TGPSG: Ban Giáo Lý tôn vinh Đức Mẹ cầu nguyện cho hòa bình và học hỏi chuyên môn

5 /5
1 người đã bình chọn
Đã xem: 576 | Cật nhập lần cuối: 10/25/2024 4:18:34 AM | RSS

TGPSG -- Để tôn vinh Đức Mẹ và để nhờ Mẹ chuyển cầu cùng Chúa thương ban cho hòa bình thế giới; để đáp lại lời mời gọi của Đức Thánh Cha và hiệp thông cùng các tín hữu trên toàn cầu, Ban Giáo lý TGP Sài Gòn (Khóa 16) đã tổ chức một buổi kiệu thánh tượng Mẹ Maria và giờ Chầu Thánh Thể tại Nhà Nguyện cổ Trung tâm Mục vụ TGP Sài Gòn vào lúc 17g Chúa Nhật ngày 29-10-2023.

Trước đó, Ban Điều hành cơ sở Sài Gòn đã tổ chức cho các học viên từ cấp 1 đến 3 được tham dự một buổi học với chủ đề “Giao tiếp và Ứng xử Sư phạm” do Thạc sĩ Elizabet Phùng Duy Hoàng Yến (Giảng viên trường Cao đẳng Sư phạm Trung ương) thuyết trình vào lúc 14g cùng ngày tại Hội trường Gioan Baotixita Phạm Minh Mẫn- Trung tâm Mục vụ TGP Sài Gòn, nhằm giúp các giáo lý viên (GLV) có thêm kiến thức sư phạm và hành trang cho sứ mạng phục vụ trong lãnh vực này.

Đến tham dự có Lm Phêrô Nguyễn Văn Hiền (Trưởng ban Giáo lý TGPSG) Chị Madalena Phạm Thúy (Trưởng ban Điều hành Giáo lý Cơ sở Sài Gòn) Sơ Lucia Nguyễn Thị Kim Ngân (Dòng Phaolô - Giảng viên Giáo lý) cùng các Nhóm trưởng và hơn 300 học viên từ cấp 1 đến 3 ( Khóa 16 GLV- Cơ sở Sài Gòn)

I. Học hỏi về chuyên đề giao tiếp và ứng xử sư phạm

Dù lúc 13g một cơn mưa như trút nước đã đổ xuống toàn thành phố nhưng nhiều học viên đã mặc áo mưa và vượt đường xa để đến TTMV tham dự cho đúng giờ. Tại hội trường, các bạn ôn lại các động tác múa và trò chuyện làm quen cùng nhau. Đúng 14g khi đã sắp xếp chỗ ngồi trật tự. Anh Giuse Nguyễn Hữu Đại, một Nhóm trưởng khởi động giờ khai mạc. Theo sự hướng dẫn của anh, tất cả cùng làm dấu Thánh giá và hát bài "Làm dấu” của tác giả Lê Đức Hùng. Tiếp theo là Nhóm múa trình bày 2 bài “Học với Mẹ và Mẹ của Chúa”.

Chị Phạm Thúy mời các học viên quay sang hai bên bắt tay và chúc bình an cho người bên cạnh, cảm ơn các học viên đã đến tham dự chương trình, dù là giờ nghỉ trưa và ngoài trời còn mưa rất lớn. Kế tiếp chị giới thiệu về Chương trình sinh hoạt và giảng viên Elizabeth Phùng Duy Hoàng Yến là giảng viên Trường Cao đẳng Sư phạm Trung ương và cũng là giáo dân ưu tú của giáo xứ Chợ Quán, quận 5. Cô Hoàng Yến nói lên niềm vui khi được gặp gỡ Cha Trưởng ban Giáo lý, Sơ giảng huấn, ban điều hành và các nhân vật chính là 300 học viên.

Sau phần gặp gỡ trao đổi, phút Thánh hóa với Kinh Chúa Thánh Thần và cầu nguyện cho buổi học, bắt đầu đi vào đề tài học hỏi “Giao tiếp và Ứng xử Sư phạm”. Bằng phương pháp vấn đáp, sau khi trao đổi với học viên, giảng viên đã đưa ra các nội dung cần tìm hiểu:

  1. Giao tiếp là gì?

- Giao tiếp là sự tiếp xúc tâm lý giữa người và người. Qua đó, con người thông tin với nhau về cảm xúc và ngôn ngữ. Sự tiếp xúc tâm lý này rất rộng. Đó là quá trình chúng ta tri giác lẫn nhau bằng những cách: nhìn, nói, nghe, đụng chạm.

- Ứng xử là cách thể hiện thái độ và hành vi, cách xử sự của con người với con người thông qua tình cảm, khả năng và qua đó chúng ta có thể hiểu nhau hơn. Việc ứng xử mỗi người có thể khác nhau dù chung một tình huống.

- Trong ứng xử cần phải có kiến thức, kỹ năng và nâng lên mức cao hơn người ta gọi là nghệ thuật: phải có thái độ tiếp xúc nhã nhặn, khéo léo, sự quan tâm xuất phát từ tấm lòng, biết nói lời phù hợp để chia sẻ và trao đổi

- Yếu tố nền tảng đầu tiên cho chúng ta xử lý phù hợp với chủ thể mà chúng ta giao tiếp, đó là sự quan sát. Trong cuộc sống chung, nếu ai có khả năng quan sát, được rèn luyện nhiều thì sẽ bước đầu thành công. Ngoài việc quan sát bằng mắt, chúng ta còn dùng hành vi là đụng chạm thì sẽ biết rõ tình trạng. Từ hai vấn đề Giao tiếp và Ứng xử hôm nay chúng ta sẽ học về Giao tiếp Sư phạm. Trong giao tiếp, từ ngữ là một phương tiện. Chúng ta phải xem là đối tượng nào? Dùng từ ngữ gì? Mức độ nào? Và ở ngữ cảnh nào?

  1. Giao tiếp sư phạm:

Giao tiếp Sư phạm là sự giao tiếp giữa giáo viên và học sinh, sử dụng phương tiện ngôn ngữ và phi ngôn ngữ. Thông thường đặc trưng giao tiếp của con người là ngôn ngữ. Ngoài ra, chúng ta có thể biểu cảm với một người bằng phi ngôn ngữ như: ánh mắt, nụ cười, nắm tay; thân hơn là hôn nhau. Phi ngôn ngữ là dùng cơ thể nhưng đem lại lợi ích rất nhiều. Thí dụ khi chúng ta gọi một bé lên trả bài và nếu quan sát tốt, chúng ta có thể nhận ra em bé có thuộc bài hay không? Nếu quan sát không tốt chúng ta sẽ quát lên: "Tại sao con lại kéo áo? Tại sao lại chậm trả lời?" và điều đó gây ra không khí căng thẳng vì ở dưới lớp còn nhiều bé cũng không thuộc bài! Khi chúng ta nhẹ nhàng thì sẽ làm cho lớp học thoải mái. Từ Giao tiếp Sư phạm, chúng ta có Ứng xử Sư phạm.

  1. Ứng xử Sư phạm:

Ứng xử Sư phạm là một dạng hoạt động giao tiếp giữa giáo viên và học sinh trong nhà trường nhằm giải quyết các tình huống nảy sinh trong giáo dục và giáo dưỡng. Đó là việc hành xử của chúng ta trong các mối quan hệ. Chắc chắn Ứng xử Sư phạm sẽ có nhiều cách khác nhau của mỗi người và có một câu hỏi cần đặt ra cho chúng ta: Chúng ta nhận xét thế nào về cách ứng xử của các GLV hiện nay?

Trong lớp có nhiều thành phần khác nhau, có em ngoan và có em chưa ngoan. Khi gặp các em chưa ngoan thì phải tìm hiểu lý do về gia đình, hoàn cảnh các em như thế nào? Khi hiểu được sẽ gần gũi và chia sẻ để các em cảm thấy có sự đồng cảm. Nếu GLV nào cũng biết ứng xử như thế thì chúng ta đã biết Ứng xử Sư phạm. Như vậy chúng ta có thể tin tưởng được GLV có khả năng biết Giao tiếp và Ứng xử, nhưng chưa thể là tất cả. Cũng còn một số còn thiếu kinh nghiệm nên nóng nảy, thiếu tình thương, thiếu sự bao dung và thiếu kiến thức Sư phạm hay Giao tiếp và Ứng xử Sư phạm chưa khéo léo. Nếu ai đã có khả năng Giao tiếp Sư phạm rồi thì cần phát huy; còn những ai chưa đủ kiên nhẫn, bao dung, yêu thương thì cần phải xem lại.

Giao tiếp Sư phạm có nhiều tình huống khác nhau, nhưng ở đây chúng ta chỉ chọn một khái niệm về tình huống chứa đựng sự căng thẳng, nên những nhà giáo dục phải nhanh chóng nhận biết tình hình, phản ứng nhanh và đưa ra phương cách giải quyết hiệu quả nhất để đạt được mục tiêu giáo dục của chúng ta.

Những em bé không ngoan, có thể do sức khỏe, do hoàn cảnh gia đình và có khi do tính cách của các em. Theo thói quen khi thấy các em nghịch phá, chơi trong lớp, chúng ta la rầy, bắt gom đồ chơi vô. Nhưng đã có Sư phạm thì GLV sẽ xử lý khác. Chúng ta sẽ làm gì? Nói gì? Cho các bé hợp tác và tập trung học? Đặc biệt là các em lớn ở ngành Thiếu và Nghĩa, các em có tri thức, kiến thức nhất định về đời sống, về sự phát triển của vạn vật và các em có thể đặt ra những thắc mắc về Kinh Thánh mà bản thân không hiểu, đôi lúc hoài nghi. Vậy chúng ta sẽ xử lý như thế nào? Giảng viên đưa ra hình ảnh thí dụ về các tình huống chung, các học viên đưa ra hướng giải quyết từng trường hợp. Cuối cùng Cô chốt ý:

- Khi xử lý chúng ta phải hiểu về đặc điểm tâm lý lứa tuổi và tâm lý của từng em. Nếu mình hiểu được tính cách, thói quen, khả năng của em thì càng dễ.

- Muốn giải quyết được vấn đề nào ở trẻ con thì chúng ta phải nắm bắt được chủ thể, tìm ra lý do cơ bản mà chúng ta xử lý tại chỗ, phải xử lý ngay và riêng, không làm ảnh hưởng đến các em khác. Nếu chúng ta không có kiến thức và kỹ năng Sư phạm chúng ta có thể vội vàng và không đúng. Chúng ta không thể thờ ơ với các em gặp khó khăn để rồi vẫn lo giảng dạy. Nếu các bé cứ cứ lặp lại tình trạng đó, thì chúng ta vẫn phải tìm ra biện pháp khác, chứ không được buông tay.

- Thái độ của mình sẽ ảnh hưởng đến việc giao tiếp của chúng ta với các đối tượng mà chúng ta tiếp xúc: học sinh, phụ huynh, các GLV khác, những người tổ chức, linh mục phụ trách.

- Nếu chúng ta có khả năng quan sát khi tiếp xúc với nhiều người chúng ta có thể nhìn ra họ là người ưu tư hay mạnh mẽ nóng nảy hay bình thản. Nếu các GLV được cung cấp và nắm chắc những kiến thức về Kinh Thánh và tất cả những nội dung mình dạy cho các em thì chúng ta sẽ ứng xử các tình huống rất dễ dàng. Nếu chúng ta thiếu kinh nghiệm giáo dục thì chắc chắn xử lý của chúng ta sẽ không bằng những người có kinh nghiệm. Có những người lạm dụng uy quyền của mình cho rằng khi vào lớp tôi là người cao nhất: trưởng nói thì các em phải nghe trưởng nói thì các em phải làm theo không được cãi. Những người tỏ ra có uy quyền là những người không biết tâm lý, thiếu tình thương đối với các em và sự tinh tế cũng không nhiều.

  1. Kỹ năng giao tiếp:

- Có nhiều người nói không hay, dùng từ ngữ không khéo thể hiện những hành vi làm cho người ta khó chịu. Khi giao tiếp, mời học viên phát biểu không chỉ một ngón tay nhưng phải dùng cả bàn tay. Khi đưa một bàn tay thì trông nhẹ nhàng, còn khi đưa một ngón tay là mệnh lệnh là yêu cầu, là sự uy hiếp…

- Khi giảng dạy giáo lý thì phải thận trọng, phải dùng những từ ngữ và những điệu bộ giao tiếp trong sư phạm. Thí dụ khi các em phát biểu không đúng thì chúng ta phải nói rằng: “Các em nói chưa được đúng lắm” hay là “Có bạn nào có ý kiến khác không?”

- Rồi đến những kỹ năng cám ơn và nhận xét các em, điều này đòi hỏi rất nhiều kinh nghiệm. Có nhiều em đến lớp lúc đầu không thích học giáo lý nhưng vì chúng ta lôi cuốn và xử sự khéo léo nên các em yêu thích học, thậm chí còn học rất tốt, nghiên cứu rất kỹ. Đó là nhờ các em thích GLV đã tìm cách gặp gỡ tiếp xúc nên các em yêu việc học. Từ việc thích người giảng dạy đi đến các em thích những nội dung liên quan đến bài giảng, tìm hiểu sâu, chăm học, thì lúc đó chúng ta là cầu nối cho các em yêu thích Kinh Thánh.

- Nếu chúng ta vô tình để cho các em không học giáo lý là chúng ta đẩy các em ra xa. Chúng ta phải làm sao để rủ các em vào đến sân giáo xứ, từ đó các em vào các lớp giáo lý. Khi các em vô rồi chúng ta hãy giữ chân các em bằng tình yêu thương, bằng sự hấp dẫn chứ không phải là sự ép buộc. Có như vậy chúng ta mới thành công và điều đó phụ thuộc vào cách ứng xử của chúng ta Nếu kỹ năng giao tiếp chúng ta không ổn có những câu nói vô tình làm tổn thương các em, làm cho các em xấu hổ với bạn, thì chúng ta sẽ là những tội đồ.

- Có nhiều em mặc cảm về hoàn cảnh gia đình, về ngoại hình, về khả năng về học lực. Trong Kinh Thánh, Chúa dạy chúng ta yêu thương. Nếu trong lớp giáo lý của chúng ta lại thiếu yêu thương từ GLV và từ các bạn cùng lớp là chúng ta chưa làm tròn trách nhiệm. Nhiều em mang mặc cảm về nhiều khía cạnh trong cuộc sống. Chúng ta phải làm sao cho các em khi đến lớp giáo lý là ngang bằng nhau và phải có quyền của một con người được học tập, được đi chơi, được giải trí, được tôn trọng và được thể hiện những mong muốn, được học hỏi, được chia sẻ không còn ranh giới.

- Mặc cảm của học sinh không phải chỉ do hoàn cảnh, mà còn do định kiến của GLV: đôi khi các em thể hiện một việc thì chúng ta có định kiến rằng các em lì và bướng. Nếu chúng ta làm như vậy là dễ dẫn đến sự kết án những em vô tội. Nếu chúng ta có thái độ hành xử không yêu thương đúng mực, tập thể của chúng ta coi đó là việc bình thường. Nếu tập thể của chúng ta không xử lý những trường hợp những thái độ, những hành vi chưa khéo léo trong giao tiếp ứng xử mà chúng ta để nó cứ tồn tại thì khi người mới vào họ cũng đi theo cái nếp đó. Chúng ta hãy nhìn tập thể của chúng ta xem chúng ta phát triển những cái tốt hay là chúng ta tồn tại những cái không tốt.

5. Thực hànhphạm

- Giảng viên nêu vài tình huống để các học viên thực hành Sư phạm xử lý:

a. Phụ huynh của một bé trong lớp giáo lý xin cho bé nghỉ học vào Chúa Nhật. Lý do là cha bé mới mất, mẹ phải đi buôn bán, hoàn cảnh gia đình khó khăn. Là một GLV anh chị sẽ xử lý như thế nào?

Chúng ta biết, trước đây bé vẫn đi học bình thường. Vì ba mất và gia đình khó khăn nên bé mới nghỉ. Vậy chúng ta hãy tạo cho phụ huynh một niềm tin, giúp chị nhìn thấy GLV của Đạo Công giáo chăm lo và thấu hiểu sâu sắc đến hoàn cảnh của bé?

Trong hoàn cảnh đặc biệt của chị phụ huynh, ban đầu, chúng có thể đến trao đổi, chia sẻ nỗi buồn, hỗ trợ một ít về mặt tài chánh. Đó là nghĩa cử hợp tác mà cũng là tình yêu thương của người Công giáo chúng ta. “Các con hãy yêu tha nhân như chính mình” (Mc 12, 31) Nếu chúng ta làm được như vậy thì dù có khó khăn mấy, họ cũng sẽ cố gắng sắp xếp đưa bé đến lớp vì phụ huynh sẽ thấy con chị không thể nào rời lớp giáo lý này được, bé cần phải sống trong môi trường tình yêu của Đức Giêsu Kitô như thế.

b. Trong lớp học Giáo lý có một số em không tập trung nghe giảng mà lấy điện thoại ra chơi game và làm cho các bạn khác phân tâm cùng bắt chước lấy điện thoại để làm việc riêng. Trong tình huống này anh chị sẽ giải quyết như thế nào và tại sao?

Góc độ người giáo viên trong quy định về đạo đức nhà giáo là không được sử dụng điện thoại trong lớp, còn học sinh thì có thể, nhưng phải được đồng sự đồng ý của giáo viên. Nếu trong lớp chúng ta có quy định thì chúng ta có thể yêu cầu học sinh sử dụng điện thoại ở chế độ rung. Tuy nhiên, chúng ta sẽ có cách xử lý theo tình huống vi phạm.

+ Tìm hiểu xem tại sao em học sinh lại thích chơi game trong giờ học giáo lý thì chúng ta xem khả năng em đó có tác dụng gì về kiến thức giáo lý không? Hiện nay có nhiều App rất tốt như là ca múa,… chúng ta có thể tập hợp các em tìm một vấn đề liên quan đến bài học hôm đó.

+ Trong quá trình giảng dạy của GLV, các em có bị áp lực không? Nếu có thì GLV nên thay đổi phương pháp.

+ Vì lứa tuổi các em đã có nhiều kiến thức và biết phản biện. VD ở trường các em học loài người tiến hóa từ loài vượn, còn ở nhà thờ thì lại dạy là con người do Chúa tạo dựng nên. Hay bài học giáo lý không liên quan đến lứa tuổi của mình thì các em không muốn nghe. Vì vậy GLV phải bổ sung kiến thức.

Kết thúc phần giảng dạy, 2 GLV đại diện cho lớp học lên để cảm ơn và tặng hoa cho Thạc sĩ Hoàng Yến. Các em tâm sự: "Chúng con kính chúc Cô luôn tràn đầy ơn Chúa Thánh Thần để Cô đi giảng dạy cho các sinh viên và GLV, cũng như mong ước Cô sẽ còn đến lớp học để giảng dạy như hôm nay."

Đáp từ, Thạc sĩ Hoàng Yến cảm ơn Lm Phêrô Đặc trách về Giáo lý, Sơ Lucia Giảng viên, chị Phạm Thúy đã tạo điều kiện cho cô đến đây để gặp các giúp các em có hành trang để thông truyền Tin Mừng Nước Chúa.

II. Tôn vinh Mẹ Maria - Cầu nguyện cho Hòa bình Thế giới:

Kết thúc giờ học có giải lao ngắn. Sau đó, mọi người vào vị trí bắt đầu cuộc rước kiệu: các em phụ trách khiêng kiệu tiến lên sân khấu, nơi đặt kiệu Đức Mẹ, các học viên còn lại xếp hàng hai trên tay cầm một hoa hồng.

Sau lời dẫn nhập về lịch sử lễ kính Đức Mẹ Mân Côi hàng năm, Ban điều hành bắt đầu nguyện kinh, hát vang bài” Ave Maria con dâng lời chào Mẹ...” Sau đó khởi kiệu vừa đi vừa lần hạt 50 với mầu nhiệm Sáng. Trước mỗi ngắm có suy niệm một đoạn Tin Mừng.

Đoàn kiệu đi vòng qua sảnh B, đi về phía cổng chính, vòng qua dãy D và núi Đức Mẹ, về khu nhà Truyền thống rồi tiến về Nhà nguyện Cổ. Khi vào Nhà nguyện Cổ, mỗi người tiến lên bàn thánh và dâng hoa cho Đức Mẹ vào những bồn đã có sẵn, rồi tiếp tục về chỗ ngồi để Lần chuỗi Mân Côi… Cuối giờ kinh cộng đoàn cùng hát những bài tôn vinh Mẹ Maria và bước vào giờ Chầu Thánh Thể.

Sau khi Lm chủ sự đặt Mình Thánh Chúa và cộng đoàn thờ lạy, cộng đoàn cùng nghe và suy gẫm đoạn Tin Mừng Hiến Chương Nước Trời (Mt 5,1-12)

Trong giờ chầu, mọi người hiệp ý với Lm Chủ sự Phêrô, hưởng ứng lời kêu gọi của Đức Thánh Cha, chỉ đứng về một phía: bằng việc cầu nguyện sám hối để: cầu hòa bình cho toàn thế giới.

- Cầu xin cho hòa bình thế giới.
- Cầu cho sự hòa giải giữa Israel và Palestine
- Cầu cho các nạn nhân, gia đình và bạn bè của những người phải gánh chịu cuộc chiến thảm khốc đang xảy ra ở Ukraine, Israel.
- Cầu cho các nhà lãnh đạo quốc gia tham chiến.

Giờ Chầu Thánh Thể kết thúc lúc 18g cùng ngày. Tất cả ra về trong niềm tin yêu và hy vọng vào Thiên Chúa sẽ ban hòa bình cho thế giới hôm nay.

Bài: Phương Nga (TGPSG)
Ảnh: Nguyễn Thân

Nguồn: tgpsaigon.net

Thiet ke web ChoiXanh.net
TOP
Loading...