Suy niệm BĐ1 - CN I Mùa Chay - Thiên Chúa lập giao ước

[ Điểm đánh giá5/5 ]1 người đã bình chọn
Đã xem: 94 | Cập nhật lần cuối: 6/9/2024 12:32:12 PM | RSS

Sau hồng thuỷ, Thiên Chúa lập giao ước với ông Nôê.

Bài trích sách Sáng thế. (St 9, 8-15)

8 Khi ấy, Thiên Chúa phán với ông Nô-ê và các con ông đang ở với ông rằng :

9 “Đây Ta lập giao ước của Ta với các ngươi, với dòng dõi các ngươi sau này,

10 và tất cả mọi sinh vật ở với các ngươi : chim chóc, gia súc, dã thú ở với các ngươi, nghĩa là mọi vật ở trong tàu đi ra, kể cả dã thú.

11 Ta lập giao ước của Ta với các ngươi : mọi xác phàm sẽ không còn bị nước hồng thuỷ huỷ diệt, và cũng sẽ không còn có hồng thuỷ để tàn phá mặt đất nữa.”

12 Thiên Chúa phán : “Đây là dấu hiệu giao ước Ta đặt giữa Ta với các ngươi, và với mọi sinh vật ở với các ngươi, cho đến muôn thế hệ mai sau :

13 Ta gác cây cung của Ta lên mây, và đó sẽ là dấu hiệu giao ước giữa Ta với cõi đất.

14 Khi Ta cho mây kéo đến trên mặt đất và cây cung xuất hiện trong mây,

15 Ta sẽ nhớ lại giao ước giữa Ta với các ngươi, và với mọi sinh vật, nghĩa là với mọi xác phàm ; và nước sẽ không còn trở thành hồng thuỷ để tiêu diệt mọi xác phàm nữa.”

Ai cũng biết ông Nôê đã xây một chiếc thuyền khổng lồ để cho vợ chồng con cái cùng các giống vật, có đực có cái, tránh nạn lụt hồng thủy. Chúa đã tiên báo cho ông thảm họa sắp tới. Tất cả các sinh vật bị chìm đắm vì Chúa chỉ còn cách đó để diệt tận rễ sự dữ. Và ai cũng biết câu chuyện, sau cơn lụt ông Nôê gởi nhiều con chim đi thám thính để biết nước đã rút và đất liền đã gần. Sau cùng có con bồ câu mang về một cành ô liu chứng tỏ gần đất liền có thể ở được.

Thế nhưng ít người biết là không chỉ có Thánh kinh mới kể lại chuyện này. Truyện chúng ta đang đọc được viết (trong sách Sáng thế chương 6 tới 9) giữa năm 1000 với 500 trước Công nguyên (CN). Thế nhưng trước đó nhiều, ít nhất là 1600 năm trước CN, ở xứ Mêsôpôlamia có một truyền thuyết của Atra Hasít và của Gingamesơ (Atra-Hasis và Gilgamesh), cũng kể lại chuyện lụt hồng thuỷ này. Hai câu chuyện rất giống nhau, chứng tỏ người viết Thánh kinh biết rõ câu chuyện từ Babylon.

Trong hai truyện, nhân vật chính (Atra Hasít và Nôê) được tiên báo, xây tàu và cho gia đình mình cùng với hai giống các mẫu súc vật lên tàu tránh lụt. Các đập trên trời mở ra và vùi ngập cả trái đất. Khi mưa tạnh, tàu dừng lại và người thuyền trưởng thả chim đi thám thính xem có chỗ nào chạm đất chưa. Khi mặt đất ở được, nhân vật chính rời khỏi tàu và dâng một của lễ.

Có những điều thật giống nhau giữa truyện trong Thánh kinh và câu chuyện của các tổ tiên thời Babylon. Thế nhưng có những điều khác nhau, chính những điều đó đáng cho chúng ta chú ý, vì những điều này giúp chúng ta khám phá các mặc khải của Thiên Chúa.

Về lý do của lụt hồng thuỷ, thời ấy ai cũng cho Thiên Chúa là lý do đầu tiên của những sự kiện. Trong hai câu chuyện các thần linh đã ra lệnh. Thế nhưng không cùng một lý do. Ở Babylon các thần chán ngán loài người, được tạo nên cho vui và để phục vụ nhưng nay lại làm phiền sự yên tĩnh các thần. Trong Thánh kinh loài người không phải là đồ chơi của Chúa, việc họ ăn ở xấu xa là sai đi chương trình của Thiên Chúa. Thánh kinh viết: "ĐỨC CHÚA thấy rằng sự gian ác của con người quả là nhiều trên mặt đất, và lòng nó chỉ toan tính những ý định xấu suốt ngày. ĐỨC CHÚA hối hận vì đã làm ra con người trên mặt đất, và Người buồn rầu trong lòng. ĐỨC CHÚA phán: "Ta sẽ xoá bỏ khỏi mặt đất con người mà Ta đã sáng tạo, từ con người cho đến gia súc, giống vật bò dưới đất và chim trời, vì Ta hối hận đã làm ra chúng."Nhưng ông Nô-ê được đẹp lòng ĐỨC CHÚA."(St 5, 5-8). Có nghĩa là theo tác giả Thánh kinh, thứ nhất con người có trách nhiệm về tương lai của mình, thứ hai là Chúa không chôn vùi người có tội và người vô tội.

Có điều khác nữa, sau khi lụt hồng thuỷ rút, nhân vật Babylon được cất về trời và trở nên một vị thần: người ấy vĩnh viễn thoát kiếp con người, đó thường là mộng ước nhiều người. Trong Thánh kinh thì khác hẳn. Ông Nôê vẫn là người từ nay được Thiên Chúa kết giao ước; chương trình Tạo Dựng được tiếp tục và đổi mới. Tác giả Thánh kinh dùng những từ ngữ giống nhau cho Nôê cũng như cho Ađam. Hãy sinh sôi nảy nở thật nhiều, cho đầy mặt đất." (St 9, 2; St 1,28). Sự đổi mới của cuộc Tạo Dựng được đánh dấu bằng một lời hứa giao ước của Thiên Chúa. Trong bài đọc ngắn hôm nay mà được lặp lại 5 lần từ "giao ước" Ta sẽ nhớ lại giao ước giữa Ta với các ngươi. Đây là một lời hứa không bao giờ thấy trong đoạn nào khác trong Thánh kinh, như một hiệp ước giữa Thiên Chúa và loài người, một dự án nhân từ của Thiên Chúa dành cho nhân loại. Đấy là một sáng kiến mà con người không thể tự tìm thấy, phải có sự mặc khải của Thánh kinh.

Chúa còn nói rõ là giao ước đó dành cho cả loài người và mãi mãi.15 Ta sẽ nhớ lại giao ước giữa Ta với các ngươi, và với mọi sinh vật, nghĩa là với mọi xác phàm. Trước đó một chút có một câu tuyệt vời: Bao lâu đất này còn, thì mùa gieo mùa gặt, trời lạnh và trời nóng, tiết hạ và tiết đông, ban ngày và ban đêm, sẽ không ngừng đắp đổi(St 8, 22). Chúng ta nên chú ý rằng Nôê có trước Abraham nhiều, ông không phải là Do Thái (là con cháu Ađam) rất có thể ở xứ Mêsôpôlamia. Sách không nói rõ là đâu, nhưng chỉ nói chiếc tàu dừng lại ở núi Ararát, ngọn núi cao 5000 thước phía bắc thành Ninivê. (Ngày nay là miền đông Thổ Nhĩ Kỳ, gần ranh giới với Acmani). Có nghĩa là Chúa không chờ đến dân Do Thái mới mới lập giao ước với loài người.

Còn một sự khác biệt nữa với quan niệm Kinh thánh. Khi mọi người thoát nạn làm lễ cúng, các thần ngoại thích mùi thơm thịt nướng, rất hài lòng và để thưởng nhân vật chính, thần ngoại biến người ấy thành thần. Trái lại, đối với Thiên Chúa, đây không phải một sự có qua có lại nhưng của lễ là một hành động giao ước.

Để kết thúc, dĩ nhiên hình ảnh rất đẹp của cầu vồng là một trong những nét tuyệt vời của tác giả Thánh kinh. Cầu vồng đã có từ lâu rồi, trước khi tác giả viết sách Sáng Thế, nhưng ở đây nêu lên thật là một cảm hứng tuyệt vời! Cầu vồng hình như muốn nối liền trời và đất, xuất hiện lúc ánh sáng chiếu rọi khi mưa chấm dứt, đó là một biểu tượng tuyệt đẹp cho giao ước giữa Thiên Chúa và con người. Không kể đây là một cách "chơi chữ " lý thú, chữ cầu vồng trong tiếng Pháp có từ "Arc" cũng giống tiếng Do Thái, có nghĩa là cái cung, tiếng Việt ta là cái vòng cung. Hình ảnh gợi cho chúng ta là Thiên Chúa gác cung lên tường, khí cụ chiến tranh.

Tất cả những điều này chứng tỏ việc mặc khải cho con người đã bắt đầu từ lâu: để khám phá ra một Thiên Chúa không trả đũa nhân loại mà đề nghị một giao ước vì muốn mọi sinh vật được cứu độ. Sau này, phỏng theo đó sách Khôn Ngoan viết: "Trước Thánh Nhan, toàn thể vũ trụ ví tựa hạt cát trên bàn cân, tựa giọt sương mai rơi trên mặt đất. Nhưng Chúa xót thương hết mọi người, vì Chúa làm được hết mọi sự. Chúa nhắm mắt làm ngơ, không nhìn đến tội lỗi loài người, để họ còn ăn năn hối cải. Quả thế, Chúa yêu thương mọi loài hiện hữu, không ghê tởm bất cứ loài nào Chúa đã làm ra, vì giả như Chúa ghét loài nào, thì đã chẳng dựng nên. Nếu như Ngài không muốn, làm sao một vật tồn tại nổi? Nếu như Ngài không cho hiện hữu, làm sao nó có thể được duy trì? Lạy Chúa Tể là Đấng yêu sự sống, Chúa xử khoan dung với mọi loài, vì mọi loài đều là của Chúa." (Kn 11, 23-26)

Tác giả: Marie-Noëlle Thabut
Nguồn: L’ intelligence des Ecritures, Socéval Editions

Dịch giả: E. Máccô Lương Huỳnh Ngân

Loading...