Mười ba năm ấy biết bao ân tình

5 /5
1 người đã bình chọn
Đã xem: 622 | Cật nhập lần cuối: 3/21/2024 2:47:17 PM | RSS

Hương vị Hội ngộ Liên tôn lần thứ XIII

Như một thông lệ truyền thống hơn một thập niên, cứ đúng ngày 27/10 hàng năm, các tín hữu xuất phát từ nhiều truyền thống tôn giáo khác nhau, sinh hoạt ở nhiều nơi khác nhau, chủ yếu ở Sài Gòn, đều vui vẻ hẹn nhau tái ngộ tại sự kiện Hội ngộ Liên tôn (HNLT). Được tổ chức lần đầu tiên vào năm 2011, HNLT lần thứ XIII này diễn ra vào lúc 15g thứ Sáu, 27/10/2023 tại Trung tâm Mục vụ, trực thuộc Tổng Giáo phận Sài Gòn với chủ đề “Phát Triển Con Người Toàn Diện”.

Trước giờ khai mạc, hội trường Gioan Baotixita Phạm Minh Mẫn gần như không còn ghế trống trong bầu không khí tưng bừng, hứng khởi. Ban tổ chức linh động bố trí thêm những hàng ghế phụ ở cuối khán phòng. Sự kiện này quy tụ các vị chức sắc, chức việc, các chư tôn đức, Thượng tọa, sư cô, đạo trưởng, đạo sĩ cùng với các đạo hữu đến từ Phật giáo, Cao Đài, Minh Đức Nho giáo, Minh Lý, Islam, Phật giáo Hòa Hảo. Về phía Công giáo, có Đức Tổng Giám Mục (TGM) Giuse Nguyễn Năng, ĐGM Giuse Châu Ngọc Tri, GM Lạng Sơn, Lm. Phanxicô Xaviê Bảo Lộc, Trưởng Ban Mục vụ Đối thoại Liên tôn, một số linh mục trưởng Ban mục vụ, chủng sinh, các nam nữ tu sĩ và Kitô hữu.

1. Cầu nguyện hòa bình, cổ võ hòa hợp

Trong diễn văn khai mạc HNLT lần thứ XIII, Đức TGM Giuse Nguyễn Năng chia sẻ ngày nay xã hội loài người đạt được nhiều thành tựu, nhất là phát triển khoa học kỹ thuật. Nếu chỉ lo phát triển khoa học công nghệ, trí tuệ nhân tạo AI, kiến thức, trình độ, bằng cấp, học vị… không thôi thì chưa đủ để phát triển con người toàn diện. Muốn phát triển được một con người toàn diện và toàn thiện, còn phải chăm lo phát triển chiều kích tâm linh, mang tính cách cộng đồng xã hội, mang lại lợi ích chung, mà nếu không sẽ có nguy cơ rơi vào diệt vong.

Trong bối cảnh cuộc xung đột Trung Đông ở dải Gaza đang diễn ra vô cùng ác liệt, đẫm máu và tàn bạo nhất trong thế kỷ XXI này (bùng nổ ngày 07/10/2023) mà chưa thấy tia hy vọng ngừng bắn, Đức TGM Giuse Nguyễn Năng nhắc lại lời kêu gọi của Đức Giáo Hoàng Phanxicô (ĐGH) trước viễn cảnh một thảm họa nhân đạo ở khu vực này khi chiến sự có nguy cơ vượt tầm kiểm soát, lan rộng trên nhiều mặt trận.

“Hãy hạ vũ khí xuống, hãy lắng nghe tiếng kêu hòa bình của người nghèo, của nhân dân, của trẻ em vô tội. Chiến tranh không giải quyết được vấn đề gì, trái lại chỉ gieo rắc chết chóc và hủy diệt, gia tăng hận thù, chồng chất báo thù. Chiến tranh xóa bỏ tương lai, nó xóa bỏ tương lai.”[1], ĐGH kêu gọi.

ĐGH kêu gọi các tín hữu chỉ đứng về một phía trong cuộc xung đột này: đó là phía hòa bình. Do đó, ĐGH công bố ngày thứ Sáu 27/10/2023 là ngày ăn chay và cầu nguyện cho hòa bình. Ngài mời gọi các anh chị em thuộc các hệ phái Kitô giáo khác nhau, những người thuộc các tôn giáo khác và những người quan tâm đến hòa bình thế giới hãy tham gia theo cách mà họ cho là phù hợp. Lời kêu gọi cầu nguyện hòa bình của ĐGH diễn ra vào ngày tổ chức HNLT lần thứ XIII càng làm cho sự kiện này có thêm ý nghĩa và động lực tinh thần hơn.

Đức TGM Giuse Nguyễn Năng nói rằng thật là phi lý khi có nơi nhân danh tôn giáo để loại trừ lẫn nhau. Quả vậy, giết chết người già, phụ nữ, trẻ em và nhiều người vô tội khác chính là hủy diệt hạt giống Ngôi Lời, những mầm sống cho các thế hệ tiếp nối.

Trước khi dứt lời, Đức TGM Giuse cũng kêu gọi mọi người chung tay bắc những nhịp cầu kết nối, đừng xây những bức tường ngăn cách. Ngài đánh giá cao và chúc mừng nền văn hóa gặp gỡ trong tình liên đới hòa hợp ngày hôm nay được củng cố và mở rộng, như chủ đề “Bồi Đắp Văn Hóa Gặp Gỡ” tại HNLT lần thứ V năm 2015.

2. Chia sẻ đa chiều về phát triển con người toàn diện

2.1. Theo quan điểm Baha’i:

(do Ông Nguyễn Văn Trường, Ban Đối ngoại–Tôn giáo Baha’i trình bày)

Trong thời đại công nghệ 4.0 như hiện nay, đời sống của con người chịu ảnh hưởng rất lớn, mà đặc biệt là giới trẻ. Baha’i định hướng cho giới trẻ không bị lôi kéo vào thế giới ảo mà vẫn giữ được sự cân bằng để phát triển cả hai mặt đạo đức song hành: (i) phát triển trí tuệ và tinh thần của bản thân, và (ii) đóng góp vào sự biến cải xã hội.

Theo nguyên lý của Baha’i, tôn giáo phải song hành với khoa học kỹ thuật, nói cách khác tôn giáo phải đi đôi với khoa học và lý trí. Con tàu nhân loại muốn đi nhanh và an toàn phải phát triển vững chắc trên cả hai đường ray: tôn giáo và khoa học.

Con người gồm có ba phần kết hợp, đó là: thân xác, trí tuệ và linh hồn, hay nói ngắn gọn “xác– trí–hồn”. Vì vậy, muốn phát triển con người toàn diện, cần giáo dục con người trên bình diện tổng thể với ba mặt kết hợp nêu trên, trong đó lưu tâm đến việc giáo dục ngay từ thuở ấu thơ, tuổi thiếu nhi:

  • Giáo dục vật chất (xác): liên quan đến phát triển thể chất con người.
  • Giáo dục nhân bản (trí): liên quan đến văn minh, tiến bộ, chính quyền, trật tự xã hội, phúc lợi, thương mại, nghệ thuật, thủ công, khoa học, phát minh, khám phá.
  • Giáo dục tâm linh (hồn): thủ đắc những điều hoàn hảo, thiêng thượng. Đây là phần giáo dục chân chính, cao cả và quan trọng nhất. Để tiến bộ, nhân loại cần có Đấng Giáo Dục là Đấng biểu hiện của Thượng đế.

2.2. Theo giáo lý Cao Đài:

(do Lễ sanh Bùi Ngọc Chinh, Hội Thánh Truyền giáo Cao Đài trình bày)

Mục đích tối hậu của Cao Đài là: Thiên đạo giải thoát và Thế đạo đại đồng. Nói cách khác, đó là giải thoát con người và cải thiện thế gian, tức đặt trọng tâm vào con người và các mối tương quan giữa con người với nhau. Theo nhân sinh quan Cao Đài có ghi trong Kinh Tắm Thánh, con người đứng phẩm vị cao quý, tối linh trong vạn vật:

Những vạn vật Âm Dương tạo hóa,

Dầu cỏ cây hoa quả biến sanh.

Con người đứng phẩm tối linh.

Nửa người nửa Phật nơi mình anh nhi.

Đại Từ Phụ từ bi tạo hóa,

Tượng mảnh thân giống cả Càn Khôn.

Vẹn toàn đủ xác đủ hồn.

Xây cơ chuyển thế bảo tồn vạn linh.”

Với nguồn gốc cao trọng từ tổ hợp “xác–hồn” (hay thân–tâm) nơi con người như thế, muốn phát triển con người toàn diện, cần chú trọng phát triển kết hợp cả hai con đường khế lý, khế cơ cho đa số nhân sanh: (i) Thế đạo hay tu thân (tức phát triển phần thân, thể xác, trí não), và (ii) Thiên đạo hay tu tâm (tức phát triển phần tâm, linh hồn, trí huệ). Hai con đường này là song hành tương hỗ với nhau.

Để áp dụng thực tế tu tập vào đời sống, Cao Đài có pháp môn “Tam công”, nghĩa là ba việc làm hay ba quá trình của một việc, gồm có:

  • Công quả: lập công, bồi đức, bố thí, cúng dường, giúp cho người bớt khổ, an vui, và có cơ hội cùng điều kiện giác ngộ tu hành. Công quả là phương tiện chính cho phần Thế đạo, lấy công quả đền bù nợ trước.
  • Công phu: tu dưỡng thân tâm cho trong sạch, nhẹ nhàng, không mến hồng trần. thanh tịnh hóa thân tâm, quỳ hương, cúng nước, tụng kinh sám, cầu nguyện, tĩnh tâm, Thiền định. Công phu là phương tiện chính cho phần Thiên đạo, giải thoát lấy công phu làm chính.
  • Công trình: xả thân hành đạo, thù tạc vãng lai. Công trình là công quả, công phu liên tục, chuyên cần, không thất thường, bỏ ngang nửa chừng. Công phu mãi, công qủa không sờn là công trình.

Việc thực hành pháp môn “Tam công” thuần thục, nhuần nhuyễn giúp cho người Cao Đài chu toàn bổn phận về việc đời, việc đạo, việc nhà.

2.3. Theo niềm tin Kitô giáo:

(do Lm. Giuse Nguyễn Trọng Viễn trình bày)

Đức tin Kitô giáo đặt trọng tâm vào lời Chúa đã phán dạy: “Thiên Chúa là tình yêu”. Nói cách khác, Kitô giáo là đạo yêu thương.

“Thiên Chúa là tình yêu: ai ở lại trong tình yêu thì ở lại trong Thiên Chúa và Thiên Chúa ở lại trong người ấy” (1Ga 4,16).

Đoạn trích dẫn trên được ghi chép trong Thư thứ nhất của Thánh Gioan, diễn tả rõ ràng điều làm nên trọng tâm đức tin Kitô giáo: hình ảnh Thiên Chúa của Kitô giáo, từ hình ảnh này rút ra hình ảnh con người và con đường của họ.

Về nhân sinh quan Kitô giáo, trình thuật sách Sáng thế về nguồn gốc loài người khẳng định con người được tạo dựng theo “hình ảnh Thiên Chúa” (imago Dei), để sống cùng với Chúa, làm cơ sở cho toàn bộ nhân học Kitô giáo.

“Chúng ta hãy làm ra con người theo hình ảnh chúng ta, giống như chúng ta, để con người làm bá chủ cá biển, chim trời, gia súc, dã thú, tất cả mặt đất và mọi giống vật bò dưới đất.”

“Thiên Chúa đã tạo dựng con người theo hình ảnh mình, Thiên Chúa tạo dựng con người theo hình ảnh Thiên Chúa. Thiên Chúa tạo dựng con người có nam có nữ.”

“Thiên Chúa đã chúc lành cho họ, và Thiên Chúa phán với họ: “Hãy sinh sôi nảy nở thật nhiều, cho đầy mặt đất, và thống trị mặt đất. Hãy làm bá chủ cá biển, chim trời, và mọi giống vật bò trên mặt đất.”” (St 1, 26-28).

Mầu nhiệm thiêng liêng của Kitô giáo là Một Chúa Ba Ngôi (Trinity), tức duy nhất một bản thể Thiên Chúa nhưng có ba Ngôi vị riêng biệt và ba Ngôi này hợp nhất với nhau trong một Chúa.

Vì vậy, để phát triển con người toàn diện dưới ánh sáng đức tin Kitô giáo, phải dựa trên hai yếu tố kết hợp, đó là: tính ngôi vị và mối tương quan. Mỗi một người là một ngôi vị, có phẩm giá cao quý, có nhân vị, nhân quyền và phải được tôn trọng bất kể đó là ai, không phân biệt về địa vị xã hội, điều kiện kinh tế, trình độ chuyên môn v.v…

“Anh em hãy coi chừng, đừng khinh rẻ một ai trong những kẻ bé mọn này, vì Thầy bảo thật anh em, thiên thần của chúng trên trời hằng chiêm ngưỡng thánh nhan Cha Thầy, Đấng ngự trên trời.” (Mt 18, 10)

Con người chỉ có thể là chính mình trong mối tương quan tương tác giữa bản thân với tập thể, giữa cá nhân với tha nhân mà thôi. Mối tương quan ấy thể hiện qua ba nhân đức đối thần trong đời sống của một Kitô hữu, đó là: “Tin–Cậy–Mến” để sống đẹp lòng Chúa và đối nhân xử thế bác ái với nhau.

  • Tin: là tin vào, là sống với, là tương quan ngôi vị, trong sự tôn trọng ngôi vị. Hết sức cảnh giác trước nguy cơ “sự vật hóa ngôi vị, “chức năng hóa ngôi vị”, khiến con người không còn là ngôi vị nữa, làm giảm phẩm giá con người và sự sống của con người.
  • Cậy: tức liên đới với nhau trong cuộc đời.
  • Mến: tức đón nhận bản thân của nhau một cách trọn vẹn.

Mối tương quan này khi triển nở sâu rộng sẽ hướng chúng ta tới một thế giới đại đồng “tứ hải giai huynh đệ”, vương quốc tình yêu, vương quốc của Chúa.

“Hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi anh em. Như vậy, anh em mới được trở nên con cái của Cha anh em, Đấng ngự trên trời, vì Người cho mặt trời của Người mọc lên soi sáng kẻ xấu cũng như người tốt, và cho mưa xuống trên người công chính cũng như kẻ bất chính.” (Mt 5,44-45).

Tóm lại, muốn phát triển con người toàn diện, phải nuôi dưỡng tình cảm con người trong sự tôn trọng, lòng yêu mến và hướng tới hạnh phúc.

2.4. Theo góc nhìn Phật giáo:

(do Sư cô Thích Nữ Minh Hoa trình bày)

Theo nhân học Phật giáo, con người là tổng hòa của năm yếu tố (ngũ uẩn): sắc, thọ, tưởng, hành, thức hay còn được gọi lần lượt là: (i) sắc thân (form/ corporeality), (ii) cảm giác (sensation), (iii) tri giác (perception), (vi) tư duy (mental formations), (vi) ý thức cùng năm thức giác quan (cognition/ consciousness).

Sắc là yếu tố vật chất, bốn yếu tố còn lại thuộc về tinh thần. Năm yếu tố này kết hợp lại với nhau mới cấu thành con người, nếu thiếu vắng một trong các yếu tố đó thì một con người hoàn chỉnh sẽ không có mặt hoặc không thể xác lập. Quan sát thấu triệt qua lăng kính đó, chúng ta thấy được tánh không (emptiness) của các pháp hay các sự vật hiện tượng. Đó cũng là giáo lý duyên khởi (dependent origination) của Phật giáo.

Thử hữu bỉ hữu Do cái này có mặt, cái kia có mặt

Thử vô bỉ vô Do cái này không có mặt, cái kia không có mặt

Thử sanh bỉ sanh Do cái này sanh, cái kia sanh

Thử diệt bỉ diệt. Do cái này diệt, cái kia diệt.

Duyên khởi nghĩa là từ cái kia, cái này quan hệ mà có sanh khởi, tồn tại. Mọi vật thể, hiện tượng là kết quả của các nhân và duyên, nên nó sinh khởi một cách phụ thuộc. Vạn pháp không thể tự nó tồn tại một cách độc lập mà cần phải có các điều kiện tương thuộc khác, và cũng không có gì tồn tại một cách chắc chắn, tuyệt đối trên thế gian này. Duyên khởi nói lên sự thật vô ngã (non-self).

Phát triển con người toàn diện là vừa phát triển con người cá nhân (về tâm, sinh, vật lý), vừa phát triển con người xã hội (về văn hóa, chính trị, giáo dục…). Hình mẫu con người toàn diện được thể hiện ở chỗ:

  • Hoàn thiện nhân cách đạo đức cá nhân (với lối sống lành mạnh, hướng thiện): làm chủ tư duy, dục vọng; nêu cao tinh thần tự tín, tự chủ, sáng tạo; có ý thức trách nhiệm.
  • Con người xã hội gương mẫu, chuẩn mực: xây dựng các mối quan hệ bình đẵng, ôn hòa, tôn trọng, yêu thương lẫn nhau; phát huy các giá trị truyền thống tốt đẹp; bảo vệ môi trường trong sạch, bền vững.
  • Con người nhân bản toàn diện: xây dựng con người trở thành người hơn; giúp bậc xuất gia hoàn thiện hơn trên đường tu tập; hướng đến mục tiêu tối hậu chứng đạt quả vị Phật trong tương lai.

Con người toàn diện lý tưởng này mới hội đủ phẩm chất và năng lực cần thiết để phát triển trí tuệ (wisdom), giúp chuyển hóa loài người từ vô minh (ignorance) đến tỉnh giác (enlightenment).

3. Cầu nguyện cho nhân sinh

Trên lễ đài, đại diện các tôn giáo tham dự buổi hội ngộ lần lượt cầu bình an cho nhân loại theo truyền thống đạo mình: Baha’i, Cao Đài, Islam, Kitô giáo, Minh Đức Nho giáo Đại đạo, Minh Lý đạo, Phật giáo, Phật giáo Hòa Hảo, Cộng đoàn Công giáo Philippines và Phong trào Focolare Thái lan.

Kết thúc phần cầu nguyện, mọi người đều cất chung tiếng hát Kinh Hòa Bình (Lời cầu nguyện của Thánh Phanxicô).

Chính lúc chết đi là khi vui sống muôn đời.

(And it's in dying that we are born to Eternal Life)

Cuối cùng, Lm. Phanxicô Xaviê Bảo Lộc đúc kết tinh thần chính của các bài tham luận đã được trình bày trước đó, và ngài bày tỏ lòng cảm ơn gửi đến đại diện các tôn giáo và đạo hữu đã dành thì giờ đến tham dự nhiệt tình, và những người đã âm thầm và tận tụy góp sức cho buổi HNLT diễn ra tốt đẹp.

Mộc Huyền Khải

(Saigon, 31/10/2023)

  • Tóm lược 12 kỳ HNLT đã qua (2011–2023)

Kể từ khi HNLT được tổ chức lần đầu vào năm 2011, đến nay đã có tất cả 13 lần họp mặt định kỳ hàng năm, và mỗi sự kiện đều lan tỏa một chủ đề riêng. Tuy con số ấy chưa phải là nhiều, nhưng đã cho thấy bóng dáng của con đường, của hành trình, mở rộng cánh cửa hướng đến tình liên đới, văn hóa gặp gỡ, chia sẻ, đối thoại giữa các nền tôn giáo trên tinh thần xây dựng và hiểu biết thương yêu.

• 2011: HNLT lần I “Chung Tay Xây Dựng Bình An
• 2012: HNLT lần II “Cùng Nhau Vượt Qua Khổ Đau
• 2013: HNLT lần III “Hiệp Tâm Vun Đắp An Hòa
• 2014: HNLT lần IV “Trao Nhau Niềm Vui Hướng Thượng

• 2015: HNLT lần V “Bồi Đắp Văn Hóa Gặp Gỡ

• 2016: HNLT lần VI “Phúc Cho Người Biết Xót Thương

• 2017: HNLT lần VII “Đồng Tâm Kiến Tạo Nhân Hòa
• 2018: HNLT lần VIII “Hiểu Biết Phụng Sự Nhân Sinh
• 2019: HNLT lần IX “Nối Nhịp Văn Hóa–Tôn Giáo
• 2020: HNLT lần X “Người Trẻ Vun Trồng Đạo Đức
• 2021: HNLT lần XI “Hiệp Lực Giải Thoát Nhân Sinh
• 2022: HNLT lần XII: “Tu Thân Đổi Mới Cuộc Đời
• 2023: HNLT lần XIII: “Phát Triển Con Người Toàn Diện

[1] https://www.vaticannews.va/en/pope/news/2023-10/pope-francis-appeal-peace-gaza-palestine-israel-day-of-prayer.html

Thiet ke web ChoiXanh.net
TOP
Loading...