Đức Maria, Hình ảnh của Giáo hội hiệp hành: Bài 08 - Suy đi nghĩ lại trong lòng

5 /5
1 người đã bình chọn
Đã xem: 81 | Cật nhập lần cuối: 7/27/2024 9:36:53 PM | RSS

Đức Maria thì hằng ghi nhớ mọi kỷ niệm ấy, và suy đi nghĩ lại trong lòng (Lc 2,19); riêng Mẹ Người, thì hằng ghi nhớ tất cả những điều ấy trong lòng (Lc 1,51).

Nền tảng Thánh Kinh

Thánh sử Thánh Luca trình bày Đức Maria như một người chiêm niệm trong hai biến cố: 1) Tại lần thăm viếng của những người chăn chiên, họ đã kể cho Đức Maria và Thánh Giuse nghe điều mà họ đã được nghe; 2) Sau khi tìm thấy Chúa Giêsu lạc trong đền thờ Giêrusalem. Đức Maria ấp ủ trong lòng và suy đi nghĩ lại tất cả mầu nhiệm liên quan đến Mẹ và cuộc sống của Chúa Giêsu, con Mẹ. Chúng ta học được gì từ Đức Maria, Người nữ của chiêm niệm cho hành trình hiệp hành của chúng ta?

Bản chất chiêm niệm của Đức Maria

Xuyên suốt các Tin mừng, Đức Maria nói rất ít. Chúng ta có thể học được nhiều điều từ sự thinh lặng cũng như những lời của Mẹ. Sự thinh lặng của Mẹ không phải là dấu chỉ của thụ động nhưng có tác động mạnh hơn cả hành động như đã được các Thánh sử mô tả. Khi các người chăn chiên giải thích về cuộc gặp gỡ của họ với Thiên thần, thì Mẹ “ghi nhớ”“suy đi nghĩ lại” (x. Lc 2,19). Chú giải câu Kinh thánh này, Joseph A. Fitzmyer nói: “Phản ứng của Đức Maria đối với những gì đã xảy ra là Mẹ giữ lại những điều đó trong lòng, nó ngược lại với phản ứng của những người chăn chiên, họ ra đi và loan truyền tin vui, và cũng ngược lại với phản ứng ngạc nhiên của những người lắng nghe tin vui này. Việc ghi nhớ và suy đi nghĩ lại của Mẹ là một phần trong bức tranh về ‘người nữ đức tin’, ‘người nữ tỳ của Chúa’”[1]. Khi Đức Maria được chọn để trở thành Mẹ Thiên Chúa, thì Mẹ có được một hồng ân siêu nhiên về chiêm niệm. Vì thế, Mẹ được xem là một người chiêm niệm tuyệt hảo.

Suy niệm như viên đá gốc của sự phát triển tâm linh

Không chỉ Kitô giáo, nhưng cả những tôn giáo lâu đời nhất như Ấn giáo, Phật giáo cũng đều nhấn mạnh tầm quan trọng của suy niệm và chiêm niệm đối với sự phát triển tâm linh của một người. Sở dĩ như vậy là vì chiều kích chiêm niệm của mỗi người là con đường dẫn đến sự trưởng thành tâm linh. Về điểm này, Đức Thánh Cha Phanxicô nói: “Chiều kích chiêm niệm của con người – vốn chưa phải cầu nguyện chiêm niệm – là một điều bé nhỏ như “muối” cho cuộc sống; nó mang lại hương vị cho những ngày sống của chúng ta. Chúng ta có thể chiêm niệm khi nhìn mặt trời mọc lúc bình minh, hoặc nhìn cây cối xanh tươi trong mùa Xuân; chúng ta có thể chiêm niệm khi nghe âm nhạc hoặc tiếng chim hót, đọc sách, đứng trước một tác phẩm nghệ thuật hoặc một kiệt tác là khuôn mặt con người... Khi Carlo Maria Martini trở thành Giám mục Milan, ngài đặt tên cho Lá Thư Mục Tử đầu tiên của mình là ‘Chiều kích chiêm niệm của đời sống’: Thật vậy, những người sống trong các thành phố lớn, nơi mà – chúng ta có thể nói – mọi thứ đều nhân tạo và thực dụng, đều có nguy cơ đánh mất khả năng chiêm niệm. Trước tiên, chiêm niệm không phải là một cách hành động, nhưng là một cách hiện hữu, trở thành chiêm niệm. Để trở thành người chiêm niệm thì không phụ thuộc vào đôi mắt, nhưng vào con tim. Ở đây, cầu nguyện can dự vào như một hành động của đức tin và tình yêu, và như ‘hơi thở’ của mối tương quan của chúng ta với Chúa”[2].

Nói vâng với sự khôn ngoan chiêm niệm

Chiêm niệm trong tinh thần cầu nguyện giúp chúng ta có được Đức khôn ngoan của Thiên Chúa. Đức Thánh Cha Phanxicô nói: “‘Đức Maria hằng ghi nhớ mọi sự và suy đi nghĩ lại trong lòng’ (Lc 2,19). Đó là cách Thánh sử Luca mô tả Mẹ Thiên Chúa trong Tin mừng thời thơ ấu. Mọi thứ xảy ra xung quanh Mẹ đều được suy niệm trong sâu thẳm tâm hồn Mẹ: những ngày tràn niềm vui, cũng như những khoảnh khắc đen tối nhất khi Mẹ phải đấu tranh để hiểu được con đường Cứu chuộc phải đi qua. Mọi thứ đều kết thúc trong tâm hồn Mẹ, nhờ đó mọi thứ đều được sàng lọc bằng chính việc cầu nguyện và được biến đổi bằng chính việc đó: dù đó là món quà của các Đạo sĩ hay cuộc chạy trốn sang Ai Cập, cho đến cuộc khổ nạn kinh hoàng ngày thứ Sáu. Mẹ ghi nhớ mọi sự và đem chúng vào trong cuộc đối thoại của Mẹ với Chúa. Có người so sánh tâm hồn của Đức Maria như một viên ngọc trai vô cùng lộng lẫy, được hình thành và mài giũa bằng sự kiên nhẫn chấp nhận ý Chúa qua những mầu nhiệm của Chúa Giêsu được Mẹ suy niệm trong cầu nguyện. Thật đẹp biết bao nếu chúng ta cũng có thể giống như Mẹ! Một tâm hồn mở ra với Lời Chúa, một tâm hồn thinh lặng, một tâm hồn vâng phục, và một tâm hồn biết cách đón nhận Lời Chúa, và để cho Lời ấy lớn lên thành hạt giống tốt cho Giáo hội”[3].

Trong Luca 2,19, chúng ta đọc thấy Đức Maria ghi nhớ tất cả những điều ấy và suy đi nghĩ lại trong tâm hồn. Bình luận về câu này, Peter John McGregor viết: “Theo Thánh Kinh, tâm hồn đó suy nghĩ, chọn lựa, cảm nhận, tưởng tượng và ghi nhớ. Nếu nó làm được tất cả những điều này, thì nó không đơn giản chỉ là một trong những điều này, nhưng nó phải là sự hợp nhất của tất cả những điều này… Tâm hồn không được xác định đơn giản chỉ là trí tuệ, hoặc ý chí, hoặc đam mê, hoặc giác quan, hoặc thể xác hay linh hồn. Nó cũng không được xác định chỉ là cái tôi… Tâm hồn là nơi tương quan với Thiên Chúa. Đó cũng là nơi mà Thiên Chúa kiếm tìm và biết đến. Vì thế, sự suy đi nghĩ lại của Đức Maria chính là sự suy đi nghĩ lại trong tinh thần cầu nguyện. Không giống người kiêu căng, họ có hiểu biết trong tâm hồn và hiểu biết đó bị đập tan bởi Thiên Chúa (x. Lc 1,51), chính cuộc gặp gỡ của Đức Maria với Chúa nơi tâm hồn Mẹ đã giúp Mẹ hiểu được ý nghĩa thực sự của những gì Chúa muốn mặc khải cho Mẹ. Hơn nữa, chúng ta có thể nói rằng tâm hồn Đức Maria là nơi mà tất cả những gì đã xảy đến cho Mẹ mà có liên quan đến Chúa Giêsu đều được tập hợp lại trong sự suy đi nghĩ lại với tinh thần cầu nguyện – ký ức của Mẹ về tất cả những sự kiện gắn liền với Chúa Giêsu, cùng tất cả suy tư và cảm nhận có được trong những sự kiện này, đều được hiện diện và cùng nhau phát triển thành một tổng thể thống nhất nơi tâm hồn trong sạch của Đức Maria”[4].

Tiến trình hiệp hành: thời gian để suy đi nghĩ lại và phân định

Trong Tài liệu Hiệp hành trong Đời sống và Sứ mạng của Giáo hội, Ủy ban Thần học Quốc tế (ITC) đưa ra các nền tảng Giáo hội học và thần học của Tính hiệp hành. Tài liệu nêu rõ: “Chiều kích hiệp hành của Giáo hội phải được thể hiện qua việc đưa ra và chỉ dẫn những tiến trình phân định vốn làm chứng cho động lực của sự hiệp thông, là nguồn cảm hứng cho tất cả mọi quyết định của Giáo hội[5]

Nếu chúng ta muốn sống tiến trình hiệp hành một cách tràn đầy ý nghĩa, chúng ta nên suy đi nghĩ lại cách cẩn thận với sự trợ giúp của Chúa Thánh Thần về: 1) tương quan của chúng ta với Chúa; 2) thái độ và cách tiếp cận của chúng ta với những sự kiện đang diễn ra trong thực tế cuộc sống của chúng ta; 3) tương quan của chúng ta với Giáo hội địa phương và các thừa tác viên của Giáo hội; 4) điểm mạnh và điểm yếu của chúng ta trong việc tiến bước cùng với người khác như là thành viên của Giáo hội hiệp hành.

Trích từ: Tác phẩm “Đức Maria, Hình ảnh của Giáo hội hiệp hành”

Nguyên tác: Mary Icon of the Synodal Church: Biblical Reflections

D. Kulandaisamy và Y. Karunanidhi
Chuyển ngữ: Nt. Têrêsa Kiều Thị Yến Ly, SPC
Nguồn: hdgmvietnam.com (27.07.2024)

----------------

[1] The Gospel According to Luke I-IX (Tin Mừng theo Thánh Luca 1-9) (Anchor Bible 28), Doubleday, New York 1981, trang 398

[2] Buổi Tiếp Kiến Chung của Đức Giáo hoàng Phanxicô, ngày 05.05.2021.

[3] Buổi Tiếp Kiến Chung của Đức Giáo hoàng Phanxicô, ngày 18.11.2020.

[4] P. J. McGregor, “Mary as Priest, Prophet and King”, in Mariology at the beginning of the Third Millennium (“Đức Maria như là Tư Tế, Tiên Tri và Vương Đế” trong Thánh Mẫu học vào đầu Thiên niên kỷ thứ ba”, Biên tập bởi Wagner và những người khác, Nhà xuất bản Pickwick, Eugene, Oregon, các trang 177-179.

[5] Ủy ban Thần học Quốc tế, Sinodality in the life and mission of the Church (Tính hiệp hành trong đời sống và sứ mạng của Giáo hội), ngày 02.03.2018, số 76.

Thiet ke web ChoiXanh.net
TOP
Loading...