Tông thư Salvifici doloris - Về ý nghĩa đau khổ (2)

[ Điểm đánh giá5/5 ]1 người đã bình chọn
Đã xem: 3250 | Cập nhật lần cuối: 10/18/2017 10:03:38 PM | RSS

II. THẾ GIỚI NHỮNG KHỔ ĐAU CỦA CON NGƯỜI

Tông thư Salvifici Doloris (2) - Về ý nghĩa đau khổ của con người theo Kitô giáo5. Trong chiều kích chủ quan, mặc dù xét như là một sự kiện cá vị nằm sâu nơi thâm tâm con người cụ thể và độc đáo, đau khổ dường như không thể diễn tả và thông đạt được; thế nhưng, cùng lúc ấy, có lẽ không có sự kiện nào lại được bàn luận, suy gẫm, quan niệm, bằng cách diễn giải rõ ràng như vấn đề đau khổ, trong thực tại khách quan của nó; và vì vậy, không có thực tại nào lại đòi buộc người ta phải tra vấn cặn kẽ và tìm câu trả lời cho bằng vấn đề đau khổ.

Như ta thấy, ở đây không phải chỉ là mô tả đau khổ. Có những tiêu chuẩn khác vượt lên trên sự mô tả mà chúng ta phải đề cập đến nếu muốn đi sâu vào thế giới những khổ đau của con người.

Xét như một khoa học, đồng thời như nghệ thuật săn sóc bệnh nhân, y học đã tìm thấy trong lãnh vực bao la ngập tràn khổ đau của con người, khía cạnh quen thuộc nhất của chúng. Khía cạnh này đã được nhận diện một cách rất rõ ràng và đã được chữa trị khá hiệu quả bằng những phương pháp “phản ứng” lại, tức là trị liệu.

Tuy nhiên, đó mới chỉ là một mặt. Đau khổ của con người còn có tầm thức rộng lớn hơn, đa dạng hơn, và có nhiều chiều kích khác nhau. Con người phải chịu đựng đau khổ dưới nhiều hình thức, không phải lúc nào y khoa cũng quan sát được, kể cả những ngành tiến bộ nhất. So với bệnh tật, đau khổ là một cái gì đó rộng lớn hơn, phức tạp hơn, đồng thời cắm rễ rất sâu trong chính bản tính con người. Cách tiếp cận đầu tiên với vấn đề này là phân biệt đau khổ thể lý và đau khổ tinh thần. Sự phân biệt đó dựa trên hai chiều kích của con người, tức là yếu tố thể chất và tinh thần như là chủ thể trực tiếp của đau khổ. Trong mức độ có thể, chúng ta sử dụng các từ đau khổ và đau đớn như là đồng nghĩa: khi thân thể bị đau cách này cách khác, đó là đau khổ thể lý; còn đau khổ tinh thần là một đau đớn của tâm hồn. Thật thế, chúng ta bàn đến sự đau đớn về phương diện tâm linh chứ không chỉ theo phương diện tâm lý, là hậu quả của đau khổ tinh thần cũng như thể lý. So với đau khổ thể lý, tầm mức và hình thức đa dạng của đau khổ tinh thần cũng không thua kém gì; đang khi đó, hình như phương pháp trị liệu tinh thần lại khó xác định và khó thực hiện hơn.

6. Kinh Thánh là cuốn sách vĩ đại về vấn đề đau khổ. Dựa trên các sách Cựu Ước, ở đây, chúng ta chỉ nêu ra vài hoàn cảnh điển hình có dấu ấn đau khổ, nhất là đau khổ tinh thần: nguy cơ phải chết(1); cái chết của con cái (2); đặc biệt là của đứa con đầu lòng và duy nhất (3); tuyệt tự (4); nỗi nhớ quê hương (5); bị người chung quanh bách hại và chống đối (6); người đang đau khổ bị chế giễu và nhạo báng (7).

Cô đơn và bị bỏ rơi(8); rồi còn phải kể đến sự cắn rứt lương tâm(9); không hiểu tại sao kẻ dữ lại thịnh đạt còn người công chính lại phải đau khổ(10); sự thất tín và vô ơn của bạn bè và láng giềng(11); sau cùng là những nỗi bất hạnh của quê hương xứ sở(12)

Vì Cựu Ước thường quan niệm con người là một tổng thể tâm lý, nên cũng thường liên kết các đau khổ tinh thần với sự đau đớn cảm thấy nơi một chi thể rõ rệt: xương cốt (13), thận (14), gan (15), mật (16), tim (17). Thật vậy ta không thể chối cãi được rằng những nỗi đau khổ tinh thần cũng có tính cách thể lý và thường ảnh hưởng tới tình trạng chung của cơ thể.

7. Qua các thí dụ trên đây, ta thấy Kinh Thánh mô tả rất nhiều hoàn cảnh đau thương của con người. Bản liệt kê này, mặc dù phong phú, nhưng trong thực tế cũng không diễn đạt được hết những gì liên quan đến đau khổ được nhắc đi nhắc lại trong quyển sách lịch sử con người (đúng hơn là một quyển sách không được viết thành văn), và hơn nữa, trong quyển sách lịch sử nhân loại mà ta đọc thấy qua lịch sử mỗi người.

Có thể nói người ta đau khổ khi phải chịu một sự dữ, bất cứ là loại nào. Trong từ vựng Cựu Ước, đau khổ và sự dữ như được trình bày như đồng nhất với nhau. Thật thế, từ vựng ấy không có từ riêng để chỉ sự đau khổ, nên phải dùng từ sự dữ để định nghĩa mọi đau khổ. Chỉ có tiếng Hy Lạp và bản Tân Ước (cùng các bản dịch Cựu Ước bằng tiếng Hy Lạp) dùng động từ PASKO: “tôi buồn khổ, tôi cảm thấy buồn, tôi đau khổ”. Với từ ngữ này, đau khổ không còn có thể được coi như luôn đồng nhất với sự dữ (khách quan) nữa, nhưng ám chỉ một hoàn cảnh trong đó con người phải chịu sự dữ, và do đó con người trở thành chủ thể của đau khổ. Thật ra, đau khổ có cả hai tính cách: chủ động và thụ động (Patior: chịu đau khổ). Ngay cả khi con người tự gây đau khổ cho mình, thì xét theo yếu tố siêu hình, đau khổ vẫn có tính thụ động.

Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là đau khổ, xét về phương diện tâm lý, không có tính chủ động riêng. Thật vậy, hoạt động tính của đau khổ về mặt chủ quan rất đa dạng và khác biệt: đau đớn, buồn phiền, thất vọng, ủ rũ, và cả tuyệt vọng nữa. Sự phân biệt này dựa trên cường độ, chiều sâu của đau khổ, và một cách gián tiếp, dựa trên tất cả các cấu trúc của chủ thể chịu đau khổ và cảm tính riêng của chủ thể. Ở bên trong cái tạo nên hình thức tâm lý của đau khổ, bao giờ cũng có một kinh nghiệm về sự dữ gây nên đau khổ cho con người.

Như vậy, thực tại đau khổ làm nảy sinh câu hỏi về yếu tính sự dữ: sự dữ là gì?

Câu hỏi này, về mặt nào đó không thể tách rời khỏi đề tài đau khổ. Câu trả lời của Kitô giáo về vấn đề này khác với một số truyền thống văn hóa và tôn giáo chủ trương hiện hữu là một sự dữ mà con người cần phải tự giải thoát. Kitô giáo tuyên bố rằng tự căn bản, hiện hữu là một thiện-hảo, cái gì hiện hữu thì đó là một thực tại tốt đẹp; Kitô Giáo tuyên xưng lòng nhân hậu của Đấng Tạo Hóa và nhìn nhận rằng các thụ tạo đều tốt đẹp. Con người phải chịu đau khổ là do sự dữ. Sự dữ là một thiếu sót, một giới hạn hay biến chất của sự thiện. Có thể nói, con người phải chịu đau khổ bởi vì không tham dự vào sự thiện, hoặc theo một nghĩa nào đó, vì con người bị tước mất hay chính mình từ chối sự thiện. Con người phải chịu đau khổ, nhất là khi đáng lẽ phải tham dự vào sự thiện ấy trong trật tự thông thường, thì lại đã không tham dự.

Dựa theo quan điểm Kitô Giáo, thực tại đau khổ được giải thích bằng sự dữ, và một cách nào đó, sự dữ này bao giờ cũng quy chiếu về một sự thiện.

8. Đau khổ của con người tự nó làm thành như một thế giới riêng, hiện hữu đồng thời với con người, thế giới đó xuất hiện trong con người và biến mất đi, nhưng đôi khi đã không biến mất mà lại tồn tại và ăn sâu vào con người. Thế giới những khổ đau bao trùm nhiều người, rất nhiều, có thể nói, thế giới đó hiện diện tản mác khắp nơi. Với nỗi đau khổ riêng của mình, mỗi người làm nên một thành phần nhỏ trong thế giới đó, nhưng nơi mỗi người, thế giới đó lại như một thực thể rõ ràng và độc nhất. Tuy nhiên, nó cũng có chiều kích nhân loại và xã hội. Thế giới đau khổ có tính cách liên đới riêng của nó. Những người chịu đau khổ trở nên giống nhau vì có hoàn cảnh giống nhau, và cùng chịu sự thử thách của số phận, hoặc vì nhu cầu cần cảm thông và lưu tâm, và có lẽ nhất là vì sự day dứt về ý nghĩa của đau khổ. Dù hiện diện tản mác, nhưng thế giới những khổ đau tự nó cũng là một lời mời gọi đặc biệt phải hiệp thông và liên đới. Chúng ta sẽ cố gắng đáp lại lời mời gọi này trong những suy tư dưới đây:

* Khi suy nghĩ về thế giới những khổ đau, theo khía cạnh cá nhân cũng như tập thể, thì cuối cùng người ta phải nhận ra rằng, trong một số thời đại và ở một số nơi, có thể nói thế giới những đau khổ ấy chồng chất nhiều hơn, chẳng hạn những thiên tai, dịch tễ, tai biến, sụp đổ, và các tai họa xã hội khác nhau như nạn mất mùa, kéo theo nạn đói, không kể khi do những nguyên nhân khác.

* Sau cùng, hãy suy nghĩ về những cuộc chiến tranh. Chúng ta nhấn mạnh tới vấn đề này. Tôi muốn nói đến hai cuộc thế chiến gần đây nhất, trong đó, cuộc thế chiến thứ hai đã giết hại biết bao nhân mạng và đã gây ra biết bao đau khổ cho con người. Cũng thế, tương ứng với những sai lầm và vi phạm trong nền văn minh hiện đại của chúng ta, hậu bán thế kỷ này cũng hàm chứa nguy cơ chiến tranh hạt nhân rất khủng khiếp, đến nỗi chúng ta chỉ có thể nói về thời đại này bằng những từ: chồng chất vô số những đau khổ khôn sánh, thậm chí có thể có nguy cơ nhân loại tự tiêu diệt chính mình. Như vậy, xét cho cùng, khổ đau tùy thuộc về mỗi người, nhưng trong thời đại chúng ta, hơn lúc nào hết, dường như nó lại trở thành nỗi đau khổ của thế giới cách đặc biệt, một thế giới đang biến chuyển tột bậc nhờ những tiến bộ do con người tìm ra, nhưng đồng thời cũng là một thế giới đang gặp hiểm nguy do những sai lầm và lỗi phạm của con người nhiều hơn bao giờ hết.

III. TÌM CÂU TRẢ LỜI CHO VẤN NẠN VỀ Ý NGHĨA ĐAU KHỔ

9. Ngay trong nỗi đau khổ của con người, cũng như ở nền móng của toàn bộ thế giới những khổ đau, đã thấy có một câu hỏi không thể lẩn tránh được: tại sao? Đó là một câu hỏi về nguyên nhân, về lý do, nhưng đồng thời cũng là câu hỏi về mục đích, hay, xét cho cùng, đó là câu hỏi về ý nghĩa. Câu hỏi đó không chỉ đi kèm theo nỗi đau khổ của con người, nhưng dường như nó còn đi đến chổ xác định tính chất nhân loại của đau khổ, cái mà vì đó đau khổ được gọi đúng nghĩa là đau khổ của con người.

Hiển nhiên là, đau đớn, nhất là đau đớn thể lý, vẫn đầy dẫy trong thế giới loài vật. Nhưng chỉ có con người, khi đau khổ, mới biết mình đau khổ và tự hỏi lý do tại sao; và nếu không tìm được câu trả lời thỏa đáng thì lại càng đau khổ sâu xa hơn. Đây là một câu hỏi hóc búa, giống như câu hỏi tương tự: câu hỏi về sự dữ. Tại sao có sự dữ? Tại sao có sự dữ trên đời? Đặt vến đề như thế cũng là một cách đặt vấn đề đau khổ, ít là trong mức độ nào đó. Cả hai câu hỏi trên - khi người này đặt ra với người kia, nhóm người này đặt ra với nhóm người kia, và cả khi con người đặt ra với Thiên Chúa - đều rất nan giải. Thật vậy, con người không đặt câu hỏi đó với thế giới, dù rằng đau khổ của con người thường phát xuất từ thế giới, nhưng lại đặt ra với Thiên Chúa, Đấng Sáng Tạo và là Chúa của thế giới. Trong lãnh vực này, con người không những gặp phải nhiều tình trạng vỡ mộng và xung đột trong tương quan với Thiên Chúa, mà còn có thể đi đến chổ chối từ chính Thiên Chúa. Thật vậy, nếu sự hiện hữu của thế giới giúp tâm hồn con người nhận ra sự Hiện Hữu, Khôn Ngoan, Quyền Năng và Cao Cả của Thiên Chúa, thì sự dữ và đau khổ dường như lại làm lu mờ hình ảnh đó, đôi khi còn bôi xóa hoàn toàn, nhất là khi người ta chứng kiến bi kịch hàng ngày của biết bao đau khổ không do lỗi lầm của mình, và biết bao lỗi lầm mà không bị trừng phạt thích đáng. Vì thế, tình cảnh ấy, có lẽ hơn bất cứ tình cảnh nào khác, cho thấy tầm mức quan trọng của vấn đề ý nghĩa đau khổ, và chúng ta phải thật sáng suốt xem xét chính câu hỏi này cũng như mọi câu trả lời có thể có.

(còn tiếp)

Ban hành tại Rôma, gần đền thờ Thánh Phêrô.
Ngày lễ kính Đức Mẹ Lộ Đức, 11.2.1984

Năm thứ sáu
Triều đại Giáo Hoàng của tôi
GIOAN PHAOLÔ II

Tông thư Salvifici Doloris - Về ý nghĩa đau khổ của con người theo Kitô giáo, tr. 14-21.

________________________________
Chú thích:
(1) Như trường hợp Ezekias, x Is 31,1-3
(2) Điều Agar lo sợ, x St 15-16; Giacob nghĩ đến, x St 37,33-35; và Đavít cảm nghiệm, x 2 Sm 19,1
(3) Anna mẹ của Tobia lo sợ, x Tb 10,1-7; Gr 6,26; Am 8,10; Gcr 12,10
(4) Như Abraham St 15,2; Rachel St 30,1; hoặc Anna mẹ của Samuel 1Sm 1,6-10
(5) Lời than vãn của những kẻ bị lưu đày sang Babylon, Tv 137
(6) Tv 22, 17-21; Gr 18,18
(7) Như trường hợp Gióp (x G 19,18; 30,1-9); một số tác giả Tv (x Tv 22,7-9; 42,11; 44,16-17); Giêrêmia (20,7), và Người Tôi tớ đau khổ (x Ts 53,3)
(8) Như trường hợp một số tác giả Tv (22, 2-3; 31,33; 38,12; 8,9-19); Giêrêmia (15,17) hay Người tôi tớ đau khổ (x Is 53,3)
(9) Của tác giả Tv (50,5); những người chứng kiến nỗi đau khổ của Người tôi tớ Giavê (Is 53,3-6); Ngôn sứ Giacaria (12,10)
(10) Tv 73, 3-14; Gv 4,1-3
(11) Gióp 9,19; Tv 41,10; 54,13-15; Giêrêmia 20,10; Hc 37,1-6
(12) Aica - Tv 44, 10-17; 77,3-11; 79,11; 89,51; Is 22,4; Gr 4,8; 13,17; 14,17-18; Ed 9,8; 21,11-12; Đn 3,31-40; 9,18-19
(13) Is 38,13; Gr 23,9; Tv 31,10-11; 42,10-11
(14) Tv 73,21; G 16,13; Ac 3,13
(15) Ac 2,11
(16) Is 16,11; Gr 4,19; G 30,27; Ac 1,20
(17) 1Sm 1,8; Gr 4,19; 8,18; Ac 20,22; Tv 38,9

Bài liên quan:

Tông thư Salvifici doloris - Về ý nghĩa đau khổ