Đạo hiếu theo giáo lý Công giáo (1)

[ Điểm đánh giá5/5 ]1 người đã bình chọn
Đã xem: 5334 | Cập nhật lần cuối: 2/20/2015 4:28:38 PM | RSS

Theo ngữ nguyên, chữ Hiếu (孝) gồm chữ lão (老V) có nghĩa là “cụ già” ở trên, và chữ tử (子) có nghĩa là “người con” ở dưới. Nó vẽ ra trước mắt ta hình ảnh một người con (子) cõng một người có tuổi (老V), nghĩa là một đứa con cõng cha hoặc mẹ mình.

Cựu ước có những trang rất đẹp về điều răn đạo hiếu. Chẳng hạn như sách Huấn ca, chương 3, câu 1-16:

“Hỡi các con, hãy nghe luật nghiêm phụ,

hãy xử sao để được độ sinh.

Vì Chúa đặt vinh quang người cha ở trên con cái

và để quyền người mẹ vững chãi lướt hẳn đàn con.

Kẻ tôn kính cha thì được xoá lỗi lầm,

và trọng kính mẹ thì khác gì tích trữ bảo tàng.

Kẻ kính sợ Chúa sẽ tôn kính cha,

nó sẽ làm tôi các bậc sinh thành nó như chủ của nó.

Nơi việc làm và nơi lời nói, con hãy tôn kính cha con,

ngõ hầu mọi chúc lành đổ xuống trên con.

...

Hỡi con, hãy chăm sóc cha con lúc tuổi già.

Lúc người sinh thời,

chớ làm người sầu tủi.

Trí khôn người có suy giảm, con cũng nể vì.

Đừng nhục mạ người, thời con đang sức.

Vì việc nghĩa con làm cho cha sẽ không bị xoá,

nó sẽ đắp điếm các lỗi lầm.

Vào ngày bĩ cực, công việc của con sẽ được nhớ đến,

như băng giá khi trời tối, tội con sẽ tan đi.

Kẻ bỏ bê cha là lộng ngôn phạm đến Chúa,

Kẻ khinh bỉ mẹ là chọc giận Đấng tạo thành ra nó”.

Hoặc sách Cách Ngôn, chương 6, câu 20-23:

“Con ơi giữ lấy lời cha,

Chớ quên lời mẹ, nhớ mà ghi tâm.

Đèn soi trong chốn tối tăm,

Ấy là chính những lời răn lệnh truyền.

Và lời dạy dỗ nhủ khuyên,

Ví như ánh sáng dịu hiền toả lan.

Còn lời khiển trách can ngăn,

Chính là sự sống là đàng con đi.”

Chữ hiếu là nhân đức bao trùm tất cả mọi quyền lợi và bổn phận trong gia đình. Nó là nguyên tắc chủ đạo cho tất cả mọi hành vi của bất cứ người Việt Nam nào, tựa như đức mến gợi hứng cho toàn bộ cuộc sống của mọi Kitô hữu. Chữ hiếu vừa tóm tắt mọi bổn phận của con cái đối với cha mẹ vừa hình thành một trong các nền tảng cơ bản của gia đình cũng như xã hội Việt Nam. Đó cũng là điều được nhấn mạnh trong Kinh Thánh Tân Ước:

“Con cái hãy vâng phục cha mẹ trong Chúa, vì đó là điều phải. Hãy thảo kính cha mẹ ngươi. Lệnh truyền ấy là lệnh truyền thứ nhất”. Đó là lời thánh Phaolô nhắn nhủ chúng ta trong thư gửi tín hữu Êphêsô 6,1-2. Thảo kính cha mẹ là lệnh truyền thứ nhất trong đạo yêu người. Thật vậy, bản mười điều răn chia làm hai phần: Mến Chúa và yêu người. Phần đầu gồm 3 điều dạy ta phải kính thờ Thiên Chúa cách tuyệt đối. Phần sau nói về bổn phận đối với tha nhân và đối với chính mình, gồm 7 điều, trong đó điều đầu tiên là: “Hãy hiếu kính cha mẹ ngươi” (Xh 5, 16).


Vậy mà oái oăm thay, suốt một thời gian dài hơn hai thế kỷ, nhiều người Việt Nam lại có suy nghĩ rằng theo đạo Chúa là bất hiếu, là “bỏ ông bỏ bà”. Trước khi giải tỏa cái ngộ nhận lâu đời ấy, ta hãy cùng tìm hiểu điều răn về sự hiếu thảo theo Kitô giáo.

1. Hiếu thảo là điều răn đầu tiên của Đạo yêu người

Tin mừng Marcô 12,28-39 kể lại: “Một lần kia có vị ký lục nghe Chúa... Và tiến lại hỏi Ngài rằng: “Điều răn trên hết là điều răn nào?” Đức Giêsu đáp: “Đây là điều răn thứ nhất: Hỡi Israel, hãy nghe, Chúa, Thiên Chúa chúng ta là Thiên Chúa độc nhất. Ngươi phải đem hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn, hết sức mình mà kính mến Chúa là Thiên Chúa ngươi. Thứ đến là: Ngươi phải yêu mến người bên cạnh như chính mình. Chẳng có điều răn nào lớn hơn hai điều đó”... Hãy yêu người bên cạnh như chính mình. Người bên cạnh đầu tiên trong đời ta là ai nếu không phải là cha mẹ? Chính cha mẹ đã thông truyền sự sống cho ta, lo nuôi nấng dạy dỗ ta. Ta lớn lên trong tình yêu thương và sự che chở của cha mẹ. Mẹ mang nặng đẻ đau, cha nhọc nhằn nuôi dạy. Thế nên, lòng yêu thương đối với cha mẹ phải trổi vượt lòng yêu thương đối với những người khác.

“Hãy thảo kính cha mẹ ngươi, lệnh truyền ấy là lệnh truyền thứ nhất” (Ep 6, 2). Điều ấy thật gần gũi với người Việt chúng ta. Trong cuộc sống người Việt, sau nghĩa vụ đối với trời cao, điều quan trọng nhất là đạo hiếu. Kính yêu và biết ơn cha mẹ quả là một con đường tuyệt vời dọn tâm hồn chúng ta đón nhận Thiên Chúa. Tình thương và công ơn cha mẹ giúp ta hiểu được phần nào tình thương của Cha trên trời. Lòng hiếu kính cha mẹ cũng là trường dạy ta biết báo đền tình thương của Cha trên trời.

Kinh Thánh đã dùng lòng hiếu thảo đối với cha mẹ để diễn tả tình yêu mà ta phải có đối với Thiên Chúa. Không phải ta yêu thương cha mẹ trước, nhưng chính cha mẹ đã yêu thương ta. Khi chưa có ta, cha mẹ đã nghĩ đến ta. Cũng thế “không phải chúng ta đã yêu mến Thiên Chúa trước, nhưng chính Ngài đã yêu mến chúng ta” (1Ga 4, 4).

Có thể so sánh tình cha mẹ với tình yêu Thiên Chúa, vì tình yêu và công ơn của cha mẹ cũng có một cái gì trường cửu. Không chỉ khi cha mẹ ở gần ta, mà cả khi các ngài vắng mặt hoặc đã qua đời, tình yêu thương ấy vẫn ở bên ta. Chính con người chúng ta mang dấu vết của cha mẹ. Chính chúng ta là kết quả của lòng cha mẹ yêu thương. Vì thế, chúng ta hiếu kính các ngài, không những lúc các ngài còn sống, mà cả khi các ngài đã qua đời. Bao lâu ta còn sống, ta còn nhớ công ơn cha mẹ. Cũng thế, trước tình thương của Thiên Chúa, chúng ta sẽ một lòng hiếu thảo, ở đời này cũng như ở đời sau.

2. Người Kitô hữu phải hiếu kính cha mẹ như thế nào?

Trong truyền thống Kitô giáo Việt Nam, ý nghĩa Kitô giáo được Giáo hội đã mặc cho những ngày đầu năm, thật đáng cảm kích. Ngày mùng một là ngày tạ ơn Thiên Chúa, ngày mùng hai dành để kính nhớ tổ tiên. Việc xếp đặt đó quả là một lời tuyên xưng đức tin rất chính xác. Người Kitô hữu Việt Nam biết ơn ông bà tổ tiên, nhưng họ không để lòng hiếu thảo này làm phương hại đến lòng hiếu thảo đối với Cha trên trời.

Thật ra, không bậc tổ tiên nào có ý nghĩ lấn chiếm chỗ dành cho Thiên Chúa trong lòng con cháu. Bạn cứ tự đặt mình vào trường hợp các ngài xem, nhất định bạn không đòi con cháu bạn sau này phải nhớ ơn bạn thay vì nhớ ơn Thiên Chúa. Tổ tiên chúng ta thừa biết mọi điều các ngài đã làm cho con cháu đều là ơn lành của Thiên Chúa Tạo Hóa. Hẳn các ngài mong rằng ta càng nhớ ơn các ngài, càng phải biết ơn Thiên Chúa. Các ngài cũng mong chúng ta nhớ ơn các ngài một cách cụ thể bằng cách cầu nguyện với Thiên Chúa cho các ngài. Trong lời nguyện mở đầu thánh lễ ngày mùng hai tết, người Công giáo thưa với Thiên Chúa:

“Lạy Chúa là Cha rất nhân từ, Chúa dạy chúng con phải thờ cha kính mẹ. Hôm nay nhân dịp đầu năm mới, Chúng con họp nhau để kính nhớ tổ tiên. Xin Chúa trả công bội hậu cho những bậc sinh thành dưỡng dục chúng con, và cho chúng con biết trọn niềm hiếu thảo với các ngài”.

Hơn ai hết, chính Chúa Giêsu đã dạy chúng ta phải hiếu thảo như thế nào đối với ông bà cha mẹ, khi các ngài còn sống cũng như khi đã qua đời. Ngài còn dạy chúng ta phải đặt tình hiếu thảo đối với cha mẹ trên trần gian thật đúng chỗ để trọn đạo hiếu với Cha trên trời.

a. Khi cha mẹ còn sống

Từ Cựu ước đến Tân ước, Kinh Thánh nhấn mạnh con cái phải kính mến, biết ơn, vâng lời và giúp đỡ cha mẹ khi các ngài còn sống. Trong Tân ước, chính Chúa Giêsu đã nhắc lại điều răn đạo hiếu và khẳng định đó là ý muốn của Thiên Chúa:

“Một lần kia, các biệt phái và ký lục từ Giêrusalem đến gặp Chúa Giêsu mà rằng: “Vì lẽ gì mà môn đồ Thầy phạm đến lệ truyền của tiền nhân? Quả thế, họ không rửa tay khi dùng bữa”. Đáp lại, Ngài nói với họ: “Còn các ông, vì lẽ gì các ông phạm đến lệnh truyền của Thiên Chúa nhân lệ truyền của các ông? Vì Thiên Chúa đã phán: “Ngươi hãy thảo kính cha mẹ” và “kẻ nào chúc dữ cha mẹ thì phải chết tử hình”. Còn các ông lại bảo: “Ai nói được với cha hay mẹ rằng: Mọi điều người trông nhờ vả nơi tôi, tôi đã dâng cúng hết rồi, thì người ấy khỏi giữ hiếu đối với cha mẹ mình”. Thế là các ông đã hủy bỏ lời của Thiên Chúa nhân lệ truyền của các ông” (Mt 14,1-6).

Không chỉ nói suông, Đức Giêsu đã đi đầu trong việc thực hiện đạo hiếu. Trong đời Ngài, Ngài đã sống trọn đạo làm con đối với cha mẹ. Kinh Thánh chỉ nói về cuộc sống của Ngài ở gia đình có mấy trang, nhưng ghi rõ: “Ngài theo cha mẹ trở về Nadarét và vâng phục cha mẹ” (Lc 2, 51). Thánh thư gửi tín hữu Do Thái cũng viết: “Dầu là Con Thiên Chúa, Ngài đã học cho biết vâng lời” (Dt 5, 8). Chính nhờ vậy, “Đức Giêsu khôn ngoan càng thêm, thân hình càng lớn càng được đẹp lòng Thiên Chúa và người ta” (Lc 2, 52).

Là một người thợ mộc (Mc 6, 3), Ngài đã lo làm ăn nuôi sống cha mẹ. Về sau, thánh Phaolô viết: “Ai không biết lo lắng đến người thân thuộc và nhất là gia quyến mình thì nó đã chối bỏ đức tin, và còn tệ hơn người không tin” (1 Tm 5, 8).

Đối với Đức Giêsu, phụng dưỡng cha mẹ không những là một bổn phận mà còn là một tâm tình tha thiết nhất của con người. Vì thế, khi muốn diễn tả tính cách quyết liệt của lời Ngài mời gọi, Ngài đã nói ai muốn theo Ngài phải từ bỏ cả mối tình thâm sâu ấy nữa. Chẳng hạn, có lần Ngài gọi một người: “Hãy theo Ta”. Người ấy đáp: “Xin cho phép tôi về chôn cất cha tôi trước đã”. Nhưng Ngài bảo: “Hãy để kẻ chết chôn cất kẻ chết của chúng, còn ngươi, hãy cứ đi rao giảng Nước Thiên Chúa”.

Lần khác, dân chúng theo Ngài đông đảo, Ngài quay lại bảo họ: “Ai đến với tôi mà không dứt bỏ cha mẹ, vợ con, anh em, chị em, và cả mạng sống mình nữa, thì không thể làm môn đệ tôi được.” (Lc 14,26). Chúa Giêsu muốn khẳng định: đòi hỏi của Ngài là đòi hỏi của Thiên Chúa tuyệt đối, người ta phải dành ưu tiên số một cho đòi hỏi đó, không nên viện bất cứ lý do gì để thoái thác chần chừ, cho dù đó là tình yêu đối với cha mẹ, vợ con.

Nếu người ta không thể lấy cớ lệ truyền của tiền nhân để thoái thác bổn phận làm con cái đối với cha mẹ trần gian, thì người ta càng không thể vịn vào bất cứ lý do gì để thoái thác đạo làm con đối với Cha trên trời.

“Được thuộc về Thiên Chúa” là giá trị lớn nhất của cuộc sống. Vì thế, trong việc báo đáp công ơn của ông bà cha mẹ, điều quan trọng nhất là lo phần rỗi của các Ngài. Đối với người Công giáo, việc phụng dưỡng cha mẹ lúc tuổi già không chỉ là lo cho các ngài có nơi ở ấm cúng, đủ ăn đủ mặc, chạy chữa thuốc men lúc các ngài đau ốm, cũng như an ủi các ngài về tinh thần, mà hơn nữa, còn phải lo cho đời sống Kitô hữu của các ngài được bảo đảm, giúp các ngài được lãnh nhận các bí tích cần thiết: xưng tội, rước Thánh Thể, được xức dầu bệnh nhân khi đau ốm, và tạo điều kiện để giúp cha mẹ chuẩn bị cuộc sống đời đời một cách chu đáo.

b. Khi cha mẹ đã qua đời
Cuối thánh lễ ngày mùng hai tết, linh mục đọc lời nguyện: “Lạy Chúa, nhân dịp đầu năm mới, chúng con đã được dự tiệc Mình và Máu Thánh Đức Kitô. Chớ gì nguồn sinh lực thần linh này giúp chúng con sống ngày nay sao cho tròn chữ hiếu đối với ông bà, cha mẹ, và mai sau được cùng các ngài hưởng phúc trường sinh”.

Mặc khải Kinh Thánh cho biết cuộc thanh tẩy ở cửa thiên đàng hết sức cần thiết để con người khốn cùng có thể hiệp nhất với Thiên Chúa Chí Thánh. Vì thế, người Kitô hữu cầu nguyện cho các tiền nhân đã khuất. Điều người Kitô hữu bận tâm khi kính nhớ các bậc tổ tiên là góp phần giúp các ngài sớm vượt qua cuộc thanh tẩy ấy để được hưởng phúc trường sinh. Vào dịp rằm tháng Bảy âm lịch, bà con lương dân nghĩ tới những linh hồn bị bỏ rơi, đồng thời cũng bận tâm mưu tìm sự cứu giúp cho những bậc sinh thành chưa được giải thoát. Những người Công giáo và nhiều nhà thờ cũng dâng thánh lễ nhân ngày Vu Lan để hiệp thông với tâm tình tốt lành ấy của anh chị em lương dân.

Người Công giáo cầu nguyện cho tiền nhân không chỉ trong ngày Lễ Các Đẳng Linh Hồn, 02/11, và suốt tháng 11 dương lịch hằng năm, nhưng mọi ngày trong năm, mỗi khi cử hành thánh lễ. Trong thánh lễ mỗi ngày, đều có đọc:

“Lạy Chúa, xin nhớ đến ông bà, cha mẹ, anh chị em chúng con đang an nghỉ trong niềm hy vọng sống lại và mọi người đã qua đời trong tình thương của Chúa. Xin cho các linh hồn ấy được vào hưởng ánh sáng tôn nhan Chúa”.

Khi cha mẹ đã qua đời, người tín hữu có bổn phận lo an táng, lo phần mộ tươm tất, vì phần mộ là nơi thân xác đợi ngày sống lại. Ngày kỵ giỗ hay những dịp đặc biệt khác, họ xin linh mục dâng thánh lễ cầu nguyện cho cha mẹ.

Người Kitô hữu cũng xin các bậc tiền nhân đã an nghỉ trong Chúa chuyển cầu cho họ trước nhan Ngài. Việc cầu nguyện với Tổ Tiên được thực hiện đặc biệt trong dịp cúng giỗ mà ngày nay Giáo hội chấp thuận cho người Công giáo Việt Nam được thực hiện theo hình thức Đông phương để tỏ lòng kính nhớ và biết ơn ông bà cha mẹ.

Nghi lễ cúng tế làm cho con cháu thấy gần gũi tổ tiên, dường như các ngài đang cảm thông với họ. Điều này không có gì xa lạ với giáo lý về sự hiệp thông giữa các tín hữu. Nó cũng nói lên niềm tin mãnh liệt về đời sau và nhắc nhở con cháu biết nối chí cha ông. Cha ông đã ăn ở ngay lành, con cháu sẽ noi gương ấy. Cha ông đã ra công tìm kiếm chân lý, con cháu sẽ tiếp tục công cuộc của các ngài.

Uống nước nhớ nguồn, Con Thiên Chúa khi làm người cũng không hề quên những bậc tổ tiên hằng được nhắc đến trong gia phả (Mt 1,1-18). Tuy nhiên, Chúa Giêsu cũng còn nhắc ta rằng nếu phải nhớ công ơn tổ tiên, thì càng phải biết ơn Thiên Chúa hơn nữa, vì Thiên Chúa là cội nguồn đầu tiên, là Đấng đã sinh dựng nên tổ tiên ta. Cứ lần theo gia phả nhà mình mà lên mãi, ta sẽ thấy rằng lòng hiếu kính tổ tiên phải là trường dạy cho ta biết hiếu kính Cha trên trời. Thánh Luca đã viết gia phả của Đức Giêsu theo ý hướng đó: “Ngài là con của Giuse, con của Hêli... , con của Hênon, con của Set, con của Ađam, và Ađam con của Thiên Chúa” (xem Lc 3,23-38).

Đó cũng là điều chúng ta đọc thấy trong bài tiền tụng của ngày lễ kính nhớ tổ tiên:

“Lạy Cha, khi ngẫm xem muôn loài trong vũ trụ, chúng con thấy mọi sự đều có cội rễ căn nguyên: chim có tổ, nước có nguồn, con người sinh ra có cha mẹ. Nhờ Cha mặc khải, chúng con được nhận biết Cha là nguyên lý sáng tạo muôn loài, là Cha chung của hết mọi loài chúng con. Cha đã ban sự sống cho ông bà, cha mẹ, tổ tiên chúng con để các ngài truyền lại cho con cháu. Cha đã ban cho các ngài ân huệ dư đầy, để chúng con được thừa hưởng mà nhận biết, tôn thờ và phụng thờ Cha”.

Lm. Trăng Thập Tự

Nguồn: Hôn nhân và đạo Hiếu, tr. 43-49