Lời sống tháng 10/2023: "Thế thì của Xêda trả cho Xêda..."

[ Điểm đánh giá5/5 ]1 người đã bình chọn
Đã xem: 558 | Cập nhật lần cuối: 12/9/2023 2:36:24 AM | RSS

"Thế thì của Xêda, trả về Xêda; của Thiên Chúa, trả về Thiên Chúa." (Mt 22, 21)

Chúa Giêsu đã vào thành Giêrusalem, được dân chúng tung hô như “Con vua Đavít”, một danh hiệu hoàng gia mà Tin mừng Mátthêu gán cho Đức Kitô, Người đến để công bố Vương quốc Thiên Chúa sắp đến.

Trong bối cảnh này đã diễn ra một cuộc đối thoại đặc biệt giữa Chúa Giêsu và một nhóm người, trong số đó một số người thuộc nhóm Hêrốt, những người khác thuộc nhóm Pharisêu, hai nhóm có quan niệm khác nhau về quyền thế của hoàng đế Rôma: họ hỏi Người có nên hay không nên nộp thuế cho hoàng đế, để buộc Người phải đi theo phe thuận hoặc chống lại Xêda và như vậy có cớ để tố cáo Người.

Nhưng Chúa Giêsu trả lời bằng một câu hỏi khác về hình khắc trên đồng tiền lúc đó. Vì hình đó là hình của hoàng đế, nên Người trả lời:

"Thế thì của Xêda, trả về Xêda; của Thiên Chúa, trả về Thiên Chúa."

Nhưng điều gì là của Xêda và điều gì là của Thiên Chúa?

Chúa Giêsu nhắc đến tính ưu việt của Thiên Chúa: bởi vì trên đồng tiền Rôma có in hình của hoàng đế, cũng thế nơi mỗi người đều có in hình ảnh Thiên Chúa.

Chính truyền thống Do thái khẳng định rằng mỗi người đều được dựng nên theo hình ảnh Thiên Chúa (St 1, 26), khi dùng thí dụ hình ảnh in trên đồng tiền: “Khi một người đúc tiền với cùng một khuôn, thì những đồng tiền đó đều giống nhau, nhưng vị Vua trên các vua, Đấng Thánh đáng được chúc tụng, đã đúc mỗi người với cùng một khuôn như con người đầu tiên, và không ai bằng bạn hữu của Thiên Chúa” (Mishnà Sanhedrin 4,5)

Như vậy chúng ta chỉ có thể dâng hiến cho Thiên Chúa chính con người chúng ta, chúng ta chỉ thuộc về Người và nơi Người chúng ta tìm được tự do và phẩm giá của mình. Không quyền bính nhân loại nào có thể đòi hỏi cùng một lòng trung thành như vậy.

Nếu có người nào biết Thiên Chúa và có thể giúp chúng ta dành cho Thiên Chúa đúng chỗ của Người, thì người đó vẫn là Chúa Giêsu. Đối với Người: “[…] mến yêu có nghĩa là chu toàn ý muốn của Chúa Cha, bằng cách hiến cho Người trí tuệ, cõi lòng, sức lực, chính cuộc sống: dâng hiến mọi sự cho chương trình mà Chúa Cha đã dành cho Người. Tin mừng cho chúng ta thấy Chúa Giêsu luôn luôn và hoàn toàn hướng về Chúa Cha […] Người cũng đòi chúng ta như vậy: mến yêu có nghĩa là thực thi ý muốn của người mình yêu, không nửa vời, bằng tất cả con người chúng ta. […] Theo đó Người đòi chúng ta tính triệt để cao độ nhất, bởi vì không thể dâng lên Thiên Chúa điều gì ít hơn là mọi sự: tất cả tấm lòng, tất cả tâm hồn, tất cả trí khôn” (C. Lubich, Lời sống tháng Mười 2002).

"Thế thì của Xêda, trả về Xêda; của Thiên Chúa, trả về Thiên Chúa."

Biết bao lần chúng ta đứng trước những tình trạng khó xử, những chọn lựa khó khăn liều mình làm cho chúng ta rơi vào cám dỗ của những lối thoát dễ dàng. Cả Chúa Giêsu cũng bị thử thách trước hai giải quyết xung khắc nhau, nhưng đối với Người thì rõ rệt: ưu tiên dành cho Nước Thiên Chúa ngự đến, với tình yêu là trên hết.

Chúng ta hãy để cho Lời này tra vấn chúng ta: cõi lòng chúng ta có bị chinh phục bởi danh tiếng, bởi sự nghiệp mau qua, bởi sự ngưỡng mộ những người thành công, bởi ảnh hưởng của người khác không? Chẳng lẽ chúng ta dành cho sự vật chỗ dành cho Thiên Chúa sao?

Với câu trả lời, Chúa Giêsu đề xướng một bước đột phá, mời gọi chúng ta phân định nghiêm chỉnh và sâu xa về bậc thang giá trị của chúng ta.

Trong tận thâm sâu của lương tâm chúng ta có thể lắng nghe một tiếng nói, đôi khi nhỏ nhẹ và đôi khi bị những tiếng khác xen lẫn. Nhưng chúng ta có thể nhận ra tiếng đó: đó là tiếng thúc đẩy chúng ta không ngừng tìm kiếm những con đường của tình huynh đệ và khuyến khích ta lặp lại chọn lựa này, cả khi phải đi ngược dòng.

Đó là một việc tập luyện cơ bản để xây dựng nền tảng cho việc đối thoại đích thực với người khác, để cùng nhau tìm được những câu trả lời cho cuộc sống phức tạp. Điều này không có nghĩa là rút lui khỏi những trách nhiệm của mình đối với xã hội, mà hiến mình phục vụ vô vụ lợi cho lợi ích chung.

Trong cuộc tù đày đưa đến chỗ tử hình vì chống đối chủ nghĩa quốc xã tại nước Đức, ông Dietrich Bonhoeffer đã viết cho vị hôn thê: “Anh không hiểu một đức tin trốn tránh thế gian, mà một đức tin chống cự nơi thế gian và mến yêu cùng trung thành nơi trần gian, mặc cho tất cả những gian khổ mà đời này đem lại cho chúng ta. Cuộc hôn nhân của chúng ta phải là lời thưa vâng với thế giới của Thiên Chúa, phải củng cố trong ta lòng can đảm làm việc và tạo nên cái gì đó trên trần gian. Anh sợ là những Kitô hữu chỉ sống trên đời này bằng một chân, thì họ cũng sẽ chỉ ở trên trời với một chân thôi” (Lettera alla fidanzata, Queriniana, Brescia 1992, 48).

Do Letizia Magri và nhóm Lời Sống thực hiện