Ban lãnh đạo Thượng Hội đồng Giám mục trả lời những câu hỏi đầy thách đố của sinh viên đại học

5 /5
1 người đã bình chọn
Đã xem: 48 | Cật nhập lần cuối: 10/22/2024 11:28:40 AM | RSS

Vatican News (18/9/2024) - Chiều ngày 18/10/2024, khoảng 140 sinh viên đại học, chủ yếu đến từ Bắc Mỹ, đã tập trung tại Hội trường Phaolô VI để trực tiếp trao đổi với các nhà lãnh đạo của Ủy ban thư ký Thượng hội đồng trong sự kiện có tên “Sinh viên đại học đối thoại với các nhà lãnh đạo Thượng Hội đồng”.

Các câu hỏi của các sinh viên đã được Đức Hồng y Mario Grech, Tổng thư ký Thượng hội đồng, Đức Hồng y Jean-Claude Hollerich, Tổng tường trình viên của Thượng hội đồng, Sơ Leticia Salazar, Chưởng ấn của Giáo phận San Bernardino và Đức Cha Daniel Flores của Giáo phận Brownsville ở miền nam Texas trả lời.

Trả lời thách đố của việc lắng nghe

Câu hỏi đầu tiên đến từ Asia Chan, một sinh viên đến từ Trinidad và Tobago, đã diễn tả sự đấu tranh của mình khi bày tỏ đức tin trong một nền văn hóa khác và hỏi Giáo hội có thể cải thiện các cuộc tham vấn trong tương lai như thế nào để đảm bảo nhiều tiếng nói hơn được lắng nghe.

Đức Hồng y Grech trả lời, nhìn nhận thách thức và chia sẻ rằng tiến trình hiệp hành hiện tại của Giáo hội là điều chưa từng có xét về phạm vi lắng nghe. Ngài lưu ý rằng mặc dù vẫn còn những điều cần cải thiện, nhưng Thượng Hội đồng này đã thu hút nhiều người tham gia hơn so với các Thượng Hội đồng trước.

Đức Hồng y cho biết, “Trong Thượng hội đồng về Gia đình, chỉ có 80 trong số 114 Hội đồng Giám mục tham gia. Lần này, 112 trong số 114 Hội đồng đã nộp báo cáo của họ: điều đó có nghĩa là một bộ phận lớn người dân đã được lắng nghe”. Ngài cũng lưu ý rằng lần này, hơn 20.000 người đã tham gia trên nền tảng kỹ thuật số, vì vậy “Sự tham gia rất tốt và hứa hẹn sẽ tốt hơn trong tương lai”.

“Lắng nghe là điều cơ bản”, ngài nói tiếp, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc lắng nghe không chỉ ý kiến mà còn cả sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần trong một tiến trình “sẽ giúp Giáo hội trở nên hiệp hành hơn, tạo ra một nền văn hóa gặp gỡ bắt nguồn từ việc lắng nghe Thiên Chúa và lắng nghe nhau”.

Thu hút những người trẻ ở bên lề

Alexandra, một sinh viên người Venezuela lớn lên ở Trung Đông, đã hỏi tại sao những người trẻ không tham gia vào Giáo hội lại quan tâm đến tính hiệp hành và Giáo hội có thể tạo ra nơi chốn cho những người cảm thấy bị tổn thương bởi điều đó như thế nào.

Đức Hồng y Hollerich nhấn mạnh tầm quan trọng của việc lắng nghe mọi người, không chỉ lắng nghe ý kiến của họ, trong thế giới phân cực ngày nay.

Ngài chỉ ra sự xung đột ý kiến hiện đang đặc trưng cho Hoa Kỳ và nói rằng "phân cực là một cách suy nghĩ rất xa với tính hiệp hành, giống như thế giới kỹ thuật số, nơi bạn chỉ theo dõi những người có cùng quan điểm với bạn - và nếu bạn không đồng ý, nó sẽ trở nên rất đối lập".

Đức Hồng y nói thêm, "Một người có quan điểm khác không phải là kẻ thù; chúng ta là một phần của cùng một nhân loại. Chúng ta phải tìm ra giải pháp chung". Trong Giáo hội, ngài nói, điều đó dễ dàng hơn vì chúng ta là anh chị em; chúng ta cùng chia sẻ một Bí tích Rửa tội.

Ngài nói: “Tôi nghĩ thế giới có thể học hỏi từ điều đó, và thật tuyệt nếu chúng ta có thể mở lòng với các tín ngưỡng và tôn giáo khác để thảo luận trong tình huynh đệ toàn cầu về các vấn đề quan trọng của thế giới chúng ta” bởi vì tính hiệp hành cung cấp cách thế đưa mọi người lại với nhau, và công nhận tính nhân văn chung của họ.

Đức Hồng y Hollerich cho biết thế giới có thể học hỏi từ phương thức hiệp hành của Giáo hội, đặc biệt là trong việc tạo ra không gian cho cuộc đối thoại tôn trọng giải quyết các vấn đề toàn cầu như hòa bình, công lý và sinh thái.

Sự trung thành với truyền thống trong bối cảnh thay đổi của Thượng Hội đồng

Sondra, một sinh viên đến từ San Francisco, đã nêu lên lo ngại về việc nhấn mạnh vào kinh nghiệm trong tiến trình hiệp hành có thể ảnh hưởng đến lòng trung thành với truyền thống và chân lý.

Đức Cha Flores đã trả lời bằng cách trấn an cô rằng tính hiệp hành không làm tổn hại đến sứ mạng công bố Phúc âm của Giáo hội. Ngài thừa nhận thách thức khi lắng nghe những người có quan điểm khác nhưng khẳng định rằng điều đó rất cần thiết để hiểu được thực tế mà mọi người phải đối mặt.

Ngài nói: "Làm thế nào bạn vẫn trung thành với Giáo hội? Giáo hội đã hỗn loạn trong 2000 năm, nhưng Chúa Thánh Thần vẫn giữ cho Giáo hội được đoàn kết. Tôi mang gì đến Roma từ Nam Texas? Tôi không lo rằng đức tin của Giáo hội sẽ bị tổn hại nếu chúng ta lắng nghe nhau". Ngài giải thích rằng tiến trình hiệp hành giúp đào sâu sự hiểu biết mà không làm suy yếu các giáo lý cốt lõi của Giáo hội.

Chuyển từ thảo luận sang hành động

Joseph, một sinh viên đến từ New Orleans tham gia vào mục vụ giới trẻ, đã hỏi làm thế nào để Thượng Hội đồng có thể biến các cuộc thảo luận thành hành động cụ thể.

Sơ Leticia Salazar nhấn mạnh bản chất biến đổi của tiến trình hiệp hành. Sơ ví nó như lời mời của Thánh Inhaxiô thành Loyola để cảm nghiệm Kinh Thánh như thể một người đang hiện diện trong bối cảnh đó. Sơ cho biết, việc ngồi cùng bàn với các tham dự viên Thượng Hội đồng là một trải nghiệm mạnh mẽ thúc đẩy sự hiệp thông và biến đổi.

Sơ Leticia bày tỏ hy vọng rằng các sinh viên sẽ mang trải nghiệm này trở về cộng đồng của họ, biến tính hiệp hành thành hiện thực sống động. Sơ nói thêm rằng tiến trình này không chỉ mang tính lý thuyết mà là một cách để phân định và xây dựng cùng nhau như một Giáo hội.

Sơ nói: “Điều gì sẽ xảy ra sau thời gian này ở đây? Nó sẽ tiếp tục ở San Bernardino và hy vọng là trong toàn thể Giáo hội. Đó là một cách để tìm thấy Chúa Giêsu ở nơi nhau, đó không phải là một ý tưởng, mà là cùng nhau xây dựng và cùng nhau phân định ý muốn của Chúa”.

Trong thời điểm phân cực này, Sơ Leticia tiếp tục, “Tính hiệp hành có một cách nhẹ nhàng để công bố Tin Mừng theo cách rất tôn trọng”.

Sơ kết luận: “Tôi rất hy vọng Hoa Kỳ sẽ thấy các bạn ở đây. Điều tuyệt vời là chúng ta không đơn độc. Đức Giáo hoàng Phanxicô không muốn thực hiện sứ mạng của ngài một mình; ngài kêu gọi toàn thể Giáo hội cùng thực hiện với ngài. Hãy biến nó thành hiện thực!”.

Tính hiệp hành trong đào tạo thần học và mục vụ

Fabio đến từ El Salvador, một học giả thần học, đã hỏi làm thế nào các chủng viện và trường thần học có thể thúc đẩy tính hiệp hành.

Đức Cha Flores trả lời bằng cách khuyến khích các nhà thần học và chủng sinh tham gia vào thực tế của những người mà họ phục vụ. Ngài nhấn mạnh tầm quan trọng của việc bước ra khỏi môi trường học thuật để trải nghiệm cuộc sống của những người ở bên lề.

Đức Hồng y Grech nói thêm rằng các chủng viện và chương trình thần học phải được đánh giá lại thông qua lăng kính hiệp hành. Ngài mời các sinh viên và nhà thần học đóng góp vào cuộc trò chuyện đang diễn ra này, nhấn mạnh rằng tính hiệp hành phải thấm nhuần vào mọi cấp độ đào tạo của Giáo hội.

Đối thoại liên tôn và tính hiệp hành toàn cầu

Mika đến từ Cincinnati đã đặt câu hỏi thứ 6 và cũng là câu hỏi cuối cùng về cách Giáo hội có thể hỗ trợ giáo dân trong việc thúc đẩy đối thoại liên tôn và những bài học mà tính hiệp hành có thể học được từ các truyền thống đức tin khác.

Đức Hồng y Hollerich đã suy tư về kinh nghiệm của ngài tại Nhật Bản, nơi ngài dạy cho các sinh viên của nhiều tôn giáo khác nhau. Ngài chia sẻ rằng cuộc gặp gỡ này đã giúp ngài nhận ra rằng Chúa đã hiện diện trong mọi nền văn hóa và tôn giáo.

Đức Hồng Y nhấn mạnh rằng tính hiệp hành có thể dạy thế giới rằng tôn giáo không nên là nguồn gốc của xung đột mà là con đường dẫn đến tình huynh đệ lớn hơn và kêu gọi Giáo hội hành động cùng với các truyền thống đức tin khác để giải quyết các thách đố toàn cầu, ví dụ như công bằng xã hội và sinh thái, như những người anh chị em được hiệp nhất bởi một sứ mạng chung.

Ngài nói: “Chúng ta phải cho thấy chúng ta không chỉ nói, chúng ta phải hành động cùng nhau, cùng nhau gặp gỡ và phát triển lòng tôn trọng, tình yêu và tình bạn và hành động vì lợi ích của nhân loại. Đó là một phần trong sứ mạng của chúng ta, và một phần của sứ mạng đó cũng là loan báo về Chúa”.

Một bức tranh ghép về những lời cầu nguyện và câu hỏi

Vào cuối cuộc gặp gỡ, các sinh viên đã trình bày một tác phẩm nghệ thuật theo phong cách mosaic, diễn tả những lời cầu nguyện và câu hỏi nảy sinh trong thời gian ở Roma. Mỗi thành viên trong nhóm thảo luận được mời đóng góp một lời cầu nguyện, tượng trưng cho hy vọng chung về một Giáo hội hiệp hành, bao gồm và lắng nghe hơn.

Nguồn: vaticannews.va/vi

Thiet ke web ChoiXanh.net
TOP
Loading...