Suy niệm BĐ1 - CN XXVII TN A - Thành tín và yêu thương

[ Điểm đánh giá5/5 ]1 người đã bình chọn
Đã xem: 106 | Cập nhật lần cuối: 1/5/2024 4:24:26 PM | RSS

"Vườn nho của Chúa, các đạo binh là Ít-ra-en"

Trích sách Tiên tri I-sa-i-a (Is 5, 1-7)

1 Tôi xin hát tặng bạn thân tôi,
bài ca của bạn tôi về vườn nho của mình.
Bạn thân tôi có một vườn nho trên sườn đồi mầu mỡ.

2 Anh ra tay cuốc đất nhặt đá,
giống nho quý đem trồng,
giữa vườn anh xây một vọng gác,
rồi khoét bồn đạp nho.
Anh những mong nó sinh trái tốt,
nó lại sinh nho dại.

3 Vậy bây giờ,
dân Giê-ru-sa-lem và người Giu-đa hỡi,
xin phân xử đôi đàng giữa tôi với vườn nho.

4 Có gì làm hơn được cho vườn nho của tôi,
mà tôi đã chẳng làm?
Tôi những mong trái tốt, sao nó sinh nho dại?

5 Vậy bây giờ tôi cho các người biết
tôi đối xử thế nào với vườn nho của tôi:
hàng giậu thì chặt phá cho vườn bị tan hoang,
bờ tường thì đập đổ cho vườn bị giày xéo.

6 Tôi sẽ biến thửa vườn thành mảnh đất hoang vu,
không tỉa cành nhổ cỏ, gai góc mọc um tùm;
sẽ truyền lệnh cho mây đừng đổ mưa tưới xuống.

7 Vườn nho của ĐỨC CHÚA các đạo binh,
chính là nhà Ít-ra-en đó;
cây nho Chúa mến yêu quý chuộng,
ấy chính là người xứ Giu-đa.
Người những mong họ sống công bình,
mà chỉ thấy toàn là đổ máu;
đợi chờ họ làm điều chính trực,
mà chỉ nghe vẳng tiếng khóc than.

«1 Tôi xin hát tặng bạn thân tôi, bài ca của bạn tôi về vườn nho của mình. Bạn thân tôi có một vườn nho trên sườn đồi mầu mỡ. 2 Anh ra tay cuốc đất nhặt đá, giống nho quý đem trồng»

Xin ghi nhận điều này: vườn nho ở Itraen rất quý giá! Theo Pháp ngữ từ ‘cây nho’ và ‘vườn nho’ là một từ giống nhau. Trong bài này nho chỉ vườn nho, có nghĩa là một khoảng đất của mình rồi. Phải luôn luôn chăm sóc, có nghĩa là vun xới, trồng trọt. Ai cũng còn nhớ đến ông Nôê, người làm vườn nho đầu tiên. Sau lụt hồng thủy (St 9, 20-22) nho là loại cây đầu tiên được trồng lại, dấu hiệu văn minh đầu tiên, và cũng là dấu hiệu đầu tiên của giai đoạn hòa bình, con người có thể cày cấy cho ngày mai.

Trong suốt hành trình xuyên sa mạc, dĩ nhiên không thể được, đó là điều dân chúng trách ông Môsê, khi mất tinh thần: «Hai ông đưa chúng tôi từ Ai-cập lên để làm gì? Có phải để đưa chúng tôi vào chốn độc địa này chăng? Đây không phải là nơi để gieo vãi, không vả, không nho, không lựu, không cả nước uống.» (Ds 20, 5) Ngược lại, khi ông Môsê tổ chức một đoàn thám thính đi đầu làm tiền trạm trước khi vào đất Canaan, vùng đất Chúa hứa, đoàn thám thính rất ấn tượng khi thấy những vườn nho phì nhiêu; đó là mùa hái nho: «Họ vào đến thung lũng Ét-côn, ở đó họ chặt một nhành nho và một chùm nho, rồi hai người dùng sào mà khiêng, họ cũng lấy cả lựu và vả» (Ds13, 23). Và khi muốn nói lên thời kỳ hạnh phúc, phồn vinh; Thánh Kinh có câu: «Giu-đa và It-ra-en được an cư, mỗi người dưới cây nho và cây vả của mình, từ Đan tới Bơ-e Se-va trong suốt thời vua Sa-lô-môn cai trị » (1V 5, 5). Và cũng như thế, khi nói đến triều đại Thiên Chúa trong tương lai, triều đại của hòa bình và công lý, Thánh Kinh nói: «Mỗi người sẽ ngồi dưới cây vả cây nho của mình, không còn ai quấy phá.» (Mk 4, 4)

Có lẽ Tiên tri Isaia lấy vài câu hay để bắt đầu bài của ngài. Nhưng người nghe không nhầm lẫn, họ biết đây không chỉ là một bài ca vui mùa gặt hái! Đó là vị Tiên tri thật sự đề nghị một bài dụ ngôn, và cũng như mọi dụ ngôn phải đọc hết cốt truyện mới rút ra được bài học. Trong bài này, chính tác giả là Tiên tri giải thích bài dụ ngôn: «Vườn nho của ĐỨC CHÚA các đạo binh, chính là nhà Ít-ra-en đó; cây nho Chúa mến yêu quý chuộng, ấy chính là người xứ Giu-đa.» (c. 7) Còn về hoa trái, Tiên tri Isaia cũng rất rõ: trái nho tốt được mong chờ là công bình và chính trực; nho xấu ngài gọi là điều bất công và lời than khóc: «Khốn thay những kẻ đặt ra các luật lệ bất công, những kẻ viết nên các chỉ thị áp bức, để cản người yếu hèn hưởng công lý, tước đoạt quyền lợi người nghèo khó trong dân tôi» (Is 10, 1-2) Đó là việc người giàu ích kỷ chỉ lo kiếm tiền và của cải, không quan tân đến kẻ nghèo khốn, rất thường gặp trong những lúc phồn vinh: «Khốn thay những kẻ tậu hết nhà nọ đến nhà kia nối thêm ruộng này đến ruộng khác tới mức không còn chỗ trống và chỉ còn một mình các người ở lại trong xứ! Tai tôi nghe tiếng ĐỨC CHÚA các đạo binh thề rằng: nhà cửa có nhiều cũng sẽ tan hoang, có lớn và đẹp cũng không người ở. Mười sào nho chỉ cho một thùng rượu, một tạ hạt giống chỉ cho một giạ lúa. Khốn thay những người dậy sớm để chạy theo ma men, những kẻ kề cà mãi tới khuya, cho rượu nung đốt chúng. Giữa tiếng đàn sắt, đàn cầm, tiếng trống con và tiếng sáo, chúng chè chén say sưa; còn hành động của ĐỨC CHÚA, chúng không ngó ngàng, việc tay Người làm, chúng chẳng nhìn xem.» (Is 5, 8-12)

Có điều còn tệ hơn nữa, đó là công lý bị đồi bại: «Khốn thay những kẻ bảo cái tốt là xấu, cái xấu là tốt, những kẻ biến tối thành sáng, sáng thành tối, biến cay đắng thành ngọt ngào, ngọt ngào thành cay đắng.» (Is 5, 20) Nói cách khác, các quan tòa bị mua chuộc.

Các nỗ lực không được đáp trả xứng đáng, những người làm vườn nho phản ứng ra sao? Cuối cùng họ phải công nhận đất này xấu quá, và họ bỏ cách làm ăn này. Mảnh vườn xưa kia ngăn nắp tốt đẹp, nhanh chóng trở nên một vùng đất hoang, gai góc bụi rậm mọc khắp nơi như Tiên tri Isaia nói: «Đến ngày đó, mọi nơi có ngàn gốc nho đáng giá ngàn bạc, sẽ chỉ có gai góc và bụi rậm. Vào đó, người ta sẽ phải mang cung và tên, vì toàn xứ sẽ chỉ có gai góc và bụi rậm» (Is 7, 23, 24)…đến nỗi làm cho chúng ta không thể nào không nghĩ đến gai góc mọc lên sau lỗi phạm của Ađam. (St 3, 18)

Lúc nào cũng cùng bài học ấy: xa lìa và không giữ các điều răn là đi sai đường. Con người được tạo dựng để sống hạnh phúc và tự do, lại trở nên con mồi của tất cả những điều ích kỷ, cùng những tánh hư tật xấu. Cuối cùng, kết cuộc luôn luôn tồi tệ, cũng như mảnh đất vườn nho tốt đẹp khi xưa bị bỏ hoang, trở nên mồi cho thú dữ.

Một lần nữa, điều đáng lo ngại trong sứ điệp của Tiên tri Isaia là ngài gán cho Chúa là đấng thi hành hình phạt: người chủ vườn nho không chỉ để cho tự nhiên; chính ông chặt phá hàng giậu để cho thú dữ giày xéo…Trên thực tế, cũng như Chúa nhật vừa qua, với Tiên tri Êdêkien, chúng ta đang ở trong một giai đoạn sư phạm của Chúa. Với Tiên tri Isaia còn sớm hơn Êdêkien nữa, thời kỳ mà mọi người còn nghĩ Chúa phạt những hành động xấu xa, thời điểm ấy họ chưa thoát khỏi thờ lạy bụt thần. Vì thế, đối với các tiên tri chỉ có một quyền lực trên thế gian. Không phải sợ chúa nào khác. Trong bất cứ chuyện gì có thể xảy ra, hãy hướng về Thiên Chúa Ítraen. Chính Ngài, Đấng Cực Thánh Ítraen, hoàn toàn xa lạ với mọi điều thấp hèn, bất công của con người. Họ không có một cơ may sống sót nào nếu không thay đổi cuộc sống.

Chúng ta có thể nói, Tiên tri Isaia lên giọng đó, nhưng đừng quên, cũng một Tiên tri Isaia ấy, sau này để khích lệ dân mình, ngài nói, trong những phiên khúc khác của bài ca vườn nho: «Ngày ấy, các ngươi hãy ca ngợi vườn nho tuyệt diệu. Chính Ta, ĐỨC CHÚA, Ta là người canh giữ vườn nho, vẫn đều đặn tưới nước; Ta canh giữ ngày đêm, không cho ai phá hoại. Ta không giận nữa đâu: có gai góc hay bụi rậm» (Is 27, 2-4a)

Điều may mắn cho chúng ta là, 2500 năm sau, chúng ta biết Thiên Chúa không bao giờ nổi giận!

Tác giả: Marie-Noëlle Thabut
Nguồn: L’ intelligence des Ecritures, Socéval Editions

Dịch giả: E. Máccô Lương Huỳnh Ngân