Tài liệu suy tư mục vụ về việc tham gia Mạng xã hội (3): Từ sự gặp gỡ tới cộng đồng

[ Điểm đánh giá5/5 ]1 người đã bình chọn
Đã xem: 88 | Cập nhật lần cuối: 9/7/2023 12:42:40 PM | RSS

BỘ TRUYỀN THÔNG

HƯỚNG TỚI SỰ HIỆN DIỆN TRÒN ĐẦY
Suy tư mục vụ về việc tham gia Mạng xã hội

PHẦN 3

TỪ SỰ GẶP GỠ TỚI CỘNG ĐỒNG

“Xin chăm sóc anh ấy” (x. Lc 10,35) – mở rộng tiến trình chữa lành tới những người khác.

Diện đối diện

45) Truyền thông bắt đầu bằng sự kết nối và hướng tới các mối quan hệ, tới cộng đồng và sự hiệp thông[22]. Không có truyền thông nếu không có một cuộc gặp gỡ thực sự. Giao tiếp là thiết lập các mối quan hệ; nghĩa là “sống với”. Trở thành cộng đồng, đó là chia sẻ với người khác những sự thật cơ bản về mình có gì mình là ai. Vượt xa sự gần gũi về địa lý-lãnh thổ hay sắc tộc-văn hóa đơn thuần, điều tạo nên một cộng đồng đó là cùng chia sẻ sự thật với cảm thức thuộc về, hỗ tương và liên đới, trong các lĩnh vực khác nhau của đời sống xã hội. Điều quan trọng là cần nhớ rằng việc xây dựng sự hiệp nhất cộng đồng thông qua các thực hành giao tiếp – điều duy trì các mối ràng buộc xã hội xuyên qua không gian và thời gian – sẽ luôn là thứ yếu so với việc gắn kết với chính sự thật.

46) Làm thế nào để xây dựng một cộng đồng thông qua các hoạt động giao tiếp ngay cả giữa những người không ở gần nhau, đó thực ra là một vấn nạn rất cũ. Trong các lá thư của các Tông đồ, chúng ta có thể nhận ra sự căng thẳng giữa sự hiện diện qua trung gian và niềm ao ước được gặp gỡ trực tiếp. Chẳng hạn, thánh sử Gioan kết thúc bức thư thứ hai và thứ ba của mình bằng câu: “Tôi có nhiều điều muốn viết cho anh em, nhưng tôi không muốn dùng giấy và mực. Trái lại, tôi mong được đến thăm anh em và nói chuyện trực tiếp với anh em, để niềm vui của chúng ta được nên trọn vẹn” (2 Ga 12). Điều này cũng đúng đối với Tông đồ Phaolô, ngay cả khi ngài vắng mặt và “ao ước được gặp mặt” mọi người cách đích thân (1Tx 2,17), cũng đã nhờ các bức thư của ngài mà hiện diện trong đời sống của mọi cộng đoàn do ngài thành lập (x. 1Cr 5,3). Các lá thư ngài viết cũng giúp “kết nối” các cộng đoàn khác nhau (x. Cl 4,15-16). Khả năng xây dựng cộng đoàn của Phaolô đã được truyền lại cho thời đại chúng ta qua nhiều bức thư của ngài, trong đó chúng ta nhận biết rằng đối với ngài, không có sự tương phản giữa sự hiện diện thể lý và sự hiện diện qua thư từ ngài viết được cộng đoàn đọc lại (x. 2Cr 10,9-11).

47) Trong thực tại ‘đời thực (onlife)’ ngày càng gia tăng của thế giới ngày nay, cần phải vượt qua kiểu luận lý “hoặc A hoặc B” - trong đó ta nghĩ về các mối quan hệ của con người theo kiểu luận lý lưỡng phân (kỹ thuật số đối nghịch với hiện diện thể lý), để chấp nhận loại luận lý “cả A lẫn B”, dựa trên tính bổ trợ và tính toàn vẹn của đời sống con người và xã hội. Những mối liên hệ cộng đồng trên các mạng xã hội cần phải củng cố các cộng đồng địa phương và ngược lại. “Việc sử dụng mạng xã hội là bổ trợ cho cuộc gặp gỡ bằng xương thịt, vốn sống động nhờ thân xác, con tim, đôi mắt, ánh nhìn, hơi thở của người khác. Nếu Mạng được sử dụng như để nối dài hoặc mong đợi một cuộc gặp gỡ như thế, thì khái niệm mạng không mâu thuẫn và vẫn là một tài nguyên cho sự hiệp thông”[23]. “Thế giới kỹ thuật số có thể là nơi đầy tình người, không phải là một mạng lưới dây nhợ, nhưng là một mạng lưới những con người”[24], nếu chúng ta nhớ rằng ở phía bên kia màn hình không phải là “những con số” hay chỉ là “tập hợp của những cá nhân”, mà là những con người có những câu chuyện, những giấc mơ, những kỳ vọng, những đau khổ. Những con người có tên gọi và có khuôn mặt.

Trên đường đi Giêricô

48) Truyền thông kỹ thuật số cho phép người ta gặp nhau vượt quá các vành đai của không gian và văn hóa. Ngay cả khi những cuộc gặp gỡ kỹ thuật số này không nhất thiết mang lại sự gần gũi về thể lý, chúng vẫn có thể có ý nghĩa, có ảnh hưởng, và rất thực tế. Vượt ngoài sự kết nối đơn thuần, chúng có thể là một đại lộ để tương tác chân thành với người khác, để đi vào những cuộc trò chuyện có ý nghĩa, để bày tỏ tình liên đới, và để xoa dịu sự cô lập và nỗi đau của ai đó.

49) Mạng xã hội có thể được coi là một “con đường khác dẫn đến Giêricô”, đầy những cơ hội gặp gỡ bất ngờ như đã xảy ra với Chúa Giêsu: một người hành khất mù kêu lớn tiếng bên vệ đường (x. Lc 18,35-43), một người thu thuế bất lương nấp trong những cành cây sung (x. Lc 19,1-9), và một người đàn ông bị thương dở sống dở chết do bọn cướp bỏ lại (x. Lc 10,30). Đồng thời, dụ ngôn Người Samari Nhân Lành nhắc chúng ta rằng duy chỉ sự kiện một người nào đó “là chức sắc trong đạo” (thầy tư tế hay thầy Lêvi) hoặc tự nhận mình là môn đệ của Chúa Giêsu, thì không có gì bảo đảm rằng họ sẽ giúp đỡ hoặc tìm kiếm sự chữa lành và sự hòa giải. Anh mù đã bị các môn đệ của Chúa Giêsu quát mắng và bảo im đi; sự giao tiếp của Dakêu với Chúa Giêsu gây ra những tiếng càu nhàu của những người khác; người đàn ông bị thương thì hoàn toàn bị phớt lờ bởi thầy tư tế và thầy Lêvi khi đi ngang qua.

50) Tại các giao lộ kỹ thuật số, cũng như trong các cuộc gặp gỡ trực tiếp, sự việc ta ‘là Kitô hữu’ thì chưa đủ. Có thể tìm thấy nhiều tài khoản trên mạng xã hội tuyên bố mình có nội dung tôn giáo nhưng lại không trung thành dấn thân tạo nên động lực xây dựng tương quan. Những tương tác thù địch và những từ ngữ bạo lực, hạ nhục gào lên từ màn hình, đặc biệt trong bối cảnh chia sẻ nội dung Kitô giáo, sẽ là một sự mâu thuẫn với chính Tin Mừng[25].

Trái lại, Người Samari Nhân Lành, quan tâm và sẵn sàng gặp gỡ nạn nhân bị thương, động lòng trắc ẩn để ra tay chăm sóc nạn nhân ấy. Anh chăm sóc các vết thương và đưa nạn nhân đến một quán trọ để bảo đảm người ấy được tiếp tục chăm sóc. Cũng vậy, niềm ước mong làm cho mạng xã hội trở thành một không gian nối kết và nhân văn hơn phải được chuyển thành những thái độ cụ thể và những cử chỉ đầy sáng tạo.

51) Muốn thúc đẩy cảm thức cộng đồng thì cần quan tâm chia sẻ với nhau: các giá trị, kinh nghiệm, hy vọng, nỗi buồn, niềm vui, hài hước và cả những chuyện cười, mà tự thân chúng có thể trở thành những điểm quy tụ người ta trong không gian kỹ thuật số. Cùng với việc lắng nghe, phân định và gặp gỡ, việc hình thành cộng đồng với người khác đòi hỏi sự dấn thân cá nhân. Điều được các nền tảng mạng xã hội định nghĩa là “tình bạn” chỉ đơn thuần bắt đầu như một sự kết nối hay sự thân quen. Tuy nhiên, ở đây cũng có thể nhấn mạnh đến tinh thần ủng hộ và đồng hành chung với nhau. Để trở thành cộng đồng thì cần phải có cảm thức tham gia với nhau cách tự nguyện; để trở thành một hội nhóm như mong muốn thì cần phải quy tụ được các thành viên gần gũi nhau. Sự tự do và sự ủng hộ nhau không tự dưng mà có. Để hình thành cộng đồng, thì bước đầu tiên của tiến trình là công việc chữa lành và hòa giải.

52) Ngay cả trên mạng xã hội, “chúng ta phải quyết định chọn làm người Samari Nhân Lành hoặc làm người bộ hành dửng dưng ngoảnh mặt bỏ đi. Và nếu chúng ta chịu khó nhìn lại trọn cuộc đời mình cũng như toàn bộ lịch sử thế giới, chúng ta sẽ nhận ra tất cả chúng ta đều là hoặc đã là những nhân vật này: tất cả chúng ta đều có chút gì đó của người bị thương tích, chút gì đó của kẻ cướp, chút gì đó của người quay mặt bỏ đi và chút gì đó của người Samari Nhân Lành”[26].

Tất cả chúng ta có thể là kẻ bỏ đi qua trên xa lộ kỹ thuật số - chỉ đơn giản là “được kết nối”[27] - hoặc chúng ta có thể làm điều gì đó giống như người Samari kia, cho phép các kết nối phát triển thành những cuộc gặp gỡ thực sự. Người lữ khách tình cờ đã trở thành một người thân cận khi anh ta chăm sóc cho nạn nhân bị thương bằng việc băng bó các vết thương. Khi chăm sóc cho người ấy, anh nhằm mục đích chữa lành không chỉ những vết thương thể xác mà cả những chia rẽ và thù hận tồn tại giữa các nhóm xã hội của hai người.

53) Vậy thì, trên mạng xã hội, “chữa lành” có nghĩa là gì? Làm thế nào chúng ta có thể “hàn gắn” sự chia rẽ? Làm thế nào chúng ta có thể xây dựng các môi trường trong Giáo hội có khả năng chào đón và hội nhập “các vùng ngoại biên về địa lý và hiện sinh” của các nền văn hóa ngày nay? Những câu hỏi như thế này rất thiết yếu để nhận ra sự hiện diện của Kitô hữu trên các xa lộ kỹ thuật số.

“Ngày nay, chúng ta có thời cơ thuận tiện để chứng tỏ rằng tự bản chất chúng ta là anh chị em với nhau, để trở thành những người Samari Nhân Lành nhận về mình nỗi đau của người khác, thay vì kích động hận thù và oán giận. Tựa như người bộ hành trong dụ ngôn tình cờ đi qua, chúng ta chỉ cần để mình được thúc đẩy bởi ước muốn tự nhiên, trong sáng và đơn giản, là làm nên một dân tộc, là miệt mài dấn thân giúp cho người quỵ ngã bên đường được đón nhận, được hội nhập và được nâng dậy.”[28]

“Hãy đi và cũng làm như vậy”

54) Mối quan hệ sinh ra mối quan hệ, cộng đồng xây dựng cộng đồng. Ơn phước của mối quan hệ được xây dựng giữa hai người thì vượt quá sự tương tác của họ. Con người được tạo dựng cho các mối quan hệ và cho cộng đồng. Đồng thời, tình trạng cô đơn và cô lập đang lan tràn trong thực tế văn hóa của chúng ta, như chúng ta đã kinh nghiệm cách sâu sắc trong đại dịch COVID-19. Những người đang tìm kiếm sự bầu bạn, nhất là những người bị gạt ra bên lề, thường chuyển sang các không gian kỹ thuật số để tìm nối kết với cộng đồng, tìm sự hòa nhập và liên đới với những người khác. Trong khi nhiều người tìm được niềm an ủi khi kết nối với những người khác trong không gian kỹ thuật số, thì nhiều người khác lại thấy không thỏa đáng. Có lẽ chúng ta thất bại trong việc cung cấp không gian cho những người muốn tham gia đối thoại và muốn tìm được sự ủng hộ mà không gặp phải những thái độ phán xét hay phòng thủ.

55) Sự dịch chuyển từ gặp gỡ sang quan hệ và tiến tới cộng đồng liên quan đến cả những quà tặng lẫn những thách thức của văn hóa kỹ thuật số. Đôi khi các cộng đồng trực tuyến hình thành khi người ta tìm thấy mảnh đất chung qua việc thu thập những điểm chống lại một “kẻ khác” bên ngoài, một kẻ thù chung về mặt ý thức hệ. Kiểu phân cực này tạo ra một “não trạng bộ lạc kỹ thuật số”, trong đó nhóm này đấu với nhóm khác trong tinh thần thù địch. Chúng ta không thể quên sự có mặt của những người khác, những anh em chị em, những con người có phẩm giá ở bên kia các giới tuyến bộ lạc này. Chúng ta “không được phân loại người khác để quyết định ai là và ai không phải là người thân cận của mình. Chính tôi phải quyết định làm một người thân cận hay không - quyết định là của tôi – chính tôi phải quyết định mình hay không là người thân cận của những người mà tôi gặp gỡ, những người cần sự giúp đỡ, ngay cả khi họ là người lạ hoặc có thể là thù địch.”[29] Đáng tiếc là những mối quan hệ đổ vỡ, những xung đột và chia rẽ không phải là hiếm trong Giáo hội. Ví dụ, khi các nhóm tự xưng mình là “Công giáo” nhưng dùng sự hiện diện của mình trên mạng xã hội để gây chia rẽ, thì đó là họ không hành xử như một cộng đồng Kitô giáo thực sự nên làm[30]. Thay vì nhấn mạnh đến các xung đột và mồi nhử đối đầu, các thái độ thù địch nên trở thành cơ hội để hoán cải, một cơ hội cho sự gặp gỡ, đối thoại và hòa giải xung quanh các vấn đề có vẻ gây chia rẽ[31].

56) Việc tham gia vào mạng xã hội phải vượt quá những trao đổi ý kiến cá nhân hay mô phỏng các hành vi. Hành động xã hội được vận động qua mạng xã hội đã có tác động lớn hơn và thường hiệu quả hơn trong việc chuyển hóa thế giới so với một cuộc tranh luận hời hợt về các ý tưởng. Các cuộc tranh luận này thường bị giới hạn bởi số lượng ký tự được cho phép cũng như tốc độ người ta phản ứng đối với các bình luận, chưa kể những lập luận ad hominem nặng cảm tính, tức tấn công trực tiếp vào người nói, bất kể toàn bộ chủ đề đang được thảo luận là gì.

Chia sẻ ý tưởng là cần thiết, nhưng chỉ có ý tưởng thôi thì không hiệu quả; các ý tưởng phải trở thành “xác thịt”. Mảnh đất phải được làm cho màu mỡ bằng các hành động hằng ngày[32].

Học tập từ tấm gương người Samari ấy, chúng ta được kêu gọi chú ý đến năng động này. Anh ta không dừng lại ở cảm nghĩ thương hại; anh ta thậm chí không dừng lại ở việc băng bó vết thương cho một người lạ. Anh đi xa hơn, đưa người bị thương ấy đến một quán trọ và sắp xếp để người ấy được tiếp tục chăm sóc[33]. Nhờ sự sắp xếp này, mối quan hệ chăm sóc và các hạt giống của cộng đồng được thiết lập giữa người Samari và người bị thương lại được mở rộng đến chủ quán trọ và cả gia đình.

Giống như người kinh sư ấy, chúng ta cũng vậy, khi hiện diện trên truyền thông kỹ thuật số, chúng ta được mời “hãy đi và cũng làm như vậy” và qua đó thúc đẩy thiện ích chung. Làm thế nào chúng ta có thể giúp chữa lành một môi trường kỹ thuật số độc hại? Làm thế nào chúng ta có thể thúc đẩy lòng hiếu khách và các cơ hội chữa lành và hòa giải?

57) Lòng hiếu khách xây dựng trên sự cởi mở mà chúng ta đem lại khi gặp gỡ người khác; qua đó, chúng ta tiếp đón Đức Kitô trong lốt người khách lạ (x. Mt 25,40). Để được như vậy, các cộng đồng kỹ thuật số phải chia sẻ nội dung và sở thích nhưng cũng phải cùng nhau hành động và trở thành chứng nhân cho sự hiệp thông. Đã có những biểu hiện mạnh mẽ về cộng đồng chăm sóc trong bối cảnh kỹ thuật số. Ví dụ, có những nhóm được qui tụ để để hỗ trợ người khác trong hoàn cảnh ốm đau, mất mát, đau buồn, cũng như những nhóm huy động sự đóng góp từ cộng đồng cho người gặp khó khăn, và những nhóm cung cấp sự hỗ trợ tâm lý và xã hội giữa các thành viên. Tất cả những nỗ lực này có thể được coi là ví dụ về “sự thân cận trong thế giới kỹ thuật số”. Những người rất khác nhau có thể tham gia vào một “cuộc đối thoại về hành động xã hội” trực tuyến. Họ có thể có hoặc không được cảm hứng bởi đức tin. Trong mọi trường hợp, các cộng đồng - được hình thành để hành động vì thiện ích của người khác - chính là chìa khóa để vượt qua sự cô lập trên mạng xã hội.

58) Chúng ta có thể nghĩ ‘vĩ mô’ hơn nữa: mạng xã hội không phải là thứ đá tảng cứng ngắc. Chúng ta có thể thay đổi nó. Chúng ta có thể trở thành những tác nhân thay đổi, hình dung những mô hình mới dựa trên sự tin tưởng, minh bạch, bình đẳng và rộng mở. Cùng với nhau, chúng ta có thể thúc bách các công ty truyền thông xem xét lại vai trò của họ và cho phép internet trở thành một không gian công cộng thực sự. Những không gian công cộng được cấu trúc tốt sẽ có thể thúc đẩy hành vi xã hội tốt hơn. Do đó, chúng ta cần xây dựng lại các không gian kỹ thuật số để chúng trở thành những môi trường lành mạnh và nhân văn hơn.

Chia sẻ một bữa ăn

59) Là một cộng đoàn đức tin, Giáo hội đang hành hương về Nước Trời. Vì mạng xã hội, và rộng hơn nữa, thực tại kỹ thuật số là một khía cạnh then chốt của hành trình này, nên thật quan trọng khi suy tư về động lực của sự hiệp thông và cộng đồng đối với sự hiện diện của Giáo hội trong môi trường kỹ thuật số.

Trong những thời khắc phong tỏa nghiêm trọng nhất hồi đại dịch, việc phát sóng các cử hành phụng vụ qua mạng xã hội và các phương tiện truyền thông khác đã mang lại niềm an ủi nhất định cho những người không thể tham gia trực tiếp. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều điều cần suy nghĩ trong các cộng đoàn đức tin của chúng ta về cách tận dụng môi trường kỹ thuật số để bổ trợ cho đời sống bí tích. Các vấn đề thần học và mục vụ đã được đặt ra liên quan đến các chủ đề khác nhau: chẳng hạn, sự khai thác thương mại việc truyền phát lại Thánh lễ.

60) Cộng đoàn Giáo hội được hình thành nơi nào có hai ba người tụ họp nhân danh Chúa Giêsu (x. Mt 18,20) bất kể nguồn gốc, nơi cư trú hay gắn kết địa lý. Trong khi chúng ta có thể nhận ra rằng qua việc phát sóng Thánh lễ, Giáo hội đã đi vào nhà của mọi người, thì cần phải suy tư về ý nghĩa của việc “tham dự” vào cử hành Thánh Thể[34]. Sự xuất hiện của nền văn hóa kỹ thuật số và kinh nghiệm đại dịch cho thấy các sáng kiến mục vụ của chúng ta đã không mấy chú ý đến “Giáo hội tại gia”, là Giáo hội quy tụ trong nhà và quanh bàn ăn. Về khía cạnh này, chúng ta cần khám phá lại mối nối kết giữa phụng vụ cử hành trong nhà thờ với việc cử hành của Chúa bằng những cử chỉ, lời nói và cầu nguyện trong khung cảnh gia đình. Nói cách khác, chúng ta cần xây dựng lại chiếc cầu nối giữa bàn ăn gia đình và bàn thờ, nơi chúng ta được di dưỡng tâm linh qua việc lãnh nhận Thánh Thể và được củng cố sự hiệp thông của mình trong tư cách là những tín hữu.

61) Người ta không thể chia sẻ một bữa ăn qua màn hình[35]. Tất cả các cảm quan của chúng ta đều hoạt động khi chúng ta dùng bữa: vị giác và khứu giác, ánh mắt chiêm ngưỡng khuôn mặt của thực khách, lắng nghe những câu chuyện tại bàn. Ăn chung bàn là bài học đầu tiên của chúng ta về sự quan tâm đến người khác, nuôi dưỡng mối quan hệ giữa các thành viên trong gia đình, hàng xóm, bạn bè và đồng nghiệp. Tương tự như vậy, chúng ta tham gia với toàn bộ con người tại bàn thờ: cả tâm trí, tinh thần và thể xác đều tham gia. Phụng vụ là một kinh nghiệm giác quan; chúng ta đi vào mầu nhiệm Thánh Thể qua cánh cửa của các giác quan được đánh thức và nuôi dưỡng trong nhu cầu về vẻ đẹp, ý nghĩa, sự hòa điệu, tầm nhìn, tương tác và cảm xúc. Trên hết, Thánh Thể không phải là một cái gì để chúng ta chỉ “ngắm nhìn”; vì Thánh Thể thực sự nuôi dưỡng chúng ta.

62) Hiện thân là quan trọng đối với các Kitô hữu. Ngôi Lời Thiên Chúa đã nhập thể trong một thân xác, Người đã chịu đau khổ và chịu chết với thân xác của Người, và Người đã sống lại trong mầu nhiệm Phục Sinh với thân xác Người. Sau khi về với Chúa Cha, mọi điều Người trải qua trong thân xác của Người được đưa vào các bí tích[36]. Người bước vào nơi thánh trên trời và mở ra một con đường hành hương qua đó thiên ân được đổ tràn trên chúng ta.

63) Được kết nối vượt ngoài ranh giới của không gian không phải là thành tựu của “những khám phá công nghệ tuyệt vời”. Đó là điều chúng ta trải nghiệm, ngay cả khi không biết, mỗi lần chúng ta “tụ họp nhân danh Chúa Giêsu”, mỗi lần chúng ta tham dự vào sự hiệp thông phổ quát của thân thể Chúa Kitô. Ở đó, chúng ta “kết nối” với Giêrusalem trên trời, gặp gỡ các thánh của mọi thời đại, và nhìn nhận nhau là các chi thể của cùng một Thân thể Đức Kitô.

Do đó, như Đức Thánh cha Phanxicô nhắc chúng ta trong Sứ điệp Ngày Thế giới Truyền thông năm 2019, mạng xã hội bổ sung – nhưng không thay thế cho – một cuộc gặp gỡ bằng xương bằng thịt trở nên sống động qua cơ thể, trái tim, đôi mắt, cái nhìn và hơi thở của người khác. “Nếu một gia đình sử dụng mạng để kết nối nhiều hơn, để rồi gặp nhau ở bàn ăn và nhìn vào mắt nhau, thì đó là một tài nguyên. Nếu một cộng đoàn Hội thánh phối hợp hoạt động của mình thông qua mạng lưới, rồi sau đó cùng nhau cử hành bí tích Thánh Thể, thì đó là một tài nguyên. (…) Chính Giáo hội là một mạng lưới được dệt bởi sự hiệp thông Thánh Thể, ở đó sự hiệp nhất không phải dựa trên những nút “like”, mà dựa trên sự thật, trên “Amen”, nhờ đó mỗi người bám chặt vào Thân mình Chúa Kitô và đón nhận người khác.”[37]

Chuyển ngữ: Ủy ban Truyền thông Xã hội
Hội đồng Giám mục Việt Nam