhà văn có thể rất nhọc nhằn, và tôi không ngần ngại nói rằng sự sám hối nghiêm khắc mà tôi cảm nghiệm ở đây với tư cách một tu sĩ Xi-tô là phải cố gắng có được những ý tưởng để viết ra giấy.Làm một nhà thần học đòi hỏi một sự khổ chế nội tâm nghiêm túc, và khi tôi thấy mình thở dài vì một đời sống đơn sơ, cô độc và tối tăm tôi tự hỏi phải chăng mình không đi tìm sự xa hoa sao. Một ngày nọ tôi đọc cuộc đời của Thánh Bê-nê-đi-tô Giu-se Labre trong nhà ăn, và như thường lệ tôi ra ngoài với ý nghĩ vui mừng với sự thấp hèn của một người bị mọi người khinh miệt v.v… Nhưng sau đó tôi buộc phải thừa nhận rằng với tôi sự thánh hóa có lẽ hoàn toàn liên kết với sách vở, viết văn và công việc trí thức nhẹ nhàng. Nói cho cùng, làm một kẻ lang thang có lẽ dễ dàng hơn làm một học giả.

(CFT 24)

Trích đoạn nhật ký, 10.7.1949

Tôi vui mừng vì cuốn sách [The seeds of Contemplation/Những Hạt Giống của Chiêm Niệm] đã được viết và được đọc [lớn tiếng trong nhà giám đốc tu viện giữa bữa ăn]. Chắc chắn tôi đã nói đủ về công việc của bóng tối và về “kinh nghiệm tiếp xúc với Thiên Chúa trong bóng tối” để có thể xếp lại và tiếp tục đến một điều gì khác để thay đổi. Nếu không nó sẽ trở thành máy móc – và cứ nói đi nói lại một điều. Nếu nó được đọc lớn trong tôi, hẳn tôi đã quên bao lần tôi đã nói tất cả những điều đó, như thể chúng là những điểu mới được khám phá. Vì tôi biết rằng điều này thường xảy ra trong đời sống chúng ta. Việc giữ lại cuốn nhật ký dạy cho tôi biết rằng không có gì quá mới trong đời sống nội tâm như có lúc người ta vẫn nghĩ. Khi bạn đọc lại nhật ký của bạn bạn thấy rằng khám phá mới nhất của bạn là cái mà bạn đã tìm thấy năm năm trước. Cũng thế, đúng là người ta ngày càng đào sâu hơn cùng những ý tưởng và cùng những kinh nghiệm.

(ETS 333)

Trích từ Thư gởi Etienne Gilson, 12.11.1951

Gilson (1884-1974) một học giả công giáo hàng đầu, là tác giả cuốn Tinh Thần của Triết học Trung Cổ mà Merton đọc lần đầu khi còn là sinh viên ở Columbia.

Chúng ta có điều gì cao cả hơn là trống rỗng, bị tước đoạt, trở thành mồ côi và lưu đầy trong chính thế giới này? Cuộc lưu đày của ông không chỉ là ẩn dụ. Ông chịu khổ vì điều đó và dâng lên cho Thiên Chúa của nước Pháp mà Ngài thương yêu, tuy thế nước Pháp muốn vứt bỏ Ngài và những người Ngài sai đến.

Cám ơn ông vì những lời tử tế mà ông nói về The Ascent to Truth [Tiến Lên Chân Lý]. Trong số những cuốn sách của tôi, đây là cuốn sách mà khi viết ra tôi cảm thấy mình đã nói ra được điều cần nói cho một số ít người nào đó. Tôi biết đã làm thất vọng nhiều người không muốn tôi nói một điều gì cho họ. Tôi cũng biết rõ ràng hơn rằng tôi không có gì để nói với bất cứ ai ngoại trừ những cây sồi trong khu rừng của chúng ta. Giống như Thánh Bê-na-đô, tôi cảm thấy tôi có thể đến với chúng và học được mọi điều. Tôi không dám nói rằng giống như thánh nhân, tôi giống như một điều hão huyền của thời đại, vì sợ rằng đã nêu ra một sự so sánh giữa một đứa con bất xứng với người cha quá vĩ đại – và đây là một so sánh mà tôi không dám có.

(SOC 31)

Trích từ thư gởi Dom Jean Leclerq, 11.8.1955

Tôi đã thôi viết, và đó là một sự khuây khỏa lớn. Tôi chủ tâm từ bỏ điều đó vì sự tốt lành. Tôi nhận ra rằng có lẽ tôi đã đau khổ nhiều hơn tôi biết từ “nghề viết văn này.” Viết văn là một thiên hướng sâu thẳm trong bản tính tôi, và tôi không thể dối lòng và cho rằng tôi làm việc dễ dàng mà không có nó. Chí ít tôi có thể xoay xở mà không có độc giả và không có danh tiếng! Những thứ này không liên quan gì đến bản năng viết văn. Nhưng toàn bộ công việc ấy thường làm hỏng sự thanh khiết của tinh thần đức tin của chúng ta. Nó làm u tối sự sáng suốt của quan điểm về Thiên Chúa và về những sự thánh. Nó vô hiệu hóa ý thức về thực tại tâm linh, vì bao lâu người ta tưởng mình hoàn thành một điều gì đó, người ta thường nghĩ mình đã trở nên phong phú trong mắt mình. Nhưng chúng ta phải trở nên nghèo, và sống chỉ bởi Thiên Chúa mà thôi – dù chúng ta viết văn hay làm bất cứ điều gì khác. Đã đến lúc tôi đi sâu hơn vào sự nghèo khó ấy.

(SOC 89-90)

Trích từ “Answers on Art and Freedom,” 1965

Tôi không coi mình hòa nhập vào một xã hội gây chiến mà tôi đang sống, nhưng vấn đề là xã hội này coi tôi hòa nhập với nó. Tôi nhận thấy rằng gần hai mươi năm qua, xã hội tôi – hoặc xã hội của những người đọc tôi – đã quyết định về căn tính dành cho tôi và nhấn mạnh rằng tôi tiếp tục tương ứng trọn vẹn với ý tưởng của tôi mà người ta thấy khi đọc cuốn sách đầu tiên thành công của tôi. Thế nhưng cũng những người đó đồng thời đã chỉ định cho tôi một căn tính trái ngược. Họ yêu cầu tôi duy trì một lòng sùng đạo nông cạn, tốt hơn là khắt khe và phần nào giống một đan sĩ trẻ đầu óc lăng xăng là chính tôi hai mươi năm trước, cùng lúc đó họ rêu rao rằng tôi đã rời bỏ tu viện của tôi. Điều xảy ra hiện nay là đơn giản tôi vẫn sống nơi tôi đã sống và phát triển theo cách của tôi mà không cần tham khảo công chúng về điều đó vì nó không phải là công việc của quần chúng.

(LE 378-79)

Trích từ Thư Luân Lưu: Chúa nhật Bảy Mươi 1967

Càng ngày khi sống cô tịch, tôi càng muốn thôi chiến đấu, biện luận, phát biểu và phê bình. Tôi nghĩ những điểm mà tôi được yêu cầu phải phản đối hiện nay người ta đã biết rõ. Rõ ràng phải có những hoàn cảnh tương tự khác trong tương lai. Trong một thế giới như thế giới chúng ta – một thế giới của chiến tranh, bạo loạn, sát nhân, chủ nghĩa chủng tộc, sự chuyên chế, của băng đảng được thiết lập, người ta phải có khả năng đứng lên và nói KHÔNG. Nhưng vẫn có nhiều việc khác để làm. Tôi ngày càng xác tín vào thực tại của công việc tôi làm là suy tư, nghiên cứu và cầu nguyện trong thinh lặng. Tôi không có ý định bỏ hẳn việc viết văn bởi nó rõ ràng là ơn gọi của tôi. Nhưng tôi hy vọng tôi sẽ có thể bỏ đi cuộc bút chiến một ngày nào đó. Hãy cầu nguyện cho tôi. Khi tôi già đi (31 tháng giêng này là sinh nhật thứ 52 của tôi) người ta nhận biết sự phù phiếm của một đời sống đã phung phí trong biện luận khi lẽ ra nó phải dành trọn vẹn cho yêu thương.

(RTJ 97)

Trích từ Thư Luân Lưu: Giữa mùa hè 1967

Ngày lại ngày, những tấm phiếu tôi để trên bàn như càng nói: “tôi không biết câu trả lời nhưng tôi có một vài câu hỏi tôi muốn chia sẻ với ông.” Luôn luôn có một hàm ngụ rằng biết được các câu hỏi có một ý nghĩa nào đó, đặc biệt nếu đó là những câu hỏi chung. Nhưng giờ đây tôi bắt đầu tự hỏi phải chăng tôi vẫn luôn biết những câu hỏi, hoặc phải chăng chúng là những câu hỏi chung cho những người khác. Trong trường hợp như thế, người ta bất chợt và như muốn nói: “Vì tôi không biết điều đó bắt đầu ở đâu, tốt hơn hết tôi đóng nó lại.” Dĩ nhiên, không dễ dàng khi tôi khép kín mình: tôi viết ít đi nhưng vẫn đang viết. Chắc chắn viết văn sẽ đưa đi xa hơn và ít được ưa chuộng hơn. Tôi vẫn thừa nhận rằng một bổn phận nào đó đề cập một quan điểm về vấn đề luân lý này khác nói chung là cần kíp, không phải vì tôi yêu cầu có một câu trả lời, nhưng vì người ta phải giữ lấy một lập trường có trách nhiệm. Sự ngu ngốc và sự thoái thác đều không thể bào chữa khỏi tội đồng lõa trong những gì vẫn tiếp tục trong thế giới hôm nay. Đã từng sống dưới quyền của Hitler mà không hề biết những trại tập trung chết người thì không phải là một quan điểm đạo đức đáng mong muốn.

(RTJ 104-5)

(còn tiếp)

Thomas Merton
Robert Inchausti (biên tập)
Vĩnh An (chuyển dịch)
Trích "Về ơn gọi viết văn", tr. 102-108

________________________________

Tiếng vọng của thinh lặng (1)

Tiếng vọng của thinh lặng (2)

Tiếng vọng của thinh lặng (3)

Tiếng vọng của thinh lặng (4)

Tiếng vọng của thinh lặng (5)

Tiếng vọng của thinh lặng (6)

Tiếng vọng của thinh lặng (7)

Tiếng vọng của thinh lặng (8)

Tiếng vọng của thinh lặng (9)

Tiếng vọng của thinh lặng (10)

Tiếng vọng của thinh lặng (11)

Tiếng vọng của thinh lặng (12)

Tiếng vọng của thinh lặng (13)

Tiếng vọng của thinh lặng (14)

Tiếng vọng của thinh lặng (15)

Tiếng vọng của thinh lặng (16)