Nếu anh em không hoán cải mà nên giống trẻ thơ này (6)

[ Điểm đánh giá5/5 ]1 người đã bình chọn
Đã xem: 374 | Cập nhật lần cuối: 5/12/2022 11:29:31 AM | RSS

Trước hết mọi sự, phải là con trẻ đã

Nếu anh em không hoán cải mà nên giống trẻ thơ này (6)Trong lòng Kitô giáo, nhiều người đã nhận ra Thập Giá. Từ những hình vẽ trên tường các hang động để chế giễu người Kitô hữu cho đến những tác phẩm cao cấp trong nghệ thuật Kitô giáo, Thánh Giá được coi như là biểu tượng trung tâm của lòng tin vào Chúa Kitô.

Người ta có thể hình dung như một Thập Giá chiến thắng Constantinô, một Thập Giá sáng ngời của ngày Phục sinh, như ở Ravenne, hay một thập giá đau thương như trong nghệ thuật gô-tic; dù dưới hình dạng nào, Thập Giá đều nhắc nhở đến một tội ác ghê gớm, khủng khiếp đã diễn ra trong lịch sử, một hình thức hành hình mà Ci céron cho là "sự tra tấn ác độc nhất, quái dị khủng khiếp nhất" mà có thể bắt một người phải gánh chịu (Chống Verrès II, 5). Vậy mà người Kitô hữu, buộc phải theo Thầy mình trên Thập Giá, không có một lối thoát nào khác để bỏ qua: "Ai không vác thập giá mình hằng ngày để theo Ta" (Lc 9, 23), thì không thể làm môn đệ của Đức Giêsu.

Mặt khác chúng ta cũng biết: sở dĩ cuộc thụ nạn mang lại được ơn cứu rỗi, là vì trong tư thế là Con, Đức Giêsu đã dâng lên Cha, toàn thể nhân loại cùng đền bù cứu hộ, nhờ đó, mà đối với những ai nối bước theo Ngài từ nay hy sinh đau khổ mới có ý nghĩa cùng đâm hoa kết quả, chỉ vì người đau khổ trước đó đã trở nên Con Thiên Chúa nhờ Người Con Vĩnh Cửu.

Vậy mà, khi đọc lời tựa của Tin mừng Gioan không hề thấy nói đến Thập Giá, nhưng lại nói: từ khởi đầu nơi Thiên Chúa, đã có Ngôi Lời, Con Ngài. Người là Ánh Sáng, nhờ đó vạn vật được tạo thành và là Sự Sống của nhân loại, đã hóa thành nhục thể, những ai đón tiếp Ngài, Ngài ban cho quyền làm con Thiên Chúa, sinh ra bởi Ngài, và từ đó cùng với Người làm con Thiên Chúa.

Ngôi Lời Thiên Chúa được mệnh danh rõ ràng là Con Thiên Chúa: đi xa hơn luật Môisen, Người đã chỉ cho thấy "vinh quang" của Cha, và "tất cả chúng ta đã lãnh nhận hết ơn này đến ơn khác" từ nguồn sung mãn của Người "đây ân sủng và chân lý". Và như thế, Người đã "tỏ" cho chúng ta biết "Thiên Chúa không ai thấy bao giờ", chỉ Người Con Một ở gần bên lòng Chúa Cha, mới có kinh nghiệm từ muôn thuở; Người không tiến hành điều đó từ bên ngoài theo kiểu thầy dạy trò, nhưng từ bên trong qua sự tham dự vào tình trạng Con Trẻ Thiên Chúa (Ga 1,1-8).

Bài tựa của thư gửi giáo đoàn Ephêsô được trích dẫn ở các trang trước, đã giới thiệu kế hoạch cứu độ từ nguyên thủy của Thiên Chúa. Bức thu được khai mở bằng một bài ca vãn, chúc tụng Thiên Chúa 'đã thi ân giáng phúc cho ta hưởng muôn vàn ân phúc của Thánh Thần trên trời trong Đức Kitô; vì Người đã chọn ta trước cả khi tạo thành vũ trụ để trước thánh Nhan Người ta trở nên tinh tuyền thánh thiện nhờ tình thương của Người. Theo ý muốn và lòng nhân ái của Ngài, Ngài đã tiền định cho ta làm nghĩa tử nhờ Đức Giêsu Kitô, do ân sủng Ngài ban tặng cho ta trong Thánh Tử yêu dấu (Ep 1,3-6). Đó là lý do đầu tiên tại sao Ngài đã dựng nên ta: để ta trở nên nghĩa tử, trở nên con trẻ trong Con Một Ngài, để Cha cùng con cái chúc tụng lẫn nhau và muốn vậy, phương thế được đưa ra là: "trong Thánh Tử, nhờ Máu Thánh Tử đổ ra, chúng ta được cứu chuộc, được thứ tha tội lỗi, theo lượng ân sủng rất phong phú của Người" (Ga 1, 7).

Trong phần sau, của lời tựa thư gửi giáo đoàn Do Thái, đã đề cập nhiều đến Đức Giêsu là Thầy Cả thượng phẩm, nhưng thư này cũng đã mở đầu bằng việc nhắc lại một phần các mạc khải của Thiên Chúa Đấng đã phán dạy ta mọi sự sau cùng qua Thánh Tử mà Ngài đặt thừa hưởng muôn vật muôn loài; Người được mặc lấy những chức tước quan trọng nhất, "là phản ánh vẻ huy hoàng của Thiên Chúa" là "hình ảnh trung thực của bản thể Thiên Chúa". Tính hơn hẳn của Người trên các thiên thần được mô tả có tình có tiết rõ ràng vì "các thiên thần chỉ là những bậc thiêng liêng lo phụng thờ Chúa, được sai đi phục vụ để mưu cầu ích lợi cho những kẻ được thừa hưởng ơn cứu độ" (Dt 1, 14). Khi Người Con vĩnh cửu hoàn tất công trình cứu độ chúng ta, là để giới thiệu tất cả chúng ta một trật với Người: "Này Tôi đây, cùng với con cái Thiên Chúa mà Thiên Chúa đã giao phó cho Tôi" (Dt 2, 13). Khoảng cách giữa Đấng được Cha sinh ra từ muôn thuở và chúng ta là những thụ tạo được phóng ra trong thời gian, bị xóa bỏ, cũng như khoảng cách giữa "Đấng Thánh Hóa và những người được thánh hóa" (Dt 2, 11) và Thiên Chúa là nguồn gốc và là cùng đích mọi loài, muốn đưa muôn vàn con cái đến vinh quang…" (Dt 2, 10). Vì Đấng Thánh Hóa và những ai được thánh hóa đều do một nguồn gốc (Cha) vì thế Người Con đã không hổ thẹn gọi họ là "anh em" (Dt 1-2).

Bài tựa của nhiều bức thư khác cũng mang một âm sắc như thế: thư gửi giáo đoàn Côlôxê, 2 thư của Phêrô, bức thư dài của Gioan. Đâu đâu cũng nói đến và rất dài về ơn cứu chuộc nhờ vào đau khổ của Chúa Con. Nhưng tất cả những gì liên quan đến hình thức cứu chuộc, kể cả sự đau khổ của Đức Giêsu để "khai mở và kiện toàn lòng tin" (Dt 12, 2) cùng những bước kế tiếp, đều được coi như phương tiện. Còn chỉ vì Đức Kitô là Người Con từ muôn thuở mới có thể chu toàn công cuộc cứu chuộc và làm cho tất cả chúng ta trở thành nghĩa tử - hơn thế nữa - người Kitô hữu thường quên rằng: chỉ vì và trong chừng mực họ là con cái Thiên Chúa nên những đau khổ, phấn đấu trong cuộc sống cùng cái chết của họ mới mang được giá trị đồng cứu chuộc. Vô số thử thách mà Phaolô kể ra, đã phải đương đầu, đã từng "chịu đựng trong Đức Kitô bởi một chi thể của Nhiệm Thể để dự phần vào "sự trao đổi thánh", đều đã diễn ra trên Thập Giá: "Chúng tôi luôn mang nơi thân mình cuộc khổ nạn của Đức Giêsu để sự sống của Đức Giêsu cũng được biểu lộ nơi thân mình chúng tôi" (2 Cr 4, 10.12).

Thế nên Đức Giêsu đau khổ là chính trong tư cách là Con. Lần đầu tiên chúng ta nghe Ngài thốt ra trong lời nguyện trên núi Cây Dầu từ ngữ trẻ con này: Abba, Cha ơi! (Mc 14, 36). Mặc dầu Cha chưa thể trả lời, tuy nhiên tất cả mọi đau khổ kể cả tiếng than thở bị bỏ rơi trên Thập Giá cũng được gánh chịu trong tinh thần con trẻ. Và một khi Người Con đã trải qua sự ghê rợn của thứ Bảy Tuần Thánh - như một trẻ bị lạc trong ngôi rừng của cha ông đầy những sự lạ khủng khiếp - Ngài có thể đắc thắng loan báo ngày Phục sinh: "Thầy lên cùng Cha của Thầy, cũng là Cha của anh em, lên cùng Thiên Chúa của Thầy cũng là Thiên Chúa của anh em" (Ga 20, 17). Từ nay Ngài đã giành được cho chúng ta quyền làm nghĩa tử của Ngài, được sống lại cùng ngự trị với Đức Kitô Giêsu trên cõi trời" (Ep 2, 6).

Do đó, bên kia khoảng cách có sẵn giữa Người là "Thầy và là Chúa" (Ga 13, 13) và chúng ta, thì có một sự bình đẳng nào đó giữa Người và chúng ta trước mặt Thiên Chúa, cho phép chúng ta diễn lại trong Giáo hội những gì Người đã làm cho chúng ta, cho chúng ta giới thiệu Người với Cha đồng thời Người giới thiệu chúng ta với Cha, đó cũng là điều Người ước muốn khi ban quyền năng vô hạn của Người cho chúng ta: "Anh em hãy làm như Thầy vừa mới làm, mà tưởng nhớ đến Thầy". Nhờ đó Giáo hội mới dám dâng Người lên, làm của lễ để chuộc lại nhân loại: "Xin Chúa đoái nhìn lễ vật Hội Thánh dâng lên Chúa và khi nhận ra đó là của lễ mà Chúa muốn hiến tế để nguôi lòng Chúa… Chúng con nguyện xin của lễ hòa giải này đem lại sự bình an và cứu độ cho tất cả thế giới" (kinh nguyện Thánh Thể III). Như Đức Kitô đã hy sinh mình cho Giáo hội, sự dâng hiến đó tự nó cũng trở nên một hy sinh hiến dâng Cha: "Chúng con lựa chọn trong những của Chúa đã ban mà dâng lên trước tôn nhan uy linh Chúa, lễ vật thanh khiết, lễ vật thánh thiện, lễ vật tinh tuyền, Bánh thánh ban sự sống vĩnh cửu và chén cứu độ muôn đời".

"Xin thương nhận như đã nhận lể vật của Abraham, tổ phụ chúng tôi" (kinh nguyện Thánh Thể I).

Đức Kitô không thể giao cho chúng ta, anh em Ngài, điều gì quý hóa hơn để dâng lên Chúa Cha "của lễ muôn đời làm vinh danh Chúa" (kinh nguyện Thánh Thể III).

Không tự phụ nhưng tin tưởng, chúng ta có thể nói trong cộng đồng Giáo hội: "Lạy Chúa, xin đoái nhìn của lễ chính Chúa đã dọn sẵn cho Giáo hội Chúa: xin Chúa nhân từ ban cho mọi người được dự phần vào" (kinh nguyện Thánh Thể IV).

Trong đôi tay, Giáo hội dâng lên Cha vĩnh cửu, Người Con vĩnh cửu để trước hết Cha ngắm nhìn trẻ đó, và trong trẻ đó tất cả các trẻ em khác mà trẻ đó muốn lôi kéo xuất hiện trước nhan Cha, vì Người không muốn xuất hiện mà không có chúng.

Nhưng cũng có một điều xem như ngược lại và bổ sung cho những gì chúng ta vừa nói. Ở cuối bài diễn văn tạm biệt, Đức Giêsu tuyên bố: "Ngày ấy, anh em sẽ nhân danh Thầy mà xin, và Thầy không nói với anh em là Thầy sẽ cầu xin Chúa Cha cho anh em. Thật vậy, chính Chúa Cha yêu mến anh em" (Ga 16, 26). Chính Con Trẻ vĩnh cửu giới thiệu chúng ta với Cha, không phải trong tư cách người "động viên" "người trung gian" phát ngôn viên của chúng ta bên cạnh Cha, nhưng bằng cách đặt chúng ta trực diện trước tình yêu của Cha như thể Người đứng sau lưng. Nếu Giáo hội trong chức tư tế, trước đây dâng lên Cha Người Con, thì nay chính Người Con, vị Thầy Cả thượng phẩm lại dâng ta lên với Cha.

Đó chắc chắn là những điều nghiêm túc một cách bi đát, tuy vậy cũng là một trò chơi thuộc thiên giới, nơi đó mọi cung bậc tình yêu được bày tỏ nơi con cái Thiên Chúa. Trò chơi này cho thấy rõ rành rành toàn bộ thảm kịch của Thập Giá, những gì liên quan đến Đức thế kỷ, Thầy Cả thượng phẩm, đến chức tư tế riêng và chung của tín hữu, mà nền tảng là mầu nhiệm Ba Ngôi của Con Trẻ Thiên Chúa.

Thời thơ ấu vì thế mang một đặc tính riêng trong toàn bộ biến cố Cứu độ, đưa đẩy Con Thiên Chúa, từ đứa trẻ trong đời người đến hoạt động công khai và sự đào thải, rồi đến chức vụ Thầy Cả thượng phẩm trên Thập Giá; Giáo hội được khai sinh từ vết thương ở sườn của Người cũng được kêu gọi sống tuổi thơ nhằm chu toàn chung với Người nhiệm vụ tư tế trên Thập Giá (không ngừng được đổi mới trong Thánh Thể và đời sống thường nhật). Đặc tính riêng đó nói rõ rằng toàn bộ công trình cứu chuộc, với tính khắc nghiệt hoàn toàn trưởng thành của nó chỉ được thực hiện đầy đủ trong tinh thần con trẻ của Thiên Chúa làm Người và trong đức tin con trẻ của vị hôn thê của Người là Giáo hội. Cho nên, chúng ta bạo dạn nhận ra trong Người Con sự hiện diện của Cha ("Ai thấy Ta là thấy Cha") bao nhiêu, thì vóc dạng và diện mạo của Con lại ít biến mất đi bấy nhiêu. Ngay cả khi vị tiên tri ban cho trẻ Messia danh hiệu "Cha đời đời" (Is 9, 5) và trẻ đó xét về một mặt nào phải được coi như Đấng sinh thành ra Giáo hội và nắm toàn bộ quyền năng cứu độ trong lịch sử thế giới, nhưng không phải vì vậy mà thay thế Cha được: Quá lắm là Ngài được coi như đại biểu các thuộc tính của Cha. Với tư cách là Mẹ chúng ta, Giáo hội không bao giờ được quên quan điểm này: không một bé gái nào mới sinh ra đã là mẹ, không có tư cách làm mẹ nào lại từ trời rơi xuống cả, thế nên việc làm mê đầy ân phúc của Giáo hội lại dựa trên tinh thần con trẻ đầu tiên được duy trì gìn giữ không hề quên lãng. Cần nhắc đến khía cạnh đó, khi chúng ta chiêm ngắm, trong phần kết thúc Người Mẹ của Trẻ Giêsu. Một Người Mẹ mà chúng ta tuyệt đối cần đến.

HY. Hans Urs Von Balthasar
Nguyên tác: "Si vous ne devenez comme cet enfant" ("Nếu anh em không hoán cải mà nên giống trẻ thơ này"), 1989, Des Clée Brouwer

* Bài liên quan:

NẾU ANH EM KHÔNG HOÁN CẢI MÀ NÊN GIỐNG TRẺ THƠ NÀY (1)

NẾU ANH EM KHÔNG HOÁN CẢI MÀ NÊN GIỐNG TRẺ THƠ NÀY (2)

NẾU ANH EM KHÔNG HOÁN CẢI MÀ NÊN GIỐNG TRẺ THƠ NÀY (3)

NẾU ANH EM KHÔNG HOÁN CẢI MÀ NÊN GIỐNG TRẺ THƠ NÀY (4)

NẾU ANH EM KHÔNG HOÁN CẢI MÀ NÊN GIỐNG TRẺ THƠ NÀY (5)