Yêu kính tôn trọng bạn đời – Bí quyết hàng đầu giúp hôn nhân bền vững - Phần 1

[ Điểm đánh giá5/5 ]1 người đã bình chọn
Đã xem: 183 | Cập nhật lần cuối: 9/13/2023 12:48:44 AM | RSS

Các nhà tâm lý học tình yêu hôn nhân đều có chung một nhận xét này là, trong đời sống vợ chồng, đôi bạn nào biết tôn trọng và yêu kính nhau thì họ sẽ hạnh phúc và cuộc hôn nhân của họ sẽ vững bền. Ông bà ta thường nói “Tương kính như tân”, nghĩa là trong đời sống vợ chồng, hai bạn phải kính trọng nhau như những người khách quý của mình. Kính trọng thông qua thái độ ứng xử tế nhị, nhẹ nhàng, thông qua thói quen giao tiếp khéo léo, lịch sự, thông qua sự cảm thông tinh tế, sâu sắc. Một danh nhân cũng đã nói, “Nền tảng của tình yêu vợ chồng, đó chính là yêu thương và kính trọng nhau” (Elijah Fenton).

Nhiều người trẻ khi bước vào đời sống hôn nhân thường thắc mắc là phải sống như thế nào để thành công và hạnh phúc trong đời sống vợ chồng. Thiết tưởng câu trả lời đơn giản nhất chính là hãy tôn trọng nhau. Đó là “giới răn” cơ bản nhất của đời sống vợ chồng. Chính vì vi phạm giới răn này mà người ta chuốc lấy đau khổ và thất bại trong hôn nhân; chính vì không tôn trọng nhau mà người ta mới to tiếng, ẩu đả nhau và cuối cùng bỏ nhau. Tôn trọng nhau là không bao giờ xúc phạm đến nhau, cả khi thấy được những lầm lỗi của nhau.

Thực vậy, “hôn nhân là chuyện của từng ngày, và nếu mỗi ngày được cấu tạo bằng những việc làm nhỏ bé vô danh thì phép lịch sự chính là chìa khóa kỳ diệu của sự thành công. Phép lịch sự trong đời sống vợ chồng là nét đẹp của tâm hồn. Nó làm cho con người quên đi những gai góc trong ngôi vườn để chỉ nhìn thấy những cánh hoa”[1].

Thực tế cho thấy, người ta có thể đối xử rất lịch thiệp với người ngoài nhưng trong gia đình vợ hay chồng lại cư xử với nhau một cách bất-lịch-sự, ăn nói bỗ bã, giao tiếp suồng sã, đối xử với nhau rất cộc cằn, thô bạo... Đức Thánh Cha Phanxicô trong Tông huấn Amoris Laetitia (Niềm Vui của Tình Yêu), dựa vào bài ca Đức Mến trong thư 1Cr của thánh Phaolô đã đưa ra 13 lời khuyên nhằm giúp các đôi hôn nhân duy trì gia đình bền vững, trong đó điều số 5 liên quan sự “Không khiếm nhã”. Ngài đã chia sẻ như sau:

Yêu thương cũng có nghĩa là làm cho mình đáng yêu. Rằng tình yêu thì không hành động thô lỗ, khiếm nhã, không cư xử gay gắt. Yêu thương thì không muốn làm cho người khác đau khổ. Hòa nhã là một trường học dạy sự mẫn cảm và tinh thần vô vị lợi, nó đòi người ta phải vun xới tâm tư và tình cảm của mình, học biết lắng nghe, ăn nói và có những lúc cũng biết thinh lặng.

Để sẵn sàng đón nhận một cuộc gặp gỡ đích thực với người khác, đòi hỏi phải có một cái nhìn nhân hậu đối với người ấy. Ai yêu thương thì có khả năng nói những lời động viên có sức vỗ về, trợ lực, an ủi, khích lệ. Đó không phải là những lời hạ giá người ta, gây buồn phiền, chọc tức hay khinh dễ”.[2]

Như vậy, ta thấy rằng sự yêu kính tôn trọng nhau giữa đôi bạn luôn luôn là tiền đề cho một cuộc hôn nhân bền vững và hạnh phúc. Người ta đã đưa ra nhiều lý do giải thích vì sao trong đời sống hôn nhân đôi bạn phải yêu kính tôn trọng nhau suốt đời.

Phần 1.- VÌ SAO TRONG ĐỜI SỐNG HÔN NHÂN, ĐÔI BẠN PHẢI YÊU KÍNH TÔN TRỌNG NHAU SUỐT ĐỜI?

Ở đây ta có thể tạm liệt kê ra bốn lý do chính, như sau:

1.1. Kính trọng nhau: Bằng chứng một tình yêu chân thực

Một danh nhân đã nói: “Yêu là kính, không kính thì chưa gọi là yêu”.

Có thể nói, sự kính trọng nhau trong đời sống hôn nhân là một bằng chứng cụ thể nhất của tình yêu đôi lứa. Nhiều người lầm tưởng rằng tiền bạc, địa vị, sắc đẹp sẽ thay thế được tình yêu và góp phần làm nên một cuộc hôn nhân bền vững. Tuy nhiên, thực tế chứng minh rằng tất cả những thứ đó chỉ là tai họa nếu trong đời sống chung, hai vợ chồng luôn tỏ ra bất kính, bất hòa, bất tương nhượng nhau. Nhiều khi chính những thứ đó lại khiến vợ chồng xa cách, ghét bỏ nhau. Tiền bạc thường làm cho đôi bạn nghi ngờ nhau. Địa vị nhiều lúc khiến cho hai người coi thường nhau. Sắc đẹp có khi là nguyên nhân gây đổ vỡ cho nhau. Chỉ có tình yêu thực sự mới giúp cho đôi bạn gắn bó nhau, trân trọng nhau. Ông bà ta nói, “Yêu nhau trăm sự chẳng nề/ một trăm chỗ lệch cũng kê cho bằng”. Tình yêu có sức mạnh kỳ diệu khiến cho đôi bạn biết vượt qua mọi khó khăn trở ngại để yêu thương và tôn trọng bạn mình suốt đời.

1.2. Kính trọng nhau: Hoa quả của sự hy sinh và quảng đại

Có thể nói, để có thể kính trọng nhau suốt đời, đôi bạn phải biết hy sinh và sống quảng đại nhiều lắm. Đầu tiên là phải hy sinh cái “Tôi” để chấp nhận nhau. Người ta nói “bá nhân bá tánh”, vợ chồng không phải là bản sao của nhau nên khác nhau hoàn toàn. Nhất là về phương diện tâm sinh lý, cá tính, tính cách, sở thích, thói quen thường ngày, cách suy nghĩ vv. Các chuyên gia về hôn nhân luôn nhắc nhở chúng ta rằng muốn cho hôn nhân thành công, bền vững thì bài học đầu tiên ai cũng phải nằm lòng, đó là nhận biết sự khác biệt nam-nữ và sẵn sàng thích nghi với sự khác biệt gốc rễ ấy. Nếu đôi bạn không nhận ra điều đó thì họ không thể tôn trọng nhau như hai bạn đời, bạn tình, bạn đường được.

Trong bài giảng ở Đại Hội Gia Đình Thế Giới vào năm 2012, Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI đã nhắn nhủ các gia đình như sau: “Ơn gọi của anh chị em thật không dễ dàng để sống, thật sự không dễ, trong bối cảnh ngày nay, nhưng ơn gọi yêu nhau là một điều tuyệt đẹp - đó là động lực duy nhất thật sự có thể hình thành vũ trụ, hình thành thế giới.” Và ngài đã chỉ ra một số cách để thăng tiến tình yêu gia đình, chẳng hạn như:

- Duy trì quan hệ thân thiết với Chúa và tham gia vào đời sống Giáo Hội;

- Nuôi dưỡng đối thoại;

- Chấp nhận quan điểm khác biệt;

- Sẵn sàng phục vụ và kiên nhẫn với lầm lỗi của người khác;

- Có khả năng tha thứ và xin tha thứ;

- Vượt qua mọi mâu thuẫn cách khéo léo và khiêm tốn vv.

Ngài nhấn mạnh: “Đó là những nhân tố giúp xây dựng gia đình. Hãy mạnh mẽ thực hành những điều đó, và với lòng bác ái yêu thương người khác trong sự kết hợp với ân sủng của Chúa, anh chị em sẽ trở thành những quyển Tin Mừng sống, những Hội Thánh tại gia.

1.3. Kính trọng nhau: Thể hiện sự bình đẳng bình quyền trong hôn nhân

Ta thường nói “vợ chồng như đũa có đôi” bởi vì hai người là BẠN của nhau. Bạn đời, bạn tình, bạn đường, bạn tri kỷ… Họ cần nhau giúp nhau đồng hành trên cuộc đời đầy khó khăn này. Do đó không thể có chuyện “chồng chúa vợ tôi” được. Thực trạng này chỉ đẩy họ xa nhau, ghét nhau, thù nhau mà thôi. Vợ chồng trước hết phải nhận thức rằng trong hôn nhân không có giai cấp, không có chủ-tớ, không có kẻ trên người dưới. Trái lại đôi bạn bình đẳng, bình quyền và mỗi người phải tôn trọng vai trò và nhiệm vụ riêng của nhau.

Danh ngôn có câu: “Chính sự bình đẳng mới có thể làm cho tình yêu vững bền” (G.E.Lessing). Vậy làm sao để có thể duy trì được sự bình đẳng giữa đôi bạn? Câu trả lời sẽ là, hãy yêu mến và tôn trọng nhau. Tác giả D. Wahrheit trong cuốn “Cẩm nang hạnh phúc gia đình Kitô” đã phân tích như sau:

Với Công Đồng Vaticanô II, hôn nhân được định nghĩa thiết yếu như một cộng đồng tình yêu mà hai người nam nữ, do giao ước hôn phối, cam kết xây dựng với nhau suốt đời. Định nghĩa này đã được Giáo luật mới của Giáo Hội lặp lại trong số 1055 như sau: ‘Do giao ước hôn phối, người nam và người nữ tạo nên với nhau một cuộc thông hiệp trọn cả cuộc sống’. Nói đến thông hiệp là nói đến tình yêu, mà nói đến tình yêu là không còn nói đến quyền lợi nữa. Tình yêu vợ chồng làm cho hai người bình đẳng với nhau đến độ không ai còn nại đến quyền lợi của mình đối với người khác. Nếu có một thứ quyền lợi mà cả hai phải nghĩ đến, thì đó là lợi ích của cộng đồng tình yêu mà họ đã cam kết xây dựng với nhau. Trong tình yêu hôn nhân, người ta có thể nói rằng, không còn có cái tôi với những quyền lợi riêng tư nữa. Hai người phối ngẫu sẽ không còn phải khẳng định: cái này của tôi, cái kia của ông, cái nọ của bà. Họ thuộc về nhau trọn vẹn, họ chia sẻ cho nhau tất cả mọi sự. Họ có chung một trách nhiệm.[3]

1.4. Kính trọng nhau: Sức mạnh giúp vượt qua những mâu thuẫn xung đột thường ngày

Chúng ta ai cũng biết rằng đời sống hôn nhân gia đình cực kỳ khó khăn và phức tạp. Ngoài vấn đề cơm-áo-gạo-tiền, đôi bạn còn phải “chiến đấu” với chính bản thân ích kỷ của mình và với những trái chứng của người bạn đời. Người xưa nói, cái chén cái bát còn có lúc va chạm xô đẩy nhau huống chi là con người. Cho nên những mâu thuẫn xung đột giữa hai người là điều đương nhiên không thể tránh được. Cái cảnh “Ông nói gà, bà nói vịt” hay “trống đánh xuôi kèn thổi ngược” dường như là chuyện đương nhiên như cơm bữa!

Tuy nhiên, các đôi vợ chồng trưởng thành và có thiện chí thì luôn tìm được giải pháp hóa giải được những mâu thuẫn nội bộ. Giải pháp đơn giản nhất, đó là hai người luôn biết trân trọng nhau, đó là biết chấp nhận vai trò của nhau, biết đề cao phẩm giá con người nơi bạn đời và thực sự muốn duy trì một cuộc hôn nhân lâu dài và hạnh phúc.

Chúng ta biết rằng, “hôn nhân là sự kết hợp giữa một người nam và một người nữ trong sự tự nguyện, bình đẳng, tôn trọng phẩm giá, quyền lợi và tự do của nhau. Điều này được chính đôi bạn cam kết với nhau trong ngày thành hôn. Đôi bạn không chỉ hứa tôn trọng nhau trong một thời gian nhất định, nhưng là tôn trọng nhau mọi ngày suốt đời. Tôn trọng nhau lúc thành công cũng như khi thất bại, lúc thịnh vượng cũng như lúc gian nan, khi ốm đau cũng như khi mạnh khỏe. Như vậy, tôn trọng trước hết là nhìn nhận nhau và cả hai đều quan trọng đối với nhau. Bởi lẽ, người nữ là phần bổ sung của người nam cũng như người nam là phần bổ sung của người nữ: người nam và người nữ bổ túc cho nhau, không chỉ về mặt thể lý và tâm lý mà cả về mặt hữu thể. Do đó, khi người nam và người nữ gặp nhau, thì nhận thức thống nhất của con người được hình thành, không dựa trên logic tập trung vào mình và khẳng định chính mình, mà là dựa trên logic tập trung yêu thương và liên đới”[4].

Hết phần 1

Aug. Trần Cao Khải

Nguồn: Hội Đồng Giám Mục Việt Nam