Các mối Phúc thật hôm nay (19): Các linh hoạt của hôm nay

[ Điểm đánh giá5/5 ]2 người đã bình chọn
Đã xem: 2067 | Cập nhật lần cuối: 9/10/2017 6:43:53 AM | RSS

(Tiếp theo)

Phần III: Các mối Phúc hôm nay

19. Các linh hoạt của hôm nay

Sau khi đã nghiên cứu từng mối Phúc và toàn thể các mối Phúc thật, sau khi đã cố gắng tìm hiểu chúng trong các mối xuất phát đầu và coi đó là thứ Tin Mừng cô động lại cách tuyệt vời, là cách diễn tả trong sáng nhất và huyền nhiệm nhất của sứ điệp Tin Mừng một lối diễn tả đơn giản nhất và thẳng thắn nhất, ta không thể không tự hỏi mình phải hiểu các mối Phúc ấy thế nào ngày hôm nay, trong chặng cuối thế kỷ 20 này, bình minh của đệ tam thiên niên.

Người thời nay có quyền biết các mối Phúc theo đúng nguyên trạng của chúng, lược khỏi những cái phản nghĩa, cố tình hay không, nhưng quá nhiều, lược khỏi mọi rỉ sét làm mờ đục những viên ngọc ấy đến độ che khuất hoàn toàn. Đồng thời họ có quyền muốn đích thân thực hiện các mối Phúc thật ấy theo cung cách của mình tại nơi họ sống, vì các mối Phúc thật không phải là bản kê các lời dạy và các nghĩa vụ, nhưng đòi phải sáng tạo liên miên. Cuối cùng, họ có quyền đối chiếu những nghiên cứu, để áp dụng các mối Phúc thật theo như họ sống, trong văn hóa và ngôn ngữ riêng của họ.

Vậy bây giờ cần phải hỏi xem các mối Phúc thật có tính hiện tại thế nào?

Tất cả các mối Phúc thật, trừ cái mối sau cùng vốn dành riêng cho Kitô hữu, đều ở thì hiện tại. Đó là nhận xét, như đã thấy, về tình trạng của ngay cả thời nay, những người nam hay nữ đều biết họ sống nội dung các mối Phúc thật: Cần nhắc lại rằng: “Phúc thay những người…” trong các mối Phúc thật có nghĩa là: “Những người… thực sự đó là những người hiện thời đang thành công trong cuộc đời của họ”.

Kitô hữu thường rất hay đưa các mối Phúc thật qua thế giới bên kia. Họ đã xuyên tạc sứ điệp này bằng cách giải thích nó theo thuyết nhị nguyên rất thông thường: thế gian này là sủng khóc lóc và vì thế hạnh phúc là ở thế giới bên kia. Nhưng các mối Phúc thật thì nói: không có sủng khóc lóc bây giờ, cũng không có hạnh phúc tương lai, nhưng có cung cách sống hạnh phúc hôm nay, mặc dầu phải đấu tranh và đau khổ. Dĩ nhiên có vấn đề đời sau, nhưng để nói rằng: cung cách sống hạnh phúc như thể ở đời này là nếm trước cung cách sống hạnh phúc đời sau, rằng cuộc sống bây giờ tiên trưng cho cuộc đời mai mốt. Nhưng như thánh Gioan nói, sự sống đời đời đã khởi sự ngay đời này và người ta sẽ không có thể biết điều ấy nếu như đã không có những con người Kitô và đủ hạng người nam nữ ở trong thế giới đã kinh nghiệm lối sống hạnh phúc theo như các mối Phúc thật vạch ra. Người ta sẽ không thể hy vọng thiên đàng, nếu như ngay ở đời này, người ta đã không có được những dấu chỉ của thiên đàng, là chính những con người sống các mối Phúc thật.

Vì thế Thiên Chúa muốn chúng ta biến sủng khóc lóc này thành cõi sống chân thật ngay từ bây giờ. Và khi trao cho chúng ta các mối Phúc thật, Ngài chỉ nói với chúng ta rằng:

Theo cách nhìn của Ngài, chúng ta đang có trong tay những gì cần thiết để biến đổi cái thung lũng còn hoang này. Các mối Phúc thật là những dụng cụ Ngài đề nghị cho ta dùng để đạt mục tiêu, mà cả Ngài với ta đều cùng nhau đeo đuổi: đó là hạnh phúc, là thành công từ cuộc sống bây giờ.

Một trong những tai họa của con người, đúng là do quan niệm của họ về thời gian, do việc họ khó đi vào cái hôm nay. Có những người, được gọi là duy vật, dựa trên những giải thích nhân quả xuất phát từ quá khứ, những người khác, có thể gọi là duy tâm, đưa ra những giải thích theo thuyết cứu cánh do mục đích, do tương lai mang lại. Trong lối giáo dục Tây phương thì chính thái độ thứ nhất là rộng rãi ưu tiên, bởi vì lối giải thích theo cứu cánh kia xem như chỉ có thể bênh vực được bằng chính khoa học. Thế nhưng người ta đã chứng minh từ vài năm nay rằng cách giải thích nhân quả chỉ cho thấy một khía cạnh của thực hữu mà thôi, do cách ta nhận thức về thời gian bao hàm rất nhiều hạn chế. Lối giải thích nhân quả có lẽ là do cách ta thích ứng với thời gian “do một qui ước xuất phát từ cảm quan tâm lý, thích nghi cái trước với cái sau. Vì qui ước như vậy, nên ta chỉ coi sự nối tiếp là hợp lý tùy mức độ đó là sự nối tiếp về thời gian (….) Vậy là ta đã vô tình liên kết tính thời gian với tính nhân quả” (J. De Rosnay, Le Macroscope, Paris, Seuil 1975 tr. 212).

Tác giả ấy cũng chứng minh “những bế tắc, do việc dùng thuyết nhân quả và thuyết cứu cánh làm phương pháp duy nhất để cắt nghĩa các hiện tượng” nên ông đề nghị một con đường mới: vấn đề là “giữ thời gian lại đừng để nó mất đi, hãm thời gian chậm lại, bằng cách quân bình hóa nó nhờ việc tạo ra những thông tin”. J. De Rosnay viết: “qua hành động, mỗi người chuyển một phần bản thân mình vào trong vũ trụ mỗi một hành động sáng tạo, ở bình diện của mình vào việc tổ chức thế giới, giúp thế giới đi tới những trạng thái phức tạp cao hơn”. Dĩ nhiên, J. De Rosnay biết rằng: “việc tăng thêm phức tạp như thế không phải là không né tránh hay đảo ngược được. Bất kỳ tổ chức nào đều nằm dưới qui luật suy giảm, hao mòn, già nua, dù là sinh vật hay máy móc, những công trình xây dựng hay là thông tin. Sự hủy diệt tổ chức xã hội loài người có thể xảy ra tức khắc vì một tai họa nguyên tử”. Tuy nhiên, “chính hành động sáng tạo của cá nhân giúp bù đắp lại sự trôi nhanh của thời gian”.

J. De Rosnay, vì thế, kêu gọi sự bổ túc của 2 thứ ngôn ngữ, ngôn ngữ lý trí (sự nhận thức khoa học) và ngôn ngữ biểu tượng (nghệ thuật, thi ca, tôn giáo): “ngôn ngữ tri thức (toán học, vật lý) thì phong phú về thông tri và nghèo về nội dung nhân loại. Trái lại, ngôn ngữ biểu tượng (chính trị, tôn giáo) thì nghèo về thông tin, nhưng phong phú về nội dung nhân loại”.

Như thế, vũ trụ có 2 mặt: “khía cạnh năng lượng, số lượng, vật chất, khách quan” và khía cạnh tinh thần và chủ quan nhờ đó vũ trụ trở nên ngày càng có ý nghĩa hơn”. “Nếu có việc bảo tồn thời gian, thì tự do sẽ hoàn toàn nằm trong giây phút hiện tại. Như thế, vũ trụ xuất hiện như một ý thức tự tạo chính mình nhờ ý thức về mình”. J. De Rosnay có thể kết luận là trước tiên phải tìm cách “tăng cường khả năng sáng tạo cho xã hội chúng ta”.

Những người ủng hộ cái quá khứ và cái tương lai một cách ít nhiều vô ý thức, họ cấu kết với nhau, mặc dù đó là anh em thù địch, gây áp lực, mỗi người một bên, trên cái hiện tại và để nghiền nát nó. Thiên hạ căng con người ra giữa quá khứ và tương lai, khiến con người không đạt được giây phút hiện tại. Người biến thời gian thành một chuỗi khoảnh khắc, vốn không có thật, người ta không có thể sống trong hiện tại, thiên hạ biến thời gian thành một chuỗi điểm chết. Thiên hạ nhốt con người vào trong cái “hướng lịch sử” này nọ, khiến họ bị quá khứ và tương lai thu hồi, nên không còn khả năng sống cuộc sống hàng ngày của mình và sống tính đa dạng của hiện tại, tức “cái hôm nay trinh khiết, linh hoạt, đẹp tươi” như Mallarmé đã nói. Còn phải trích dẫn lời J. De Rosnay đề nghị “làm mất thì giờ”, phải sống cái ở đây và bây giờ và ông thiết nghĩ rằng “việc làm mất thì giờ” ấy có lợi cho loài người: “trong nền văn minh vội vàng và phí phạm của chúng ta, việc ngắm cảnh, nói chuyện với một bé thơ, tập thể thao thể dục hay nguyên việc trầm tư có thể xem như mất thì giờ, nhưng biết bao nhiêu tư tưởng phong phú, bao nhiêu suy nghĩ sáng tạo và bao nhiêu giả thuyết mới mẻ đã phát sinh từ trong phút giây như thế”.

Từ một chục năm nay, ta nhận thấy mọc lên từ chân trời cuộc cách mạng thông tin. Sự phát triển các ngành truyền thông trên qui mô toàn cầu dần dần dẫn đến một xã hội nói là “tác động lẫn nhau”, cái xã hội “trong thời gian ấy theo những kiểu nói các nhà thông tin học, là một xã hội trong đó người ta được thông tin ngay lập tức. Điều này cho phép phân phối lại quyền hành trong tổ chức phân quyền.

Như thế, con người tìm lại chỗ đứng của mình, tức là chỗ đứng trong hiện tại, vì xưa nay con người đã không ngừng bị quá khứ và tương lai làm đảo lộn. Nhưng dù sao, con người của bán phần cuối thế kỷ 20 đã khởi sự phản ứng mãnh liệt chống lại tốc độ tăng lên không ngừng của loài người. Cái đồng hồ sinh lý và đồng hồ tâm lý của loài người liên tục bị tốc độ kia quấy phá - tốc độ do nhịp độ qua lại càng ngày càng nhanh của những quả ping pong quá khứ - tương lai - khi 2 đồng hồ ấy hú còi báo động. Những ứng suất mắc phải đã cho thấy rằng cơ thể không còn khả năng đi theo mãi vì cơ thể con người chống lại - và các tổ chức khác của xã hội cũng thế, nên cần phải nhận ra rằng: những thang giá trị đã lỗi thời, người ta không còn có thể nắm giữ một số quyền hành và quyền lực không còn có thể cứ theo chủ nghĩa giáo điều và chủ thuyết nhị nguyên thiện ác, mà không gây nguy hại cho tương lai của loài người, nên cần phải ưu tiên phát huy “hành động sáng tạo cá nhân” và lòng ham mê giây phút hiện tại, để sống giây phút này và cho hết sức đậm đà, sâu sắc.

Chỉ có thể sống các mối Phúc thật trong giây phút hiện tại, trong cái ngay trước mắt, trong kinh nghiệm hàng ngày. Các mối Phúc thật đáp ứng ước mơ của những con người đương thời với ta, không còn muốn mình bị những quyền hành và thống trị lừa dối, vì những thứ này đòi rất nhiều thời gian và nghị lực để chinh phục lấy và khi đã chinh phục được rồi thì để lại một vị đắng cay - và những thứ ấy không bao giờ đủ sức làm nguôi tâm trạng bị tước đoạt, nên sẽ là một cuộc leo thang cực hình làm mất thời giờ của cuộc sống.

Và các mối Phúc thật, vì chúng đề nghị chối bỏ quyền hành, vũ lực, thống trị, nên chúng cho phép con người lấy lại nhịp độ của mình đã mất, cuối cùng tìm lại được cái tự do của thời gian.

Các mối Phúc thật là một ngày hôm nay tươi mát, đối chọi với tất cả những căng thẳng những ước muốn thống trị và khiêu khích gây nên với những đau khổ phát sinh từ nhiều lo lắng bồn chồn. Các mối Phúc thật đề nghị dẹp cảnh náo loạn bên trong ấy, cái núi lửa vô ích kia khiến người ta không ngừng sống ở ngoài mình, vì những mục tiêu chưa đạt và tỏ ra rất nghèo nàn, khi đã chiếm được.

Người ta thường đề cao thứ lửa không ngừng tái sinh ấy, coi đó là đỉnh cao đời sống, một ngọn lửa liên miên bồi dưỡng và thổi bùng lên, sẽ đem lại cho đời sống hương vị thật của nó, và thật khó chống lại quan điểm cho là cần kích thích liên miên một nhu cầu hay xẹp xuống, và vì thế cứ cần đổi mới không ngừng. Cái lối muốn điều không thể có được, chỗ thiếu và chỗ hổng vốn nằm sâu trong lòng con người. Đó là dấu chỉ rõ ràng về niềm ước mơ, về điều thiếu thốn nằm trong con người.

Ta có nhiều nhu cầu đòi thỏa mãn. Nhưng bên kia các nhu cầu là điều ước mơ: trong ước mơ này tôi lệ thuộc vào người khác, chính người khác sẽ sinh tôi ra, sẽ nhìn nhận tôi. Ước mơ ngoi lên từ chính sự không thỏa mãn của một điều dục vọng còn thanh cao hóa như ta đã biết, chính là vươn lên, là liên lỉ lôi mình ra khỏi chính mình.

Điều các mối Phúc thật kêu mời, chính là thưởng thức cái sâu xa đậm đà trong khoảnh khắc khi nó không bị quá khứ xác định, hay bị tương lai ám ảnh và khi nó thuần túy nghèo nàn trơ trụi, chính là đón nhận cái hôm nay, phút giây hiện tại theo thực chất của nó. Nhưng chúng ta chần chừ đáp lại lời mời gọi ấy, vì “sống cái hôm nay” tức là đương đầu với sự chết và với tình thương. Sống cái hôm nay, không chỉ là đang chất vào kho vụ mùa hôm qua và gieo giống cho ngày mai, mà đó là khước từ tham lam và dục vọng. Tình yêu và sự chết đều có cùng một sự hăng say, là trở nên khoảnh khắc không gồm quá khứ cũng không có tương lai. Ai nói với người khác: “tôi yêu anh vì…” hay là “tôi yêu anh để…” thì người đó không yêu. Người nào chết thì trong giây phút chết đó, cắt đứt khỏi mọi quá khứ và khỏi mọi tương lai.

“Cái hôm nay” của các mối Phúc thật chính là cái giây phút đó, cái giây phút đã tự là phần thưởng cho mình rồi, bởi vì không có gì mãnh liệt cho bằng sống nghèo khó hiền lành, cởi mở cho người khác. Dĩ nhiên, những người nam hay nữ nào sống các mối Phúc thật đều biết cái vết thương do bị giựt ra khỏi thời gian bình thường, nhưng có thể cảm nghiệm hạnh phúc tuyệt vời trong việc ăn năn trở lại và lột xác đó.

Có người vấn nạn là chỉ có một người nam hay nữ có được cái khả năng tích lũy sinh lực, vốn bình thường chỉ đi tìm thỏa mãn các dục vọng để hưởng nó theo cái khác, theo cái “hôm nay” có vẻ như là cái chết làm biến đổi cả một con người. Có thật như thế không? Những người đồng thời với chúng ta lại không ao ước đi vào trong quá trình đó, để thành những con người sáng tạo, biết nhận ra những cái sáng tạo và những tình thương chân thật đấy ư?

Làm sao không ngạc nhiên vì các nước phương Tây đã phát triển kinh tế dư thừa từ nhiều năm nay, đột nhiên lại gặp cơn khủng hoảng, sự tích lũy các tiến bộ và của cải thình lình ngưng lại, làm sao không ngạc nhiên, bỡ ngỡ vì sự bất ổn tàn bạo ấy, chẳng những không bẻ gãy con người, mà nhiều khi còn đem lại cho một luồng khí mát?

Những chọn lựa trong cuộc sống hằng ngày chắc chắn là khó khăn hơn, vì người ta không còn có những cái sẵn sàng như trước. Nhưng người ta bó buộc phải sống cái thực tế từng ngày, cái thường nhật không thể tiên - liệu trước.

Cũng vậy, nếu trước kia người ta sống theo những nguyên tắc hay những xác tín vững vàng, thì từ nay ở trong Giáo hội cũng như trong các đảng phái lại có nhiều câu hỏi, tuy không phá hủy tận rễ các điều cam kết hay là đức tin, nhưng trái lại còn thanh lọc cho thêm tinh khiết, còn đòi hỏi phải hằng ngày:

Sáng tạo thêm, đem lại cái diễn tả mới, tùy theo mỗi lần gặp gỡ và mỗi hoàn cảnh riêng. Người ta không chắc hơn là sẽ được giải thoát hay sẽ có ngày mai tươi đẹp. Nhưng người ta sẵn sàng hơn để sống cái ngày hôm nay.

Đó là một kẽ hở mở đường hạnh phúc.

(Còn tiếp)

Jean Francois Six

Trích "Các mối Phúc thật hôm nay", tr. 248-259

---------------------------------------

* Bài liên quan:

Các mối Phúc thật hôm nay (1)

Các mối Phúc thật hôm nay (2)

Các mối Phúc thật hôm nay (3)

Các mối Phúc thật hôm nay (4)

Các mối Phúc thật hôm nay (5)

Các mối Phúc thật hôm nay (6)

Các mối Phúc thật hôm nay (7)

Các mối Phúc thật hôm nay (8)

Các mối Phúc thật hôm nay (9)

Các mối Phúc thật hôm nay (10)

Các mối Phúc thật hôm nay (11)

Các mối Phúc thật hôm nay (12)

Các mối Phúc thật hôm nay (13)

Các mối Phúc thật hôm nay (14)

Các mối Phúc thật hôm nay (15)

Các mối Phúc thật hôm nay (16)

Các mối Phúc thật hôm nay (17)

Các mối Phúc thật hôm nay (18)